Những trận đánh không có thương binh

Huy Phương
Một truyền đơn của VNCH đành cho cán binh VC, nhắm vào nỗi sợ hãi của thương binh phải bị bỏ lại ngoài mặt trận. (Hình: Huy Phương cung cấp)
Một trận đánh không có thương binh có nghĩa là chỉ có lính tử trận, hoặc là một trận đánh mà cấp chỉ huy không muốn đem thương binh về. Thương binh bị bỏ lại trận địa, vì quá xa hậu cứ, không có phương tiện và nhân lực tản thương, không đủ bệnh viện hay thuốc men để săn sóc họ. Do vậy, thương binh có thể bị phát đạn ân huệ cuối cùng của đồng đội, để khỏi bị vào tay giặc, giữ kín được tin tức tình báo.
Việt Cộng thường có chủ trương nghiên cứu kỹ chiến trường, đánh mạnh và rút nhanh vì sợ viện binh, pháo binh tiếp ứng hay phi cơ thả hoả châu soi sáng trận địa, nên vấn đề đem thương binh theo khi rút khỏi chiến trường, là chuyện bất khả thi.
Nếu đem những con số chênh lệch khó tin giữa con số binh sĩ tử thương và thương binh của cả hai phía, Bắc Việt và VNCH cũng như quân đồng minh, chúng ta sẽ thấy rõ chủ trương của Bắc Việt, thường không coi mạng người là quý.
Không thể có một cấp chỉ huy vô lương tâm nào hơn những cấp chỉ huy quân sự của Bắc Việt. Tướng Giáp đã từng nói: “Mỗi một phút, có hàng trăm ngàn người chết trên khắp thế giới. Cái sống hay cái chết của hàng ngàn người, ngay cả khi họ là người cùng quê hương, có ý nghĩa rất ít trong thực tế.”
Ở một chỗ khác: “Non! Pas du tout!” Ðó là câu trả lời lạnh lùng của Võ Nguyên Giáp cho báo chí quốc tế khi người ta hỏi viên tướng này là ông có hối tiếc gì về chuyện 4 triệu người Việt chết vì chủ nghĩa Cộng Sản hay không?
Thử nhìn lại những con số về binh sĩ tử trận và thương binh của cả hai bên:
– Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 310,000 tử trận và 1,170,000 người bị thương. Tính ra 1 người tử trận, có 4 người bị thương.
– Hoa Kỳ khoảng 58,200 tử trận và hơn 304,000 bị thương. Tính ra 1 người chết có đến 5 người bị thương.
– Nam Hàn có 5,099 tử trận và 11,232 bị thương. Tính ra 1 chết thì có hơn 2 người bị thương.
– Thái Lan có 351 tử trận và 1.358 bị thương. Tính ra 1 chết có gần 5 người bị thương.
– New Zealand có 55 tử trận và  212 bị thương. Tính ra 1 chết có 4 người bị thương.
Về phía Cộng Sản Bắc Việt, theo tài liệu thống kê chính thức của Cục Chính Sách – Tổng Cục Chính Trị – Bộ Quốc Phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1,146,250 “liệt sĩ” và chỉ có khoảng 600,000 thương binh. Tính ra số tử trận của quân Bắc Việt cao gấp hai lần số thương binh, trong khi phía tự do cứ 5 thương binh đem về hậu cứ mới có một người tử trận. Điều này cho chúng ta thấy rõ thế nào là “một trận đánh không có thương binh!”
Sau chiến thắng Tháng Năm, 1975, Bắc Việt ngoài hàng triệu “bộ đội” tử trận chưa được thông báo, để cho dân chúng thấy được bộ mặt huy hoàng của người thắng trận, Bắc Việt đã “cách ly” tất cả thương binh đến những vùng xa, khỏi những nơi dân cư đông đúc.
Không phải chỉ có thương binh, mà ngay cả tù binh sau khi lọt vào tay địch, được giải thoát mang về, để khỏi bị lộ những bí mật quân sự, cũng được Cộng Sản thủ tiêu. Theo Phan Ba‘s Blog, ngay cả trong chiến tranh biên giới Hoa- Việt, năm 1989, được biết Quân đội Bắc Việt có đến 10% nữ làm tù binh, nhưng chính quyền Việt Cộng dối trá chưa bao giờ tuyên bố con số tù binh nằm trong tay Trung Cộng, vì Cộng Sản hẹp hòi tính dân tộc, yếu hèn sợ mất lòng Trung Cộng.
Những nữ tù binh này không được về lại quê hương, sau khi trao trả tù binh, Việt Cộng lập tức phi tang họ trong rừng sâu. Cho đến ngày nay nhân dân Việt Nam không hề biết thân phận của tù binh chiến tranh sống chết thế nào! Việt Cộng không công bố lấy lý do là vì “bí mật quốc phòng.”
Trong một cuộc họp mặt của cán bộ Cộng Sản cũ với nhà tranh đấu Bùi Minh Hằng tại Vũng Tàu vào Tháng Sáu, 2017, một cán bộ ly khai đã phát biểu về những gì ông biết về thương binh bộ đội. Người cộng sản ly khai này, dù không là Đảng viên, nhưng cũng là một nhân viên cao cấp, đã xác nhận việc giết sạch các thương phế binh bộ đội. Và nhiều chuyện kinh hãi khác nữa!!
Theo ông thời chống Pháp, như Phạm Duy đã viết “Nạng thương binh chống rổ mặt đường làng,” nhưng vào thời chống Mỹ, thương binh bị giết sạch, y như Trung Cộng sau chiến tranh biên giới, thương binh của họ bị tập trung lại, rào dây thép gai và đốt cháy. Sau năm 1975 chỉ thấy thương binh chế độ cũ mà không thấy thương binh chế độ mới. Vậy thì họ ở đâu? Đều bị thủ tiêu ở chiến trường! Không lẽ bộ đội khiêng nhau mà đi hành quân? Cuộc gặp gỡ và lời phát biểu này có quayy phim và đưa lên youtube. (*)
Dương Thu Hương, một người “ở trong chăn” Bắc Việt cũng đã tiết lộ: “Đến tận bây giờ, cuộc chiến vẫn ám ảnh tôi. Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa… Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.” (“Ký 2” của Đinh Quang Anh Thái.)
Chính vì vậy mà sau này, Bắc Việt đã quy tập hàng chục nghìn mộ tử sĩ để lập nên những nghĩa trang “hoành tráng” nhưng phần lớn chỉ là những “mộ gió” hay chôn xương trâu xương bò, tất cả đều là những nấm mồ vô danh, không tên tuổi. Vì với trận địa rải rác quá lớn, thời gian và thời tiết tàn phá, thiên nhiên thay đổi và vì chính sách đã có từ trước, gia đình tử sĩ hầu hết chỉ nhận được một cái giấy ghi công, công nhận là gia đình liệt sĩ, nhưng xương cốt chưa bao giờ được về nhà!
Không phải lúc nào kẻ thiện cũng thắng phe tà! (Huy Phương)