Thursday, January 31, 2019

Chính sách tạo sức ép kiểu đòn bẩy gây bất ngờ mang thương hiệu Donald Trump

Dường như có gì đó khá mâu thuẫn: Thành công đạt được trong 2 năm tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump là điều không thể phủ nhận nhưng cách mà ông Trump thực thi chính sách riêng của mình rõ ràng không giống ai. Có thể lý giải điều này như thế nào?
ảnh 1Bữa tiệc thượng đỉnh Mỹ-Trung với bài toán quá hóc búa phải hóa giải cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước
Dù muốn hay không, nhiều sự kiện lớn trên thế giới trong năm 2018 đều xoay quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tờ Guardian của Anh, sau 2 năm tại nhiệm, nhiệm kỳ của ông Trump là một sự thành công liên tiếp. Dễ dàng nhận thấy nền kinh tế Mỹ mạnh hơn bao giờ hết và mức thất nghiệp tại nước này đang thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Nước Mỹ cũng đã ký được một thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico;  Hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã được thổi bùng lên và nước Mỹ không xảy ra một vụ khủng bố lớn nào... Tuy nhiên, chính sách thực thi của Tổng thống Donald Trump vẫn rất bất ngờ và khó đoán.
ảnh 2Thượng đỉnh Mỹ-Nga nhiều điều dễ và khó nói
Chủ nhân của xu hướng “kiến tạo xung đột”
Cùng với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã trở thành một tác nhân quan trọng trong xu hướng “kiến tạo xung đột” trong năm 2018. Mỹ đã chủ động triển khai một loạt biện pháp cụ thể để tạo nên các “làn sóng lớn” ở mỗi khu vực.
Ở châu Âu, Mỹ khéo léo ủng hộ sự việc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh để đẩy mâu thuẫn Nga - châu Âu lên đỉnh điểm nhằm duy trì vai trò tối thượng của NATO ở châu Âu. Ở châu Á, Washington tiếp tục tăng cường quan hệ song phương với các đồng minh chiến lược ở khu vực để đạt được lợi ích tối đa về thương mại cho phía Mỹ.
Ở Trung Đông, ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran (JCPOA) để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho Mỹ trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ở Bắc Mỹ, ông Trump dùng bức tường biên giới với Mexico và lá bài thương mại để xét lại quan hệ với hai nước láng giềng Mexico, Canada. Kết quả là việc ký kết Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) vào cuối tháng 11-2018 để thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)….
Có thể nói, chiến lược “dùng xung đột giải quyết xung đột” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng triệt để ngay từ khi đắc cử đã phát huy hiệu quả.
ảnh 3Lãnh đạo các quốc gia đồng minh chất vấn Tổng thống Mỹ
Học thuyết về chính sách ngoại giao Donald Trump
Trong bài viết trên Tạp chí National Interest, ông Colin Dueck - Giáo sư tại Đại học George Mason và là tác giả của cuốn “Học thuyết Obama: Chiến lược lớn của Mỹ ngày nay (Oxford 2015)” chỉ ra rằng, nếu bàn đến một học thuyết trong chính sách đối ngoại của ông Trump, có thể mô tả đó là nỗ lực để “vắt kiệt” những gì Tổng thống coi là lợi ích tương đối cho Mỹ thông qua việc tăng sức ép và “hạ nhiệt” đúng lúc. 

Theo đó, Tổng thống Trump có những quyết định gây sốc để đảm bảo rằng “mục tiêu”, kể cả chính phủ nước ngoài, hiểu rằng ông sẵn sàng đi xa hơn. Để rồi, ông lại xuống giọng theo những cách bất ngờ, không thể đoán trước. Trong hầu hết các trường hợp, ông Trump tuyên bố sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận bằng cách thương lượng, nhưng nếu chỉ còn một điều chưa thỏa đáng, ông sẵn sàng rời khỏi bàn thương lượng.
Nói một cách ngắn gọn, đối với ông Trump, mục đích leo thang thường là để giảm leo thang nhằm đạt được các điều khoản có lợi hơn. Thông thường, ông hay đề cập đến khả năng để Mỹ và đối tác khác cùng có lợi và khá hài lòng với những lợi ích tương đối đạt được từ các cuộc đàm phán. Các vấn đề từ kinh tế, an ninh đến quan hệ với các đồng minh, chính quyền Mỹ đều áp dụng thang đòn bẩy này.
Giải mã chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận
Trên thực tế, chính sách đối ngoại của chính quyền Trump dẫn đến một chiến lược gây sức ép trên nhiều mặt trận, tựu trung ở 3 lĩnh vực: an ninh, thương mại và gây sức ép với đồng minh.
Ở mặt trận an ninh, chính quyền của Tổng thống Trump gây sức ép với Iran và Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt và răn đe, khẳng định tuần tra của hải quân Mỹ xung quanh vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ dọc biên giới phía đông của NATO, tăng cường nỗ lực chống lại Taliban và đẩy lùi IS. Đồng thời, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông sẵn sàng ngồi xuống và đàm phán với bất kỳ đối thủ nào trong số này, ngoài IS.
Những nỗ lực này nhằm ứng phó với nhiều đối thủ độc đoán là hoàn toàn hợp lý và đã tạo ra một số kết quả tích cực. Như trường hợp của Triều Tiên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 6-2018 ở Singapore mà ông Trump “xuống thang” đã giảm bớt căng thẳng của phần lớn người Mỹ đối với Triều Tiên. Mục đích ban đầu của chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Mỹ với Bình Nhưỡng là gì?
ảnh 4Cuộc gặp đầu tiên và lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên
Chính là xây dựng đòn bẩy đàm phán mà không cần phải gây chiến, thực hiện lời hứa ngoại giao mà không để thỏa mãn chỉ một phía. Mặc dù ông Trump phải nhận nhiều chỉ trích ở nước Mỹ về việc đã không áp đặt những mốc thời gian cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa, nhưng mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng vào lúc này. Mối quan hệ liên Triều đang được cải thiện ở mức tốt nhất có thể trong vòng nhiều năm qua.
Ở mặt trận thương mại, tháng 3-2019, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài. Quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở bảo vệ an ninh quốc gia, điều cho phép ông Trump không cần sự phê duyệt của Quốc hội. Chỉ có Australia và Argentina là 2 nước được miễn trừ dài hạn đối với chính sách thuế quan mới. Chính sách này đã dấy lên sự đáp trả thuế quan từ Canada, EU và Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ như đậu nành, thịt lợn, whiskey và xe mô tô.
Thuế nhập khẩu thép và nhôm mới chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc chiến thương mại, nhằm chủ yếu vào Trung Quốc. Tháng 7-2018, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; tháng 8, ông tiếp tục tuyên bố áp thuế đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Đến tháng 9, ông tuyên bố sẽ áp 10% thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm tới và dọa sẽ tăng gấp đôi con số này nếu Bắc Kinh “dám” đáp trả.
Trừng phạt bằng biện pháp thuế quan là một công cụ được thừa nhận trong việc chống lại Trung Quốc. Một cuộc tranh chấp thương mại Trung-Mỹ kéo dài tất nhiên sẽ mang lại chi phí kinh tế và rủi ro cho cả hai bên. Nhưng những rủi ro này đáng để thực hiện nếu Mỹ có thể thay đổi chính sách quan trọng từ Bắc Kinh. Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu từ xứ cờ hoa.
Đó có lẽ là một trong những lý do Bắc Kinh muốn tìm cách hạ nhiệt những căng thẳng thương mại gây nhiều tổn hại. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tháng 12 tại Buenos Aires, Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến thương mại 90 ngày, để 2 bên tiếp tục thảo luận về thỏa thuận thương mại toàn diện trước tháng 3-2019.
Ở mặt trận với đồng minh, ông Trump ép các đồng minh tăng cường lực lượng vũ trang của chính họ. Một số quốc gia dĩ nhiên thấy đề nghị này khó nghe hoặc phi thực tế. Nhưng Tổng thống Trump đã chỉ đúng sự thật rằng có những nước ngấm ngầm mua khí đốt tự nhiên của Nga nhưng lại dựa vào quân đội Mỹ để được bảo vệ. Việc gây sức ép buộc các đồng minh của Mỹ phải chi nhiều hơn cho quốc phòng của mình không phải là không có lý.
Trên thực tế, rất nhiều đồng minh đồng ý với phương hướng cơ bản này và đang thực hiện. Bằng chứng là tại Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây, nơi các thành viên đồng ý tiếp tục củng cố các khả năng quân sự chung. Và trong 3 mặt trận kể trên, mặt trận gây sức ép với đồng minh là rắc rối và phức tạp hơn cả.
Khó ai có thể dự đoán một cách chính xác năm 2019, và xa hơn là nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Trump sẽ như thế nào. Người ta có thể sẽ chờ đợi những điều thú vị và bất ngờ hoặc sẽ phải thận trọng về những toan tính “không giống ai” của Tổng thống Trump trong thời gian tới.

