Sunday, September 17, 2017



Mọi rắc rối Bắc Hàn đều bắt nguồn từ Trung Quốc

Hà Tường Cát/Người Việt
Dân chúng thủ đô Bình Nhưỡng hôm 16 Tháng Chín đứng xem hình ảnh phóng sự Bắc Hàn phóng hỏa tiễn Hwasong-12. Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố Bắc Hàn đang tiến tới “cân bằng quân sự” với Mỹ. (Hình: Kim Won-jin/AFP/Getty Images)
Thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đứng trước một tình trạng nan giải do Bắc Hàn đang gây ra. Trong tất cả mọi chuyện, không chỉ chính trị ngoại giao, mà về điều kiện để Bắc Hàn phát triển kỹ thuật vũ khí, đều có vai trò can dự của Trung Quốc. Mặc dầu khẳng định tuân thủ các nghị quyết cấm vận Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc, nhưng trong thực tế bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã trợ giúp và vẫn còn tiếp tục bao che cho Bắc Hàn tới một chừng mực nào đó.
Một tuần lễ sau khi phóng thử nghiệm hỏa tiễn thứ 18 trong năm nay, ngày 3 Tháng Chín vừa qua Bắc Hàn đã cho nổ trái bom nguyên tử thứ sáu, mà theo lời họ là một trái bom nhiệt hạch, hay bom khinh khí, hoàn toàn chế tạo trong nước.
Căn cứ vào địa chấn tương đương với một trận động đất 6.3 do cơ quan địa chất Mỹ USGS ghi nhận được, thì vụ nổ này mạnh gấp 10 lần những cuộc thử nghiệm trước kia của Bắc Hàn. Theo sự phân tích đầy đủ thì sức mạnh của trái bom bằng 250 kilotons nghĩa là gấp 10 lần trái bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Nagasaki Nhật Bản hồi cuối Thế Chiến II và cuộc thử nghiệm của Bắc Hàn hoàn toàn thành công.
Mặc dầu kế hoạch phát triển vũ khí của Bắc Hàn có từ gần 60 năm trước nhưng tiến bộ kỹ thuật đặc biệt nhanh chóng trong những năm gần đây là điều ngạc nhiên vượt dự đoán của các quan sát viên quốc tế. Thành quả ấy được coi là nhờ kỹ năng chuyên môn mà các khoa học gia và kỹ thuật gia Bắc Hàn đã nghiên cứu học hỏi ở nước ngoài đem về, lúc đầu là từ Liên Xô cùng những nước khác như Pakistan, Iran, nhưng quan trọng và gần đây nhất là từ Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal nói rằng hàng trăm khoa học gia Bắc Hàn được gởi ra ngoại quốc làm công tác nghiên cứu ở nhiều lãnh vực mà Liên Hiệp Quốc không cho phép theo lệnh cấm vận. Katsuhisa Furukawa, thành viên hội đồng chuyên gia của Liên Hiệp Quốc 2011-2016 giám sát lệnh cấm vận, nói: “Chúng ta nên rất quan tâm đến công tác nghiên cứu của Bắc Hàn ở ngoại quốc, đặc biệt là ở Trung Quốc.”
Quốc tế vẫn không cho phép các nước truyền dạy bí mật về vũ khí nguyên tử, nhưng chỉ tới nghị quyết năm 2016 mới cấm chặt chẽ không được gởi khoa học gia ra nước ngoài để học những kỹ năng dùng vào mục đích quân sự cũng như dân sự. Do đó các chuyên viên Bắc Hàn bây giờ có thể đã có đủ trình độ cần thiết cho chương trình nguyên tử cũng như phát triển các loại vũ khí khác.
Tờ Wall Street Journal dẫn tin từ một giới chức tình báo hồi Tháng Tám, nói rằng trái với thuyết mà các cơ quan nghiên cứu Mỹ vẫn tin tưởng trước kia, Bắc Hàn bây giờ không cần mua động cơ hỏa tiễn của Nga, Ukraine hay Trung Quốc mà có thể tự chế trong nước.
Người ta cũng lo ngại Bắc Hàn sẽ có vệ tinh nhân tạo dùng cho việc do thám cũng như tấn công với sóng điện từ, bằng cách cho nổ một vũ khí nguyên tử trên vệ tinh để phá hỏng các mạng lưới dẫn điện ở mặt đất.
Tờ Wall Street Journal nói về một khoa học gia Bắc Hàn tên Kim Kyong-sol, chuyên viên về cộng hưởng điện từ (MR), hiện tượng vật lý có thể ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Một năm sau lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Kim hãy còn ở học viện kỹ thuật Harbin (Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) để trình luận án tiến sĩ về “mechatronics”, ngành bao gồm kỹ thuật, điện tử và lập trình. Theo nhận định của chuyên viên Liên Hiệp Quốc Katsuhisa Furukawa thì lãnh vực khoa học kỹ thuật này thuộc vào loại bị Liên Hiệp Quốc cấm.
Hồi Tháng Ba năm nay, trong tạp chí của viện đại học Harbin, Kim Kyong-sol đã công bố tài liệu nghiên cứu viết chung với giáo sư bảo trợ Chen Zhaobo, một chuyên gia cao cấp Trung Quốc về chương trình không gian và là trưởng dự án phi đạn bay nhanh 3,800 dặm/giờ có thể mang đầu nổ nguyên tử hay quy ước, đang được Trung Quốc phát triển.
Giáo Sư Chen cho biết Kim đã ở học viện Harbin 4 năm với học bổng của chính phủ Trung Quốc và phải trở về nước vì lệnh cấm vận, chưa kịp đệ trình luận án. Theo ông, Kim không có quyền xâm nhập vào bí mật kỹ thuật quốc phòng của Trung Quốc, nhưng những nghiên cứu của Kim nếu được phát triển sẽ đóng góp quan trọng cho cả quân sự cũng như dân sự và khoa học không gian.
Từ 2010, nhiều trường đại học Trung Quốc đã ký thỏa hiệp với Kim Il-sung University và Kim Chaek University of Technology – hai trường đại học Bắc Hàn được coi là cung cấp nhân sự và kỹ thuật cho chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng. Trường Đại Học Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là một trong những học viện hàng đầu của Trung Quốc giảng dạy về kỹ thuật dân sự nhưng có những dự án nghiên cứu bí mật về quốc phòng, không gian. Năm 2013 một nhóm 12 du sinh Bắc Hàn cấp từ tiến sĩ trở lên đã theo học ở đây, con số này tăng lên 28 năm 2015.
Giáo Sư Kỹ Thuật Không Gian Norman Wereley, trường đại học Maryland, nói rằng nghiên cứu cộng hưởng điện từ của Kim Kyong-sol ở học viện kỹ thuật Harbin trên căn bản là bình thường nhưng khi về nước sẽ có thể ứng dụng vào nhiều công trình tinh vi phức tạp hơn. Theo lời ông: “Tôi không nghĩ Kim du học chỉ với mục tiêu giáo dục khoa học thuần túy.”
Năm 2016, hai sinh viên Bắc Hàn theo học tại một trung tâm không gian ở Ấn Độ, nơi có 36 sinh viên đã được huấn luyện từ 1996 và một trong số này bây giờ là giám đốc trung tâm kiểm soát vệ tinh của Bắc Hàn. Hiện nay Ấn Độ không còn nhận người Bắc Hàn nào tới.
Còn ở một số nước khác nhất là tại Trung Quốc, con số sinh viên Bắc Hàn đã tới cao hơn nhiều, một số vẫn còn có thể lưu lại như ở Ý và Romania vì những khe hở trong nội dung luật cấm vận. Tại Trung Quốc năm 2015 có 1,086 sinh viên Bắc Hàn hậu đại học so với 354 năm 2009, theo hồ sơ của bộ giáo dục Trung Quốc. Nhưng bộ này không cho biết chi tiết các sinh viên đó học ở trường nào và những dự kiện sau năm 2016.
Thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn dẫn lời chủ tịch Kim Jong-un khoe khoang rằng trái bom khinh khí vừa thử nghiệm hoàn toàn chế tạo ở trong nước bao gồm nhiên liệu hạt nhân cao cấp và những linh kiện khác. Từ khi nắm chính quyền, Kim Jong Un đã công khai loan báo chính sách gởi thêm khoa học gia đi nước ngoài học hỏi và đối xử ưu đãi cho họ ở quốc nội.

No comments:

Post a Comment