Monday, October 1, 2018

Đi làm ruộng ở U Minh Thượng
Lời nói đầu: Câu chuyện này xảy ra cũng lâu rồi, hơn 40 năm. Thành ra những việc tôi kể dưới đây là đúng, nhưng thứ tự vào màu nắng trước sau có lẫn lộn đôi chút, các huynh thông cảm.
Ngày 15-4-1978, sau khi thằng quan thái úy Té lòi cu tui có thành tích xuất sắc “học tập tốt, cải tạo tốt” được cho phép về nhà để đi vùng kinh tế mới hoặc hồi hương lập nghiệp. Gia đình tui ở xứ quê cũng ngon cơm lắm, gia đình kách mệnh hông à (trừ mấy tên ở thành, ở thị xã, đi lính nguỵ vì bị chocolate, bia Mỹ làm hư thân, bỏ dòng tộc cầm súng chống lại). Ấy thế mà ra tới xã thì trưởng công an nói Ở đây cũng đi kinh tế mới nữa, anh về hổng được đâu! Tồi đòi anh ta ký vào giấy, bạn mình kỳ ngay, đóng dấu đỏ cái cụp. Trình cho phường, cho quận đâu chừng năm bảy bữa chi đó, nhận được giấy đi họp ở Ban Khai hoang sản xuất ở xa lộ Biên Hoà, gần cầu Phan Thanh Giản. Gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, lúc này được Phi Thoàn giới thiệu làm lơ xe ở Xa cảng miến Tây, thằng tui mừng quá. Thăm hỏi dăm ba câu chuyện vắn, chuyện dài, ghé nhà ảnh. Những tưởng ảnh cùng đi Kiên Giang như đã thông báo trong buổi họp, thế nhưng ảnh lặn sâu, ở nhà để vượt biên. Thế là mấy chục con người “kẻ thù của nhân dân” lên xe về vùng đất mới có một thượng úy công an hộ tống, chỉ một mà thôi. Trong nhóm đi này gồm các quan nguỵ ở hai quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, có hai chị, không phải nữ quân nhân nhưng mà “lỡ” vào làm công chức ở cái gọi là Phượng Hoàng chi đó.
Xe chở là của công ty hợp doanh Xe khách liên tỉnh miền Tây, qua phà được ưu tiên, mọi người cũng thoải mái. Có một thiếu tá và hai đại uý cùng được học tập tốt, cải tạo tốt cùng đi. Đến Rạch Sỏi (Rạch Giá) thì dừng lại.Cả nhóm người ngơ ngơ ngác ngác ở gần nhà lồng chợ thì có một tay miền Nam mang súng ngắn ra đón, làm việc với viên công an hộ tống rồi cùng xuống chiếc vỏ lãi chờ sẳn. Ghe rời bến chạy một đoạn ngắn thì úi giời ơi, ra tới cửa biển Tắc Cậu mênh mông nuớc và gió làm thằng tui vốn dĩ không biết bơi sợ xanh mặt.
Chiếc vỏ lãi đi vào con kinh lớn, được giải thích là một bên là thứ, phía kia là biển, dân địa phương phân biệt nơi mình ở là miệt thứ hay miệt biển, thuộc quận An Biên, gọi là Thứ Nhứt, kế tiếp là Thứ Nhì, Thứ Ba…. Đi một quảng đường xa thì đến Thứ Mười Một, nơi Nông trường Quận 1 đặt bản doanh. Thứ Mười Một là xã Đông Hưng Thuận, là vùng U Minh Thượng (Rạch Giá) giáp ranh với U Minh Hạ (Cà Mau).
