Friday, January 11, 2019

Đốm Lửa Trên Sông

Nguyên Nhung

Ông thầy già của ngôi trường Trung Học của tôi thời cắp sách, cho đến bây giờ ngoài “thất thập cổ lai hi” vẫn mê thơ Đường. Những bài thơ của Tô Đông Pha, Lý Bạch, Trương Kế từ hơn nghìn năm trước vẫn được thầy ngồi suy tư nghĩ ngợi, tìm trong thơ ý tưởng của người xưa, như bây giờ người ta đi tìm cái bí ẩn nụ cười của Mona Lisa, bức danh họa của Leonardo da Vinci. Chắc hẳn thầy đã trăn trở nhiều đêm với nỗi lòng của người xưa, bài thơ được thầy dịch đi dịch lại nhiều lần mà vẫn chưa vừa ý, qua nhiều tháng năm mòn mỏi của đời người, để mỗi lần đọc lại thầy vẫn thấy còn thiêu thiếu.

Mới đây, thầy gửi đi một bản dịch bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” nguyên tác của Trương Kế, thi sĩ Trung Hoa từ thế kỷ thứ 8, khoảng trước và sau năm 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Tông, sinh quán ở Tương Châu, thuộc tỉnh Hà Bắc. Tương truyền rằng Trương Kế thi rớt khoa thi năm đó, đêm neo thuyền ở cầu Phong, nhìn ánh trăng bàng bạc trên sông nước. Thao thức mãi không ngủ được, quá nửa đêm về sáng lại nghe tiếng quạ kêu sương, hai bên bờ hàng cây say ngủ, bỗng đâu nghe vẳng lên tiếng chuông chùa Hàn San, nỗi u uẩn của lòng hòa thêm tiếng chuông tinh khôi buổi sáng khiến lòng càng trắc ẩn, ngậm ngùi nên tức cảnh sinh ...Thơ. Bài thơ vỏn vẹn 4 câu đã trở thành bất hủ:

Phong Kiều Dạ Bạc

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”
(Trương Kế)

Ý tưởng và vẻ đẹp thi ca của người xưa vẫn còn bàng bạc mãi trong tâm hồn người yêu thơ cho tới tận bây giờ. Khi dịch bài thơ này, ông giáo già cứ băn khoăn mãi khi tưởng tượng ra đốm lửa trên chiếc thuyền chài cá lúc nửa đêm, sương giăng như một dòng sữa, hàng cây phong ven bờ lim rim ngủ, tiếng quạ kêu khắc khoải quyện với hồi chuông khuya từ ngôi chùa Hàn San.

“Trăng lẩn, quạ kêu, trời đầy sương
Ánh lửa chài xa quyện vấn vương
Hàng cây phong ngủ bên bờ vắng
Văng vẳng chuông khuya vỗ mộng thường.”
(Giáo sư Phạm khắc Trí)

Đọc bản dịch của Thầy, hình như mấy chữ “ánh lửa chài” trong bài thơ bỗng làm tôi nhớ đến nỗi buồn mông lung của những Xóm Thuyền Chài ngày xưa, trên một dòng sông nhỏ thời tôi còn trẻ. Dễ có đến hơn bốn mươi năm khi tuổi còn thanh xuân, sao những đốm lửa trên sông vẫn in trong lòng tôi một nỗi buồn khắc khoải mênh mông. Nhất là mỗi buổi tối trời nhập nhoạng lên đèn, ngồi bên bờ sông trên bến nước, đưa mắt nhìn ra khoảng sông tối mịt mùng xa xa vẫn thấy ánh lửa lắt lay trên những chiếc thuyền chài rách nát.

