Tuesday, December 26, 2017


BÃI ĐÁP CUỘC ĐỜI

NTThem.j1pg
Cửa mở, con mèo đứng ở thang lầu từ lúc nào, nhảy phóc vào lòng làm chị giật cả mình.
- Khoan nào Simba! Chị đẩy nó xuống và thoắt một cái nó phóng lên cầu thang mất hút.
Bầy cháu trên nhà ló đầu nhìn xuống reo lên.
- Grandma come in!
Có tiếng vỗ tay và tiếng cười rộn ràng mừng rỡ. Chị bước lên những bậc thang khó nhọc. Hai chân vẫn chưa bình phục sau lần té ngã ở cầu thang. Ngồi suốt trên chuyến hành trình 12 giờ trên máy bay hai chân chị mõi nhừ. Tính cả thời gian rời nhà và đến nơi thì cũng đã 20 tiếng đồng hồ chớ có ít sao.

Chị quăng ví tay lên cái ghế và đưa tay đón cháu. Đứa cháu nội ra đời sớm một tuần và hôm nay được ba ngày tuổi. Chị nhìn đôi mắt, cái miệng và toàn thể khuôn mặt. Nó giống hệt thằng anh nó lúc mới sinh. Chỉ một thoáng thôi rồi chị trả nó về cho con dâu. Chị phải rửa ráy thay đồ trước khi gần gũi cháu. Chị không muốn đem tất cả những vi khuẩn từ máy bay và suốt chặng hành trình làm ảnh hưởng tới đứa cháu mới ra đời.

Căn phòng của chị con trai đã chuẩn bị ngăn nắp. Có bàn cho mẹ để laptop liên lạc với bạn bè. Mùi thơm hoa lan nhẹ nhàng lan tỏa khắp phòng. Ngăn tủ cũng chuẩn bị sẳn những móc treo áo quần. Chị lấy bộ đồ mặc trong nhà và vào phòng vệ sinh.

Đã một năm rưỡi chị mới trở lại nước Nhật. Lần đi này không có anh đồng hành nên chị thấy thiếu vắng làm sao. Một mình trên suốt chuyến đi, chị nhàn nhã đến trơ trọi một cách đáng ghét. Có chồng, chị bận bịu lo lắng, săn sóc, thời gian như rút ngắn lại.

Lần mua vé này, may mắn làm sao hai ghế bên cạnh không có người. Máy bay cất cánh, chị đứng lên nhìn dáo dác. Xem có bà bầu hay ai có con mọn cần chỗ ngồi rộng rãi chị nhường ghế cho họ. Chị nhớ chuyện con dâu hôm về lại Cali để thọ tang cha chồng. Trên máy bay, mang bụng bầu gần 8 tháng, dãy ghế gia đình mua đầy người. Ngồi quá chật và căng cứng bụng. Con dâu đi tới đi lui mệt mõi, nặng nhọc. Nhưng không một ai lên tiếng nhường ghế trống cho. Họ nằm, ngồi để đồ lên những ghế không có ai mua vé. Suốt 12 giờ bay mệt mõi và khó chịu với em bé trong bụng đạp liên tục.

Nghe con dâu kể mà thương. Nhưng hôm nay thật sự không ai cần phải nhường ghế. Chung quanh ghế bỏ trống khá nhiều. Chị lại nhớ tới chồng. Phải chi hôm đi với anh mà máy bay trống chỗ như thế này thì tốt biết mấy. Chị đâu phải lo cho anh đau lưng, mõi cổ, đứng ngồi không yên.

Chị lắc đầu xua những ý nghĩ không vui và bước ra phòng khách. Con, cháu đều đang đợi chị. Chị bồng thằng cháu nội mới sinh. Thằng bé đẹp trai và mạnh khỏe. Nó nhắm mắt nhưng vẫn hiện hai mí rõ ràng. Mũi miệng gì cũng tốt. Môi đỏ hồng khỏe mạnh. Con trai chị đã có một gia đình hoàn chỉnh. Nhưng đời lính thay đổi chỗ ở sau mỗi kỳ hạn. Cháu chị sẽ theo cha đi nhiều nơi, việc học hành sẽ gặp trở ngại...

Chị dự kiến qua thăm con và cháu sẽ nấu những món ăn VN chúng thích. Trong hành lý mang theo, đa số là những vật liệu mà chị dự trù sẽ nấu trong thời gian lưu lại nơi này.  Nhưng chị đã bị thất nghiệp.

Người lính thời nào cũng vậy đều có tình đồng đội đáng quý. "Huynh đệ chi binh " Trong căn cứ, từ ngày con dâu chuyển bụng vào bệnh viện. Những đồng đội của con chị đã cùng nhau trao đổi và lên một danh sách rõ ràng. Họ sẽ luân phiên đem thức ăn đến cho gia đình trong vòng gần 3 tuần lễ.

Mỗi ngày họ mang đến một phần thức ăn khác nhau. Phần thức ăn đủ cho 4 người dùng một ngày . Cho nên những ngày ở lại Nhật, chị đã được thưởng thức nhiều thức ăn lạ miệng. Ngon có, không hạp khẩu vị cũng có nhưng đó là tấm lòng của những người lính cùng sống chết có nhau. Con chị cũng là một thành viên từng giúp đỡ bạn bè như vậy. Chị rất cảm động  khi thấy một túi thức ăn để trước cửa mỗi khi đi chơi về. Trên mỗi phần thức ăn gửi tới kèm theo tờ giấy ghi rõ tên người gửi, loại thức ăn và lời chúc mừng.

Hôm nay thức ăn đem đến của một gia đình có vợ người Đại Hàn. Cho nên món ăn có tên Sukiyaki khá lạ. Chị tò mò lấy máy ra chụp để làm kỷ niệm. Để đáp lại, gần ngày về, chị cũng nấu một nồi phở thật ngon và chiêu đãi họ.

Mùa thu nước Nhật thật buồn. Trời có lúc xuống thấp, mưa lất phất rất lạnh. Chị co ro trong mấy lớp quần áo, khăn quàng cổ và mũ trùm đầu. Lúc đi, thằng Út ngại rằng sẽ có tuyết rơi, nên đem về cho chị bộ đồ chống lạnh và mũ che cả mặt... Chị cười nhận cho con vui, nhưng không mang theo vì nghĩ mình sẽ không đi ra ngoài những lúc như vậy. Hơn nữa, những bộ đồ đó thật dày và tốn nhiều chỗ trong vali nên chị để lại nhà.

Thật may suốt mấy ngày ở đây trời khá đẹp. Nhưng cái lạnh thông thường của mùa thu nước Nhật, cũng đủ làm người dân Cali nắng nóng quanh năm như chị co ro trong nhiều lớp áo.

Chị lại tiếc nuối. Giá mà có một hôm tuyết rơi trong những ngày ở lại. Chị sẽ được nhìn và tận tay đón những bông uyết bay lất phất ngoài sân. Miền Nam Cali nơi vùng chị ở, quanh năm nắng nóng. Mùa này,những cơn gió Santa Ana thổi về rất mạnh. Những trận bão lửa thiêu rụi rất nhiều đồi núi, nhà cửa. Một lần cả gia đình chị đi lên Big Bear để trượt tuyết. Tới nơi, chị tối tăm mặt mũi vì say sóng và chóng mặt. Con đường núi quanh co. Tuyết trơn trợt rất nguy hiểm. Chị co ro nhìn người ta vui đùa trong cái lạnh buốt giá. Chị sợ đến bây giờ.

Hơn một năm trước, chị qua đây lúc vào giữa tháng ba. Mùa lễ hội Hoa Anh Đào rực rỡ. Năm nay hàng cây trụi lá. Những nhánh cây khẳng khiu đan vào nhau như một cổng chào thật uy nghi và trầm lắng. Đi giữa hàng cây lại nhớ tới người xưa. Dường như mới đâu đây thôi anh vẫn còn bên cạnh. Anh yên lặng ngồi trong xe đẩy, xung quanh quấn kín bằng chiếc mền len dù đã sang xuân. Thoắt một cái anh bỏ mẹ con chị đi ra đi hơn 49 ngày rồi.

Trong căn cứ, đa số các cây trồng tạo bóng mát lá đã rụng gần hết. Một lớp lá vàng thật dày ở mỗi sân nhà. Những cây còn lại đã đổi màu lá đẹp tuyệt vời. Có lá rực vàng từ gốc lên tới ngọn. Có lá thật đỏ cành xòe tạo dáng như một chiếc dù che. Có nhiều lá không thể gọi chính xác là màu gì. Nó làm chị ngất ngây trong vẽ đẹp diệu kỳ của mùa thu nước Nhật.

