Friday, June 28, 2019

"Nghịch lý của hệ thống y tế, giáo dục Cuba" khiến cả thế giới khâm phục

Bất chấp việc đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do lệnh cấm vận hà khắc của Mỹ, Cuba vẫn đạt thành tựu ấn tượng trong việc chăm sóc trẻ em và thanh niên, khiến cả thế giới khâm phục. 
ảnh 1Các dịch vụ y tế và giáo dục ở Cuba hoàn toàn miễn phí
Theo báo cáo toàn cầu mà Tổ chức Save the Children (Cứu trợ trẻ em) vừa công bố, trong số 176 nước được đánh giá theo các chỉ số như tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tỷ lệ trẻ em tới trường, tình trạng dinh dưỡng, quyền được bảo vệ trước những hành động xâm hại…, Cuba là quốc gia đứng đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribe về việc đảm bảo môi trường trưởng thành lành mạnh, nền giáo dục phù hợp và an toàn cho trẻ em và thanh niên.

Đây là thành tích đầy ấn tượng, nhất là trong bối cảnh “Hòn đảo tự do” đang phải hứng chịu cuộc bao vây, cấm vận kinh tế - thương mại - tài chính của Mỹ kéo dài gần 6 thập kỷ qua, khiến cho Cuba chịu những thiệt hại vật chất trị giá tới 933 tỷ USD ở thời giá hiện tại. Sự hà khắc của những biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt với La Habana tới mức ngay cả những công dân Mỹ tới Cuba “vì mục đích giáo dục và theo nhóm” cũng bị cấm.
Thế nhưng, nhiều thập kỷ qua, Cuba luôn được xem là hình mẫu của thế giới trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người, nhất là với trẻ em và thanh niên. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nhưng người dân Cuba luôn được hưởng chế độ phúc lợi xã hội vào loại tốt so với thế giới, như miễn phí y tế và giáo dục, bao cấp lương thực và chỗ ở.
Trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, báo cáo mới nhất về chỉ số sức khỏe của người dân các quốc gia trên thế giới mà hãng Bloomberg công bố hồi đầu năm 2019, Cuba nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số sức khỏe người dân cao nhất thế giới và là nước dẫn đầu về tỷ lệ này trong khu vực Mỹ Latinh. Tại Cuba, việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người dân được xem là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của chính phủ, với 100% các dịch vụ y tế được miễn phí cho mọi công dân.
Hệ thống y tế Cuba đặc biệt chú trọng phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đặc biệt, trong năm 2018, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong của quốc gia vùng Caribe này là 0,39%, thấp nhất trong lịch sử và lần đầu tiên dưới mức 0,4% và là năm thứ 11 liên tiếp Cuba có tỷ lệ này thấp hơn 0,5%, mức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một trong những tiêu chuẩn chính về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Cuba cũng khiến thế giới khâm phục. Mỗi trẻ em sinh ra ở Cuba, khi lên 5 tuổi, đều có quyền bắt đầu những năm tháng đi học hoàn toàn miễn phí. Học xong mẫu giáo, các em sẽ được chuyển sang học tại một trường tiểu học. Phổ cập giáo dục áp dụng với mọi trẻ em từ 6 tuổi tới hết cấp hai căn bản (thường là 15 tuổi). Giáo dục đại học cũng miễn phí với mọi công dân Cuba, không phân biệt giàu nghèo hay thành phần xã hội.
Còn về chất lược giáo dục, báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định “Ngoài Cuba, không một hệ thống học đường nào tại khu vực Mỹ Latinh đạt các thông số tiêu chuẩn toàn cầu”. Theo WB, Cuba là nơi xem “giáo dục là một trong những ưu tiên chính từ năm 1959 (năm Cách mạng thành công), với một hệ thống giáo dục hiệu quả”, đồng thời cũng là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục cao nhất thế giới, với 13% tổng ngân sách. WB cũng khẳng định không một nước nào ở Mỹ Latinh có đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới, ngoại trừ Cuba.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, Cuba không những không đi chậm hơn so với nhịp độ phát triển của thế giới, mà còn khiến thế giới ngạc nhiên trước những điều mà các nhà nghiên cứu gọi đó là “Nghịch lý của hệ thống y tế, giáo dục Cuba”.

