TRỞ VỀ
Sư Ông Thích Nhất Hạnh,92 tuổi, Cha đẻ của lý thuyết “Chánh
Niệm” đã trở về nước để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hóa kế
tiếp của đời người. Sự trở về của Thầy mang ý nghĩa hết sức
đặc biệt. Thầy muốn nói cội nguồn của những đau khổ của
Thầy là ở Việt Nam, và Phật giáo muốn sự có mặt của Thầy ở
Việt Nam vào lúc này.
Tại ngôi chùa Phật Giáo ở ngoại thành Huế, cố đô của Việt Nam, Thầy
Thích Nhất Hạnh, năm nay được 92 tuổi, đang yên lặng “chuyển hóa” cuộc đời
của Thầy, nói theo cách nói của những đệ tử của Thầy. Nhà sư Phật Giáo nổi
tiếng thế giới đã từ chối dùng thuốc chữa bệnh sau khi ngài bị tai biến mạch máu
não vào năm 2014. Thầy từng được nhiều Tổng thống và nhà văn Oprah
Winfrey đặt danh hiệu là “nhân vật lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất
trong thời đại của chúng ta.”. Thầy nằm ở tầng dưới cùng của Chùa Từ Hiếu,
ngôi chùa được xây cất từ thế kỷ thứ 19.Thầy đang chờ được giải thoát trong
chu kỳ hiện hữu tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử.
Ở ngoài cổng chùa, những người mộ đạo lũ lượt đến đây để chụp hình kỷ
niệm. Có nhiều người từ Âu châu bay đến đây chỉ để được nhìn thấy Thầy lần
cuối. Họ cũng gọi ngài là “Thầy”, chữ dùng trong tiếng Việt, có nghĩa là thầy giáo,
dạy dỗ môn đệ. Từ ngày Thầy trở về Việt Nam hôm 28 tháng Mười, Thầy đã
xuất hiện đôi ba lần, ngồi trên xe lăn. Ngài được hàng trăm người mộ đạo đón
mừng trong lúc ngoài trời mưa tầm tã, và nhiều khi Thầy phải ngưng tiếp xúc vì
quá mệt. Vào một buổi trưa nhiều mưa, tấm sáo che cửa sổ được kéo lên, ký giả
báo TIME được chứng kiến một số quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm nhà
sư Phật Giáo. Người Sư Phụ của Phật Giáo phái Zen có vẻ yếu lắm, Thầy có thể
trút hơi thở cuối cùng bất cứ lúc nào. Căn phòng Thầy ở rất đơn sơ, trống trơn,
chẳng bầy biện gì, kể cả vài món bàn ghế cần thiết nhất. Tên thật của Thầy lúc
sinh ra là Nguyễn Xuân Bào. Thầy bị trục xuất ra khỏi Việt Nam vào thời thập
niên 1960’s. Lúc bấy giờ chính phủ miền Nam coi thấy là kẻ phản bội vì Thầy từ
chối không hợp tác với chính quyền để lên án chủ nghĩa Cộng Sản. Bây giờ
Thầy đã trở về ngôi chùa nơi thấy xuất gia từ năm 16 tuổi, sau khi đã sống lưu
vong suốt 40 năm ở nước ngoài. Trên đầu giường của Thầy, có treo một khung
kính lộng tấm hình thư pháp do chính Thầy viết bằng bút lông hai chữ “Trở Về”.
Ở phương Tây, đôi khi Thầy Nhất Hạnh được người đời gọi là cha đẻ của
học thuyết “chánh niệm”. Ngài nổi tiếng thế giới về điều ngài giảng dạy là tất cả
chúng ta đều có thể trở thành Bụt Bồ Tát bằng cách tìm thấy hạnh phúc ngay
trong giây phút hiện tại- chánh niệm ngay trong lúc bóc vỏ quả cam, hay trong
lúc uống ngụm nước trà. Trong cuốn sách Your True Home Thầy viết: “Bụt là
đấng giác ngộ, biết yêu thương và tha thứ. Bạn có thể cảm nhận được giây phút
đó. Vậy thì bạn hãy tận hưởng giây phút sung sướng làm Bụt đi.”. Thầy là tác giả
của hơn 70 cuốn sách viết về triết lý Phật Giáo.