Nước Nhật thật tuyệt vời với những cảnh sắc trong công viên. Những bức tranh đẹp nhiều màu sắc được các tay săn ảnh chụp và chuyền đi khắp nơi. Chị say đắm lắng hồn mình trong khung cảnh ấy. Nó cho chị sự ngưỡng mộ khôn cùng bàn tay tạo hóa. Cảnh trầm mặc thiêng liêng của những ngôi chùa cổ. Những hàng cây đổi lá. Những dốc núi chạy mãi dưới những khu rừng bạt ngàn. Nhắn nhủ với chị cái vô cùng của trời đất và con người bé bỏng, nhỏ nhoi. Vui buồn chỉ là định luật tự nhiên của con người. Vượt lên tất cả để hòa với thiên nhiên là ngọn nguồn của hạnh phúc.

Chị đã từng là vợ lính. Đã từng theo chồng lên tiền đồn đóng quân suốt thời gian nghỉ Tết. Chị đã hòa mình vào đời sống lính tráng trên một ngọn đồi cheo leo trên vùng đồi núi Quế Sơn. Chị theo bác thượng sĩ già đi chợ vùng quê nơi ấy. Đêm giao thừa cùng ăn bánh chưng đón Tết cùng lính.

Bây giờ sau mấy chục năm, chị lại cùng con và đồng đội của cháu đón mừng lễ Tạ Ơn ở một nơi ngoài biên giới nước Mỹ. Lễ Tạ Ơn đoàn tụ của người lính Mỹ xa nhà sao mà cảm động như vậy. Chỉ là cuộc liên hoan nhẹ của đội ngũ bác sĩ và nhân viên của trung tâm nha khoa nơi căn cứ.

Thức ăn đơn giản, có món người ta nấu tại nhà và đem đến, có món được đặt từ tiệm. Nhóm bác sĩ bệnh viện order Pizza Hut đủ loại để phục vụ. Gia đình quân nhân ngồi xem phim, ăn uống và trò chuyện với nhau. Trong câu chuyện và trong đôi mắt họ chị nhìn ra một chút sâu lắng nhớ về gia đình. Nghe tin chị đến từ California ai cũng đến chào và hỏi thăm về những trận cháy đã và đang xảy ra.

Tháng 12 đã đến, các nhà đã trang hoàng đèn hoa, cây Giáng Sinh trong trung tâm giải trí trẻ con đã được bật đèn. Cây thông khá to và đẹp. Ánh sáng lung linh rực rỡ như niềm vui bất tận của trẻ con. Hôm đó là một ngày vui cho gia đình binh sĩ. Vì ông lẫn bà Santa Clause cùng đến để chụp hình chung với các cháu. Trung tâm sáng rực ánh đèn và trang trí đẹp mắt. Có phục vụ nước và bánh để mọi người đến chung vui. Có phòng chiếu phim cho các cháu giải trí. Mỗi gia đình ghi tên và lấy số thứ tự. Ông bà Santa Clause cũng là hai quân nhân hóa trang. Những người đóng các vai khác cũng vậy. Họ ăn mặc thật đẹp và rất ân cần, chiều chuộng các thiên thần nhỏ.

Chị đi một vòng quan sát và đứng rất lâu ở phòng chụp hình. Hai người đóng vai ông bà Noel thật xinh đẹp và dễ thương. Họ cố gắng làm cho các cháu vui và ngồi yên để chụp hình. Có cháu sợ quá chỉ khóc và đòi mẹ. Bà mẹ lại muốn phải là được là ông bà Santa bồng mới được. Sự nhẩn nại và ân cần của họ làm chị cảm phục. Người thợ chụp hình phải đổi nhiều tư thế mới chụp được một tấm cho hoàn hảo. Từng gia đình bước ra khỏi phòng nhiếp ảnh với nụ cười mãn nguyện, làm đẹp thêm tình người và sự trân trọng trẻ con của người Mỹ.

Có một điều làm chị thấy chạnh lòng. Một quân nhân người Mỹ ở một căn cứ khác tại Nhật đã uống rượu và vô tình đụng một người Nhật. Điều này làm căng thẳng thêm tình hữu nghị hai nước. Thế là lịnh trên được ban hành ra. Từ nay (Không biết sau những ngày lễ lớn lịnh có thay đổi hay không? ) không một quân nhân Mỹ nào được uống bia, rượu. Trong nhà, trong căn cứ hay ra ngoài đều không đụng đến rượu, bia. Trong căn cứ không bán rượu và tất cả mọi quân nhân đều phải chấp hành. Chị được một lần đến ăn tiệc Thanks Giving nhà một vị Trung tá chỉ huy trưởng. Thức ăn nhiều và những nhân vật tầm cỡ nhưng chỉ nước ngọt và nước lạnh. Tuyệt đối không thấy một chai rượu hay bia xuất hiện. Mọi người ăn uống vui vẻ và rất bình thường mừng ngày lễ Tạ Ơn.

Cho nên làm một quân nhân đóng quân ở nước ngoài phải rất tôn trọng quân kỹ và pháp luật xứ người. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến uy tín và bang giao hữu nghị hai nước. Có thể chuyện không gì quan trọng, nhưng vì tình hình chính trị hai bên, có thể phá hỏng đến chiến lược quốc gia. Vì vậy, thường định kỳ cho những người lính là chỉ 3 hay 5 năm là phải rời vị trí để đi đến một nơi khác công tác.

Chị trở về nước Mỹ vào một buổi chiều tháng 12 trời đẹp. Đón cháu đi học về từ xe bus của trường, cả gia đình đi thẳng ra sân bay tiễn biệt. Chị ôm các cháu vào lòng từ giã. Bà nội trở về nhà để đón thêm một cháu nội gái mới chào đời. Ơn trên đã không bạc đãi chị. Nỗi buồn mất mát đã được nụ cười thánh thiện của hai đứa cháu an ủi  giải khuây.

Máy bay cất cánh cùng tiếng reo hò thật to của đám du học sinh Nhật đi sang Hoa Kỳ trên cùng chuyến bay. Chị lại nhớ thời học sinh của mình mà thương các cháu quá là thương. Sự háo hức và xúc động khi lần đầu được đáp máy bay đi đến một nước đứng đầu thế giới chắc là tuyệt vời lắm. Chị quay đầu lại nhìn các cháu vui vẻ đồng tình. Hãy bay lên cao niềm ước mơ và khám phá. Tuơng lai cả thế giới đang chờ những khối óc và niềm tin tinh anh trong sáng của thế hệ trẻ.

Chị ngã đầu vào ghế và nghĩ đến chồng, đến các con, các cháu. Chị hy vọng ở một nơi nào đó ở trên cao anh nhìn xuống và mỉm cười với chị.
Mùa Xuân sắp về. Đau buồn rồi sẽ qua đi theo ngày tháng. Các cháu sẽ lớn lên và sẽ trưởng thành. Chị một ngày nào đó cũng sẽ bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của tuổi già và bệnh tật. Tại sao không vui với những gì trước mắt. Hạnh phúc trong tay mình là nụ cười trẻ thơ của các cháu yêu thương.

Máy bay lên cao lẫn vào đêm đen rồi sau 10 tiếng sẽ đáp xuống. Đường bay rồi cũng sẽ đến đích. Vòng tròn khởi hành và kết thúc  cũng sẽ diễn ra ở một đường băng nào đó. Đời là một bãi đáp định mệnh. An toàn hay không còn là duyên số rủi may.

Chị nhắm mắt lại và nghĩ đến một ngày nào đó của mình. Mong rằng nó sẽ thật êm đềm, bình yên như máy bay đáp an toàn trên một phi đạo.

Nguyễn thị Thêm.
22/12/2017

Là iFan "Cừ Khôi" Nhưng Bạn Có Biết Chữ ‘i’ Trong iPhone và iPad Có Nghĩa Là Gì Không?


Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc bấy lâu nay.

Như chúng ta đã biết, ngoài những sản phẩm chất lượng và độc đáo, Apple còn là một thương hiệu nổi tiếng với chiến lược marketing bậc thầy.


Một trong những điều nổi bật của Apple mà chúng ta phải kể đến đó là mang chữ “i” độc quyền lên hầu hết mọi sản phẩm của công ty, góp phần tạo ra nét đặc trưng thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Mặc dù chữ “i” có trong tên gọi của iPod, iPhone, iPad,… mang nét đặc trưng nổi tiếng là thế, tuy nhiên có không ít người vẫn chẳng biết chữ “i” này đến từ đâu hay ý nghĩa là gì.