Wednesday, June 26, 2019

"Mây đen" phủ bóng quan hệ Nga-Ukraine: Rạn nứt chưa thể hàn gắn?

(Theo Carnegie, Vzglyad, TASS)
  - Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu cho cư dân khu vực Donbass vào ngày 24-4-2019, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã đáp trả bằng cách tương tự khi cho phép cư dân Nga có thể nhận hộ chiếu Ukraine, qua đó làm dấy lên nguy cơ xung đột Nga-Ukraine, vốn đang căng thẳng sau sự kiện 3 tàu Hải quân Ukraine bị Cơ quan An ninh Nga bắt giữ tại eo biển Kerch vào ngày 25-11-2018.
Tình anh em rạn nứt
Ngày 18-3-2014, sau một cuộc trưng cầu ý dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo bán đảo Crimea đã ký kết một hiệp định sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga. 5 năm sau, mảnh đất ở vùng Biển Đen này vẫn còn là hố sâu ngăn cách trong mối quan hệ giữa Nga - Ukraine.
Sự kiện Crimea 2014 đã phá vỡ hoàn toàn tình hữu nghị giữa hai nước Nga-Ukraine. Đúng như lời của chuyên gia Dmitry Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ Nga-Ukraine ngày càng tồi tệ, không bao giờ có thể quay trở lại như trước đây.
Cũng trong năm 2014, Chính phủ Ukraine đã triệu hồi Đại sứ ở Nga, sau đó từ chối chấp nhận Đại sứ mới của Nga ở Ukraine. Diễn biến trên đã làm cho kim ngạch giữa hai nước đang từ 18,5 tỷ USD giảm xuống còn 10 tỷ USD.
Ở khu vực Donbass cách xa miền Đông Ukraine, xung đột kéo dài hơn 5 năm giữa binh sỹ Ukraine và lực lượng thân Nga khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Thậm chí, có chính khách Ukraine từng kêu gọi người dân Ukraine không nên đến Nga xem World Cup 2018. Trong khi đó, Kiev vốn dự định tẩy chay World Cup trên truyền hình, nhưng đài truyền hình quốc gia Ukraine đã mua bản quyền phát sóng.
Cuộc khủng hoảng Crimea cũng khiến tranh chấp ở biển Azov trở nên gay gắt hơn trong thời gian gần đây. Sau khi Nga đưa vào sử dụng cầu vượt eo biển Kerch vào tháng 5-2018, thống kê của Ukraine cho thấy, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7-2018, lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ và kiểm tra 93 chiếc thuyền chuẩn bị đi qua eo biển Kerch tới các cảng của Ukraine.
Tờ New York Times của Mỹ cho rằng, công trình được người Nga gọi là "cầu Putin" chính là điểm tựa để Nga tăng cường quyền kiểm soát đối với Crimea. Sự kiện xảy ra hôm 25-11-2018 chứng minh chiến lược xây dựng cây cầu đúng là đã được sử dụng cho mục đích đó, vì Nga chỉ cần cho một chiếc tàu neo đậu dưới cây cầu này là có thể phong tỏa eo biển Kerch, từ đó biến biển Azov thành nội hải của mình.
ảnh 1
Tàu chiến Nga đi qua eo biển Kerch. (Nguồn: RT)
Mối quan hệ Nga-Ukraine thời gian gần đây liên tục đi xuống, thậm chí cựu Tổng thống Ukraine từng tuyên bố chấm dứt Hiệp ước quan hệ hợp tác hữu nghị Nga-Ukraine ký năm 1997; Ukraine ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, chuyển sang nhập khẩu khí đốt của châu Âu; giáo hội Ukraine tuyên bố tách khỏi Giáo hội Chính thống giáo Nga, tìm cách độc lập tự chủ.
Một điểm nữa có thể khoét sâu hố ngăn cách trong quan hệ giữa Nga và Ukraine chính là cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine khi Tân Tổng thống Vladimir Zelensky giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2019, đã đẩy mạnh thực hiện chính sách "bài Nga", khiến quan hệ Nga - Ukraine tiếp tục "căng như dây đàn".
Sắc lệnh đổ thêm dầu vào lửa
Mới đây, ngày 24-4-2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu Nga cho cư dân vùng Donbass, khiến vết rạn nứt giữa hai nước Nga-Ukraine ngày càng khó hàn gắn. Hành động này được giới chuyên gia nhận định như "đổ thêm dầu vào lửa.
