Tuesday, June 11, 2019

Vì sao mạng di động 5G bất ngờ trở thành "chiến trường" giữa Mỹ và Trung Quốc?

(Theo TASS, Brookings, Financial Times)
 Theo giới chuyên gia, bên cạnh những lợi ích thương mại của mạng di động 5G, thế hệ mạng vô tuyến thứ 5 còn là "cuộc cách mạng hóa" công nghệ an ninh và quân sự. Do đó, cũng dễ hiểu khi 5G đang trở thành "tâm điểm" của cuộc đua cạnh tranh ngội vị số một thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xoay quanh công ty Huawei - "người khổng lồ" viễn thông của Trung Quốc.
5G - tương lai công nghệ mới
Công nghệ về thế hệ mạng không dây tiếp theo (5G) đang trở thành một chỉ tiêu cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới, trong đó không thể không nhắc tới những “ông lớn” như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, bởi sự quan trọng của nó trong việc định hình thứ bậc về công nghệ trong tương lai.
Tầm quan trọng của công nghệ 5G là điều hiển nhiên khi mạng di động thế hệ tiếp theo này được xem là cột mốc mới trong cách mạng kỹ thuật số, mang lại kết nối gần như tức thời, dung lượng dữ liệu lớn và công nghệ tiên tiến.
ảnh 1
Ảnh minh họa công nghệ 5G (Nguồn: ZDnet)
Theo các nhà công nghệ, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới trong tương lai. Xác định được tầm quan trọng của công nghệ này, không một công ty viễn thông nào muốn "chậm chân" trong cuộc đua giành vị trí "tiên phong", cũng như chính phủ các nước đang xem công nghệ 5G như là "động lực chính" cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Công nghệ 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở băng tần 28, 38 và 60 GHz. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tức thời trong quá trình vận hành trên đường, tính năng chát video sẽ có hình ảnh sắc nét hơn; các cơ quan chức năng ở các thành phố lớn có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đỗ xe, sau đó gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của người dân để đưa ra "lộ trình" di chuyển đúng đắn.
ảnh 2
Các kỹ sư của Tập đoàn công nghệ Samsung phát triển hệ thống kết nối 5G (Nguồn: IEEE Spectrum)

