NGÔI SAO BẮC ĐẨU TRÊN CỎI TRỜI NAM
Lê Quế Lâm
Giáo sư Vũ Quốc Thúc kính mến,
Trong bài tự vịnh, họa lại bài thơ của GS Lê Đình Thông, giáo sư bày tỏ niềm trăn trở xót xa về quê hương đất nước, cá nhân tôi được giáo sư tin thương như một người bạn, người em. Vì thế tôi xin chia sẻ nổi ưu tư của vị niên trưởng mà tôi luôn đề cao là một tôn sư của nhiều thế hệ.
Cụ sử gia Trần Trọng Kinh đã hoàn thành quyển Việt Nam Sử Lược từ thời Thời đại Thượng cổ với họ Hồng Bàng đến Thời đại thứ 5 Cận kim từ năm 1802 khi vua Gia Long thống nhất sơn hà đến thời thực dân. Quyển Việt Nam Sử Lược xuất bản năm 1919. Năm 1949 cụ Trần Trọng Kim viết quyển Kiến Văn Lục tường thuật đúng sự thật những việc cụ đã làm cùng những việc tai nghe mắt thấy trong giai đoạn 1943 đến 1949.Trong những chuyện đó có lắm việc truân chuyên và lắm nổi đoạn trường, nên cụ đặt nhan đề Một Cơn Gió Bụi.
Năm 2009 Giáo sư đã xuất bản quyển Thời Đại Của Tôi. Cuốn I: Nhìn lại 100 năm lịch sử và Cuốn II: Đời tôi trải qua các bước thăng trầm của đất nước. Như vậy Giáo sư đã viết tiếp quyển Kiến Văn Lục của cụ Trần, trình bày những việc giáo sư đã làm và chứng kiến trong thời đại 100 năm kể 1920. Có thể nói đây là Thời đại thứ 6 của lịch sử dân tộc trải qua hai chế độ thực dân và cộng sản. Trong giai đoạn này, có nhiều sự thật lịch sử vì vô tình hay cố ý đã bị cắt xén, thậm chí bịa đặt, uốn nắn…Do đó Giáo sư ý thức được bổn phận ghi lại sự thật lịch sử một cách vô tư, ít ra cũng là sự thật theo nhỡn quan của một con dân Việt yêu nước.
Cá nhân tôi, vốn là một giáo viên gia nhập quân đội khi quốc biến và may mắn được phân công nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam. Năm 1993 tôi đã xuất bản quyển Việt Nam Thắng và Bại. Đây là bản Tổng kết cuộc chiến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Sách vinh dự được Giáo sư -một chứng nhân của Thời đại viết Lời Tựa.
Trong mấy lời ngỏ cùng độc giả sách Một cơn gió bụi, cụ Trần tâm sự “Cho đến ngày nay đã trải biết bao những nổi buồn khổ sở, làm cho tôi đã chán nản hết cả mọi điều, chỉ mong được yên tỉnh mà ngắm cảnh đời cho qua ngày qua tháng, chứ không muốn dính dáng đến hành động gì cả. Thế mà tự đâu nó bắt buộc tôi làm những việc tôi không muốn làm. Hình như ngoài cuộc nhân sinh vật chất của người ta, có cái thế lực u uẩn, huyền bí, an bài hết cả mọi việc theo đúng cái nghiệp của từng người, giống một tấn tuồng sắp đem ra diễn, đã có người xếp đặt đâu đấy cả rồi, ai đóng vai trò nào là phải đóng cho hết trò, chứ không từ chối được. Nhà triết học nói đó là nhân quả tự nhiên. Song tìm cho ra cái nhân và biết được cái quả, không phải là việc dễ”.
Sau phần đề cập đến cái Nghiệp, cụ Trần nói đến cái Tâm là chủ sự hành động của con người. Ai ai cũng có cái tâm song có người thiên về tình dục, vật chất, có người giữ được phẩm chất thiên lương, nên có sự khác biệt. Cụ tường thuật những việc đã làm và chứng kiến theo cái tâm chân thành, ngay chính, “không kiêng dè, che đậy, không thêu dệt thêm bớt, cốt để người ta biết sự thật. Những sự thật ấy có đụng chạm đến ai, thì cũng xin thể tất tấm lòng thành thực của tôi mà đừng chấp trách. Ấy là tôi tin ở cái tâm công minh của mọi người vậy”.