Sau hơn 1 tháng triển khai sắc lệnh đã có hàng vạn người thuộc Cộng hòa Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine nộp đơn đăng ký. Ngày 8-6-2019, người đứng đầu chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông D. Pushilin cho biết, trong vòng hơn 1 tháng qua, các cơ quan chức năng của DPR đã tiếp nhận khoảng hơn 7.000 đơn xin nhập quốc tịch Nga (bắt đầu tiếp nhận từ ngày 3-5-2019). Trong số đó, đã có hơn 6.000 hồ sơ đã được phê duyệt và gửi đến cơ quan chức năng của Nga để xử lý.
ảnh 2
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Ukraine Zelensky có những động thái "ăn miếng, trả miếng" thời gian gần đây, đẩy căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. (Nguồn: Wion)
Trước động thái mới của Nga, dư luận Ukraine phản ứng gay gắt, cụ thể:
(1) Chính giới Ukraine phản ứng gay gắt với hành động của Nga, tuyên bố sẽ không chấp nhận các hộ chiếu này; cáo buộc Nga đang thực hiện chiến lược "Nga hóa", "xâm lược mềm" các khu vực có đông người gốc Nga như đã từng xảy ra tại Abkhazia, Nam Ossetia (Gruzia), Pridnestrovie (Moldova) và Crimea (năm 2014); chỉ trích Nga sử dụng sắc lệnh này để cản trở việc thực hiện Thỏa thuận Minsk và chia cắt đất nước Ukraine.
(2) Phái đoàn Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi thư đề nghị Tổng thư ký LHQ cho lưu hành rộng rãi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine với nội dung phản đối quyết định đơn phương của Nga, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế không công nhận, không chấp nhận các giấy tờ Nga cấp cho công dân Ukraine tại vùng "đang bị Nga chiếm đóng" và tăng cường trừng phạt nga.
(3) Ngoại trưởng Ukraine P. Klimkin ngày 13-5 tuyên bố: "Ukraine sẽ từ chối tuân thủ thỏa thuận Minsk nếu EU giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống Nga" để phản đối việc Nga bắt đầu cấp hộ chiếu cho cư dân DPR và LPR. Trong khi, Thủ tướng Ukraine Groisman đã phê chuẩn Nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Nga vào ngày 15-5, theo đó cấm nhập khẩu từ Nga một số loại hàng hóa nhất định và áp dụng nhiều loại thuế đặc biệt đối với hàng hóa Nga từ 1-8 tới.
(4) Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức ngày 20-5-2019, tân Tổng thống Ukraine Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ động thái trên của Nga, đồng thời đưa ra cam kết sẽ ưu tiên việc bảo vệ và lấy lại lòng tin của người dân ở miền Đông Ukraine đối với chính quyền, trong đó có việc đảm bảo phúc lợi tốt nhất về an sinh xã hội cho người dân.
Ông Zelensky cũng tiến hành một số hành động thể hiện thái độ cứng rắn trong vấn đề miền Đông Ukraine như kêu gọi Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, khẳng định Washington "vẫn là đối tác chính của Ukraine trong việc vượt qua sự xâm lược của Nga" và bất ngờ thăm một số đơn vị quân đội Ukraine đóng ở Luhansk để cổ vũ, khích lệ tinh thần binh sỹ, khẳng định quyết tâm giành lại lãnh thổ miền Đông Ukraine khỏi sự chiếm đóng của lực lượng ly khai…
Có thể thấy, vết rạn nứt chính trị trong quan hệ Nga-Ukraine đã nảy sinh từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc xung đột giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai bùng nổ ở Donbass đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và mối quan hệ văn hóa giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những điều này cũng không thể xóa bỏ di sản văn hóa chung của người Nga và người Ukraine như văn học Nga, các bộ phim thời Liên Xô và "hậu Xô Viết", những bài hát và chương trình truyền hình, trong đó có cả những chương trình dài tập đã đưa Vladimir Zelensky trở thành một diễn viên hài nổi tiếng.
Danh hài Zelensky và đoàn nghệ thuật của mình từng khá thường xuyên tới Nga lưu diễn và ông cũng xuất hiện trong bộ phim hài do Nga-Ukraine hợp tác sản xuất với tên gọi "Tình yêu trong một thành phố lớn". Giờ đây, người ta lại chờ đợi một luồng gió mới đem đến "tình yêu trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine", dù đó chỉ là hy vọng rất mong manh. 