Tôi cũng không biết từ khi nào trên dòng sông này có những chiếc thuyền đi giăng câu trên khúc sông rộng vắng vẻ, mỗi dịp Lễ Tết, họ lại tụ nhau về một bến sông như những chiếc nhà nổi, người ta gọi đó là Xóm Thuyền Chài, để chỉ những cư dân vùng sông nước suốt một đời lênh đênh trên những con thuyền. Thường thì bến sông nào cũng là nhà khi họ ghé vào để trao đổi với cư dân hai ven bờ, những mớ cá, tôm mà họ đã phơi sương để giăng lưới suốt đêm trường. Dĩ nhiên họ không bán được giá cao như ngoài chợ, nhưng tôm cá của họ tươi roi rói, lại rẻ nên chẳng bao giờ ế ẩm. Người ta gọi đó là thuyền chài, nhưng thực ra đối với dân địa phương ở miền Nam, chiếc thuyền chài của người Bắc lại là một chiếc ghe nhỏ, trên có mái che như cái vòm cong cong được đan khít bằng tre nứa khá chắc chắn, rồi phủ ra ngoài là một lớp sơn giữ cho mái vòm được bền bỉ với nắng mưa.

Nhà ở ven sông nên vì thế tôi làm quen dễ dàng với một gia đình Xóm Thuyền Chài, gồm bà mẹ già, hai vợ chồng bác đánh cá và lũ con còn bé leo nheo đến ba đứa. Hỏi ra thì không đứa nào được đi học vì cả nhà sống trên sông, thuyền đi xa bờ đến những khoảng sông rộng để giăng lưới, tùy theo con nước mà họ còn đang chài cá, nên không tiện để chở mấy đứa bé đến trường. Năm ấy đứa con lớn nhất của bác Bút chỉ mới độ tám, chín tuổi, con lớn chăn con bé nên cả nhà ai cũng có việc. Bác Bút gái nước da đen ròn, đậm chắc trông rất khỏe, tiếp tay với chồng chèo chống con thuyền trên nhiều khoảng sông dài, trong khi bác trai chăm chỉ bủa lưới. Bà cụ Bút lo việc cơm nước ở khoang trống đầu thuyền, đêm về thì ngay lối vào được thả xuống một cái mành mành bằng ni lông để che gió, cả nhà chen chúc nhau trên cái thuyền rách, xung quanh được che chắn bằng những phên lá và thiếc mỏng.

Cả nhà bác Bút thích tôi lắm, nhất là mấy đứa trẻ con mỗi lần được lên bờ chạy nhảy, y như lũ chim sáo được xổ lồng. Mẹ của bác Bút năm ấy đã già, đầu chít khăn mỏ quạ theo kiểu phụ nữ nhà quê miền Bắc. Hình như họ cũng chẳng biết bao nhiêu về xã hội trên bờ sông, ngoài phố chợ, khi vào bờ là để bác Bút gái bán xong mẻ tôm cá đổi chác những thức cần dùng, khi cần nghỉ ngơi dăm ngày họ chỉ ghé lên những bến sông vắng có nhiều người quen. Bà cụ Bút tóc bạc phơ, lưng còng, tiếng nói đặc sệt giọng người vùng biển ở miền Bắc, khi có dịp lên bờ bà lại đòi vào thăm mẹ tôi, cũng chỉ vì thèm nghe giọng nói của người đồng hương.

Vào mùa hè hay Tết tôi thường có dịp xuống thuyền để chơi với lũ trẻ nhà bác Bút, khi hai vợ chồng bác bỏ lũ nhỏ lại thuyền cho bà cụ trông nom rồi xuống chợ mua sắm những thức cần dùng. Mỗi lần như vậy tôi thích được làm cô giáo của lũ trẻ nhếch nhác bẩn thỉu này lắm, nhìn những mái tóc bốc mùi sông nước chua lè, cắm cúi tô hình bằng những cây bút chì màu tôi đem xuống, nhe mấy chiếc răng sún ra cười mới dễ thương làm sao! Trong đôi mắt của những đứa bé con nhà thuyền chài đen đủi vì nắng gió, tôi là hiện thân của một cô tiên với nước da trắng trẻo, quần áo lành lặn sạch sẽ. Con bé gái rụt rè sờ vào đôi guốc sơn có vẽ hoa của tôi đầy vẻ ao ước, tội nghiệp những đôi chân không nào biết đến guốc dép là gì, ngay cả ngày Tết khi lên chùa chúng cũng chỉ tung tăng đôi chân trần trên con đường đầy đất bụi mà thôi.

