Cái gọi là “Ngày Thống Nhất“
BS .Trần Văn Tích
Sư đoàn 3 Việt cộng cấp giấy ra trại cho tôi ngày 14.02.1978. Tôi được tạm trú tại Thành Hồ ba tháng và bị quản chế sáu tháng. Vào thời điểm này, Việt cộng đã có chủ trương thống nhất cho giới y khoa mà chúng rất cần. Công an Phường nơi tôi trú ngụ yêu cầu tôi phải đến Sở Y Tế Thành Hồ nộp đơn xin việc ngay và ngày 02.05.1978 tôi chính thức đi làm việc với Việt cộng. Lẽ ra tôi phải đi làm từ đầu tháng năm nhưng vì ngày 01.05 là ngày lễ nên tôi chỉ trình diện cơ quan mới vào ngày 02.05. Ngày 30.04 năm 1978 đó qua đi trên toàn Thành Hồ mà không có gì đặc biệt cả, đó là một ngày như mọi ngày; cho nên một tên tù mới được thả như tôi thì nằm nhà còn vợ tôi vì được lưu dụng thì đi dạy như thường lệ.
Chúng tôi rời Việt Nam ngày 24.01.1984. Trong sáu năm đi làm với Việt cộng(từ 1978 đến 1984) có tất cả sáu ngày 30.04 trôi qua một cách bình thường và hai vợ chồng tôi không hề được nghỉ. Không biết từ bao giờ Việt cộng quyết định xem ngày 30.04 hằng năm là một ngày lễ và cho phép dân chúng nghỉ lễ cùng một lúc hai ngày liền, “Ngày Thống Nhất“ 30.04 và Ngày Lễ Lao động 01.05.
Đối chọi với Ngày Quốc Hận?
Sự kiện chúng ta kiên trì giữ vững Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà khiến ViXi rất tức tối nhưng chúng không làm gì được. Võ Văn Kiệt đã nói rõ là nếu người tỵ nạn Việt Nam không sử dụng lá cờ nền vàng ba sọc đỏ nữa thì bên chúng nó và phía chúng ta sẽ dễ nói chuyện với nhau hơn.
Cùng với Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta có tên gọi “Ngày Quốc Hận“, một cách gọi khiến chúng rất căm ghét. Đến một thời điểm nào đó, chúng nhận ra rằng phải có biện pháp chống-chống cộng qua một tên gọi chính thức pháp định và từ đó, chúng làm giấy khai sinh cho ngày 30.04 với tên gọi “Ngày Thống Nhất“ đồng thời đi tiếp bước thứ hai là xem đó là một ngày nghỉ lễ. Đó là hành động của kẻ thù nhằm ứng phó với chủ trương của chúng ta cương quyết kiên trì xem ngày 30.04 là ngày di hận ngàn đời cho dân tộc Việt Nam.
Phần chúng ta, thiết nghĩ chúng ta phải biết sử dụng hữu hiệu và khôn khéo vị thuốc khử độc là danh xưng “Ngày Quốc Hận“. Chúng ta không nên dùng tên gọi nào khác, cho dù là vì bất cứ lý do gì và do nguyên nhân nào. Chống lại cách gọi “Ngày Quốc Hận“ giặc phải nghĩ ra nguỵ danh “Ngày Thống Nhất“. Chúng ta đã ở thế thượng phong, chúng ta đã đẩy kẻ thù vào thế bị động, chúng ta đã bắt chúng phải tìm biện pháp ứng phó; chúng ta đừng vô hình trung rời khỏi vị thế áp đảo đã đạt được.
Tất nhiên những kẻ đối kháng với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản phải phủ nhận cung cách gọi tên của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản. Ông Cù Huy Hà Vũ bảo Ngày 30.04 là “Ngày Thống Nhất“, đó là quyền của ông ta và cũng là “nhãn hiệu cầu chứng“ của ông ta. Vĩnh viễn ông Cù Huy Hà Vũ không bao giờ hoà đồng được vào tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản.
Lịch sử hậu Quốc Hận
Cứ mỗi lần Ngày Quốc Hận trở về thì chúng ta lại nhắc lại quá khứ; đó là nghĩa vụ, nghĩa vụ không được quên. Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ đến hiện tại. Chúng ta chưa có một bộ sử của “Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà Hải ngoại“.
Bộ sử sẽ bắt đầu từ Ngày Quốc Hận 30.04.1975 với bức hình nổi tiếng của các anh chị em sinh viên quốc gia đầu chít khăn tang rước lá đại kỳ diễn hành trên đường phố Paris. Bộ sử sẽ trình bày các dữ kiện liên quan đến chính sách man rợ và đểu cáng của giặc cộng đối với dân chúng Miền Nam, sẽ mô tả bức tranh bi hùng của người Miền Nam vào tù ra tội và vượt biên vượt biển. Bộ sử sẽ ghi nhận các thành công của thế hệ thứ nhất, thứ hai trên những mảnh đất xa lạ. Có biết bao nhiêu điều cần ghi lại và nếu chúng ta không chịu ghi lại thì ai ghi cho bây giờ? Nói hoài nói mãi làm chi chuyện quá khứ mà không chịu nói chuyện ngày nay? Chúng ta có những ngòi bút viết sử vững vàng : Trần Gia Phụng, Phạm Cao Dương, Nguyễn Thế Anh, Lâm Văn Bé. Nên chăng đã đến lúc phải hướng ngòi bút vào mục tiêu biên soạn một bộ sách tổng hợp có hệ thống những diễn biến lịch sử liên quan đến cộng đồng ba bốn triệu người Việt lưu vong sau 30.04.75?
Nước Đức có Ngày Thống Nhất, Tag der Deutschen Einheit, ngày 03.10. Luật pháp Đức xem đó là một ngày nghỉ lễ chính thức trên toàn lãnh thổ cộng hoà liên bang. Nước Đức không có ngày nào là ngày quốc hận cả. Số mệnh hai dân tộc Việt và Đức đã được an bài theo hai cách khác nhau nhưng không phải vì vậy mà chúng ta thừa nhận một cái ngày được gọi là thống nhất một cách giả dối tráo trở.
Quốc Hận là một khái niệm văn hoá-chính trị-xã hội trong từ vựng quốc ngữ. Tuy nhiên các từ điển, tự điển đơn ngữ Việt-Việt không hề có mục từ nào ghi khái niệm này. Không hề có mặt trong tài liệu tham khảo nhưng đã hai lần khái niệm Ngày Quốc Hận lưu truyền rộng rãi trong ngôn ngữ dân gian nhằm chỉ ngày 20.07 và ngày 30.04. Trong khi đó cộng đồng Nga lưu vong trước đây, cộng đồng người Tàu Đài Loan cũng như cộng đồng người Cuba đang sinh sống tại nước ngoài hiện nay không có Ngày Quốc Hận.
Ba chữ “Ngày Quốc Hận“ là một kháng thể rất hữu hiệu, một thứ thuốc giải độc rất mạnh chống lại chủ thuyết và chế độ cộng sản trên bình diện lý luận, thuộc ý thức chính trị.
02.05.2019
No comments:
Post a Comment