Tư tưởng của Thầy ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu. Bà Christina Figueres,
Thư Ký biên soạn Đề Cương của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Thay Đổi Khí Hậu
kể lại rằng hồi năm 2016, bà không thể nào soạn thảo được Hiệp Định Paris nếu
bà không được trang bị bằng những lời giảng dạy của Thầy Nhất Hạnh.”. Ông
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Young Kim nói cuốn sách Miracle of
Mindfulness (Sự Mầu Nhiệm của Chánh Niệm) của Thầy Nhất Hạnh là cuốn
sách gối đầu giường của ông.
Do đó, việc nhà sư Phật Giáo quanh trở về Việt Nam để chuẩn bị cho sự viên
tịch của ngài, có thể được hiểu như một thông điệp nhắn gửi cho môn đệ của
Thầy, đúng như Thượng Tọa Thích Chân Pháp Ấn nhận xét: “Ý định của Thầy
là muốn dạy cho môn đệ biết họ đều có nguồn gốc Phật học từ Việt Nam. Về
phương diện tinh thần, điều này hết sức quan trọng.”. Thượng Tọa Thích Chân
Pháp Ấn là Viện trưởng Viện Phật Học Thực Hành Âu châu, một cơ sở tu học do
Thầy Nhất Hạnh sáng lập.
Nhưng trong thực tế việc “Trở Về” của Thầy không tránh khỏi rủi ro khơi dậy
lại vết thương cũ. Những người Việt lưu vong ở hải ngoại thuộc thế hệ lớn tuổi
tức giận khi thấy việc Thầy Nhất Hạnh về nước được quảng bá rầm rộ trong
những chuyến về nước của Thầy hồi năm 2005, và 2007. Trong hai lần trở về
đó, Thầy đã đi thăm nhiều nơi trong nước, cũng như tham dự những lễ lớn, gây
thành tin tức hàng đầu cho quốc tế. Đối với những người chê trách Thầy, họ nói
Thầy đã giúp Đảng Cộng Sản cai trị Việt Nam có được danh hiệu chính thống,
gây ngộ nhận cho thế giới bên ngoài rằng ở Việt Nam có tự do tín ngưỡng.
Trong khi thực tế xảy ra là nhà nước kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.
Có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đang bị chế độ đàn áp, bỏ tù: Thượng Tọa
Thích Quảng Độ, vị cha già của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ
chức bị cộng sản đặt ra ngoài vòng pháp luật, từng bị cầm tù trong nhiều năm,
và hiện đang bị quản thúc tại gia. Tháng Mười Một năm nay, Ủy Ban của Hoa Kỳ
về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế gửi văn thư lên án chính quyền Hà Nội đối xử tàn tệ
đối với Thượng Tọa Thích Quảng Độ. Dựa vào lời lẽ của việc lên án này, ông Võ
Văn Ái, phát ngôn viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, chi nhánh
Paris, viết rằng chuyến viếng thăm trước đây của Thầy Nhất Hạnh đã “rơi vào
tay lợi dụng của chính quyền cộng sản Hà Nội.”.
Giáo sư Paul Marshall dạy về Tự Do Tôn Giáo ở trường đại học Baylor, tiểu
bang Texas, cho rằng việc “Trở Về” của Thầy lần này có ký nghĩa rất quan trọng
ở Việt Nam. Nó mang tính chất tiêu biểu cho hiểu rằng “Thầy và Phật Giáo mà
Thầy đại diện, về căn bản, đều có nguồn gốc ở Việt Nam. Đối với chính quyền,
thì đây cũng có thể là một thử thách khó khăn, và cũng là một cơ hội cho họ.
Nếu Thầy sống yên lành cho đến lúc viên tịch, chính quyền có thể được tiếng là
đã tôn trọng tự do tôn giáo.”.
Thầy Nhất Hạnh bao giờ cũng có con đường đi riêng của Thầy. Thuở
nhỏ, Thầy đã cãi lời cha mẹ, xuất gia đi tu làm chú tiểu. Sau đó, Thầy lại bỏ viện
Phật Học, không theo học nữa vì nhà trường không chịu dạy Thầy những môn
học tân tiến. Thầy bỏ vào Saigon, theo học trường đại học Khoa Học, làm chủ
bút tạp chí nhân văn, và đứng ra lập tăng đoàn riêng của mình.
