Thursday, October 20, 2016

Tình Nhỏ

TÌNH NHỎ ĐÂU DỂ QUÊN
ĐỖ HỮU PHƯƠNG.

Ai cũng có một thời để thương để nhớ dù mật ngọt dù đắng cay. Cái thời ấy đã qua dù rất xa nhưng vẫn ghi dấu đậm nét trong lòng, nó khiến người ta mỗi khi nghĩ đến, nhớ đến là cảm thấy bùi ngùi bâng khuâng khôn tả dù rằng trong cuộc sống hiện tại bộn bề công việc, quay quắt bao nỗi buồn vui thành công thất bại… Cái thời đã qua của Nam nay đã quá xa xăm nhưng Nam vẫn thấy còn rất xanh, rất ngọt mỗi lần khi nhớ đến.
Ngày ấy Nam ở nhà người cô để đi học tại một trường trung học trong quận xa xôi, nơi một vùng quê rất trù phú cây lành trái ngọt xum xuê, dòng sông xanh trong mát, người dân hiền hoà chất phác quanh năm vui thú ruộng đồng. Tất cả hoà thành một bức tranh đầy màu sắc vừa sinh động vừa thơ mộng như muốn giữ chân người khi đến. Gia đình Nam sống ở tỉnh lỵ nhưng cha mẹ Nam muốn Nam ở gần người cô cho cô bớt hiu quạnh vì nhà cô không có ai, rất vắng vẻ. Cô rất thương yêu Nam và chăm sóc Nam như con ruột. Nhà cô Nam cách trường hơn nửa cây số, tất cả học sinh thời ấy thường đi bộ đến trường chỉ một số ít đi xe đạp mà thôi. Năm ấy Nam học lớp Đệ Ngũ. Thời đó những nam sinh nữ sinh Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ trông lớn lắm; không biết có phải vì dòng sông nước ngọt, ruộng lúa phì nhiêu thơm ngon, thêm ngọn gió mát trong lành thổi qua đã là môi trường tốt nuôi dưỡng lứa tuồi nam nữ của Nam chóng phát triển. Những cô nữ sinh với chiếc áo dài trắng, nam sinh áo trắng quần xanh sáng sáng trưa trưa đi về đã tạo nên một màu mát rượi dù nắng chói chang. Hai bên đường là ruộng lúa, lúc mạ còn non rập rờn một màu xanh mát, lúc lúa trổ đòng đòng đến thời ngậm sữa no tròn rì rào lả lơi cùng gió nghe êm êm như một bản tình ca. Quê hương đã ấp ủ nuôi nấng tâm hồn Nam thế đó. 
   Trên đường mỗi ngày đi học, Nam thả hồn theo tiếng gió vi vu tiếng chim ríu rít trên cành, Nam còn nghe lòng xôn xao với bước chân của các bạn nữ sinh cùng xóm và đặc biệt trong số đó Nam chú ý nhiều đến Thuý, cô bạn học sau Nam một lớp mà Nam chưa có dịp làm quen. Nhà của cô Nam cách nhà Thuý chừng vài trăm mét, mỗi lần Thuý đi học đều đi ngang qua trước nhà Nam. Có lúc Nam vừa bước ra khỏi nhà thì đúng lúc Thuý vừa đi đến. Bộ áo dài trắng và nụ cười thơ ngây trên gương mặt dịu dàng của cô gái mới lớn trông Thuý rất xinh và dễ thương, gây cho lòng Nam bao xao xuyến. Và ngày lại qua ngày, cứ mỗi lần Nam vừa ra cửa là gặp Thuý vừa đi tới. Nếu nói tình cờ là không đúng mà là Nam cố tình chờ Thuý đi qua… Chờ thì chờ, gặp nhau thì gặp chưa ai nói được điều gì ngoại trừ Nam được Thuý trao cho nụ cười e thẹn và trong lòng ngực Nam đánh liên hồi không biết Thuý có nghe không? Một hôm, vừa gặp Thuý Nam đánh bạo làm quen:
- Đi chậm thôi, không trễ giờ đâu.
Thuý nguýt Nam một cái - chắc là nguýt yêu - mà không nói gì nhưng bước chân như chậm lại. Lúc đó Nam lại chẳng nói thêm được lời nào. Tối về nhà Nam thấy giận mình quá. Sao mình không tìm câu nào nữa để bắt chuyện với Thuý? Tức ơi là tức.
Một năm học đã trôi qua. Sau ba tháng hè ở thành phố với gia đình Nam trở lại trường. Mùa tựu trường năm 1963, Nam lên Đệ Tứ và Thuý lên Đệ Ngũ. Năm học này là năm học khá bận rộn của Nam vì cuối năm sẽ thi bằng Trung Học đệ nhất cấp, Nam phải học thật nhiều và nhất định là phải đậu, Nam tin như thế. Ngày đầu của mùa tựu trường, người đầu tiên mà Nam tìm kiếm và muốn gặp là Thuý. Cũng như năm qua, mỗi buổi đi học Nam đứng trước cửa nhà chờ Thuý đi qua, Nam vừa gặp Thuý lần này Nam mạnh dạn hỏi:
- Thuý nghỉ hè có vui không? Thuý khoẻ không?
Thuý có vẻ vui cười duyên dáng - vẫn nụ cười bao lần Nam mang vào giấc ngủ - Thuý khẽ gật đầu không trả lời, chân bước chậm hơn…
Chỉ sau ba tháng hè Thuý đã thay đổi nhiều, cao lớn hẳn và xinh hơn với nụ cười lấp lánh bên chiếc răng khểnh. Ôi! Em đẹp làm chi, duyên làm chi cho lòng tôi ngây ngất: Tôi chưa hề hớp một chút rượu nào sao tôi lại thấy say say…
