Sunday, August 11, 2019

Viễn cảnh "hụt hơi" của nền kinh tế Trung Quốc.

- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo rằng, nếu Washington tiếp tục tăng thuế hơn nữa với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ còn giảm mạnh.
ảnh 1Hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đang sụt giảm bởi chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump
Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu “hụt hơi” với mức tăng trưởng chỉ dừng ở 6,6% trong năm 2018, mức thấp nhất trong gần 3 thập niên qua. Tình hình những tháng đầu năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15-7, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II-2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.
Nhìn vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, hàn thử biểu của nền kinh tế, chỉ số giá chứng khoán tổng hợp của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 15% so với mức đỉnh cao vào năm ngoái. Triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải “hạ cánh cứng” - tình trạng sụt giảm lớn, đột ngột của hoạt động kinh tế cũng như nguồn vốn có tính thanh khoản cho các khoản vay sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế - đang trở thành hiện thực.
Thời gian gần đây, Trung Quốc cố gắng đưa nền kinh tế giảm phụ thuộc vào ngành chế tạo phục vụ xuất khẩu, hướng đến mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất vẫn là trụ cột trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 1/3 tổng sản lượng kinh tế. Thế mà con số tăng trưởng của ngành này trong tháng 8-2019 đã thấp hơn so với mức 5,4%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2-2002.
Có thể thấy các biện pháp gia tăng áp lực của Washington lên chính sách thương mại của Bắc Kinh đang gây thiệt hại lớn đối với khu vực sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu của Trung Quốc. Các con số thống kê cho thấy, số đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 9 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, buộc nhiều nhà máy của nước này phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư và thuê nhân công.
Thách thức lớn nhất với Trung Quốc là ngoài Mỹ ra thì việc tìm được thị trường xuất khẩu mới đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất Trung Quốc là quá nan giải. Ông Brad Setser, người từng là quan chức Bộ Tài chính thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nhận xét: “Hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào sẵn sàng thay thế Mỹ để chịu mức thâm hụt gần 400 tỷ USD mỗi năm trong thương mại hàng thành phẩm với Trung Quốc”.
Trong khi đó, mục tiêu của Trung Quốc kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước để bù lại sụt giảm xuất khẩu lại diễn ra không như mong muốn. Người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu, dẫn tới doanh số bán xe ô tô và các hàng hóa khác sụt giảm. Việc chính quyền trung ương một lần nữa “bật đèn xanh” tăng chi tiêu cho hạ tầng và các dự án quy mô lớn nhằm kích thích tăng trưởng không được chính quyền ở các địa phương hưởng ứng bởi họ cũng đã quá tải sau khi chi tiêu nhiều vào các dự án gây nợ lớn.
Điều gì sẽ xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1-9 tới? Giới phân tích của Ngân hàng Citibank nhận định rằng, sau khi đợt thuế quan mới có hiệu lực, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ suy giảm 2,7%, và tính tổng cộng mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc bị sụt giảm 50 điểm cơ bản. Đây là tính toàn diện về tổng thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc phải chịu từ tất cả các đợt thuế quan.
Trước đây, khi Mỹ còn chưa áp đặt mức thuế mới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay xuống 6,2%. Trong bối cảnh mới, IMF tính toán rằng, nếu quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nước được đẩy lên cao hơn nữa với việc Mỹ tăng thuế lên 25% đối với lượng hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế châu Á này có thể thu hẹp khoảng 0,8 % trong 12 tháng tiếp theo. Kinh tế Trung Quốc đang đứng trước viễn cảnh không thuận lợi.

No comments:

Post a Comment