Sunday, September 30, 2018

Một Nhà Thơ Trẻ (Trưởng Lê gởi)

Một nhà thơ trẻ, một anh hùng xuất hiện! Ít nhất quý vị cũng nên đọc 1 lần và phổ biến rộng rãi

Nhà thơ Trương Chi (Hình tác giả gửi) 

1. Tôi sinh ra giữa lòng Cộng Sản 
Và lớn lên dưới ảnh Bác Hồ 
Bao nhiêu năm viết “Độc lập – Tự do 
và Hạnh phúc” nhưng chưa từng thấy thế 

2. Đất nước tôi có bao người tuổi trẻ 
Đều lầm tin vào lịch sử Đảng truyền 
Họ nói rằng: Bác là thánh, là tiên 
Người đưa Nước thoát khỏi vòng nô lệ 

 3. Nhưng trong tôi thắp muôn vàn lý lẽ 
Cuộc chiến nào mà Đảng thắng – Nước thua? 
Dân làm giặc mà Đảng lại làm vua 
Trên danh nghĩa “kẻ tôi đòi trung hiếu” 

 4. Đất nước tôi tất thảy do Đảng liệu 
Đảng phân công, quản lý hết cuộc đời 
Từ cây kim, sợi chỉ đến chén cơm, manh áo dù rách nát, nhỏ nhoi 
Thì tất cả đều nhờ ơn của Đảng 

 5. “Yêu Tổ quốc” có nghĩa là “yêu Đảng” 
“Chống chính quyền” là “phản bội quê hương” 
Bao người vì non sông với niềm tin vào ngày mai nước Việt hùng cường 
Đều lần lượt chịu tù đày, khổ ải 

 6. Đất nước tôi có gì không độc hại 
Từ thức ăn, nước uống đến không khí ô nhiễm tràn lan 
Từ nhu yếu phẩm của đứa trẻ sơ sinh đến cụ già sắp lìa khỏi trần gian 
Đều tẩm độc vào xác – hồn nước Việt 

 7. Có nơi đâu mà người dân thua thiệt 
Bằng thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa thế này không? 
Máu dân oan đã nhuộm đỏ sông Hồng 
Loài hung bạo chiếm hết trời – đất – biển… 

 8. Đất nước tôi với mọi điều trái ngược 
Ngược văn minh, ngược tiến hóa loài người 
Những phát ngôn của quan chức nực cười 
Ngược đời thế, nhưng “tài tình lãnh đạo” 

 9. Ươn hèn nhất, bọn bút nô – Tuyên giáo! 
Với hàng trăm tờ báo, đài vô tuyến – truyền hình 
Ngoài mị dân, ru ngủ, chỉ những tin “cướp – giết – hiếp” hay bản nhạc “đúng quy trình” 
Còn nhục nước họa dân thì muôn đời nín lặng

10.. Đất nước tôi với sưu cao thuế nặng 
Còn hơn thời phong kiến, thực dân 
Những trạm BOT mọc lên khắp tỉnh thành 
Cùng hàng vạn “áo vàng” chực rình thu mãi lộ 

11. Ôi chân lý mà bao người “giác ngộ” 
Làm suy đồi đạo đức mấy ngàn năm 
Đưa quốc dân vào chia rẽ – thù hằn 
Và kiềm tỏa đường tương lai dân tộc 

 12. Đất nước tôi mất dần vào Trung Quốc 
Mất Hoàng Sa, rồi mất đến Trường Sa 
Mất Biển Đông, Bản Giốc, rồi những nơi trọng yếu của nước nhà 
Đảng biết rõ, nhưng làm ngơ tất cả 

13. Từ có Đảng, biết bao điều tai họa 
Như mệnh trời muốn thử thách người Nam 
Mà Đảng vẫn huênh hoang nào “thắng lợi vẻ vang” 
Nào “thời đại Hồ Chí Minh”, nào “dân giàu nước mạnh” 

14. Đảng hào nhoáng với ngai vàng lấp lánh 
Còn dân đen thì đói khổ, nghèo nàn 
Những ủy ban, hội đồng… đều mang mác “nhân dân” 
Chỉ kho bạc là của riêng “nhà nước” 

15. “Đổi mới” rồi “kiến tạo” với bao đời Thủ tướng 
Bao đời Tổng Bí thư từ Chinh, Duẩn, Linh, Mười… 
Bao sai lầm mà Đảng chẳng nên người 
Sợi kinh nghiệm rút kiếp nào cho hết 

16. Đảng cứ sống và dân thì cứ chết 
Cứ chết dần trong mơ ước tàn phai 
Trong căn bệnh ung thư hay tai nạn giao thông… 
rồi sẽ đến một mai “Chết từ từ” để giết nòi giống Việt 

17. Tôi xấu hổ khi nói cùng thứ tiếng 
Và viết chung ngôn ngữ với một đảng đê hèn 
Hít thở bầu khí quyển màu đen 
Bóp nghẹt Tự Do ở dưới triều Cộng Sản 

18.. Tôi sinh ra giữa lòng Cộng Sản 
Nhưng tôi là một người Việt Tự Do 
Trong tim tôi là lý tưởng Quốc Gia 
Và chính nghĩa là chủ trương dân tộc 

19. Xin cảm ơn những tấm gương bất phục 
Và những người yêu Nước của hôm nay 
Đã dấn thân vào những chốn đọa đày 
Vẫn khí khái cất cao lời tranh đấu 

20. “Ghét Cộng Sản” chẳng bao giờ là xấu 
Yêu đồng bào” từ giòng máu Việt Nam 
Chúng ta là con cháu xứ Văn Lang 
Và thề quyết làm sáng danh Hồng – Lạc 

21.. Hỡi những người trai, cô gái Việt 
Hãy đứng lên vì non nước lầm than 
Diệt bá quyền, lật đổ lũ tham tàn 
Cho không thẹn với hồn thiêng sông núi 

22. Hãy bước đi theo tiếng đời thúc gọi 
Triệu tấm lòng vì đất nước – quê hương 
Sẽ noi gương anh dũng của Trưng Vương 
Mang ý chí Diên Hồng xây đắp nền Cộng Hòa tự chủ.

Saturday, September 29, 2018

Ngủ gật: Hình ảnh ngoại giao của CSVN tại Đại Hội Đồng LHQ hôm 25/9/2018


Thành viên phái đoàn CS Việt Nam ngủ tại kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25 Tháng Chín. (Hình: AFP)

Friday, September 28, 2018

Lời Chia Buồn Với Ông Chủ Tịch - Bùi Quang Vơm (Danlambao)


...Người ông Quang tiếp cuối cùng là Chánh Toà án Tối cao Trung Quốc, chiều ngày 19/09. Ông là người đẩy Việt Nam tới gần Mỹ. Bắc Kinh đã xử tử hình ông tội phản bội thiên triều. Ông được mời sang thăm TQ ngày 11/05/2017. Và án được thi hành sau 21 phát đại bác. Bây giờ, thuốc làm chậm hết thời hạn tác dụng, trước khi “đi”, ông phải được nghe tuyên án. Ông Chánh án Chu Cường sang bất ngờ chỉ để thực thi việc đó...

*
Một cái chết phải chết 

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản, người ta đã biết từ lâu rằng, không có một cái gì nằm ngoài “quy trình”, nghĩa là mọi cái đều phải đúng trình tự mà đảng muốn và đảng xếp đặt trước. Ngay cả cái chết. 

Rất nhiều cái chết của lãnh đạo được nghi là có thiết kế trước. Nhiều lắm, không kể hết được, vài cái tên như đại tướng Chu Văn Tấn, trung tướng Nguyễn Bình, đại tướng Hoàng Văn Thái, đại tướng Lê Trọng Tấn..., cả cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Gần đây, chuyện chết của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Phạm Quý Ngọ, hay như chuyện chết hụt của ông Phùng Quang Thanh đều có dáng dấp của một kịch bản soạn trước. 

Ông Quang chết vào 10h05 ngày hôm qua, 21/09/2018, nhưng người ta đã biết rằng ông sẽ chết từ rất lâu rồi. 

