Lá cờ Luật Khoa và Văn
Khoa đại học Sàigòn đang tung bay trên bầu trời đảo Song Tử Tây tháng 5-1974.
Đỗ Hữu Phương đứng sát
Tượng đài, kế là Trung Úy Đỗ Công Thành cùng Phái đoàn Sinh Viên.
Sau khi rời ghế Trường Luật, chúng tôi mỗi người một ngả đi
tìm cuộc sống riêng cho bản thân. Ngoài giờ làm việc, một số cựu sinh viên ghi
danh học những lớp Cao học, và đây là dịp cho chúng tôi trở lại ngôi trường
thân yêu, gặp lại bạn bè, tay bắt mặt mừng, cùng nhau trò chuyện trong quán cà
phê mà xưa, khi còn mài đũng quần ở đây, chúng tôi thường
gặp nhau vào mỗi buổi sáng. Rồi một hôm, Ban Đại diên Sinh viên phổ biến giấy mời
chúng tôi tham gia phái đoàn sinh viên Sàigòn đi thăm viếng Quần đảo Trường Sa,
nơi Quân đội chúng ta đang đồn trú.
Từ khi Trung Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974
thì vùng biển Trường Sa đã trở nên sôi động và hầu như chiến tranh có thể bùng
nổ tại đó bất cứ lúc nào. Chính quyền Tỉnh Phước Tuy đưa Quân đội đến trấn giữ
để bảo vệ quần đảo. Sau hai tháng, vùng Trường Sa trở lại yên tĩnh. Để được giúp
đỡ phương tiện di chuyển, Ban Đại diện Sinh viên đệ đơn lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân
xin yểm trợ phái đoàn sinh viên đi thăm viếng chiến sĩ đồn trú tại Trường
Sa. Đơn thỉnh cầu đã được Bộ Tư Lệnh chấp
thuận mau chóng. Bộ Tư Lệnh Hải Quân cung cấp đầy đủ phương tiện di chuyển và
thực phẩm cho chuyến đi. Mục đích chính của chúng tôi là mong đem niềm vui đến cho
các anh chiến sĩ xa nhà, đồng thời cũng mang đến những món quà thiết thực cho
cuộc sống của các anh. Ý nghĩ về chuyến đi thì rất đẹp và hấp dẫn, nhưng sự chuẩn
bị đầy đủ và chu đáo để hoàn thành chuyến đi ý nghĩa này là một mối lo cho anh
em sinh viên chúng tôi.
Để có chút quà cho các anh chiến sĩ hải đảo, chúng tôi đến
những cơ sở xuất nhập cảng thực phẩm tại Sài Gòn, trình bày mục đích để xin họ
cung cấp cho chúng tôi một số thực phẩm khô như: mì gói, lạp xưởng, nước mắm,
bánh, kẹo, kem, bàn chải đánh răng, thuốc lá, v.v…Khi biết được mục đích cao đẹp
của chúng tôi dành cho các chiến sĩ, các hãng sản xuất đã nhiệt tình ủng hộ, tặng
cho chúng tôi vô số thực phẩm quý hóa và thực dụng, dồi dào hơn cả dự đoán của
chúng tôi. Đặc biệt, hãng nhập cảng rượu tặng cho phái đoàn 10 thùng rượu
Napoléon. Chúng tôi hết sức phần khởi trước nghĩa cử của người dân hậu phương đối
với các chiến sĩ trú đóng ngoài hải đảo xa xôi.
Tổng số sinh viên tham gia phái đoàn là 62 người, cộng thêm
phái đoàn báo chí của Tổng Cục Chiến tranh Chính trị 6 người, dưới sự hướng dẫn
của Nhà văn Quân đội Phan Nhật Nam, tác giả cuốn "Mùa Hè Đỏ Lửa".
Trong 62 sinh viên tham dự có 25 nữ và 37 nam. Số sinh viên Văn Khoa tham dự
đông hơn cả, vì có một số sinh viên đến hải đảo để tìm hiểu và nghiên cứu về địa
chất cũng như những sinh vật đang sống trên các đảo. Ngoài ra, chúng tôi còn thành
lập một đoàn văn nghệ với đầy đủ nhạc cụ…Ngày đi được ấn định vào lúc 8:00 giờ
sáng, ngày 10 tháng 5, 1974 và về là 25, tháng 5, 1974. Địa điểm tập họp tại Bến
Bạch Đằng, phiá bên trái của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Đúng 7 giờ sáng, anh em trong Ban Tổ chức có mặt đầy đủ. Tàu
HQ 15 đã đậu sẵn tại Bến Bạch Đằng. Bạn bè từ từ đến, tay bắt, mặt mừng, náo nức
vui vẻ. Ai ai cũng đeo túi xách. Riêng đoàn văn nghệ thì mệt hơn, phải khiêng
vác nhạc cụ: đàn, trống, kèn máy móc và loa phóng thanh. Những thùng quà thì đã
được các anh lính Hải Quân đưa xuống tàu từ ngày hôm trước. Hai phái đoàn Luật
và Văn Khoa cũng trang bị đầy đủ cờ và biểu ngữ riêng cuả họ. Sau khi lên tàu
và điểm danh đủ số 62 sinh viên tham dự, tàu nhổ neo lúc 10 giờ sáng. Tàu nhẹ
nhàng rời bến, xuôi
dòng Sông Sàigòn ra biển. Thời tiết hôm ấy thật đẹp, nắng ấm
và mát mẻ. Nước biển trong xanh, xuôi chảy êm ả, bình yên, thật xứng đáng với
tên đã được đặt cho là Biển Thái Bình.
Tàu nhẹ nhàng lướt sóng vượt trùng dương. Đứng trên boong
tàu, mơ màng nhìn lên cao, bầu trời hôm nay thật đẹp, gió biển thổi nhè nhẹ
và mát rượi; nhìn xuống nước, màu xanh của biển đã gieo vào lòng mỗi người
chúng tôi một niềm cảm xúc mênh mang, tâm tư lắng đọng. Biết đâu có ai đó đang
mang trong lòng những ước nguyện và mơ mộng một viễn ảnh tương lai tươi sáng,
hoặc là có người đang hồi tưởng lại kỷ niệm đẹp những lúc tay trong tay cùng
người yêu lang thang trên hè phố Sàigòn. Lòng tôi chùng xuống và nhớ đến một
bài hát thật trữ tình về biển của nhạc sĩ Anh Thy văng vẳng bên tai: “Ngày xưa em anh hay hờn dỗi. Giận anh khi
anh chưa kịp tới. Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi. Em cúi mặt làm ngơ. Không nghe anh kể chuyện. Bao nhiêu chuyện
tình đẹp nhất trên trần đời…”.
Đang lim dim mơ màng, chợt một bàn tay để nhẹ trên vai, tôi
quay lại thì đó là Kim Oanh, một người bạn gái rất thân với tôi. Chúng tôi đã
quen nhau vào mùa Thu năm 1967, khi vừa tập tễnh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học
Luật khoa Sàigòn. Một ngôi trường cổ kính, cũ kỹ nhưng rất thơ mộng với những
hàng cây dài rợp bóng mát. Mặc dù đang tập sự Luật sư tại Toà Thượng thẫm Sàigòn,
nhưng Kim Oanh đã chấp nhận lời mời của tôi cùng tham dự chuyến đi và Kim Oanh
cũng là một thành viên rất năng động, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong suốt
cuộc hành trình, nhờ vậy mà chuyến đi đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Nàng
là con gái Tây Đô của vùng đồng bằng Sông Hậu, của Bến Ninh Kiều lả lơi; còn
tôi, người con trai Xứ Bưởi của dòng Sông Đồng Nai hiền hòa Miền Đông…
Phái đoàn Sinh viên Luật
và Văn khoa Sài Gòn tại Đảo Song Tử Tây, Hè 1974.
Qua gần hai ngày lênh đênh trên sóng nước, tàu cặp bến Đảo
Song Tử Tây, vào một buổi chiều nắng đẹp. Đây là Bộ chỉ huy tiền phương của Tiểu
đoàn Trinh sát Mãnh sư 371. Tôi không nhớ rõ lúc ấy là mấy giờ, nhưng sau khi
những chiếc Canô đưa chúng tôi lên đảo thì trời đã tối. Những chiến sĩ trên đảo
đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón phái đoàn sinh viên và báo chí. Độ hơn 40 chiến
sĩ đứng trước mặt chúng tôi, một anh chiến sĩ bước ra, ngỏ lời chào mừng phái
đoàn. Đêm hôm ấy trăng thật tròn và sáng tỏ, thay thế cho ánh đèn trên hải đảo.
Dầu vậy, chúng tôi cũng không nhận rõ gương mặt của anh chiến sĩ ấy là ai. Anh
tự giới thiệu:
“Tôi, Trung úy Đỗ Công
Thành, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Mãnh Sư 371, đại diện anh em chiến sĩ đồn trú tại
đây, xin chân thành chào mừng phái đoàn sinh viên và báo chí đến thăm viếng”.
Tiếng vỗ tay vang rền, xen lẫn tiếng chuyện trò vui vẻ nhộn
nhịp trong một bầu không khí hân hoan, náo nhiệt, dường như át cả tiếng nói của
vị Trung úy Chúa đảo vẫn còn tiếp tục nói. Sau khi viên Sĩ Quan dứt lời chào
đón thì anh đến bắt tay từng người. Khi ấy, tôi mới nhận ra viên sĩ quan trẻ là
người bạn cùng học cùng lớp với tôi tại Trường Trung học Ngô Quyền, Tỉnh Biên
Hoà ngày xưa. Chúng tôi mừng rở, ôm chầm và thăm hỏi nhau sau nhiều năm xa
cách, kể từ khi rời Trường Ngô Quyền.
Tối hôm đó, Chúa đảo đãi phái đoàn chúng tôi một buổi ăn tối
thật ngon gồm: Cơm nóng sốt, thịt hộp, thịt rùa và cá nướng trui. Tại đảo không
có đèn điện, nhưng có lẽ đêm hôm đó “Chị Hằng” cũng vui mừng chào đón chúng tôi
nên đã tỏa ánh trăng sáng ngời tuyệt đẹp. Trong bữa cơm, Trung uý Thành kể: Sau
khi Hoàng Sa bị Trung Cộng tiến chiếm thì chính quyền Tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) vội
vàng đưa Tiểu đoàn Trinh sát Mãnh Sư 371 ra trấn giữ. Xuất quân ngày 27 tháng 2
năm 1974 tức mùng 2 Tết. Đến quần đảo Trường Sa, Trung úy Thành cùng toán quân
tiền phương tiến thẳng vào đảo Song Tử Tây. Tại đây, Quân đội ta đã chạm phải một
toán lính Phi Luật Tân. Anh nói: “Toán
lính Phi này nghe Hoàng Sa thất thủ, họ đã từ đảo Song Tử Đông nhảy vào đây để
ăn ké chút ít. Nhưng họ đã bị quân ta đánh bật, phải kéo tàu trở về đảo Song Tử
Đông, nơi Quân đội Phi Luật Tân chiếm cứ từ lâu”.