Để giải đáp cho thắc mắc này, có lẽ chúng ta phải kể đến ngày chiếc iMac đầu tiên được trình làng, đây cũng là chữ “i” đầu tiên có trong tên gọi trên sản phẩm của Apple.

Trong buổi ra mắt năm 1998, cha đẻ của Apple - Steve Jobs cho rằng nó nhắm đến “tiêu chí đầu tiên của người dùng khi nghĩ về một chiếc máy tính”, đó là mạng Internet.


Tuy nhiên, đó không phải ý nghĩa duy nhất của chữ “i”. Theo ông, “Chữ “i” không chỉ có 1, mà là 5 ý nghĩa khác biệt nhau. Đó là Internet, Individual (cá nhân), Instruct (định hướng), Inform (thông báo) và Inspire (truyền cảm hứng)”.

Không chỉ sử dụng tiền tố “i” cho hầu hết sản phẩm của mình, Apple cũng mang thương hiệu “i” lên hệ thống phần mềm iTunes hay ứng dụng âm nhạc iMusic, iBook,…
Một câu hỏi khác đặt ra là tai sao trong một số sản phẩm của hãng lại không có tiền tố “i” này như Apple Watch hay Apple TV?

Câu trả lời có lẽ là do Apple đã quá quen thuộc với người dùng, việc những sản phẩm mang thiết kế hoặc logo cộp-mác hãng cũng đã đủ thu hút sự chú ý từ người khác.

theo Saostar
HAPPY NEW YEAR 2018





                   Bao lì xì Tết 2018

Video VIỆT NAM CÒN HAY MẤT: Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Giáo Sư Phạm Cao Dương và Kỹ sư Tường Thắng



Nhạc Phẩm VIỆT NAM TÔI ĐÂU, nhạc và lời Nhạc Sĩ Việt Khang chính tác giả trình bày, một nhạc phẩm mang nặng tình đất nước với nỗi đau của một công dân Việt Nam.

Sunday, December 24, 2017

Hàng triệu người ở Việt Nam đổ ra đường mừng Giáng Sinh

Dòng người đổ ra đường quanh khu vực nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong đêm Giáng Sinh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Như những năm gần đây, hàng triệu người không phân biệt tôn giáo ở các thành phố lớn tại Việt Nam đổ ra đường mừng Lễ Giáng Sinh chào mừng ngày Chúa giáng trần.
Các báo lớn tại Việt Nam đều có các bản tin kèm theo rất nhiều hình ảnh và cả video clip về một dịp duy nhất trong năm mà người dân ở các thành phố lớn đổ ra đường vui chơi, mua sắm, gặp gỡ cùng với những thánh lễ nửa đêm tại các nhà thờ Công giáo được trang hoàng đặc biệt rực rỡ mừng ngày Chúa ra đời.
Đặc biệt là hai thành phố lớn nhất nước, Sài Gòn và Hà Nội, nhiều khu vực kẹt cứng người và xe.
VNExpress kể: “Tối 24 Tháng Mười Hai, trời Sài Gòn khá mát. Dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm Sài Gòn đón Giáng sinh khiến các tuyến đường Lê Duẩn, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… tắc nghẽn… Dưới ánh đèn màu rực rỡ, các xe nối đuôi nhau nhích từng chút một. Càng về khuya, lượng xe càng đông. Các bãi giữ xe ở quận 1 nhanh chóng kín chỗ, có nơi thu đến 20,000 đồng một xe máy.”
Theo mô tả của VNExpress, các khu vực chung quanh nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu Bùi Viện các trung tâm thương mại… đông nghẹt người. Người ta thi nhau chụp ảnh kỷ niệm. “Dù nhà thờ Đức Bà đang được quây kín để sửa chữa, nhà thờ cũng không tổ chức hoạt động đón Giáng Sinh như mọi năm, nhưng khu vực này đông người vui chơi nhất.”
VNExpress còn có một phóng sự bằng video clip về một khúc đường dài hơn 3 cây số Phạm Thế Hiển ở quận 8, Sài Gòn được trang trí đèn, hang đá, cây thông, ông già Noel “thu hút rất đông người dân đến vui chơi.”
Lễ Giáng sinh 2017: Nhà thờ lớn Hà Nội chật cứng người, nhiều đường phố xe cộ tắc nghẽn. (Hình: Soha news)
Theo Soha News, ngay từ chiều 24 Tháng Mười Hai, “các tuyến đường lớn của Hà Nội đã đông đúc, tắc nghẽn, đặc biệt tại khu trung tâm quận Hoàn Kiếm, khi hàng ngàn người dân đổ dồn về đây vui chơi, mua sắm. Các trung tâm thương mại lớn như Royal City, Vincom, Lotte Center, Tràng Tiền Plaza… trang hoàng đèn, hoa, ông già Noel, tuần lộc khiến nhiều người dân tụ tập chụp ảnh.”
Đặc biệt khu vực nhà thờ lớn đã có rất đông người đổ về ngay từ chiều để chờ đón Giáng sinh.
Hơn 5 giờ chiều, dọc tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường, Lương Văn Can,… xuất hiện cảnh trẻ em, người lớn, thanh niên… chen nhau chụp ảnh, mua sắm.”
Tại Đà Nẵng, VNExpress kể rằng một cây thông Noel cao 37 mét, cao nhất nước, được làm từ hàng nghìn mảnh pha lê và thắp sáng từ hàng trăm bóng đèn led trong một lễ hội diễn ra từ ngày 22 Tháng Mười Hai, 2017 đến 2 Tháng Giêng, 2018 nhằm thu hút du khách tới đón giáng sinh và năm mới .
Tại Quảng Ninh, tờ Dân Việt cũng mô tả người dân nơi đây “cũng háo hức xuống phố đón Noel” vì“Lễ Giáng Sinh bây giờ không chỉ là của riêng người Công giáo mà trở thành ngày lễ, thành nét đẹp văn hóa của nhiều tầng lớp nhân dân nói chung.”
Vẫn còn đàn áp
Những mô tả kể trên giúp nhà cầm quyền phân bua với thế giới là Việt Nam hoàn toàn có tự do tôn giáo.
Tuy nhiên, mới vài ngày trước, báo mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) đưa các bản tin kèm theo hình ảnh về hàng trăm thành viên “Hội Cờ Đỏ” được công an, cán bộ địa phương hộ tống đến giáo xứ Đông Kiều, thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khủng bố giáo dân khi người ta trang trí hang đá Noel.
Người dân Sài Gòn trong trang phục Ông Già Noel mừng đón Giáng Sinh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
“Nguồn tin của chúng tôi cho biết hàng trăm công an, dân phòng và cảnh sát cơ động kéo đến giáo xứ Đông Kiều và chặn tất cả mọi lối đi ra vào. Mấy ngày nay công an liên tục sách nhiễu và yêu cầu người dân tháo dỡ hàng đá Noel của giáo xứ. Đã có người dân bị ‘côn đồ’ chém bị thương và một thầy giáo đã bị bắn vào đầu.” GNsP kể.
Trước hoạn nạn này, “các linh mục trong giáo hạt Đồng Tháp đã đến hiệp thông dâng lễ và cầu nguyện cho người dân nơi đây. Lãnh đạo huyện đã cảnh cáo ‘nếu giáo xứ không tháo dỡ hang đá thì có chuyện gì xảy ra chúng tôi không chịu trách nhiệm.’” GNsP viết.
Giáo dân và linh mục quản xứ tại một số giáo xứ thuộc giáo phận Vinh lâu nay vẫn bị nhà cầm quyền địa phương khủng bố, sách nhiễu vì tham gia đấu tranh chống công ty Formosa đầu độc biển miền Trung, làm hàng triệu người điêu đứng. (TN)


