Wednesday, February 13, 2019


40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Khắc ghi vào lịch sử dân tộc

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 mãi khắc ghi vào lịch sử giữ nước và dựng xây đất nước như một dấu mốc không thể phai mờ.
Chưa kịp hưởng niềm vui được sống trong hòa bình để dựng xây đất nước sau những năm tháng dài đằng đẵng chiến tranh khốc liệt với xiết bao tổn thất và đau thương khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975, chúng ta đã phải bất an, cảnh giác với những tiếng vang lên ở biên giới Tây Nam và tiếp đó là căng thẳng ở biên giới phía Bắc.
ảnh 1Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn tháng 2-1979. Ảnh tư liệu: TTXVN
Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Dạy cho Việt Nam một bài học”
Trải qua hơn 80 năm sống dưới chế độ thực dân và hai cuộc chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam thấu hiểu sâu sắc và mong mỏi hơn ai hết về một đất nước hòa bình, thống nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước bị tàn phá tới kiệt quệ. Thế nhưng, mong mỏi, khát khao cháy bỏng đó vẫn chưa thể có được khi quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng trở lên căng thẳng. Quan hệ Xô -Trung lúc đó chuyển từ bình thường, thậm chí tốt đẹp, sang đối đầu. Quan hệ Liên Xô - Trung Quốc rạn nứt nghiêm trọng trong lúc quan hệ Liên Xô - Việt Nam ngày càng gắn bó.
ảnh 2Bệnh viện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc san phẳng trong cuộc chiến năm 1979 
Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo càng giành chiến thắng, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cũng càng thêm căng thẳng, thậm chí xảy ra tranh chấp, xâm lấn biên giới. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dần xấu đi nghiêm trọng khi Trung Quốc không đạt được mục đích gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề Campuchia.
Trung Quốc cũng tiến hành xúi giục người Hoa ở Việt Nam từ bỏ quốc tịch Việt Nam để trở về Trung Quốc, đồng thời lập trạm đón tiếp ở biên giới, đưa tàu sang đón Hoa kiều về nước.
Trung Quốc đã chuẩn bị trước cho cuộc chiến xâm chiếm Việt Nam, leo thang từng bước, từ gây áp lực trong vấn đề Campuchia, dựng lên “sự cố Hoa kiều” và chuẩn bị về binh lực đi đôi với việc tuyên truyền.
ảnh 3Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3-1979
Ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động lực lượng binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Đến trung tuần tháng  2-1979, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập với tổng số 32 sư đoàn, 6 trung đoàn xe tăng với hơn 500 xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với khoảng 2.000 khẩu pháo... Bên cạnh đó, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và hơn 900 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao độ.
Cũng từ tháng 1-1979, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang để chuẩn bị cho chiến dịch xâm chiếm dọc biên giới với Việt Nam. Trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2-1979, Trung Quốc đã gây ra hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn cho tới tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác của Công an; phục kích, bắt cóc người đưa về Trung Quốc...
Đồng thời với việc chuẩn bị về binh lực, Trung Quốc đẩy mạnh việc chuẩn bị trên mặt trận ngoại giao, tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi ở khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt là chuyến công du Mỹ vào tháng 1-1979 của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Trong nước, Trung Quốc cũng tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về tuyên truyền với đỉnh điểm tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Cuộc chiến xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam bùng nổ sáng sớm ngày 17-2-1979 là kết quả một quá trình chuẩn bị, tính toán từ trước của Trung Quốc!
ảnh 4Hai chị em cháu Hoàng Thị Bến (xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) có cha mẹ bị địch giết hại, tháng 2-1979
ảnh 5Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời cháu bé này từ trong đống đổ nát
Cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc 
Chưa tròn 4 năm đất nước thống nhất, kết thúc hai cuộc chiến tranh chống xâm lược nhưng tiếng súng vẫn chưa ngừng với đất nước ta. Tiếp sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo, “tiếng súng” lại “vang trên bầu trời” biên giới phía Bắc.
