Sưng phổi- BS. Hồ Ngọc Minh
Sưng phổi là gì?
Sưng phổi là sự nhiễm trùng lá phổi gây ra bởi vi trùng, virus, hay
do bị nấm. Tương tự như cảm xoàng hay cúm nặng, sưng phổi thường xảy ra
trong mùa lạnh và lây nhiễm khi người bệnh ho, nhảy mũi, hay đụng chạm
những vật dụng, mặt phẳng, truyền vi khuẩn từ người nầy sang người khác.
Trong mùa cảm cúm hoành hành, bệnh sưng phổi thường đi kèm theo sau.
Cũng chính những con vi khuẩn hay siêu vi làm cho ta ho, hay bị sốt sẽ
gây ra nhiễm trùng buồng phổi. Sự viêm phổi là triệu chứng chủ yếu của
bệnh sưng phổi, đi kèm với ho, sốt, và khó thở. Người bị cúm thường dễ
bị sưng phổi, nhất là người lớn tuổi và trẻ em, hoặc người có hệ thống
đề kháng yếu đuối. Tuy nhiên, người trẻ tuổi cũng có khi bi sưng phổi
nặng, phải vào bệnh viện và mất mạng.
Bình thường, lỗ mũi và đường khí quản có thể lọc ra những vi khuẩn
độc. Nhưng một khi vi khuẩn đã vào đến bên trong phổi khi bị cảm cúm,
hoặc khi sự đề kháng yếu đi thì những túi chứa không khí gọi là alveoli
có thể bị ngập nước hay ứ đọng mủ do bị viêm, nhiễm trùng.
Sưng phổi ở người lớn thường do vi trùng gây ra, có tên Streptococcus
pneumoniae. Trong khi đó sưng phổi ở trẻ em thường là siêu vi, virus.
Các loại virus gồm có influenza (virus gây ra cúm), rhinovirus (gây ra
cảm xoàng), và respiratory syncytial virus (RSV) xảy ra thường xuyên
trong trẻ em. Sưng phổi cũng có thể xảy ra khi hít thở những bụi hay hóa
chất ô nhiễm, hoặc khi nước dịch hay thức ăn từ bao tử chạy ngược vào
phổi.
Các triệu chứng của sưng phổi
Thường thường những ca sưng phổi vì virus triệu chứng nhẹ hơn là sưng
phổi vì vi trùng nhưng một khi bị nặng thì triệu chứng hai bên khó phân
biệt.
1. Ho khan hay ho có đờm. Sưng phổi vì vi trùng thường có đờm đặc
quánh. Ngược lại sưng phổi vì siêu vi thường không có đờm, ít đờm hay
đờm lỏng hơn.
2. Sốt thường đi đôi với sưng phổi. Tuy nhiên cho dù không bị sốt không có nghĩa là không bị sưng phổi.
3. Bị nóng lạnh luân phiên thường đi kèm với tình trạng vi khuẩn đã nhiễm vào máu, có thể đi dến tình trạng nhiễm trùng máu.
4. Khó thở. Khi bị nhiễm trùng phổi, hơi thở không sâu và thường phải
thở dồn dập để cân bằng lượng oxygen trong máu. Người già có khi cần
đến bình dưỡng trí oxygen để trợ thở. Trẻ em thiếu dưỡng khi có thể làm
cho môi miệng hay móng tay bị thâm tím.
5. Đau ngực. Khi phải thở nhiều và dồn dập có thể làm cho bắp thịt
ngực bị mỏi và đau. Nhưng nếu cơn đau rất nặng như bị dao đâm thường là
do sự nhiễm trùng đã tr ở nặng và lan tràn ra khắp cơ thể. Có khi là bị
đột quỵ tim, xảy ra khi bị nhiễm trùng máu.
6. Đổ mồ hôi. Khi cơ thể đang chống lại nhiễm trùng, có thể làm đổ mồ
hôi, da bị ướt đẫm. Nhưng nếu mồ hôi tuôn không ngừng thì có thể bị
nhiễm trùng máu, tình trạng rất nguy kịch.
7.Bị chóng mặt, bất tỉnh. Đây là một triệu chứng khác biểu hiệu cho
nhiễm trùng máu, khi mà áp suất máu bị tuột giảm, hoặc đi tiểu rất ít do
máu cung cấp cho trái thận không đủ.
Nên hay không nên uống thuốc trụ sinh?
Một khi đi khám, bác sĩ có thể phải cho thử đờm, chụp hình phổi hay
thử máu để phân biệt giữa hai nguyên do sưng phổi. Nếu bị sưng phổi vì
virus thì không cần thuốc trụ sinh bởi vì trụ sinh không có hiệu nghiệm
với virus. Thuốc trụ sinh còn có thể gây ra phản ứng phụ, và lạm dụng
thuốc có thể bị lờn thuốc, khi bệnh nặng sẽ không có thuốc chữa.
Nếu bị sưng phổi vì virus, chỉ cần thuốc Tylenol, thuốc ho và thuốc trợ giúp chống virus như Tamiflu chẳng hạn.
Đôi khi, người già hay trẻ em có thể chuyển từ sưng phổi do virus
sang sưng phổi vì vi trùng. Các trường hợp đặc biệt nầy sẽ cần đến thuốc
trụ sinh nếu bác sĩ thấy cần.
Sưng phổi có thể gây ra tử vong
Hầu hết những bệnh nhân bị sưng phổi đều qua khỏi trong vòng vài
tuần, tuy nhiên một số nhỏ có thể bị tử vong. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng một
triệu người phải nhập viện vì sưng phổi, và có khoảng 50,000 người mất
mạng.
Những trường hợp sưng phổi nặng hay nhập viện quá trễ có thể đi đến
tử vong. Buồng phổi, dễ hiểu là cơ phận chủ yếu cho việc trao đổi
oxygen. Khi bị nhiễm trùng nặng, bị ngập nước hay ứ mủ sẽ không đủ cung
ứng oxygen cho cơ thể. Đồng thời khi cơ thể đề kháng để diệt vi trùng
cũng làm tuột áp suất máu và giảm lượng máu cung cấp cho nội tạng. Vừa
mất dưỡng khí, vừa thiếu máu cung ứng, vừa bị nhiễm trùng máu sẽ làm cho
trái tim, trái thận ngưng làm việc. Thận và gan là hai cơ phận kết nối
để giải độc, hư thận sẽ làm hư gan, hệ quả dẫn đến tử vong.
Như đã nói, hầu hết mọi người có sức khoẻ trung bình đều có thể chống
lại bệnh sưng phổi. Tuy nhiên bệnh sưng phổi rất nguy hiểm cho người
già và em bé, những người bị yếu sức đề kháng như đã bị nhiễm HIV, bị
ung thư, hoặc bị các bệnh kinh niên. Tuy nhiên bệnh sưng phổi có thể làm
mất mạng bất cứ ai, trẻ hay già, nếu không điều trị kịp thời.
Để tránh bị sưng phổi, trước tiên là nên đề phòng tránh bệnh. Nên giữ
vệ sinh thường xuyên, đơn giản nhất là rửa tay và tránh xa những người
đang ho hay bị nhảy mũi. Nên, chích ngừa cúm theo đúng lời khuyên của
bác sĩ.
Một khi đã có triệu chứng bị sưng phổi thì nên uống nước nhiều và
nghỉ ngơi, và, nhất là không nên tự chữa, xin thuốc trụ sinh của bạn bè
để uống, mong sẽ qua khỏi. Nên tìm gặp bác sĩ nếu triệu chứng không
thuyên giảm trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
BS. Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment