Cựu
Thiếu Tá tình báo Nguyễn Thanh Thủy: “Ông xã tôi nói sao tôi nặng nợ
với thế gian này nhiều quá!” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cái nghề là cái nghiệp
Xuất
thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng
cảnh sát, thế nhưng, hình ảnh nữ y tá duy nhất, Genevieve de Galard,
người Pháp, “còn trẻ măng, chưa có gia đình” tham gia trong chiến tranh
Ðiện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé
Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi.
“Tôi thích đi lính từ đó,” cô kể.
Sau
khi đỗ tú tài 2 ở trường trung học Mỹ Tho, Thủy không thể theo học Ðại
Học Dược bởi lý do sức khỏe. Thay vào đó, Thủy chọn trường Chính Trị
Kinh Doanh Ðà Lạt, và trường Sư Phạm Công Giáo.
Tuy
nhiên, khi sắp sửa tốt nghiệp thì bên cảnh sát tuyển “sinh viên sĩ
quan.” “Vậy là tôi ghi tên dự thi. Lúc đó tôi 21 tuổi.” Cựu thiếu tá
tình báo tiếp tục.
Bỏ ngang chuyện học ở Ðà Lạt, đầu năm 1966, Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.
Sau
một năm huấn luyện, người ta muốn chọn ra năm trong số 18 cô gái được
tuyển vào chương trình “biên tập viên cảnh sát” (tức những người phải có
bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào “khối đặc biệt.” Tuy nhiên,
không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy.
“Thế
là, Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia khi đó, ra
lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối đặc biệt.” Cô
nhớ lại.
Sau
khóa huấn luyện đặc biệt, “Biệt Ðội Thiên Nga” được thành lập vào tháng
8, 1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên.
Và, Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những “thiên nga” đầu tiên.
Năm
1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng
đội nữ tình báo cho đến ngày bị bắt vào tháng 5, 1975.
Biệt
đội trưởng Biệt Ðội Thiên Nga năm xưa chậm rãi nhận xét: “Tên tôi, số
phận tôi gắn liền với Biệt Ðội Thiên Nga nên tôi mới lãnh 13 năm tù và
không ít lần tưởng mình khó thoát được lưỡi tử thần trong thời gian đó.
Nhưng nếu chọn lại, tôi vẫn chọn làm tình báo bởi cho dù có những lúc
khó khăn, cô độc, nhưng đây là nghề luôn luôn mới, công việc ngày hôm
nay không hề giống nhau ngày hôm qua.”
'Không nói thật, không bạn bè, không chia sẻ'
Nghe
đội trưởng “Biệt Ðội Thiên Nga” kể lại những năm tháng hoạt động của
mình, những cách thức tìm hiểu, móc nối, tiếp xúc, đối đầu, xây dựng, tổ
chức cả một mạng lưới tình báo “thiên nga” ở khắp mọi nơi, tôi khẽ hỏi:
“Làm công việc này, cô có thấy mình đã phải có một sự đánh đổi lớn
không?”
Sau
vài giây im lặng, cô nói: “Thì đánh đổi cho đến ngày ba tôi mất, năm
1986, lúc tôi còn ở tù, tôi cũng chưa nói rõ ràng với ba tôi là tôi làm
cái gì.”
Dường
như niềm u uẩn được gợi ra quá bất ngờ, sau một thoáng tư lự, người phụ
nữ mà tên tuổi một thời là mối âu lo của kẻ thù, là sự ngưỡng mộ của
nhiều người, chậm rãi kể về những tâm tư chưa từng giãi bày bằng giọng
run run.
Không
ai trong gia đình, kể cả chồng cô, biết Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy là
một “thiên nga,” và hơn thế nữa, là người chỉ huy của những nữ tình báo
trong biệt đội “Thiên Nga.”
Người cha, một thầy giáo dạy học, chỉ biết con mình là một thiếu tá cảnh sát.
Người
chồng, một sĩ quan xuất thân Võ Bị Ðà Lạt, chỉ biết vợ mình làm ở khối
đặc biệt nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì.
Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở trường trung học cảnh sát Trung Thu.
Ngoài
một số bạn học cùng khóa huấn luyện sĩ quan cảnh sát đặc biệt, và cùng ở
chung đội “Thiên Nga,” không mấy ai biết Nguyễn Thanh Thủy là “tình
báo,” bởi “nếu nói ra tôi sẽ mất bạn bè. Chỉ nghe nói cảnh sát họ đã sợ
rồi chứ đừng nói gì là cảnh sát đặc biệt.”