Nam tìm cách chuyện trò với Thuý nhiều hơn. Những ngày đi học Nam cố gắng để được đi bộ cùng với Thuý trên đoạn đường, nhưng Thuý luôn luôn né tránh một phần vì e thẹn một phần vì sợ gia đình và bạn bè thấy. Một hôm trên đường đi học Thuý nói với Nam có mấy bài toán đại số đầu năm thầy cho khó quá. Trúng ngay tâm ý, Nam mau mắn nói để Nam chỉ cho. Quả thật Thuý tìm đúng "thầy" rồi. Nam rất giỏi toán, ở lớp thầy thường khen Nam thông minh lanh lẹ, bạn bè cũng "bái phục" những cách giải toán của Nam. Nhân cơ hội này hôm sau Nam trao cho Thuý một quyển đại số để học, Thuý cười duyên cầm lấy lí nhí cám ơn. Và cũng bắt đầu từ đó, mỗi khi có bài toán khó là Thuý tìm đến Nam nhờ chỉ giúp. Thỉnh thoảng có vài quyển tiểu thuyết nhỏ, tập thơ hay, Nam thường trao cho Thuý đọc. Tình bạn cứ thế ngày thêm khắng khít. Chiều chiều Nam thường hay đi qua chợ mua vài viên kẹo đi ngang nhà Thuý cố tìm gặp Thuý để tặng, hình như Thuý biết rõ giờ đi lại của Nam nên Thuý hay nhìn ra cửa sổ trông thấy Nam là Thuý đi nhanh ra ngoài sân nhận kẹo. Một viên kẹo chẳng đáng là bao nhưng chút quà dễ thương nối kết tình cảm của hai đứa học trò nhà quê. Có hôm, Nam trao cho Thuý quyển sách và nói:
- Nhớ xem bên trong Nam có viết gì cho Thuý đó.
Thuý cười và gật đầu. Ngay ngày hôm sau gặp Nam Thuý trách:
- Viết gì ít quá vậy?. Người gì hà tiện chữ.
Nói xong Thuý giận bỏ đi… Đúng thật, Nam chỉ biết vỏn vẹn có ba từ:
"Thuý khoẻ không?"
Sau đó, Nam biên thư cho Thuý và giao kết là nếu Thuý viết một từ thì Nam viết hai từ, nếu Thuý viết một trang, Nam sẽ viết hai trang: Và cũng từ đó Nam và Thuý trao đổi tâm tình trên trang giấy học trò kèm vào quyển sách trao nhau. Thật ra đây không phải là những bức thư tình của những đôi trai gái yêu nhau mà là những mẩu chuyện hay , những câu nói hồn nhiên của tuổi học trò ngây thơ trong trắng. Và cứ thế một trang rồi hai trang ba trang giấy dầy theo tình bạn. 
Nhà của Thuý cũng như nơi Nam ở gần bờ sông Đồng Nai. Cái thú nhất của Nam sau khi đi học về là chạy thẳng xuống sông bơi lội. Thời ấy Nam bơi rất giỏi, Nam bơi từ bờ sông bên này qua bờ sông bên kia rồi bơi trở về là chuyện bình thường. Một hôm như thường lệ Nam đi bơi tình cờ gặp Thuý đang giặt áo quần, Nam vừa bơi vừa chuyện trò với Thuý thật thích thú. Và từ đấy hàng tuần vào trưa thứ tư Nam và Thuý hẹn ra bờ sông trò chuyện. Một hôm hai người đang tắm dưới sông, đùa giỡn tát nước vào mặt nhau thì tình cờ ba Thuý đến, ông quát lớn:
- Thuý!!! Lên bờ… Về nhà ngay.
Thuý sợ quá lật đật đi về, Nam cũng sợ không ít và lo cho Thuý nhiều hơn… Ngày hôm sau đi học, Thuý nói với Nam là mình bị một trận đòn và bị ba cấm không được tắm sông nữa và cấm luôn việc giao tiếp với các bạn trai. Kể từ đó Nam và Thuý đã mất hết những cơ hội để gặp nhau, để được trao nhau viên kẹo, để được cùng nhau đắm mình dòng nước trong xanh mát rượi, hai người chỉ còn mỗi cơ hội duy nhất là trao đổi thư từ cho nhau qua quyển sách mà thôi.
Tết năm ấy nhà trường tồ chức cho học sinh đi du ngoạn Vũng Tàu trong đó có lớp của Nam và Thuý. Đây là dịp tốt cho hai bạn tự do chuyện trò gặp gỡ. Cho đến bây giờ Nam còn nhớ rõ mặt biển Vũng Tàu nước xanh trong vắt, sóng vỗ rì rào từng đợt…từng đợt… nối đuôi vào bờ, gió thổi mơn man như vỗ về tâm sự. Nam và Thuý đi dọc theo bãi biển dưới hàng dương xanh mát, tóc Thuý bay bay thơm mùi con gái, hai bạn nói chuyện học hành, chuyện cuối năm Nam trở về thành phố, chuyện vu vơ… Chỉ bao nhiêu đó thôi nhưng nói mãi nói hoài không hết. Thuý chợt hỏi Nam:
- Nam về thành phố rồi xa bạn xa bè ở đây. Về trên đó Nam nhớ ai nhiều nhất?
Nam cười cười úp mở:
- Thuý còn hỏi. Người đó bí mật mà. Không nói.
Thuý chợt đỏ bừng hai má, đôi mắt long lanh.
