Sunday, November 3, 2019

Vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS và tương lai chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cái chết của thủ lĩnh IS al-Baghdadi đến vào thời điểm không thể thích hợp hơn, khi mà Tổng thống Mỹ đang đối mặt với cáo buộc bỏ rơi đồng minh người Kurd tại Đông Bắc Syria và nguy cơ bị phe Dân chủ luận tội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc triệt hạ thủ lĩnh IS sẽ không khiến các nghị sĩ bớt tập trung vào cuộc điều tra đối với ông Trump.
ảnh 1
Nhiều người đã ca ngợi Tổng thống Donald Trump về thành công của chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS. Ngay cả thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa, người từng chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống rút quân khỏi Syria, cũng bày tỏ lời khen ngợi: “Cuộc chơi đã thay đổi. Đây là thời điểm nên tự hào về quân đội Mỹ cũng như các cơ quan tình báo của chúng ta. Và đây cũng là thời điểm mà những người chỉ trích ông Trump nhiều nhất nên nói: Ông làm tốt lắm, Tổng thống”.
Tăng lợi thế tranh cử
Việc tiêu diệt một trùm khủng bố khét tiếng sẽ giúp nâng cao đáng kể uy tín của Tổng thống Trump, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. Chiến dịch đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS al-Baghdadi diễn ra trong bối cảnh chỉ còn 1 năm trước cuộc bầu cử mà ông Trump muốn tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, Tổng thống Trump có thể tận dụng thành tích tiêu diệt thủ lĩnh IS để lấy cảm tình của cử tri trong cuộc vận động tranh cử năm tới, bên cạnh thành tích về kinh tế Mỹ trong thời gian ông ngồi ở Nhà Trắng.
Gần đây ông Trump có nhắc lại, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng việc đánh đuổi IS sẽ mất khoảng 2 năm, nhưng ông chỉ mất hơn 1 tháng. Còn với al-Baghdadi, ông đã tìm kiếm hắn 3 năm nay, chứng tỏ ông xem trọng mục tiêu này đến thế nào. Rõ ràng là ông Trump hy vọng thành công của chiến dịch sẽ tạo tiền đề để ghi điểm trước các cử tri vẫn còn đang phân vân về năng lực lãnh đạo của ông. Học giả Lanhee Chen đến từ Viện Hoover nói: “Tôi nghĩ việc này sẽ không thay đổi quỹ đạo chính trị của chúng ta, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nó là một chiến thắng của Tổng thống”.
Chiến công tiêu diệt al-Baghdadi là một lợi thế mà chỉ Tổng thống Trump mới có được. Tờ New York Times nhận định, với Tổng thống Trump, tác động tích cực từ việc tiêu diệt al-Baghdadi là điều gần như chắc chắn, bởi IS từ lâu đã được biết đến là một cái tên gieo rắc kinh hoàng cho người dân Hợp chủng quốc với hàng loạt vụ khủng bố và video hành quyết con tin mang quốc tịch Mỹ. Tổng thống Trump tự nhận rằng, chiến dịch này còn lớn hơn sự kiện tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden. Có một sự trùng hợp đến ngạc nhiên, chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda năm 2011 đã trở thành một trong những bước ngoặt cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama vào năm sau đó.
ảnh 2Hiện trường vụ tiêu diệt trùm khủng bố IS al-Baghdadi ở Idlib, Syria
Thông điệp về chính sách đối ngoại 
Cũng trong bài phát biểu với phóng viên ngày 27-10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng, với việc  al-Baghdadi đã chết, giờ đây thế giới đã trở nên an toàn hơn rất nhiều. Đối với ông Trump, cái chết của al-Baghdadi là minh chứng cho sự khôn ngoan của chiến lược bảo vệ nước Mỹ từ nội địa mà không cần phải đưa lính Mỹ tham gia vào những “cuộc chiến không hồi kết” ở nước ngoài.