Chính
vì tính chất đặc biệt của nghề, người phụ nữ này dường như không bao
giờ thoát khỏi áp lực nặng nề của một con người luôn phải sống trong sự
khép kín, không bao giờ được nói thật, và không bao giờ có thể tìm được
sự chia sẻ, đồng cảm.
Bởi, rất đơn giản: tình báo là nghề không có quyền tâm sự về công việc của mình, không bộc lộ được tình cảm của mình.
Chia
sẻ những “oan ức” này, cô Hà Thị Ðông Nga, trung úy Cảnh Sát, xướng
ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, và cũng là một
cựu “Thiên Nga,” kể rằng: “Ngoài những khó khăn nguy hiểm, người làm
công việc tình báo còn phải hy sinh cả tình cảm gia đình và tình cảm cá
nhân. Những thiên nga hầu hết đều ở tuổi mười mấy, hai mươi mấy, ai cũng
có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất
oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác dồn
tới, hoặc mình chưa ra khỏi được điểm mục tiêu, làm sao giữ được hẹn?
Mà nghề tình báo đâu chỉ một ngày một
bữa, đó là công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12 giờ đêm có thể
là 1, 2 giờ sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?”
Trung
Úy Ðông Nga, tức xướng ngôn viên Hồng Nga nhiều năm làm việc tại đài
phát thanh VNCR, tâm sự rằng: “Cay đắng nhất, đôi khi tình cảm gãy đổ mà
mình mang một tiếng oan rất nhục nhã. Ðôi khi công tác đòi hỏi mình
đóng vai một người ăn chơi trong vũ trường. Mới buổi sáng mình gặp người
yêu trong tư cách là một sinh viên ngoan hiền. Ðột nhiên buổi tối,
người yêu nhìn thấy mình ăn mặc rất 'sexy' từ trong vũ trường bước ra.
Tình huống đó trả lời sao đây? Họ sẽ cho mình là người lừa dối, hai mặt.
Nhưng vì công tác, không nói được, mình chỉ biết ngậm ngùi chia tay.”
Trở
lại với Biệt Ðội Trưởng Thanh Thủy, cô nói: “Tôi bị đau đầu. Công việc
lúc nào cũng mới mẻ. An ninh xã hội cứ biến chuyển, nên cứ phải suy nghĩ
hôm nay đặt chương trình này như thế nào, ngày mai giao công việc cho
cho người khác ra làm sao.
Chồng tôi làm việc ở xa, mà tôi cũng không thể nói với chồng. Tôi lại phải lo nhà, lo con.
Có
nhiều lúc chồng tôi từ Ðà Lạt về bất chợt, nhưng ngày giờ hẹn với tình
báo viên từ trong mật khu ra đã có rồi nên đúng ngày giờ tôi phải đi
thôi.
Có
nhiều khi từ cơ quan về nhà, cả đêm tôi không ngủ được. Ngày mai tôi sẽ
tiếp xúc với một cán bộ cao cấp của đối phương. Tôi không biết mình
phải nói cái gì, hỏi cái gì, làm như thế nào để họ chịu nói chuyện và
cộng tác với tôi, bởi nếu tôi không khéo léo, tôi sẽ mất một đầu mối...
Những lo lắng đó, tôi không thể nói được với bất kỳ ai.”
Cũng
như một lẽ thông thường, “nói ra những điều để đề nghị khen thưởng,
thăng cấp cho cấp dưới dễ bao nhiêu thì khi nói đến chuyện tình cảm lại
khó bấy nhiêu.”
Người đội trưởng đội tình báo còn rất trẻ khi đó chia sẻ tiếp:
“Vì
công tác, có khi mình phải dùng người của mình tạo tình cảm với đối
phương để lấy tin tức. Thế nhưng khi thấy họ bắt đầu có cảm tình với
nhau rồi thì mình lại phải yêu cầu người của mình dừng lại, bởi nếu
không, sợ cổ sa lầy thì lại nguy hiểm. Lúc đó, thấy rất tội nghiệp, mình
là người hướng dẫn họ cách tạo tình cảm, yêu cầu họ phải làm vì công
tác. Bây giờ mình lại ngăn cản, chia cắt họ. Thấy tội nghiệp nhưng mình
cũng đâu thể nói ra điều đó được.”
