Những chuyện sau 30-4-1975 không thế nào quên được.
BẮT ÐẦU CUỘC ÐỔI ÐỜI
Nguyễn-Huy Hùng
Sau
khi chiếm được Saigon, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam
(hậu thân của Mặt trận Giải phóng miền Nam) ban hành lệnh đổi tên Thành
phố Saigon, nguyên Thủ đô
của Việt Nam Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam, ra Thành phố Hồ Chí Minh.
Họ
cũng buộc tất cả mọi nhà phải treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam (nửa
xanh nửa đỏ có sao vàng 5 cạnh ở giữa), cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà của miền Bắc Xã hội Chủ
nghiã (nền đỏ, sao vàng) nơi trước cửa, và trong nhà treo ảnh Hồ Chí
Minh. Những nhà thuộc loại Ðảng viên Cộng sản, còn hãnh diện treo thêm
cờ Búa Liềm của Ðảng Cộng sản Quốc tế. Những nhà người Việt gốc Hoa,
ngoài 2 lá cờ của Cộng sản Việt Nam (CSVN), phải
treo thêm cờ Trung Cộng. Thật là đầy đủ mầu sắc của Quốc tế Cộng sản,
tràn ngập khắp nẻo ngõ ngách đường phố trên đất nước Việt Nam.
Ðến
khoảng cuối tháng 5-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt
Nam, ra thông cáo buộc tất cả Quân nhân, Công chức, thành viên Ðảng phái
Chính trị không Cộng sản phải
đi trình diện một lần nữa. Các Sĩ quan QLVNCH thì trình diện tại đường
Trần Hoàng Quân bên Chợ Lớn, nơi gần nhà máy sản xuất Bia và nước ngọt.
Họ thu thẻ căn cước và cấp giấy chứng nhận tạm, để dùng cho đến ngày đi
học tập cải tạo.
Một
hôm, nhân đi ngang đường Lê Lai gần chợ Bến Thành, Tôi gặp Hạ sĩ T.
nguyên là thư ký trong Ban Trị sự của Nhật báo Tiền Tuyến, đang đứng lớ
ngớ trước cửa nhà. Thấy Tôi,
anh ấy vồn vã mời vào nhà chơi, để trao đổi tin tức thời sự nóng bỏng
về tình hình hiện tại, đang xẩy ra trong vùng Saigon, Chợ Lớn, Gia Ðịnh.
Vào
đến trong nhà, Tôi giật mình định lui ra. Nhưng anh T. đã nhanh nhẹn ôm
ngang lưng Tôi kéo đại vào, và giới thiệu với 3 người Bộ đội Cộng sản,
bằng một giọng rất thản nhiên
: “-Thưa các anh, đây là chồng Chị Hai của em ở Ngã Tư Bẩy Hiền, nhân
hôm nay có dịp đi chợ Bến Thành ghé thăm vợ chồng chúng em. Anh ấy là
giáo viên Trung học.” Tôi nhoẻn miệng cười xã giao, gật gật đầu chào mấy
người kia xong, thì anh T. kéo vội Tôi lên
lầu tâm sự.
Anh
T. cho biết, 1 trong 3 người Bộ đội này là người đi tập kết ra Bắc hồi
1954, nay theo đoàn quân CSBV giải phóng trở về Nam. Người đó tên Thọ
(không phải Lê đức Thọ), là
anh họ bên vợ của anh T.
Khu
phố gia đình anh T. đang ở, nhà nào cũng phải tiếp nhận 3 Bộ đội Giải
phóng cư trú trong nhà mình như vậy, theo chính sách “BA CÙNG” của Chính
quyền Phường (cùng ăn, cùng
ở, cùng sinh hoạt). Anh T. hỏi thăm khu Tôi ở có vậy không, Tôi lắc
đầu.
Tiếp theo, anh T. thì thầm kể câu chuyện tâm sự của ông anh họ Vợ, đi tập kết trở về rất lý thú như sau :
“Trong
khi học tập chuẩn bị trở về Nam, anh Bộ đội tập kết được Ðảng và Nhà
nước Cộng sản Bắc Việt rỉ rả tuyên truyền ngày đêm rằng :
-Ðồng bào miền Nam Việt Nam bị Mỹ Ngụy cấu kết nhau bóc lột rất tàn bạo.