Sau khi dạy về Phật Giáo ở hai trường đại học Mỹ Columbia và Princeton từ
năm 1961 đến năm 1963, Thầy trở về Việt Nam để tranh đấu cho hòa bình. Thầy
trở thành người hoạt động tích cực cho phong trào phản chiến, Thầy hoạt động
chung với nhiều thanh niên chí nguyện đem thực phẩm đến vùng bị chiến tranh
tàn phá. Việc làm này có khi nguy hiểm đến tính mạng. Thầy từ chối không đứng
về miền phe Nam, cũng như phe Giải Phóng của Cộng sản. Nhóm cứu trợ nạn
nhân chiến cuộc của Thầy bị quân đội miền Nam tấn công, và Thầy còn bị đe
dọa đến tính mạng.
Năm 1966, khi chiến cuộc đang leo thang, Thầy rời khỏi Việt Nam đi vận
động hòa bình ở 19 quốc gia. Thầy đọc diễn văn ở Quốc Hội Anh, Canada, và
Thụy Điển, cũng như đi gặp Đúc Giáo Hoàng Phao Lồ đệ Lục. Hoạt động của
Thầy khiến cho chính quyền Saigon tức giận, họ coi những ai chủ trương hòa
bình đều là những kẻ cộng tác với cộng sản, và họ không muốn Thầy trở về
nước. Phải mãi đến năm 2005, Thầy mới về thăm Việt Nam.
Thầy trở nên nổi tiếng ở hải ngoại. Phong trào hippies dùng thơ phản chiến
của Thầy để làm nhạc. Năm 1967, Thầy được Mục sư Martin Luther King Jr. đề
nghị lãnh giải Nobel về Hòa Bình, và năm 1969, Thầy cầm đầu một phái đoàn
Phật Giáo đến dự hòa đàm Paris.Cuối cùng, Thầy định cư ở miền Tây Nam
nước Pháp, và biến nơi ở của Thầy thành Tu Tu Viện Phật Giáo Làng Mận. Tu
viện này là tu viện lớn nhất ở Âu châu. Ngoài ra, còn có 8 tu viện khác trên khắp
thế giới từ Mississippi đến Thái Lan. Thầy trông nom việc dịch thuật những sách
Thầy viết sang 50 ngôn ngữ khác nhau. Vào hồi đầu thế kỷ, khi Tây phương bắt
đầu chú ý đến việc nghiên cứu Phật Giáo, Thầy Nhất Hạnh trở thành một trong
những tu sĩ thực hành có ảnh hưởng lớn nhất.
Thầy Nhất Hạnh dạy rằng bạn không cần phải lên núi sống trong nhiều năm
mới đi tu, thấm nhuần triết lý Phật Giáo được. Trái lại, theo Thầy, bạn chỉ cần ý
thức thật rõ hơi thở của bạn, qua đó, ý thức được giây phút hiện tại, và mọi hoạt
động hàng ngày sẽ trở thành niềm hạnh phúc hoan lạc, một cách kỳ diệu. Nếu
bạn sống trong chánh niệm, sống với những gì đang xảy ra, và ngay trong lúc
hiện tại, khi đó mọi lo âu phiền muộn sẽ biến mất, bạn chỉ còn lại sự vô ưu tuyệt
đối, giúp bạn có được đức tính tử tế, và lòng từ bi.
Triết lý trong bài giảng của Thầy lôi cuốn sự chú ý của người Tây phương.
Họ muốn đi tìm đời sống tâm linh, song không muốn bị rơi vào cái bẫy không lối
thoát của tôn giáo. Những nhân vật lãnh đạo công ty doanh nghiệm với tâm trí
mệt nhoài vì làm việc nhiều, hay những người mới khỏi bệnh nghiện rượu rủ
nhau đi đến vùng quê nước Pháp để lắng nghe những bài giảng của Thầy Nhất
Hạnh. Cả một phong trào học về chánh niệm trong một thời gian ngắn rầm rộ nổi
lên, và Thầy Nhất Hạnh trở thành nhân vật sáng chói như tài tử điện ảnh. Một
trong những môn đệ của Thầy là bác sĩ người Mỹ Jon Kabar-Zinn, sáng lập ra
khóa dạy cách làm “giảm stress” dựa vào chánh niệm. Khóa học này được đem
vào thực hành để chữa bệnh trong bệnh viện và nhiều trung tâm y khoa khắp thế
giới. Hiện nay, chủ đề chánh niệm được Thầy Nhất Hạnh truyền bá trở thành
một ngành kỹ nghệ trị giá $1.1 tỉ đô la, lợi tức phát sinh từ 2,450 trung tâm tu
thiền, và phát hành hàng ngàn cuốn sách bằng ấn phẩm, và trên mạng, hay các
“app”. Một cuộc thăm dò cho biết có khoảng 35% công ty lớn du nhập phương
pháp học về “chánh niệm” vào nơi làm việc.
