Saturday, April 7, 2018

HAI NGƯỜI LÍNH BẮC-NAM NĂM XƯA

BỨC ẢNH ẤY...
(Tất tần tật về #HAI_NGƯỜI_LÍNH)
Phần 1: Chiến tranh
Tháng 4-1973. Chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền. Ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đến chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Lúc này, hai bên ranh giới vẫn chĩa súng về phía nhau.
Đến buổi chiều, ông Thành kể lại. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh.
“Tôi cứ ngỡ là chuyện đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng” - ông Thành kể chậm rãi. Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.
Một anh lính thủy quân lục chiến thấy ông Chu Chí Thành cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội tấm hình kỷ niệm”. Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau. Bấm xong mấy bức hình, ông Thành đứng trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính.
“Cách đó mấy cây số về phía nam súng vẫn đang nổ, nhưng tại điểm ranh giới này họ nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến. Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến”
Ông phải chờ thêm 2 năm nữa. Và sẽ còn biến động rất nhiều.
***
Phần 2: Gặp lại người lính miền Bắc
Tháng 12/2007, có triển lãm ảnh Những thời khắc không thể quên tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TPHCM. Bức ảnh "Hai người lính" lần đầu ra mắt công chúng và tạo nên sự xúc động đặc biệt cho những người xem. Cùng với đó là mong muốn được gặp lại những người trong bức ảnh.
Tháng 4/2015, để có thể làm một điều gì đó kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất. Phóng viên báo tuổi trẻ tiếp cận ông Phan Tư Kỳ, xã đội trưởng xã Triệu Trạch, Quảng Trị năm 1972-1973, nhờ ông giúp liên hệ với các cựu chiến binh C5 (Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48) để đi tìm người lính giải phóng. Sáng 21/4, hơn 20 người lính C5 chuyền nhau bức ảnh và lục lại ký ức hơn bốn chục năm trước. Ai cũng nói thấy người bộ đội quen mặt nhưng không nhớ là người nào. Trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển khắp các ban liên lạc của Trung đoàn 48 tại các tỉnh thành qua đường internet.
Lúc đó có một thông tin: người lính ấy đã mất. Cảm giác thất vọng xâm chiếm mọi người. Nhưng ngày 10/5/2015, một người đàn ông tìm gặp cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành tại nhà riêng, để ôn lại kỷ niệm ở mặt trận Long Quang, Cửa Việt năm 1973. Ít phút ngờ ngợ, chủ nhà hỏi, và khách nhận: Ông chính là anh bộ đội trong bức ảnh Hai người lính.
Người đàn ông ấy tên là Nguyễn Huy Tạo. Ông kể "Phía bên kia thuộc Tiểu đoàn Trâu Ðiên, lực lượng Thủy quân Lục chiến, trên tay áo có in hình đầu con trâu; còn tôi ở Ðại đội 6, Trung đoàn 48, còn gọi là Trung đoàn Thạch Hãn. Ðặc sản lính được mang ra đãi trong các cuộc gặp là kẹo Hải Hà, thuốc lào Tiên Lãng..., còn bọn họ có thuốc lá Ruby, sô cô la, kẹo cao su... Tôi 20 tuổi, là Trung sĩ Tiểu đội trưởng. Anh lính Sài Gòn chụp ảnh cùng cũng trạc tuổi tôi, cũng Trung sĩ nhưng là Trung sĩ tâm lý chiến. Anh cho biết trước khi đi lính, anh là sinh viên Văn khoa Sài Gòn."
Vậy là đã tìm được người lính miền Bắc, còn người lính miền Nam thì sao?
***
Phần 3: Gặp lại người lính miền Nam
Ông Thành xúc động nhắn gửi trên báo: “Suốt cuộc đời cầm máy của tôi với không ít lần vào sinh ra tử ngoài chiến trường, tôi luôn xem tấm ảnh này như là biểu tượng hòa hợp của dân tộc, là biểu tượng cho khát khao hoà bình không còn chiến tranh, không còn những hi sinh xương máu. Đến nay. dù đã cố gắng nhiều công sức nhưng tôi chỉ mong ước một điều, nếu người lính còn lại trong bức ảnh còn sống thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp một lần. Đất nước đã thống nhất, hòa bình 40 năm rồi”.
Các phóng viên phải mất thêm 2 năm tìm kiếm nữa !
Tháng 5/2017
Phóng viên Dương Phương Vinh, với sự giúp sức của người đồng nghiệp trẻ báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, đã gõ cửa một ngôi nhà ở Quận 12, Sài Gòn. Người chủ nhà mở cửa, tên ông Bùi Trọng Nghĩa - người lính năm xưa ấy đã mở cửa.
“Anh Thành là người chụp ảnh thì nhớ chi tiết mọi chuyện nhưng tôi không nhớ nhiều vì qua chiến tranh, bị thương, trại cải tạo... Tôi không phải chỉ huy nên cũng không nhớ chính xác địa điểm đóng quân hồi tháng 3/1973. Chỉ biết là vô Quảng Trị thì chỗ đó nằm ở hướng đông, hướng từ sông Vĩnh Định, từ thôn Đức La đi lên. Là làng không giáp biển.