Cái tấn tuồng đã được sắp xếp theo nhân sinh quan của cụ Trần, theo thiễn ý của tôi, chính là “Chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh lạnh”. Ngay lúc đầu, tấn tuồng này đã có lắm việc truân chuyên và lắm nổi đoạn trường. Đó là một tấn thảm kịch của lịch sử dân tộc. Trong bi kịch đó, theo cái nghiệp của từng nhân vật, họ đều đóng trọn vai trò. Cái cộng nghiệp tạo ra nghiệp quả cho đất nước, song như cụ Trần đã trình bày “tìm ra cái nhân và biết được cái quả, không phải là việc dễ”. Phải qua thời gian dài, các thế hệ sau mới có thể chiêm nghiệm được.
Đối với cụ Trần nhờ có cái tâm trong sáng, cụ đã sớm nhận ra cái hệ lụy nhân quả, khi thấy được bản chất của cộng sản là phi dân tộc, thiếu đạo đức, lại mê muội, cuồng tín. Do nhân tố này nên ngay bước đầu họ đã thất bại trong việc thương thuyết với Pháp, đưa đến chiến tranh. Tuy nhiên cụ thừa nhận Việt Minh đã có công lớn, nhờ kháng chiến mà Pháp trao trả độc lập cho VN. Đến đó đủ rồi, nếu tiếp tục rất có hại cho đất nước. Cụ khuyên cộng sản thể hiện lòng yêu nước, nên rút lui trong thời điểm Pháp đã trao trả độc lập, đất nước đã thống nhất.
Những lời tâm huyết của cụ không được Việt Minh tán đồng nên hết kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ rồi chiến tranh giữa các đảng cộng sản anh em. Ba cuộc chiến kéo dài non nửa thế kỷ (1946-1989) gây biết bao tang thương cho dân tộc và cuối cùng đất nước có nguy cơ bị Hán hóa , một thời Bắc thuộc mới đã bắt đầu từ thỏa ước Thành Đô 1990.
Những người cộng sản thường tự hào họ là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, đã đánh thắng quân phiệt Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Bắc Kinh. Ngày trước, trong Đoạn trường tân thanh, cụ Nguyễn Du nói đến tài sắc vẹn toàn của Vương Thúy Kiều khiến đời nàng chịu lắm nổi đoạn trường. “Hết nạn nọ đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nên cụ Tiên Điền ngao ngán “Chém cha cái số hoa đào, Gở ra rồi lại buộc vào như chơi! Nghĩ đời mà chán cho đời, Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.
Còn thời cận hiện đại, chỉ vì cái “tài tình” của những người lãnh đạo mà đất nước chịu biết bao thảm họa. Chiến tranh vừa dứt, hòa bình đã được tái lập, lại phát động chiến tranh mới. Hiến pháp 1980 ghi rõ bọn bành trướng Bắc Kinh là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, rồi một thập niên sau lại hợp tác toàn diện, lâu dài với kẻ cựu thù. Đúng là “Gở ra rồi lại buộc vào như chơi!