Phương pháp tu học của Thầy Nhất Hạnh được phổ biến khắp nơi, và đem
lợi lạc về thương mại vì phương pháp của Thầy chỉ đòi hỏi vài điều hết sức đơn
giản, dễ cho người mới bắt đầu thực hành, không giống như những đòi hỏi tu
tập khó khăn của những trung tâm thiền viện Phật Giáo khác ở Tây Phương.
Chính ngài Dalai Lama cũng phải nhận xét như sau: “Thầy Nhất Hạnh cho chúng
ta những bài pháp thoại giản đơn về Phật Giáo, song tôi không dám nói là Thầy
đã quá giản lược giáo lý đạo Phật.”. Bà Janet Gyatso, Giáo sư về Nghiên Cứu
Phật Giáo ở trường Havard tóm tắt như sau: “Triết lý căn bản cũng giống nhau,
chỉ gồm có hai điều đó là Chánh Niệm và Lòng Từ Bi.”.
Trong một cuộc phỏng vấn không được đăng tải, Thầy Nhất Hạnh dành
cho báo TIME hồi năm 2013, Thầy từ chối không cho biết Thầy có ý định về
Việt Nam ở luôn hay không. Thay vào đó, Thầy lên tiếng khen ngợi giới trẻ bất
đồng chính kiến ở Việt Nam. Thầy nói: “Nếu sau này, đất nước đổi thay được,
chúng ta phải cảm ơn sự can đảm của những người bất đồng chính kiến. Chúng
ta đang tranh đấu cho quyền tự do phát biểu ý kiến.”.
Thực vậy, vấn đề quyền tự do căn bản của con người ở Việt nam là một điều
hết sức thiết yếu. Trong thời gian Thầy Nhất Hạnh sống lưu vong nơi hải ngoại,
Đảng Cộng Sản đã đưa hàng trăm ngàn người vào nhiều trại tù cải tạo, hay giết
chết nhiều người. Bây giờ Việt Nam là một nước do nhà nước quản lý tuyệt đối
chặt chẽ. Những nhà hoạt động chính trị đòi hỏi quyền tự do căn bản đều bị
đánh đập, hay bỏ tù. Quyền hội họp bị hạn chế tối đa, còn quyền tự do báo chí,
và quyền tư pháp hầu như không có. Quyền tự do tôn giáo bị kiểm soát tối đa,
và họ lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam của nhà nước theo kiểu giáo hội quốc
doanh.
Những người chỉ trích Thầy Nhất Hạnh nói rằng Thầy nên dùng uy tín, vị thế
của Thầy để kêu gọi thế giới chú ý đến những vụ bạo hành đối với tôn giáo.
Nhưng theo ông Võ văn Ái, phát ngôn viên của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất,
thì Thầy Nhất Hạnh “là một nhân vật nổi tiếng trên thế giới, mong muốn được
sùng bái ở quê hương mình.”. Ông Ái tố cáo Thầy đã hợp tác với chế độ cầm
quyền để xin được phép trở về Việt Nam hồi năm 2005. Chính quyền Hà Nội
cho Thầy Nhất Hạnh về thăm Việt Nam vào năm đó với mưu đồ xin xóa tên Việt
Nam ra khỏi danh sách Những Quốc Gia Cần Quan Ngại, coi Việt Nam đàn áp
tôn giáo như Bắc Hàn và Ả rập Saudi. Nhật báo của nhà nước tờ Nhân Dân trích
dẫn lời nói của Thầy Nhất Hạnh: “Người Việt Nam mong muốn được giải phóng
ra khỏi cái điều mà người Mỹ gọi là giải phóng cho người Việt Nam.”. Thầy quên
không giải thích cho rõ rằng cụm từ “giải phóng” sử dụng trước đây vài thập niên
có nội dung khác hẳn trong bối cảnh của cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Hoa Thịnh Đốn làm theo lời yêu cầu của Hà Nội, xóa bỏ tên nước Việt Nam
trong Danh Sách Những Nước Đàn Áp Tôn Giáo (CPC) vào năm 2006. Sự kiện
này khiến cho những người Việt không cộng sản ở hải ngoại tức giận. Ông Võ
Văn Ái nói: “Rất nhiều người từng ngưỡng mộ Thầy Nhất Hạnh, coi Thầy như vị
Phật sống, nay cảm thấy hết sức thất vọng, coi Thầy như là tên “ma cô” tiếp tay
cho chính quyền cộng sản.”. Theo giáo sư Bill Hayton, nhà nghiên cứu về Á
châu, thuộc Viện Nghiên Cứu Vấn Đề Quốc Tế ở Luân đôn thì: “Nhiểu người tị
nạn Việt Nam sống ở ngoại quốc không chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào với
Hà Nội. Trong cái nhìn của họ, Thầy Nhất hạnh là kẻ đã bán linh hồn cho qủi đỏ
khi Ngài chuẩn bị làm việc trong những giới hạn do Đảng Cộng sản qui định.”.