Có quá nhiều lý do để ông phải chết 

Người ta đã thống kê rằng dưới thời ông là Bộ trưởng công an, có hơn 260 người chết vì “tự chết” trong trại giam đồn công an. Đó là hơn 260 oan hồn, gọi đích danh tên ông, mỗi lần tuần rằm hương khói. 

Trong vụ đàn áp Nhà nước Đề-Ga mà ông là Trưởng ban chỉ đạo Tây nguyên, tổng chỉ huy chiến dịch, người ta không biết được con số chính xác, nhưng có hàng trăm người chết, hàng nghìn gia đình phiêu tán vì bị cướp đất, đốt nhà. Đó cũng là những oan hồn và những uất hận của lòng người. 

Làng chó Nhật Tân còn tan hoang vì tai hoạ liên tiếp đến từ oan hồn của những con chó, thì ông Quang không thể sống. 

Người ta cũng biết ông sẽ chết sau cái chết bí ẩn của ông thượng tướng thứ trưởng Phạm Quý Ngọ. Ông Ngọ nhận của tử tù Dương Chí Dũng nửa triệu đô và nhận chuyển 1 triệu đô khác của Vạn Thịnh Phát cho một “anh cấp trên”. Vụ án “làm lộ bí mật quốc gia” của ông này được dừng vì nghi phạm đã chết. 

Có dấu hiệu để người ta nghi cái chết vì nhiễm độc phóng xạ của ông Nguyễn Bá Thanh là do người của tổng cục cảnh sát Bộ công an thực hiện. 

Hai cái âm hồn này, nếu có về đòi xác, thì chắc cũng tìm đến địa chỉ nhà ông Quang. 

Nhưng lý do dẫn đến cái chết cụ thể hơn của ông Quang có lẽ phải tính từ câu: “nếu chiến tranh xảy ra trên biển Đông thì tất cả đều thua, không có kẻ thắng”, mà ông tuyên bố tại Singapore tháng 6/2016. Ông là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam khẳng định nguy cơ chiến tranh trên biển Đông. Ông đã chỉ cho thế giới biết kẻ sẽ gây ra cuộc chiến tranh này là Bắc Kinh và người làm cho nó thất bại sẽ là người Việt Nam. Tuyên bố này là sự tiếp nối của tuyên bố “Việt Nam không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông nào đó” của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đó, không phải kiểu “anh em trong nhà còn cãi nhau” của ông Đại tướng Phùng Quang Thanh và “Biển Đông có gì đâu” của ông Trọng. 

Ông Quang là người hết mình cho công cuộc làm xích lại gần nhau giữa người Mỹ và người Việt Nam. 

Một tháng nằm bên Mỹ trước chuyến thăm lịch sử của ông Trọng, ông Quang được cho là đã phá vỡ hầu hết các rào cản quá khứ, giải toả các nghi ngại, xác lập sự tin cậy cao nhất cho quan hệ an ninh giữa hai quốc gia, trong đó phải kể đến quan điểm về lập trường chủ quyền và giải pháp an ninh vĩnh viễn của Việt Nam. Trung Quốc biết và tìm cách phá bằng được. 

Ông Quang được cho là người phát hiện và trực tiếp chỉ huy phá vỡ âm mưu đảo chính theo lệnh Bắc Kinh của Phùng Quang Thanh, nếu Hiệp định An ninh chung giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết. 

Đầu tháng 5/2017, trước chuyến đi Mỹ gặp Tổng thống Trump của ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Quang được Tập mời sang thăm và đón bằng 21 phát đại bác. Ông bị phát hiện nhiễm bệnh lạ từ tháng 7/2017, tức là sau khi TQ về hai tháng. 

Những kẻ phản thiên triều thì chết 

Nhưng người ta lại nói, ông Quang chết theo đúng quy trình, theo lý thuyết Xây dựng đảng mà ông Trọng là Giáo sư tiến sĩ. 

Ông Quang phải chết, vì giống như ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Quang là hình ảnh ẩn hiện phía sau tất cả mọi vụ bê bối tham nhũng từ trước tới nay, và sẽ của tất cả các vụ khác sắp khui ra tới đây. Đơn giản là tất cả các vụ tham nhũng đều xuất phát và diễn ra dưới thời ông Dũng làm Thủ tướng và ông Quang làm Bộ trưởng Công An. Vụ án bảo kê đánh bạc của Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, đặc biệt, siêu Vụ án Vũ Nhôm đang kết thúc bằng các đường dẫn thẳng đến nhà ông Quang. 

Nếu ở một chế độ Dân chủ thực, nơi luật pháp thực sự là độc lập và xã hội chỉ tôn thờ sự thật và danh dự, thì chuyện một thủ tướng, một tổng thống tham nhũng bị đưa ra Toà và bị nhốt vào tù, như tổng thống Nam Hàn, như thủ tướng Malaysia, tổng thống Bresil v.v... là chuyện bình thường. Nhưng ở một chế độ tồn tại chỉ bằng giả dối, lừa bịp, bằng thủ đoạn che đậy những thối nát bên trong, thì một vị Chủ tịch nước bị lật tẩy tham nhũng là chuyện không thể chấp nhận. 

Phải cho ông Quang chết để dừng vụ án tại chỗ. Ông ta phải chết sao cho đảng vẫn còn được nói ông vì dân vì nước mà chết. 

Người ta cũng nói tới chuyện ông Quang tự kết thúc. Ông không thể chịu đựng nổi nếu vụ Vũ Nhôm đi đến tận cùng, phơi ra tất cả những gì ông làm. Hối tiếc và đau đớn. 

Có thể ông đã nhận được tín hiệu của định mệnh chợt đến từ đâu đó. 

Giống như chuyện Tam Quốc, Chu Du ngửa mặt kêu “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng”, rồi tắt thở. Thua cờ, vỡ mật mà chết đấy thôi! 

Bởi vì, nếu không chết theo một lịch trình, thì không thể dễ và nhanh như vậy. Chiều ngày 19/09 ông Quang còn tiếp trưởng đoàn kiểm toán quốc tế. Người ngoại quốc cuối cùng ông Quang gặp là ông Chu Cường, Chánh án Toà tối cao Trung Quốc vào lúc chiều muộn ngày 19/09. Sáng ngày 20/09 ông nhập viện, 10h 05 phút ngày 21/09, đã tắt thở. 

Ông Nguyễn Quốc Triệu, trưởng ban bảo vệ sức khoẻ trung ương cho biết, “ông Quang nhiễm một loại virus hiếm có, thế giới chưa có thuốc chữa”. Bệnh do virus liệu có gây ra đột quỵ như tai biến não hay nhồi máu tim được không? 

Có thể nói gì về chuyện đầu độc 

Trong nhiều năm gần đây, hiện tượng lãnh đạo đột tử không rõ nguyên nhân bệnh tật là một hiện tượng phổ biến, nhưng không một ai đặt ra câu hỏi tại sao, vì đâu? Có một đặc điểm chung là các vụ chết đột tử này đều ly kỳ và nhất là rất giống các vụ đột tử của lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh và các vị vua chúa quan lại trong cấm cung các triều đại phong kiến Trung Quốc. 

Kỹ thuật sử dụng chất độc trong cung đình và trong chiến tranh của Trung Quốc có lịch sử phát triển trên ba nghìn năm. Người Trung Quốc sở hữu và sử dụng thông thạo các loại chất độc có thể gây tử vong sau vài phút, sau vài tiếng, sau vài ngày và sau vài năm. Có thể không để lại dấu vết và không thể tìm được nguyên nhân. Nhưng có một quy tắc bất di bất dịch, là chỉ được phép sử dụng khi có trong tay thuốc giải độc. Nghĩa là cứu hay để chết hoàn toàn do người sử dụng. 