Ngoài cái nghiệp như một định mạng đã an bài, nhưng không nên đổ hết cho Trời để cam chịu số phận nghiệt ngã, vì lẽ “có trời mà cũng tại ta”. Mọi người đều có cái tâm. Nếu tâm xấu cộng với nghiệp báo có sẳn thì cuộc đời sẽ đắm chìm trong trầm luân khổ nạn. Trái lại sớm tỉnh ngộ, cái tâm có thể hóa giải được cái nghiệp vì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Theo GS Lê Đình Thông “thầy là thiện tinh mãi đong đầy”. Đối với tôi, Giáo sư là sao Bắc Đẩu ở cỏi trời Nam. Nhìn lại lịch sử 100 năm qua, rất hiếm có được một người như Giáo sư, sống trọn vẹn trong thời đại đó, suốt cuộc đời luôn hành xử theo cái tâm thiên lương cộng với tấm lòng vì dân vì nước. Cuối năm 1947, giáo sư rời kháng chiến được Thủ tướng Quốc gia Lâm thời Nguyễn Văn Xuân cử sang Pháp làm việc, để tiếp tục việc học, trao dồi kiến thức để phục vụ đất nước sau này. Với bằng Tiến sĩ Luật và Thạc sĩ Kinh tế, giáo sư về nước phục vụ quốc gia trong cương vị Bộ trưởng bộ Giáo dục và Thanh niên trong Nội các của Hoàng thân Bửu Lộc. Giáo sư cùng các đồng liêu, Giáo sư Nguyễn Quốc Định Bộ trưởng Ngoại giao, Luật sư Nguyễn Văn Đạm Bộ trưởng Tư pháp và Luật sư Nguyễn Đắc Khê Bộ trưởng Bộ Dân chủ hóa tháp tùng Thủ tướng Bửu Lộc đến Paris cùng thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký Hiệp ước về Độc lập (Traité d’Indépendance) ngày 4/6/1954. Nước Pháp công nhận nước VN là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đầy đủ chủ quyền và thẩm quyền đúng quốc tế công pháp.
Trong buổi giao thời, khi chế độ thực dân vừa chấm dứt, người Quốc gia đã chuẩn bị việc giáo dục thanh niên, dân chủ hóa đất nước. Còn những người cộng sản động viên thanh niên tham gia chiến tranh, tạo dựng chế độ độc tài chuyên chính.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, Giáo sư đảm nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và sau đó là Khoa trưởng Luật khoa (1957-1963). Lúc bấy giờ giáo sư là Cố vấn Kinh tế của TT Ngô Đình Diệm đã hợp tác với Gs kinh tế Eugene A. Staley thảo ra đề án thu phục nhân tâm chống lại sự khuynh đảo của du kích cộng sản. Bản tường trình “Staley-Vu Quoc Thuc Joint Report” được trình TT Diệm và Kennedy hồi tháng 4/1961.
Thời Đệ nhị Cộng hòa, Giáo sư cùng Gs David E. Lilienthal, Chủ tịch Hội đồng Phát triển và Tài nguyên HK hoạch định kế hoạch phát triển VN thời hậu chiến. Khi cuộc đàm phán Paris diễn ra, giáo sư đảm nhận chức vụ Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển trong Nội các Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm.
Vào năm 1986, làn sóng thuyền nhân đã bước vào năm thứ 10, các nước Âu, Mỹ ngày càng trở nên lãnh đạm và lộ vẻ “hằn học” đối với nạn dân VN. Họ cho rằng đám người này kéo nhau di cư, không phải vì lý do chính trị, mà chỉ vì lý do kinh tế. Gíáo sư lên tiếng phản bác, cho rằng Hà Nội vi phạm HĐ Paris 1973 trong khi các cường quốc thiếu trách nhiệm vì đã long trọng ký tên bảo đảm sự thi hành hiệp định. Chính vì họ “bội ước” nên hàng triệu người VN phải bỏ nước ra đi. Họ không có quyền mạt sát nạn dân VN là những kẻ ti nạn chính trị giả hiệu. Lúc bấy giờ thế giới đang lên án CSVN can dự vào cuộc chiến ở Campuchia. Nghị quyết của LHQ yêu cầu quân ngoại nhập CSVN phải rút khỏi Cam Bốt với đa số phiếu trong nhiều khóa họp liên tiếp.
Trong tình thế đó, việc vãn hồi HĐ Paris 1973 trở nên cấp bách. Ngày 23/5/1987 tại Paris, với sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Pháp Quốc Yểm trợ Việt Nam Tự do, giáo sư đã tổ chức một cuộc hội thảo công khai về việc trở lại HĐ Paris 1973. Giáo sư cảnh báo các cường quốc đừng nên lầm tưởng có thể giải quyết riêng vấn đề hòa bình ở Campuchia. Muốn tiến tới một nền hòa bình thực sự ở Đông Dương cần phải để những người quốc gia chia sẻ quyền hành với đảng cộng sản. Giải pháp thích hợp nhất là trở lại HĐ Paris 1973: không phải mãi mãi chia đôi VN mà là để hoàn thành sự tái thống nhất trong tinh thần hòa hợp và hòa giải.