Chiếc vỏ lãi chui qua gầm cầu bên tông nhỏ nối văn phòng nông trường với chợ xã vào thêm 5 cây số nữa, ở bìa rừng tràm. Sau này ra xã chơi gặp chị chủ vỏ lãi chở đoàn lúc trước, chị mừng lắm, hỏi thăm đu thứ. Chị nói, lúc chở mấy “ông” vào, nhiều người nặng, mà nuớc còn thấp nhên vào dễ dàng, lúc trở ra ghe nhẹ, nước lớn, phải tháo máy đuôi tôm, bỏ mui, nhận nước ghe mới ra được. Cũng lạ, mới xuống chừng đôi ngày là dân cả xã đều biết chúng tôi là mấy “quan ta” phải đi vùng kinh tế mới. Dù đây từng là xã VC nhưng mà người dân luôn dễ chịu, vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người chúng tôi.
Chúng tôi được phân ra vào ở từng nhóm năm bảy nười ở những căn nhà lá kiểu chung “mẹ bồng con”. Đây là những căn nhà dự tính dành cho những gia đình đi kinh tế mới từ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn vào ở. Nền nhà được Thanh niên xung phong đào lấy ở bên cạnh làm nên. Một con đường đất chính chạy dài suốt hai dãy nhà (nhà nào cũng mặt tiền hết), với một lối nhỏ cũng đắp bằng đất. Chỗ ngủ là các sạp bằng cọc tràm, lót sậy cho êm, cũng ấm áp ra phết. Hai chị ở riêng, phụ trách nấu nuớng cho mọi người, bù lại đám đàn ông, thanh niên đi làm chia tiền ăn phụ giúp các chị. Được cái, hai chị này nấu ăn rất ngon, mà thức ăn dưới Thứ Mười Một cũng ngon lành, giá rẻ nên chuyện ăn uống thiệt đã, không như ở nhà đang ăn bo bo cung cấp bởi Nhà nước “chăm lo đời sống nhân dân”.
Cũng ở đây có cả một Tổng đội Thanh niên xung phong đóng quân và làm việc cũng như trải dài ra các cánh đồng của nông trường khác. Các thanh niên này, nam có, nữ có, ngày hai buổi cầm phảng, cầm cào ra mặc sức khai hoang, sản xuất. Lạ một điều ăn uống kham khổ nhưng mà mấy cô con gái thì to tròn trong khi mấy tên thanh niên thì ngược lại, ốm nhom, ốm nhách. Và các “quan” Thanh niên xung phong cấp đại đội trở lên thì phè phởn ở nhà “làm việc”, đánh đàn giải khuây (vì nhà tui ở kế bên).
Vùng này không có nước ngọt dù đóng giếng bơm, nhưng nước lấy lên chỉ phèn là phèn. Chỉ có Nông trường 6 (của Quận Sáu) là đóng đúng chỗ có nuớc ngọt xài tốt mà thôi. Chung quanh những nước là nước nhưng không uống được, ngay cả dân ngoài xã cũng phải đổi nước từ các ghe bầu lớn từ Long Xuyên qua, từ Rạch Giá vào để mà ăn, uống. Lúc mới xuống chúng tôi ở vào tháng mưa nên chuyện nước ăn, uống không mấy để ý, để rồi thời gian sau, mùa nắng đến mới thấy gay go, y như lúc lâm trận ở cao điểm 1062 lúc trước vậy. Dù chỗ ở cách nơi có giếng bơm nước ngọt của Nông trường 6 tính đường sông lớn thì xa, nhưng phía trong này đi lấy nước thì gần hơn, chỉ nửa đoạn đường là tới, lại thêm ruộng nuớc mênh mông, ghe đi đường tắt được.