Quân số của Tiểu đoàn được bổ sung đầy đủ khoảng 200 người
được chia ra đóng giữ 6 trong số 11 đảo lớn gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết,
Trường Sa, Sinh Tồn, và An Bang. Đảo Nam Yết nằm giữa các Đảo Sơn Ca, Sinh Tồn
và Trường Sa cho nên Trung úy Thành cho đặt hậu cứ tại đây gồm có Trạm Y tế và
Trung tâm Truyền tin. Những đảo nầy nằm cách nhau độ 100 hải lý. Riêng Đảo Song
Tử Tây ở hướng Bắc của Quần đảo Trường Sa, gần Hoàng Sa, vị sĩ quan kể tiếp: “Nếu Trung Cộng từ Hoàng Sa tiến quân xuống
hướng Nam sẽ chạm súng với Quân đội ta ở Song Tử Tây trước. Vì vậy, Bộ Chỉ huy
tiền phương được đặt tại đảo nầy”.
Song Tử Tây và Song Tử Đông được coi như là anh em sinh đôi,
có chu vi gần bằng nhau và cách nhau độ 3 hải lý. Đảo Song Tử Đông, Đảo Vĩnh Viễn,
Đảo Loai Ta và Đảo Thi Tư do Phi Luật Tân chiếm đóng từ lâu. Đảo lớn nhất là
Itu Aba do Đài Loan làm chủ. Đài Loan đã lập trung tâm huấn luyện người nhái tại
đây từ lâu lắm rồi. Hướng về phiá Nam của Đảo Trường Sa là đảo nhỏ nhất có tên
là An Bang, mỗi lần thủy triều lên là nước biển ngập toàn đảo. Vì thế, Quân đội
ta không thể đóng quân tại đảo nầy được. Dầu vậy, lúc thủy triều xuống, Trung
úy Thành thường đưa lính đến thám sát đảo nầy. Chúa đảo nói: “Chú em út An Bang nầy khỏe re, vì sống rất
xa các anh chị, cho nên nếu các anh chị có bị Trung Cộng tiến đánh thì còn lâu
lắm mới tới đứa em út nầy bị ăn đòn. Vì vậy, cái tên An Bang xem như là một sự
an bài của Thượng Đế”.
Buổi tối đầu tiên trên đảo thật vui, Chúa đảo tổ chức đốt lửa
trại. Anh nói, chung quanh đảo nầy có nhiều vọng gác, nhưng đêm nay tất cả anh
em tụ tập về đây để chung vui. Toán văn nghệ sinh viên trổ tài ca, múa, nhảy…hòa
đồng cùng với tất cả anh em chiến sĩ quây quần bên ngọn lửa bập bùng. Chúa đảo
là một nghệ sĩ lãng mạn, anh trổ tài ngâm thơ, vừa đàn Guitar vừa hát làm rung
động nhiều trái tim của các nữ sinh viên. Đã hơn 4 giờ sáng, chúng tôi vẫn còn
vui đùa. Vài anh sinh viên lăn ra ngủ từ bao giờ. Đêm đó, khí hậu thật mát, gió
nhẹ, không có muỗi, xa xa vọng lại những tiếng kêu, hình như của đàn chim hải
âu hay của một vài loài chim biển…
Sáng sớm hôm sau, ngày 14-5-74, Trung úy Thành đưa chúng tôi
đến thăm viếng nơi mà anh đang xây bia chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa tại Đảo
Song Tử Tây. Trung úy Thành cho biết, sau những lần thị sát trên khắp các đảo,
anh không tìm thấy bia chủ quyền nào của chúng ta còn hiện hữu, ngoại trừ tại Đảo
Song Tử Tây và Trường Sa còn sót lại cái nền xi măng cao mà anh cố gắng xây trên
đó hai cái bia chủ quyền. Tôi nhớ trên bia tại Đảo Song Tử Tây có khắc những
dòng chữ:
Bia Lưu Niệm
Ngày 01-3- 1974
Đại Đội 371
Tiểu Đoàn Mãnh Sư
Tỉnh Phước Tuy
VIỆT NAM CỘNG HÒA
Đúng vào lúc nầy, phái đoàn sinh viên tặng Tiểu đoàn một tấm
Plaque lưu niệm với dòng chữ: Quần đảo Trường Sa
Lưu niệm Hè 1974
Sinh Viên Viện Đại Học
Saìgòn