“Tôi từng có cảm giác lạ lẫm khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. Những người bạn không còn gọi tôi là Donald, họ gọi tôi là “Ngài Tổng thống”. Tôi phải yêu cầu họ thoải mái hơn khi nói chuyện. Tôi đã học được nhiều điều trong quá trình làm việc, giờ tôi cảm thấy mình đúng là Tổng thống Mỹ. Thủ đô Washington là nơi rất tàn nhẫn với những vụ công kích, nói xấu và đặt điều sau lưng. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rất thoải mái khi làm việc tại đây”
Tổng thống Mỹ Donald Trump (nói về 2 năm tại nhiệm trong chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS News)

NGUYỄN PHÚ TRỌNG-who are you?


No photo description available.
 No photo description available.

Wednesday, January 30, 2019

Tết, Hương Nhà Ngày Đã Một Xa - Mặc Lâm


Khá lâu hai chữ “ăn tết” chừng như không còn làm cho những người xa nhà xôn xao nữa, bởi không xa nhà như Nguyễn Bính, cách một hai lần đò, chúng tôi xa nhà vạn dặm không con đò nào đưa về quê được nên nhớ nhà chỉ còn cách duy nhất là lần về bằng trí nhớ, mà một khi trí nhớ hao mòn thì giống như thanh tre gát trên cầu khỉ gãy ngang, gây hụt hẫng cho người lần dò lấy nó mà đi cho dù con sông mà nó bắc ngang chỉ trong gang tất.

Khi cái mát lạnh của mùa xuân phảng phất thì chừng như những ngày tết đã cận kề. Nhớ như in về mẹ, những ngày này bận rộn nhưng môi mẹ chừng như không ngớt mỉm cười. Gia đình sống phiêu dạt theo chân cha trên nhiều tỉnh thành nhưng cái chất quê ngọt ngào không hề phai trên đôi vai của mẹ. Chiều 23 Tết trong khi mọi nhà cúng kiến ông Táo về trời thì nhà mình lại im ắng trước mâm cơm thường nhật. Sau bữa cơm mẹ kêu mình ra thử bộ quần áo mới mẹ vừa mua, cái cảm giác thử áo theo mình suốt bao nhiêu năm đến nỗi khi đã thành người lớn mỗi lần mua một bộ quần áo mới lại nhớ đến mẹ, nhớ từng cái vuốt cho áo thẳng thớm, kéo bên này phủi bên kia làm cho mình cảm thấy như được vuốt ve dưới manh áo mới. Mùi thơm của vải là thứ duy nhất nối liền mình với mẹ cho tới nay, nó như thứ nước hoa không thể lẫn giữa muôn ngàn loại hương thơm khác trong đời sống.
Và từ lúc thử cho tới lúc chính thức được mặc bộ quần áo mới là cả một chuỗi ngày chờ đợi.

Cũng may, chỉ một tuần lễ là tết, sự bận bịu không chừa một ai làm thời gian ngắn lại. Mẹ thường dẫn mình đi chợ tết vào những ngày sát tết thường là 27 tết khi mọi thứ bớt rầm rộ và giòng người len lỏi trong chợ ít đi. Đó là lúc mẹ chọn dưa hấu, các loại bánh mứt trên bàn thờ, thịt heo, gà sống, củ kiệu và hàng chục món khác. Mình thích nhất là chợ hoa trong những ngày này, những chậu mai hiền lành, những cụm vạn thọ vàng rực một góc chợ chen với cúc, huệ, và nhiều loại hoa khác làm cho không khí tết rực rỡ hẳn lên. Người ngắm kẻ mua chen lẫn nhau và mình chợt nhận ra mọi người đều hiền hòa, dễ thương so với ngày thường nhiều lắm, có lẽ mùa Tết làm cho người ta gần nhau hơn bởi ai cũng cùng chung mục đích: “ăn tết”.

