Vài lời về tác giả: Nguyễn Thị Thêm trước 1975 là cựu học
sinh trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa, cựu sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn
và là cựu giáo sư Văn Chương tại nhiều trường Trung Học trong tỉnh lỵ Biên Hoà.
Cô là vợ của Đại úy tác chiến thuộc quân đội VNCH, một người vợ của anh tù “cải
tạo” sau tháng 4-1975. Và hiện tại cô là
mẹ của 2 chàng sĩ quan trong quân đội Mỹ. Nguyễn Thị Thêm là người bạn cùng trường
Trung Học, một người bạn dưới mái trường Văn khoa và là một người em thân thương
trong cuộc sống tha phương với gia đình chúng tôi và cô hiện sống tại miền nam
California.
MƯA THU - Nguyễn Thị Thêm
30 Tháng Mười 201610:
Ngoài hiên, giọt mưa thu thảnh thót rơi.
Trời lắng, u buồn mây hắt hiu, ngừng trôi.
Nghe gió thoảng, mơ hồ......
Chị nằm yên trên giường, nghe từng giọt mưa rơi trên mái
nhà. Những giọt mưa như một điệu nhạc . Nghe gió thoảng, mơ hồ. Trong mưa thu,
ai khóc ai than hờ....
Cali đã trải qua những ngày nắng hạ chói chang. Cây cỏ héo
úa, sông ngòi khô cạn. Đây là lần đầu tiên có một cơn mưa lớn. Cơn mưa thật đẹp,
mát lòng, mát dạ con người. Cơn mưa báo hiệu mùa thu đã chính thức bước chân về
đây.
Đêm về sáng nằm trong chăn êm nệm ấm. Những giọt mưa ngoài
trời rộn rả trên mái nhà, một niềm vui nhẹ dâng lên trong lòng chị.
Cả tháng nay báo động.
Một cơn động đất lớn có thể đến bất cứ lúc nào. Một vết nứt đang đe dọa toàn thể
người dân Cali. Chị lo sợ như nhiều lần lo sợ. Lại chuẩn bị những thức ăn. Kiểm
soát những gì cần thiết cho một thiên tai. Bởi vì tai trời, ách nước biết sao
mà lường.
Hôm đến nhà con trai mừng thôi nôi cho cháu nội. Chị đã la vợ
chồng con một trận. Chúng chẳng chuẩn bị gì cho động đất. Nó ôm chị cười nịnh:"Thì
má qua ở với tụi con đi. Con mua đồ về dự trữ. Chứ tàu con sắp đi rồi, mua về
ai ăn cho hết" Cái thằng xạo nhất nhà. Cái gì cũng bàn trớt quớt được hết.
Ngẫm nghĩ lại nó cũng có lý của nó." Mỗi cây mỗi hoa, mỗi
nhà mỗi cảnh". Một cô em thường hay nói với chị câu đó. Cô em có tiếng là
giỏi và có tài quán xuyến. Khách tới nhà bất cứ lúc nào cũng có thức ăn để đãi.
Cô cười nói với chị" Lúc trước em lo trữ nhiều thứ lắm. Để hoài rồi quá hạn
lại bỏ đi. Bây giờ em chỉ trữ nước , gạo và mì gói là chính. Mà thật ra gia
đình VN nào thức ăn cũng ê hề. Hổng tin chị để ý mà xem. Một tuần động đất chẳng
nhằm nhò gì" Suy gẩm cô ta nói cũng đúng. Cứ nhìn các chị đi chợ thì biết.
Cứ như đi chợ Tết chẳng bằng. Thức ăn đầy ngập cả xe.
Cơn mưa đêm nay báo hiệu cho chị biết nỗi lo động đất đã đi
qua. Trời sẽ mát và mùa thu đã về. Mùa thu sẽ khiến đất trời dịu dàng hơn. Những
chiếc lá sẽ thu mình lại để bắt đầu một chu kỳ mới. Đêm sẽ dài thêm chút nữa.
Những người yêu nhau sẽ chờ bửa cơm tối dịu dàng dưới ánh đèn. Một giấc ngủ mát
mẻ, lãng mạn sẽ làm tình yêu thêm thăng hoa.
Có phải như vậy hay không? Chị có nói quá đáng hay không?
Không? chị thấy phần đông đàn ông hay quên lời hứa. Nhất là lời hứa trước Chúa,
trước Cha và trước những người chứng kiến trong ngày hôn lễ.
Chú rễ nắm tay cô dâu thật trang trọng. Hứa sẽ săn sóc và lo
lắng cho cô ta hết cả một đời.
Thế nhưng có bao nhiêu người giữ được lời hứa đó. Bao nhiêu
người đàn ông khỏe mạnh để lo cho vợ những ngày cuối đời. Chị đã thấy rồi, xung
quanh chị. Rất nhiều ông chồng đã sớm ra đi. Họ để lại cho vợ cuộc sống cuối đời
buồn bả, cô lẽ và một trách nhiệm nặng nề.