Kỷ Niệm 30 Năm
Đêm Giáng Sinh Nổi Dậy Ở Trại Suối Máu
– Bùi Quốc Hùng-
Bối cảnh.- Tính từ ngày 26/6/1975 là ngày cuối cùng các sĩ quan cấp uý thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) bị cưỡng bách vô các trại tù tập trung của cộng sản được trí trá dưới mỹ từ “trại cải tạo” đến Lễ Giáng Sinh 25/12/1978, vừa đúng 3 năm 6 tháng.
Trong 3 năm 6 tháng ấy, tất cả quân, dân, cán chánh phụng sự Việt Nam Cộng Hòa đã bị bọn Bắc cộng giam cầm, trả thù, giết hại, làm nhục, đày đọa khổ sai trong hàng trăm các trại tẩy não được thiết lập suốt từ miền Việt Bắc giáp biên giới Việt-Trung đến tận mũi Cà Mau miền Nam.
Tất cả những chiến sĩ VNCH đang bị giam giữ đã hoàn toàn bị thế giới tự do quay mặt, bỏ rơi âm thầm trong quên lãng.
Những chiến sĩ bị tù đày vì đã hiến thân chiến đấu dưới quốc kỳ quốc gia Việt Nam và dưới bóng quân kỳ QLVNCH cho lý tưởng tự do, cho một miền Nam tự do, và trong một ý nghĩa cao cả: những chiến sĩ QLVNCH đã thật sự chiến đấu cho toàn thể Thế Giới Tự Do để ngăn chặn “Làn Sóng Đỏ” của chủ nghĩa cộng sản thế giới, đã “mất tất cả”.
Những chiến sĩ QLVNCH bị giam hãm trong ngục tù hoàn toàn trắng tay: không còn tập thể quân đội, không còn quốc gia, không còn chính phủ, không còn quốc gia bạn, đồng minh; không còn ai bảo vệ, che chở và bênh vực, và nhất là không còn kể cả được bảo vệ bởi công ước Genève về tù, hàng binh.
Những chiến sĩ QLVNCH trong các trại tẩy não man rợ của cộng sản Việt Nam chỉ còn gần nhất là các chiến hữu cùng trong cảnh ngộ lao tù ở trong trại tù nhỏ và gia đình thân yêu của mình ở trong nhà tù lớn được gọi là Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Có chăng, có một “Người” duy nhất còn nhớ đến, không hề lãng quên là Bà Thatcher, Thủ Tướng Anh Quốc. Báo chí thuật lại sau khi Bà Thatcher lên làm Thủ Tướng, trong một cuộc phỏng vấn, Bà Thủ Tướng “Thép” đã trả lời các phóng viên rằngThế Giới Tự Do phải có nghĩa vụ đối với các chiến sĩ đã chiến đấu cho Thế Giới Tự Do. Đó là các chiến sĩ VNCH đang còn bị giam cầm trong các trại tập trung của CSVN và Bà đã đòi phải thả tất cả những người bị giam giữ trong các trại tập trung.Từ bài báo này, tên Thành Tín đã viết một bài đả kích Bà Thủ Tướng Thatcher với lời lẽ hận thù và miệt thị toàn thể chiến sĩ VNCH đang bị giam cầm khi y đặt bút viết “Thả làm sao được khi bọn chúng chưa thuần tính người,”– người viết nhấn mạnh.
TRẠI TÙ SUỐI MÁU TÂN HIỆP
Trại Tù Suối Máu (tên do anh em tù gọi) chính là Trại Cải Tạo Tân Hiệp, ở Biên Hòa.
Anh em tù thường gọi là Trại Suối Máu để nhắc nhở một chiến tích của Sư Đoàn Cọp Biển TQLC Việt Nam đã đánh tan tành một đơn vị cộng quân tại đây trong thời gian Tết Mậu Thân 1968. Máu địch chảy như suối nên có tên là Suối Máu. Dù bọn cai tù cộng sản cấm không được gọi là Trại Suối Máu nhưng anh em tù vẫn gọi.
Trại Suối Máu là một liên trại, có 5 trại, mỗi trại là một K, đánh số từ K1 đến K5 do một Thiếu Tá Công An tên Đào Lượng, gốc miền Trung, là Trưởng Trại.
K1/ SUỐI MÁU
K1 là một khu đất vuông vức có hàng rào kẽm gai dày và kiên cố. Từ cổng vào, phía bên phải ta gặp một ngôi nhà lớn dùng làm hội trường; kế đến là lò bánh mì và dãy nhà bếp. Phía tay trái là một giếng nước, kế đó là sân trại là nơi tập họp, anh em dùng làm sân chơi bóng chuyền. Vào sâu hơn là là ba dãy nhà chia và cách nhau đều đặn, mỗi dãy 6 nhà, tổng cộng là 18 nhà nhốt tù. Dãy nhà đầu tiên từ trái sang phải đánh số từ 1-6, dãy nhà thứ hai từ 7-12 và dãy nhà ba từ 13-18. Mỗi nhà có hai cửa ra vào chính một phía trước và một phía sau. Mỗi nhà giam giữ khoảng trên dưới 50 anh em. Như vậy toàn K1 khoảng chừng gần 1000 anh em. Các K kia số lượng anh em cũng tương tự. Sau dãy nhà ba là một sân sau rộng chạy suốt từ nhà 13 đến nhà 18, anh em dùng làm sân đá bóng mỗi buổi chiều. Sâu hơn một chút chếch về nửa sân bên phải là dãy nhà cầu xây nổi mà anh em gọi là “lăng bác”. Phía sau K1 là K5, bên trái là K2. Rồi K3 và K4. Có một con đường vòng đai chạy chung quanh khuôn viên trại để bọn CA coi trại đi tuần. Hàng ngày, anh em thường đi bách bộ sớm, chiều trên con đường vòng đai này.
Vào khoảng gần cuối năm 1978, một bộ phận khá đông anh em chúng tôi chuyển từ T 5 Hóc Môn về Suối Máu. Đây là đợt chuyển trại cuối cùng của chúng tôi do bọn bộ đội (“bò xanh”) quản lý. Về đến Suối Máu khoảng hơn một tháng thì được thăm nuôi. Ngay sau đó, bọn “bò xanh” phải qua chiến trường Campuchia nên bàn giao cho bọn công an (“bò vàng”) quản lý. Trưởng K1 là viên Trung Uý Công An tên Quỳnh, nói giọng Bắc. Tên Quỳnh khoảng trên dưới 40, người tầm thước, răng hơi “mái tây hiên,” tứ thời mặc một áo chemise trắng ngắn tay, một chiếc quần kaki dài vàng, chân đi đôi săng đan nhựa vàng, thắt lưng da nâu, bên hông đeo một khẩu K54 và đội nón cối vàng, trông y có vẻ văn minh hơn những tên “bò vàng” khác. Mỗi khi tên Quỳnh vào trại, thường có một tiểu đội “bò vàng” súng trường CKC báng đỏ, gắn lưỡi lê đi theo hộ tống.
Vì mới bàn giao, có lẽ còn quá mới mẻ nên quan hệ giữa anh em tù và bọn coi tù cầm chừng, thăm dò lẫn nhau. Ngoài việc điểm danh hàng ngày, lấy thực phẩm, chưa có dấu hiệu sinh hoạt nào khác. Ở trong trại, anh em chúng tôi bắt đầu thành lập Ban Đại Diện gồm các anh ở các quân binh chủng và một Ban Hành Động nhằm mục đích sẵn sàng đáp ứng những tình huống bất ngờ và đạc biệt là bảo vệ lẫn nhau. Cũng trong hoàn cảnh không thể để cho những ai vì lý do nào đó cam tâm phản bội lại anh em nên chẳng bao lâu sau khi “bò vàng” quản lý trại, Ban Hành Động K1 đã có một đợt trừng phạt “ăng ten” dữ dội, nhờ đó chặn đứng hẳn những râu ria trong sinh hoạt thường ngày.
ĐÊM NOEL 25/12/1978
Thấm thoát lại một mùa Giáng Sinh đến với nhân loại, và đây là Lễ Giáng Sinh lần thứ tư trong lao tù của chúng tôi.
Theo quy định của trại từ “bò xanh” đến “bò vàng”, chúng cấm chỉ tuyệt đối mọi lễ nghi tôn giáo, nhưng anh em có đạo vẫn tuỳ theo hoàn cảnh tổ chức lễ Noel trong tù.
Hôm nay, mọi sinh hoạt trong trại trong ngày vẫn bình thường. Từ buổi chiều một số anh đã bắt tay thực hiện một hang đá dã chiến đơn giản bằng giấy vỏ bao ciment bôi nhọ nhồi đen với những nếp nhún khi sắp xếp xen kẽ, chồng chất lên nhau trông không khác gì hang đá thật ngoài đời. Hang đá khá lớn, cao khoảng hơn một mét rưỡi, dựa vô chính giữa vách nhà 15. Cho đến sẩm tối thì công tác thiết trí hang đá hoàn tất. Một bóng đèn điện tròn duy nhất treo trên phần cao chính giữa bên trong nhà 15 được kéo giây luồn ra ngoài, được đặt vào trong hang đá.
Tôi là người ngoại đạo, nhưng tôi rất thích đi nhà thờ và dự Lễ Noel với các bạn thuở còn là học trò. Khi thì đi lễ nhà thờ Tây Ninh với cô bạn học Tuyết Mai, khi thì đi dự Lễ Noel với các bạn Chiến, Thành, Lưỡng, Diên, Mùi ở nhà thờ của Cha Dụ trên trại định cư Tầm Long, Trảng Lớn, Tây Ninh. Vì thế, tôi ở nhà 17 nhưng cứ lẩn quẩn bên cạnh các anh làm hang đá và thầm phục các anh tài hoa, khéo tay đã sáng tạo ra một hang đá thật đẹp và thanh thoát dù chỉ bằng một ít giấy vỏ bao ciment.
Công tác thiết trí hang đá với các mẫu tượng nhỏ của Chúa Hài Đồng, Ba Vua, Máng Cỏ đặt bên trong xong thì trời cũng đã tối. Các anh em không có đạo thì sinh hoạt bình thường, đi dạo bộ hay ở trong nhà. Các anh em có đạo bắt đầu mang ghế cá nhân đến nơi hành lễ. Vì hang đá lập chính giữa bên vách nhà 15 nên các anh em xếp ghế ngồi hai bên đường đi giữa nhà 15 và nhà 16, mặt hướng thẳng ra cổng trại, xuyên suốt qua các nhà 9 và 10 dãy 2 và nhà 3 và 4 dãy 1.