Dù vậy, có một thực tế là, bất chấp việc rút gần như toàn bộ 1.000 binh sỹ khỏi Syria, Lầu Năm Góc lại có kế hoạch điều xe tăng và lực lượng chiến đấu tới Đông Bắc Syria, viện dẫn lý do cần bảo vệ các giếng dầu mà người Kurd đang kiểm soát khỏi nguy cơ rơi vào tay IS. Điều này là một ngoại lệ đối với quy tắc “không binh sỹ” của Trump.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ mấy ngày qua đã có nhiều bài bình luận, đã đến lúc nên thừa nhận tất cả những gì Washington muốn ở Syria là dầu mỏ “đáng giá”.
Việc giết al-Baghdadi phần nào nhấn mạnh thông điệp chính sách đối ngoại đơn giản mà ông Trump đang tạo ra cho chiến dịch tái tranh cử của mình, đó là: Ông hoàn toàn có thể đánh bại IS tại Trung Đông, và ở vùng đất đó, Mỹ sẽ rút quân trừ khi đó là lợi ích kinh tế trực tiếp của nước Mỹ. “Ưu tiên số 1 của chính quyền ông Trump trong chính sách Syria là thâu tóm các nguồn dầu mỏ của nước này” - Benjamin Hart, tác giả một bài viết trên Tạp chí New York hôm 25-10 viết.
Mỹ chưa từng có ý định “trả” các vùng lãnh thổ nhiều dầu mỏ ở Syria cho chính quyền Damascus. Ý định càng được thể hiện rõ khi Tổng thống Trump hôm 27-10 cũng đã bày tỏ muốn “thỏa thuận với Exxon Mobil hoặc 1 trong những công ty lớn của Mỹ vào cuộc” và khai thác các giếng dầu ở Syria một cách phù hợp.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26-10 đăng tải các dữ liệu vệ tinh cho thấy, người Kurd đang khai thác và buôn lậu dầu mỏ ở Syria ra ngoài quốc gia này “với sự bảo hộ của lính Mỹ và nhà thầu quốc phòng tư nhân Mỹ”. Một người phát ngôn Bộ này cho biết, các hoạt động buôn bán dầu mỏ phi pháp mà Mỹ giám sát này đem lại doanh thu hơn 30 triệu USD/tháng, đồng thời gọi đây là “thổ phỉ quốc tế”.
Không đẩy lùi được điều tra luận tội 
Cũng có quan điểm cho rằng, cái chết của trùm khủng bố al-Baghdadi không có nghĩa là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị triệt tiêu trong khi ông Trump chưa có chiến lược nào cho khu vực Trung Đông. Ông cũng bị chỉ trích đã phá vỡ truyền thống vì không báo cáo sơ lược về cuộc đột kích đến các nhà lãnh đạo cao nhất của Quốc hội Mỹ. Bên cạnh đó, cái chết của al-Baghdadi được đánh giá là thành tựu quan trọng của Tổng thống Donald Trump, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, điều này không có tác dụng thay đổi cục diện cuộc điều tra luận tội ông.
Tin tức về cái chết của al-Baghdadi lan khắp thế giới vào thời điểm ông Trump phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội từ đảng Dân chủ. Giới chức đảng này cho rằng, Tổng thống Trump đã đề nghị người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ đạo mở cuộc điều tra nhằm vào con trai ông Joe Biden, qua đó tạo lợi thế cho ông Trump trong cuộc đua tái tranh cử Tổng thống năm 2020.
Đúng như dự đoán, ngày 31-10, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết tiến hành việc điều tra luận tội, gây sức ép lên Tổng thống Donald Trump trước cuộc bầu cử năm 2020. Như vậy là lần thứ 3 trong lịch sử hiện đại, một Tổng thống Mỹ đương nhiệm bị đưa ra luận tội. Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã có một loạt tuyên bố phản ứng trên mạng xã hội Twitter. Ông chỉ trích “trò lừa đảo”, “cuộc săn phù thủy” của phe Dân chủ không phải vì sự thật và công lý mà vì lo sợ và căm ghét ông.
ảnh 3 “Việc Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên truyền hình thông báo về thành công của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi giống như chiếc dây đai an toàn trong cuộc chiến sinh tồn chính trị của ông. Không còn nghi ngờ gì nữa, một ông Trump bị tổn thương, bị tấn công tứ phía, lại đang mất niềm tin của các đồng minh chính trị, giờ đã được củng cố rất nhiều”.
Bình luận của tờ Guardian (Anh)