Trên con thuyền dập dềnh giữa đám lục bình, có những mảnh đời cũng dập dềnh, lềnh bềnh nhiều năm tháng trôi theo con nước lớn, nước ròng mà chưa tìm được một bến đậu. Tôi tò mò quan sát sinh hoạt của gia đình bác Bút, nơi ăn ngủ là những tấm ván không đều nhau, đóng lại như cái vạc giường, rộng bằng hai chiếc giường đôi sát với nhau khá chật chội. Ở đầu khoang phía trước là chỗ nấu ăn, một chiếc “cà ràng” đôi và vại nước sạch dùng để nấu nướng và ăn uống, còn tắm rửa giặt giũ đã có đầy một dòng sông. Bây giờ tôi mới được biết thêm cái đốm lửa trên sông mà tôi nhìn thấy từ xa trong những chiếc thuyền chài khi mờ, khi tỏ như ma trơi, cũng từ cái bếp lửa ở đầu thuyền của một gia đình sống lênh đênh trên dòng sông, ánh lửa chập chờn ấy giữa khoảng sông tối thẫm gieo vào tâm hồn nhạy cảm của tôi một nỗi buồn vời vợi.

Mẹ bác Bút kể rằng, ngày xưa gia đình vốn gốc thuyền chài, ở ngoài Bắc họ cũng lênh đênh sống với sông nước, từ đời cha đến đời con tiếp nối nhau làm nghề hạ bạc. Sống trên sông đã quen, nên không muốn lên bờ, khi lớn khôn lấy vợ lấy chồng, đám trẻ con mới chào đời cũng yên phận như những cọng hoa lục bình trôi trên dòng sông. Sở dĩ bác Bút có cái tên cúng cơm này cũng do sự mơ ước của bà mẹ, mong con được biết chữ, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy gia đình trong nỗi vất vả, nên cuối cùng cũng chẳng được cắp sách đến trường.

Năm ấy không nhớ rõ là năm nào, cả nhà bác Bút neo thuyền vào bờ ăn Tết, ngay trên cái bến nước gần nhà tôi thay vì về bến tụ tập với những gia đình thuyền chài khác, có lẽ bác Bút muốn gần ngôi chùa nhỏ để bà cụ Bút có dịp đi lễ Phật suốt ba ngày đầu năm. Trong cái khoang thuyền hẹp bà cụ Bút cũng chu đáo đặt một cái bàn thờ con con, một khung hình chưng lộn xộn vài tấm ảnh của người khuất núi, có mấy bông hoa giả xanh đỏ cặm vào vách ghe cạnh bàn thờ, bát nhang có những cọng chân nhang màu đỏ sậm. Ở đâu thì con người vẫn phải có ông bà tổ tiên, đôi khi tôi thầm nghĩ đến những mảnh hồn khuất bóng trong gia đình bác Bút, chắc cũng lênh đênh với con cháu họ trên những đoạn sông dài.

Cũng y như mọi người, trước Tết bác gái đã đưa lũ con đến nhà cô thợ may trong xóm may quần áo mới, và sắm sửa mọi thứ để ăn Tết. Vì cắm neo ở xa bờ một khoảng ngắn, nên muốn xuống thuyền phải đi trên một tấm ván dài và hẹp rất chênh vênh, tôi đã phải rón rén đi trên tấm ván nhún nhảy đó, trong khi lũ con của bác Bút như những con sóc chạy nhảy rất nhanh. Bác Bút gái đã bưng về hai chậu cúc vạn thọ vàng thẫm, rồi cũng tranh Gà, tranh Lợn, cũng bánh mứt hạt dưa, chiếc thuyền giờ đây như cái nhà nổi trên sông, ban đêm quây chung quanh ánh đèn dầu là một gia đình ấm cúng và hạnh phúc.