-Dân
lao động phải ở chui rúc trong những nhà ổ chuột, dựng bằng loại giấy
cứng dùng làm thùng chứa hàng hoá do Mỹ thải ra, bên những bãi đổ rác
cao như núi hôi thối.
-Ðàn
ông, đám trẻ bị bắt đi lính, còn đám già ở nhà thất nghiệp. Ðàn bà con
gái phải đi làm đĩ điếm kiếm tiền giúp gia đình, vô cùng nhục nhã …
Vì
thế chúng ta phải nhanh chóng tiến hành công cuộc Giải phóng, để cứu
Ðồng bào ruột thịt Nam Bộ đang sống quằn quại đau khổ. Các đồng chí cần
dành dụm tiền, để mang về cứu
giúp họ hàng thân quyến khỏi cảnh khổ cực hiện nay.”
Anh
Bộ đội đã chắt bóp, để dành suốt mấy chục năm trời được 2 ngàn Ðồng bạc
Cụ Hồ, chắc mẩm rằng khi thân quyến tại miền Nam nhận được món tiền của
anh cho, sẽ mừng rỡ tới
mức nào. Chắc chắn mọi người cũng sẽ thấy được, công lao bao năm theo
Cách mạng của anh thật xứng đáng, và anh sẽ “vô cùng hồ hởi” hãnh diện
với bà con làng nước.
Nhưng
không ngờ, khi trở về gặp gia đình thì Cha Mẹ đã qua đời. Người anh duy
nhất cũng đã già, có vợ và 3 con đã lớn, đứa nào cũng đi làm, có xe máy
dầu Honda, Suzuki riêng.
Gia đình người anh đang ở trong căn nhà riêng 3 tầng lầu với 4 phòng
ngủ, có xe hơi nhỏ như các Ðồng chí Bộ trưởng ở Hànội vậy. Nhà ở ngay
mặt đường lớn Khu Bàn cờ, Saigon. Hai tầng lầu để ở, còn tầng dưới cùng
thì phiá trong làm phòng khách, phòng ăn, nhà
bếp, phiá trước mở tiệm bách hoá, bán đủ thứ đồ dùng và gia dụng hàng
ngày cho đồng bào hàng phố, mua sắm tự do. Không như ngoài miền Bắc Xã
hội chủ nghiã, không ai được mở cửa hàng buôn bán riêng. Mọi người tùy
theo chức vị công tác, được Nhà Nước cấp “tem
phiếu” theo “hộ khẩu”, riêng cho từng “cấp mặt hàng”, đem đến “nhà hàng
quốc doanh” mới có mà mua. Nhiều khi chậm chân, không còn hàng để mua.
Món
tiền 2 ngàn Cụ Hồ mà anh ta đem về cứu giúp, không đủ để trang bị một
căn phòng tắm bên mỗi phòng ngủ. Chung quanh tường cẩn toàn gạch men
trắng toát. Bồn tắm, bồn rửa
mặt, bồn ngồi đại tiện, toàn bằng sứ tráng men nhập cảng từ nước Ý
(Italia).
Trước
thực tế hiển nhiên, Anh bộ đội đi tập kết về vỡ mộng, tức giận vì không
ngờ bao năm qua đã bị Cộng sản tuyên truyền lừa bịp xảo trá. Bây giờ,
tuổi Ðảng cũng được cả chục
năm rồi, ân hận vô cùng, nhưng phải cam lòng ngậm đắng nuốt cay một
mình, chẳng dám hé môi.
Khoảng
đầu tháng 6-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ra lệnh, và các
phường khóm thúc đẩy, mọi Quân Cán Chính chế độ cũ phải chuẩn bị đi
trình diện tập trung học
tập cải tạo một tháng, hạn trình diện quy định trong 3 ngày 13, 14 và
15-6-1975.
