Saturday, March 16, 2019

Hủ tiếu Thanh Xuân



Thanh Xuân 70 năm, người Sài Gòn ai không từng ăn hủ tiếu?

Hủ tiếu Thanh Xuân nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp (phường Bến Nghé, quận 1) với tuổi đời không dưới 70 năm.
alt Hủ tiếu ở đây được chế biến theo kiểu hủ tiếu Nam Vang, nhưng có sự biến tấu trong cách nấu nước lèo để tạo ra hương vị riêng.
alt Quán hủ tiếu Thanh Xuân nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp (quận 1, Sài Gòn) được mở bán bởi một ông giáo già quê gốc Mỹ Tho (Tiền Giang) ẢNH: LÊ NAM.
Hai đứa tôi tiếp tục câu chuyện đang nói dang dở bằng cái hẹn ở “Thanh Xuân của Sài Gòn” vào một buổi sáng muộn, cuối tháng 11. Hủ tiếu Thanh Xuân nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp (phường Bến Nghé, quận 1) với tuổi đời không dưới 70 năm.
alt Một tô hủ tiếu Thanh Xuân sẽ được ăn kèm với tôm, cua, thịt xíu, thịt băm, tim và gan heo… ẢNH: LÊ NAM.
Quán nằm ngay đầu một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ tầm 2m. Bếp nấu nướng và chiếc tủ kiếng đựng các nguyên liệu như sợi hủ tiếu, tôm, thịt, tim, gan… cùng một dãy dài gồm ba bộ bàn ghế được chủ quán đặt sát một bên hẻm để chừa lối đi.
Khu vực vỉa hè trước mặt đường cũng được kê hai bộ bàn ghế, nhưng ít khách chọn ngồi bên ngoài, chắc người ta không thích ăn uống mà “lộ thiên” quá.
alt Hơn 71 năm mở cửa và trải qua 4 đời chủ, quán được nhiều thực khách nhận xét là vẫn giữ nguyên hương vị như những ngày đầu ẢNH: LÊ NAM.
Minh, tên của anh bạn tôi, nói với vẻ am hiểu: “Hồi năm 1945 – 1946, có ông Giáo già tên Đỗ Văn Khuê chạy giặc từ dưới Mỹ Tho lên Sài Gòn. Ổng được mấy người trong chùa Chà Và cho ở nhờ, rồi sau đó mở quán hủ tiếu bán ngay bên cạnh chùa tới giờ luôn nè”.
Tôi bắt bẻ: “Làm thế nào mày biết được những chuyện này?”, Minh khoái chí đáp: “Ba mẹ tao ăn đây, tao cũng ăn đây hoài. Cả nhà tao là khách ruột đó, tao hỏi rồi bà chủ kể mới biết chứ bộ !”.
alt Từ thứ 2 đến thứ 6, quán mở bán từ 6 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều, riêng hai ngày cuối tuần thì bán đến 9 giờ tối.
Chúng tôi gọi hai tô hủ tiếu, một khô và một nước. Bà chủ với mái tóc muối tiêu đeo tạp dề rồi bắt đầu thao tác chế biến hủ tiếu, điêu luyện như đầu bếp nhà hàng năm sao.
Bà cho hủ tiếu vào cái vá lưới rồi trụng qua nồi nước đang sôi sùng sục trên bếp. Đến khi hủ tiếu vừa chín tới thì cho vào tô, xếp lên trên các thức ăn kèm như thịt xá xíu, thịt băm, tôm, tim, gan và một chút thịt càng cua.
alt Quán có hủ tiếu khô và hủ tiếu nước, giá 35.000 đồng/tô thường và 55.000 đồng/tô đặc biệt.
Tiếp theo, bà chủ nêm thêm chút gia vị được đựng trong cái lọ nhỏ bằng thủy tinh, thêm lớp mỡ hành beo béo. Tới đoạn này, với tô hủ tiếu nước thì sẽ được chan một vá nước lèo nóng hổi, được ninh từ xương thơm lừng.
Còn tô hủ tiếu khô thì sẽ được rưới lên vá nước xốt cà chua sền sệt, nghe đâu đây chính là thứ nước xốt “bí truyền” đã tạo nên nét khác biệt cho hủ tiếu Thanh Xuân. Cuối cùng là cho thêm chút tóp mỡ, rắc hành ngò bên trên rồi mang ra để thực khách thưởng thức.