Sau chuyến đi chơi về bạn bè bắt đầu trêu chọc Thuý và Nam. Nghỉ tết vào Nam bắt đầu tập trung cho việc học nhiều hơn vì chỉ còn non vài tháng nữa là Nam thi rồi. Nam luôn tự tin ở chính mình và quyết không phụ lòng thầy cô, cha mẹ. Dạo này Nam và Thuý ít khi gặp nhau, sau một buổi học ở trường, chiều đến Nam tìm nơi vắng vẻ trong khuông viên chùa để ôn bài thi. Nơi đây thật lý tưởng. Ở một góc sân cây bồ đề rợp bóng mát cành lá xum xuê, trước sân chùa hoa kiểng bốn mùa xanh mát đủ màu thoang thoảng hương thơm, tiếng chuông chùa ngân nga như ru lòng người. Nam ngồi dưới gốc cây ôn bài thoải mái. Nhiều lúc học xong Nam lang thang quanh chùa ngắm cảnh, không khí trầm lắng yên tỉnh ở đây khiến Nam thấy lòng thanh thản. Một hôm đang chậm bước phía sau chùa tình cờ Nam thấy bóng dáng người con gái giống Thuý quá, cố nhìn kỹ đúng là Thuý rồi. Thì ra ở phía sau chùa là nhà Thuý, Nam vẫy tay chào, Thuý biết ngay là Nam. Sau đó, những lúc không có ba Thuý ở nhà Thuý thường đạp xe vào gặp Nam. Chỉ vài phút ngắn ngủi với vài câu thăm hỏi Thuý trở về nhà ngay.
Thời gian trôi qua thật nhanh mới đó mà chỉ còn hai tuần nữa là đến hè rồi, Nam biên thư mời Thuý đến nhà cô Nam gặp nhau trước khi Nam từ giã trường về thành phố. Thuý đến nhà Nam, hai người ngồi đối diện nhau ở bàn học Nam và nói với nhau nhiều lắm. Vẫn chuyện học hành, chuyện tương lai, nhưng lời yêu thương chưa ai dám ngỏ. Cuối cùng rồi cũng phải chia tay. Nhìn ánh mắt buồn buồn của Thuý, Nam nghe lòng rung động, Nam mạnh dạn nắm tay Thuý và hôn lên trán Thuý trước khi tiễn Thuý ra cổng… Sau buổi gặp gỡ đó, hai người không hẹn ngày gặp lại. Nam về thành phố chuẩn bị kỳ thi. Kết quả của kỳ thi Nam đã đỗ hạng Bình Thứ và được tuyển vào học lớp Đệ Tam, ban B trường Trung học Ngô Quyền. Suốt năm học Đệ Tam, Nam có viết ba lá thư nhờ người bạn gái của Thuý trao cho Thuý nhưng Nam không thấy Thuý trả lời. Nam thầm nghĩ chắc tình bạn thời thơ ấu đã chấm dứt hay xa mặt cách lòng? Trách ai? Riêng Nam thì Thuý ơi!!! "Tình nhỏ đâu dễ quên".
Gần hai năm sau đó, vào buổi tối Thuý đến nhà Nam tại thành phố, Nam nhìn ra thấy Thuý đứng ngoài với chiếc xe đạp, Thuý nở nụ cười thật tươi và nói:
- Nam ơi! Mau ra ngoài chơi với em một chút.
Nam mừng quá vội đáp:
- Sao hôm nay em đến đây? Anh vui lắm… Anh ra ngay đây.
Lần dầu tiên tự nhiên Nam và Thuý xưng là anh em, Nam đưa Thuý bằng xe đạp của Thuý đến Cầu Mát Biên Hoà. Hai người ngồi trên ghế đá trước bờ sông tâm sự. 
Sau một hồi chuyện trò về trường xưa lớp cũ, chuyện sức khoẻ học hành, Thuý mới trách Nam không biên thư cho Thuý để Thuý mãi mong chờ. Giờ thì mới vỡ lẽ thư Nam không đến được tay Thuý. Nam đùa:
- Chắc thư của Nam được đem bán rẻ rồi.
Trong lúc chuyện trò, Nam thấy Thuý vui nhưng không tự nhiên, có một nỗi buồn nào đó mà Thuý chưa nói được. Nam hỏi mãi Thuý mới nói là ba má Thuý đã chấp nhận lời cầu hôn của vị sĩ quan hiện đang đóng đồn trú tại đó.
Thuý rất buồn, Thuý không bằng lòng. Nam thoáng thấy những giọt nước mắt sắp trào ra trong mắt Thuý. Nam lặng thinh không biết nói gì, hai tay Thuý đập mạnh vào vai Nam:
- Sao anh không nói gì vậy?.
Nam lại yên lặng một lúc lâu mới nói:
- Hiện tại anh chưa có gì cả, chưa làm được điều gì cả. Anh và em không làm gì khác hơn là vâng lời ba má.
Thuý ôm chầm lấy Nam và gục đầu vào ngực Nam khóc nức nở. Nam và Thuý đã thực sự chia tay từ đó.
Nam thấy mình đã đánh mất một thứ gì quí giá nhất và nghe lòng buồn khôn tả nhưng thời gian không cho phép Nam rảnh để buồn vì kỳ thi Tú Tài I đã gần kề. Bao nhiêu tâm lực Nam học là học và kết quả là Nam đã đỗ xong Tú Tài I rồi năm sau Tú Tài II và lên đại học. Thời gian này Nam không có tin tức gì về Thuý cả. Nam cố quên và không muốn nhớ bởi vì Nam nghĩ mỗi người đã có một lối đi rồi. Nam muốn Thuý quên đi những ngày cũ để sống trọn vẹn với hạnh phúc mà Thuý đang có.