Nơi
trình diện tập trung các Sĩ quan cấp Tướng và Ðại tá, không phân biệt
Nam Nữ, là khu Ðại học xá Minh Mạng ở đường Minh Mạng Chợ Lớn. Còn các
Nam Nữ sĩ quan cấp Trung tá,
Thiếu tá, Úy, và nhân viên Hành chánh thì tập trung tại các nơi khác.
Tôi không quan tâm nên không nhớ rõ những nơi nào.
Tôi
đợi tới ngày sau cùng, tức là 15-6-1975 mới đi trình diện. Suốt đêm hôm
trước trằn trọc không ngủ được. Vợ Chồng Con cái dặn dò nhau đủ thứ
chuyện. Tôi dặn Vợ, nếu có thể
tìm được đường dây vượt biên thì Mẹ Con cứ việc giắt nhau đi, phần Tôi
sẽ tự tính lấy sau. Tôi dặn như vậy, vì Tôi có người con trai lớn du học
bên Hoa Kỳ từ năm 1971, vào năm 1975 cậu ấy đã tốt nghiệp Kỹ sư điện
tử, đủ khả năng lo cho Mẹ và các Em trên đất
Hoa Kỳ.
Tôi
chia trách nhiệm cho các con lớn nào, phải lo săn sóc em nhỏ nào. Rồi
dặn tất cả mọi người hãy nhớ lấy ngày Ðoan Ngọ (5 tháng 5 Âm lịch) hàng
năm, để làm giỗ cho Tôi nếu
sau này Tôi không trở về, hoặc không biết được Tôi đã chết ở đâu vào
ngày nào.
Sáng
sớm 15-6-1975 (ngày Ðoan Ngọ), chuẩn bị túi đeo lưng đựng quần áo, chăn
mùng, và các vật dụng để ăn uống hàng ngày xong, cả nhà đang ăn sáng,
thì có đoàn cán bộ Phường
tới nhà “kiểm tra nhân số Hộ khẩu”. Họ hỏi Tôi đi đâu, Tôi trả lời đi
trình diện học tập cải tạo, hôm nay là ngày hạn chót. Lúc đó họ mới biết
Tôi là Ðại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà (QLVNCH), và ghi hàng chữ Ðại
tá thật lớn trên tờ Hộ khẩu.
Từ
ngày quân Cộng sản vào Saigon, gia đình tôi không được trở lại cư trú
trong căn cư xá Sĩ quan trong Trại Trần Hưng Ðạo. Ðồ đạc, áo quần, giấy
tờ hộ tịch khai sanh, hôn thú,
bằng cấp, hình ảnh kỷ niệm của gia đình… đều bị mất hết. Chúng tôi mua
vội được căn nhà 3 tầng bán rẻ, của một ông chủ tiệm bán đồ gỗ, tại mặt
đường Trương Minh Ký gần ngã tư Huỳnh Quang Tiên. Ông bà già này cần về
sống tại vùng xóm đạo Gia Kiệm, vì có 2 người
con gốc Cảnh sát quốc gia và Hải quân, đã di tản trước ngày 30-4-1975.
Tôi khai mất sổ gia đình để xin tờ Hộ khẩu mới, và ghi nghề nghiệp là
Giáo viên Trung học.
Lúc
10 giờ, năm người Con lớn, dùng 3 chiếc xe đạp đưa Tôi lên đường tới
Ðại học xá Minh Mạng để trình diện. Khi tới Bình Bông ngã 6 đầu đường
Minh Mạng, nơi dựng tượng An
Dương Vương đài thánh Tổ Binh chủng Công Binh trong QLVNCH, thấy có
toán bộ đội kiểm soát lưu thông, cản không cho người và xe cộ đi vào
đường Minh Mạng. Những người trình diện phải đi bộ, vác hành trang vào
một mình, trên khoảng đường dài cả mấy trăm mét.
Cha Con chúng tôi ôm nhau hôn chia tay, trước sự nhòm ngó thản nhiên
của Dân chúng hiếu kỳ, đang đứng xem tại các góc đường quanh Bình Bông,
và những đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, của mấy người Bộ đội Cộng sản đang
làm nhiệm vụ kiểm soát.