Người ông Quang tiếp cuối cùng là Chánh Toà án Tối cao Trung Quốc, chiều ngày 19/09. Ông là người đẩy Việt Nam tới gần Mỹ. Bắc Kinh đã xử tử hình ông tội phản bội thiên triều. Ông được mời sang thăm TQ ngày 11/05/2017. Và án được thi hành sau 21 phát đại bác. Bây giờ, thuốc làm chậm hết thời hạn tác dụng, trước khi “đi”, ông phải được nghe tuyên án. Ông Chánh án Chu Cường sang bất ngờ chỉ để thực thi việc đó. 

Kim Jong Un mỗi lần sang TQ đều mang theo tất cả mọi thứ cần thiết, cả buồng vệ sinh riêng, tuyệt đối từ chối ăn các đồ ăn do phía TQ đem đến. Tuyệt đối không dùng bất cứ gì do TQ cung cấp. Cha của Un là Kim Jong Il cũng đã đột ngột chết vì bệnh không rõ nguyên nhân, sau các cuộc gặp riêng, tuyệt mật với Nam Hàn và Mỹ. Có thể ông ta đã phát hiện ra điều gì và truyền lại cho Jong un. 

Nếu đúng là tất cả những lãnh đạo của Việt Nam đều bị nhiễm độc sau mỗi lần sang Trung Quốc, thì con số phải lên tới hàng trăm. Thiếu tướng Trương Giang Long, tổng cục phó tổng cộng chính trị Bộ Công an đã nói: “bọn xấu chúng nó cài cắm đã có con số hàng trăm, mà con số hàng trăm không chỉ dừng lại hàng trăm mà trăm này còn thêm trăm khác nữa”

Nguyễn Phú Trọng là người đồng sáng lập Hội thảo lý luận Trung-Việt. Tại Bắc Kinh, có một gian trưng bày thường trực các thành tựu từ kết quả các cuộc hội thảo suốt 10 năm, từ 2003 tới 2013, khi lần đầu tiên ông Trọng thăm Trung Quốc, gặp mặt Tập năm 2013. Tập Cận Bình đã đích thân, trực tiếp hướng dẫn Trọng thăm nhà trưng bày kỷ niệm này. 

Những ai đã có thể bị nhiễm độc? 

Hàng thái thượng hoàng có thể kể được là Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, đương nhiệm là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Chí Vịnh, Phạm Minh Chính, Hoàng Trung Hải. 

Võ Văn Thưởng chắc bị gài trong kỳ họp Hội thảo tại Trịnh Châu 25/05/2017. Ông Nguyễn Văn Bình và ông Trần Quốc Vượng có thể bị trong năm 2018. Tất cả các bí thư, chủ tịch của 7 tỉnh biên giới phía Bắc, tư lệnh và chính uỷ Quân khu Hai. 

Kim Jong un đã xử tử phanh thây ông chú dượng vì tội làm gián điệp cho TQ, và có thể đã xử chết người anh Kim Jong nam được Bắc Kinh nuôi tại Ma Cau, nhằm tuyệt diệt âm mưu thay đổi chế độ của Bắc Kinh. Kế hoạch triệt thoái hạt nhân ký với Mỹ sẽ dừng ở mức tầm bay 5000km, không tới Mỹ nhưng đủ để tới các trung tâm của TQ. 

Người Bắc Hàn chắc đã hiểu Tàu cộng hơn người Việt, nhất là có thể họ đã phải trả giá đắt hơn rất nhiều cho độc lập của họ. Không có người nào đểu hơn người hàng xóm “anh em” của mình bằng Tàu Cộng. 

Người Việt cộng sản cuối cùng bám đuôi Trung Cộng giữ XHCN là ông Trọng. Nhưng không bám, thì khẩu phần thuốc giải độc hàng tháng tự biến mất, và ngày chết có thể phải đếm được đếm từng ngày. 

Mọi ca bệnh của cán bộ trung ương đều phải qua tay kiểm tra và giám định của Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương. Mọi cán bộ cao cấp đều tắt thở, hoặc trải qua những khoảnh khắc cuối cùng tại Quân y viện 108. Như vậy, tất cả mọi nguyên nhân bệnh tật, trong đó có mọi vụ đầu độc, đều được thực hiện hoặc phát hiện ở hai Trung tâm này. Tội phạm hay đồng phạm chắc chắn nằm ở đây. 

Ai có thể thay ông Quang? 

Tất nhiên, việc thay ông Quang bằng một ông khác mà chế độ vẫn vậy, thì chỉ là việc thay mạng. Chưa bao giờ có chuyện chủ tịch nước lên Tổng bí thư vì chủ tịch nước là chỗ giành cho người đã kết thúc sinh mệnh chính trị. 

Vì vậy, chuyện thay ông Quang sẽ tuỳ vào hai kịch bản: Nhất thể và không nhất thể

Kịch bản thứ hai là không nhất thể vào lúc này, có nghĩa là chủ tịch vẫn là chỗ nghỉ cuối của nhân vật đã hết nghiệp chính trị: Nghi lễ và hiếu hỉ. Các loại chức danh khác chỉ có tính biểu tượng, hay an ủi. 

Với phương án này thì thích hợp nhất là bà Tòng Thị Phóng. Bà Phóng sẽ làm chủ tịch một nhiệm kỳ rồi về hưu. Cũng có thể đưa bà Ngân sang, để Quốc Hội lại cho ông Uông Chu Lưu hay ông Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu nếu phe thân Tàu thắng. Đỗ Bá Tỵ lên, nếu phe chống Tàu thắng. Thậm chí có thể đưa Đặng thị Ngọc Thịnh vào Bộ chính trị ngay trong hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 này, chuẩn bị bầu cho bà chính thức vào tháng 5 năm sau. 

Phương án bà Phóng hay bà Thịnh là hiện tượng lịch sử lặp lại thời kỳ Hai Bà Trưng, nước Việt Hai Nữ Vương. Nước Tàu suy sụp, chủ quyền biên giới, biển đảo lại được thu về?! 

Nếu ông Quang được “cho” chết để phục vụ mục tiêu Nhất thể hoá, thì vào lúc này, không có kẻ nào có khả năng chiếm chỗ của ông Trọng. Trong 15 ông uỷ viên bộ chính trị vào lúc này, được mặt này, nhưng không có mặt kia, không một ai đủ điều kiện để thay chân tổng bí thư. Ông Trọng đã thiết kế trước tình huống đó. 

Nhiều người nói là Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng ông Nhân đang rất cần cho cuộc chiến Thủ Thiêm với hệ thống Lê Thanh Hải tại Sài Gòn. Không ai thay được ông Nhân vào lúc này. Ông Nhân rời Sài Gòn thì Nguyễn Thành Phong phải lên bí thư, nhưng là bí thư không quân, vì ông Phong chủ yếu dựa vào bí thư Nhân để điều hành, chứ ông Phong chưa kịp có lực lượng. Xung quanh ông Phong vẫn toàn người của Lê Thanh Hải. Ông Võ Văn Thưởng không thể quay lại, vì chịu ơn nâng đỡ dìu dắt của “anh Hai” Hải, như chuyện Quan Công tha Tào Tháo, sẽ chẳng làm được gì. Ông Nhân lại không thuộc type người đứng đầu. Ông ba phải và thiếu khí tiết. Ông không được chọn cho phương án Nhất thể. Vả lại, có lẽ, ông sẽ tìm mọi cách để ở lại Sài Gòn, ông không hợp với Trung ương. 

Phạm Minh Chính đã lộ mặt là “người nhà” của Bắc Kinh sau mấy năm làm bí thư Quảng Ninh, có lẽ được “người nhà” gợi ý chuẩn bị cho vị trí Tổng bí thư, nhưng ông này đang không được lòng người. Việc ông đang lo là từ nay cho tới Đại hội XIII phải sắp cho được một bộ máy thân Tàu, nếu không là của Tàu. Tuy vậy, khi đã lộ mặt là người của Bắc Kinh thì không có dân. Mà không có Dân thì đảng không phải “từ nhân dân mà ra” nữa. Phải nhớ rằng, từ nay, lúc lộ mặt theo Tàu là lúc kết thúc sự nghiệp chính trị. 

