Con Người Đáng Nể - Đinh Yên Thảo
Giấc mơ bay xa và cao của trẻ nhỏ là gì?
Trở thành một phi công lái chiến đấu cơ oai hùng, một hạm trưởng với giấc
mộng hải hồ hay một sĩ quan biệt hải Navy Seal can trường, vào sinh ra tử? Hay
trở thành một lương y cứu người, tốt nghiệp từ ngôi trường Harvard danh tiếng
thế giới? Hoặc xa hơn nữa, là giấc mơ trở thành một phi hành gia, với những
chuyến thám hiểm không gian kỳ thú? Là gì đi nữa thì chỉ cần đạt đến một trong
những thành tựu kể trên đã được xem như là sự thành công nghề nghiệp lớn của
một đời người. Bởi bất cứ ai đạt đến những cơ hội hiếm hoi trên đều được xem là
những thanh niên ưu tú và xuất chúng, là một thứ tài sản quốc gia. Nên khi một
thanh niên 34 tuổi gốc Đại Hàn đạt được đồng thời cả ba điều kể trên thì có lẽ
khó có ai đã và sẽ gộp chung được một hồ sơ cá nhân đầy kỳ tích như anh. Bạn đã
nghe đến cái tên Jonny Kim thuộc thế hệ phi hành gia tương lai của nước Mỹ
chưa?
Người ta vẫn thường nói đến mức độ tinh nhuệ và thiện chiến của đơn vị
biệt hải, tức lực lượng người nhái đặc biệt Navy Seal trong quân đội. Ðó
là những con người có thể chất hơn người, có một tinh thần thép cùng
một tâm lý vững chãi, bén nhạy. Họ được tuyển chọn và vượt qua những
cuộc huấn luyện cam go và nguy hiểm, có lắm người từng là một lính chiến
mạnh mẽ cũng phải bỏ cuộc hay bị loại giữa đường, thậm chí bỏ mạng
trước khi trở thành một người lính biệt hải thực thụ. Jonny Kim đã vượt
qua được điều này.
Jonny sau một trận đánh ở Iraq – nguồn Reddit
Sinh năm 1984 tại Los Angeles trong một gia đình di dân Ðại Hàn, mang
giấc mộng đời binh nghiệp, Jonny đăng lính ngay sau khi tốt nghiệp trung
học và chọn ngay binh chủng thử thách, nguy hiểm nhất trong quân đội:
lực lượng biệt hải. Jonny kể lại rằng, anh không thích cái con người
trong cái gia đình và văn hóa mà anh đã đang lớn lên, muốn thoát ra khỏi
cái bảo bọc, không gian an toàn đó mà muốn đi tìm bản thể thật sự cho
chính mình và của chính mình. Anh muốn dấn thân vào một cuộc phiêu lưu,
phục vụ với lý tưởng cao hơn đời sống mưu cầu cá nhân. Anh được chọn và
cho cơ hội để tham dự khóa huấn luyện khắc nghiệt và căng thẳng trong
hai năm trời, cùng những lời cảnh báo trước rằng, không có gì bảo đảm là
những ai được chọn theo huấn luyện cũng sẽ đủ khả năng và có cơ hội trở
thành một người lính biệt hải thực thụ. Bởi các số liệu cho biết có
khoảng ba phần tư quân nhân được huấn luyện đã phải bỏ cuộc hay bị loại
khóa huấn luyện, đặc biệt là trong “tuần lễ địa ngục” (Hell Week), khi
những huấn nhục này có thể gấp 20 lần những gì người lính tưởng tượng.
Ðó là cuộc thử thách để quân đội lọc và chọn được những người lính biệt
hải đúng theo tiêu chuẩn khắt khe nhất của binh chủng này. Ðược huấn
luyện chung với những người lính ưu tú từ các binh chủng khác, Jonny Kim
cũng không là ngoại lệ. Anh thú nhận đó là tuần lễ huấn nhục trong băng
tuyết khủng khiếp nhất mà anh tưởng đã phải bỏ cuộc, khi người lính chỉ
được ngủ đôi lần, mỗi lần chỉ dăm ba tiếng trong suốt năm ngày. Nhưng
anh đã vượt qua được, để tốt nghiệp khóa huấn luyện, trở thành một sĩ
quan biệt hải thiện chiến thực thụ. Jonny Kim được điều sang Iraq hai
lần, tham gia hàng trăm đặc vụ trong vị trí một xạ thủ bắn tẻ, một nhân
viên cứu thương chiến trường, một người dẫn đường, từng phục vụ chung
toán với những tay bắn tỉa huyền thoại như Chris Kyle (người được dựng
thành bộ phim Sniper mà chuyên mục đã từng có bài viết) với hàng chục
huân chương chiến công oai hùng. Nhưng rồi cái chết của hai đồng đội, là
những người bạn thân thiết nhất của anh trong một đặc vụ nguy hiểm tại
Iraq mà anh không cách nào cứu chữa được ngay trên tay mình, là nỗi ám
ảnh và ngã rẽ đưa Jonny Kim đến với suy nghĩ về nghề Y. Anh quyết định
đi theo nghề Y khi vẫn còn tại ngũ, với ý định sẽ quay lại quân ngũ và
tiếp tục phục vụ trong vai trò bác sĩ quân y.