Tuy sống trong cảnh nghèo đạm bạc với nghề chài lưới, nhưng bản chất lương thiện, chân thật và xử sự của những người không biết “một chữ bẻ đôi” này, sợ rằng còn tử tế hơn nhiều người được ăn học. Khi đã xem gia đình tôi là chỗ quen biết để tới lui mỗi lúc vào bờ, cuối năm bao giờ bà cụ Bút cũng bắt con trai phải chọn biếu mẹ tôi con cá, vài con tôm to tươi nhất để nấu canh riêu, mẹ tôi cũng chu đáo biếu lại nhà bác Bút một nồi thịt kho măng. Đấy là món ngon ngày Tết mà bà cụ Bút rất thích. Những miếng măng khô được ngâm kỹ với nước vo gạo vài ngày, rồi luộc đi luộc lại cho thật mềm, xé bằng đốt ngón tay kho lạt chung với thịt ba rọi hay thịt đùi, ngày Tết đi chơi về chỉ cần cuộn với bún, rau sống và bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt thế là xong bữa, ngon miệng mà lại không làm phiền ông Táo ba ngày Xuân. Ngày mùng Một tết, mẹ tôi chèo kéo bà cụ Bút vào nhà ăn miếng thịt đông dưa chua, vuông bánh chưng miền Bắc cho đỡ thèm. Bà cụ ngồi khép nép trên chiếc ghế dựa nơi bàn ăn cơm, chắc quanh năm ngày tháng chỉ quen ngồi xệp trên cái sạp thuyền để ăn cơm, rồi lăn ra đấy mà làm một giấc. Nhìn bà cụ già nhẩn nha nhai nhóp nhép miếng bánh chưng, lại thấy tội nghiệp cho những mảnh đời cơ hàn vất vả, nhưng cả nhà tôi không một ai tỏ ý khó chịu khi mẹ tôi ân cần với những người bạn nghèo chân thật như gia đình nhà bà cụ Bút.

Ba ngày neo thuyền ăn Tết có lẽ là ba ngày vui nhất của cả nhà bác Bút, hai người lớn ít đi đâu, nhưng bà cụ Bút thì nhất định phải lên bờ đi chùa cầu Phật, và để mấy đứa cháu lớn được theo bà đi chơi Xuân. Gọi là chơi Xuân nhưng cũng chỉ quanh quẩn trên con đường và dẻo đất ven sông ấy, bà cụ Bút giữ ý không dám dẫn cháu đến nhà ai, nhưng bao giờ thì mẹ tôi cũng chu đáo cho mỗi đứa một phong bao mừng tuổi. Bà cháu quanh quẩn ở ngôi chùa nhỏ thế thôi, ngôi chùa nghèo nằm hẻo hút ở ven con sông nhỏ, trước sân chùa có hai cây mai cổ rất quý, vào mùa Xuân hoa nở rộ lên vàng rực. Dưới bóng mát của hàng cau tỏa hương thơm dìu dịu vào buổi sáng, xung quanh hàng rào người ta trồng toàn hoa mẫu đơn vàng và đỏ thẫm. Chùa chỉ có ba ni cô trụ trì ở đó, sư bà đã già lọm khọm như một chiếc bóng vào ra quanh quẩn trên mảnh sân trồng cây kiểng, còn hai cô trẻ hơn thì lo việc ủ tương chao, trồng rau đậu làm kế sinh nhai.

Vào những sáng thức dậy sớm, trời còn mờ hơi sương đã nghe văng vẳng hồi chuông công phu từ ngôi chùa nhỏ. Tiếng chuông như những hạt sương nhỏ vào cái tĩnh lặng của đêm trường còn ngái ngủ một sự êm ả lạ lùng, xóm ven sông như ướp một mùi hương của cỏ cây vừa thức dậy. Hương cau, hương bưởi, hương dạ lý quyện lẫn với mùi hương của nhang thơm cúng Phật lúc ban mai, cho đến nhiều năm sau người đi xa vẫn tưởng như mùi hương ấy còn quanh quẩn bên lòng. Đấy là một ngày bình thường, đêm ba mươi Tết thời chiến tranh không cho đốt pháo, không có mùi thuốc pháo để đón Xuân nhưng ở cái xóm ven sông này vẫn có mùi hương đưa trong gió giữa đêm trừ tịch.