Mấy ngày đầu không làm gì cho nông trường hết, chỉ lo củng cố nơi ăn chốn ở. Anh em từng tại ngũ đủ quân binh chủng, nhưng cái đáng nói là mấy tay hải quân cũng như tui, không biết chèo ghe, xuồng chi hết. Còn phần lớn ở văn phòng, ở núi nên  Ở nông trường có nhiều ghe lớn bé đủ cỡ để đi lại và làm việc đồng áng, rừng rậm bởi chung quanh buớc ra khỏi hè nhà là đụng ngay tới nước, cũng lớn cũng ròng. Nuớc phèn trong veo, nhìn cá lội dập dìu thấy mà ham, ra nơi vệ sinh công cộng là thấy nay ca lóc to bơi lội nhởn nhơ. Vậy mà phải ôm ghe đi lấy thêm sậy về lót ổ cho ấm vào những lúc bó gối khi mưa gió bão bùng. Ôi, lúc này mới nhớ khi đi chiến dịch, dân Bảy Ngàn cũng chỉ chèo ghe, nhưng mấy quan ta không thèm để ý vì đi đầu cũng có người đưa kẻ đón. Tôi và một hải quân trung úy vì không biết chèo ghe nên ra lấy một chiếc ca nô to bè bè, cho chắc ăn, khỏi sợ quá tải lật chìm. Cũng may, mấy đường kinh mới đào cũng không sâu lắm nên cái sợ cũng bon bớt một tí. Ông quan hải quân này ngày 30-4-75 đã tuần tiễu, lên tàu buôn Mỹ rồi, nhưng thấy dân di tản sao giống đi du lịch quá bèn leo xuống, vào bờ Rạch Giá để vô hộp.
Lúc còn ở trong con kinh nhỏ của nông trường, hẹp nên hai quan ta, người đầu, đứa cuối chống sào tràm vào bờ đi thoải mái. Ra khỏi kinh nhỏ tới kinh lớn hơn thì chiều dài ca nô ngắn hơn lòng kinh nhiều, hai người đầu và đuôi cùng chiếc sào với không tới bờ nên không nhúc nhích được, phải lênh đênh một con thuyền giữa dòng. Phải chờ gió thôi. Hai tên ngồi xuống cười nói vui vẻ, nhìn trời mây chờ… trời. Một cơn gió thoảng qua, đầu hay đuôi ca nô gì cũng được, quay ngang để chống sào vào bờ đẩy tới. Đoạn kinh chỉ mấy trăm mét nhưng với hai tay chèo kiệt xuất chúng tôi mất hết hơn ba giờ đồng hồ mới về lại được nhà mẹ bồng con của mình. Vác cây, lá lên làm phòng tắm cho nhà mình rồi cùng mấy người khác qua làm cho hai chị nữa. Xứ này họ đâu cần nhà tắm, cứ nhảy ùm xuống nuớc là xong ráo mọi chuyện, đúng là dân tiểu tư sản thành thì mà, bày trò. Cũng nhờ vậy, xuống tới đây chừng mươi bữa nửa tháng thì cũng có vài bà xuống thăm chồng có chỗ mà tắm, giặt. Phải nói rằng tay thượng uý công an đưa chúng tôi xuống nông trường này cũng tốt, anh ta giữ lời hứa, địa chỉ nhà nào của anh em chỗ dễ tìm thì hắn cầm thư đến tận nhà đưa, còn khó tìm lắm mới ra gởi bưu điện. Mấy bà xuống cho biết đám ma của cô đào Thanh Nga được người ái mộ tiễn đưa thật đông, và chiến tranh với Miên Đỏ bắt đầu sôi động, mới hay những tin tức thời sự ở Sài Gòn lúc ấy.