Trần Quốc Vượng có lẽ là giải pháp. Được ông Trọng chọn vào ghế Thường trực Ban bí thư, có vẻ như ông Trọng đã cố tình xác nhận người kế nhiệm. Sau khi nhậm chức thường trực cũng đã sang Bắc Kinh (!). Nhưng ông này, lý luận thì không bằng Nguyễn Xuân Thắng, kĩ trị thì thua Vũ Đức Đam, làm thế nào để vừa điều hành lý luận vừa điều khiển được thủ tướng? Chắc chưa phải đợt này. Vả lại nếu ông Vượng thay ông Quang ngay từ bây giờ (tháng 5/2019), thì ai thay ông ở vị trí Thường trực? Chưa có ai, ngoài ông Võ Văn Thưởng, mà ông Thưởng chưa đủ sức. 

Nếu nhất thể, thì chủ tịch nước chỉ định thủ tướng và phải điều khiển được thủ tướng. Trong thể chế này, Thủ tướng chỉ là người giúp việc chủ tịch. Vì vậy, trong chủ trương nhất thể hoá, việc chọn người thay ông Quang không chỉ để làm chủ tịch hai năm mà phải là Tổng bí thư kiêm chủ tịch một nhiệm kỳ tiếp theo nữa. 

Nếu vậy, ngoài ông Trọng, người có khả năng nhất là ông Phúc. Nhưng ông Phúc không phải là người biết lý luận. Hơn thế, ông Phúc có quan niệm không giống ông Trọng về Kinh tế Thị trừng định hướng XHCN. Ông Phúc khó làm Tổng bí thư. cuối cùng thì vẫn là ông Trọng, sẽ hy sinh cuộc sống riêng tư, cống hiến cho đất nước, dân tộc đến hơi thở cuối cùng. 

Trong danh sách uỷ ban Tang lễ, vị trí của ông Võ Văn Thưởng đang từ thứ 13, nhẩy lên thứ 6, sau ông Phạm Minh Chính, vượt lên trên Phạm Bình Minh và Nguyễn Văn Bình, trong khi ông Phạm Bình Minh tụt xuống thứ 11 sau ông Trương Hoà Bình. 

Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10 này sẽ phải bầu thêm ba ông vào Bộ chính trị, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú bổ sung vào ba chỗ khuyết của ông Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang. Nguyễn Xuân Thắng sẽ được thay ông Thưởng làm Trưởng ban Tuyên giáo kiêm chủ tịch Hội đồng lý luận. Ông Thưởng có thể thay chân Thường trực của ông Vượng hoặc vào thay ông Nhân, để ông Nhân thay bà Ngân sang Chủ tịch nước. 

Nói tóm lại, vị trí chủ tịch chỉ quan trọng hay phải quan tâm cho phương án Nhất thể, còn không thì vẫn như cũ, Nguyên thủ là Thủ tướng, không phải chủ tịch nước, mà cũng không phải Tổng bí thư, quay lại thời của ông Nguyễn Tấn Dũng và để Hiến pháp 2013 trở về nguyên trạng giấy lộn. 

Việt Nam cứ loay hoay mãi trong vòng luẩn quẩn. Đảng lãnh đạo toàn diện thì cùng lúc ba(3) ông nguyên thủ. Mà gom vào một chỗ Tổng bí thư thì gom tất cả Lập pháp, Hành phánh, Tư pháp vào một người, tất yếu là độc tài. Độc tài là tham nhũng, là chiến tranh. 

Điều kiện tiên quyết để nhất thể hoá là Thiết lập thể chế Tam quyền phân lập. trước khi gộp ba chức danh vào một, thì phải độc lập Lập pháp khỏi Hành pháp. 

Lời chia buồn 

Tháng 3/2018, vợ chồng ông Quang đi thăm chùa Mahabodhi ở Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ, nơi Thích Ca Mầu Ni đạt được Giác Ngộ và hoá Phật. Có lẽ bà Hiền vợ ông Quang muốn cầu xin đức Phật phù hộ cho ông Quang tai qua nạn khỏi. Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng đến cầu xin Phật ở đây. Thật tiếc là không linh nghiệm, hay Trời Phật đã từ chối độ trì cho tội ác, nên Quang không thoát được. 

Cả ông Quang lẫn ông Dũng đều là những kẻ đầy tội lỗi. Nhưng, có ai không trở thành đốn mạt trong cái bộ máy của cái hệ thống độc đảng trái luật này? Vả lại, một cách cảm tính, tôi không xếp ông Quang, ông Dũng vào cùng loại với ông Lê Thanh Hải, ông này mới thật là đốn mạt. 

Nhìn nét mặt và ánh mắt của bà Hiền trong bức ảnh ông Quang gục đầu vào phiến đá thiêng, biết ông Quang thật sự đau khổ. Sự cầu xin thành tâm cho biết rằng ông đã biết bệnh tật của ông từ đâu mà có. Bức ảnh toát ra một sự ăn năn hối tiếc nhưng tuyệt vọng và cam chịu. Nhìn bức ảnh này, cảm nhận sự đau đớn của bà Hiền, người ta có thể bật khóc. 

Lòng tham của cải và thèm khát quyền lưc là bản tính tự thân của con người. Có quyền trách mọi tội lỗi, nhưng phải quy kết đúng chỗ. Tiền bạc chiếm đoạt được phi đạo đức đã không thể đem đi. 

Dù sao thì cái chết của ông Quang cũng là một chết buồn. 

25/09/2018 

Em Ơi, Đừng "Hám" Việt Kiều…- Ngọc Lan

Một cô dâu chụp hình cưới bên hông nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. Nhiều phụ nữ ở Việt Nam bị lừa cả tình lẫn tiền vì cái “mác” Việt Kiều. (Hình: Getty Images)

“Em ơi, đừng hám Việt kiều…” nói ra câu này nghe đau lòng quá, mà chắc cũng đụng… mạnh nữa, chứ không phải chỉ “chạm” không thôi.

Nhưng mà, mích lòng trước đặng lòng sau, phải nói huỵch toẹt một lần, để nhiều người không còn qua điện thoại qua email, hay gõ cửa tòa báo, thậm chí “đập” trang “Facebook Người Việt” để mà kêu “Cứu! Cứu!” sau khi bị những cái mác Việt kiều lừa cho sạch tiền, làm cho to bụng, rồi uất ức, phẫn chí. Thấy vừa giận cho sự hám lợi mà lại vừa thương quá đỗi cho những nhẹ dạ, cả tin.

Nói ngay ra liền là người Việt ra đời ứng mạng “chim di” nên cứ phải di chuyển mãi, mà chốn được xem là bến bờ mơ ước của nhiều người khi bước chân đi không đâu khác hơn là đất Mỹ.

Thế nên, những ai có được tấm thẻ xanh ở Mỹ coi như đã “oách” rồi, còn chìa thêm cái mác công dân Mỹ nữa thì ôi thôi, cứ như đã cầm chắc có $60,000 “tiền tươi” đi, nếu chịu một lần hy sinh đời nam hay đời nữ, đồng ý về Việt Nam kết hôn với một người, rồi mang họ sang xứ thiên đường. Có người chịu chơi, chấp nhận hy sinh tới 3, thậm chí 4 lần luôn, vì không gì hạnh phúc bằng hy sinh mà không chết, hy sinh mà được tiền lẫn được tình… “free,” thì tội gì không hy sinh.
Đó là nói những người “làm ăn đàng hoàng” nha, tức có chung chi, có làm hồ sơ bảo lãnh tử tế, rồi sau đó “sugar you, you go, sugar me, me… dông,” đường anh, anh đi, đường tui, tui đi.

Tuy nhiên, bên cạnh những “thương vụ nghiêm túc” đó, còn có quá nhiều những người mang danh Việt kiều về Việt Nam kiếm lợi trên sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người dân quê, dĩ nhiên đa số là phụ nữ.
Tui chọn vài chuyện tiêu biểu kể ra đây để mọi người nghe, trước cho biết, sau là để nhắc nhở những người quen biết mình nên cảnh giác trước khi phải khóc sụt sùi vì tiếc đủ thứ.
Chuyện thứ nhất, mới nhất, số tiền bị mất hơn $7,000, coi như ít nhất, dù đó là cả tài sản của người không khá giả.