Từ cửa sổ nhà tôi nhìn ra bờ sông không xa, mù mờ trong bóng đêm và màn sương là chiếc thuyền câu của nhà bác Bút. Chưa đến giờ Giao Thừa, không khí trong xóm chừng im ắng hơn, chỉ thỉnh thoảng có tiếng chó sủa và tiếng í ới gọi nhau canh nồi bánh Tết, càng về khuya thì càng im lặng hơn. Trong không khí cô đọng giữa đêm trừ tịch, bỗng từ ngôi chùa vẳng lên những hồi chuông trống, âm thanh hòa lẫn với mùi trầm nhang thoang thoảng đưa, cả xóm lắng nghe thì biết là đêm giao thừa sắp tới. Trong xóm nhiều nhà vẫn còn đốt đèn sáng choang, ngoài khoảng sân trước bàn ông Thiên, đã thấy mấy phụ nữ lớn tuổi khăn áo chỉnh tề đang vái lạy trời đất để đón mừng năm mới.

Nhìn ra chiếc thuyền của nhà bác Bút, giữa đêm khuya ngọn đèn được khêu sáng hơn, đốm lửa duy nhất trong cái khoang thuyền bề ngang độ chừng hơn hai thước, bóng bà cụ Bút động đậy vào ra. Một mâm trái cây bánh mứt và nhang đèn được bày ở mũi thuyền, bóng lưng còng còng của bà cụ Bút đang lom khom vái lạy tứ phương, với những đốm nhang lập lòe trong đêm tối. Có nhìn thấy hình ảnh một gia đình thuyền chài neo ghe vào bờ đón tết, mới thấy được nỗi buồn hắt hiu của những gia đình làm nghề hạ bạc.

Người sống có nhà, người chết có mồ, ngôi nhà cố định ở một chỗ nào đó dù nghèo nàn tới đâu, vẫn là nơi để một mai có đi Đông đi Tây người ta quay về vẫn tìm ra chốn cũ. Con thuyền nhà bác Bút lênh đênh trên sông nước biết bến bờ nào là cố hương? Đã nhiều lần trong những đêm gió mưa sùi sụt, ngồi trong căn nhà ấm sáng ánh đèn, tôi vẫn có lúc băn khoăn nghĩ đến chiếc thuyền chài của nhà bác Bút, rồi tưởng như nghe được cả tiếng mưa rơi lộp độp trên mái thuyền, có một gia đình co ro trên những manh chiếu trải trên sạp gỗ. Hay những đêm trăng vằng vặc sáng, con thuyền lại theo con nước lớn neo giữa cù lao mênh mông để chờ những mẻ lưới đầy cá tôm, lúc mọi người đang ngủ ngon hay còn thao thức với trăng như tôi, trong khung cửa sổ nhìn ra mảnh sân nhỏ trước nhà.

Sau này khi bước vào đời rồi trải qua những lúc bon chen chật vật, khốn khổ vì sinh kế, đời chồng chất thêm nỗi buồn, có lúc tôi ao ước mình có một con thuyền như nhà bác Bút để muốn đi đâu thì đi, đến bến bờ nào cũng được, miễn là thoát khỏi sự ràng buộc với thế giới loài người hẹp hòi, ích kỷ. Tôi hình dung ra cái tự do của bác Bút thảnh thơi biết chừng nào, con thuyền ấy giữa đêm khuya với một vầng trăng sáng, xung quanh sông nước bề bề, cuộc đời không bị kềm tỏa ấy chẳng phải là thứ hạnh phúc tôi hằng mơ ước sao?!!