Buổi Lễ bắt đầu khoảng 10 giờ đêm với ước chừng trên 5 chục anh em tham dự. Tôi đứng ngay sau lưng các anh, nhưng ở phía khoảng trống giữa hai nhà 15 và nhà 16 xem các anh làm lễ và nghe các anh đọc kinh.
Thình lình, từ hướng sau nhà 13 bên trái ào đến toán “bò vàng” đi tuần, theo như thông lệ, tên Trung Uý Quỳnh Trưởng K1 đi đầu, theo sau là một tiểu đội 10 tên “bò vàng”, súng CKC cầm tay có gắn lưỡi lê ập tới. Rất nhanh, toán “bò vàng” đi vào nơi anh em đang làm lễ. Tên Quỳnh la lên: “Ai cho các anh tụ họp làm lễ. Giải tán! Giải tán! Giải tán ngay!” Rất nhanh, anh em chưa kịp ra khỏi con đường giữa hai nhà thì toán “bò vàng” đi tuần đã rút thật nhanh qua hai nhà 9 -10 và 3 – 4 ra ngoài trại mà không có điều gì xảy ra.
Một số nhỏ vài anh trở vô nhà của mình, phần còn lại, các anh tiếp tục cuộc lễ đang dở dang. Không ngờ, khoảng nửa giờ sau, tên Quỳnh lại dẫn toán “bò vàng” đi tuần trở vào lần thứ nhì. Đi như chạy, bọn chúng ập vô nơi anh em đang làm lễ. Tên Quỳnh la lên: ” Tại sao không giải tán? Tại sao không giải tán? Bắt lấy nó!” Các anh giạt ra hai bên tiến về phía trước, bọn vệ binh xô đẩy, nổ súng và chụp một vài anh lôi đi. Ngay khi tiếng súng nổ, tôi nghe có tiếng thét: “Giết nó!” cùng tiếng chân chạy sầm sập đàng sau lưng. Tôi liên tưởng đến đổ máu. Nói thì lâu nhưng diễn biến thì chỉ trong tích tắc, một số anh em bên K5 đã vượt qua hàng rào kẽm gai để qua bên này với chúng tôi. Nhưng cũng rất nhanh, toán “bò vàng” bắt theo mấy anh đã ra tới cổng trại rồi khóa chặt cổng lại. Ngay sau đó, được biết có ba anh đã bị bọn chúng bắt ra ngoài trại là các anh Rĩnh, Hoàng và Bé. Một số anh em vô nhà chuẩn bị đi ngủ, nhưng các anh trong Ban Hành Động quyết định biểu tình bất bạo động trong trại để đòi bọn “bò vàng” phải trả anh bị chúng bắt vô trại. Một lệnh được đưa ra ngay lập tức và được thực hiện ngay là một toán các anh đi từng nhà yêu cầu tất cả các anh em ở trong nhà còn thức hay ngủ, dù bịnh cũng phải ra sân chơi bóng chuyền tập họp. Khi cuộc tập họp đã đầu đủ, toàn thể 18 nhà bỏ trống, Ban Hành Động bắt loa tay yêu cầu trả ba anh em bị bắt vào trại.
Phía ngoài trại, bọn “bò vàng” dùng loa trả lời: “Nhà cầm quyền trại yêu cầu các anh em giải tán. Ai về nhà nấy. Ngày mai trại sẽ thả các anh bị bắt.” Anh đại diện nói vọng ra trả lời : ” Chúng tôi chỉ giải tán khi ba anh em chúng tôi được trả vô trại.” Lời qua tiếng lại không bên nào chịu bên nào. Ba lần bọn chúng yêu cầu chúng tôi giải tán, ba lần chúng tôi yêu cầu thả anh em chúng tôi bị bắt trở vô trại. Lúc đó vào khoảng 11 giờ đêm Giáng Sinh.
Tình hình căng thẳng lên, phía ngoài trại cách một mặt đường là khu đóng quân và nhà làm việc của bọn “bò vàng”. Bọn chúng la hét, rồi nhảy xuống giao thông hào và hố chiến đấu cá nhân dọc theo bên đường. Tiếng súng lên đạn nghe rõ mồn một. Các loại súng chĩa thẳng vô chúng tôi trong trại. Có tiếng di chuyển ầm ì của chiến xa từ xa vọng lại và các đơn vị địa phương và cơ động được điều động tới. Chúng tôi không nao núng, chờ đợi những diễn tiến xảy đến, kể cả có thể phải chịu cuộc tắm máu của bọn cuồng sát đêm nay.
Rồi thì sương đêm bắt đầu thấm lạnh, trong không gian u tịch của trại tù K1 Suối Máu, Khu Tân Hiệp, Biên Hòa, một ai đó trong anh em chúng tôi, trong cảnh khốn cùng tù đày khởi sự hát lên bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc “Đêm đông lạnh lẽo” của Hải Linh. Tiếng hát trầm ấm cất lên – “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời. Nằm trong hang đá nơi máng lừa.” Rồi thì một số anh em cùng hát theo “Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng,” và rồi cả trại cất cao tiếng hát vang vang trong không gian bao la của khu vực Tân Hiệp, tiếng hát vang lên không trung “Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng. Đàn hát, xướng ca dư âm vang xa. Đây Chúa Thiên Tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi hãy kíp bước tới đến xem nơi hang Belem ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn dương trần. Người đem ơn phước xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Belem Thiên Thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa? Tan giá đêm đông ấm thân con người. Nơi hang Belem huy hoàng ánh sao. Thiên Chúa nhân duyên xuống ơn chan hòa.” Cứ thế chúng tôi không phân biệt lương, giáo, tiếp tục hát và như một chuyển động giây chuyền, phía sau chúng tôi anh em bên K5 ra sân cùng hát, bên K2 rồi K3 và K4 cũng hòa nhập với chúng tôi cất cao lời hát. Bấy giờ thì cả chúng tôi ở 5 K đều tụ họp ngoài sân trại và cùng đồng thanh hát bản thánh ca “Đêm đông lạnh lẽo” để “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình An dưới thế cho người thiện tâm.”
Trong đêm Giáng Sinh này, chúng tôi những chiến sĩ VNCH trong lao tù cộng sản ở Trại Suối Máu, Tân Hiệp, đã có dịp chứng tỏ sức mạnh của sự đoàn kết, chúng tôi không khiếp nhược trước bạo lực. Chúng tôi say sưa hát để biểu dương tình người, tình chiến hữu. Nếu Thiên Chúa xuống dương trần đễ đem ơn phước cho người lầm than thì tại sao những anh em chúng tôi chỉ vì biểu lộ đức tin mà bị đối xử thô bạo. Các anh có thể bị tra tấn, đánh đập bằng đòn thù; các anh sẽ bị nhốt vào connex, những container bằng sắt đêm lạnh tê người và ngày nóng cháy da.
Có lẽ chưa có một ca đoàn nào có một ban hợp ca vĩ đại như ca đoàn liên K ở trại tù Suối Máu trong đêm Giáng sinh 1978 và đáng được đưa vào sách ghi kỷ lục Guinness.
Sương rơi ướt bờ vai, thấm lạnh thật sự. Chúng tôi vẫn hát chỉ một bản duy nhất “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời. Nằm trong hang đá nơi máng lừa.”Những điệp khúc vang lên êm đềm, tha thiết sưởi ấm lòng người xa nhà, xa người thân yêu trong một đêm Chúa giáng sinh trong một tình cảnh vô vọng “Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa? Tan giá đêm đông ấm thân con người.”
Cứ như thế, thời giờ đã qua nửa đêm về sáng, bất ngờ ngoài trại có tiếng loa: “Nhà cầm quyền trại yêu cầu các anh em giải tán, ai về nhà nấy. Ba anh em sẽ được thả vào trại.” Chúng tôi ngừng hát. Quả nhiên, cổng trại có ánh đèn pin chiếu, cổng mở và ba anh Rĩnh, Hoàng và Bé bước vô trại. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ cùng reo lên trong một thắng lợi ngoạn mục không ngờ. Liền sau đó, chúng tôi tản hàng trở về nhà ngủ.
Anh em ở các K bạn cũng giải tán trong im lặng.
Thời gian trôi qua thật mau, Mới đó mà đã 30 mùa Giáng Sinh trôi qua kể từ đêm Giáng Sinh năm xưa ở trại tù Suối Máu. Mỗi khi mùa giáng Sinh về, trong tôi ký ức về một đêm Lễ Giáng Sinh tràn đầy nhân bản, tình chiến hữu lại tỏa sáng. Đây có lẽ là cuộc tranh đấu độc nhất trong lịch sử lao tù của cộng sản chỉ bằng đêm hát nhạc thánh ca ôn hòa nhưng đầy hào hùng và đem lại thành công tuyệt đẹp.
Dưới trời mưa tuyết đầy băng giá nơi vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, trong mùa Giáng Sinh này, tôi xin thắp một nén nhang tưởng niệm đến các bạn đã trở thành “người của cõi vĩnh hằng” như Bạn Vinh/QC/nhà16; Đỗ Văn Phố/LBPV/ PTT, Bùi Văn Thanh/KQ/nhà17. Để tặng các bạn ở trại tù Suối Máu, và đặc biệt các bạn lưu lạc bốn phương trời: Huỳnh Lê Phi Hùng/ ANTB/ BTLKQ/Saigon; Phạm Văn Đức/ANQĐ, Nguyễn Văn Phước/ANHQ/Paris. Đặng Ngọc Trung/ANQĐ, Hùng (tay trái) Cali; Đại Đức Tuyên Uý Đối/BĐQ, Dương Cự/QP, và các bạn Sĩ, Vinh, Mùi, Lợi?
Tacoma-Washington, Mùa Giáng Sinh 2008
Bùi Quốc Hùng