Nhớ nhất cảm giác nghe hai bên đình chiến thì mừng thấy mẹ, thằng nào cũng mừng, bên nào cũng mừng. Có ai thích đánh nhau, thích chết đâu. Cho nên có dịp là tôi lại qua bên các anh bộ đội nói chuyện chơi”.
"Còn sống tới giờ này, có gia đình là mừng rồi. Lính hai phía mỗi ngày hồi đó chết như cỏ rạ vậy."
Người đã nằm xuống thì đâu còn phân biệt bên này hay bên kia!
***
Phần 4: Hội ngộ:
Một ngày đầu năm dương lịch 2018.
Ông Bùi Trọng Nghĩa - người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính gọi điện cho phóng viên: “Đài Truyền hình Quảng Trị mời tôi dự giao lưu nhân 45 năm Hiệp định Paris, có cả anh Tạo anh Thành. Tôi có nên đi không?”. Phóng viên Vinh đã thuyết phục được ông Nghĩa.
11 giờ 10 phút trưa 25/1/2018, người Sài Gòn “gộc” Bùi Trọng Nghĩa đáp chuyến bay 1372 của Vietnam Airlines từ TPHCM ra Phú Bài, Huế. Trước đó, 19 giờ 30 tối 24/1, nhà báo Chu Chí Thành lên chuyến tàu SE1 khởi hành từ ga Hà Nội. Cũng từ Hà Nội, chiều 25/1 Nguyễn Huy Tạo lên tàu SE9 cùng thủ trưởng cũ - Đại tá Trần Long, sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 48 tức Trung đoàn Thạch Hãn đóng tại Quảng Trị thời điểm 1973.
Khi máy bay chở ông Nghĩa hạ cánh xuống Phú Bài, Huế. Phóng viên Chu Chí Thành đã ở sẵn đón ông dưới chân máy bay: "Nhận ra anh à? Qua ảnh hay thấy động tác thì nhận ra? Em ra được đây là mừng quá rồi. Khỏe nhỉ, tốt quá. Ôi trời, bốn nhăm năm rồi...”.
Trong đêm, Bùi Trọng Nghĩa và Chu Chí Thành đi dọc đường ray ga Đông Hà đón hai người lính Hà Nội đang đi tàu vào. “Anh ra khi nào?”- ông Tạo hỏi. Còn ông Nghĩa: “Nghe nói anh bận lắm. Vậy vô đây là mất công mất việc của anh. Nhưng anh vô được là quí rồi. Anh em mình còn sống đến giờ này là mừng rồi, tưởng đâu...”. Đêm đó, họ nói chuyện đến sáng bạch, và sau đó họ quay lại Long Quang, nơi có bức ảnh lịch sử.
Cuối cùng họ cũng có bức ảnh hội ngộ tuyệt vời sau 45 năm. Như nhiều bạn đọc mong mỏi. Không khí thật đặc biệt, với sự tham góp rôm rả của những người chứng kiến. Nào là tay đặt đâu, mắt nhìn đâu cho giống bức ảnh hồi xưa; rồi bối cảnh đã chuẩn, đúng vị trí ngày xưa chưa, cây lá chung quanh đủ đẹp thơ mộng chưa.
Tay đã đặt đúng, chỉ khác ở chỗ: bức ảnh gặp lại, họ cười rất tươi !
Huy Tạo nói: vốn là người lính chỉ biết nhằm đối phương mà bắn nhưng giờ hòa bình rồi, không phải làm công việc đó nữa.
-----
Tâm sự của ông Chu Chí Thành - tác giả bức ảnh:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương/
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Lúc này là giờ phút thể hiện sự bao dung của người chiến thắng. Không hề nghĩ người cầm súng bên kia thù địch với mình nên tôi đã chụp bức ảnh và giữ đến giờ. Đời người ta, chỉ một khoảnh khắc cũng rất ý nghĩa. Nhất là khoảnh khắc đặc biệt thì nó quyết định tư tưởng, tâm thế của một người, nhân cách của họ. Ai trong đời có những giây phút quan trọng mà quyết định đúng đắn thì người đó rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy tôi là một trong những người hạnh phúc."
***
Nhưng giấc mộng nghìn thu đã ở lại, dù bên này hay bên kia, cuối cùng chỉ là một nắm tro tàn, ngoảnh đầu quay lại chỉ toàn trường mộng ảo.
-----
Trải lòng của người viết:
Tôi vốn là kẻ lãng mạn trong chính trị. Lại hay rơi nước mắt khi đọc về lịch sử, hôm nay lại vậy, viết bài này cũng vậy, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ để dằn mình lại.
Tôi luôn mộng mơ về hòa giải dân tộc. Bởi vì điều quan trọng nhất của 4 chữ Hòa giải dân tộc, là có thể quy tụ được tri thức đất nước về cùng một chỗ, qua đó đưa được ra những quyết sách đúng nhất vì đất nước này. Hãy nhớ lịch sử là những bài học để hôm nay tốt hơn. Chứ không phải dùng lịch sử để bắn vào nhau. Máu xương đồng bào ngã xuống cho một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn. Chúng ta hắt hủi nhau như những đứa con côi tội nghiệp không biết vì sao mình lại ghét bỏ nhau.
Vẫn biết rằng rào cản của sự hòa giải là rất lớn. Đó chính là những người cha chú đã sống và chiến đấu cả đời vì một lý tưởng cách mạng. Và phía bên kia, những con người đã khóc, đã đau thương trên những chuyến tàu vượt biên.
Nhưng không thể không viết, cũng không thể không nói. Chỉ cố gắng làm trong khả năng của bản thân.
Và cũng không phải là không có hy vọng. Khi các bạn đọc được câu chuyện về "hai người lính" thì đâu đó rằng, cả một thế hệ đang cố hàn gắn vào nhau...
TP.HCM, trong những ngày tháng 4/2018.
-----
Nguồn: Thư Quán

No comments:

Post a Comment