Một ông ở Houston, tuổi chừng 50, có vợ có con, rồi về Việt Nam làm quen với một bà cũng chừng ấy tuổi, nói “Thấy em nghèo tội nghiệp, thôi thì chạy tiền đưa cho anh, qua Mỹ anh làm giấy tờ bảo lãnh sang. Anh cũng ly dị vợ 3 năm rồi.”


Bà này nghĩ “chỗ quen biết” vì trước đó ông này đã làm quen với em họ của bà này, hứa hẹn kết hôn, nhưng không biết hậu trường thế nào mà chia tay, nên bà “nhào vô.” Mà bà còn nghĩ “Thấy người ở bển về nghĩ là tử tế” (trời, sao tự dưng nghĩ vậy chi mà tội vậy). Thế là hôm Tháng Năm vừa rồi, theo tên họ, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng Bank of American mà ông đưa, bà chuyển vào cho ông $7,350.

Rồi thì. Xong phim. Người đàn ông có họ là tên của loài hoa mà Tết đến nhà nhà ở Việt Nam đều chưng, nhà apartment ở đường Cook, Houston bắt đầu ca bài tình vờ, đóng hết Facebook, không trả lời tin nhắn, sau khi hứa hẹn “khi nào bán nhà được anh sẽ trả lại tiền cho” (đã có nhà sao còn ở apartment chi vậy cha!).

Chuyện thứ hai, dài hơi hơn, cái bị mất khó quy ra thành tiền, bởi nó là cuộc đời.
Chị này vốn đã có 3 con, ly dị chồng. Một chàng Việt kiều về tán tỉnh, hứa hẹn, và tặng cho chị một cái bầu. Người Công Giáo, ở vùng quê, nghe đồn có Việt kiều về cưới, mà hoài không thấy cưới hỏi gì, ngoài cái bụng cứ lớn ra, nên chị phải trốn, để sinh con, và chờ đợi chàng làm giấy tờ.

Rồi thì chị cũng có hôn thú, và đứa bé cũng có giấy khai sinh mang quốc tịch Mỹ. Nhưng, chỉ vậy thôi. Và chàng biến mất. Đùng một cái, chị thấy hình đám cưới chàng và một nàng xinh tươi khác đăng trên Facebook của một em nào đó. Chị tá hỏa, hỏi dò la tùm lum, nhờ cả luật sư thì ở đâu lòi ra rằng chàng đã nộp đơn ly dị với chị ở tòa án Santa Ana, California.

Rồi, giờ chị cũng không biết rằng thì là như thế nào. Có chồng không ra có chồng, mà ly dị cũng chẳng biết là xong chưa. Muốn đi Mỹ cũng coi như phải chờ cho thằng nhỏ 18 tuổi nó đi cái đã rồi sau đó sẽ bảo lãnh má nó sang. Mà khổ nỗi bây giờ nó mới có 2 tuổi.

Chị cứ lâu lâu lại réo tui hỏi, mà tui cũng có biết làm sao đâu. Mới hôm trước Noel, chị lại kể lể, thấy hình chàng đám cưới với một nàng khác nữa rồi. Eo ôi, vậy là sao. Tui đâu có biết. Hay là Việt kiều thích chụp hình đám cưới với nhiều người cho vui?

Chuyện thứ ba, là một chuyện ly kỳ, dù kết thúc coi như có hậu.

Một ông ở Cà Mau vay mượn tiền đầu tư nuôi tôm. Làm ăn thất bát, ông trắng tay, nợ nần quá đầu. Buồn tình đời, ông đi Châu Đốc, đến Miếu Bà Chúa Xứ cầu linh. Thẩn thơ trong miếu, ông vô tình lượm được gói nữ trang. Nhìn quanh quất, thấy có người phụ nữ sồn sồn hớt hơ hớt hải dáo dác tìm. Ông hỏi thì ra bà tìm gói nữ trang. Ông đưa trả. Bà mừng quá, muốn hậu tạ ông. Ông đùa, trả nhiều ông mới lấy.

Lời qua tiếng lại thế nào, bà kêu ông đưa về nhà. Bà nói bà là Việt kiều. Bà thấy ông tốt bụng, mà lại gặp nhau trong Chùa Bà chắc là cũng có duyên, thôi thì vợ chồng ông bàn tính, coi như bà trả ơn ông, sẽ làm kết hôn bảo lãnh ông sang Mỹ, rồi từ từ ông bảo lãnh vợ con sang, thay đổi cuộc đời.
Rồi bà đưa ông sang Mỹ thiệt. Nhưng từ lúc sang Mỹ, ông chỉ biết ở trong nhà, và làm một công việc duy nhất, đó là “phục vụ cho nhu cầu thân xác” của người phụ nữ kia. Có điều mỗi tháng, bà rất “sòng phẳng” gửi $200 về cho vợ con ông.

Đến một ngày, bà dẫn về nhà thêm vài ba bà bạn nữa. Và, ông chính là người mang lại “niềm vui” cho những người “bệnh hoạn” đó. Dĩ nhiên, như ông nói, họ có cho ông thêm tiền.
Ít tháng sau, bà nhờ người dạy ông lái xe. Khi ông có bằng lái, ông có thêm công việc là mỗi ngày lái xe chở bà đi sòng bài. Bà làm gì trong đó ông không biết. Ông chỉ việc ngồi trong xe, đến khi bà ra thì chở về. Không một chút tiếng Anh, không nhìn thấy người Việt, nước Mỹ với ông chỉ là ngôi nhà và con đường đến sòng bài, không trò chuyện tiếp xúc với ai.

Một hôm, nhân lúc bà đi vắng, đang ngồi trong nhà, ông bỗng nhìn thấy một người đưa thư gốc Châu Á. Ông chạy ra hỏi, thì chàng trai trẻ đó cho biết là người Việt nhưng… không rành tiếng Việt. Ông chỉ chờ có vậy, mừng quá, lấy giấy viết mấy hàng cầu cứu nhờ mang về cho người nhà biết đọc tiếng Việt.

Cuối cùng thì cậu của chàng đưa thư đó cũng hẹn gặp được ông ở nơi bãi xe của sòng bài. Ông kể cho ông cậu kia nghe về tình trạng của ông, như một kẻ “nô lệ thân xác,” và nhờ giúp đỡ.
Ông Việt kia gọi điện thoại báo cho cảnh sát, cho các tổ chức xã hội…
Cuối cùng, ông được giải thoát. Các tổ chức xã hội giúp đỡ ông trong việc hoàn tất các giấy tờ, cũng như thủ tục bảo lãnh vợ con ông.
Chuyện ông kể là lúc cuộc đời ông đã thấy ánh sáng, sau khi “thấy” Việt kiều.

Thôi thì đâu cũng có người này người khác. Cũng như Việt kiều cũng năm bảy loại. Mà những loại vừa kể giờ không ít. Cho nên, xin nhắc nhau “Em ơi, đừng hám Việt kiều, nếu không muốn khóc như Kiều ngày xưa!” 

Ngọc Lan
www.nguoi-viet.com

Khúc Vĩ Cầm Trong Nghĩa Trang!


Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Ðội quân tinh nhuệ của nhà độc tài Adolf Hitler lần lượt chiếm đóng các nước Ðông Âu. Là công dân của nước Ba Lan, gốc Do Thái, Esther Borstein trốn thóat khỏi nơi chôn nhau cắt rốn và chạy sang nước Pháp, lúc bấy giờ vẫn chưa lọt vào tay quân phát xít. Esther là một tay đàn vĩ cầm tài năng nhiều triển vọng. Nàng cảm thấy rất hạnh phúc được sống những ngày tự do trên đất Pháp. Nàng hy vọng một ngày kia sẽ được sang nước Mỹ biểu diễn.

Esther đến Pháp với một gói hành trang nhỏ nhoi và trong túi chỉ vỏn vẹn có vài đồng đô la do bố mẹ gom góp được. Những ngày đầu trên đất khách quê người, nàng da diết nhớ tổ quốc và tự hỏi đến bao giờ nàng mới được gặp lại bố mẹ và mấy đứa em nơi quê nhà.