Đêm ba mươi dù buồn ngủ cách nào mình và các chị không bao giờ vào mùng sớm vì còn xem nấu bánh tét. Cả nhà đi vô đi ra như chờ đợi một điều gì quan trọng lắm, thì ra chờ giây phút giao thừa để được đốt phong pháo mà cha mua về từ hôm trước. Cái thời khắc thiêng liêng ấy được chờ đợi trong hồi hộp vì pháo nổ là tết chính thức bước vào nhà và năm cũ ra đi dể năm mới hoàn toàn khác trở về. Những ngày tết về sau này nhà nước cấm đốt pháo thì mình đã xa quê nhưng tâm trí cứ nghĩ về tiếng pháo giao thừa của những ngày xưa cũ. Tiếng pháo đánh thức niềm hy vọng, hương thơm của pháo tết lan tỏa khắp nơi làm không khí ngày tết đượm mùi gần gũi của hàng xóm láng giềng. Pháo nổ làm cho những phiền muộn của người nghèo tạm thời bay xa nó làm cho những gia đình khá giả biết ơn những gì trời đất đã dành cho họ. Tiếng pháo mang nặng tâm lý cộng đồng và chính nó làm cho người ta gần gũi nhau hơn mỗi lần tết đến.

Rồi sáng mùng một trong lành cũng đến. Mẹ đánh thức mặc cho bộ quần áo mới, dặn dò nhiều điều mà năm trước mẹ từng dặn dò. Mọi người lục tục kéo nhau mừng tuổi ông bà cha mẹ, những phong thơ màu đỏ đựng những đồng tiền mới tinh lì xì cho bọn trẻ, tiếng nhạc mừng xuân bắt đầu rộn rã, bữa ăn sáng mùng một tết được dọn ra và mọi người quây quần bên nhau trước khi ra khỏi nhà mỗi người một hướng.

Mâm cơn sáng mùng một tết có lẽ là mâm cơm tươm tất và ngon nhất trong năm. Mẹ và các chị đã hết sức chăm chút nó từ những ngày trước tết. Củ kiệu và tai heo đã được ủ trong những chiếc hủ sành tính sao cho đủ độ chua ngọt cần có khi bóc ra vào sáng đầu năm. Những khoanh bánh tét xanh ươm màu lá nằm tròn trĩnh cạnh dĩa dưa món đầy màu sắc. Nồi thịt kho măng vàng rực cùng với những chiếc bánh tráng đang chờ cuốn với rau sống là món chủ lực của bữa ăn đầu năm. Tuy ngon và mát mắt như thế nhưng không ai ăn no cả, hình như tiếng trống múa lân ngoài phố đang thúc giục mọi người.

Trước khi xem lân, mình ghé ngang đám đông đầy tụi con nít cỡ tuổi mình trong các sòng “bầu cua cá cọp” bên đường. Những hình ảnh trái bầu đỏ mọng, con cua hùng tráng xanh mầu biển, con nai hiền lành đứng trên con cá đang vẫy đuôi cùng chú gà cồ lảnh lót tiếng gáy theo sát mình suốt mấy ngày tết. Vài đồng bạc lì xì mau chóng vào túi của nhà cái, thường là một anh chàng trong xóm, hết tiền lại chạy đi chơi cái khác, hiếm gì cuộc vui ngày tết hơi đâu phải phí công ngồi ngắm chú bầu con cua?

Tiếng trống múa lân làm cho bọn trẻ cỡ tuổi mình đứng ngồi không yên. Cứ thấy ông địa lắc bụng cầm chiếc quạt rách phe phẩy là mình lại thích thú. Con lân dưới đôi mất ngây thơ của mình thật khác thường, mắt nó chớp giật như một con vật sống đôi lúc làm mình sợ hãi nhưng cũng đầy thích thú. Khi nó leo lên táp túi đựng tiền lì xì của gia chủ là tiếng trống dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ đầy trời tạo cho không khí hừng hực mầm sống của ngày tết Nguyên đán.

Lớn lên một chút tết vẫn còn nguyên hương vị của nó như xưa, có điều vì lớn nên cái nhìn ngày tết của mình cũng khác. Lớn có những yêu cầu khác với một cu con nít, tâm trí vỡ ra những hình ảnh mà ngày thường không có, nhất là phong vị của tết, càng lớn thì người ta càng cảm nhận đầy đủ hơn về không khí đặc biệt mà chỉ ngày tết mới có.

Đó là những cuộc đi chơi với bạn bè trong không khí ấm áp đầy hoa của không gian ngày tết. Đây là lúc chưng diện với mọi người chung quanh để chứng tỏ ta đã lớn, đã bước hẳn vào tuổi hoa niên đầy hoa lá chung quanh.
Nhưng có lẽ thời khắc này chính là lúc âm nhạc cuốn hút người ta nhiều nhất.
Tết mà không có nhạc xuân thì còn gì thiếu vắng hơn. “Tấm thiệp đầu xuân” “Xuân này con không về” cùng nhiều bài hát bất hủ khác của ngày tết góp phần làm cho tết lý thú, gắn bó hơn giữa người nghe với nhau…nhưng gì thì gì một bản nhạc không thề thiếu trong ba ngày tết đó là bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương.

Thật vậy, ca khúc Ly rượu mừng đã ăn sâu vào trí nhớ của người Việt đối với những ai sống ở đất nước này từ năm 1975 trở về trước. Giai điệu quyến rũ, ca từ mặn mà, hồn hậu lột tả hết nét nhân văn của một vùng đất tuy đạn bom dày xéo vẫn không mất đi lòng thương yêu, thói quen tha thứ và khuyến khích nhau xây dựng quê hương trong tinh thần tương ái. Là một nhạc sĩ miền Bắc di cư vào Nam, Phạm Đình Chương mang tâm trạng xa quê lồng vào ca khúc này với ước vọng mọi người cùng nhau xây đắp non sông trong một ngày mai hòa bình hạnh phúc. Nhạc sĩ vượt lên mọi cám dỗ thường trực của chiến tranh tâm lý để cho ra đời một ca khúc bất hủ cho dân tộc. Ở đâu trên mọi vùng đất của quê hương, trong những ngày tết xa quê người ta cũng có thể hợp ca Ly rượu mừng để nối liền những người con xa xứ với gia đình.

Nhưng tiếc thay bài hát không thể nối được những đứa con xa quá, xa đến nỗi không con đò nào đem họ về được với quê nhà.
Nguyễn Bính chỉ từ Bắc vào Nam vài ngày đã rên rỉ:
……
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu viễn phương (…)
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….
Ông đúng là giang hồ vặt, chỉ thấy cơm sôi đã nhớ nhà, còn chúng tôi không hề muốn giang hồ, chỉ muốn ngồi bên mộ mẹ ôn lại những ngày còn thơ cũng không được huống chi là tết?

Tản mác khắp thế giới chúng tôi cũng cố giữ cái hồn tết của dân tộc lắm nhưng tiếc thay cố gắng nào cũng vô ích trong suốt hơn 40 năm qua. Chúng tôi đốt pháo nhưng không ai nghe, mua bánh tét bánh chưng chất đầy nhà chỉ để đem đi làm trong mấy ngày được gọi là tết. Những bông hoa giả nằm buồn bã trong góc nhà. Chai rượu đắt tiền không biết khi nào mới khui vì bạn bè ai cũng tất bật mưu sinh không còn thời gian để nhớ tết. Trẻ con không cần áo mới vì chúng có mỗi ngày. Chúng cũng không biết thế nào là lì xì, là bầu cua cá cọp như chúng tôi.