MÙA NOEL KỶ NIỆM.
 
anh-dien-giang-sinh-9
Chiều tối qua, tôi lấy xe máy chở cháu ngoại dạo một vòng quanh phố chợ Biên Hòa. Những ngày cuối năm, trời mau sụp tối. Phố đã lên đèn. Công viên bờ sông Đồng Nai bắt đầu nhộn nhịp. Từng đôi chầm chập thả bộ dọc theo công viên. Trên ghế đá từng cặp nam nữ đang chụm đầu vào nhau. Trên xe máy họ đang nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ đôi tay. Họ đang yêu nhau. Gió sông lành lạnh thổi lên. Xa xa, những chùm dây điện giăng giăng, chớp nháy những hình tượng ngôi sao, cây thông giáng sinh nhiều màu rực rỡ. Ngày Chúa giáng sinh sắp cận kề. Mùa noel kỷ niệm 1972 lại hiện về trong tâm trí của tôi.

Những ngày cuối tháng 11/1972, các khóa SVSQ chúng tôi đi chiến dịch tuyên truyền về cuộc ngưng bắn sắp diễn ra. Tôi công tác ở xã Thới An Đông, Cần Thơ, cùng với Nguyễn Văn Ly, chuẩn uý Nguễn Văn Á. Sau này còn có Trần Thanh Nguyên tăng cường. Thới An Đông là một xã nửa quê, nửa chợ. SôngTrà Nóc chảy bọc quanh xã, rồi đổ ra sông Hậu. Tỉnh lộ 72, quốc lộ 91 bây giờ, chạy cắt ngang qua và kéo dài đến tận Châu Đốc. Bên kia sông là phi trường quân sự Trà Nóc. Trụ sở xã nằm cặp theo sông, cách cầu Trà Nóc hơn 1 cây số.


 Bác gái tôi quê ở Trà Ôn. Em rể bác, gia đình chúng tôi gọi là dượng ba. Những ngày đầu tháng 12, dượng ba lên Biên Hoà để thăm chị vợ và các cháu . Hôm trước ngày về quê, dượng ba có đến thăm ba má tôi.

- Tôi ở chơi một hai hôm nửa rồi về. Nghe nói anh chị ba định đi thăm cháu Luận. Sẵn tiện, anh chị theo tôi đến Cần Thơ. Tôi chỉ đường cho anh chị lên Trà Nóc. Sau đó tôi ra bến Ninh Kiều đón tàu đò về Trà Ôn.

 Ba tôi thấy thuận tiện nên đồng ý, vì từ đó đến giờ ông chưa lần nào đi Miền Tây. Ở nhà khởi hành khoảng 4-5 giờ sáng. Đến trưa ba tôi đã có mặt ở trụ sở xã. Vì đã có điện báo trước, khi đi công tác về, tôi vội chạy qua để gặp cha mình. Bốn anh em chúng tôi ở bên Cuộc cảnh sát quốc gia, gần phòng máy. Tình hình các xã xung quanh có diễn biến gì chúng tôi đều nắm được. Sau một đêm hàn uyên, sáng hôm sau tôi đưa cha mình ra lộ để đón xe lên Cần Thơ, rồi về Biên Hoà. Hôm đó ở tỉnh Cần Thơ có tổ chức mít-tinh, đường xá nhộn nhịp hẳn lên. Trước khi chia tay, tôi cầm lấy tay cha và căn dặn :
- Khoảng 20, 21 tây, ba nói với mấy em đánh điện tín để con xin phép về thăm gia đình.
 Thật sự là tôi muốn có phép để về chung vui với bạn bè ở Biên Hòa .
 Chiều 22/12 khi đi công tác ở ấp về, anh văn thư xã qua trao bức điện tín cho tôi.
- BA BỊ TAI NẠN XE CỘ. GÃY CHÂN. NẶNG. XIN VỀ PHÉP.

 Đọc xong nội dung, tôi hơi bàng hoàng. Có lẽ vì muốn có ép phê, nên em gái tôi mới viết như vậy .

 Sáng 23/12/1972, sau khi tờ đơn được trình qua xã và chuẩn uý Á, tôi đáp xe đò lên quận để xin phép. Phải theo hệ thống quân giai. Chi khu cách xã hơn 10 cây số, về hướng Thốt Nốt. Hồi trước là quận Phong Phú, bây giờ là quận Ô Môn. Đến chiều, chi khu trưởng mới duyệt đơn cho tôi. Hồi đó, tôi quên là ngày 24-12, đêm noel, nhằm vào chủ nhật. Ngày chủ nhật được nghỉ, về tỉnh chơi, tôi mặc quân phục chỉnh tề, đem theo tờ đơn để trình ký luôn. Nếu có phép trong ngày thì sẽ có một đêm noel vui vẻ. Nếu không, ngày thứ hai về cũng được.

 Khoảng 9h sáng, tôi vào tiểu khu, đến phòng văn thư. Đón tôi là một viên thượng sĩ già. Sau khi đọc xong hồ sơ, ông nhìn tôi và mỉm cười.
- Chuẩn uý đến hơi trễ một chút. Đại tá đã đi ra ngoài bằng xe jeep. Tờ đơn của chuẩn úy tôi đặt ở bàn làm việc. Nếu đại tá về, ký xong tôi đưa cho chuẩn úy về kịp tối nay.

 Ông ta hiểu ẩn ý của tôi. Lúc đó tôi cảm thấy thời gian sao lâu quá. Ngồi lên ngồi xuống, đi tới đi lui. Hết giờ làm việc buổi sáng. Tôi thả bộ ra bến Ninh Kiều, gặm một ổ bánh mì, uống ly trà đá để rồi vào chờ đợi tiếp. Khoảng 3 giờ chiều, viên thượng sĩ ra gặp tôi với nét mặt hân hoan.
- Đại tá đã duyệt đơn của ông xong rồi đó. Tôi đánh máy tờ phép, ổng ký, vào sổ, là chuẩn uý sẽ về kịp.