Ban năm sau, chiều chủ nhật, sau khi về thăm gia đình Nam trở lên Sài Gòn tình cờ Nam gặp lại chị em Thuý đang đi trước rạp Biên Hùng. Sau những lời thăm hỏi, Nam xin từ biệt. Thuý chưa muốn chia tay, Thuý mời Nam vào quán nước gần đó ngồi nói chuyện. Thuý cho biết là Thuý vừa sinh xong được bé trai 6 tháng, chồng Thuý đã chuyển về vùng cao nguyên nên Thuý đã theo chồng về đó sống mấy năm rồi. Thuý tâm sự tiếp:
-          Pleiku buồn lắm! chung quanh toàn là núi rừng. Buổi sáng bầu trời luôn luôn được sương mù bao phủ, buổi chiều thì mưa dầm dề làm em nhớ nhà, nhớ lại thời đi học, nhớ đến anh…
Nam không muốn thấy Thuý buồn nên pha trò:
Thúy có biết nhà thơ Vũ Hữu Định viết gì không?
…Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buồi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong….
Nam nhìn mãi Thuý vẫn đẹp, vẫn dễ thương nói:
- Em không khác xưa, chắc em hạnh phúc lắm.
Thuý nhìn Nam nói :
- Anh có vẻ gầy đi nhưng rắn rỏi hơn xưa nhiều!
Nam đáp lại:
- Ừ! Tại anh bận học quá không còn thời giờ làm gì cả.
Thuý lại cười buồn:
- Cả đến việc nhớ đến những kỹ niệm ngày đi học?
- Nam cười…
Hơn nửa giờ sau hai người chia tay. Trước khi đi Thuý đưa cho Nam địa chỉ và muốn Nam thỉnh thoảng biên thư thăm Thuý. Nhìn bóng Nam lẫn khuất trong khách đi đường, Thuý buồn bã thì thầm: "Làm sao em quên được". 
Hai năm sau, Nam tốt nghiệp đại học và làm việc tại Sài Gòn, Nam vẫn còn giữ địa chỉ của Thuý nhưng Nam không muốn liên lạc vì Nam nghĩ cả Nam lẫn Thuý cần quên nhau đi để tâm hồn thư thái trong cuộc sống hiện tại.
Năm sau, tờ báo xuân của sinh viên Sài Gòn vừa phát hành nhân dịp Tết trong đó có bài viết của Nam. Nam quyết định gửi cho Thuý kèm theo lá thư thăm hỏi. Vài tháng sau Thuý và em gái đến tìm Nam trong buổi chiều thứ bảy, Nam cùng chị em Thuý dạo phố Lê Lợi, ăn uống và xem Xi-nê tại rạp Rex. Trong bóng tối của rạp Xi-nê Nam cầm tay Thuý, hai người tựa đầu vào nhau tâm sự và không biết trên màn ảnh đang chiếu gì… Sau đó, mỗi lần Thuý về thăm gia đình ba má Thuý đều lên Sài Gòn thăm Nam. Có lần Nam đưa Thuý vào viếng vườn Tao Đàn, trong khung cảnh tươi mát thơ mộng này, Thuý tâm sự:
- " Ở bên anh em cảm thấy được sung sướng vì em được đi bên cạnh người em yêu".
Ngừng một chút Thuý nói tiếp:
- "Em có một gia đình hạnh phúc, chồng em rất tốt, yêu em anh ấy làm tất cả vì em, cho em, nhưng em lấy chồng mà không có tình yêu. Em đã nói với anh, em chỉ yêu có một người. Nhiều lúc nghĩ lại em có lỗi với anh ấy lắm nhưng em biết làm sao đây?. Một nhà văn nào đó đã nói "Con tim có lý lẽ riêng của nó", đúng quá phải không anh?".
Và rồi tháng 4 năm 1975, dòng người đã đưa Nam đến đất Hoa Kỳ. Ở đây được vài năm sau khi ổn định cuộc sống, Nam lập gia đình và có con. Thuý vẫn ở lại quê nhà. Hai mươi năm sau, Thuý cùng gia đình sang Mỹ định cư. Thuý thăm hỏi bạn bè địa chỉ và số điện thoại của Nam. Thuý gọi đến Nam và thăm hỏi. Hai người nói chuyện:
- Chào em! Thuý khỏe chứ. Hai mươi năm qua ở quê nhà cuộc sống em ra sao?
- Em vẫn khoẻ, cuộc sống không có gì khó khăn lắm nhưng em phải đi làm nhiều hơn trong thời gian chồng em đi học tập.
- Em vẫn nhớ đến anh?
- Em không có thì giờ rảnh để nghĩ về anh nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn còn ấm áp trong trái tim em.
- Em có nghĩ là anh đã chết rồi không?
- Không!!! Chắc chắn là không. Em biết anh là người lanh lợi tháo vát nên luôn luôn tin rằng anh đang sống đâu đó trên quả địa cầu này.
- Cám ơn em! Em và gia đình vẫn khoẻ, có được cuộc sống yên vui hạnh phúc trên xứ này anh mừng lắm.
- Khi nào rảnh anh nhớ điện thoại cho em để em biết anh vẫn khoẻ và em vẫn còn nghe được giọng nói của anh. Cho em gửi lời thăm chị và các cháu.
- Cám ơn em nhiều lắm! Chúc em vạn sự an lành và thành công trong cuộc sống mới.
Gác điện thoại xuống bàn, Nam thì thầm: "Đã năm mươi năm rồi ngỡ quên đi nhưng vẫn nhớ.              Ôi!! Tình nhỏ đâu dễ quên".
Đỗ Hữu Phương.
Mùa xuân 2013.