Vì sao? Vì họ yêu họ nhiều hơn yêu vợ và gia đình. Họ thao
túng sức khỏe. Họ thao túng tình yêu,Họ vui thoải mái với bạn bè và cho như vậy
mới là đàn ông.. Họ uống rượu, hút thuốc liên miên. Họ sẽ tự ái khi vợ con nói
đến những điều cấm kỵ đó. Thú vui của đàn ông thì nhiều lắm. Uống rượu và hút
thuốc là chuyện thường tình. Thế nhưng, nó là một trong những nguyên nhân trả lời
cho sự bất tín đối với vợ mình trong ngày hôn phối.
Chị thật vô duyên khi nghĩ đến những điều này. Nhưng buồn
thay đó là sự thật. Ít nhất là trong gia đình chị. Hiện giờ những ngày đoàn tụ
chỉ còn lại mấy chị em dâu hiu hắt. Mấy anh của chị đều đã không còn. Ngày giỗ,
Tết nhìn lên bàn thờ nhà từ đường buồn rơi nước mắt.
Vài con chim non
Chiêm chíếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh.
Gió ngừng đi, mưa buồn chi,
Cho cỏi lòng lâm ly
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây.
Lòng vắng, muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời.
Châu buông mau
Dương thế bao la sầu.
Mưa thu, mưa thu rơi thành nhịp điệu. Chị lạc loài những ý
nghĩ miên man. Chị nhớ nhà quá. Nhớ những người anh, nhớ mẹ, nhớ cha. Trong nỗi
nhớ vô cùng đó chị giận các anh. Chị thương chị dâu vô cùng. Những người phụ nữ
luôn bên cạnh chồng để lo lắng, chăm sóc và yêu thương. Có những đêm trời mưa tầm
tả, anh chị về trong cơn say. Người ướt như chuột, ói mửa liên miên. Có ai
trong hoàn cảnh đó không buồn cho được. Vậy mà người vợ vẫn đem chồng vào, lau
khô, xoa dầu thay đồ và làm tất cả mọi việc bằng tất cả tấm lòng. Khi chồng đã
dịu cơn say, người vợ mới có thể an lòng thở phào nhẹ nhỏm. Có khi chồng vừa say
giấc là người vợ phải lo nấu nướng để lo cho buổi chợ sáng mai.
Có phải tình yêu là như vậy không hả các anh?. Đừng nói tại
phụ nữ sống dai hơn đàn ông? Phụ nữ chúng tôi sinh đẻ tốn biết bao nhiêu sức lực.
Nuôi con, cho con bú là chuyền cho con hầu hết nguồn năng lượng của mình. Chúng
tôi vất vả không thua các anh. Vậy mà cuối cùng, đa số chúng tôi lại là người
tiễn các anh ra đi trong nước mắt. Các anh không phụ bạc chúng tôi. Nhưng các
anh đã quên rằng muốn là bờ vai cho chúng tôi nương dựa thì các anh phải giữ
gìn sức khỏe của mình.
Người mong mây tan, cho gió hiu hiu lạnh.
Mây ngỏ trời xanh
Chắc gì vui,
Mưa còn rơi.
Bao kiếp sầu ta nguôi
Bài hát cứ vang lên trong đầu chị. Dìu dặt, da diết những âm
điệu mượt mà.
Gió xa xôi vẫn về.
Mưa giăng sầu lê thê
Phải rồi. Có những
người đi trong cơn mưa lạnh cóng. Rét run và cô độc. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi. Nổi buồn nơi xứ
người nặng trĩu nhớ nhung Chị lại nhớ âm
điệu một bài hát trong những ngày nằm trong trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân.
Mưa nơi đây buồn hơn mưa Sài gòn nhiều
Cả gia đình nằm sắp lớp
trên cái sạp gỗ. Mưa rào rào trên mái tôn. Mưa ầm ầm như thác đổ. Cảm giác ly
hương tị nạn thấm thía đến ngậm ngùi. Nằm
ở Phi mà hồn trở về chốn cũ.Nhớ vô cùng căn nhà do chính bàn tay mình gầy
dựng. Nhớ đàn gà sau cơn mưa bưới móc tìm mồi. Nhớ cái ao sau nhà, cá đớp móng
sau cơn mưa thật dễ thương. Xòe bàn tay hứng những giọt nước mưa rồi vốc lên mặt.
Mát từng thớ thịt. Hít sâu nghe hương thơm trời đất gửi về. Nhớ nhà bao nhiêu,
buồn sâu lắng bấy nhiêu.
