Wednesday, April 19, 2017

Thư gởi con, một ngày tháng tư

Thư gởi con, một ngày tháng tư


Tháng Tư về với thung lũng hoa vàng bằng những cơn mưa phùn xen kẽ những ngày nắng rực rỡ. Nhìn những đồi hoa vàng trải dài trên những triền núi quanh nhà, trên những đoạn đường freeway mẹ chở con đi qua hàng ngày, con trai của mẹ vừa ngơ ngác vừa thích thú. Thành phố mình đang sống trời vào xuân đẹp và bình yên quá phải không con? Thành phố này, nơi con sinh ra đời, mảnh đất này nơi con được lớn lên sẽ mang cho con cuộc sống và tương lai tốt đẹp trong một xã hội tự do, dân chủ, văn minh. Nhưng khi lớn lên, mẹ sẽ nói cho con biết, dù thế nào đi nữa, nơi đây chẳng phải là quê hương mình con à. Quê hương mình là mảnh đất hình chữ S ở bên kìa bờ đại dương, nơi ba và mẹ đã được sinh ra và lớn lên, nơi mà chúng ta luôn tự hào khi nghĩ về và khi nói đến mình là người Việt Nam, quê hương mình là đất nước Việt Nam. Mẹ sẽ dạy con đánh vần và viết “quê hương Việt Nam” và “tôi là người Việt Nam” để con mãi nhớ về gốc gác, cội nguồn và quê hương mình con nhé.
Con được may mắn sinh ra và lớn lên ở đất nước tự do, dân chủ. Rồi một ngày khi lớn lên, mẹ sẽ kể con nghe về quê hương mình, mẹ sẽ cho con biết hai chữ “quê hương” trong lòng người tha phương như ba mẹ và một đứa “Mỹ con” như con là thiêng liêng thế nào. Rồi con sẽ hiểu vì sao con là người Việt Nam nhưng lại được sinh trưởng ở một đất nước xa lạ không phải quê hương mình. Mẹ sẽ nói con biết, dù được sinh trưởng ở Mỹ nhưng con vẫn là người Việt Nam, máu đỏ da vàng. Con may mắn hơn hàng vạn trẻ em Việt Nam trong nước vì con được là công dân của một đất nước tự do, con sẽ được giáo dục tốt, con luôn được chính phủ bảo vệ và tôn trọng nhân quyền. Không như trẻ em ở Việt Nam, từ nhỏ phải học sự dối trá lừa lọc. Lừa lọc trong từng câu nói, dối trá trong từng con chữ. Giáo dục đạo đức dường như là thứ chỉ thấp thoáng, mơ hồ. Cùng là người Việt Nam mang dòng máu đỏ da vàng, nhưng con may mắn hơn những đứa trẻ được sinh ra trong nước, vì khi ra đời mang kiếp người Việt Nam, con không phải là “con nợ”, con không phải mang món nợ công vài chục triệu mà chính phủ đã “ban tặng”, con sẽ không lớn lên cùng muôn vàn bất trắc và cả việc bị tước đoạt quyền con người.
Mẹ sẽ kể con nghe cuộc sống người tha phương nơi xứ người, thân phận người nhập cư nhiều đau buồn, lắm thương đau nhưng hàng triệu người Việt Nam chúng ta vẫn chấp nhận cuộc đời tha phương ấy chỉ vì hai chữ tự do con à.
Quê hương mình ở bên kia bờ đại đương đẹp lắm con à. Mảnh đất hình chữ S ấy đã từng là niềm tự hào của cả dân tộc vì có rừng vàng biển bạc, tôm cá tràn đầy, nhiều thú rừng quý hiếm. Nhưng giờ đây rừng đã tàn và biển đã chết, tôm cá chết hàng loạt, thú rừng chẳng còn đất sống. Những người lãnh đạo đất nước, những người mà họ tự cho mình cái quyền quyết định số mệnh của cả đất nước và dân tộc đã ngang nhiên tàn phá quê hương mình. Họ nói rằng đất nước mình thiên nhiên ưu đãi và có nhiều danh lam thắng cảnh. Họ sai rồi, thiên nhiên nào ưu đãi cho lũ ký sinh bội phản. Thắng cảnh quê hương mình từ Bắc vào Nam đẹp thật nhưng cứ hễ bàn chân con người tới, họ xuyên cọc vào thân thể mẹ thiên nhiên. Họ tàn hủy những thứ được cất dưỡng, thay vào đó là cột sắt, bê tông. Họ ăn uống tiệc tùng trong hang động, bắt cáp đi vào lòng đất. Họ ra sức tàn phá thiên nhiên chỉ vì tiền và những lợi thế trước mắt. Thiên nhiên nào ưu đãi được nữa con? Thiên nhiên nào còn có thể tồn tại ở mảnh đất quê hương chữ S cho những năm về sau nữa đây con?
Một ngày nào đó, khi con lớn lên, mẹ sẽ kể con nghe, con đừng tin lời họ.
Họ nói rằng, dân tộc ta tương thân tương ái. Nhưng rồi cũng vì cái tương thân tương ái đó mà con người lấy lòng thương để lừa lọc nhau, thậm chí là đem bán rẻ tình người. Lũ trẻ vùng núi bỏ học, bỏ việc làm, đứng chìa tay xin nhận lòng bố thí. Trẻ con rồi đến người già, vùi dập đời mình trong tay những người lãnh đạo mang tiếng yêu nước nhưng sẵn sàng ăn chặn từng lon gạo của người dân. Đàn bà phụ nữ phải đi nước ngoài làm vợ người ta như một món hàng, thậm chí phải đi nước ngoài bán dâm để kiếm sống. Thanh niên trai tráng thì đi xuất khẩu lao động, bán sức bán thân mình ở nước bạn để kiếm đồng tiền gởi về quê nhà. Họ nói rằng quê hương Việt Nam, đất nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân. Nhưng đã hơn bốn mươi năm rồi, người dân quê mình chẳng có được gì con à. Rồi mười năm nữa, hai mươi năm nữa, biết đâu những đứa trẻ trạc lứa tuổi như con ở đất nước Việt Nam lại phải cuối đầu làm nô lệ cho nước bạn láng giềng Trung Hoa, rồi dân tộc mình sẽ đi về đâu?
Và họ nói với con bao nhiêu điều không thật, để rồi lúc con bỡ ngỡ bước ra đời, khi con nhận thức được mình là người Việt Nam, mẹ sẽ kể cho con nghe sự thật về quê hương mình như thế nào, mẹ sẽ kể con nghe tại sao thế hệ ba mẹ và ông bà con đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, gian nan để sống cuộc sống tha phương nơi xứ người. Và chỉ mong đời con, dù mang kiếp làm người Việt Nam nhưng đừng mãi buồn như vậy.
Rồi sau này, cứ mỗi năm tháng Tư về, mẹ sẽ nói cho con biết tại sao người Việt Nam chúng ta lại cứ phải sống trong hoài niệm và những đau thương. Những câu chuyện dài của thế hệ ba mẹ và những ngày tháng lớn lên ở mảnh đất quê hương bên kia bờ đại dương mãi là một phần ký ức của cuộc đời mẹ. Dù có vui, có buồn, có lắm đau thương nhưng mẹ vẫn muốn một ngày nào đó, khi con lớn khôn, mẹ sẽ kể con nghe. Mek kể con nghe để con thêm yêu quê hương mình, để dù con không sinh ra và lớn lên ở nơi đó nhưng con luôn tự hào “Tôi là người Việt Nam” con nhé.
Khánh Tường

No comments:

Post a Comment