Sau cả tuần nghỉ ngơi thì nông trường giao việc cho làm. Làm lãnh lương theo sản phẩm, được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Theo giá gạo lúc bấy giờ là 30 xu một kg, thì anh em lượng sức mà làm. Đầu tiên là được hướng dẫn cách dọn đồng nơi vùng ngập nước này. Nước phèn trong vắt nên cỏ năng và sậy mọc nhiều. Động tác dọn đồng trước khi cấy lúa gồm có ba buớc động tác: phảng, cào, chế. Cây phảng giống như cây rựa dài, không có móc ở đầu và bìa luỡi bén hướng ra ngoài. Phần ruộng mỗi người được kế toán ra đo từng sáng, giao rõ rệt, độ chừng một hai trăm mét vuông, không nhớ rõ, gần sát bên nhà ở (các nơi xa bên Thanh niên xung phong phụ trách). Nếu làm hết khoảng đất này, kế toán ra nghiệm thu thì tiền lãnh được là một đồng rưởi. Dùng phảng chém một góc thích hợp để cắt đứt cỏ năng, sậy bên dưới mặt nước độ chừng non gang tay. Phần ngọn lìa khỏi thân nổi trên mặt nước thì phần còn lại nằm bên dưới sẽ bị úng và chết. Phảng xong thì dùng cào gỗ hay tre kéo phần cỏ nổi về một đám chung. Kéo trên nước nên cũng nhẹ. Lúc này mới xách phảng đi làm lượt thứ hai để trảm tiếp bọn cỏ ngoan cố sót lại, còn lấp ló khỏi mặt nuớc. Cái này gọi là chế. Rồi cào lần nữa là coi như xong. Những ngày đầu phảng hơi khó vì chưa quen đúng góc nên luỡi dao cứ bị lực nước đây nổi lên nên làm chậm, không năng suất. Mấy hôm sau, quen thì làm nhanh về sớm. Chiều làm tiếp cũng như vậy. Nhưng dân ở thành lội nước hoài cũng ngán nên anh em bàn với nhau làm chậm lại cho quá trưa, làm sao đủ chi phí trả tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, có dư chút xíu là đuợc, không cần biểu dương khen thưởng một tờ giấy nên dần dà bỏ làm chiều, và phần ruộng cũng sắp xong nên họ cũng chẳng hối thúc làm chi cho mệt.
Buổi chiều, ngủ dậy xong, thấy cá rô mề, cá lóc nhởn nhơ bơi qua lại thong dong bên hông nhà, anh em tính chuyện câu cá giải sầu mà cũng để ăn cho sướng. Gởi ghe hậu cần của nông trường hay của Thanh niên xung phong mua ở chợ luỡi câu, dây nhợ làm cần. Phải nói là anh em lắm tay sát cá, thả xuống giật lên là tòn teng con các dính câu ngay. Thằng tui là thằng rất đức độ, trói người người trốn, trồng cây gì chết cây đó còn câu cá thì muôn đời lục quân Việt Nam… không dính. Dù ra sức học nghề với các tay sát cá về cách móc mồi, động tác thả câu nhưng ngày này qua ngày nọ cũng vẫn là mòn mỏi chờ mong dẫu con cá lòng long cũng không được. Một buổi chiều, thằng Sấm, người Tàu ở cùng xóm, (tên khai sanh là Trần Chúng, thuỷ thủ nhất hải quân, đã qua tới đảo Guam, trót nghe theo lời u mê theo tàu Việt Nam Thương Tín về, bị nhốt ở Nha Trang một thời gian rồi bị đưa đi xuống đây cùng với anh em) kêu tôi vào ăn cơm. Cắm cần bên bờ hông nhà vào trong, xong bữa trở ra thấy cần động mạnh: có cá! Tôi nói to: “Con cá này đui nên mới mắc vào cần câu của tao!”. Khi đưa lên bờ con cá rô to nhưng không phải nó ăn mồi mà dính. Tại nó bơi qua con mắt mắc lưỡi câu, đúng là con cá đui, lỗi tại mày chớ hổng phải lỗi tại tao à nghen. Đó là lần duy nhất trong đời tôi câu dính cá, không có lần thứ hai nữa.