Tuesday, June 11, 2019

Vì sao mạng di động 5G bất ngờ trở thành "chiến trường" giữa Mỹ và Trung Quốc?

(Theo TASS, Brookings, Financial Times)
 Theo giới chuyên gia, bên cạnh những lợi ích thương mại của mạng di động 5G, thế hệ mạng vô tuyến thứ 5 còn là "cuộc cách mạng hóa" công nghệ an ninh và quân sự. Do đó, cũng dễ hiểu khi 5G đang trở thành "tâm điểm" của cuộc đua cạnh tranh ngội vị số một thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xoay quanh công ty Huawei - "người khổng lồ" viễn thông của Trung Quốc.
5G - tương lai công nghệ mới
Công nghệ về thế hệ mạng không dây tiếp theo (5G) đang trở thành một chỉ tiêu cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới, trong đó không thể không nhắc tới những “ông lớn” như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, bởi sự quan trọng của nó trong việc định hình thứ bậc về công nghệ trong tương lai.
Tầm quan trọng của công nghệ 5G là điều hiển nhiên khi mạng di động thế hệ tiếp theo này được xem là cột mốc mới trong cách mạng kỹ thuật số, mang lại kết nối gần như tức thời, dung lượng dữ liệu lớn và công nghệ tiên tiến.
ảnh 1
Ảnh minh họa công nghệ 5G (Nguồn: ZDnet)
Theo các nhà công nghệ, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới trong tương lai. Xác định được tầm quan trọng của công nghệ này, không một công ty viễn thông nào muốn "chậm chân" trong cuộc đua giành vị trí "tiên phong", cũng như chính phủ các nước đang xem công nghệ 5G như là "động lực chính" cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Công nghệ 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở băng tần 28, 38 và 60 GHz. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tức thời trong quá trình vận hành trên đường, tính năng chát video sẽ có hình ảnh sắc nét hơn; các cơ quan chức năng ở các thành phố lớn có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đỗ xe, sau đó gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của người dân để đưa ra "lộ trình" di chuyển đúng đắn.
ảnh 2
Các kỹ sư của Tập đoàn công nghệ Samsung phát triển hệ thống kết nối 5G (Nguồn: IEEE Spectrum)