Công nghệ 5G được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất thiết bị Internet vạn vật (IoT). Điện thoại 5G sẽ ra mắt vào năm 2019, với Motorola là công ty đầu tiên công bố Moto Z3 đi kèm phụ kiện Moto Mod 5G, sau đó là của hãng Xiaomi với Mix 3. Sau đó, Samsung cũng sẽ chính thức nhảy vào thị trường tiềm năng này với phiên bản Galaxy S10 có chức năng 5G.
Tuy nhiên, những công ty như Huawei, Samsung và Qualcomm hiện tại là "tâm điểm" của cuộc đua thiết bị 5G, trong đó, Huawei (có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc) nổi lên là công ty số một thế giới về thiết bị viễn thông, thiết bị 5G của công ty này vượt qua cả những công ty hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Các chuyên gia công nghệ đánh giá, hiện tại Mỹ chưa có một công ty nào có thể là "đối thủ ngang tầm" với Huawei về thiết bị viễn thông. Đối thủ lớn nhất của Huawei hiện nay là Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), nhưng cả 2 công ty này trong những năm qua đều chật vật với "thua lỗ" và cắt giảm việc làm, trong khi doanh thu của Huawei năm 2018 đạt hơn 100 tỷ USD. Điều đáng lưu ý là bất kỳ khâu nào của chuỗi 5G, các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng đều chiếm ưu thế.
Mỹ "khai màn" với ZTE để "răn đe" Trung Quốc
Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của công nghệ 5G đối với động lực phát triển kinh tế của nước này trong tương lai, cùng lúc với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc trên thế giới, Mỹ đã có những động thái cứng rắn nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tháng 4-2018, chính quyền Tổng thống D. Trump đã cấm các công ty buôn bán với ZTE - Tập đoàn viễn thông tư nhân Trung Quốc trong thời hạn 7 năm. ZTE sau đó đã phải hộp phạt 1,2 tỷ USD và thay toàn bộ các lãnh đạo trong Hội đồng quản trị để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Đầu năm 2019, Mỹ đã yêu cầu Canada dẫn độ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu với nhiều cáo buộc, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran (liên quan vấn đề vũ khí hạt nhân).
ảnh 3
Ảnh minh họa (Nguồn: Washington Post)
Hiện tại giới chức châu Âu vẫn đang xem xét các đề xuất nhằm tiến tới một lệnh cấm trên thực tế đối với việc sử dụng của các công ty công nghệ 5G của Trung Quốc, mà đầu tiên là Huawei.
Tuy nhiên, các công ty châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề "nan giải" hơn. Theo giám đốc của một công ty điều hành mạng di động ở châu Âu, các thiết bị của Huawei ngày nay đắt hơn các đối thủ nhưng tốt hơn nhiều các thiết bị tại thị trường EU.
Huawei đã thực sự vượt lên về chất lượng thiết bị di động so với các công ty cùng ngành ở châu Âu. Việc lựa chọn càng trở nên khó khăn hơn khi Huawei đang củng cố vững chắc vị thế dẫn đầu về công nghệ 5G - đến mức mà thiết bị của hãng này gần như đã trở nên khó thay thế đối với nhiều nhà mạng viễn thông EU.
Việc gì rồi cũng phải đến, khi EU gặp khó trong việc kiềm chế được sự phát triển công nghệ ngay tại thị trường của mình, buộc lòng Mỹ phải "ra tay". Đích ngắm không là ai khác, mà chính là Huawei (dưới sự điều hành của ông Nhậm Chính Phi). Tổng thống Mỹ D. Trump "làm nóng" cuộc chiến bằng việc tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc ngày 10-5-2019 và cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.
Tung đòn hiểm đánh Huawei
Ngày 15-5, Tổng thống D. Trump tuyên bố chống lại Huawei. Tiếp đó, ngày 16-5, ông ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào "danh sách đen" thương mại Entity List và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5, qua đó đẩy căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc lên một mức độ cao hơn.
Ngày 19-5, một loạt công ty công nghệ Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký. Theo hãng Bloomberg, Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều sẽ tuân lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.
ảnh 4
Huawei bị cản trở khi triển khai 5G tại các nước (Nguồn: ABC)
Ngày 7-6, Facebook tuyên bố ngừng cấp phép cho Huawei cài đặt trước các ứng dụng của họ trên điện thoại Huawei. Trước đó, Google đã tuyên bố sẽ dừng cung cấp hệ điều hành Android cho các điện thoại Huawei sau khi kết thúc thời gian tạm hoãn 90 ngày vào tháng 8 năm nay.
Đây được coi là những nỗ lực ngăn cản từ phía Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc đi đầu trong công nghệ viễn thông.
Trước các đòn tấn công như vũ bão của Mỹ, tập đoàn Huawei vẫn phải tỏ ra "tự tin", sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm tập đoàn này đã chuẩn bị được giải pháp thay thế. Tuy nhiên, điều này khó thuyết phục được các chuyên gia của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group. Công ty này nhấn mạnh: "Huawei không thể tích trữ phần mềm và họ không có cơ hội sống sót lâu dài nếu không tiếp cận dây chuyền cung ứng của thế giới".
Để đối phó với cuộc tấn công của Mỹ, Huawei chỉ có thể hướng tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Giám đốc Văn phòng tư vấn Grueguel của Bỉ, ông Guntram Wolff cảnh báo rằng, trong trường hợp Mỹ gây áp lực mạnh thì sẽ rất khó để EU tiếp tục hợp tác với Huawei. Có thể nói số phận của tập đoàn Huawei hiện phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của Tổng thống Donald Trump, người đang dùng Huawei như "quân tốt" trong "ván cờ" thương mại với Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, an ninh mạng và chiến tranh mạng có thể sẽ bị thay đổi cơ bản bởi mạng di động 5G hiện nay dễ bị tấn công hơn các "thế hệ mạng đi trước". Thời gian tới, cuộc đua 5G sẽ vẫn tiếp tục nóng lên, cùng với đó, là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thể chấm dứt khi hai bên liên tiếp chơi "ăn miếng, trả miếng" như hiện nay.

No comments:

Post a Comment