Chưa dọn sạch phần đất gần nơi ở để cấy lúa thì tui với một tay nữa, cũng ngang khoá trường Bộ binh thôi, vào tận trong rừng ngủ để chuyển mạ về. Tay chỉ huy trưởng công trường là dân Nam, có vợ Bắc, ban đầu có hơi khó chịu nhưng về sau cũng không đến nỗi gì tệ lắm, chống sào một chiếc xuồng nhỏ dẫn hai thằng tui vô bằng chiếc lớn hơn vào chỗ nghỉ và nơi lấy mạ. Cho tới lúc này bọn tui vẫn chưa biết bơi xuồng, chủ yếu vẫn là thằng đầu đứa cuối chống vào bờ để di chuyển thôi. Chỗ này cách khu xóm nhà mẹ bồng con chừng dăm ba cây số. Bởi vậy dù đi mau tay chỉ huy trưởng, thứ tư nên chúng tôi gọi là anh Tư cho tiện việc, vẫn phải chờ để hai thằng tui chậm chạp theo sau. Nơi ở mới là một túp lều nằm trong rừng, là một gò đất cao hơn chung quanh, mùa này chỉ thấy toàn nước và nước. Nước trong rừng có màu như nước xá xị, nhưng uống được, không đau bụng, khác với thứ nước trong chảy bên ngoài rừng đầy phèn, dùng đánh răng cũng thấy khó chịu chớ nói chi tới uống nó. Trước giờ nghe nói là lúa vùng U Minh là nước lên đến đâu lúa vượt cao lên đến đấy, vì vậy cây mạ cũng dài sọc, hơn mét tây và cọng thì mập ú. Mạ này là do bên Thanh niên xung phong gieo trước khi chúng tôi xuống, chuẩn bị cho mùa này. Chỗ ở này có mấy tay Miên chạy trốn Khmer Đỏ sang, cũng dựng lều cỏ ở gần. Hồi đó tui không biết là rừng U Minh có nhiều rắn như vậy. Chỗ hai thằng tui ở gần bờ kinh mới đào, có mấy tràm con mới lớn, thấp thấp. Sáng mở mắt ra cạnh rừng, sương mù chưa tan, thấy bên trên các cây tràm non đầy những bọt trắng, nhiều lắm. Sau mới biết, đó là nước dãi rắn trong đêm tiết ra. Có một buổi sáng, chúng tôi chưa đi chở mạ, hai thanh niên Miên lều bên cạnh thức dậy, cầm chĩa sắt nhọn đi săn rắn. Vừa ra khỏi lều họ, cả hai xách vũ khí xăm xăm bước nhanh đến trước lều cỏ của hai thằng tui, làm chúng tôi sợ hết vía, toan cầm dao tự vệ (thua chắc vì vũ khí nó dài hơn) nhưng thấy họ dùng chĩa đâm vào đống đất hơi nhô cao. Và rồi… họ móc ra một con rắn hổ to. Hai người này đem con rắn ra bờ nuớc để làm thịt, đang mỗ ruột thì dưới sông ngoi lên một đầu con rắn khỏi mặt nuớc chừng hơn tấc, tiện tay dao anh chàng Miên cho một phát thành hai con.
Ngày mấy lần, hai thằng tui chống chiếc tam bản ra lấy mạ về để bờ kinh trước lều. Mạ được nhổ sẵn, bó thành bó để đống to giữa đồng nước mênh mông, nhìn xa xa là Nông trường 6. Đường nước đi lấy mạ đầy rau muống (hoang), nghe nói trước đây du kích thả đầy để lấy cái ăn. Rau muống này khi ăn phải bỏ hết lá và đọt non, nếu không sẽ bị Tào Tháo truy kích. Chất mạ lên ghe có phần nặng vì phần dưới bó mạ đẫm nước, đem lên nó chảy ào ào. Thiếu kinh nghiệm, và là dân ở thành chỉ biết đi xe chớ không đi ghe, nên bọn tui cứ chất mạ đầy khoang, xem như nó là chiếc camionette vậy. Được vài chuyến thì đến chuyện phải xảy ra đã xảy ra. Hai thằng đang ngồi bơi xuồng đầy mạ, ca hát vui vẻ giữa trời cao nước rộng thì ghe chìm. Vùng này nước nhiều nhưng không sâu lắm, đứng dậy chỉ tới ngang bụng thôi. Hai thằng phải đem mạ xuống, lắc ghe cho bớt nuớc, rồi tát cạn trước khi chất mạ trở lại. Lúc này mới nhớ rằng người đi xuồng, đi ghe luôn chừa một khoảng trống để tát nuớc ra tránh bị chìm. Từ đó về sau không bị cảnh này nữa. Mạ về cứ một hai ngày thì cha Tư đi thăm ruộng ghé qua, có khi bằng vỏ lãi gắn máy đuôi tôm, có lúc chống sào đi xuồng vô chất mạ đem về cung ứng cho đám cấy ở ngoài nhà. Tiền công được nông trường trả cho hai thằng tui tính bằng bó, làm việc thảnh thơi chẳng ai hối thúc mà cũng có ăn.