Ðến Paris, nàng thuê một phòng nhỏ trong khách sạn bình dân gần ga xe lửa miền Ðông. Nàng lấy cuốn sổ tay ghi số điện thoại, địa chỉ ra xem. Ở Paris tất nhiên có không ít người Ba Lan gốc Do Thái, nhưng người mà nàng quen biết thì quả là hiếm. Bất chợt nàng reo lên: “À, bác Moshe Borstein đây rồi. Bác là người anh họ của bố. Bác hành nghề thợ may ở khu dân cư Sentier. Có điều bác đã trên 60 tuổi, khác ngành nghề… liệu bác có thể giúp được gì cho mình nhỉ?”
Tuy nhiên Esther vẫn quyết định đến gặp bác Moshe. Cả gia đình bác Moshe mở rộng cửa đón nàng. Tuy nhiên, tình thế nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho tương lai âm nhạc của nàng. Ngay lần thăm viếng thứ hai, bác Moshe đi thẳng vào vấn đề:

– Esther, cháu là một cô gái trẻ đẹp. Cháu phải lấy chồng để không phí bỏ tuổi xuân. Cháu đã găp Isaac, con trai của bác rồi chứ? Cháu không nghĩ nó là một người chồng tồi? Rồi vợ chồng cháu sẽ sinh cho bác một đàn cháu nội kháu khỉnh.

Ðúng là Esther đã gặp Isaac. Nhưng trong đôi mắt nàng, Isaac chỉ là một chàng trai tầm thường, hoàn toàn không phù hợp với tâm hồn say mê âm nhạc của nàng chút nào cả. Esther không mấy quan tâm đến lời đề nghị của bác họ Moshe.

Mặc cho những cuộc tấn công của quân phát xít ngày càng ráo riết, cuộc sống thất nghiệp bấp bênh, Esther luôn vững tin rồi đây sự may mắn sẽ mĩm cười với nàng. Mỗi ngày nàng dành hàng giờ trao dồi ngón đàn điêu luyện dù gặp phải sự phản kháng của nhiều người chung quanh vì “tiếng đàn ồn ào” làm họ mất giấc ngủ…
Năm nay Esther đã 24 tuổi rồi còn gì. Nàng tìm việc làm một cách vô vọng. Nàng có thể dễ dàng tìm một chân hầu bàn trong nhà hàng, giúp việc trong một gia đình trưởng giả… Nhưng không, đã trót là một tài năng vĩ cầm, nàng quyết đeo đuổi nghiệp ấy đến cùng. Nàng dò la được thông tin vào buổi chiều giới nhạc sĩ Paris thường tụ họp tại quảng trường Blanche và tại khu Pigalle. Chính tại đây diễn ra các cuộc tuyển dụng nhạc sĩ và ngã giá tiền thù lao:

– Bar Sables d’Olonne cần một tuyển một nhạc công piano và một contrebassiste, thời gian chỉ một tháng thôi, bác có muốn nhận việc làm đó không?

– Ở quán Raspoutine, nhạc công vĩ cầm vừa nghỉ việc. Họ đang tìm người thay, thù lao khá đấy lại có thêm khoản tiền boa nữa…
Dù hơi nhút nhát và giọng nói còn nặng âm hưởng Ba Lan nhưng Esther quyết tham gia cuộc đối thoại với hy vọng nhận được chân vĩ cầm ở Raspoutine:
– Xin lỗi…, nếu quán cần một nữ nhạc công vĩ cầm thì tôi đây sẵn sàng.
– Rất tiếc, người đẹp. Họ chỉ tuyển nhạc công nam thôi, vả lại người chơi vĩ cầm phải thuộc danh mục các bản nhạc của dân tộc Digan…

Một lần nữa sự may mắn không mĩm cười với Esther. Ðể giết thời gian, nàng thường đi lang thang một mình khắp phố phường Paris. Mỗi đường phố là một khám phá mới đối với nàng. Những bước chân cô đơn không định hứơng đôi khi đưa nàng lạc vào các nghĩa trang của thủ đô Paris: nghĩa trang Père-Lachaise, Montmarne, Montparnasse… Tại nghĩa trang Père-Lachaise, Esther chú ý đến một ngôi mộ đề tên Allan Kardec. Ở đầu ngôi mộ, một bức tượng bằng đồng thể hiện nửa thân trên của người quá cố đã đứng tuổi với bộ râu mép chải chuốt được che chắn bởi một mái hiên theo lối kiến trúc cổ sắc sảo. Dòng chữ trên mộ bia ghi nhận người quá cố mất từ thế kỷ trước, thế nhưng mộ của ông ta luôn tràn ngập những bó hoa tươi thắm của người đến viếng. Ðiều này không ngớt gây sự tò mò nơi Esther.

Lại một phụ nữ đến viếng mộ Allan Kardec. Ðặt bó hoa đủ loại: hoa mỹ nhân, cúc tây, cúc lam… nơi mộ bia xong, bà ta đứng lên làm dấu thánh giá rồi nhắm nghiền đôi lầm thầm cầu kinh. Khi bà ta rời ngôi mộ, Esther làm gan đến hỏi chuyện:

– Xin lỗi bà, người trong mộ kia là ai mà mọi người dành cho ông ta sự sùng kính đặc biệt vậy?

– Ðó là ngài Allan Kardec, một người thuộc thành phố Lyon và là người đã sáng lập ra thuyết thuận thông linh. Lúc sinh thời ông luôn làm việc từ thiện. Ông được mọi người xem như một vị thánh dù không được nhà thờ công nhận. Cho đến bây giờ ông luôn che chở phù hộ những người đến đây cầu nguyện. Cô thấy đấy, mộ ông lúc nào cũng đầy hoa tươi và lời biết ơn…

Esther khẽ nói như lời xin lỗi:

– Nhưng tôi là người Do Thái…

– Người Do Thái thì đã sao. Ông Allan Kardec phù hộ tất cả những ai đến đây cầu nguyện bất luận dân tộc, tôn giáo. Về mang hoa đến đây khẩn cầu rồi cô sẽ được toại nguyện.

Esther cám ơn bà ta rồi rảo bước về khách sạn, đầu óc suy nghĩ mông lung: một người công giáo quá cố ở thành phố Lyon. Nàng thì đến từ khu nhà ổ chuột mãi tận Varsovie, Ba Lan. Nếu quả đúng như lời bà ta kể lại thì lời cầu nguyện của mọi người đều đến với Chúa.
Từ hôm đó, Esther thường xuyên đến cầu nguyện tại các nghĩa trang đặc biệt là nghĩa trang Père-Lachaise. Nàng luôn mang theo cây vĩ cầm. Khi chỉ còn một mình trong nghĩa trang, nàng tháo bao đàn ra và bắt đầu dạo những khúc nhạc thay lời cầu nguyện cho những người đã mất sớm về nước Chúa, những người còn sống khắp mọi nơi được mọi điều an lành. Chuỗi nốt nhạc tuôn trào ra như dòng suối. Những khoảnh khắc như thế, nàng tập trung toàn tâm toàn ý vào nốt nhạc đến độ không còn nhận biết vạn vật chung quanh. Ðôi khi có vài vị khách dừng chân lắng nghe tiếng thổn thức, nức nở thoát ra từ chiếc vĩ cầm. Khi dứt tiếng đàn, tuyệt nhiên không một tiếng vỗ tay vì ở nghĩa trang, điều này là cấm kị.
– Tuyệt diệu! Cô vừa chơi điệu nhạc gì thế?
– Xin cám ơn, đó là khúc nhạc cổ truyền của dân Do Thái.
– Nhưng cô đang ở trong nghĩa trang công giáo!
– Thì đã sao? Âm nhạc là âm nhạc, nó đâu có phân biệt dân tộc hay tôn giáo.