Tết ở phương xa nếu có cũng chỉ ngồi trong bóng tối rồi nghe một mình ca khúc “Xuân này con không về” để tự đánh lừa mình cho một ngày về không được in trong lịch.
Tết, đối với chúng tôi, ngày càng xa, càng teo tóp. Nó giống như tiếng pháo không mùi thuốc pháo vậy thì khác gì tiếng nổ trong mọi cuốn phim hành động?

Mặc Lâm
https://www.voatiengviet.com

Cành Mai Ngày Tết - Trần Hữu Thuần


Lật bật rồi Tết đến, mà Tết thì không thể thiếu cành mai. Hương mai không sắc sảo như hồng, không ngạt ngào như huệ, không lộ liễu như lan, nhưng dịu dàng nhè nhẹ như rón rén báo hiệu mùa xuân tới. Người Trung chuộng mai; người Bắc chuộng đào. Nói người Trung chuộng mai thôi chưa đủ, phải nói cành mai với người Trung chính là linh hồn của mùa Xuân, của ngày Tết. Một cành mai dù khẳng khiu lèo tèo vài bông cũng đem mùa Xuân về cho một gia đình dù đang thiếu thốn túng cực. Thiếu cành mai, mùa Xuân như chưa về, ngày Tết như chưa đến, căn nhà trở nên hoang vắng trống trải. Gia đình tôi còn hơn thế, chuộng cành mai mừng Tết hơn bánh mứt cỗ bàn. Ông nội tôi, ba tôi, rồi đến tôi, chưa giữa tháng chạp đã lặn lội đến tận các vườn mai chung quanh thành phố đang sống để tìm mai, ngắm nghía chọn lựa. Sau khi cân nhắc bốn năm cây được tuyển chọn, chúng tôi hỏi mua nhưng chưa chắc đã mua được vì thời đó người ta trồng mai chủ yếu để ngắm, ít người trồng chuyên nghiệp để bán. Do đó, một gốc mai đẹp trong vườn, cũng là gốc nằm trong sự chọn lựa của tôi, thường khó có thể mua được dù với bất cứ giá nào.

Năm đó tôi còn trẻ lắm, chừng vào khoảng hai ba hai bốn tuổi, ra khỏi trường đại học tay còn ướt mực, đầu còn vướng vít lời giảng và cách giảng của các giáo sư Đại học Văn khoa Huế thời đó như Giáo sư Linh mục Cao Văn Luận, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Giáo sư Lê Tuyên. Không xuất thân đại học sư phạm, tôi xin vào dạy “giờ” tại một trường trung học công lập, dạy thêm mấy trường tư thục. Thời đó, thầy cô dạy tiểu học được gọi là thầy cô, dạy trung học được gọi là giáo sư, không như bây giờ giáo sư chỉ dành riêng gọi thầy cô dạy đại học đã chính thức được phong chức danh này. Năm sau, có chút “tiếng tăm,” tôi được “mời về” dạy cho một trường bán công ở một quận. Tôi được biết mình có chút tiếng tăm nhờ may mắn tình cờ nghe một nhóm nữ sinh bảo nhau:
“Tụi mày biết tao mong gì không?”
“Mong gì?”
“Mong mau hết năm nay để lên lớp học với thầy…”
Tôi nghe nói đến tên tôi. Ở tuổi vừa quá đôi mươi, tôi phồng mũi khi được nghe khen gián tiếp như vậy. Sau thời chiến tranh, số tuổi của học sinh phần lớn ngang ngang tuổi các thầy cô trẻ chúng tôi. Năm tháng dưới quyền Việt Minh, các em hoặc thất học hoặc học chẳng đến nơi đến chốn, phần do chương trình học chắp vá, phần không có thầy đủ kiến thức để dạy. Vì vậy, học sinh chỉ kém thầy cô vài tuổi, thậm chí có em đã có vợ con ở nhà, trong khi chúng tôi đa số đều còn độc thân. Một lần tôi đã được một người đàn bà đến xin phép cho một học sinh nghỉ bệnh, về sau tôi mới biết người đàn bà đó là vợ của học trò tôi!

Tôi dạy Quốc văn và Anh văn. Trong một buổi dạy Quốc văn, tôi thao thao bình giảng một đoạn văn của Khái Hưng trích từ tác phẩm Trống Mái. Bài giảng văn cuốn tôi đi. Nếu các tác giả lãng mạn Pháp Lamartine, Chateaubriand, Verlaine, Rimbaud, Victor Hugo, Alexandres Dumas đã cho tôi thấy gần gũi với sông Seine, với vườn Luxembourg, với Notre Dame de Paris, thì Tự lực Văn đoàn cho tôi cảm thấy gần gũi Hà Nội với năm cửa ô quan, với đê Yên Phụ, với cốm mới, với xóm hoa của các cô gái trên vai kĩu kịt gánh hàng hoa, tưởng chừng tôi đã sống ở đó, đã đi qua đó. Tôi như thấy bóng Loan đang đi ngược lên đê Yên Phụ, thấy Hiền trên bãi biển Sầm Sơn, thấy Bạch Tuyết, Vân Lan, Thu Cúc trên bãi biển Đồ Sơn. Tôi như thấy nước sông Hồng Hà cuồn cuộn mỗi lần vỡ đê, cả con sông cả chuyện vỡ đê tôi đều chưa một lần tận mắt chứng kiến. Tôi mô tả Hiền say mê ngắm thân hình lực sĩ của Vọi trên bãi biển Sầm Sơn, mô tả Sầm Sơn đẹp như thế nào, hùng vĩ như thế nào, một bãi biển Sầm Sơn nào đó ở miền Bắc mà tôi chưa hề bước chân đến. Tôi nói đến tình cảm lãng mạn của Hiền, loại lãng mạn chịu ảnh hưởng của văn chương lãng mạn Pháp. Tôi nói đến tâm hồn đơn sơ chất phác của Vọi, của người Việt Nam thôn quê, nói đến tình yêu mộc mạc Vọi dành cho Hiền, một tình cảm mà Vọi không hề định nghĩa được đó là tình yêu. Nghe tôi nói, cả lớp tưởng chừng các nhân vật của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đang ngồi giữa thầy trò chúng tôi. Các em mở lớn đôi mắt như muốn nuốt hết bài giảng văn của tôi vào tâm trí. Không nghe tiếng thở mạnh. Không nghe tiếng xào xạc. Thỉnh thoảng, có tiếng bút ghi chép chạy rì rào trên giấy. Cũng như tôi thuở nào, các em giờ đây cũng đang mơ đặt chân đến Hà Nội, đến Sầm Sơn Đồ Sơn, mơ bước vào cửa ngõ văn chương mà Tự lực Văn đoàn đã mở ra, mơ bước vào cửa ngõ tình yêu lãng mạn của yêu là chết trong lòng một ít.