Ðeo
túi hành trang lên vai, Tôi thong thả một mình đi giữa lòng con lộ, có
những cây cao đổ bóng mát xuống 2 bên đường. Con đường mà trước đây, Tôi
đã từng lái xe đưa 2 người
con trai, đến học tại trường Trung học Chu văn An, gần bên Ðại học xá.
Ðường
vắng tanh, không một tiếng động cơ xe hơi, xe Lambretta, xe máy dầu làm
náo động. Cũng chẳng một bóng người qua lại, chỉ có một mình Tôi cô đơn
thầm lặng, vừa đi vừa
nghe tiếng gót chân của chính mình, ình ịch nặng nề nện trên đường phố.
Tôi
chợt lo, không biết có ai đi trình diện không hay chỉ có một mình mình
thôi. Rồi lại tự nhủ thầm để tự chấn tĩnh mình. Chắc người ta muốn cho
Cách mạng thấy thiện chí muốn
cải tạo để sớm trở thành Công dân Xã hội chủ nghiã, nên đã sốt sắng đi
trình diện sớm hết cả rồi, chỉ còn mình là chót thôi. Nếu đúng vậy thì
cũng phiền, mình sẽ bị quan tâm theo dõi, thật nguy hại cho tương lai
suốt thời gian học tập.
Trong
khi đi, thỉnh thoảng Tôi ngừng lại quay mặt về phiá sau, nhìn xem các
Con còn đứng ở đầu đường dõi theo mình không? Chúng vẫn còn đó, Tôi xúc
động bật lên khóc một mình
không sao cầm nổi. Từ ngày đón chúng vào đời đến nay, có bao giờ nghĩ
rằng có thể xẩy ra cảnh ngộ chia ly đau đớn như thế này đâu. Thật tội
nghiệp cho mấy đứa trẻ thơ, chúng đâu có tội tình gì.
Tôi
tới nơi trình diện lúc 12 giờ trưa. Sau khi làm các thủ tục giấy tờ
khai báo lý lịch cá nhân, đóng tiền ăn 1 tháng xong, người ta chỉ Tôi
lên lầu kiếm chỗ nào trống thì
nằm vào đó. Lâu quá rồi, Tôi không nhớ số tiền ăn đã phải đóng là bao
nhiêu. Trong khi đưa tờ biên nhận tiền cho Tôi, nhân viên nhận tiền
thông báo : “-Vì mới đến đóng tiền trễ vào giữa ngày, không có phần ăn
buổi tối, phải tự túc.” Tôi gật đầu không nói gì
và cũng chẳng lo. Vợ tôi cẩn thận biết lo xa, đã chuẩn bị cho nắm cơm,
mấy trái trứng luộc với ít muối tiêu, khúc bánh mì cặp thịt, và bi đông
nước chín, để trong túi đựng quần áo từ trước khi rời nhà ra đi rồi.
Lên
hết cầu thang, trong lúc đi rảo qua các phòng tìm chỗ, bất chợt Tôi
thấy Tướng Nguyễn Hữu Có, bạn tốt nghiệp cùng Khoá 1 Sĩ quan Trường Võ
bị với Tôi hồi tháng 6 năm 1949,
dơ tay vẫy chào. Tôi tiến tới bắt tay chào, và hỏi : -Sao anh không đi,
Chị và các cháu có đi được không? Ông ấy lắc đầu, hỏi lại : “-Mới tới
à?” Tôi gật đầu rồi quay đi tìm chỗ nằm.
Mọi
phòng đều chặt cứng. Cuối cùng Tôi tìm được một chỗ trống, ở căn phòng
gần bên phòng vệ sinh chung của tầng lầu. Bước chân vào phòng, Tôi vui
mừng yên bụng vì gặp được
vài người quen, còn toàn người chưa có dịp gặp bao giờ.
