Washington Post: 6 điểm nổi bật trong phiên điều trần của William Barr

Photo Credit: by Win McNamee/Getty Images
(Washington Post) – Tổng trưởng Tư pháp William Barr vào hôm thứ Tư bị Dân chủ trong Uỷ ban Tư pháp Thượng viện cho lên “chảo rán” trong phiên điều trần diễn ra chỉ 15 tiếng đồng hồ, sau khi tin tức về lá thư của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller phàn nàn bản tóm tắt của Bộ Tư pháp “đã không nắm bắt đầy đủ ngữ cảnh, bản chất và nội dung” của công tác và kết luận của cuộc điều tra, được loan báo rộng rãi.
Dưới đây là 6 điểm chính của phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ.
1) Barr vẫn chăm chăm bênh vực Trump
Phó Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein bắt đầu chất vấn bằng câu hỏi xoáy vào một trong những sự việc liên quan đến cản trở công lý: Trump tìm mọi cách để cố vấn pháp lý Toà Bạch Ốc, lúc đó là Don McGahn, bác bỏ tin tức rằng, ông ta chỉ thị cho McGahn can thiệp để Mueller bị sa thải.
Barr cho rằng, bản tin của New York Times đi xa hơn so với chứng cớ khi nói rõ là Trump “chỉ thị” McGahn làm sao để Mueller bị sa thải. Nhưng bản báo cáo của Mueller kết luận rằng, “Bằng chứng đáng kể … hậu thuẫn kết luận: Tổng thống đi xa, và trên thực tế đã chỉ thị cho McGahn gọi điện cho Rosenstein để Công tố viên đặc biệt bị loại.”
Ông Barr cũng cho rằng, những hành động của ông Trump không phải “cản trở công lý” vì “ông ta chủ yếu quan tâm đến truyền thông loan tin,” chứ không ảnh hưởng đến cuộc điều tra.
Một lần nữa, báo cáo của Mueller rất rõ ràng ở điểm này. Báo cáo ghi rõ, những nỗ lực tìm cách để McGahn công khai tranh chấp truyền thông sau khi tin tức được loan ra “cho thấy Tổng thống không chỉ tập trung duy nhất vào chiến lược báo chí mà thay vào đó là tiên liệu cuộc điều tra đang diễn ra và bất cứ vấn đề gì phát sinh.”
Trong suốt phiên điều trần, Barr thường xuyên lặp lại những lập luận bênh vực ông Trump, và ông cũng nghiêng về ý kiến cho rằng cuộc điều tra Nga ngay từ đầu được khởi sự bất hợp pháp, như Tổng thống vẫn tuyên bố lâu nay. Khi Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, ông  Lindsey O. Graham hỏi, liệu ông có chia sẻ “với tôi những quan ngại về cuộc điều tra chống tình báo và cách nó được khởi sự hay không?” Barr đáp, “Có!”
Ông ta cũng giữ nguyên quan điểm và cụm từ “hoạt động gián điệp” khi nói về cựu cố vấn vận động tranh cử của ông Donald Trump, Carter Page đã bị theo dõi như thế nào.
2) “Tôi không miễn tội ông Trump”
Mặc dù bênh vực Trump ra mặt nhưng có đôi lúc, Tổng trưởng Tư pháp không đồng tình với ý kiến của Tổng thống.
William Barr nói rõ, ông ta không xem quyết định không truy tố ông Trump tội cản trở công lý là “miễn tội hoàn toàn và đầy đủ” như Trump tuyên bố. “Tôi không miễn tội. Tôi nói, chúng tôi không tin có đầy đủ chứng cớ để xác định tội cản trở công lý.”
Đây là sự khác biệt quan trọng vì nó cho phép khả năng ông Trump có thể đã cản trở công lý. Là một công tố viên, Barr sẽ không đề nghị cáo buộc, dựa vào chứng cớ.
3) Barr bị tố cáo gạt Quốc hội trong phiên điều trần trước đây
Ngoài việc trách Barr, lá thư của ông Mueller cũng đặt ra câu hỏi về lời khai của ông ta trước đây. Tổng trưởng Tư pháp có phiên điều trần trước Hạ viện vào tháng trước, sau khi nhận được thư của Mueller, nhưng tại đó, ông bảo rằng không hay biết gì về những phàn nàn từ ban điều tra của Công tố viên đặc biệt.
Khi được hỏi, liệu ông ta có hay biết rằng một số thành viên trong ban điều tra của Robert Mueller không hài lòng với bản tóm  tắt của ông hay không. “Không, tôi không hay biết!” Tổng trưởng Tư pháp lúc đó đáp.
