Khúc Kèn Truy Điệu - Tạp Ghi Huy Phương
Một binh sĩ Hoa Kỳ viếng đồng đội tại nghĩa trang quốc gia Arlington,
tiểu bang Virginia trong ngày lễ Memorial Day. (Hình: Getty Images)
Memorial Day là một ngày lễ liên bang tại Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày
Thứ Hai cuối cùng trong Tháng Năm hằng năm. Đây là lễ để kỷ niệm những
Chiến Sĩ Trận Vong hay là ngày Tưởng Niệm Liệt Sĩ.
Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861-1865), ngày lễ đầu tiên được tổ
chức để tưởng niệm quân nhân Liên bang miền Bắc đã tử nạn trong cuộc
nội chiến. Ngày nay trên thế giới, quốc gia nào cũng có một ngày để
tưởng nhớ đến các quân nhân đã hy sinh cho đất nước của họ. Trong ngày
này, người ta tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho các tử sĩ, với những
khúc kèn truy điệu được được thổi lên, thăm viếng các nghĩa trang, cắm
hoa trên các bia mộ.
Ở nước Mỹ, chúng ta ai cũng đã có lần nghe qua bài Kèn Mặc Niệm Tử Sĩ
làm ta động lòng, xúc cảm, tiếc thương những người chiến sĩ hy sinh cho
tổ quốc. Chúng tôi còn nhớ khoảng năm 1953, trong cuốn phim From Here
to Eternity (Tant qu’il y aura des homme), chúng ta đã được nghe
Montgomery Cliff thổi đoạn kèn này với những dòng nước mắt chảy dài, để
tưởng nhớ đến một đồng đội vừa bỏ đơn vị ra đi.
Lai lịch của khúc kèn này xuất phát từ đâu, có từ lúc nào? Đây là một câu chuyện chúng ta nên biết.
Chuyện bắt đầu năm 1862 trong thời kỳ nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861-1865).
Khi một đơn vị của đội miền Bắc quân do Đại Úy Robert Ellicombe chỉ
huy tới Harrison’s Landing ở tiểu bang Virginia thì chạm địch với quân
Nam đóng ở bên kia. Sau trận đụng độ, đêm đó, Đại Úy Robert Ellicombe
nghe thấy tiếng rên la của một binh sĩ đang bị thương nặng giữa chiến
địa. Mặc dầu không biết người thương binh kia là lính của bên nào, nhưng
vì lòng nhân đạo, đại úy không ngại nguy hiểm tới tính mạng bò ra chỗ
người thương binh nằm để mang anh về chiến tuyến của mình. Dưới cơn mưa
đạn, Ellicombe mang được người thương binh kia về, nhưng khi bò về tới
nơi, viên sĩ quan miền Bắc mới thấy rằng người lính kia là quân miền
Nam, và anh đã chết.
Đại Úy Ellicombe rọi đèn và trong ánh sáng lờ mờ nhìn mặt anh binh
sĩ, nhận ra đây là người con trai của mình. Con của Ellicombe đang là
một sinh viên tại một viện âm nhạc ở miền Nam thì chiến tranh Nam Bắc
khởi sự, chàng trai trẻ tình nguyện vào quân đội miền Nam mà không cho
cha biết. Thật quá ngỡ ngàng và xót xa, người cha suốt đêm không ngủ.
Sáng hôm sau, ông trình thượng cấp biết sự việc và xin được một ân huệ
là được phép chôn con theo lễ nghi quân cách, mặc dầu con ông là địch
quân.
Ông cũng xin cho toán quân nhạc cử hành tang lễ.
Thượng cấp cho phép, nhưng ra lệnh hạn chế, thay vì dùng toàn ban
quân nhạc cử hành nghi thức mặc niệm, thì thượng cấp chỉ cho một nhạc sĩ
chơi kèn thôi. Một nhạc sĩ thổi kèn trận (clairon) đã phụ trách việc
này và người cha đau khổ đã nhờ người nhạc sĩ thổi những đoạn nhạc ghi
trên một mảnh giấy mà ông tìm thấy ở trong túi áo trận của con trai.