Vừa
ổn định xong chỗ nằm trên sàn nhà, thì Thiếu tướng Văn Thành Cao, gốc
Lực lượng võ trang Cao Ðài, trước 30-4-1975 làm Tổng cục phó Tổng cục
Chiến tranh Chính trị QLVNCH,
đến gặp Tôi bắt tay và ghé tai thì thầm nói nhỏ : “-Chốc nữa nếu có Cán
bộ gọi anh “làm việc”, nếu họ hỏi về tôi thì anh vui lòng nói rằng, tôi
là người rất tốt, mọi người phục vụ tại Tổng cục rất qúy mến tôi. Dân
Tổng cục ở đây chỉ có mấy người, chúng mình
phải bảo vệ nhau, mấy bạn khác tôi cũng đã dặn như vậy.” Tôi ngạc nhiên
không hiểu vì sao, nhưng cũng gật đầu đồng ý. Tướng Cao cám ơn, rồi
lanh lẹ quay trở về phòng của các ông Tướng, cũng đến trình diện tập
trung đi cải tạo.
Tôi
bước vào phòng vệ sinh chung để giải quyết tiểu tiện, gặp thêm vài bạn
quen khác làm việc tại Saigon lâu năm, trong đó có anh Bùi Dzinh đã giải
ngũ. Thời Ðệ nhất Cộng hòa,
anh Dzinh đã được Tổng thống Ngô Ðình Diệm cử làm Tư lệnh Sư đoàn một
thời gian. Anh Dzinh đang mặc quần cụt áo thun, ngồi lom khom lau sàn
nhà, thấy Tôi anh nhoẻn miệng cười nói : “-Ðây là việc của chung, bây
giờ mình phải tự giác xung phong làm lấy chớ đợi
ai làm thay cho.” Tôi gật đầu cười tỏ dấu hiệu đồng ý, để phụ họa cho
anh ấy đỡ ngượng trước mặt anh em khác, cũng đang đứng xếp hàng chờ đến
lượt giải quyết nhu cầu cho nhẹ bầu tâm sự.
Khoảng
5 giờ chiều, Tôi bị gọi vào 1 căn phòng nhỏ để “làm việc”, với 1 cán bộ
mặc đồ tác chiến, không biết cấp bậc gì, chắc là sĩ quan cao cấp vì
thấy mang bên mình túi da
đựng tài liệu. Ông ta hỏi Tôi 3 câu : 1- Có biết hiện giờ Trung tướng
Trần văn Trung ở đâu không? (vì Tôi là Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến
tranh chính trị QLVNCH). 2- Nhà văn Xuân Vũ (hồi chánh viên) viết truyện
dài “Ðường đi không đến” trên Nhật báo Tiền Tuyến
bây giờ ở đâu? 3- Số tiền 20 triệu ký qũy của Nhật báo Tiền Tuyến bây
giờ để đâu? (vì Tôi là Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến).
Câu 1, Tôi trả lời, sáng sớm 30-4-1975 Tôi còn gọi điện thoại cho Trung tướng Trung tại văn phòng, bây giờ thì Tôi không biết.
Câu
2, Tôi cho biết, ông Xuân Vũ hàng tuần đến nộp bản thảo cho Ban Biên
tập, để họ trình bầy đưa lên báo in lần, do đó ông ấy và Tôi ít có dịp
thấy mặt nhau, nên chẳng biết
ông ta ở đâu.
Còn
câu thứ 3, là Chủ nhiệm Tôi phải đứng tên vay 20 triệu đồng của ngân
hàng Việt Nam thương tín (VNTT), để chuyển vào chương mục của Nhật báo
Tiền Tuyến trong Ngân hàng Trung
ương, đóng ký qũy phát hành báo theo luật báo chí quy định. Hàng tháng,
với tư cách Chủ nhiệm báo đứng tên vay tiền, Tôi phải ký chi phiếu của
toà báo trả tiền lời cho ngân hàng VNTT. Trường hợp báo bị đóng cửa,
Ngân hàng Trung ương tự động chuyển hoàn số
tiền đó cho Ngân hàng VNTT, chớ Tôi không dính líu gì cả. Hợp đồng vay
tiền của Ngân hàng VNTT quy định như vậy. Ông đi mà hỏi Ngân hàng Trung
ương, hoặc Ngân hàng VNTT thì rõ. Ông ta hỏi thêm câu thứ 4 : “-Còn tiền
mặt lưu giữ điều hành cho tờ báo hàng ngày,
lên đến cả trăm ngàn đồng thì để đâu?” Tôi trả lời, để trong tủ sắt
tại văn phòng Quản lý, và chính Quản lý giữ chià khoá, Tôi không giữ.