Liên tiếp nhiều năm, mỗi khi Xuân về, chiếc thuyền chài nhà bác Bút vẫn ghé vào cái bến sông có ngôi chùa nhỏ, chắc hẳn cũng là muốn tìm một nơi cố định để đón Xuân sang, thay vì lang thang mỗi năm mỗi bến. Đám con cái bác vẫn không được đi học, da chúng đen trùi trũi, quần áo vẫn khét mùi bùn sông rạch, con bé lớn đã nhỉnh hơn ra dáng một thiếu nữ chưa nẩy nở. Bà cụ Bút chép miệng tâm sự với mẹ tôi, ao ước vài năm nữa dành dụm thêm sẽ mua một miếng đất ở cuối giẻo ven sông này, chỗ ấy gần ngôi chùa, rồi làm cái nhà lá để cả nhà có chỗ chui ra chui vào, mấy đứa cháu bà cũng sẽ được tới trường như những đứa trẻ khác. Từ đời cha đến đời con, bà cụ Bút đã mơ ước cho con mình đi học, nay đến đời cháu mà họ vẫn còn chưa thực hiện được giấc mơ tầm thường đó.

Năm tiếp theo bà cụ Bút ốm đau luôn, đến nỗi có lúc ốm nặng uống thuốc mãi không khỏi, bác Bút phải đưa mẹ đến nhà chú y tá chích dạo trong xóm để khám bệnh. Gầy gò, héo quắt trong mớ quần áo chằng đụp trên người, bà cụ Bút thều thào mơ ước khi chết được nằm nhờ trên miếng đất của ngôi chùa nhỏ gần với nhánh sông mà những năm tháng cuối đời, bà cũng tìm được những tấm lòng. Cả đời lênh đênh trên sông nước, đến lúc gần nằm xuống vẫn mơ một chỗ nằm yên tịnh cho tấm thân èo uột cát bụi. Thuở ấy đất rộng người thưa, nên trong các khu vườn rộng rậm rịt nhiều bụi tre, nếu muốn người ta vẫn có thể chôn người thân ở góc vườn, chứ không nhất thiết phải đưa ra ngoài nghĩa địa. Bà cụ Bút đã tính toán một cách tội nghiệp, đi lại với sư bà cũng chỉ mong khi nhắm mắt được một nấm mồ tử tế, trong khi suốt đời đã phải sống kiếp lênh đênh không nhà.

 Sư bà là người nhân đức, nên chẳng nỡ chối từ bà cụ Bút một thẻo đất tý teo để làm nơi an nghỉ nghìn thu. Hôm ấy lần đầu tiên tôi được thấy đám ma một nhà thuyền chài, xác bà cụ Bút được đặt trong chiếc áo quan nhà nghèo quét sơn vàng nhạt thếch, một nắm nhang to cháy đỏ trên mặt hòm có bát cơm quả trứng, đó cũng là lần cuối cùng trong đời bà cụ già con nhà hạ bạc, từ giã cuộc đời trôi nổi trên sông nước để được lên bờ vĩnh viễn.

Ngày tháng thoi đưa, từ ngày mẹ chết bác Bút cho thuyền đi lang thang trên các dòng sông xa, thỉnh thoảng vẫn neo thuyền vào bến chùa để viếng mộ mẹ, rồi đi thăm những nhà quen trong xóm cũ. Bộ mặt của xóm nhà ven sông cũng dần dần thay đổi, chiến tranh đưa đẩy người trong quê chạy ra thành phố tránh bom đạn, người quê vẫn thích cảnh sông nước êm đềm, tìm vào mua đất cất nhà ở cũng đông, mùi hương cau hương bưởi của xóm cũ ngày xưa cũng không còn nguyên vẹn. Sư bà đã khuất bóng, cũng được nằm yên nghỉ ở góc vườn có bụi tre làm bạn với bà cụ Bút, ngôi chùa vẫn còn lại hai ni cô trẻ năm xưa nay đã già hơn, ngày Xuân người đi vãn cảnh chùa đông hơn, nhưng bao nhiêu bóng cũ người xưa mỗi ngày một vắng.