Monday, October 17, 2016

Mùa Thu Rơi

MÙA THU…rơi 
            bienthithanhliem

            Khi những ngọn nắng dịu lại phía sau dãy đồi xa vùng tây bắc San Jose thì thành phố của hoa vàng nầy lại thấp thoáng chìm trong màu xám của trời thu lãng đãng.
Sang thu… có chút mưa ngập ngừng trên lá.  Có chút gió như hơi thở của thu… đủ se lạnh lòng người.
  Những đám mây thật thấp, ..rơi từ bầu trời cao “xanh nguyên chẳng động / Mặc tình mây trắng bay” Mây không trắng nhưng núi thì xanh trên bầu trời thẫm của thu. Mây vẫn bay đời mây… như mong sẽ khỏa lấp những khoảng đời nhiều buồn đau phiền trược.  Gió vẫn  theo đời gió… bay cuốn muôn phương những mong đổi thay thế sự . Chỉ có núi. Vẫn sống đời mình …Lặng lẽ giữa bao la.
Những chiếc lá vàng trên phần cây vẫn còn xanh tản mạn…Lại cũng có những chiếc lá maple màu nâu thẫm  năm cánh đong đưa trong sắc thu phong chớm lạnh.
  Thu có lá rơi. Mưa thu rơi ngắn, ngập ngừng. Lạnh, cũng bắt đầu… rơi. Vừa đủ cho trí nhớ chập chùng …rơi…Gợi lại những lãng quên trong quá khứ lâu xưa…những giấc mơ mùa thu. Ngắn, nhưng bồi hồi …sâu lắng.
 Những chiếc  lá rơi trong mùa thu. Tôi và Phượng. Có cùng giấc mơ, như nhau… về ngôi chùa cổ trên ngọn đồi xa thành phố. Cũng vào mùa thu, về chùa. Mùa Xuân thì bận, mùa hè thì chơi nhà cùng con cái, thu thì mọi chuyện đã ổn, sang đông thì sắp sửa mọi điều. Chỉ có thu là rơi trong nhàn nhã. Chị và tôi gặp nhau. Cái duyên mùa thu, với lá và sân chùa.
Về chùa thầy sai quét lá. Thầy ơi, lá đã quét sạch rồi. Thầy cho con quét lá để dạy bài học “quán tâm”, tưởng như sạch nhưng trong góc ngách vẫn còn đầy dẫy những mớ lá ẩn tàng khuất dấu. 
Tông môn tôi theo, tu theo lối “dĩ nông vi thiền”nên  cánh mấy huynh thì cho làm ruộng, nhổ cỏ lúa bên An Phú Đông để quán triệt tâm thân qua việc mình làm. Như cỏ, phải nhổ hoài cho mảnh đất tâm rộng sạch thênh thang. Như lúa, phải canh giữ sàng sẩy cho thành ra gạo trắng. Những điều vi tế thâm sâu và thô thiển phơi trần …phải thăm dò bản tâm như canh chừng tên giặc. “Vọng tâm” như tên giặc  “chân tâm” như ông chủ…Thầy cười “vọng” hay “chân” cũng ở tự nơi mình. “Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh/ Hà kỳ tự tánh bổn sanh vạn pháp”  Vậy thôi!
  Rồi qua Mỹ chị ở Waco hẻo lánh. Chị than… mình đã …rơi vào vùng biên địa xa chùa xa chúng nên lắm lúc cũng khó cho việc huân tu. 
       Chị sang thăm tôi …tình cờ cũng rơi trong thu lạnh. Nhằm mùa Kathina lễ trọng của truyền thống Ngưyên Thủy có tục “Dâng y” cho tỳ kheo mãn hạ.  Tôi đưa chị đến Tathagata thiền viện.  Mình hành, khi đã quyết tâm chớ nên để lòng phân biệt, khi thuận cảnh thì nên gieo duyên lành để tâm như đất dễ khởi sanh phước báu nhằm trưởng dưỡng thiện căn. “Nguyên Thủy” như cây cần có rễ, “Đại thừa” như cành lá xum xuê. Thân cây mà không hoa sắc thì thân sẽ héo hon. Cây không nguồn rễ  thì sức sống cũng tàn rụi theo hư không…   
 Tôi và chị, đã một thời là huynh đệ có chung giấc mơ về ngôi cổ tự với lời thầy khuyên dạy . Hãy quán mình là nước thì sá chi những đợt sóng lăn tăn khi gió rơi trên mặt nước? Gió động thì duyên sinh, tâm chẳng động thì gió như ngừng, sinh khởi lấy đâu làm chỗ tựa nương?  Bài học chỉ bấy nhiêu cho một đời hành đạo.
 Tôi và Phượng. Dạo ấy...Gặp nhau cứ mùa thu. Sau giờ ngọ hay trốn ra sau trai đường ngồi đọc Bát Nhã Tâm Kinh và nhìn lá rơi trên cây cổ thụ ….”khi Bồ Tát Quán Tự Tại hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách…”
 Những chiếc lá …cũng cùng một thân cây cành nhánh nhưng rơi rụng khác nhau như nghiệp lực chúng sinh đã... rơi  trong cõi đời kham nhẫn hôm nay.
Giờ mỗi đứa mỗi nơi nhưng tôi và chị vẫn nhớ bài thơ năm xưa vào Thu hay đoc nhau nghe khi về thăm ngôi chùa cổ
Phượng hoàng đậu nhánh cheo leo”
  Sa cơ thất thế phải theo đàn gà
  Chờ cho mưa thuận gió hòa
  Thay lông đổi cánh hóa ra phượng hoàng”
Giấc mơ về lá. Về cỏ. Về  đám hoa dại trước lối vào ngôi chùa cổ. Trong mơ, hồn như đi theo lối cỏ non và trong thu …nghe chừng có tiếng rơi của đám hoa dại trước cổng chùa….                .
                            Biện Thi Thanh Liêm

Wednesday, October 12, 2016

Một Cuộc Đổi Đời, Hồi Ký của Kale





                               MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN
Lời Nói Đầu
Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn.  Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó.  Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường!  Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy.  Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.
Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” - cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -.  Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam.  Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ.  Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy!  Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước.  Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ.  Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ.  Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.
Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau.  Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ. 
Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!
Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng.  Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được!  Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa.  Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.
Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản.  Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được.  Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.
Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn.  Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường.  Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta.  Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước. 
 Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh và
những người đã chết trong các trại Cải Tạo.

Gữi tất cả tình thương về mẹ!