Hầu hết thầy cô chúng tôi đều từ thành phố lên dạy, ở lại vài hôm rồi quay về. Mùa nắng, tôi không chạy chiếc xe gắn máy Gobel trên đường chính để về thành phố mà men theo các con hẻm trong xóm để ngắm cảnh chiều xuống trên các cánh đồng lúa, trên các vườn cây trái nặng trĩu cành, và trên các nóc nhà vươn khói bếp của thôn quê thanh bình yên lặng. Gobel và nhiều loại xe gắn máy thời đó trông như một chiếc xe đạp với giàn khung cồng kềnh, gắn một động cơ hai thì ở chỗ trục hai bàn đạp. Một lần trên đường về, xe tôi bị hư. Dừng lại bên con hẻm, tôi hì hục tháo bugi chùi, ráp lại rồi cong lưng đạp.. Máy không nhúc nhích. Mồ hôi tháo ra ướt áo. Thử đi thử lại mấy lần không kết quả, tôi bối rối nhìn quanh chẳng biết phải làm gì. Chung quanh không có tiệm sửa xe; từ xóm ra đường cái còn là một quãng đường xa. Tôi hì hục dẩy xe lội bộ, mỉm cười một mình bảo chiếc xe:
“Hằng ngày tao hành mày, giờ mày trả thù hành lại tao.”
Có tiếng xe đạp phía sau. Con hẻm hẹp vừa một người cỡi xe nên tôi nép vào hàng rào nhường đường cho người đang đi tới. Không thấy xe đạp trờ tới, tôi nghĩ mình lầm, định đi tiếp nhưng có tiếng hỏi sau lưng tôi:
“Xe sao vậy thầy?”
Một cô học trò của tôi. Tôi ngước nhìn. Đôi mắt đẹp của cô học trò sáng ngời một chút vui mừng lẫn chút kinh ngạc khi tình cờ gặp được tôi ở con hẻm này. Và ngay trong lòng tôi cũng đang rộn lên một niềm vui vì tình cờ gặp được người vừa là học trò tôi vừa là người con gái tôi đã không giấu giếm tình cảm đang nghiêng hẳn về phía nàng. Mỉm một nụ cười thật tươi, tôi hỏi:
“Em ở đây?”
Cô gái cười, chỉ tay vu vơ về khu xóm phía trong:
“ Em ở hẻm bên kia, chỗ ngã ba thầy vừa đi qua đó.”
Thoáng ngập ngừng, cô học trò nói tiếp:
“Thầy ở đây, chờ em một chút.”
Không đợi tôi trả lời, cô đạp xe chạy về phía trước rồi khuất sau một ngõ có hai hàng dậu cao ngang ngực cắt xén bằng phảng. Mấy phút sau, cô học trò đi ra, theo sau là một cụ già có chòm râu bạc phất phơ. Nhìn thấy tôi, ông cụ trịnh trọng chắp tay chào:
“Chào thầy.”
Hai tay đang giữ tay lái xe, không thể chắp tay vái chào được, tôi đành cúi đầu sâu đáp lễ:
“Cháu không dám, xin phép chào cụ.”
Cô học trò bảo tôi:
“Thưa thầy, đây là ông nội em.”
Tôi hốt hoảng:
“Ấy chết, cháu thất lễ nữa rồi, chẳng biết cụ là ông nội của cô đây.”
Ông cụ cười:
“Cháu tôi đã nói với tôi nhiều về thầy. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình; vạn hạnh cho tôi hôm nay được diện kiến thầy.”
Tôi hoảng hốt:
“Cụ dạy quá lời, cháu thực tình không dám. Có vạn hạnh chăng chính là cháu đây mới phải.”
Ông cụ đưa tay mời:
“Thôi, nhất kiến vạn kiến, mời thầy quá bộ vào dùng chung trà.”
Tôi nhìn chiếc xe, ngần ngừ:
“Vinh dự cho cháu, nhưng…”
Ông cụ chỉ tay vào hai người đàn ông đang đứng đó, bảo tôi:
“Thầy đừng lo, để xe đó hai ông con tôi lo cho.”
Vào nhà, ông cụ mời tôi ngồi. Lát sau, cô học trò bưng lên một khay trà. Đặt một tách trước mặt ông cụ, cô lễ phép nói:
“Con mời nội.”
Đặt một tách khác trước mặt tôi, cô nói:
“Em mời thầy.”
Ông cụ nâng tách trà lên:
“Mời thầy. Trà Long Tĩnh đó thầy, tôi đặt mua tận Hồng Kông.”
Tôi bối rối nâng tách mời cụ:
“Xin mời cụ. Chà, đúng là danh trà, thơm thật, uống vào ngọt lịm trong cổ họng.”
Thấy tôi biết thưởng thức trà, ông cụ đặt chén trà xuống, vuốt chùm râu lưa thưa:
“Không ngờ hôm nay tôi được gặp thầy nói lời cám ơn thầy đã dạy dỗ cho con bé cháu tôi biết đạo làm người. Người ta nói, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Tôi đứng lên khiêm tốn trả lời:
“Dạ, cháu không dám. Cháu chỉ làm việc bổn phận.”
Cụ nói:
“Thầy coi đó, thời đức Thánh, đạo đức hưng thịnh, ngoài đường không ai lượm của rơi, nhà nhà tối ngủ không cần đóng cửa cài then, vợ chồng lúc nào cũng tương kính như tân. Thời nay đạo đức suy đồi, xã hội suy vong. Cũng may cụ Diệm về nước phục hồi lại được đôi chút.”
Tôi đưa đẩy:
“Dạ, cụ Diệm đã học chữ thánh hiền đỗ đạt làm quan.”
Tôi nói mấy câu khiêm nhường rồi đứng lên cáo từ vì trời đã sụp tối. Chẳng biết cách nào và do ai, xe tôi đã nổ máy được, đang dựng chân chống chờ tôi ở ngõ. Ông cụ bảo cô học trò đưa tôi ra tận cửa. Cô bảo tôi:
“Nội em quý thầy lắm đó, khen thầy hoài, mời thầy hôm nào lại đến chơi.”
Tôi mỉm cười nhìn sâu vào mắt cô học trò:
“Ngoài nội mời tôi, còn ai khác nữa mời tôi không?”
Cô học trò mỉm cười trong khóe mắt, giọng bẽn lẽn:
“Thầy biết rồi, hỏi em làm gì.”
***
Sau ngày gặp gỡ đó, tôi thường đi về nhà theo con đường ngang qua nhà ông cụ nhưng không ghé thăm ông cụ lần nào, định bụng chỉ ghé thăm khi nào lại tình cờ gặp được cô học trò như lần trước. Thế nhưng năm lần bảy lượt, chuyện tình cờ vẫn không xẩy ra, trong khi hình bóng cô học trò vẫn vương vấn trong lòng tôi.
Nửa tháng chạp, xóm nhà ông cụ bỗng sáng rực lên. Các vườn mai đang đến độ nở hoa. Hóa ra xóm này cũng trồng nhiều mai mà trước đây tôi không chú ý đến, có lẽ vì tâm trí tôi đã bị một bóng hình xâm chiếm. Hàng ngày, sau giờ tan trường, tôi rong xóm, dừng lại trước nhà này nhà kia ngắm nghía chọn mai, cũng không quên khao khát sẽ lại xẩy ra chuyện tình cờ. Chuyện tình cờ không đến hay chưa đến, nhưng mai thì tôi chọn được năm gốc vừa ý trong năm vườn khác nhau. Chọn thì chọn, tôi không chắc rồi sẽ mua được gốc nào vì đã nhiều lần các chủ vườn bảo tôi:
“Ông mua gốc nào khác tôi bán nhưng gốc này thì không vì đó là gốc mai già do cụ tổ nhà tôi trồng. Cắt bán cho ông, chẳng khác nào tôi bán cội nguồn nhà tôi.”
Biết vậy cho nên bước vào một vườn mai, nếu chủ nhà không hỏi tôi muốn mua gốc nào, tôi không bao giờ nói đến việc mua bán mà chỉ xin phép được dạo quanh vườn ngắm mai. Khi đến gốc mai trong vòng tuyển chọn của tôi, làm như tình cờ, tôi mập mờ lên tiếng hỏi:
“Thưa ông, giả như có người hỏi mua gốc này, ông có định bán không?”
Chín trong mười lần, tôi bị từ chối. Năm nay cũng vậy, tôi thi hành chiến thuật hàng năm của tôi, và đã thất bại bốn gốc liên tiếp. Gốc thứ năm tôi chọn nằm trên con hẻm mà cô học trò có lần chỉ vu vơ nói nhà em ở trong hẻm đó. Tôi vào vườn, xin đi ngắm mai rồi với bài bản cũ hỏi mua gốc mai tôi ưng ý. Chủ vườn lắc đầu quầy quậy:
“Thấy ông thích chơi mai, tôi sẵn sàng nhượng ông bất cứ gốc nào khác ngoại trừ gốc này.”
Không đợi chủ vườn mô tả tiếp chuyện gốc mai cụ Tổ, tôi định quay xe ra ngõ bỗng nghe một tiếng va chạm mạnh. Chủ vườn la lớn:
“Con gái mà đoảng hậu. Chạy xe thì cũng từ từ, chạy chi ào ào để té chỏng gọng thế?”
Tiếng con gái trả lời:
“Đâu phải tại con, tại đứa nào để hàng gạch chắn đường ngay chỗ quẹo vào.”
Tôi giật mình. Giọng nói nghe rất quen thuộc. Chủ vườn vẫn lớn tiếng:
“Gạch đá thì cũng phải có mắt mà nhìn. Hai chục tuổi đầu đâu phải con nít nữa.”
Tôi quay lại nhìn ra ngõ, đúng lúc cô gái phủi tay đứng dậy rồi reo lên:
“Ủa, thầy? Sao thầy biết nhà em đây mà đến?”
Chủ vườn nhìn tôi rất nhanh rồi hỏi con gái:
“Thầy con đây sao?”
Cô gái cười:
“Dạ, con tưởng ba biết rồi.”
Chủ vườn cười dễ dãi bảo con gái:
“Con cái thế thì thôi, thầy đến nhà chơi mà con cũng không báo trước cho ba biết.”
Cô gái nhìn tôi, mỉm cười. Tôi mỉm cười lại, ý nói tôi có biết nhà ở đâu đâu mà báo trước. Ba cô gái quay sang tôi:
“Tôi xin lỗi, xin lỗi thầy.”
Tôi bối rối:
“Dạ, xin bác tự nhiên cho.”
Tôi giật mình thấy đã đổi cách xưng hô với chủ vườn một cách phản xạ. Cô học trò bảo tôi:
“Nội em nhắc hoài sao thầy không đến chơi.”
Giọng nói và ánh mắt của cô học trò cho phép tôi hiểu câu nói của cô theo một ý nghĩa khác. Chủ vườn bảo tôi:
“Tôi xin lỗi thầy lần nữa. Ông nội cháu khen thầy mãi, tôi vẫn mong có dịp gặp thầy.”
Ngập ngừng một chút, ông nói tiếp:
“Quả không phải, nhưng mời thầy quá bộ vào nhà dùng chén nước.”
Quan vài tuần trà, tôi đứng lên xin phép ra về. Cha cô gái đột ngột hỏi tôi:
“Thầy ở đâu dưới phố, cho tôi địa chỉ được không?”
Tôi nhìn ông ngạc nhiên:
“Dạ được thì hẳn rồi. Nhưng cháu chẳng hiểu bác cần đến để làm gì?”
Ông mỉm cười:
“Thì… để có dịp xuống phố, tôi đến chào thăm bà cụ trả lễ thầy đến thăm chúng tôi.”
Cô học trò đưa ra một tờ giấy tập và cây bút máy cô quen dùng. Tôi hí hoáy vừa viết địa chỉ vừa nói:
“Khi nào tiện dịp xuống phố, cháu mời bác đến nhà chơi, còn nói để bác trả lễ thì thực tình cháu không dám.”
Ông bảo con gái tiễn tôi ra ngõ. Trời nhá nhem tối. Cô học trò ái ngại nhìn tôi:
“Sắp tối rồi, thầy chạy xe cẩn thận. Trong xóm, đường tối, khó nhận ra ổ gà. Để em đưa thầy ra hẻm ông nội.”
Tôi nhìn cô học trò, nói một câu nói nhiều ý nghĩa:
“Em đừng sợ tôi đi lạc. Tôi thuộc lòng đường nhà em rồi.”
Cô học trò mỉm cười đồng lõa. Tôi dẫn xe đi; cô gái đi sát vào người tôi, không biết tại ngõ hẹp hoặc tại cô tìm hơi ấm nơi tôi. Cả hai im lặng đi bên nhau, tưởng chừng nghe tiếng hai con tim đang đập mạnh. Chiều thôn quê xuống thật nhanh, thật yên lặng nếu không có tiếng côn trùng rả rích. Đến một khúc quanh vắng trước khi rẽ ra hẻm nhà ông nội cô, tôi đứng lại gọi nhỏ:
“Thúy!”
Tôi vòng tay qua kéo nhẹ Thúy sát vào người tôi. Thúy ngại ngùng đẩy tôi ra:
“Đừng anh, hàng xóm thấy bây giờ.”
Tôi nói nhỏ vào tai Thúy:
“Anh yêu em.. Em yêu anh không?”
Thúy dịu dàng nói:
“Anh biết rồi, em đâu cần nói ra…”
Tôi dùng dằng một chút rồi nói:
“Anh về. Mai gặp em ở trường.”
Thúy hôn rất nhanh lên má tôi:
“Em về đây. Mai gặp anh.”
Tôi hôn trả lại, không phải lên má mà lên môi Thúy. Thúy thẹn thuồng đẩy vội tôi ra, e lệ chào tôi rồi quay ngoắt theo hướng về nhà. Dẫu vậy, ánh mắt Thúy vẫn lưu luyến nhìn tôi. Đi mấy bước, Thúy quay người lại mỉm cười khi thấy tôi vẫn còn đứng đó nhìn theo. Thúy vẫy tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi nổ máy. Xe chạy. Thân xác tôi đang về nhà nhưng tâm hồn tôi đã gửi lại căn nhà nằm sau khúc quẹo.
Hôm sau, tôi có giờ lớp Thúy. Hết giờ, Thúy làm bộ sửa lại cặp sách, chần chừ trở thành người ra sau cùng để nói nhanh bảo tôi:
“Em có quà cho anh.”
Tôi thì thào như hơi thở:
“Quà gì vậy em?”
Thúy mỉm cười bí ẩn, hỏi lại tôi:
“Mai anh không có giờ phải không?”
“Anh xong rồi, mai anh về phố. Quà gì cho anh đâu?”
“Về nhà rồi biết.”
“Nhà em?”
“Không, nhà anh.”
Không đợi tôi thắc mắc tiếp, Thúy vụt chạy ra sân với bạn bè. Tôi lửng thửng đi lên phòng giáo sư, bụng phân vân chẳng biết quà Thúy nói đến quà gì và sao lại ở nhà tôi.
***
Thành phố đã lên đèn khi xe tôi chạy vào con đường chính dẫn về nhà tôi. Mưa nặng hạt. Đèn nhà tôi đã bật sáng. Nhìn vào nhà, tôi có cảm giác nhà tôi sáng hơn bình thường. Nghe tiếng máy xe tôi, cô em út chỉ mới ba tuổi đội mưa chạy ra đón tôi. Tôi lật đật dựng xe, bế em lên cho vào trong áo mưa cho em khỏi ướt. Em bí bô:
“Anh Hai, hoa đẹp.”
Tôi không hiểu, hỏi lại:
“Hoa gì?”
Em không trả lời, chỉ tay vào phòng khách. Tôi bế em đi nhanh vào. Phòng khách rực sáng. Chính giữa phòng khách, vị trí tôi vẫn đặt cây mai hằng năm, một cây mai lớn cao đến trần nhà đang khoe một số bông vàng rực. Tôi hỏi mẹ tôi:
“Mai đâu vậy mẹ?”
Mẹ tôi trố mắt nhìn tôi:
“Mẹ tưởng con mua.”
“Con đã mua được cây nào đâu. Hỏi năm chỗ đều bị từ chối năm chỗ.”
Mẹ tôi nói:
“Hồi trưa, có chiếc xe lam và hai người chở cành mai đến nhà, hỏi mẹ đặt vào đâu. Mẹ tưởng mai con mua nên chỉ chỗ cho họ. Họ đặt mai vào, xoay thế này thế khác cho đến khi mẹ vừa ý mới ra về.”
“Lạ chưa? Con có nhờ ai chở mai đến nhà đâu?”
Bỏ em tôi xuống, tôi đi quanh cây mai một vòng và đột nhiên nhận ra dáng dấp quen thuộc không thể nhầm lẫn được của gốc mai. Đây là gốc mai nhà Thúy mà ba Thúy đã không muốn bán cho tôi, nói là gốc mai truyền từ cụ Tổ xuống, không nỡ cắt đứt. Mẹ tôi nói:
“Người đem mai đến đưa bức thư này, bảo mẹ đưa cho con khi con về. Tôi vội vàng mở thư. Nét chữ của Thúy ngoài phong bì, nét chữ sau mấy năm trời đã thành quá quen thuộc với tôi. Bên trong phong bì, nửa tờ giấy học trò ghi mấy chữ của ba Thúy:
Kính thầy,
Mai quý hay không không phải do mai mà do người biết trân trọng nó. Gia đình thầy trân trọng cành mai nên tôi biếu thầy và bà cụ, và cũng để như lời nói lên tình tri ngộ.
Kèm theo là thư của Thúy:
Anh,
Đây là món quà ba em và em dành cho anh. Biết anh là người biết thương hoa tiếc ngọc nên em đã giục ba đưa cây mai này làm quà biếu anh. Anh hiểu ý em muốn nói gì với anh qua cây mai này rồi. Em đã thuộc về anh, như cây mai này đang thuộc về anh. Hết xuân mai tàn, nhưng tình em dành cho anh không bao giờ tàn. Ước gì anh cũng dành cho em tình yêu không bao giờ tàn như vậy.
Tôi mỉm cười, giấu bức thư vào túi áo trên ngực. Mẹ tôi yên lặng nhìn tôi:
“Thư gì vậy con?”
“Không gì đâu mẹ. Ông chủ vườn ban đầu từ chối nhưng nghĩ sao đó lại đồng ý bán cho con.”
Mẹ tôi gật đầu:
“Con trả tiền chưa?”
“Dạ, chưa.”
“Mai con ghé trả tiền, nhớ thêm tiền xe chuyên chở cho người ta nghe con.”
“Dạ.”
Tôi dạ nhưng lòng nghĩ thầm:
“Tại mẹ không biết đó thôi. Người ta chẳng những không lấy tiền mai, chịu mất cho con gốc mai, mà còn chịu mất cho con một thứ quý hơn gốc mai, một thứ vô giá nữa đó mẹ.”
Mẹ tôi ngẩn ngơ nhìn tôi khi thấy tôi mỉm cười một mình với nét mặt rạng lên vì hạnh phúc, chẳng hiểu con mẹ đang nghĩ gì và muốn gì. Tôi bảo mẹ:
“Năm nay gia đình mình hạnh phúc.”
Mẹ tôi cười:
“Ờ, gốc mai đẹp thật, đúng là gia đình mình năm nay sẽ gặp vận hên.”
Trần Hữu Thuần