Một ngày kia, người gác nghĩa trang góp ý với Esther:

– Ngón đàn của cô thật là tuyệt kĩ nhưng cô hiểu cho qui định không cho phép chơi đàn trong nghĩa trang! Cô thông cảm nhé, điều này có thể làm thân nhân người quá cố không hài lòng. Thôi thì thế này, tôi yêu cầu cô không được chơi khi có mai táng trong nghĩa trang.

Esther cám ơn rối rít vì nàng chỉ mong chờ có bấy nhiêu.

Một buổi chiều thứ hai. Ánh mặt trời chiếu những tia nắng rạng rỡ. Esther đến nghĩa trang, bao đàn đã được tuốt ra. Chiếc vĩ cầm sẵn sàng nhả ra suối nhạc du dương say đắm. Esther nhủ thầm: “Hôm nay mình cảm thấy rất hứng khởi. Linh cảm báo rằng mình sẽ gặp may”. Lúc nàng so dây chuẩn bị khúc dạo đầu, một chiếc xe tang xuất hiện nơi cổng, từ từ chạy lên con đường thoải dốc dẫn vào nghĩa trang. Esther sực nhớ đến lời dặn dò của người gác nghĩa trang: không được chơi vĩ cầm khi có đám mai táng. Người gác nghĩa trang có mặt bên cạnh xe tang. Lúc đi ngang qua chỗ Esther đứng, ông ta đưa ngón tay lên miệng ra dấu giữ “im lặng”. Nàng gật đầu hiểu ý rồi cất chiếc vĩ cầm vào bao.

Xe tang chậm rãi leo lên con đường thoải dốc. Người quá cố có lẻ chỉ là một người bình thường vì ngoài người gác nghĩa trang không thấy ai theo đưa đám tang. À không, có thêm một người nữa đấy. Ðó là một người đàn ông trong bộ y phục màu đen, gương mặt buồn bã, tay cầm chiếc khăn.
Esther tự nhủ: “Ðám tang sao mà vắng vẻ và buồn tẻ thế này”. Tự động nàng chậm bước theo sau xe tang. Người đàn ông mặc đồ đen nhìn nàng giây lát rồi gật đầu chào mà không nói lời nào. Ông ta dường như đang nghĩ trong đầu: “Quái lạ, một nữ nhạc công vĩ cầm. Phải chăng cô ta là người thân trong gia đình người quá cố?”

Một lát sau, chiếc xe đến bên hầm mộ vừa được chuẩn bị xong trước đó không lâu. Esther đọc dòng chữ khắc trên bia đá: “Nơi an nghỉ của ông Jean-Jacques Rouard”.Nhân viên mai táng bắt đầu việc chôn cất. Một vị linh mục làm dấu thánh giá và lời cầu kinh trầm buồn vang lên. Esther cũng làm dấu thánh giá theo họ, lòng thầm nhủ: “Mình sẽ đọc một bài kinh cho linh hồn người quá cố sớm siêu thoát”.

Niềm cao hứng bất chợt dâng lên trong lòng, Esther bạo gan đến bên người mặc đồ đen đề nghị:

– Tôi là nhạc công vĩ cầm. Nếu không phiền, ông cho phép tôi dạo một khúc vĩ cầm tiễn đưa người quá cố?”

– Lời đề nghị thật thú vị. Vả lại ông Rouard rất mê âm nhạc, đặc biệt là vĩ cầm.

Lấy cây vĩ cầm ra khỏi bao, Esther đưa lên cằm và bắt đầu điệu nhạc cổ truyền. Người đàn ông chăm chú lắng nghe trong khi nhân viên mai táng bắt đầu lắp đất.

Sau khúc nhạc đầu, Esther đề nghị tiếp:

– Ông cho phép tôi dạo khúc nhạc thứ hai chứ?
– Cô đàn tuyệt lắm. Không lý do gì phải ngưng ngang như vậy.
Esther khởi xướng bản nhạc thứ hai. Tiếng nhạc nhặt khoan xen kẽ giữa điệu trầm buồn ai oán và vồn vả vui nhộn. Bản nhạc gom nhặt những tinh hoa của nền âm nhạc Ðông Âu: Ba Lan, Rumani, Hungari.
Tiếng đàn vừa dứt, người đàn ông đến bên Esther hỏi:
– Cám ơn cô rất nhiều. Nếu không phiền, cô vui lòng cho tôi biết danh tánh.
Từ “danh tánh” khiến Esther phát run lên vì nó làm nàng liên tưởng đến giấy căn cước, kiểm soát, hải quan… Buổi chiều yên tĩnh trong nghĩa trang Père-Lachaise như xao động lên:
– Ông là cảnh sát?
– Ồ, không, tôi chỉ là người được giao quyền thi hành di chúc của ông Jean-Jacques Rouard. Tiếng vĩ cầm của cô chắc làm ông ta ngậm cười nơi chín suối.
Cảm thấy an tâm, Esther thổ lộ danh tính:
– Esther Borstein, sinh năm 1914 tại Varsovie.
– Liệu tôi có quá tò mò khi hỏi địa chỉ của cô không?
– À, không sao. Tôi đang thuê tạm một phòng tại khách sạn Voyageurs, đường Magenta. Tôi hy vọng sẽ sớm dời đến nơi ở tốt hơn khi có việc làm.
– Cô có bạn, bà con hay địa chỉ để có thể liên lạc trong trường hợp cô rời khách sạn?
– Ông có thể liên lạc với tôi qua người bác họ, ông Moshe Borstein, số 44 đường Jeuneurs.
– Rất tốt. Hy vọng sẽ sớm gặp lại cô.
Vài tuần sau, Esther nhận được lá thư tay từ gia đình người bác họ. Bác Moshe Borstein nói với Esther: “Một người tên M. Baranton muốn gặp cháu gấp. Số điện thoại của ông ta…” Esther tự nhủ: “Có lẽ ban nhạc nào đó muốn tuyển mình. Cuối cùng rồi mình cũng sẽ có được việc làm và đồng lương…”
Ðến nơi hẹn, Esther nhận ra ngay M. Baranthon chính là người đàn ông mặc đồ đen trong nghĩa trang. Ông ta đi thẳng vào vấn đề:
– Cô Esther, tôi có tin vui cho cô. Cô là người duy nhất đưa ông Jean-Jacques Rouard đến nơi an nghỉ cuối cùng. Do đó cô là người được chỉ định nhận toàn bộ di tặng của ông Rouard bao gồm 3 triệu francs.
Sáng hôm sau, Esther mang một bó hoa đặt tại mộ của Allan Kardec. Sau đó nàng chơi một nhạc khúc yêu thích nhất bên mộ ân nhân Rouard.
Tuần lễ sau, người ta thấy Esther Borstein trên boong tàu đi nước Mỹ, điều mà cô hằng mong ước khi vừa đặt chân đến nước Pháp..


Đào Duy Hồ
Phỏng dịch từ nguyên tác “Pour passer le temps”

"Chúng Ta Là Một Dân Tộc!" - Tạp Ghi Huy Phương


Trông người, đau xót cho ta!
Ngày 18 Tháng Chín vừa qua, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lần đầu tiên đến thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn trong một cuộc viếng thăm lịch sử. Hình ảnh hai vị lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên duyệt hàng quân danh dự và đứng trên xe mui trần đi qua các con đường phố với hàng nghìn dân chúng tụ tập hai bên đường, ăn mặc như ngày hội vẫy cờ chào đón – dù là được Bắc Hàn vận động – đã làm cho cả dân tộc Triều Tiên vui mừng trước cơ hội thống nhất Nam Bắc sau 65 năm hai miền bị chia cắt, ly tán.

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài ba năm từ 1950 đến 1953 trên bán đảo Triều Tiên, đã bị chia cắt mỗi bên vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ. Lực lượng hai bên tham chiến lên đến hơn một triệu quân, Bắc Hàn có Trung Cộng và Liên Xô yểm trợ, Nam Hàn có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tham chiến. Sau ba năm giao tranh, nhiều thành phố thành bình địa, quân lực mỗi bên lên đến 800,000 người chết, mất tích và bị thương, số dân chúng tử vong của cả hai miền lên đến con số 2.5 triệu người. Nhiều gia đình hai miền bị ly cách.
65 năm nay, hai miền ngưng chiến nhưng không có hiệp ước hoà bình, hai bên vẫn xem nhau như thù nghịch, tiến hành chiến tranh tình báo và tìm cách tuyên truyền lôi kéo hay đánh phá nhau.