Năm 1891, khúc nhạc này trở thành bản nhạc chính thức trong quân đội
Hoa Kỳ dành để vinh danh những tử sĩ. Đoạn nhạc đó chính là bài Kèn Mặc
Niệm Tử Sĩ mà chúng ta nghe thấy ngày nay mỗi ngày Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận
Vong hay những phút cử hành nghi lễ tiễn đưa những người lính tử trận.
Việt Nam có hai bài nhạc để mặc niệm tử sĩ. Bắc Việt thường dùng bài
“Chiêu hồn tử sĩ” của Đỗ Nhuận được ghi nhận là được viết trong nhà tù
của Pháp năm 1943. Miền Nam dùng bài “Hồn Tử Sĩ” của Lưu Hữu Phước, được
viết vào năm 1943, lúc Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương tổ chức cắm trại ở
Mê Linh, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng. Trong dịp này, để tưởng nhớ công
ơn Hai Bà, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc đó là một lãnh đạo của Tổng Hội)
đã sáng tác bài “Hát Giang trường hận” (trường hận sông Hát) với phần
lời như sau: “Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió ngàn…” mà hiện nay ở
hải ngoại chúng ta vẫn thường dùng trong phút mặc niệm trong các buổi
lễ cộng đồng.
Miền Nam đã dễ dãi khi dùng đến hai bản nhạc của Lưu Hữu Phước, một
là bài “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca VNCH, hai là “Hát Giang trường
hận” làm khúc hát truy điệu tử sĩ. Lưu Hữu Phước tuy đã có lúc là thành
viên sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, nhưng về sau theo
Cộng Sản Bắc Việt, giữ chức Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Văn Hóa của Chính Phủ
Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, và là Đại Biểu Quốc Hội,
Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa và Giáo Dục của Quốc Hội của Bắc Việt.
Chúng tôi có nghe chuyện thời Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam, Quốc Hội
có đề nghị thay bài quốc ca “Tiếng Gọi Công Dân” bằng một trong hai bản
nhạc, “Việt Nam-Việt Nam” của Phạm Duy hay “Việt Nam Minh Châu Trời
Đông” của Hùng Lân, nhưng không rõ lý do vì sao, không thực hiện được.
Về bản nhạc truy điệu tử sĩ, trước kia chúng tôi không rõ Bắc Việt có
còn dùng bản “Chiêu hồn tử sĩ” của Đỗ Nhuận hay không, nhưng vào năm
2013 khi Võ Nguyên Giáp chết, trong lễ truy điệu, Hà Nội đã dùng bài
“Hát Giang…” như chúng ta vẫn thường nghe ở hải ngoại trong “phút mặc
niệm!”(*)
Trở lại “Khúc kèn truy điệu” Hoa Kỳ mà lâu nay chúng ta đã có dịp
biết đến trong các ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong hay những buổi tiễn đưa tử
sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng, mang một huyền thoại về câu chuyện bi
thảm trong cuộc chiến Bắc Nam, chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Đây là một
khúc nhạc ngắn không lời, những nốt nhạc kéo dài, tha thiết như lời ai
oán xót xa.
Chúng ta, những người đã mang ơn chiến sĩ VNCH trong mấy mươi năm xả
thân vì tổ quốc, ngày nay chúng ta là những người lưu lạc, xa đất nước,
quê hương. Nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong của nước Mỹ, chúng ta không khỏi
ngậm ngùi thương tiếc và mang ơn những người lính miền Nam, đã nhiều
năm cho chúng ta sự an bình của hậu phương, những người ở lại tuyến đầu
ngăn giặc cho chúng ta ra đi, những người chết đi cho chúng ta được sống
còn.
Và khúc kèn nào của chúng ta hôm nay, những hồn lưu lạc, được thổi lên để tưởng nhớ đến anh em, đồng đội đây?
Huy Phương
No comments:
Post a Comment