Sunday, September 23, 2018

Ngắm và mua đồ xưa, đồ cổ ở Chợ đồ cổ Sài Gòn

Trần Hồng Phong

Mua bán đồ xưa, đồ cổ là một thú vui tao nhã từ xa xưa của người Sài Gòn nói riêng. Ở Sài Gòn có không ít những khu "chợ" trên vỉa hè chuyên bày bán những món đồ như vậy, theo kiểu tự phát. Nhưng giờ đây còn có một khu chợ chuyên về đồ cổ được tổ chức khá bài bản, có tên gọi là "Chợ đồ cổ" nằm trong một con hẻm ở quận Bình Thạnh. Nghe nói khu chợ này trước đây tên là "Chợ đồ cổ Cao Minh", vì ca sỹ Cao Minh là người đã gầy dựng nên. Trong bài viết này tôi tạm gọi là "Chợ đồ cổ Sài Gòn" cho sát với địa danh hơn, đây là một ngôi chợ chuyên bán đồ xưa, đồ cổ khá thú vị, tổ chức vào thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. 

<< Khách hàng chọn mua một chiếc đĩa xưa ở Chợ đồ cổ Sài Gòn

Sáng Chủ nhật ngày 2/9/2018 này, tôi ghé thăm Chợ đồ cổ Sài Gòn, phần vì tò mò nghe nói đã lâu, phần vì tôi cũng khá thích những món đồ nghệ thuật, đồ cổ - vì đẹp và luôn mang đậm nét văn hóa, cuộc sống của xã hội, qua từng giai đoạn lịch sử.

Chợ đồ cổ Sài Gòn tọa lạc tại địa chỉ số 311/27 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Sau khi gửi xe, tôi được hướng dẫn mua một vé vào cổng với giá 40.000 đồng. Cô nhân viên cho biết vé này bao gồm một phần nước uống/cà phê, hoặc một phần ăn nhẹ, tùy chọn. Khá rẻ.

Không khí giao tiếp trong chợ khá nhẹ nhàng, vui vẻ thoải mái, dễ thương, mang đậm phong cách miền Nam. Người tham quan có thể chụp ảnh những món đồ bày bán thoải mái, không chủ gian hàng nào tỏ ra khó chịu.

Dưới đây là những hình ảnh mà tôi đã chụp tại Chợ đồ cổ trong chuyến tham quan của mình. Để thêm phần hấp dẫn, tôi mạn phép đưa ra một số ý kiến bình luận, nhận xét - trên tinh thần "vui là chính". Nếu có gì chủ quan hay khiếm khuyết về mặt kiến thức, mong quý vị vui lòng xí xóa nhé!

Ghi chú: Vì ảnh khá nhiều nên tải hơi chậm. Tôi đăng nhiều để mọi người ngắm cho mãn nhãn!
.....

Chợ đồ cổ Sài Gòn 
(Sáng 2/9/2018)


Chợ nằm trong một con hẻm, nên phải đi bộ vào. Từ xa nhìn thấy một cái cổng lợp ngói với dòng chữ "Chợ đồ cổ". Cô gái trong tà áo dài xanh đứng đón khách là một bức tranh khổ lớn chứ không phải người thật.

Chợ đồ cổ là một khu đất không quá lớn (khoảng 1.500m2), hai bên (phía sau và bên phải) là hai dãy lầu làm thành khu ngồi nghỉ, uống cà phê. Từ vị trí này, có thể nhìn ngắm toàn bộ các gian hàng bán đồ xưa, đổ cổ bên dưới.

Trong chợ, có lẽ phải xấp xỉ hàng trăm gian hàng nhỏ bày bán đủ các loại đồ cũ, đồ xưa, đồ cổ. Chủng loại các mặt hàng bày bán tại chợ có thể nói rất đa dạng, thượng vàng hạ cám đủ loại. Ngoài những món đồ nghệ thuật, mỹ nghệ, còn có rất nhiều những món vật dụng cũ từng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày trước đây. Như: nón mũ, tiền, bật lửa, đèn dầu, máy ảnh ... gợi nhớ một thời kỷ niệm, một giai đoạn của đất nước.