Trung Úy Thành cám ơn phái đoàn và hứa sẽ đích thân gắn tấm lưu
niệm nầy lên bia chủ quyền tại đây. Tôi thấy trên Đảo Song Tử Tây có nhiều cây
dừa mọc rất cao, độ gần trăm tuổi. Có lẽ
ngày xưa, Vua Chúa mình đã sai người đến thăm đảo và trồng những cây dừa nầy, hay
là do những trái dừa trôi dạt trên biển tắp vào và mọc lên. Hôm nay là một ngày
nắng ấm, bầu trời trong xanh, gió mát, thật đẹp. Chúa đảo đưa chúng tôi đi tắm
biển. Bãi biển với cát trắng, rong rêu bao phủ khắp nơi. Những con Vích đẻ trứng
từng cụm trên bãi biển dọc theo những bụi cây. Mỗi lần sóng biển đưa nước dâng
lên mang theo nhiều cá, rất dễ bắt, chúng tôi chỉ rượt theo đâm cá bằng những
cây nhọn, hoặc bắt bằng tay. Sò, ốc, rùa…nằm đầy trên bãi cát. Các chị sinh
viên thích thú nhất là đi tìm nhiều vỏ sò, vỏ ốc thật đẹp. Xa xa, chúng tôi
nhìn thấy Chúa đảo, anh chàng nghệ sĩ “beau” trai đang "từng bước từng bước
thầm", lang thang bên cạnh một người đẹp Luật khoa. Thơ mộng làm sao! Một
buổi chiều đẹp trên hoang đảo mà bắt gặp được một cặp trai gái sánh đôi bên
nhau như một đôi tình nhân yêu thương thắm thiết, trông thật lãng mạn. Dường
như cặp tình nhân nầy vì quá mải mê mà đã quên mất bạn bè, và dường như họ cũng
không nghe thấy tiếng hò hét cổ vũ của một vài người trong đám bạn bè từ đàng
xa…
Anh em lính trên đảo nấu cơm cho chúng tôi ăn. Bữa cơm tối
hôm nay có nhiều món đặc biệt, như cá tươi nướng, chim quay, ốc sò nướng vỉ, trứng
vích luộc…nhất là có rượu Napoléon đang ướp lạnh dưới hồ nước…Tuyệt vời làm
sao!
Sau buổi cơm tối, Trung úy Thành phát thư cho các anh lính.
Trung úy Thành cho biết, mỗi tuần có một chuyến tàu tiếp tế lương thực, thuốc
men, nước uống, súng đạn, vật liệu xây cất cùng những nhu cầu cần thiết, mang
thư đến và chuyển thư về đất liền.
Các anh lính dựng lều, dùng những tấm poncho làm giường cho
phái đoàn nghỉ ngơi. Tôi được dịp tâm sự cùng một số anh lính trẻ. Người thì nhớ
bạn bè nơi quê nhà, lúc trẻ đã cùng nhau cắp sách đến trường, cùng nhau đi bắt
cua, bắt cá ngoài đồng ruộng. Anh khác thì nhớ người yêu. Có anh đang nhớ vợ vừa
mới cưới được vài tháng mà phải bỏ lại ở quê nhà …Có anh nói đùa: “Tôi nhớ tô phở gà Hiền Vương, hay tô phở xe
lửa đâu đó ở Saigon”. Một anh lại tâm sự: “Ở đây buồn quá, giống như người tù bị đày ra hoang đảo; được cái là ở tù
nhưng có tự do, không phải tác chiến và không chết”. Có anh lính vừa đọc
thư xong, với gương mặt buồn bã, đến tâm sự với tôi, anh nói: "Tôi vừa đọc thư của em gái tôi cho biết
là má tôi bịnh nặng, bà đang nằm tại bịnh viện, bà ao ước tôi được về phép thăm
bà. Trong thư có đoạn: Má sợ không
còn sống được lâu nữa. Má mong muốn được gặp con lần cuối...”. Tôi thương cảm
cho hoàn cảnh của anh quá. Tôi đến nói lại với Trung úy Thành, yêu cầu Trung úy
nếu có thể được cho anh ấy về phép để thăm mẹ anh ta. Trung úy Thành lặng
thinh, cúi mặt trầm ngâm, tỏ vẻ cảm động, anh nói: "Tôi sẽ cố gắng cho anh ấy về phép khi tàu tiếp tế đến
đây".
Những người khác buồn buồn thì rủ nhau lái những chiếc Canô
lướt sóng hay đi bắt cá về nướng ăn…Cà phê và thuốc lá cũng chỉ có giới hạn,
thay thế vào đó, các anh đi đào củ sâm về nấu nước uống. Các anh bảo: “Uống nước sâm cho mát, không bổ bề ngang,
cũng bổ bề dọc”.
Vài chàng lính trẻ thích làm thơ, ca hát, hoặc chẻ cây để
làm những kỷ vật. Cứ thế, họ âm thầm lặng lẽ sống cho qua những ngày tháng đơn
lẻ nơi hải đảo…
Trung úy Thành cho biết những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo,
anh em rất cực khổ, không chỗ ở, gió rất mạnh, lạnh buốt, bão đến thường xuyên.
Ban ngày vừa căng lều để ngủ thì ban đêm bị gió cuốn mất. Sau đó, Công binh đến
xây nhà tiền chế cho Đại đội trú ngụ. Hiện tại (1974) không có dân sinh sống
trên quần đảo nầy. Anh nói, vì mặt đất chỉ cao hơn mặt nước biển từ 4 đến 6 thước,
nên mỗi lần thủy triều lên cao thì nước biển có thể bao phủ gần hết đảo. Hơn nữa,
không nơi nào đào được giếng nước ngọt, nếu có, cũng chỉ lờ lợ, mằn mặn. Trên đảo
có những nơi có thể trồng rau hoặc những loại cây khác. Đặc biệt giây sâm mọc
nhiều, khắp nơi trên đảo. Nếu dân chúng có ra đây sống bằng nghề đánh cá thì họ
cũng không có tàu lớn để đem cá về đất liền.
Sáng sớm hôm sau, Trung úy Thành và một vài anh em tiễn phái
đoàn đi thăm những đảo khác, anh tiếc vì nhiệm vụ nên anh không thể theo phái
đoàn. Vả lại, tại mỗi đảo đều có Quân đội đồn trú nơi đó tiếp đón. Sau khi rời Đảo
Song Tử Tây, Tàu HQ 15 trực chỉ về hướng Nam, đưa chúng tôi đến Đảo Nam Yết. Đứng
trên boong tàu nhìn trở lại, tôi thấy Đảo Song Tử Tây chỉ còn là một hình trăng
lưỡi liềm rất nhỏ, hai đầu cong và nhọn. Một mảnh đất xa xôi của quê hương do Tổ
tiên chúng ta để lại mà ngay từ thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn vẫn thường phái lính
đến thăm viếng. Và tôi cảm thấy một nỗi sầu man mác, không biết có bao giờ còn
trở lại đây? Chiếc tàu từ từ rời xa, những ngọn dừa cao ngất cũng đang rời khỏi
tầm mắt của tôi…Hồi tưởng lại những gương mặt của các anh lính không lâu trước
đó, những gương mặt buồn, bùi ngùi cảm động khi tiễn chúng tôi tại boong tàu.
Các anh là những chiến sĩ vô danh, những người hùng đang gìn giữ và bảo vệ mảnh
đất của dân tộc Việt.
Ngày hôm sau chúng tôi đến Đảo Nam Yết. Các quân nhân tại
đây đã phải vất vả lắm mới đưa được tất cả chúng tôi lên đảo. Đây là hậu cứ của
Tiểu đoàn cho nên lính trên đảo nầy khá đông, thêm một số lính Công binh đang
làm đường và xây những căn nhà cho lính trú ngụ. Đảo nầy có mặt đất cao hơn, bằng
phẳng và khô ráo. Chúng tôi đã từng đi dạo trên những con đường mòn chạy dọc
chung quanh đảo. Tại đây có nhiều cây dừa rất đẹp và cây nhàu, một loại cây có
thể nấu nước uống. Trên đảo còn thấy có một sân bóng chuyền, vì thế, sinh viên chúng
tôi lập thành đội banh để đấu với đội banh của các anh lính. Chúng tôi thi đấu
cho vui, bởi vì tài nghệ chúng tôi còn thua kém rất xa so với các anh lính.
Đảo kế tiếp trong chuyến viếng thăm của chúng tôi là Đảo
Sinh Tồn, nhưng chỉ ghé qua trong thời gian ngắn. Riêng Đảo An Bang, chúng tôi
không đến được vì đảo nầy nhỏ, mặt đất thấp, nước ngập nhiều nơi. Đảo cuối cùng
trong chuyến viếng thăm của chúng tôi là Đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa là đảo có
nhiều cây rậm, nhiều cây dừa, địa thế đất cao, khô ráo và đẹp hơn. Chúng tôi được
dịp đi lang thang cùng với các anh lính khắp nơi trên đảo. Đảo nầy có hình tam
giác, đoạn dài nhất của đảo độ 1000 thước. Vì vậy, Công binh bắt đầu xây một đường
bay dài 800 thước, nhiều đường mòn lớn, xe có thể chạy được. Các anh lính trồng
thêm nhiều rau để ăn như: rau muống, dền, hành lá, rau lang, bầu, mướp, bí, bắp.
Tại đây có giếng nước ngọt, tuy không ngon như nước trong đất liền, nhưng cũng
tạm dùng được... Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vừa xây xong một cầu tàu, vì vậy
việc di chuyễn từ tàu lên đảo rất nhanh và tiện lợi. Tôi thấy trên đảo có nhiều
công sự phòng thủ vững chắc với những bao cát chung quanh, một đài khí tượng rất
cao. Hiện tại có một đại đội lính đồn trú, một số người nhái, và một đơn vị Công
binh đang hoạt động. Đặc biệt trên đảo nầy có nhiều căn nhà nhỏ mà toán Công
binh vừa xây xong. Chúng tôi được ngủ trên những chiếc ghế bố thoải mái hơn những
ngày qua. Vì có phương tiện đầy đủ nên phái đoàn chúng tôi ở tại đảo nầy lâu
hơn. Những ngày sống trên Đảo Trường Sa thật thần tiên, thú vị, vui vẻ. Chung
quanh đảo là những bãi cát trắng xóa, nước biển trong xanh, thật đẹp không thua
gì Đảo Thổ Châu và Phú Quốc mà chúng tôi đã có dịp đến. Chúng tôi được tự do tắm
biển, đi khắp mọi nơi trên đảo mà không phải sợ sệt về những điều bất ổn. Những
ngày có sự hiện diện chúng tôi, Đảo Trường Sa nhộn nhịp hẳn lên, trông giống
như một làng quê, người người qua lại, sinh hoạt có vẻ khá bận rộn…
Trung úy Đỗ Công Thành,
Đỗ Hữu Phương (đeo kiếng, phía sau một nữ sinh viên) tại đảo Trường Sa tháng 5-1974.
Đâu có ngờ, chỉ một năm sau, vào những ngày đầu
của tháng 5, 1975, khi chiếc tàu HQ 502 đưa những người di tản trực chỉ Cảng
Subic Bay của Phi Luật Tân, tôi lại được dịp ngang qua vùng biển Trường Sa. Nhớ
lại năm trước, cũng vào thời gian nầy, tôi và các bạn sinh viên đang sinh hoạt
trên quần đảo nầy. Chúng tôi có hẹn nhau là sẽ gặp lại tại đây vào mùa hè năm
nay. Thế mà
bây giờ, ước mơ đó của chúng tôi sẽ không bao giờ còn thực hiện được nữa. Lòng
tôi chợt chùng xuống và cảm thấy một nỗi buồn đau, mất mát tận cùng trong tim.