Ông thần hộ mệnh. (truyen vui Truong Le goi)

Anh nọ đang đi trên vỉa hè, vừa định bước chân xuống để băng qua đường, anh ta nghe thấy một giọng nói vang lên trong đầu :
- Cẩn thận đừng bước xuống. 
Anh ta rút chân về, một chiếc xe vụt chạy qua. Hú hồn, định nói cám ơn nhưng anh ta nhìn quanh, không thấy ai.
Bẳng đi ít ngày, hôm đó cũng đang đi trên vỉa hè, anh ta lại nghe thấy giọng nói hôm trước :
- Cẩn thận, đứng lại.
Anh ta đứng lại và thấy cái chậu Hoa rơi ngay trước mặt.
Anh ta quay qua lại, vẫn không thấy ai, liền cất giọng :
- Ai đó, ai cứu tôi đó.
Có tiếng trả lời:
- Tôi đây. Tôi là thần hộ mệnh của anh đây.
Anh chàng nghe thế bèn to tiếng:
- Có thiệt ông là thần hộ mệnh tôi ?
- Đúng ! 
- Vậy chứ khi tôi đi ký giấy hôn thú, ông ở đâu ?!
Thần hộ mệnh : "Những tai nạn trên đây, ta cứu ngươi vì ngươi không biết nó sẽ xãy ra cho ngươi. Chứ lúc ngươi lấy vợ, ngươi đã biết  mà ngươi cứ lấy.  Ngu thì cho chết đáng đời, còn kêu ca gì nữa ? "
VÀI LỜI TẢN MẠN VỀ VĂN HÀO VICTOR HUGO - Đoạn 7 .

