Lộc Hưng: Cô Bé Áo Đỏ - Từ Thức
Cháu bé áo đỏ tại khu dân cư ở Vườn Rau Lộc Hưng bị cộng sản phá tan nát. (Hình: Internet)
Giáp Tết, quân ta đổ bộ, đánh chiếm khu vườn rau. Quân ta hoàn toàn
thắng lợi, đã san bằng sào huyệt của địch. Trong một đêm, cả một vùng
trước đó sôi sục sức sống trở thành một đống gạch vụn.
Hai hình ảnh sống lại trong đầu, mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng.
Thứ nhất, video quay cảnh một người cha trèo trên đống nhà sập, té
lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con. Thứ hai, hình một cháu
gái áo đỏ buồn bã ngồi nhìn nhà mình bị kéo sập.
Cái gì diễn ra trong đầu một đứa bé ngồi nhìn cả thế giới của mình
sụp đổ. Trong một xã hội bất nhân, tình cảm là một xa xỉ phẩm, còn ai
bận tâm tới cái gì diễn ra trong đầu một đứa nhỏ?
Căn nhà, với đứa trẻ, là tổ ấm, là tình nghĩa gia đình, là tình yêu
của mẹ, là kỷ niệm với cha, là những tiếng cười đùa với anh chị em. Tất
cả thành mây khói. Cái sụp đổ, mất mát, tan vỡ ấy sẽ lưu lại suốt đời
đứa nhỏ, không có gì gột rửa được. Không có gì sống lâu, vĩnh viễn, hơn
những kỷ niệm thời thơ ấu.
Nhìn cháu gái ngồi trước ngôi nhà, khu phố của mình bị san bằng, tự
nhiên nghĩ tới một truyện ngắn của Nam Cao, tựa là “Mua Nhà.” Đó là
văn chương Việt Nam, cái thời người ta chưa nuôi văn nghệ sĩ như nuôi
heo, người viết văn không tủi thân vì nhận được ít bổng lộc, không than
không được vỗ béo để có tâm huyết viết bài phục vụ chế độ. Cái thời
người ta còn viết văn để phơi trần thực tế xã hội, để diễn tả cái nhức
nhối, ngoài đời và trong đầu.
Nam Cao kể chuyện mua nhà.
Ngôi nhà, đúng hơn là túp lều của tác giả bị gió bão dựt sập. Phải
nghĩ đến chuyện dựng một túp lều khác cho vợ con có chỗ trú ẩn. Có người
dụ bán nhà, giá rẻ, vì chủ nhà thua bạc, chỉ còn căn nhà bán để gỡ. Tác
giả vay nợ mua nhà để khỏi mất một cơ hội tốt. “Tôi chạy ngược chạy
xuôi. Chỗ thì lãi năm phân. Chỗ thì lãi sáu phân. Cùng quá, tám phân
cũng lấy liều.”
Ngày đến dỡ nhà, tác giả thấy một anh đã thua bạc hết tiền bán nhà
“nằm thườn trên một cái giường tre chiếu rách, bẩn thỉu. Đứa con bé ngồi
ngay dưới đất, ôm cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa
con lớn vừa cạu nhạu, vừa đấm lưng em thùm thụp.” Người mua nhà xin chủ
nhà dọn dẹp đồ đạc để thợ dỡ nhà. Anh ta “cười chua chát: Đồ đạc thì có
gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này. Cứ quẳng bố nó ra ngoài kia cho
tôi, rồi dỡ đi. Hắn đứng dậy, bảo con: Chúng mày cũng đứng đứng lên.
Sang nhà bác Vi nằm nhờ.”
Một lúc sau “chẳng biết gởi em cho ai được, đưa con gái lân la gần
tôi xem dỡ nhà… Nó gầy ốm quá. Cổ tay cổ chân chỉ con con. Mặt chau
chau. Quần áo rách lượt thượt. Răng nó cứ nhe ra một cách thưong hại
lắm. Tôi tự nhiên ngán ngẩm. Tôi thở dài ngán ngẩm..”
Khi người ta bắt đầu dỡ nhà, “con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra
nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má phình ra. Cứ thế, nó chẳng nói, chẳng
rằng, chạy bình bịch sang hàng xóm… Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con nức
nở: – Mẹ ơi!”
Giữa con bé của Nam Cao và cháu gái áo đỏ ở Lộc Hưng, một phần ba thế kỷ đã trôi qua.
Bao nhiêu chiến tranh tương tàn đã làm tan hoang đất nước. Bao nhiêu
triệu người đã bỏ mạng trong cuộc chiến giữa người cùng máu mủ, trên
đường chạy giặc, vượt biển. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi.
Tất cả những bi kịch ghê rợn, để được như ngày nay, “đất nước chưa
bao giờ tốt đẹp như thế này.” Ông Trọng không phải hoàn toàn vô lý. Với
một nhóm du đãng đói rách từ trong rừng, tự nhiên ngồi trên một đống đô
la, ngồi lên đầu trên cổ gần dân, quả thực “đất nước chưa bao giờ tốt
đẹp như thế này.” Nhưng với gần 100 triệu người khác?
Theo lời ông trùm công an Tô Lâm, ở thế kỷ 21, vẫn có người tìm cách
vào tù vì ở bên ngoài không kiếm nổi mỗi tháng 17 kg gạo, 15 kg rau.
Cái gì khác nhau giữa thân phận người dân thời đại Nguyễn Phú Trọng so với thời thực dân cách đây gần một thế kỷ?