Giá mua bán hàng hóa nhìn chung khá rẻ, phù hợp với mọi nhu cầu. Chỉ cần rủng rỉnh vài trăm ngàn đồng trong túi, là quý vị có thể tự tin đến chợ trả giá, chọn mua một vài món hàng mà mình yêu thích. Tôi nghe loáng thoáng một vị khách trả và mua được một cái ca nhôm lính Mỹ với giá 200.000 đồng. Tất nhiên đối với những món đồ cổ, quý thật sự, chẳng hạn một chiếc bình sứ cổ,  thì giá sẽ đắt hơn rất nhiều. Mà nếu ai không có nhu cầu mua bán, chỉ đến tham quan, nhìn ngắm thì cũng hoàn toàn là quyền của mình.



Ngay khi vừa bước qua cổng chợ, quý vị sẽ lập tức cảm thấy có phần "choáng ngợp" vì hàng dãy các gian hàng nối dài, với la liệt món hàng được bày bán


Đây là những gian hàng đầu tiên, từ cổng chợ đi vào




Gian hàng này gợi nhớ về một thời chiến tranh, loạn lạc tại Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Phía bên trái có 2 cái thùng đựng đạn, vài chiếc ca nhôm - vốn được trang bị cho lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam những năm 1960. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, lính Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, ước tính có khoảng 55.000 lính Mỹ đã tử trận và tới nay vẫn còn một số người chưa tìm thấy hài cốt. Những món đồ "nhà binh" có chất liệu nhôm rất tốt và thường mua một lần dùng được ... nhiều đời!


Nhiều món vật dụng xưa, từng có mặt trong cuộc sống thường ngày những năm 1960 -1980: Điện thoại bàn, cân tay, bàn tính, đồng hồ để bàn ...



Gian hàng này chuyên bán đồng hồ các loại. Thật là xinh xẻo, dễ thương!




Những chiếc bình xưa từ nhiều chất liệu, phong cách



Quang cảnh bên trong Chợ đồ cổ. Lúc này hãy còn sớm, nên khách vào chợ chưa nhiều lắm. Nhưng chỉ khoảng 30 phút sau, lượng khách đã đông lên rất nhiều


Quang cảnh trong chợ, phía xa bên phải là dãy lầu để du khách ngồi uống cà phê


Gian hàng này có cả một tượng đầu người, khá nổi bật và gây chú ý



Những món hàng thú vị đang sẵn sàng về nhà với chủ mới!






Phía sau gian hàng là cầu thang lối lên lầu cà phê phê


Rất nhiều người đến đây săm soi, tìm mua món hàng mà mình yêu thích


Những món đồ sành phong cách bình dân. Đây là hàng Tàu hay Bình Dương, Đồng Nai?


Những chiếc đèn dầu. Loại đèn này có tên gọi là "đèn bão", được làm bằng kim loại và thường để xách tay mang theo khi đi ra đường trong đêm tối. Tỷ như đi "họp chi bộ", hoặc là treo lên hiên nhà, xà nhà ... Dùng loại đèn này ánh sáng sẽ lan tỏa nhiều hơn và do vậy đèn bão đắt hơn tiền hơn so với đèn dầu (thủy tinh loại nhỏ). Ngày xưa thường cũng chỉ những gia đình khá giả mới sắm được loại đèn "quý phái" này. Còn một loại đèn khác còn oai phong hơn nữa là đèn Măng Sông, nhưng không thấy ở đây.





Trong chợ có vài gian hàng bày bán sách và ấn phẩm xưa. Quý vị có thể nhìn thấy tập truyện ngắn Gió đầu mùa rất nổi tiếng của Thạch Lam trong nhóm Tự lực văn đoàn. Cuốn sách này do nhà xuất bản Đời Nay in ở Miền Nam những năm 1960. Đối với những người mê sách, đây thực sự là một cuốn sách quý hiếm, với kiểu bìa sách không lẫn vào đâu được. Trong Tự lực văn đoàn, có thể kể đến những cái tên như: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Xuân Diệu, Huy Cận ...



