Monday, October 10, 2016

Một Đời Người, Một Dòng Sông

Một Đời Người, Một Dòng Sông

Lời nói đầu của tác giả (KALE)

Tình hình đất nước Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một bi kịch đối với mọi người dân, kể cả những người được coi như là thắng trận.  Tất nhiên người dân ở miền Nam mới chính là những người đã phải hứng chịu nhiều nhất những hệ lụytrong cái vận nước nổi trôi này.
Nếu chỉ dùng cuộc đời của một con người để diển tả sự nổi trôi của vận mạng một đất nước thì quả là một điều không thể làm được!  Tuy nhiên ta có thể xem cuộc đời của một con người cũng giống như một dòng sông, khi lên thác lúc xuống ghềnh, có lúc bằng phẳng trôi êm đềm qua một cánh đồng đầy hoa thơm cỏ mát, cũng có khi phải len lỏi qua những vực cao nhỏ hẹp, khúc khuỷu.  Riêng với những người dân sống giữa hai chế độ trong cuộc biến động tháng tư đen năm 1975, trong cuộc đổi đời của đất nước, thì sự thăng trầm trong cuộc đời của con người trong hoàn cảnh ấy quả thật rất giống sự thay đổi của một dòng sông.
Cô gái trong truyện vô tình hay cố ý đã mang cái tên gắn liền với một bản nhạc khá nổi tiếng viết cho một dòng sông được nhiều người biết đến, con sông Danube!  Tôi đã nhiều lần thưởng thức bản nhạc ‘The Blue Danube’ của Johann Strauss Jr., đã say mê tiết tấu của nhạc điệu, đã cố gắng tập đàn cho được bản nhạc ấy dù không thể nào diển tả hết được những âm điệulúc êm đềm khi sôi nổi của nó, và bây giờ tôi lại quyết định viết một câu chuyện có ít nhiều liên quan bản nhạc ấy.  Tất nhiên những gì tôi viết không phải là về một bản nhạc đã quá nổi tiếng, ở đây tôi chỉ muốn viết về sự nổi trôi của cuộc đời của một cô gái mang tên Thanh Hà, dòng sông xanh, mà theo ý của riêng tôi thì tên của cô chính là tên của dòng sông mà chúng ta thường gọi là ‘The Blue Danube’.
Cuộc đời của cô cũng chính là phản ảnh của bao nhiêu người dân trong một đất nước có quá nhiều đau khổ.  Tất nhiên cô không phải là một hình ảnh biểu tượng cho cả một thế hệ, nhưng chính những nổi thăng trầm trong cuộc đời cô và những người chung quanh cô là phản ảnh một phần của những thảm cảnh đã thật sự xãy ra ở đất nước Việt Nam của tôi.
Từ một người con gái sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, cô đã bị lôi cuốn qua biết bao nhiêu thăng trầm cùng với mọi người chung quanh trong một hoàn cảnh tưởng như không thể nào có thể xảy ra được.  Cùng với những biến động của đất nước mà dường như có lúc nào đó cô đã đứng ngoài cuộc, cô đã bị lôi kéo vào đó giống như một con thuyền bị đẩy vào dòng nước xoáy, không thể nào cưỡng lại được số phận.  Sự nghiệt ngã của dòng đời xô đẩy cô vào một hoàn cảnh tưởng như tận cùng của định mệnh đến nỗi cô không còn nhận ra mình là ai, là con người với quá khứ và tương lai như thế nào, có còn hiện hữu trong cuộc đời này hay không?
Tình yêu, nếu có, đối với cô chỉ như một ảo ảnh.  Nó hiện ra như một ánh sáng loé lên rồi vụt tắt chỉ để lại trong cô một nỗi xót xa.  Tình cảm gia đình cũng chỉ là một cái gì mờ mịt, thoáng hiện rồi thoáng biến.  Cả cuộc đời cô không có gì là hiện hữu một cách thật sự cho dù chính cô là một con người rất được nuông chìu bởi gia đình ngay từ khi sinh ra đời.  Có lúc cô không còn nhận ra mình từ đâu đến, mình tên là gì, mang dòng máu của dân tộc nào?  Không biết đó có phải là nỗi bất hạnh hay chính nhờ vậy mà cô đã vượt qua được những hoàn cảnh tột cùng của sự khổ đau.
Để trả lời cho một vài bạn đã góp ý, tôi xin trình bày ở đây rằng tôi đã chọn tựa đề của quyển truyện dài này là “Một Đời Người, Một Dòng Sông” chứ không chọn là “Dòng Sông Cuộc Đời”, như nhiều người đề nghị cho ngắn gọn hơn, bởi tôi nghĩ rằng những gì tôi viết ở đây chỉ là viết cho cuộc đời của một con người cụ thể, của một cá nhân, chứ tôi không dám viết cho ‘con người’ một cách tổng quát.  Đây chỉ là cuộc đời của ‘một con người’ và người ấy lại mang một cái tên trùng hợp với tên của ‘một dòng sông’ mà thôi.  Bởi vậy nếu có trùng hợp với một giai đoạn nào đó của cuộc đời người nào đó thì cũng chỉ là sự ngẫu nhiên.
Những gì đã xãy ra ở nước Việt Nam đau khổ không phải chỉ cho một người, bởi thế những điều đã xãy ra cho nhân vật trong truyện có thể cũng đã xãy ra cho nhiều người khác, vì vậy sự trùng hợp chỉ là chuyện dĩ nhiên.  Cũng như những dòng sông, dù ở Âu, Á, Mỹ hay Phi thì tất nhiên cũng chỉ là những dòng sông, do đó dù đó là sông Danube, sông Cữu Long, sông Mississippi hay sông Nile thì chúng cũng có những dòng chảy lúc êm đềm, khi dữ dội; đều có những nét tương tợ nhau.
Tôi cũng đã viết một bản mà tôi coi như là đề cương của tập truyện dài mà tôi sắp khai triển ra đây bởi vì lúc ấy tôi chưa có thời gian, còn bây giờ tôi đã trả xong món nợ của Uncle Sam nên có thể dành thời giờ nhiều hơn cho tập truyện này.  Và cũng xin các cảm ơn các bạn đã đọc qua và đã góp ý đối với quyển truyện mà tôi đã viết chưa trọn vẹn ấy.
Princess City, Indiana
Mùa Thu năm 2012


No comments:

Post a Comment