Công nghệ 5G được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất thiết bị Internet vạn vật (IoT). Điện thoại 5G sẽ ra mắt vào năm 2019, với Motorola là công ty đầu tiên công bố Moto Z3 đi kèm phụ kiện Moto Mod 5G, sau đó là của hãng Xiaomi với Mix 3. Sau đó, Samsung cũng sẽ chính thức nhảy vào thị trường tiềm năng này với phiên bản Galaxy S10 có chức năng 5G.
Tuy nhiên, những công ty như Huawei, Samsung và Qualcomm hiện tại là "tâm điểm" của cuộc đua thiết bị 5G, trong đó, Huawei (có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc) nổi lên là công ty số một thế giới về thiết bị viễn thông, thiết bị 5G của công ty này vượt qua cả những công ty hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Các chuyên gia công nghệ đánh giá, hiện tại Mỹ chưa có một công ty nào có thể là "đối thủ ngang tầm" với Huawei về thiết bị viễn thông. Đối thủ lớn nhất của Huawei hiện nay là Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), nhưng cả 2 công ty này trong những năm qua đều chật vật với "thua lỗ" và cắt giảm việc làm, trong khi doanh thu của Huawei năm 2018 đạt hơn 100 tỷ USD. Điều đáng lưu ý là bất kỳ khâu nào của chuỗi 5G, các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng đều chiếm ưu thế.
Mỹ "khai màn" với ZTE để "răn đe" Trung Quốc
Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của công nghệ 5G đối với động lực phát triển kinh tế của nước này trong tương lai, cùng lúc với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc trên thế giới, Mỹ đã có những động thái cứng rắn nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tháng 4-2018, chính quyền Tổng thống D. Trump đã cấm các công ty buôn bán với ZTE - Tập đoàn viễn thông tư nhân Trung Quốc trong thời hạn 7 năm. ZTE sau đó đã phải hộp phạt 1,2 tỷ USD và thay toàn bộ các lãnh đạo trong Hội đồng quản trị để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Đầu năm 2019, Mỹ đã yêu cầu Canada dẫn độ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu với nhiều cáo buộc, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran (liên quan vấn đề vũ khí hạt nhân).
ảnh 3
Ảnh minh họa (Nguồn: Washington Post)
Hiện tại giới chức châu Âu vẫn đang xem xét các đề xuất nhằm tiến tới một lệnh cấm trên thực tế đối với việc sử dụng của các công ty công nghệ 5G của Trung Quốc, mà đầu tiên là Huawei.
Tuy nhiên, các công ty châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề "nan giải" hơn. Theo giám đốc của một công ty điều hành mạng di động ở châu Âu, các thiết bị của Huawei ngày nay đắt hơn các đối thủ nhưng tốt hơn nhiều các thiết bị tại thị trường EU.
Huawei đã thực sự vượt lên về chất lượng thiết bị di động so với các công ty cùng ngành ở châu Âu. Việc lựa chọn càng trở nên khó khăn hơn khi Huawei đang củng cố vững chắc vị thế dẫn đầu về công nghệ 5G - đến mức mà thiết bị của hãng này gần như đã trở nên khó thay thế đối với nhiều nhà mạng viễn thông EU.
Việc gì rồi cũng phải đến, khi EU gặp khó trong việc kiềm chế được sự phát triển công nghệ ngay tại thị trường của mình, buộc lòng Mỹ phải "ra tay". Đích ngắm không là ai khác, mà chính là Huawei (dưới sự điều hành của ông Nhậm Chính Phi). Tổng thống Mỹ D. Trump "làm nóng" cuộc chiến bằng việc tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc ngày 10-5-2019 và cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.
Tung đòn hiểm đánh Huawei
Ngày 15-5, Tổng thống D. Trump tuyên bố chống lại Huawei. Tiếp đó, ngày 16-5, ông ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào "danh sách đen" thương mại Entity List và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5, qua đó đẩy căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc lên một mức độ cao hơn.
Ngày 19-5, một loạt công ty công nghệ Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký. Theo hãng Bloomberg, Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều sẽ tuân lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.
ảnh 4
Huawei bị cản trở khi triển khai 5G tại các nước (Nguồn: ABC)
Ngày 7-6, Facebook tuyên bố ngừng cấp phép cho Huawei cài đặt trước các ứng dụng của họ trên điện thoại Huawei. Trước đó, Google đã tuyên bố sẽ dừng cung cấp hệ điều hành Android cho các điện thoại Huawei sau khi kết thúc thời gian tạm hoãn 90 ngày vào tháng 8 năm nay.
Đây được coi là những nỗ lực ngăn cản từ phía Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc đi đầu trong công nghệ viễn thông.
Trước các đòn tấn công như vũ bão của Mỹ, tập đoàn Huawei vẫn phải tỏ ra "tự tin", sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm tập đoàn này đã chuẩn bị được giải pháp thay thế. Tuy nhiên, điều này khó thuyết phục được các chuyên gia của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group. Công ty này nhấn mạnh: "Huawei không thể tích trữ phần mềm và họ không có cơ hội sống sót lâu dài nếu không tiếp cận dây chuyền cung ứng của thế giới".
Để đối phó với cuộc tấn công của Mỹ, Huawei chỉ có thể hướng tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Giám đốc Văn phòng tư vấn Grueguel của Bỉ, ông Guntram Wolff cảnh báo rằng, trong trường hợp Mỹ gây áp lực mạnh thì sẽ rất khó để EU tiếp tục hợp tác với Huawei. Có thể nói số phận của tập đoàn Huawei hiện phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của Tổng thống Donald Trump, người đang dùng Huawei như "quân tốt" trong "ván cờ" thương mại với Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, an ninh mạng và chiến tranh mạng có thể sẽ bị thay đổi cơ bản bởi mạng di động 5G hiện nay dễ bị tấn công hơn các "thế hệ mạng đi trước". Thời gian tới, cuộc đua 5G sẽ vẫn tiếp tục nóng lên, cùng với đó, là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thể chấm dứt khi hai bên liên tiếp chơi "ăn miếng, trả miếng" như hiện nay.