Monday, October 10, 2016

Một Đời Người, Một Dòng Sông

Một Đời Người, Một Dòng Sông

Lời nói đầu của tác giả (KALE)

Tình hình đất nước Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một bi kịch đối với mọi người dân, kể cả những người được coi như là thắng trận.  Tất nhiên người dân ở miền Nam mới chính là những người đã phải hứng chịu nhiều nhất những hệ lụytrong cái vận nước nổi trôi này.
Nếu chỉ dùng cuộc đời của một con người để diển tả sự nổi trôi của vận mạng một đất nước thì quả là một điều không thể làm được!  Tuy nhiên ta có thể xem cuộc đời của một con người cũng giống như một dòng sông, khi lên thác lúc xuống ghềnh, có lúc bằng phẳng trôi êm đềm qua một cánh đồng đầy hoa thơm cỏ mát, cũng có khi phải len lỏi qua những vực cao nhỏ hẹp, khúc khuỷu.  Riêng với những người dân sống giữa hai chế độ trong cuộc biến động tháng tư đen năm 1975, trong cuộc đổi đời của đất nước, thì sự thăng trầm trong cuộc đời của con người trong hoàn cảnh ấy quả thật rất giống sự thay đổi của một dòng sông.
Cô gái trong truyện vô tình hay cố ý đã mang cái tên gắn liền với một bản nhạc khá nổi tiếng viết cho một dòng sông được nhiều người biết đến, con sông Danube!  Tôi đã nhiều lần thưởng thức bản nhạc ‘The Blue Danube’ của Johann Strauss Jr., đã say mê tiết tấu của nhạc điệu, đã cố gắng tập đàn cho được bản nhạc ấy dù không thể nào diển tả hết được những âm điệulúc êm đềm khi sôi nổi của nó, và bây giờ tôi lại quyết định viết một câu chuyện có ít nhiều liên quan bản nhạc ấy.  Tất nhiên những gì tôi viết không phải là về một bản nhạc đã quá nổi tiếng, ở đây tôi chỉ muốn viết về sự nổi trôi của cuộc đời của một cô gái mang tên Thanh Hà, dòng sông xanh, mà theo ý của riêng tôi thì tên của cô chính là tên của dòng sông mà chúng ta thường gọi là ‘The Blue Danube’.
Cuộc đời của cô cũng chính là phản ảnh của bao nhiêu người dân trong một đất nước có quá nhiều đau khổ.  Tất nhiên cô không phải là một hình ảnh biểu tượng cho cả một thế hệ, nhưng chính những nổi thăng trầm trong cuộc đời cô và những người chung quanh cô là phản ảnh một phần của những thảm cảnh đã thật sự xãy ra ở đất nước Việt Nam của tôi.
Từ một người con gái sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, cô đã bị lôi cuốn qua biết bao nhiêu thăng trầm cùng với mọi người chung quanh trong một hoàn cảnh tưởng như không thể nào có thể xảy ra được.  Cùng với những biến động của đất nước mà dường như có lúc nào đó cô đã đứng ngoài cuộc, cô đã bị lôi kéo vào đó giống như một con thuyền bị đẩy vào dòng nước xoáy, không thể nào cưỡng lại được số phận.  Sự nghiệt ngã của dòng đời xô đẩy cô vào một hoàn cảnh tưởng như tận cùng của định mệnh đến nỗi cô không còn nhận ra mình là ai, là con người với quá khứ và tương lai như thế nào, có còn hiện hữu trong cuộc đời này hay không?
Tình yêu, nếu có, đối với cô chỉ như một ảo ảnh.  Nó hiện ra như một ánh sáng loé lên rồi vụt tắt chỉ để lại trong cô một nỗi xót xa.  Tình cảm gia đình cũng chỉ là một cái gì mờ mịt, thoáng hiện rồi thoáng biến.  Cả cuộc đời cô không có gì là hiện hữu một cách thật sự cho dù chính cô là một con người rất được nuông chìu bởi gia đình ngay từ khi sinh ra đời.  Có lúc cô không còn nhận ra mình từ đâu đến, mình tên là gì, mang dòng máu của dân tộc nào?  Không biết đó có phải là nỗi bất hạnh hay chính nhờ vậy mà cô đã vượt qua được những hoàn cảnh tột cùng của sự khổ đau.
Để trả lời cho một vài bạn đã góp ý, tôi xin trình bày ở đây rằng tôi đã chọn tựa đề của quyển truyện dài này là “Một Đời Người, Một Dòng Sông” chứ không chọn là “Dòng Sông Cuộc Đời”, như nhiều người đề nghị cho ngắn gọn hơn, bởi tôi nghĩ rằng những gì tôi viết ở đây chỉ là viết cho cuộc đời của một con người cụ thể, của một cá nhân, chứ tôi không dám viết cho ‘con người’ một cách tổng quát.  Đây chỉ là cuộc đời của ‘một con người’ và người ấy lại mang một cái tên trùng hợp với tên của ‘một dòng sông’ mà thôi.  Bởi vậy nếu có trùng hợp với một giai đoạn nào đó của cuộc đời người nào đó thì cũng chỉ là sự ngẫu nhiên.
Những gì đã xãy ra ở nước Việt Nam đau khổ không phải chỉ cho một người, bởi thế những điều đã xãy ra cho nhân vật trong truyện có thể cũng đã xãy ra cho nhiều người khác, vì vậy sự trùng hợp chỉ là chuyện dĩ nhiên.  Cũng như những dòng sông, dù ở Âu, Á, Mỹ hay Phi thì tất nhiên cũng chỉ là những dòng sông, do đó dù đó là sông Danube, sông Cữu Long, sông Mississippi hay sông Nile thì chúng cũng có những dòng chảy lúc êm đềm, khi dữ dội; đều có những nét tương tợ nhau.
Tôi cũng đã viết một bản mà tôi coi như là đề cương của tập truyện dài mà tôi sắp khai triển ra đây bởi vì lúc ấy tôi chưa có thời gian, còn bây giờ tôi đã trả xong món nợ của Uncle Sam nên có thể dành thời giờ nhiều hơn cho tập truyện này.  Và cũng xin các cảm ơn các bạn đã đọc qua và đã góp ý đối với quyển truyện mà tôi đã viết chưa trọn vẹn ấy.
Princess City, Indiana
Mùa Thu năm 2012


Truyện Thật Ngắn

Truyện thật... ngắn.

Phải chi...