“Những
điều như vậy cứ khiến mình suy nghĩ. Những điều như vậy, mình biết nói
với ai.” Người phụ nữ giàu tình cảm nhưng lại phải sử dụng lý trí để
giải quyết những tình huống đó thoáng trầm ngâm.
Cũng
vì tính chất đặc thù của nghề tình báo là như vậy, nên “Thiên Nga”
Nguyễn Thanh Thủy, người phụ nữ duy nhất mang cấp bậc thiếu tá của khối
cảnh sát đặc biệt, đã khuyên con trai mình “nên chọn nghề khác” sau khi
nghe con nói ý định theo nghề của mẹ: “Con hãy chọn nghề gì mà có thể
nói ra cho anh em vợ con nghe được thì sẽ dễ hơn, chứ tình báo là nghề
nghiệp không rõ ràng, cái gì cũng phải giấu diếm, mệt lắm.”
Người đốt hồ sơ Thiên Nga
13 năm tù là thời gian Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy phải trả cho chức vụ “đội trưởng biệt đội Thiên Nga” của mình.
13
năm đó là thời gian đứa con trai đầu của cô bước chân vào trường học và
tốt nghiệp lớp 12 mà hoàn toàn không có bóng dáng yêu thương, vỗ về dạy
dỗ của người mẹ. Và đứa con trai cũng chỉ thực sự biết mẹ mình là một
“tình báo cao cấp” khi báo chí trong nước đưa tin và lý lịch vào đại học
của anh bị “bôi đen.”
13
năm đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật của cô thiếu hẳn
hơi ấm người mẹ, phải lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của
cha, khi ông trở về từ “trại cải tạo” sau hơn sáu năm bị giam mình.
Tôi im lặng lắng nghe, và quan sát người phụ nữ đang nói chuyện với mình.
Tôi
hỏi: “Cuộc sống trong tù của cô có khác gì hơn so với những người khác
không, khi mang tiếng là đội trưởng biệt đội Thiên Nga?”
“Khắc
nghiệt hơn.” Giọng người phụ nữ miền Tây chậm rãi đáp: “Tôi bị giam một
mình, cách ly hơn một năm để thẩm vấn từ tháng 10, 1975 đến tháng 12,
1976. Năm 1981, tôi lại bị biệt giam trong phòng tối ở cơ quan X4 hơn
bốn tháng.”
Bảy mươi mấy lần Thiếu Tá Thủy bị hỏi cung chỉ vì phía Việt Cộng “không tìm ra được tài liệu hồ sơ Thiên Nga.”
Ðối
phương cứ quanh đi quẩn lại điên tiết nhiều lần với câu hỏi: “Tại sao
làm nghề này mà chỉ có nhân viên chính thức thôi mà không có mật báo
viên. Không có tình báo viên thì thật là vô lý!”
Ðể
có được điều “vô lý” mà Việt Cộng khó lòng truy tìm ra được tất cả
những người phụ nữ đã tham gia vào biệt đội “Thiên Nga” là bởi “ngày 29
tháng 4, 1975, chính tay tôi đã đốt toàn bộ hồ sơ, cho nên chúng không
còn cái gì để mà kiểm chứng.” Người đội trưởng tiết lộ.
Thiếu
Tá Thủy tiếp tục câu chuyện năm xưa. Cô cho biết, trong cơn tranh tối
tranh sáng, cô đã “không ngủ được cả tuần lễ để quyết định về đội của
mình, làm như thế nào để bảo toàn được bí mật.”
Cách mà đội trưởng tình báo chọn là “hủy hồ sơ trước khi mấy cô này có thể bị bắt.”
Cô
lý luận: “Tôi là người biết hết mọi người, tôi lại không nói bất kỳ
chuyện gì với ai, thành ra khi tài liệu bị đốt hết, mấy cô muốn khai thế
nào thì khai, không có tài liệu để đối chất, nên điều đó vừa đỡ cho các
chị, vừa đỡ cho tôi. Bởi tôi muốn khai gì tôi khai, tôi muốn giấu nhẹm
chuyện gì là tôi giấu. Họ không nắm được bí số, ám danh của tất cả những
người đó, các cộng tác viên, tình báo viên cũng vì thế mà không biết
đâu mà soi ra, đối chất lại với các cán bộ điều khiển của họ.”
Làm được điều đó, đội trường biệt đội ‘Thiên Nga” cảm thấy an lòng.
Trở về với đời thường
No comments:
Post a Comment