 Còn gì vui sướng cho bằng. 4h chiều tôi qua phà, lên bờ Vĩnh Long, đón xe tốc hành thẳng tiến về Sài Gòn. Không hiểu sau lúc đó tôi lì lợm quá. Dường như có cái gì thôi thúc. Trên xe tôi vẫn mặc nguyên bộ quân phục. Đoạn đường từ Cái Bè đên Cai Lậy, chiều tối VC thường ra chặn xe đò, sau khi thiết vận xa M113 của SĐ7 nằm án ngữ đã rút về căn cứ.
 Hơn 8h tối, xe đò về đến bến xe Miền Tây. Tôi đón xe buýt vào thành phố , nhà thờ ngã sáu Chợ Lớn người ta đã bắt đầu đi lễ . Giờ đó xe đò Liên Hiệp không còn. Tôi phải đến bến xe Nguyễn Hoàng, đường Trần Phú bây giờ, để đón xe lô về Biên Hoà. Xe chạy theo hướng xa lộ, đến ngã ba Tam Hiệp, qua Tân Mai, rồi bỏ khách ở cây xăng Sáu Sử Biên Hùng. Về đến đó khoảng 10h đêm, tôi định đón xe người quen để về nhà.
- Anh Tuấn, cho em quá giang về nhà.
- Mày đi đâu mà giờ này còn ở đây?
- Em ở Cần Thơ mới về.
- Lên xe , tao chở về.
 Anh Tuấn là người cùng xóm, đi lính không quân, là anh rể hụt của tôi. Bác hai tôi có người con gái thứ năm, tên Xuyến, cùng tuổi tôi. Mẹ tôi nói.
- Con Xuyến sinh ngày rằm tháng mười, mày sinh ngày ba mươi.
 Cách đây 4 năm, mẹ tôi cũng mất vào ngày rằm tháng mười .

 Chị ấy đẹp người đẹp nết, anh Tuấn mê mẫn tâm hồn. Khoảng 1970 cả giả đình bác tôi vào tu ở cùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ. Anh ấy lỡ mộng yêu đương.
Xe vừa ra khỏi cầu Gành , hướng ngược lại phải chờ đèn đỏ. Tôi thấy một chiếc Toyota màu cà phê sữa. Tâm nhũi mày cầm lái đó sao?
- Anh Tuấn cho em xuống để đi chơi với mấy đứa bạn. Anh đừng nói với nhà em là em có về.
 Trên xe còn có Tâm con, nó là sinh viên Sĩ Quan cảnh sát Thủ Đức, còn mặc nguyên bộ lễ phục. Nó không vào trường, mà ở lại ham vui với bạn bè. Có Nguyệt là em nó, em Thu, em Hằng. Tâm nhũi chở bọn tôi đi vòng lên mấy xứ đạo xem đèn. Dù đất nước đang chiến tranh, giáo dân đón mừng ngày Chúa giáng sinh long trọng và hoành tráng lắm. Các nhà thờ đều treo đèn sặc sỡ, có hình tượng Chúa cứu thế nằm trong máng cỏ. Sau đó nó đưa bọn tôi đến nhà bạn Chánh, có em gái tên Nga, nhà ở Hãng Dầu để dự tiệc. Cả gia đình này đang định cư ở Úc. Gần 2h sáng, tôi theo Tâm nhũi về nhà ở Tân Vạn để ngủ.
Sáng sớm, em trai tôi đã đem xe máy đến chở tôi về. Vừa bước vào nhà, mẹ tôi đã la rầy, cằn nhằn.
- Mày biểu tụi nó đánh điện tín trù ba mày chết. Về đến Biên Hòa rồi còn không chịu về nhà. Bận bộ đồ lính đi khắp phố, bộ khoe hả?
 Tôi lầm lũi vào nhà thay quần áo.
 Chiều tối tôi ra ngồi trước hiên nhà. Nhà em sao vắng lặng quá, em đâu sao không thấy? Hiểu ý anh trai, em gái tôi ra gợi chuyện.
- Anh biết chuyện gì chưa?
- Anh mới về nhà, có biết gì đâu?
- Hôm kia, 23/12, đám hỏi chị Liên đó.
 Tôi nghe như sét đánh ngang tai, đầu óc quay cuồng.
- Thôi anh đừng buồn chị ấy. Ba chị đã mất, má chị cũng lâm bệnh. Chị là con út , chị vâng lời má lấy chồng, để má chị có bề gì cũng toại nguyện. Phía chồng chị ấy cũng khá lắm.
 Mấy mùa thi cử, để giảm stress, khuya tối tôi thường ra trước hiên nhà nhìn sang, rồi qua nói chuyện bâng quơ. Mắt đã trao nhưng tình chưa dám ngỏ. Rồi tôi vào Thủ Đức,chờ ngày ra đơn vị sẽ đặt vấn đề.Bây giờ ván đã đóng
thuyền.Tối hôm sau tôi cùng bạn bè đến cà-phê Tuyệt uống cà- phê, nghe nhạc . Từ dàn máy A Kai, giọng ca Lệ Thu trầm buồn cất lên bài RU CON TÌNH CŨ. Tôi đặt điếu thuốc lên môi, bật lửa .
- Mày nay cũng hút thuốc sao?
- Buồn.
 Tôi kể cho bạn bè nghe. Tất cả đều im lặng. Không ồn ào huyên náo như những lần về phép trước. Hôm sau, tôi trở lại Thới An Đông. Gặp tôi, Ly nói chuyện vồn vả.
- Hôm thứ hai, đội văn nghệ xã đi dự hội thi ở Cần Thơ . Có cả đài truyền hình đến ghi hình. Đội của mình đoạt giải nhất.
 Dù có đoạt giải đặc biệt tôi cũng không cần biết đến.
 Rồi bọn tôi trở lại quân trường , chờ ngày ngưng bắn . Hy vọng sẽ xuất ngũ để trở lại giảng đường. Rồi gần Tết, em sang sông.

 Thuyền hoa một chuyến em rời bến.
Ta đứng nhìn theo đến não lòng.
Mười hai bến nước sông sâu cạn.
Đưa em về bến đục hay trong?.


 Rồi tôi ra đơn vị. Những tháng ngày gian khổ hiểm nguy rình rập. Lúc suy tư tôi nghĩ về em. Những bài thơ lần lượt ra đời, nhờ quân bưu chuyển đến báo Tiền Tuyến , Bút Thép.
 Tôi có người anh họ có sạp báo lớn ở ngã tư Chợ Đồn. Một tối nọ, anh cầm tờ báo đến đưa cho mấy đứa em tôi xem.
- Bài thì đề tựa về Chợ Đồn, dưới ký tên người đất Vĩnh, lại gửi tặng Liên. Nó chứ ai .
Ta về phố Chợ Đồn xưa.
Tay đong nước mắt cho vừa nhớ thương.
Từ ta đánh vỡ thiên đường.
Trái si mê rụng, nghe vương vấn sầu.

Em về khoát áo cô dâu.
Mình ta đếm bước qua cầu đắng cay.
Mây trên đỉnh núi còn bay.
Nghìn năm ta vẫn mơ hoài dáng Liên.

Ta xa phố thị hoa đèn.
Tay ôm thép súng lên miền đảo hoang.
Ở đây gió núi trăng ngàn.
Đêm ru nổi nhớ, đốt vàng tuổi ta.

-
Về Chợ Đồn yêu dấu.-

 Em về ngủ giữa tay người.
Se sua màu áo cho đời lên cao.
Ta nghe hồn bổng xôn xao.
Ân tình xưa cũ tiêu dao tháng ngày.

Ta ôm mộng giữa tầm tay.
Mộng đời tan vỡ ta say say buồn.
Trời thu lá đổ muôn phương.
Đêm ta quét lá dọn đường em đi.

Bây giờ còn lại những gì.
Ngày mai em đã vu qui theo chồng.
Em vui bên xác pháo hồng.
Ta ôm nước mắt đi rong giữa đời.

Giờ xin trả lại cho người.
Bờ mi, ánh mắt, tiếng cười ngày xưa.
Ta đi giữa cuộc gió mưa.
Trong tay nổi nhớ, phân bua cuộc tình.

 -Lục bát ca buồn.-

Ta bên một túi thơ đầy.
Nửa bi-đông rượu để say quên đời.
Trong ta máu đỏ ngừng trôi.
Rượu say, say tỉnh nghe đời ngã nghiêng.

Tay trăm nhánh mọc ưu phiền.
Đong đưa nổi nhớ lên triền lũng cao.
Bây giờ tình ái xanh xao.
Tay đan nước mắt, ta đào mộ ta.

 -Thơ say.-
 

 Những bài thơ lần lượt được em gái tôi cắt lại để vào hộc tủ. Tết năm sau, em đã ngồi tựa cửa ôm con. Rồi ngày 21/4/75, tôi lập gia đình. Rồi vào tù. Rồi ra trại. Em gái tôi trao lại cho tôi những bài thơ, giấy đã úa màu .
- Anh giữ làm kỷ niệm.