Cô Út khi còn trẻ được coi như người có diện mạo dễ nhìn. Bao nhiêu trai tráng trong làng đều thập thò tán tỉnh mà ông Trời thì thật lắm oái oăm. Hễ cô phải lòng người nào thì cha mẹ cô không thuận ý người đó … Mà mối lái có tới lui dạm hỏi thì cô lại không thuận tình… mặt ủ mày châu làm nũng bỏ ăn quên ngủ. Con gái thì như hoa nở một thời …đò đưa cũng chỉ lại qua mấy chuyến… Thoắt cái đã tới ngọ quá trưa.
Anh chị em cô đã lượt lần yên nơi yên chỗ và bạn bè cô cũng tay bế tay bồng…ngoảnh tới trông lui chỉ có mình cô trưa chiều một bóng. Có mấy tay đặng của, vợ không may vắn số có ý mời cô về kế tục sớm hôm…vậy mà cũng không cải số được bởi ông …Trời. Tuổi coi ra không xung khắc đàng nầy thì cũng rơi vào mạng cung “bát san tuyệt mạng” làm sao mà cô dám…liều? Thôi thì cam đành đò ngang …lỡ chuyến.
Hể có ai lân la hỏi chuyện chồng con thì mặt cô buồn rượi… mắt ngó xa xôi …mà thốt rằng…
”Phải chi!”….

Lỗi thời gian  

Khi anh đi tù cải tạo, chị mới khoảng tuồi 30 mươi. Hai con một nách oằn vai gồng gánh tảo tần khuya sớm thăm chồng … mà trông chị vẫn đẹp mặn mòi. Trong giới bán buôn giao hảo cũng dăm ba tay theo chị trưa chiều…mà chị cứ giả ngơ không biết. Nhưng mà, ba năm… rồi …năm năm đăng đẳng …Cái ngày về ...không ai biết được bao lâu? Chị đuối sức. Chị hụt hơi. Vẫn còn người kiên trì bên chị.
Cuối cùng, chị dẫn con cùng người ấy ra đi và bỏ anh ở lại. Rồi anh về. Anh vượt biên tìm chị và con.

Trời đất khiến xui …hai ngưòi cùng ngụ chung một thành phố. Vợ mình bây giờ đã là vợ người ta, con mình cũng là con người khác….Anh sống cô đơn không ai biết, mà ngẫm một mình …có chết cũng chẳng ai hay. Anh thất chí bỏ đi chốn khác. Biệt tăm. Chị thì cứ một đời ngẩn ngơ tấc dạ.
Anh ơi, em vẫn yêu anh. …
"Lỗi chỉ …ở ..tại thời gian! "

Gái thuyền quyên

Bà là hoa khôi trưòng tỉnh còn ông là sĩ quan tác chiến. Ngoài tài đánh giặc giỏi ông còn là tay chơi đàn khá và hát hay nên không mấy khó khăn ông đã chiếm được trọn trái tim của bà.
Trai tài gái sắc gặp nhau tưởng không có gì hạnh phúc hơn, trong lòng bà chỉ cầu mong cho gia đình đầm ấm mãi vầy…xin đừng có kẻ thứ ba nào đó …lạc vào khuấy động.
Khi được 2 mặt con thì bà bỗng khám phá ra…bà chỉ là kẻ đến sau, vì ông đã có vợ trước từ lâu nơi quê nhà mà bà không hề hay biết. Bà đau khổ tột cùng và âm thầm nhờ người thân về tận nơi dò hỏi. Bà còn biết thêm hiện người vợ cả đang cung dưỡng ba chồng và nuôi ba đứa con thơ trong cảnh đơn chiếc hẩm hiu.
Sau một thời gian dài lặng lẽ tính toan…bà quyết lòng dứt áo ra đi. Ông cầm quân chiến đấu với giặc bên ngoài cùng anh em đồng đội nhưng còn bà ? trận địa đang cuốn xoáy trong lòng chỉ có một mình bà biết bà hay. Khi đã sắp xếp xong xuôi bà chờ dịp ông nói với bà đi công tác bà liền dẩn con đi biệt. Khi ông về biết bao phen kiếm tìm …nhưng cánh nhạn vẫn bặt tăm.
Ông quay lại quê xưa thì …con thơ vợ cũ …ngày nay cũng lạ lẫm với ông rồi. Ngay cả cha ông cũng ngoảnh mặt làm ngơ.. cho ông là người phụ nghĩa bạc tình. Ông trở thành như khách trong nhà nói cười một bóng.

…Khi con hiểu chuyện đời, bà hay thường tâm sự. Những gì mình yêu kẻ khác cũng yêu, khi lìa ba con…thì mẹ như người sống không trọn mà chết cũng không yên. Mẹ đã hiểu được nỗi đau cùng cực nơi người cô phụ khi đã bị lấy cắp đi lẽ sống của đời mình. Bây giờ với khoảng đời còn lại mẹ có thể an tâm mà nhắm mắt được rồi..
Người quen biết chuyện bảo nhau, ngẫm cho cùng…thì trai tuy anh hùng nhưng không sánh được với gái thuyền quyên.