Friday, October 4, 2019

Chiến thuật "biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp" trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông

- Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Quốc tiếp tục đưa nhóm tàu Hải Dương 8 trở lại xâm nhập và mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
ảnh 1Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép
Bước đi mới trong chiến lược từng bước độc chiếm Biển Đông

Đây là lần thứ 4 kể từ tháng 7-2019, các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Không khó khăn gì để có thể thấy rằng việc làm sai trái trên của Trung Quốc là bước đi mới nhất trong chiến lược từng bước độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc dự tính từ lâu. Kế sách để thực hiện mục tiêu đó là chiến thuật “biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp” ở Biển Đông.
Trước hết, Trung Quốc tự vẽ ra “Đường lưỡi bò 9 đoạn”, hay còn gọi là “Đường chữ U” bất hợp pháp chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, đồng thời tuyên bố kiểm soát toàn bộ tài nguyên, vùng trời, vùng biển, đáy biển trong khu vực “Đường chữ U”.
Theo quy định của UNCLOS, các nước ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Các nước cũng đồng thời xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
Dựa trên các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã xác định vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngày 7-5-2009, Việt Nam cùng với Malaysia đã đệ trình hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý từ đường cơ sở lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, trước thời hạn cuối cùng là ngày 13-5-2009 mà UNCLOS yêu cầu các nước thành viên thực hiện. Tại khu vực bãi Tư Chính mà nhóm tàu Hải Dương 8 nhiều lần xâm nhập, năm 1989, Việt Nam đã xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật DK1 thuộc địa phận hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để khẳng định các quyền của mình theo UNCLOS.
Không có báo cáo ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý với Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, tự áp đặt “Đường chữ U” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên đặt yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vùng biển vốn không bị tranh chấp của một nước bỗng nhiên trở thành vùng biển tranh chấp bởi yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trên cơ sở yêu sách đó, năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng cho phép Công ty Crestone (Mỹ) thăm dò khai thác trên vùng biển rộng 25.000m2 chồng lên bãi Tư Chính của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng vùng này nằm trong yêu sách “Đường lưỡi bò”. Năm 2011, các tàu hải giám Trung Quốc lại uy hiếp, cắt cáp tàu Bình Minh 02 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc lại coi thuộc “Đường lưỡi bò”.
Phương cách thứ hai để Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với vùng biển của nước khác là tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.
Năm 1988, Trung Quốc chiếm 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và từ năm 2014 đến nay ồ ạt bồi đắp các bãi đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không trên 3 thực thể - đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập.
Hành động vi phạm nghiêm trọng UNCLOS
Đi liền với hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngăn cản Việt Nam hợp tác với các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Họ ngang nhiên coi vùng EEZ của quốc gia khác như của mình, mà điển hình là vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng EEZ của Việt Nam năm 2014.
Từ năm 2017, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn tăng cường thách thức và ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí mà Việt Nam tiến hành tại vùng EEZ của mình, điển hình như các dự án xung quanh bãi Tư Chính mà Việt Nam hợp tác với các công ty nước ngoài như Repsol (Tây Ban Nha) và Rosneft (Nga). Việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động trái phép ở khu vực bãi Tư Chính từ tháng 7-2019 cũng chính là nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực giàu tiềm năng dầu khí này.
Việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng rằng, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà Trọng tài kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “Đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Tòa Trọng tài cũng đã phán quyết rằng, tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Như vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, nơi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã xâm phạm trái phép hồi đầu tháng 7 vừa qua. Lập luận gom bãi Tư Chính vào cái gọi là “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS, và đặc biệt đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ.
Cho đến nay, Trung Quốc một mặt không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, mặt khác khăng khăng từ chối sự hòa giải hay can thiệp từ bên ngoài. Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp dưới hình thức song phương từ quan điểm sức mạnh và tìm cách định hình câu chuyện về hòa bình và sự ổn định theo quan điểm của riêng mình. Hành động này nằm trong chiến lược của Trung Quốc áp đặt “Đường lưỡi bò” bất hợp pháp tại Biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Mục đích này của Trung Quốc được hé lộ khi Bắc Kinh đưa ra một đề xuất trong dự thảo khung Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc thông qua vào tháng 8-2018.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rõ, việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.

Wednesday, September 11, 2019

9/11 BẠN CÓ BIẾT ?



Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khủng bố đã hạ  gục hai toà nhà World Trade Center tại New York mang theo sinh mạng của  hơn 3000 người dân vô tội, cùng một số rất đông cảnh sát, và lính cứu hoả đang thực hiện cuộc cấp cứu.
 World Trade Center sụp đổ thành những đống thép, gạch vụn khổng lồ, và  chính phủ Hoa Kỳ đã làm một việc rất ý nghĩa. Chính phủ cho gom và sử dụng tất cả những săt và thép vun đó để chế tạo làm thành một chiến hạm  đặt tên là USS NEW YORK.

 Tám năm sau, ngày 7 tháng 9 năm 2009, chiến  hạm tối tân trị giá 1 tỷ đô USS NEW YORK đã hoàn tất và khởi hành  chuyến đầu tiên về đất mẹ, tiến vào cảng New York giữa sự chào đón nồng  nhiệt và cảm động của toàn cư dân New York city, nhất là thân nhân của  những người bị nạn ngay tại World Trade Center ngày ấy.

 Trong mỗi gram của 7.5 tấn thép vụn trong chiến hạm USS New York đó đều có một chút thịt,  da, máu, và xương của hơn 3000 người đã ngã gục tại hiện trường.

 USS  New York sau đó sẽ ra khơi với nhiệm vụ được giao phó từ Hải Quân Hoa  Kỳ. Như vậy, tuy những nạn nhân WTC đã nằm xuống, nhưng thịt xương của  họ vẫn luôn luôn sống còn trong khối thép khổng lồ của chiến hạm USS New  York sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước và lý tưởng tự do của Hoa  Kỳ.

 Lets salute USS NEW YORK.