Có một điểm thú vị là hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh Paté chaud (pa-tê-sô), một loại bánh có nguồn gốc từ Pháp nhưng được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người Việt.
Bánh có lớp vỏ được làm từ loại “bột nghìn lớp”, nghĩa là khi ăn sẽ thấy rõ lớp vỏ bánh có rất nhiều lớp mỏng chồng lên nhau. Nhân bánh là một hỗn hợp gồm có thịt băm, gan heo, hành tây, gia vị và một ít hạt tiêu xay nhuyễn.
alt Toàn bộ bánh đều do tiệm Thanh Xuân tự làm, mỗi ngày chỉ làm đúng 100 cái.
Minh ăn đúng kiểu “bánh kèm hủ tiếu”, khi cứ một đũa hủ tiếu thì nó lại cắn một miếng bánh Paté chaud. Tính ra một tô nó phải ăn đến 2 cái bánh mới vừa đủ. Còn tôi thì thích ăn riêng từng món, tôi không thích việc cùng cảm nhận hương vị của quá nhiều thứ cùng một lúc, điều đó khiến vị giác… bối rối.
Còn một điều khiến tôi vô cùng thắc mắc mà cũng cực kỳ thích ở đây chính là tấm biển hiệu ghi tên quán, được treo tít trên cao kia. Tấm biển cũ đến nỗi màu trắng sữa ban đầu đã chuyển dần sang màu “cháo lòng”, dòng địa chỉ nhỏ bên dưới cũng mờ mờ ảo ảo, chỉ hai chữ Thanh Xuân may ra còn đọc được..
alt Bà Tươi đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ hương vị hủ tiếu Thanh Xuân ẢNH: LÊ NAM.
Bà Tươi, chủ quán Thanh Xuân, cho biết: “Cái biển nhìn vậy chứ có ông Tây đòi mua riết mà tui không bán đó. Để lại làm kỷ niệm, của ông bà, cha mẹ mình mà sao bán đi được. Còn cái tên Thanh Xuân là từ tên chồng tui mà ra, hồi xưa ổng được thương nhất nhà nên ông cụ mới lấy tên ổng là Xuân Thanh, đảo ngược là Thanh Xuân làm tên quán đó !”.
Không chỉ giữ riêng cái biển hiệu, hủ tiếu Thanh Xuân còn giữ được cả hương vị lẫn linh hồn của món ăn suốt hơn nửa thế kỷ qua.
alt Hủ tiếu Thanh Xuân là nơi xưa chốn cũ để người dân thành phố tìm về thưởng thức sự thơm ngon tròn vị của một món ăn dân dã nhưng kỳ công.
Ông Trung Huân (55 tuổi, ngụ quận 5) tỏ vẻ hài lòng khi nói về hủ tiếu ở đây: “Tôi ăn hủ tiếu nhiều nơi nhưng không đâu có được cái vị đặc trưng như ở Thanh Xuân. Ăn từ mấy chục năm trước đến giờ, lần nào tôi cũng hài lòng vì hương vị không hề thay đổi. Đâu dễ gì tìm được một quán ăn hội tụ đầy đủ từ phong cách phục vụ, cách bày trí cho đến hương vị đều phảng phất nét đẹp của Sài Gòn xưa như ở đây !”.
Gần giấc trưa nên quán cũng vắng khách, bà Tươi đứng tựa lưng vào cây cột trước hẻm, ánh mắt nhìn xa xăm, chẳng ai đoán được những suy nghĩ trong đầu bà lúc này.
alt “Truyền nhân” đời thứ tư của thương hiệu hủ tiếu Thanh Xuân ẢNH: LÊ NAM.
Phía trong bếp, cô con gái tên Hoa Cúc (28 tuổi), người sắp là chủ nhân đời thứ tư nắm giữ thương hiệu hủ tiếu Thanh Xuân của Sài Gòn đang tỉ mẩn làm hủ tiếu cho nhóm khách vừa mới tới.
Nhìn dáng vẻ tất bật của cô, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến hình ảnh bà Tươi ngày còn trẻ. Có phải cả thanh xuân tận tụy của bà chính là dành trọn vẹn tình yêu của mình cho từng sợi hủ tiếu, cho suốt hàng chục năm giữ gìn ngọn lửa nơi căn bếp nhỏ này…
Tôi tin là chính những “mảnh ghép Thanh Xuân” của các thế hệ trong gia đình ông Giáo già ngày trước đã viết nên câu chuyện cuộc đời đầy chân thật, bình dị và đủ đầy như tô hủ tiếu mang tên “Thanh Xuân của Sài Gòn”…

No comments:

Post a Comment