 Tôi lựa ra 3 bài nói về em, cất trong ngăn bóp. Em đã tay mang tay dắt. Gặp tôi em hỏi chuyện. Tôi hỏi thăm về anh Nghĩa, anh trai của em, bạn chung thời tiểu học. Chào hỏi vài câu, tôi cáo từ. Tôi không muốn hạnh phúc gia đình em đổ vỡ. Tôi không muốn gia đình tôi bất hòa.
 Có lần tôi đi Chợ Lớn lấy hàng hoá về bán, nhà hết cơm. Vợ tôi kêu con gái lại bảo.
- Con lấy tô, lên má Liên mua tô bánh canh. Nhớ nói là cho ổng ăn... nhe.... nhe ...
 Tôi cười. Vợ tôi cười. Con tôi cũng cười. Cả nhà ta vui vẻ.

 Rồi ngày tháng dần trôi, cháu ngoại em nay đã vào lớp 9. Cháu ngoại tôi cũng chuẩn bị vào lớp1. Gặp tôi, em nở nụ cười và gật đầu chào. Tôi đáp lại. Gặp nhau chẳng biết nói năng gì?. Tôi định chép lại những bài thơ để tặng em. Chắc ngày xưa em có đọc, nhưng bây giờ không còn nhớ. Nếu em có địa chỉ email thì hay quá.
 Riêng tôi , tôi đã thuộc lòng từ 38 năm qua. Mỗi ngày qua là một kỷ niệm.
Kỷ niệm ơi! Mi mãi theo ta đến hết cuộc đời. Em bây giờ có còn ngồi tựa cửa ru con ?
 BA NĂM QUA EM TRỞ THÀNH THIẾU PHỤ.
 NGỒI RU CON NHƯ RU TÌNH SẦU.
 XIN MỘT ĐỜI NGỦ YÊN DĨ VÃNG.
 XIN MỘT ĐỜI TA MÃI YÊU NHAU.
 XIN ĐỪNG BUỒN EM NỮA ANH ƠI ! 
 (Ru con tình cũ)

Viết đến đây, xúc động quá, tôi không thể viết tiếp.
Máy hát nhà ai vang lên bài Giáng Sinh buồn.

Viết cho mùa noel kỷ niệm 1972.
Biên Hòa, tháng 12/2010.
Đỗ công Luận, CHS K.08.NQ.


Friday, December 22, 2017

Bức Thư Paris (Võ Văn Ca)

Anh Kiệt thân mến ,
Cám ơn anh đã cho đăng ngay bức thư htawm hỏi và chúc lành Noel 2017 của tôi gởi đến bạn bè. Nhân dịp này tôi cũng có mở
Website của anh Đỗ Hữu Phương gắn liền trong Trang Mạn LLS3 của anh, do đó tôi biết anh Phương cũng đã góp công cùng anh để giữ mối dây liên lạc cùng ACE mình, khi tờ NS của BĐGT đã đình bản. Xin nhiệt tình hoan nghênh các anh .Biết chắc rằng Trang Mạn LLS3 sẽ bị hạn chế 1 số ACE vì không thích rắc rối mở Internet để tìm đọc "LLS3". Lấy làm tiếc về sụ việc thiếu vắng 1 số "bạn đọc người nhà" .Thế nhưng các anh vẫn kiên nhẫn, yên tâm tiếp tục giữ lấy Trang Mạn LLS3 như là một trác nhiệm cần thiết phải thực hiện khi các anh có điều kiện .
Dạo này sức khỏe tôi có phần sút kém nên việc viết lách cũng bị hạn chế nhiều , không thể đóng góp cùng các anh như khi trước đây, khi mà tờ NS của Trường Phái Bạch Đằng còn hiên hữu trên cộng đồng chiến hữu và đòng nghiệp của chúng mình.
Còn chút tàn lực xin nguệch ngoạc mấy chữ gọi là để có mặt cùng anh em trênn "Web Side Story" của anh em mình.(Web Side
Story là tên nháy của Đài TV Pháp theo cái tựa chính có thể là Ouest Side Story).
Sau đây là bài viết của tôi .

Bức thư PARIS
Các anh chị em thân mến,
Mùa Noel này tôi có nhận được một thiệp chúc mừng Noel của một ông bạn người Pháp. Ông ta là Giáo Sư Kinh Tế của Trường Đại Học Tài Chánh và Kế Toán Paris . Tôi quen thân ông ta khi tôi vào làm ở Trường này . Kèm theo Thiệp Chúc Noel , ông ta gởi cho tôi một bản trích băng tiếng Pháp về những ý kiến của một nhóm Phụ Nữ Phương Tây có lập trường chông đối Nam Giới với một giọng văn châm biếm , tàn độc, thái quá để ủng hộ "Phong Trào Đòi Quyền Phụ Nữ".
Tôi xin được phỏng dịch ra đây để ACE cùng đọc cho vui trong những ngày "năm tàn tháng lụn".
                     CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ
1/ Có điều gì khác nhau giữa Đàn Ông và cái cravate và sợi dây nịch ?
 Cái cravate là để phục vụ hay làm đẹp cái cổ . Dây nịch là dể phục vụ cái eo .
 Còn Đàn Ông thì chả phục vụ được cái gì và cũng chẳng làm được một cái gì xem cho hay .

2/ Tại sao Đàn Ông đeo chiếc cravate?
Vì chiếc cravate là để thay thế cái dây dẫn chó khi anh ta lẻo đẻo theo sau người đàn bà để xem cho đở tồi !

3/ Có điều gì chung nhất cho một người đàn ông và một con chó ?
Cả 2 chỉ biết "chơi" với cái đuôi của mình .

4/ Người đàn ông chẳng khác nào các loại xăng bán ở cây xăng .
Vì nó như thế này:
a- Từ dưới chân cho đến thắt lưng là loại "super".
b- Từ thắt lưng cho đến cái vai là loại "thường" (ordinaire).
c- Từ vai cho đến cái đầu là loại "sans plomb" , tức lạ loại ngờ nghệch, đần độn vì tiếng Pháp có một thành ngữ "n'avoir pas
    (sans) de plomb dans la tête có nghĩa là nhẹ dạ , ngờ nghệch).
 5/ Người đàn ông như một chữ Q .
Đúng thế , ông ta là một con O to tướng, lại đeo lòng thòng một cái đuôi nhỏ, giống chữ Q .

6/ Trời sinh ra người đàn bà vừa đẹp lại vừa dại dột .
Đẹp để người đàn ông có thể yêu họ .
Dại dột để người đàn bà yêu được người đàn ông .

7/ Tại sao bây giờ người đàn bà không còn muốn kết hôn với đàn ông .
Bởi vì bà ta thấy mấy miếng jammbon trong tủ lạnh còn có gia trị hơn là nguyên một con heo to tướng ngồi chểm chệ trong salon .

8/ Sự khác nhau giữa đàn ông và một tách cà phê ?
Chẳng có gì khác . Cả 2 chỉ để làm kích thích thần kinh .

9/ Có gì khác nhau giữa người đàn ông và 1 cơn bão tuyết ?
Không có gì khac cả . Người ta không biết cả 2 sẽ tăng thêm bao nhiêu centimètre và cả 2 sẽ kéo dài bao lâu .

10/ Tại sao những người đàn ông huýt sáo (hút gió) hay hơn những người đàn bà ?
Vì những anh chàng này có bộ óc nhỏ như con chim .

11/ Người đàn ông không khác nào một con ếch .
Bởi vì cả 2 chỉ chực có dịp là "thót lên" hay nhảy lên (sauter).

12/ Người đàn ông không khác gì cài may "Vidéo" .
Mới đầu là "đút casette vô" , rồi cho "chạy tới" (avance), chạy lui (recule) , chạy tới, chạy lui . Một chập thì ngừng (stop) và bắn ra (éject ), rồi rút ra (retirer la casette).

12/ Người ta gọi một người đàn ông mất sự thông minh là gì ?
Đó là người đàn ông góa vợ, vì vợ là trí thông minh của ông ta .

13/ Tại sao những người đàn ông như những chổ đậu xe trong "parking " ?
Bởi vì những chổ tốt đều đã bị giành lấy rồi . Những cài còn lại đều là chổ tồi , chổ dơ hay hư hại v.v...

14/ Cái khác nhau giữa người đàn ông và bịnh cancer ?
Bịnh cancer thì nó phát triển . Còn đàn ông thì trơ trơ , ù lì , không thấy gì thay đổi cho khác hơn .

Tôi xin được tạm dừng ở đây . Hẹn khi khác , nếu tôi còn có điều kiện về sức khỏe và thời gian .
Võ Văn Ca .