Vậy mà thấm thoát đã gần 25 năm xa xứ. Chị nằm đây nghe tiếng
mưa réo rắc mà mừng. Cơn mưa hôm nay sẽ làm xanh cây cỏ. Sẽ đem sự mát mẻ đến với
miền Nam Cali. Những chậu hoa, luống cải sẽ đón ân sũng từ thiên nhiên, hít thở
tự do. Các con đã trưởng thành xa vòng tay chị. Những cánh chim đủ lông, đủ
cánh phải tìm cho mình một tổ ấm riêng tư. Con cái chúng sẽ như những cơn mưa
mùa thu như hôm nay. Thỉnh thoảng về thăm. Rộn rã tiếng cười làm mát mẻ con tim
già héo hắt.
Còn Sài Gòn? Mưa Sài gòn bây giờ như thế nào? Có còn làm đẹp
những tà áo dài quấn quít. Có làm đôi trai gái bất chợt ghé một vĩa hè nào đó
trú mưa.Hai bàn tay vụng về len lén tìm nhau. Hay bên ly cà phê nóng hổi bốc
hương, ngồi nhìn những giọt mưa Sài Gòn nhảy múa trên đường. Sài gòn thích mưa,
yêu mưa và mát mẻ sau mỗi cơn mưa.
Nhưng nói theo kiểu hiện giờ là: " Chuyện đó xưa rồi Diễm".
Sài Gòn bây giờ sợ những cơn mưa. Đường phố ngập như sông, cuồn cuộn nước đổ về
dơ dáy và hôi hám. Ngưới ta nói
đùa."Sài Gòn đổi tên đúng thật. Bây giờ đã thành hồ..Chí Minh" Bởi nơi đâu sau một cơn
mưa cũng thành hồ, thành sông, thành suối. Những chiếc xe đi trên đường bị nước
lũ cuốn đi. Có những con đường chống lụt bằng cách xây bờ cho cao và căn nhà lọt
thỏm bên dưới như một cái hầm.
Sài Gòn mưa, phố biến thành sông.
Nước ngập nhà dân, nước mênh mông
Giữa phố chống xuồng, tưởng rằng sông lớn
Tội quá Sài Gòn "Hòn Ngọc Viễn Đông."
Tháng Mười chưa cười đã tối. Những cơn mưa tháng Mười làm
trái tim chị thắt lại khi nghĩ về quê hương. Miền Trung hiện giờ đang cơn lũ lụt.
Tại Hà Tỉnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác nước trong một đêm dâng lên không thể
nào trở tay cho kịp.
Người dân nghèo lam lũ, đang yên lành trong giấc ngủ thì cơn
lụt kéo về. Không thể trở tay, không thể chuẩn bị. Nước tràn về như thác đổ. Biết
bám víu vào đâu, đành phá nóc nhà cầu cứu. Những cánh tay đưa lên trong vô vọng.
Những ánh mắt sợ hãi thất thần. Những kêu cứu khàn đặc tội tình.
Nhìn trên màn ảnh truyền hình, xem trên You tube hay Face
Book. Những căn nhà chỉ còn trơ một chóp của mái ngói. Còn tất cả là nước. Nước
mênh mông, nước đục ngầu. 27.000 căn nhà đã bị hư hại. 35 người chết. Cái chết
tức tửi oan khiên. Tài sản, của cải trôi
theo dòng nước. Điều đau lòng là tai trời, ách nước đã đành mà bàn tay con người
cũng góp phần gây nên tội. Nước tràn về
nhanh và mạnh là do đập thủy điện Hố Hô
được xả gấp mà không báo cho dân biết để chuẩn bị.
Sinh mạng và tài sản người dân rẽ đến vậy sao? Nếu mà ở Mỹ
thì người chịu trách nhiệm sẽ bị truy tố ra tòa . Sự đền bù cho người dân không
phải nhỏ.
Trong nước, ngoài nước bao nhiêu tổ chức thành lập để cứu trợ.
Nhưng người dân nhận được bao nhiêu? Chừng nào họ mới thoát khỏi ám ảm và xây dựng
lại cuộc sống như xưa? Câu hỏi vẫn chưa có ai trả lời.
Mưa! những giọt mưa tháng mười vẫn nhịp đều trên mái nhà như
một điệu nhạc. Điệu nhạc mùa thu bao giờ cũng buồn . Lá xanh, lá vàng , rồi lá
rụng. Những chiếc lá vàng lìa cành buồn như những người thầy đã ra đi trong
tháng mười. Hai người thầy kính yêu đã nằm xuống. Gia đình thầy mang vành khăn
tang trắng . Những người học trò cũ dường như cũng nặng trĩu tang lòng.
Chị xoay người lại nhìn đồng hồ. 5 giờ sáng, con gái đã dậy
chuẩn bị đi làm. Tiếng cửa garage mở ra rồi đóng lại. Một ngày mới đã bắt đầu.
Mừng vì mình vẫn còn khỏe mạnh. Mừng cuộc sống vẫn êm đềm trôi.
Chị nhắm mắt lại nguyện cầu:
Xin ơn trên ban phước lành đến với tất cả mọi người.
Nguyễn thị Thêm
10/2016
Cám ơn tác giả cho đăng bài viết ngắn nầy.
ReplyDelete