Một gian hàng khá hấp dẫn! Trong gian hàng này, chúng ta thấy một cái bàn là (bàn ủi) dùng than, làm bằng đồng rất phổ biến ở miền Nam trước và sau năm 1975. Người ta hay gọi là bàn là con gà, vì có hình con gà ở đầu mũi. Nhưng cái bàn là trong ảnh thì không thấy hình con gà. Phía bên phải có một máy nghe nhạc, dùng đĩa than, với một cái loa rất lớn như một đóa hướng dương khổng lồ. Một món hàng khá độc đáo, "cao cấp"

Phía trên ngăn tủ, chúng ta thấy một cái lon nhôm trắng sọc ngang đựng sữa ngày xưa, gọi là lon guigoz - ngày xưa nhà nào cũng có dùng làm cà men; bên cạnh lại có 2 chai bia Lase vẽ hình đầu con cọp một thời oanh liệt.



Trong ngăn tủ kính có một số món đổ sứ cổ có lẽ bán giá đắt và quý. Lại có một cái tủ nhỏ đóng và chạm khắc rất tinh xảo.


Tôi rất mê bức tượng chúa Giesu tạc trên một khúc gỗ rất tinh sảo, có thần




Rất nhiều gian hàng


Một số bình, đĩa xưa. Màu sắc khá tươi.


Những chiếc bình trưng trong tủ nhìn rất mê. Đây hẳn là những món đổ cổ đắt tiền, dành cho giới chuyên nghiệp. Nói chung, khi món hàng đã lên giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng - thì phải là dân chuyên nghiệp!



Những chiếc đĩa xưa này khá mộc, không thực sự tinh xảo. Chắc giá cũng mềm!


Lại một gian hàng quý, hiếm


Những món đồ đồng tinh xảo, lạ mắt. Phía trên có lẽ là những chiếc đèn dùng dầu. Nhưng khá lạ mắt



Những chiếc nón vải Jean này gợi nhớ về thời kỳ "đổi mới" ở Việt Nam khoảng những năm 1985 - 1990. Lúc này mỗi người đàn ông hầu như ai cũng phải có một chiếc nón lưỡi trai bằng vải Jean như thế này khi ra đường




Có cả đá quý bày bán trong chợ. Những chiếc đĩa này có tông màu xanh rất độc và đẹp! Họa tiết cũng rất đẹp, dù đơn giản. Hàng quý hiếm!




Những chiếc gươm, súng đồ chơi, dao xếp ... làm từ kim loại màu, khá phổ biến những năm 1990



Tôi thấy một chiếc đài (Radio) trong ngăn kệ giữa. Những năm 1970, nhà nào có đài nghe tin tức cũng đã làm "xịn" lắm rùi. Nhớ là khi đó người dân bị cấm nghe "đài địch" nhé. (Hê). Và lúc bấy giờ vẫn chưa có nhiều máy nghe nhạc casette ở Việt Nam


Một gian hàng chuyên về đồ đồng, với những món đồ thờ cúng, tượng, phật, ...



Tiếp tục một gian hàng chuyên về đồ đồng



Trong chợ còn có một gian hàng trưng bày vài chiếc xe máy cổ. Dòng Vespa của Ý vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu của giới mê xe cổ. 2 chiếc vespa trong ảnh theo tôi biết, được sản xuất khoảng năm 1965.






Có cả ảnh xưa, di vật. Cảnh xưa, người xưa đâu chăng tá?


Quang cảnh trong chợ


Gian hàng này thật khó xác định chủ đề chính là gì, nhưng đều là những món đồ hết sức độc đáo





Tôi đang lang thang trong Chợ đồ cổ. Có lẽ cũng đã đến lúc chọn mua một món đồ làm kỷ niệm. (Sau đó, tôi lên lầu và ngồi nhâm nhi ly cà phê của mình).