Mỗi lần về xóm thăm mộ mẹ, hai bác Bút vẫn không quên ghé thăm gia đình tôi, mang theo con cá mớ tôm tươi vừa lưới được còn tươi roi rói để biếu mẹ tôi, bác vẫn giữ được cái tình giao hảo với mẹ tôi như ngày bà cụ Bút còn sống. Mẹ tôi chẳng bao giờ để thiệt thòi cho gia đình người thuyền chài nghèo khổ ấy, bà thường dành dụm lại những quần áo cũ ngắn ngủn của chị em tôi không mặc vừa, dúi cho bác Bút gái vài món đồ chơi nhặt nhạnh được của mấy đứa cháu trong nhà. Chỉ thế thôi mà lúc chia tay bao giờ cũng bịn rịn, miệng tuy cười nhưng mắt bác Bút gái bao giờ cũng rưng rưng lệ, khi gặp lại tôi trong khu chợ đông người, bác Bút gái vẫn chạy theo kêu ơi ới . . .

oOo

Sau năm chiến tranh chấm dứt, gia đình tôi cũng rời xóm cũ dọn nhà đi nơi khác, trong nhà mỗi người mỗi cảnh chẳng dúm lại được với nhau để xum họp, nên căn nhà ven sông ấy phải bán lại cho người khác, bỏ lại cây mận đỏ lúc lỉu trái mẹ tôi trồng trước sân rợp bóng mát, có những mùa Xuân thuở nào với mùi hương hoa cỏ và nhang trầm ngôi chùa nhỏ. Ngày bỏ xóm cũ ra đi, mẹ tôi sang chùa để đốt nhang và từ biệt bà bạn già đồng hương của mình đã ở lại đây mãi mãi, kể từ đấy không gặp lại gia đình người thuyền chài nghèo khổ nhưng tấm lòng rất chân thật ấy nữa. Không hiểu sau này khi ghé vào xóm ven sông, không còn gặp gia đình tôi ở đó, bác Bút và lũ trẻ có buồn không?

Tôi trưởng thành và xa dần cái xóm nhỏ ven sông ấy nhiều năm rồi, nhưng mỗi năm khi Xuân về, hồi tưởng lại những khuôn mặt người quen đã đến đã đi trong cuộc đời mình, tôi lại nhớ đến gia đình bác Bút và những đứa trẻ bất hạnh không được cắp sách đến trường trong chiếc thuyền chài ấy. Nhớ đến con đường xi măng nằm giữa hai bờ cây im ngủ dưới ánh trăng, nhớ đến mùi hương hoa cau thơm ngát giữa đêm khuya thanh vắng, nhớ tiếng chuông chùa văng vẳng trong đêm sương, và cũng nhớ đến đốm lửa trên sông hắt lên trong khoang chiếc thuyền chài độ xưa. Lòng tôi chơi vơi một nỗi thương cảm. Giá như tôi có dịp trở về chốn cũ, tìm ra đám con bé dại của bác Bút ngày xưa, xem con thuyền mục nát của bác giờ này đã tìm được cái bến nào để an cư lạc nghiệp như bà cụ Bút mong mỏi. Những đứa trẻ giờ này đã khôn lớn, chẳng biết đã có được mái nhà và không còn lênh đênh trên sông nước với nghề hạ bạc cha truyền con nối?

Đọc lại bài thơ dịch của ông thầy già, tôi thấu hiểu được nỗi buồn của Thầy với bài thơ bất hủ của người xưa. Để rồi lại nhớ đến cảnh đời vất vả của gia đình người thuyền chài quen biết với gia đình tôi độ ấy, không biết ánh lửa lắt lay trong những chiếc thuyền chài nghèo khổ, có buồn bằng ánh lửa thuyền câu mà người học trò Trung Hoa thi rớt năm xưa cảm nhận được? Nghĩ về cảnh cũ, người xưa, tôi cũng cám cảnh nên bắt chước thầy ghi lại mấy vần thơ sau đây:

“Trăng ẩn, trời khuya, quạ kêu sương
Leo lét thuyền câu ánh lửa buồn
Lặng lẽ đôi bờ cây thiếp ngủ
Đêm tàn thổn thức mấy hồi chuông.”

Nguyên Nhung

No comments:

Post a Comment