Qua những cuộc thương thuyết dài ngày và cam go, cũng như gây ra nhiều sự dị nghị, nghi ngờ, cho đến hôm nay, vào thời điểm trung tuần Tháng Chín, 2018, Bắc Hàn cam kết ngừng các hoạt động nghiên cứu hạt nhân, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, bằng một quy trình “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và một thỏa thuận hòa bình Nam-Bắc Hàn, chấm dứt tình trạng chiến tranh dai dẳng giữa hai miền.

Theo AFP, Kim Jong-un đã tuyên bố tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng là :”Tổng Thống Moon Jae-in và tôi thống nhất đưa bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân – Tuyên bố chung Tháng Chín cũng sẽ nâng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc lên tầm cao hơn, mang lại kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng!”
Lãnh đạo Bắc Hàn cũng đã nhận lời mời thăm Seoul của tổng thống Nam Hàn.

Kim Jong-un từ lâu nay được thế giới xem như một Chí Phèo của làng Vũ Đại, sở hữu vũ khí nguyên tử và hăm dọa cả vùng Đông Nam Á. Ngày nay nếu Kim Jong-un chịu thương thuyết với Hoa Kỳ và chịu ngồi lại với lãnh tụ Nam Hàn để mang lại hoà bình, thịnh vượng cho một đất nước chung, tách xa con đường thù hận, hiếu chiến của ông Kim Il-sung, và cha Kim Jong-il, thì lãnh tụ Bắc Hàn hôm nay đươc xem như một người thức thời và là cứu tinh của dân tộc Bắc Hàn. Chuyện thống nhất của hai miền tuy hãy còn xa, nhưng rồi đây hai miền sẽ thông thương, người dân đói nghèo, đơn điệu của Bắc Hàn rồi đây sẽ được hưởng một đời sống thịnh vượng, sung túc như Nam Hàn. Sẽ không còn đảng mà chỉ còn dân tộc!

Nhìn về Đông Âu: Ngày 9 Tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin sụp đổ.
Một dòng người lũ lượt từ Đông Bá Linh, đang tràn sang phía Tây thành phố Berlin tưng bừng như một này hội. Người ta khiêu vũ, uống rượu, phất cờ, ca hát, hò reo: “Wir sind ein Volk,” “Wir sind ein Volk” (Chúng ta là một dân tộc).
Đây là cơ hội một thuở để lìa bỏ chế độ Cộng Sản, và xóa sổ Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ngày 3 Tháng Mười, 1990, nước Đức chính thức thống nhất.

Hai năm sau, Honecker, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Ðức lâu năm kiêm chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (DDR) và đồng bọn ra toà án nước Đức, sau đó xin tị nạn ở Liên Xô. Năm 1991, khối cộng sản Liên Xô kể như tan rã, nước Nga không muốn chứa chấp vợ chồng Honecker, họ phải trốn vào tòa đại sứ Chile xin tị nạn.

Năm 1991, chính phủ Đức ban hành “thuế phụ thu đoàn kết” (“Solidaritätszuschlag”) cho chương trình xây dựng Đông Đức, tính đến nay, chính phủ Đức đã chi hàng ngàn tỷ Euro cho chương trình xây dựng Đông Đức và vẫn còn tiếp tục. Người Đông Đức đã giàu lên hơn gấp 10 lần.
Nước Đức đã thống nhất nhưng không có kẻ thắng người thua, không có vơ vét tài sản của người khác làm chiến lợi phẩm cho mình, không có trả thù, không có trại tù (học tập cải tạo), không chiến dịch đánh tư sản mại bản, không có vùng kinh tế mới, không có hàng triệu người bỏ nước ra đi.

Nhìn cảnh tay trong tay của hai lãnh tụ Nam Bắc và viễn ảnh thống nhất nay mai của Đại Hàn, mà người Việt không khỏi mắt ứa lệ nghĩ đến thân phận của đất nước mình, cũng là hoàn cảnh chia cắt, cũng là phân đôi Quốc Cộng, mà hồi kết cục thì bi thảm.

Mục đích của đảng Cộng Sản Đông Dương – tiền thân của Đảng CSVN – do Hồ Chí Minh, ủy viên Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản lãnh đạo, ngay từ ngày thành lập, mục tiêu vẫn là hoàn thành cuộc cách mạng nhân danh “vô sản” trên toàn cõi Đông Dương.

Việt Minh hô hào chống Pháp giải phóng đất nước, nhưng chủ trương tiêu diệt các đảng phái chính trị yêu nước, thừa cơ cướp chính quyền ngày 19 Tháng Tám, 1945, và ngày 2 Tháng Chín, 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản lãnh đạo, từ đó tới cuộc chiến 30 năm đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975. Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do vì sau ngày 9 Tháng Ba, 1945, Người Pháp đã bị nguời Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ ngày Nhật đảo chính Pháp và sau khi Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp.

Đối với Hà Nội, Hiệp định Paris 1973 chỉ là một thủ đoạn để đuổi quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, khiến cho chế độ Sài Gòn suy yếu. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Việt tổ chức cuộc tổng tấn công, để đưa cả nước vào quỹ đạo Cộng Sản. Lấy được miền Nam, Hà Nội sẽ “thừa thắng xông lên” chiếm luôn Lào và Cambodia, biến hai nước láng giềng này thành những nước cộng sản dưới sự chi phối trực tiếp của đảng CSVN. Rõ ràng là ngày nay Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng, và một ngày không xa có thể sát nhập với nước Tàu như thân phận Mông Cổ, Tây Tạng…

Cuộc chiến xâm lược 72 năm của Việt Bắc đã gây ra cái chết của từ 2 đến 4 triệu người Việt ở hai miền. Việt Nam thống nhất nhưng hàng nghìn trại tập trung được dựng lên cho chính sách trả thù tàn độc. Ba triệu người cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã bỏ nước ra đi, hằng trăm nghìn người đã chết ngoài biển khơi. Khoa bảng trí thức miền Nam bị vùi dập trong trại tù hay đã chết sông, chết biển hay bỏ thây nơi rừng rậm. Với con người thì nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, với lãnh đạo thì nợ công chồng chất. Đất nước “vô địch” về tham nhũng, ma tuý, phá thai, ung thư, rượu bia, buôn người, xuất cảng lao động…

Chế độ Cộng Sản không yêu thương gì người Việt Nam, không nghĩ gì đến quần chúng, nên không thể dõng dạc nói như người Đức và có thể là Nam Bắc Hàn sau này: “Chúng ta là một dân tộc!” mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam chỉ biết hô to: “Còn đảng còn mình!” hay “Thà mất nước hơn là mất Đảng!” Việc hoà giải chỉ là chiến thuật nhất thời hay chiêu bài cho người nhẹ dạ để cướp chính quyền. “Chính quyền về tay nhân dân” nhưng nhân dân Việt Nam ngày nay là thù địch, cỏ rác dưới mắt đảng!

Bắc Việt không xem miền Nam là ruột thịt và không thể nói với miền Nam: “Chúng ta là một dân tộc!” Việt Cộng xem dân Tàu Cộng là anh em, xem nước Tàu là quê hương cả chúng:
“Bên này biên giới là nhà
Bên kia biên giới cũng là quê hương!”
Khi Mao Trạch Đông nước Tàu cần Hồ Chí Minh dùng xương máu của người Việt để bành trướng chủ nghĩa, lãnh đạo miền Bắc không từ nan, vì:
“Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” (Chế Lan Viên)
Trông người, đau xót cho ta! Dân tộc Việt Nam quả là một dân tộc bất hạnh.

Chúng ta đã chịu thiệt thòi làm người Việt Nam và cảm thấy xót xa, hổ thẹn trước gương Nam-Bắc Hàn, và chuyện thống nhất của nước Đức! 

Huy Phương