Tuesday, June 4, 2019

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung: Đất hiếm....

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung: Đất hiếm liệu có trở thành ‘quân bài tẩy’?


Hơn 10 ngày sau chuyến khảo sát nhà máy sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tây của Chủ tịch Tập Cận Bình, truyền thông nước này bắt đầu đề cập tới khả năng Bắc Kinh sử dụng "quân bài" đất hiếm để "trả đũa" Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây không phải là "quân bài" dễ chơi, dù Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu mỗi năm.

Đất hiếm - miếng đánh hiểm của Trung Quốc?
Sau vụ việc cấm điện thoại Huawei ngày 15-5-2019 và yêu cầu mọi giao dịch giữa Huawei và các doanh nghiệp phần cứng Mỹ phải có sự chấp thuận từ chính phủ, chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump còn đưa thêm một danh sách dài những sản phẩm Trung Quốc phải chịu thuế nặng hơn. Tuy nhiên, cả danh sách ban đầu và danh sách “dọa dẫm” của ông Trump đều không có món hàng đất hiếm, thứ được sử dụng để làm từng chiếc iPhone cũng như hệ thống dẫn đường tên lửa của quân đội Mỹ.
Ngày 20-5, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình dưới sự tháp tùng của Phó Thủ tướng Lưu Hạc đi thị sát tình hình phát triển của ngành đất hiếm của tỉnh Giang Tây. Sở dĩ thông tin nêu trên được dư luận quan tâm chú ý rộng tãi chủ yếu là do gần đây xuất hiện nhiều lời kêu gọi sử dụng đất hiếm như một "quân bài" mặc cả với Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm một mỏ đất hiếm ở tỉnh Giang Tây (Nguồn. Xinhua)
Ngày 29-5 vừa qua, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài xã luận nhấn mạnh, Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Về vấn đề đất hiếm, bài xã luận cho rằng, không khó để trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng loại khoáng sản này để trả đũa trong chiến tranh thương mại. Cũng bàn về vấn đề này, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, phụ san dưới sự quản lý của Nhân dân Nhật báo đã viết trên Twitter cá nhân rằng, nước này đang "nghiêm túc" cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và cũng có thể triển khai các biện pháp trả đũa khác.
ảnh 2
Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg)
Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% thị phần trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, việc dùng đất hiếm để "trả đũa" Mỹ xem ra khó đáp ứng được kỳ vọng của phía Trung Quốc bởi vì:
Thứ nhất, nhu cầu đối với các sản phẩm đất hiếm của các doanh nghiệp Mỹ quả thực rất lớn, song vấn đề là rất nhiều doanh nghiệp ngành chế tạo của Mỹ đã chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài nước Mỹ. Cho nên, Mỹ gần như không còn nhu cầu nhập khẩu các nguyên tố đất hiếm. Theo thống kê của hải quan Trung quốc, trong năm 2018, lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ chỉ chiếm 3,8% tổng lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, thấp hơn cả Nhật Bản, Ấn Độ, Italia và Tây Ban Nha.