Năm 1995, HK đã bình thường hóa bang giao với Hà Nội. VN lần lượt gia nhập khối ASEAN và APEC và chuẩn bị gia nhập WTO, giáo sư là thành viên sáng lập Phong trào Hiến chương 2000. Mục tiêu của Phong trào Hiến chương 2000 là tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực tại VN trong đó nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân phải được tôn trọng. Muốn thế VN phải chuyển hóa từ chuyên chính sang dân chủ, để dễ dàng hội nhập với cộng đồng thế giới, phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa.
Đến những năm đầu của thế kỷ 21, nhìn thấy CSVN bị Bắc Kinh khống chế nặng nề, nên giáo sư thành lập Ủy ban Vận động Quy chế Trung lập Vĩnh viễn cho VN tại Paris (Tháng 4/2006).
Năm 2011, dù tuổi cao 91 song giáo sư vẫn còn trăn trở về tiền đồ của dân tộc, nhất là trong bối cảnh mà hiểm họa TQ ngày càng đè nặng lên VN. Chính mối ưu tư này mà tháng 9/2011 giáo sư tham gia ký tên cùng 35 nhà trí thức hải ngoại vào bức Thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo VN về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc. Do việc này mà giáo sư đã bị một số người ở hải ngoại chỉ trích. Đó là cái giá mà nhà trí thức dấn thân sẳn sàng trả, vì sự tồn vong của đất nước. Cũng năm này, giáo sư xuất bản hồi ký Thời Đại Của Tôi cũng như cụ Trần Trọng Kim trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi, phô bày những việc đã làm và đã thấy để mọi người suy xét cho đúng sự thật. Dù ai có nói gì, cụ cũng xin cam chịu vì “mình đã làm hết bổn phận làm người”.
Nay ở tuổi 98 đáng lẽ như cụ Nguyễn Công Trứ ngày trước “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi thơ túi rượu bầu”… Nhưng Giáo sư vẫn “Đoái nhìn đất tổ, lòng ngao ngán! Chẳng lẽ non sông mãi thế này?
Kính thưa Giáo sư,
Thế sự xoay vần, bất cứ tấn thảm kịch nào cũng có hồi kết thúc. Chế độ thực dân kéo dài 80 năm, chế độ cộng sản ở Liên Xô kéo dài 74 năm. Chế độ cộng sản ở VN đến nay vừa tròn 73 năm (1945-2018) Chế độ này phát triển trong thời chiến tranh lạnh là nhờ hai cường lực đối kháng đều cần xử dụng con bài CSVN. Liên Xô tích cực ủng hộ CSVN thực hiện nguyện vọng của người từng là Ủy viên Quốc tế CS (Hồ Chí Minh) “Giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và tiến lên xã hội chủ nghĩa là con đường sống của dân tộc” để bành trướng chủ nghĩa cộng sản.
Về phần HK, họ không còn con đường nào khác phải đưa quân vượt nửa vòng trái đất để đối đầu với một địch thủ bất cân xứng về mọi mặt. Họ dùng sức mạnh để kết thúc chiến tranh vừa tạo cơ hội giúp CSVN thực hiện được mục tiêu thống nhất đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đây là mưu đồ của Mỹ đưa mối bất hòa Nga Hoa trở thành xung đột khi CSVN thống nhất đất nước xong phải đứng trong hàng ngũ các nước xã hội chủ nghĩa do LX lãnh đạo. Mỹ đã đẩy các nước cộng sản trực tiếp đối đầu nhau để đưa Quốc tế Cộng sản đến chỗ tan rã.
Chiến tranh lạnh chấm dứt, chủ nghĩa CS sụp đổ ở Liên Xô, nhưng chế độ CS vẫn còn tồn tại ở VN là nhờ dựa vào Bắc Kinh. Tuy nhiên thế sự luôn xoay vần, hết Liên Xô, đến Trung Cộng hiện nay là mối đe dọa trực tiếp đối với nền an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Vì thế chiến tranh lạnh vẫn còn tiếp diễn trong bối cảnh mới. Ngày nay Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác toàn diện với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành quả này đã manh nha từ 46 năm trưóc.