Cơ thể đất nước còn chằng chịt các vết thương chiến tranh trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược đằng đẵng mấy chục năm, hầu như chưa thời gian yên bình để dồn sức người sức của khắc phục hậu quả chiến tranh, dựng xây đất nước, chúng ta lại phải cầm súng chiến đấu khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm bởi “chiến thuật biển người: với đội quân Trung Quốc 60 vạn người.
Vô cùng khát khao và mong mỏi hòa bình, bình yên nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải chiến đấu để bảo vệ biên giới, bảo vệ mảnh đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc!
ảnh 6Xe tăng địch bị quân ta đánh lật nhào trong đợt 17-2-1979
Đối mặt với đội quân xâm lăng từ bên kia biên giới phía Bắc đông tới 60 vạn người cùng hàng nghìn xe tăng và pháo hạng nặng, Việt Nam vào ngày 17-2-1979 chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân khoảng 7 vạn người. Sự chênh lệch về lực lượng, về vũ khí trang bị là rất lớn.
Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta là anh dũng vô song. Lực lượng ít hơn đội quân Trung Quốc hàng chục lần nhưng quân và dân biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng bước tiến của đội quân đông hơn gấp bội. Những trận chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng khắc sâu vào tâm khảm chúng ta những chiến đấu anh dũng ở Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn); Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai); Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng); Pò Hèn (Quảng Ninh)…
Sự đánh trả dũng mãnh bảo vệ biên giới của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Khoảng 6 vạn quân Trung Quốc đã bị thương vong cùng hàng trăm tù binh bị bắt sống.
Thiệt hại nặng nề trên chiến trường, bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân vào ngày 6-3-1979.
ảnh 7Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 mãi đi vào lịch sử hào hùng dựng nước, giữ nước của quân và dân ta như một dấu mốc không phai mờ
Lịch sử ghi lại Quân và dân chúng ta đã bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Song cuộc chiến đấu tự vệ để bảo vệ biên giới làm cho vết thương chiến tranh của chúng ta thêm nặng nề. Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào biên giới đã bị thương vong. Quân Trung Quốc trong quá trình xâm chiếm và rút quân đã tàn phá nặng nề các vùng biên giới nước ta khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Nhà báo Nayan Chanda - người sáng lập và là Tổng Biên tập của Tạp chí trực tuyến chuyên viết về toàn cầu hóa YaleGlobal online thuộc trường Đại học Yale của Mỹ - người từng có mặt tại Việt Nam cả trước và sau khi đất nước ta thống nhất - đã mô tả những gì mà ông tận mắt chứng kiến: “Sau chiến cuộc, trong một chuyến đi Cao Bằng, tôi thật sự giật mình vì quân Trung Quốc đã san bằng gần như tất cả những gì có trên mặt đất, từ những tòa nhà công cộng cho đến bưu điện, trường học. Những ngọn đồi xanh tươi trở nên hoang tàn vì bom đạn”.
Máu của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ và người dân biên giới đã đổ xuống để giữ gìn lãnh thổ thiêng cha ông nghìn đời để lại. Chúng ta mãi mãi khắc ghi điều này. Cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một dấu mốc không bao giờ phai mờ trong lịch sử hơn 4.000 năm giữ nước và dựng xây đất nước chúng ta!
Chúng ta tri ân những anh hùng, liệt sĩ và người dân đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đã được bình thường hóa, khôi phục và phát triển nhanh chóng. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Những sự thật lịch sử là không thể bóp méo hoặc  đảo ngược, và là  một dấu mốc khắc ghi trong lịch sử 4.000 năm dựng nước giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Cuộc chiến đấu này cần được lịch sử ghi lại để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về tính chính nghĩa, sự quả cảm của thế hệ đi trước bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá. Nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và diễn biến những gì xảy ra ở biên giới phía Bắc năm 1979, để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển!
 (Bài nầy lấy từ trang Web trong nước. Ghi nhận những từ ngữ, những ý nghĩa hay mà tác giả dám viết trong hoàn cảnh hiện tai. Xin đừng bình luận thêm).

No comments:

Post a Comment