C- Kịch Bản :
Không những là một Nhà Văn nổi tiếng , một Thi Sĩ lỗi lạc , Victor Hugo còn là một Soạn Giả lừng danh của những vở kịch gây nhiều tranh luận trong giới kịch nghệ . Xin ghi ra đây một số Kịch Bản điển hình :
- Cromwell (1827)
- Marion Delorme (1831)
- Lucrèce Borgia (1833)
- Hernani (1836)
- Théâtre en liberté (1886)
v.v...

Đôi lời về mối tình của Văn Hào Victor Hugo và Nữ Nghệ Sĩ Juliette Drouet sau ngày trình diển vở kịch 
Lucrèce Borgia .

Vợ Chồng Victor Hugo và Adèle Foucher bất hòa vì những thuẩn trong cuộc sống gia đình và họ đã phải sống ly thân. Vì danh dự và vì duy trì hạnh phúc cho các con , họ không ly dị nhau . Mái nhà ấm êm được bảo vệ và duy trì đến cùng . Với thời gian dài trong cảnh đơn chiếc , cuộc sống tình cảm của Victor Hugo lại quay sang một khúc quanh khác . Một cuộc tình mới bắt đầu vấn vương trong tim ông khi ông gặp mặt Nữ Nghệ Sĩ xinh đẹp Juliette Drouet ở rạp hát Porte Sainte Martin khi cô ta cùng với các nghệ sĩ đồng nghiệp ngồi nghe Victor Hugo đọc và giải thích vở kịch Lucrèce Borgia mà họ sẽ thủ diển một vai trong đó . Sau khi đóng xuất sắc vai Công Chúa Négroni trong vở tuồng , Juliette đã trở thành Người Yêu Lý Tưởng của Victor Hugo . Không phải Cuộc Tình này của 2 người 
không có những sóng gió , những trắc trở và tình trạng này đã đưa họ đến những lúc ly cách nhau . Cô đơn và lẻ loi khi vắng bóng Victor Hugo , nhất là trong thời gian ông chạy sang Belgique tị nạn , Juliette đã dang diếu những cuộc tình lãng mạn thoáng qua để giải sầu và "giết thời gian !" . Cuối cùng Juliette quyết tâm từ bỏ tất cả những "người tình hờ" của mình , đi tìm gặp lại cho được "người yêu thật sự" là Victor Hugo để tỏ lời hối hận . Cô chạy sang Belgique tìm gặp được Victor Hugo đang sống đời lưu vong mà vẫn miệt mài sáng tác . Cô nài nỉ ông thông cảm nối lại cùng cô cuộc tình dang dở và chân thành thố lộ rắng cô tự biết trong lòng mình vẫn còn mãi yêu Victor 
Hugo . Thế là 2 người hiểu nhau , thuận tình kết nối mối tình và sống chung với nhau cho đến trọn đời . 
Juliette Drouet sinh năm 1805 và mất năm 1883 , hưởng thọ 78 tuổi . Cô để lại nhiều Bức Thư Tình gởi cho Victor Hugo . Trong nhà Juliette , cô treo một khuôn hình to đề mấy dòng Thơ của Victor Hugo để ghi nhớ và ngầm ý chuộc lại "lỗi lầm vô tình" của mình : 
" Nào ai biết được con đường đáng thương đó 
  Nơi mà em đã ngã quị dưới một gánh nặng phủ phàng, cay nghiệt .
  Thế mà nay em bổng trở thành một hạt trân châu 
  Với tất cả vẻ hào nhoáng của "thuở ban đầu lưu luyến ấy " ,
  Chỉ cần một tia nắng mong manh hay một ngọn lửa Tình vừa nhen nhúm cũng là quá đủ ! "

Victor Hugo viết mấy dòng thơ nói trên vì cảm động khi ông đọc thư của Juliette gới cho mình với những lười thố lộ như sau :" Em say sưa ngắm nhìn dáng đứng thần tượng của anh trước bàn viết sau cuộc ái ân tuyêt dịu khi em còn nằm trên chiếc giường êm ấm . Em mỉm cười thầm kín khi thấy anh không chú ý quay nhìn . Em muốn đặt tâm hồn và đôi mắt em vào tất cả nơi nào trên thân thể anh mà em được tự do mơn trớn . Lòng cảm phục của em 
được giữ câm lặng để không phá rầy cảm hứng của anh . Em cố biến thành như một linh hồn vô hình để sự hiện diện của em không là một trở ngại làm khuấy động dòng suy nghĩ của anh khi anh sáng tác ."
 
Juliette chết rồi , căn phòng của đôi tình nhân tri kỷ trống vắng , lạnh lùng . Victor Hugo trở thành chiếc bóng cô đơn , ra vào lặng lẽ . Ông héo hắt như ngọn đèn dầu sắp cạn trong 2 năm cuối đời . Trong sự nhớ thương vô vàng,
Victor Hugo thố lộ rằng ông thường thấy Juliette hiên về trước mặt mình , luôn ở bên cành mình như chưa bao giờ 
đi xa vĩnh viễn . 

HẾT .
Võ Văn Ca .