Ông muốn biết còn có bao nhiêu thì đi tìm Quản lý mà hỏi, Tôi không biết
bây giờ ông ta ở đâu.
Cuộc
hạch hỏi này, cho phép Tôi nhận định rằng họ chỉ cần tìm tiền, chớ thực
ra họ chẳng cần tìm Trung tướng Trung, hay nhà văn hồi chánh Xuân Vũ.
Vì ngày 30-4-1975, khi họ
vào chiếm doanh trại Nha Tâm Lý Chiến và toà báo Tiền Tuyến, chắc chắn
họ biết rõ là Tôi đã không tuân lệnh Dương văn Minh buông súng đầu hàng,
bỏ toà báo về nhà chớ không đợi bàn giao cho ai cả. Như vậy, họ nghĩ là
Tôi đã cướp số tiền của toà báo, tìm đường
thoát xuống miền Tây, ra Vũng tầu, hoặc tìm ghe thuyền vượt biển khơi
trốn ra khỏi nước. Không ngờ hôm nay lại thấy có tên Tôi trong danh sách
những người đến trình diện tập trung, vì trốn đi không thoát, nên họ
đến hạch hỏi để tìm cho ra, cái món tiền chiến
lợi phẩm quá lớn đó mà thôi.
Khoảng nửa đêm, có lệnh báo động, mọi người phải thu xếp hết hành trang
gói ghém gọn gàng lại, rồi xuống sân tập họp nghe lệnh.
Người ta đọc tên xếp thành từng Ðội đứng riêng ra, rồi lần lượt dẫn ra
đường, lùa lên những chiếc xe Molotova có mui vải bạt, bịt kín mít cả
chung quanh như để
chở hàng hoá.
Hơn
một tiếng đồng hồ sau, mọi người lên hết các xe mới có lệnh di chuyển.
Mỗi xe có 2 Bộ đội Cộng sản cằm súng AK đi theo canh chừng, ngồi ở cuối
mỗi xe.
Nửa đêm lệnh gọi “hành quân”
Gập chăn, cuốn chiếu, xuống sân xếp hàng.
Nối đuôi nhau đứng hoang mang,
Va-li lếch thếch, túi quàng bên vai.
Nghe tên gọi bước ra ngoài,
Tập trung thành Ðội ba mươi mốt người.
Dồn lên từng chiếc xe hơi,
Bít bùng, ngột ngạt, đứng ngồi chen nhau
Lao nhao, bàn tán xì xào,
Ðoán xem chuyển đến nơi nào, gần xa?
Người sành tin tức ba hoa,
Chắc là Phú Quốc, phải ra bến tầu.
Xe lăn mỗi lúc một mau,
Bò lên, lao xuống, thấy đâu mà mò.
Lắc qua, lắc lại vòng vo,
Lanh quanh đến sáng tờ mờ mới ngưng.
Sương mai phủ kín cây rừng,
Rào gai xiêu vẹo, tầng tầng bìm leo.
Xuống xe, gối mỏi lăn quèo,
Lồm ngồm bò dậy, tiếp nhau xuống hàng.
Quơ quờ tìm kiếm hành trang,
Leo qua rào kẽm vào làng tập trung.
NGUYỄN-HUY HÙNG
Cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hoà,
Phụ tá Tổng cục trường Chiến tranh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Nhật báo
Tiền Tuyến trước 30-4-1975,
Cựu tù nhân chính trị 13 năm lao động
khổ sai trong các trại tù cải tạo của Đảng Việt Cộng và bạo quyền Cộng
hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam trên cả 3 miền đất nước sau 30-4-1975.
|