Vào hôm nay, Barr giải thích, ông thu hẹp câu trả lời: “Tôi không biết những thành viên nào trong ban điều tra mà ông ấy nói đến, và tôi chắc chắn không hay biết về bất cứ thách thức nào đối với tính chính xác của kết luận … Tôi nói chuyện trực tiếp với Bob Mueller, chứ không nói chuyện với thành viên của ông ấy.”
Barr nhắc đi nhắc lại, Mueller trên điện thoại không tranh chấp về tính chính xác của lá thư tóm tắt. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ, liệu tóm tắt của Barr có cố tình chọn những thông tin có lợi trong bản báo cáo của Mueller mà bỏ qua những chi tiết quan trọng hay không. Mueller nhấn mạnh, Barr đã bỏ qua những thông tin quan trọng. Và trong phiên điều trần trước đây, Tổng trưởng Tư pháp cho rằng, ông không biết bất cứ ai trong ban điều tra của Mueller bất mãn.
4) Rạn nứt với Mueller?
Barr và Mueller được xem là bạn bè, nhưng có vẻ như giữa hai người đang có một số căng thẳng. William cho rằng, Mueller có thể ngăn chặn mơ hồ, hiểu lầm ngay từ đầu.
“Tôi đề nghị Bob Mueller cơ hội xem lá thư trước khi gởi cho Quốc hội nhưng ông ấy từ chối,” Barr tuyên bố.
Barr sau đó lại cho rằng, ý kiến của Mueller thực sự không thực sự quan trọng, vì ông là nhân viên Bộ Tư pháp và báo cáo cho Bộ trưởng. “Công việc của ông ấy bao gồm, khi nộp báo cáo lên cho Tổng trưởng, vào lúc đó, thì báo cáo nằm trong quyền hạn của tôi. Tôi là người đưa ra quyết định, khi nào công bố và công bố bằng cách nào, chứ không phải quyết định của Bob Mueller.”
Sau đó, Barr gọi lá thư của Mueller “hơi chút khó chịu,” và cho rằng không phải do Công tố viên đặc biệt viết. Tổng trưởng cũng bảo rằng, sau khi nhận thư, ông lập tức nhấc máy gọi cho Mueller hỏi. “Bob, có chuyện gì vậy? Tại sao anh không cầm máy lên gọi tôi nếu có vấn đề gì?”
Tất nhiên, William Barr biết rõ tại sao Mueller lại viết thư. Ông muốn được ghi vô hồ sơ.
5) Lời mở đầu của Graham gây hiểu lầm
Graham trở thành một trong những cộng sự trung thành của ông Trump tại Quốc hội. Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện mở đầu phiên điều trần bằng những lời ủng hộ Trump nhiệt thành. Ngoại trừ, một số tuyên bố của ông ta gây hiểu lầm.
Graham bảo rằng, báo cáo của Mueller ghi rõ “không có thông đồng.” Trên thực tế, bản báo cáo kết luận hẹp hơn nhiều,“không có âm mưu” và nói rõ họ không đánh giá khái niệm thông đồng rộng hơn vì đây không phải là một từ pháp lý.
Đối với cản trở công lý, Graham tuyên bố, “ông Mueller để cho ông Barr quyết định.” Trên thực tế, Mueller không yêu cầu Barr đưa ra quyết định về vấn đề này (và Barr cũng khẳng định như vậy,” cũng như Barr cần phải quyết định.
Mueller nêu rõ trong bản báo cáo rằng, ông không nghĩ công việc của Bộ Tư pháp là tố cáo một Tổng thống đương nhiệm vì một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố.
Graham ca ngợi Mueller nhưng không đá động gì đến quan ngại về cách Tổng trưởng Tư pháp giải quyết vấn đề.
6) Barr né đòn giỏi trước Dân chủ
William Barr biết cách xoa dịu Dân chủ trong phiên điều trần chuẩn thuận vào ghế Tổng trưởng Tư pháp. Họ có vẻ miễn cưỡng thoả mãn với các câu trả lời của ông ta, nhưng không trả đòn khi ông liên tục chỉ trích cuộc điều tra của Mueller.
Dân chủ chắc chắn cứng rắn hơn với Barr lần này, nhưng Tổng trưởng Tư pháp dường như vẫn tránh được rắc rối. Họ chất vấn gay gắt nhưng ông ta một lần nữa vượt qua được, ngoại trừ với Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Sheldon Whitehouse. Cuối cùng phiên điều trần kết thúc mà Dân chủ không thu được kết quả gì nhiều.
Theo thời biểu, Tổng trưởng Tư pháp sẽ có phiên điều trần trước Uỷ ban Tư pháp Hạ viện vào thứ 5 ngày 2 tháng 5, nhưng vào phút chót, William Barr tuyên bố huỷ phiên điều trần, khiến Dân chủ nổi giận.
Hương Giang (Theo Washington Post)