Ngôi sao xấu   

Chị lấy anh được vài năm…khi hương chưa nồng lửa chưa kịp bén thì anh bị đẩy vào trại tập trung. Chị như bao người đàn bà thuở ấy …một dạ sắt son vẫn chăm chút nuôi con và lặn lội tay xách tay mang…dăm ba tháng lên trại thăm chồng.
Lác đác… có người về. Họ đến thăm chị và kể chuyện chị nghe là anh ấy có…tình nhân trong tù. Chị cười, anh xưa giờ vẫn thế nhưng anh vẫn yêu chị…vả chăng nơi chốn tù đày hiu quạnh có người ủi an chia xẻ …cũng là điều hay!
Chị tin chồng, chị tin chị. Chị tin vào chính tình yêu nồng nàn trong sáng của mình sẽ là hơi ấm cho khoảng dài xa cách. Chị biết tính anh hào phóng, phần quà mỗi kỳ chị viếng thăm chẳng đủ vừa tay để anh biếu tới bạn bè. Chị cắt xén phần mình cho anh đầy đủ, chị kiếm thêm việc làm để nới rộng phụ thu. Chị gởi con… khi thì bên chị lúc ở bên chồng để rảnh tay chạy việc. Đứa con thiếu cha vắng mẹ như cây khô còm cõi giữa đồng. ..chị thương con mà chị cũng thương chồng, chị xoay trở phương nầy chị chạy thêm việc khác. Người chị theo năm tháng đợi chờ cứ mòn hao tựa thân cây héo hon…xơ xác.
Anh về, hẹn cùng người tình trong trại tìm cách vượt biên để tìm vui hạnh phúc mới. Chi lại một mình quạnh quẽ nuôi con. Đứa con giờ đã lớn…nỗi buồn cũng lớn theo năm dài hận tủi người cha. Những lần về thăm xứ sở, cha con ngồi bên nhau lặng lẽ, hàng giờ. Đứa con vẫn câm lặng nỗi hờn người cha bội bạc…khóa chặt cái quá khứ lớn khôn chỉ với bóng dáng thui thủi của mẹ ngược xuôi tần tảo…
Bạn bè thân quen đều cảm thương chị, .. Nước đời! ai cũng lo… chỉ có người ở ngoài tù không chịu nổi cảnh cô đơn mới đành lỗi hẹn với người xưa. Đàng nầy…kẻ trong tù lại ngược đời cam tâm bội bạc.
Chị cười buồn, thư thả. Anh xưa giờ vẫn thế. Tại chị phước mỏng phận côi…Mà cũng có thể…chị sinh ra đời…dưới một ngôi sao xấu…!.

Bến đợi

Ba, tính nghệ sĩ thích đàn đúm bạn bè . Má, thực tế hiền lành chơn chất. Ba cứ như chuyến tàu, bươn tới ở những trạm dừng. Má như bến đợi…ngóng mãi những khách đến đi lên xuống. Con tàu già …vẫn cứ tiếc khoảng đường rầy quá khứ và bến đợi cứ lùi khuất ….xa xăm.
Má sống trơ trọi như dòng sông cạn nước. Cuộc đời làm vợ không có mấy ngày vui. Sau 75, Ba vào trại tập trung, các anh chị lớn đi nông trường, nhà cửa bị tịch biên, má và đám con nhỏ bị lùa về vùng kinh tế mới. Một tay má ngược xuôi tất bật.
Ba đi tù trở về, chán cảnh đời nhốn nháo đổi thay nên bỏ nhà đi ngao du sơn thủy! Rốt cùng, cũng chỉ có má. Chỉ có những bà mẹ của những đứa con…muôn đời mãi là bến đợi. Đợi những đứa con lưu lạc thăm nhà. Đợi người chồng chùn chân quay gót.
Cơ cực và móng ngong đã làm má lần hồi kiệt sức. Ngày má vào bệnh viện, không biết ba ở đâu mà nhắn ba về, bà con túa nhau đi kiếm. Khi ba về, chỉ cầm được tay má lạnh ngắt, nghẹn ngào. Bà ngoại nói má mày cứ “nuối” mà đợi ba về, má cứ tỉnh rồi mê mấy bận… Má đã bỏ bến đợi mà đi… khi ba chưa về kịp. Bây giờ ba vẫn còn đó, như cây cổ thụ già trơ gốc khô cành. Cuối cuộc đời cứ ngơ ngẩn buồn.
Mãi nhớ về cái bến đợi, hiền hòa, tội nghiệp…  
Biện Thị Thanh Liêm

Saturday, October 8, 2016

Mùa Thu Gợi Nhớ

    Mùa Thu Gợi Nhớ     
                                             
        Có mt Thu nào … gi nh thương!
     Lá vàng lã tã rng bên đường.
      Không sao quên được trong tim thc.
      Ngày y ra đi khi quê hương!
      Km kp bao năm T Do đến.
      Mng vui tin bit ti phi trường.
      Giã t Cng Sn bao năm sng…
      Tàn thu my đ … vn còn vương !!!
                                                                           Võ ngc Mai ,
                                                                  10/2016

Friday, October 7, 2016

Thơ Hàn Thiên Lương

Anh Phạm Văn Tốt, tức nhà thơ "Hàn Thiên Lương" gởi 2 bài thơ ngày 7/10/2016
Thi Gian Trôi 

Xuân tinh khôi, hoa sẽ tàn héo úa
Nắng hạ tàn, lá đổ cảnh thu sầu
Mùa đông sang bốn phương trời vẩn đục
Có mùa nào trụ lại cõi đời lâu?

Kiếp con người khó giữ đời trăm tuổi
Thuở nào vui ,xanh tóc má tươi hồng
Nụ cười trao , xuân thì tình thơ mộng
Tưởng thuyền trăng hạnh ngộ nước xuôi dòng!

Nhưng bến ngộ mịt mù trong cõi biệt
Mãi chờ trông mái tóc đã phai màu
Nhớ mùa xưa trọn cõi lòng luyến tiếc
Trách thời gian để lại những cơn sầu!

Rồi ngày tháng theo nhau làm quá khứ
Nay giữa đời lo sợ giấc thiên thu
Mắt vương lệ tiễn người về miên viễn
Những chiều buồn sương khói tỏa âm u!

Vừa bình minh chập chờn hoàng hôn tím
Vẳng nhạc buồn như tiếng khóc đổ quyên
Cõi con người cõi bèo mây tan họp
Thời gian trôi theo chuỗi nhớ triền miên!

Giây phút nào gần nhau xin trân qúy
Gắng giữ gìn, chớ thốt tiếng bạc khinh
Rồi một mai kẻ đi người ở lại
Hối trọn đời: lầm lỡ giữa ba sinh!
Hàn Thiên Lương