Giữa tháng Chạp năm 1972, khi quyết định oanh tạc Bắc Việt bằng B52 để áp lực Hà Nội trở lại bàn đàm phán Paris để kết thúc chiến tranh, TT Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger đã phác họa mối quan hệ giữa HK với VN sẽ trải qua ba giai đoạn phấn đấu trong hòa bình: chấm dứt thù địch, bình thường hóa bang giao và hợp tác vì lợi ích chung của hai nước.
Thượng Nghị Sĩ John McCain vừa mới qua đời là biểu tượng của sự phấn đấu để xây dựng mối bang giao và hợp tác Việt Mỹ. Dù bị CSVN hành hạ tàn nhẫn, song ông không hận thù, khi trở thành thượng nghị sĩ, người hùng chiến tranh VN đã tranh đấu quyết liệt để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng thuận ủng hộ việc quan hệ và hợp tác với VN.
Trong tang lễ của cố TNS John McCain, ngoài hai cựu TT George W. Bush và Barack Obama, điếu văn của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger với những lời đầy xúc động để vinh danh những đóng góp của người quá cố “Đất nước chúng ta may mắn có được những con người vĩ đại vào những thời điểm đầy thử thách để nhắc nhở về sự đoàn kết thiết yếu và khơi dậy trong chúng ta những giá trị trường cửu. John McCain là một trong những món quà của định mệnh”.
Trong bối cảnh hiện nay, Kissinger cho rằng “Nước Mỹ có bổn phận duy trì cả sức mạnh lẫn lý tưởng. Qua nhiều thập niên phục vụ trong ngành lập pháp, đã từng làm chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, John là nhân vật tiêu biểu cho một nước Mỹ đủ mạnh để theo đuổi mục tiêu của mình, một nước Mỹ đầy lòng nhân ái, được những nguyên tắc cốt lõi hướng dẫn… John đã tranh đấu vì “tự do và công lý cho mọi người”. Tên tuổi của John McCain trở nên đồng nghĩa với một nước Mỹ cổi mở để bắt buộc những quốc gia cường thịnh phải ứng xử trung thực và gieo hy vọng cho những con người bị áp bức. John đã ban tặng cho chúng ta một khoảnh khắc hòa giải vào lúc mà chúng ta rất cần và làm sống lại niềm tin vào khả năng của nước Mỹ”.
Trước đây, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh VN thuộc Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc đã nhận xét: “Chiến tranh VN là một cuộc cách mạng kéo dài. Và hiểu theo cách cộng sản đó là cuộc chiến kết hợp giữa quân sự và chính trị. Đó là cuộc đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng Hoa Kỳ thua tại mặt trận ở nhà. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu sâu rộng về vai trò của truyền thông trong cuộc chiến này, nhưng không có kết quả nào ủng hộ ý kiến cho rằng phong trào phản chiến tại Mỹ đã thành công trong việc dẫn tới việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam”
“Tôi cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng Hoa Kỳ thua trận. Cuộc chiến mà Hoa Kỳ đương đầu là một cuộc chiến cách mạng kéo dài và vì thế nói thắng hay thua là không hợp lý vì theo thời gian, mục tiêu của nước Mỹ thay đổi. Mỹ đã không thành công duy trì độc lập cho phe cộng hòa ở VN. Đây cũng không phải là cuộc chiến tranh hiểu theo nghĩa thông thường là một quốc gia xâm lược một quốc gia khác, mà đây là một cuộc chiến cách mạng, một cuộc chiến cách tân Việt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản”. (Trà Mi, đài VOA 23/03/2010)
Thời điểm hiện nay đã chín muồi để thực hiện cuộc cách mạng. Cách tân Việt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản để thoát Trung về mặt ý thức hệ và mở đường đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới thực sự Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Đó là hoài bão của ông Hồ Chí Minh khi đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: “Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”
Giáo sư Vũ Quốc Thúc kính mến,
Với những nhận định thô thiễn trên, kỳ vọng sẽ giúp Giáo sư “Máu nóng trong tim vẫn tràn đầy” để mừng ngày Đại Thọ 100 năm, kết thúc thời đại đau thương của Dân tộc với hai thảm họa thực dân và cộng sản.
Kính thư,
Lê Quế Lâm, Sydney ngày 08/09/2018.
No comments:
Post a Comment