Nam Cao: “Có những ông bố, bà mẹ lụ khụ, chỉ vì thương con nghèo quá
không có tiền chôn cất mà không nỡ chết.” Một cụ bà Lộc Hưng, có thân
nhân tàn tật đau yếu, bị dựt sập nhà, bị quẳng ra lề đường, tâm sự: “Chỉ
mong người thân chết trước, vì nếu tôi chết trước, ai lo nuôi nấng,
chăm sóc họ?”
Thoạt nhìn, chẳng có gì thay đổi. Gần một thế kỷ sau, dân Việt Nam
vẫn tiếp tục thân trâu ngựa. Nhưng nhìn lại, có sự thay đổi ghê rợn, và
cái thay đổi đó, nghĩ cho cùng, chính là cái bi kịch lớn nhất của dân
tộc Việt Nam. Nó đã, và sẽ kéo theo, dồn dập, những bi kịch khác.
Cái thay đổi ghê rợn là sau ba phần tư thế kỷ, người Việt Nam đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy vô cảm.
Cái khác nhau là, trong tác phẩm Nam Cao, người mua nhà nhìn bé gái, hối hận, ray rứt, tự oán trách mình đã làm chuyện ác.
Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá
nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã
trước cuộc đời tan vỡ.
Tệ hơn nữa, coi đó chỉ là chuyện bình thường dưới huyện, và ngạc
nhiên tại sao có người bận tâm? Và người ta huy động báo chí nhà nước để
rêu rao đó là khu nhà bất hợp pháp. Làm như những túp lều của bầu đoàn
thê tử đầy tớ hoàn toàn là đất hợp pháp, không phải chẹn cổ, bóp họng
người dân mà có?
Cái khác nhau là cách đây gần một phần ba thế kỷ, người ta còn biết
xúc động, biết xấu hổ. Còn có lương tâm. Cái anh mua nhà của Nam Cao
khởi đầu bằng sự áy náy: “Tôi có quyền gì mà cấm hắn? Hắn không bán cho
tôi thì bán cho người khác. Tôi để lỡ một dịp may là tôi ngu. Vậy thì
tôi mua cái nhà.”
Hết áy náy, anh ta tìm cách bào chữa, để an ổn lương tâm: “Nghĩ ngợi
làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn
hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải là tôi tệ, nhưng biết
làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt ke vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ
tới mình mà chẳng thiệt gì đến ai.”
Nhưng mặc dù tìm mọi cách trấn an, người mua nhà vẫn dằn vặt “Tim tôi
động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng.Tôi hơi lảo
đảo. Bây giờ tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi đựợc nữa. Tôi ác
quá! Tôi ác quá!”
Cái dằn vặt, thao thức đó, cái lòng trắc ẩn đó, là cái thắng để cái ác không ngự trị, để xã hội còn là một xã hội tử tế.
Cái lương tâm đó, người Cộng Sản đã đánh tan hoang. Bằng cả một hệ
thống giáo dục, bằng cả một nhân sinh quan mới, bằng lối hành xử tàn tệ
giữa người với người. Cái bất nhân trở thành một chuyện bình thường.
Cái vô cảm đó là hậu quả tất yếu của một xã hội băng hoại, đầy những bất hạnh. Antonio Gramsci giải thích:
“Cái bất hạnh có hai hậu quả: thường thường nó dập tắt tất cả tình
thương của chúng ta với những người bất hạnh, và không hiếm hơn, nó dập
tắt tất cả tình thương nơi những người bất hạnh đối với những người bất
hạnh khác.” (*)
Trong trường hợp Lộc Hưng, cái vô cảm đó có hai khuôn mặt.
Thứ nhất, cái vô cảm giữa những người bất hạnh. Khi tất cả đều là nạn
nhân, bị bóc lột tới xương tủy, bị dày xéo tháng này qua năm khác,
người ta không còn lòng trắc ẩn ngay cả với người đồng cảnh. Người ta
khoanh tay nhìn, hy vọng chuyện đó sẽ không đến với mình.
Thứ hai, cái vô cảm giữa những người được chế độ ưu đãi đối với những
người thấp cổ bé miệng. Anh ta không còn một chút day dứt lương tâm.
Anh ta không muốn duỗi chân ra để hưởng cả cái chăn. Anh ta đá văng
người khác ra đường để chiếm cả chăn, cả giường, cả phòng ngủ. Tệ hơn
nữa, kinh hoàng hơn nữa, anh ta coi đó là một chuyện bình thường.
Một dân tộc không còn lương tâm là một dân tộc tự hủy. Nhà cửa có thể
cất lại được, nhưng cái ray rứt của lương tâm, khi nó đã chết, sẽ không
còn phương cách gì cứu vãn nổi. Và dân tộc chết chung, cùng một lúc với
nó.
Tệ hơn nữa, đó không phải là một cái chết tình cờ. Đó là một cái chết
đúng quy trình. Chế độ độc tài nào cũng nhắm tiêu diệt đôi chút lương
tri còn leo lét trong lòng người dân, để biến người dân thành những cái
máy vô cảm, không còn sợ lương tâm, chỉ biết sợ và thần phục sức mạnh.
Nhìn cô bé áo đỏ, không có người nào đến đập phá nhà cửa ở Lộc Hưng tự sỉ vả: “tôi ác quá! Tôi ác quá!”
Từ Thức/Paris
No comments:
Post a Comment