Nhưng thực ra Thầy Nhất Hạnh không hoàn toàn lặng yên. Trong chuyến về
thăm Việt Nam năm 2007, Thầy đã yêu cầu thẳng với chủ tịch nước lúc bấy giờ
là Nguyễn Minh Triết phải dẹp bỏ Hội Đồng Phụ Trách Tôn Giáo. Đây là tổ chức
điều động tất cả các nhóm tôn giáo. Trong tập san hàng năm của Làng Mận,
2008, tập san này còn đi xa hơn nữa bằng cách yêu cầu Việt Nam hãy từ bỏ
Chủ Nghĩa Cộng sản. Môn đệ của Thầy đã phải trả giá rất đắt cho đòi hỏi này.
Tháng Chín năm 2009, công an và một nhóm lưu manh được thuê bao xông vào
đập phá tu viện Bát Nhã, và đuổi đi hàng trăm nhà sư, ni cô ra khỏi tu viện Thầy
Nhất Hạnh được phép lập ra ở vùng đông nam Việt nam. Tu viện Bát Nhã thu
hút hàng trăm người mộ đạo đến thăm viếng.
Nhưng dù sao đi nữa việc Thầy Nhất Hạnh lấy lòng, hay cộng tác với đảng
cộng sản cũng đã giúp thầy tiếp cận được với người dân Việt Nam. Đó mới là
mục tiêu dài hạn của Thầy. Giáo sư Bill Hayton nói: “Giáo hội Phật Giáo quốc
doanh của nhà nước lập ra không thể nào có người lãnh đạo sánh được với
Thầy Nhất Hạnh, cũng như tư tưởng giảng dạy về chánh niệm.”. Trong những
lần đi thăm viếng, giảng pháp, Thầy Nhất Hạnh luôn luôn là người dẫn đầu trong
việc canh tân, giảng giải chính xác về Phật Giáo, khác hẳn với loại tôn giáo từng
bị coi là cổ hủ, mang tính chất thần bí, thủ cựu. Ảnh hưởng của Thầy rất lớn,
nhất là đối với thành phần người Việt trẻ tuổi ngày nay. Hồi tháng Mười Một, cô
Linh Nhi, 27 tuổi đã lặn lội từ Saigon ra chùa Từ Hiếu để thăm Thầy. Cô nói:
“Nếu tôi được trông thấy Thầy chỉ một lần trong đời sẽ làm tôi vui sướng vô
cùng. Nếu không được gặp Thầy tôi cũng lấy làm an lòng vì biết Thầy đã hiện
diện, có mặt ở đây.”.
Giáo lý Phật Giáo dạy rằng Thầy Nhất Hạnh cần phải có mặt, hiện diện. Khi
làm việc này, Thầy muốn ám chỉ cội nguồn những khổ đau của Thầy có từ cuộc
Chiến Tranh Việt Nam. Thầy thừa hiều rằng chính quyền Hà Nội cũng chẳng vừa
gì. Họ sẽ lợi dụng sự trở về, sự có mặt của Thầy để lấy điểm. Nhưng rõ rệt là vị
Thầy của phái Thiền tông (Zen) đang sử dụng chiêu thức có ảnh hưởng hết sức
lâu dài. Vâng, lâu dài đến độ vĩnh cửu.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 4/2/2019
No comments:
Post a Comment