Đủ các loại đồng hồ đeo tay. Đây là những vật dụng xưa, những năm 1950 - 1980 ... Đồng hồ giai đoạn này thường là đồng hồ cơ (vặn dây cót), hoặc "tự động". Trong khi ngày nay phần lớn là chạy bằng pin


Tôi khá thích gian hàng này với những chiếc máy ảnh cơ chụp bằng phim trong ngăn tủ kính. Chúng ta có thể thấy những chiếc Canon, Nikon thời những năm 1980. Bây giờ công nghệ chụp ảnh này hầu như đã đi vào dĩ vãng rồi. Ngày xưa khi còn là sinh viên tôi đã từng đi chụp hình dạo, với chiếc Canon QL17 đầu bằng. Trong chợ, tôi thấy có cả máy ảnh Zenit của Cộng hòa dân chủ Đức




Góc trái gian hàng này là những chiếc đồng hồ để bàn thời những năm 1970. Loại đồng hồ này chạy bằng dây cót và người ta thường dùng để báo thức. Khi tới giờ, tiếng chuông reo lảnh lói khiến cho ông chủ phải bật dậy và bấm vào cái nút tắt chuông ở phía trên.




Tiền xưa, tiền quốc tế


Toàn cảnh chợ đồ cổ nhìn từ hướng ngoài cổng vào. Phía trên và bên phải là hai dãy cà phê mà du khách có thể nhìn xuống khu mua bán bên dưới


Các loại hộp quẹt (bật lửa) dùng đá lửa và xăng này đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho hộp quẹt ga. Những năm 1980, đàn ông Việt Nam hút thuốc lá rất nhiều, và anh nào cũng có trong túi một chiếc hộp quẹt như thế này. Vật bất ly thân!


Gian hàng này gọi là những vật dụng xưa thì có lẽ chính xác hơn. Khá nhiều những món đồ "lặt vặt" đầy nhung nhớ về một thời đã qua



Một khách hàng chọn mua một chiếc đĩa xưa


Chiếc cân tiểu ly này chắc từng có mặt trong một tiệm vàng


Một bộ sưu tập đồ sộ những chiếc hộp quẹt (bật lửa) hiệu Zippo của Mỹ. Đây là một món hàng được không ít "gã đàn ông" yêu thích.





Từ trên tầng lầu cà phê nhìn xuống


Cảnh mua bán, trao đổi rất tấp nập


Những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ làm từ chất liệu đá quý, sừng. Có lẽ những người theo đạo Phật thường chọn những kỷ vật này


Vòng đá và vài món đồ đồng khá lạ


Đồ đồng gia dụng: chảo, nồi, bát hương ...


Vài cái bình vôi nho nhỏ xinh xắn. Có lẽ đây là món đồ giả cổ?


Những món đồ mỹ thuật làm từ chất liệu kim loại; và một bộ chén sứ khá đẹp phong cách châu Âu




Hai chú công làm bằng chất liệu đồng thực sự gây ấn tượng



Lúc 9h30, tại chợ bắt đầu chương trình ca nhạc. Đây là tiết mục mở đầu, một bài hát xưa


Cô ca sỹ đang hát


Những món đồ bằng bạc, xinh xắn và sang trọng



Những chiếc đồ hồ "quả quít", bỏ túi quần chứ không đeo ở cổ tay như ngày nay. Đây là phong cách đàn ông từ thời thuộc Pháp - những năm 1950. Ngày xưa mỗi chiếc "quả quít" này có giá cả lượng vàng, và chỉ có những tay công tử hào hoa hay trí thức thật mới có khả năng trang bị món đồ sang trọng lịch lãm này.


Những chiếc đồng hồ này có tuổi đời khoảng 30-40 năm




Lúc khoảng 10h tôi rời chợ ra về, trong khi rất nhiều người vẫn đang tiếp tục vào chợ và có lẽ vẫn chưa đến hồi đỉnh điểm của phiên chợ kỳ thú này. Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ còn trở lại đây, với một vài người bạn trong lần tới.

Mong cho ngôi Chợ đồ cổ dễ thương và thú vị này của Sài Gòn sẽ ngày càng phát triển, thu hút thêm đông người đến thưởng ngoạn, mua bán.

No comments:

Post a Comment