Bác sĩ khoa cấp cứu Jonny Kim – nguồn bwhbulletin.org
Tham gia chương trình Hải Quân trừ bị RNOTC dành cho các sĩ quan
hiện dịch quay lại đại học, chàng Trung Úy Jonny tốt nghiệp cử nhân ưu
hạng tại Ðại Học San Diego sau ba năm ròng rã theo học. Với thành tích
và hồ sơ đặc biệt của mình, Jonny được đại học Harvard thu nhận cho theo
học và đào tạo thành một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu cho Hải Quân. Ba
năm trước, năm 2016, Jonny Kim tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa tại Ðại Học
Harvard và chuyển sang nội trú tại khoa cấp cứu của bịnh viện
Massachusetts. Jonny là một trong những bác sĩ nội trú hiếm hoi từng có
kinh nghiệm cấp cứu trên chiến trường. Những bác sĩ trưởng khoa tại đây
nhắc về anh như một bác sĩ khiêm cung, tài ba cùng tính cách đặc biệt và
hiếm thấy, mà bất cứ bịnh viện hay bịnh nhân nào cũng mong muốn có
những bác sĩ như vậy. Dù họ biết rằng anh sẽ quay lại với Hải Quân sau
khi hoàn tất nội trú, vì Hải Quân cũng cần có anh. Câu chuyện đến đây
tưởng cũng đủ để kết thúc câu chuyện đặc biệt về một người lính biệt hải
trở thành bác sĩ, một nỗ lực đáng ngưỡng mộ của một chàng sĩ quan trẻ
hào hùng, mang đầy tinh thần phục vụ quốc gia. Nhưng nó không dừng lại ở
đó.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, Phó Tổng Thống Mike Pence đã thay mặt Tổng
thống, đích thân bay sang trung tâm NASA tại Houston, Texas để tham dự
buổi lễ đặc biệt, công bố và giới thiệu thế hệ phi hành gia tương lai
của Hoa Kỳ đến người dân. Trong đó cái tên Jonny Kim được xướng lên. Anh
là một trong 12 người đã được NASA chọn để huấn luyện trở thành phi
hành gia sau nhiều vòng xét tuyển khắt khe của NASA từ hơn 18,000 sĩ
quan, bác sĩ, kỹ sư, khoa học gia, những nhà nghiên cứu xuất sắc, có
nhiều thành tích khắp nước Mỹ gởi đơn về để ứng tuyển, trong đó có đơn
của Jonny đã nộp. Với 44 phi hành gia đang có, NASA tuyển chọn và huấn
luyện các thế hệ phi hành gia tương lai cho nước Mỹ mỗi bốn năm. Khoá
phi hành gia 22 này là đông đảo nhất trong lịch sử, với khoảng một nửa
là những sĩ quan từng tốt nghiệp các Học Viện Quân Ðội, Không Quân hay
Hải Quân, cộng thêm các bằng cấp kỹ thuật và chuyên môn cao (từ Cao học)
và hàng ngàn giờ bay thực thụ cùng các chuyên gia dân sự khác, đều là
những người có hồ sơ cá nhân đáng nể. Sau hai năm được huấn luyện về
ngoại ngữ (tiếng Nga), thể lực và chuyên môn tại trung tâm NASA Johnson
Space Center, các phi hành gia này sẽ làm việc, nghiên cứu trong các
phòng thí nghiệm phi hành gia, chờ tham gia các phi vụ nghiên cứu trên
trạm không gian quốc tế ISS hay các chương trình thám hiểm không gian
tương lai của Hoa Kỳ.
Jonny Kim, phi hành gia tương lai của Hoa Kỳ – nguồn Reddit
Trung Úy Hải Quân Biệt Hải, bác sĩ Y Khoa Harvard, Phi Hành Gia Jonny
Kim quả thật là câu chuyện kỳ tích khó ai làm được. Anh là niềm hãnh
diện của Ðại Học Harvard, của các bịnh viện anh đã từng nội trú và của
Hải Quân Hoa Kỳ. Tạp chí Hải Quân Navy Times đưa cái tên Jonny Kim vào
danh sách những sĩ quan hải quân xuất chúng nhất mọi thời đại, bên cạnh
những nhân vật vĩ đại của nước Mỹ từng phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ như Tổng
Thống John F. Kennedy, phi hành gia Neil Armstrong – người đầu tiên đặt
chân lên mặt trăng… Chàng thanh niên Jonny Kim trong gia đình di dân gốc
Ðại Hàn này ắt cũng là niềm hãnh diện thật sự và đúng nghĩa cho cộng
đồng Ðại Hàn khi có đứa con xuất chúng, người mang tài trí mình để phục
vụ cho lý tưởng quốc gia. Và chắc chắn, anh đã mang lại sự ngưỡng mộ và
niềm hứng khởi cho giới trẻ bởi những gì anh đạt được tưởng như không
thể xảy ra với cùng một người. Nhưng nó đã xảy ra.
Đinh Yên Thảo
Nguồn: http://baotreonline.com
No comments:
Post a Comment