Thứ hai, Mỹ không thiếu mỏ đất hiếm. Thống kê cho thấy trữ lượng đất hiếm của Mỹ chiếm 15% thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu khai thác tất cả 87 mỏ đất hiếm của mình, Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu thương mại về đất hiếm của thế giới trong 280 năm. Vấn đề ở chỗ khai thác, phân tách và chuyển hóa đất hiếm ảnh hưởng lớn tới môi trường. Vì lý do này, năm 2002, Mỹ đã dừng khai thác mỏ đất hiếm Mountain Pass lớn nhất đất nước, chuyển sang nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc.
Thứ ba, trữ lượng đất hiếm hiện nay của Trung Quốc tuy vẫn đứng đầu thế giới, nhưng do Trung Quốc đang cung cấp khoảng 90% nhu cầu đất hiếm hàng năm của thế giới nên trong những năm gần đây, trữ lượng đất hiếm của nước này đã giảm mạnh. Vào thời kỳ đầu, Trung quốc chiếm 71,1% trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới, nhưng tới năm 2012 chỉ còn chiếm 23% và tới năm 2018, tỷ lệ này xuống dưới 20%. Điều đó có nghĩa là, sức mạnh của "quân bài" đất hiếm trong tay Trung Quốc ngày càng suy giảm. Ngay ở Trung Quốc cũng có học giả cho rằng, đất hiếm "khó" có thể trở thành "quân át chủ bài" trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Giải mã về đất hiếm
Đất hiếm là nguyên tố không thể thiếu của ngành công nghiệp điện tử, đây cũng là thứ tài nguyên được khai thác rất nhiều tại Trung Quốc bằng một quá trình độc hại, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới môi trường.
Kim loại đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố khác nhau, chúng xuất hiện trong pin, thiết bị chuyển pha điện, nam châm và vô vàn thứ linh kiện điện tử khác. Năm 2018, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng, hành tinh này có 120 triệu tấn “đất hiếm”, bao gồm chủ yếu 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.
ảnh 3
Một nhà máy ở Nội Mông, Trung Quốc (Nguồn: Shutterstock)
Trong vỏ Trái Đất, lượng đất hiếm không hề ít, thế nhưng nó thường xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng hợp chất, vì thế phải qua quá trình xử lý quặng, tách chất thì mới có đất hiếm để sử dụng. Quá trình này không phức tạp, nhưng ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người công nhân và tới môi trường xung quanh các mỏ, các trung tâm xử lý quặng. Nó có tên là "đất hiếm" vì lý do này.
Như vậy, dù đất hiếm có thể trở thành một quân bài trả đũa Mỹ của Trung Quốc, nhưng nó khó có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến thương mại hiện nay, bởi: (1) Mỹ-Trung có một số mâu thuẫn lớn trong đàm phán thương mại, nhưng đất hiếm không nằm trong số đó. (2) Tuy nhiều năm trước, Mỹ lệ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc, nhưng đây không phải là nước duy nhất cung cấp đất hiếm cho Mỹ. Mỹ có thể tìm nguồn cung cấp thay thế nên đất hiếm không "có cửa" để đóng vai trò "con tạo xoay vần" trong chiến tranh thương mại. Nếu Trung Quốc quả thực muốn sử dụng "quân bài" này, trong ngắn hạn có thể có chút tác dụng, nhưng về tổng thể chỉ khiến tình hình trở nên xấu thêm.