Ôi! Thật xót xa, tủi hận… Chúng ta đã mất, mất tất cả rồi!
Thời gian trôi qua thật nhanh, đã 40 năm rồi,
không biết các anh lính trẻ đồn trú tại Đảo Trường Sa và các bạn sinh viên bây
giờ đang ở đâu? Nguyễn Kim Oanh, người bạn
gái thân nhất của tôi tại Trường Luật thuở nào, đã từng chia sẻ những vui buồn
với tôi trong suốt khoảng đời trai trẻ, bây giờ đang sống nơi nào? Cần Thơ hay
Sidney, Cali hay Paris…? Mặc dầu mái tóc chắc chắn nay đã đổi màu, nhưng tôi vẫn
hy vọng và cầu chúc Kim Oanh đang sống vui vẻ, hạnh phúc. Chúa Đảo Trường Sa hiện
đang sống tại thành phố đầy tráng lệ dưới ánh đèn màu của Tiểu bang Nevada.
Riêng tôi, đang sống tại vùng đồi núi nắng ấm của miền Nam California.
Hỡi các bạn thân thương của tôi! Mặc dù chúng ta
chưa hẹn được ngày trở lại thăm viếng Đảo Trường Sa, nhưng Trường Sa vẫn nằm ở
trong tim chúng ta và Quần đảo Trường Sa vẫn mãi mãi là vùng đất quê hương Việt
Nam dấu yêu của chúng ta.
Xin các bạn liên lạc với nhau qua địa chỉ email:
truongsa1974@yahoo.com
Tạ Xuân Cảnh trên tàu HQ 15
Anh lính đang đào lấy củ sâm cho phái đoàn đem
về Sàigòn nấu nước uống.
Tạ Xuân Cảnh chụp hình thân
thiện với người lính Việt Nam Cộng Hoà tại đảo.
Người hùng: Tạ Xuân Cảnh
tại bia lưu niệm Tiểu Đoàm Mãnh Sư, đảo Song Tử Tây.
Phía trên được sơn lá
cờ Việt Nam Cộng Hoà, phiá dưới là đầu Sư Tử biểu tượng cho Tiểu Đoàn do chính
Hoạ Sĩ kiêm Chúa đảo, Trung úy Đỗ Công Thành vẽ.
Hai
lá cờ đại học Văn Khoa và Luật Khoa Sàgòn làm sáng cả khung trời Song Tử Tây
Bia lưu niệm từ xa xưa đang
được lưu giử tại đảo Song Tử Tây.
Một
trạm Y Tế có nóc lợp bằng Tôle tại đảo Song Tử Tây.
Đỗ Hữu Phương (áo thung
trắng, đeo kính, giửa) cùng bạn bè và những người lính đồn trú tại đảo đang
nghe lời hướng dẫn của Trung úy Thành trước khi đi tắm biển.
Tạ Xuân Cảnh (đội nón) cùng
3 người bạn đang tắm taị bải biển Song Tử Tây.
Lái Canô, trông rất vui. Xa
xa ngoài khơi là chiếc HQ 15 đang thả neo.
Những cây dừa đã chịu đựng
bao nhiêu bão tố mà vẫn đứng vững hàng chục năm nay.
Tạ Xuân Cảnh ngồi trên lưng
con Vích, nghịch cũng bạo! (Vích giống như Rùa)
Hai người ngồi trên lưng
con Vích tại bải biển Song Tử Tây. Trứng Vích luộc ăn ngon lắm.
Xin chân thành cám ơn bạn Tạ Xuân Cảnh, Sàigòn Việt Nam, đã cho tôi
những tấm hình lưu niệm qúi giá.
Đỗ Hữu Phương.
California tháng 5-2014
No comments:
Post a Comment