Rồi mạ cũng hết, hai thằng tui chất những bó mạ cuối cùng chống ghe trở về khu nhà lúc trước tham gia cùng anh em đi cấy. Nên nhớ là ruộng ngập nước kha khá, cúi xuống cấy mạ mũi mình có thể chạm nước đấy. Cấy mạ khi nước nổi là điều đặc biệt. Họ chỉ mình làm một cây nọc từ cây tràm, thứ đầy dẫy ở đây, giống hình cây súng để xoi đất sình mà cấy. Lấy cây nọc làm lổ đất, tách một vài tép mạ nhấn xuống, dùng ngón chân cái tấn gốc để nó bám hẳn vào đất. Ấy vậy mà lúc đầu, cấy xong vài hàng mạ quay lại nhìn thì trời… bọn mạ ngoan cố nổi đầy trêu ngươi. Lại quay lại nhấn chúng xuống, giống như cấy dậm vậy. Cứ thế vài ngày thì các thửa ruộng đã cấy xong, đi làm việc khác thôi.
Khi về khu nhà mẹ bồng con, tới lúc này tui cũng chưa bơi xuồng được. Rồi ngày hai lần hai người một ghe vào kho ở gần rừng vận chuyển lúa hay đồ đạc do Thanh niên xung phong đem về trước đó, cách nơi chúng tôi ở chừng hai cây số hơn. Thời gian này chiến tranh lại xảy ra, lần này với các “nước bạn hữu”, nên lực lượng Thanh niên xung phong phải ra biên giới hỗ trợ cho quân đội nên nông trường dù chỉ có mấy mươi người, kể cả chúng tôi phải coi sóc cánh đồng vài trăm mẫu ruộng của họ đổ mồ hôi nhưng không được thấy thành quả. Dù có biết bơi chèo xuồng hay không thì cũng cứ hai người một chiếc đi làm việc. Mà coi bộ việc vận chuyển khoẻ hơn làm công việc ở ruộng, cứ đầm mình trong nước suốt ngày. Thằng tui với với thằng Sấm hải quân đều không biết chèo xuồng ghe chi hết. Thằng tui cầm dầm tràm ở cuối xuồng, còn nó đằng mũi dựa vào bờ đất mà đưa xuồng đi tới. Được một hai chuyến chi đó, đến bữa tối nọ, vì hai thằng tui không biết bơi xuồng nên ì ạch chèo chống phía sau, đã tối rồi mà cũng chưa về đến nhà, chỉ thấy ánh đèn dầu thắp phía xa xa. Chợt, tôi đưa dầm, nhớ lại lời chỉ của dân Bảy Ngàn khi đi chiến dịch ở xã Lệ Tâm, Phong Dinh, kéo mạnh một cái lật nhẹ ngang dầm kéo được lái, xuồng đi nhẹ nhàng, thẳng tấp. Mừng quá, thế là từ lúc đó thằng lính Té lói cu chuyên ở núi như tui biết bơi xuồng, hơn hẳn một vài chiến hữu “hai quần”! Biết bơi xuồng khiến lòng tui cảm thấy nhẹ nhõm với suy nghĩ mông lung rằng bọn Miên Đỏ có đến vùng này cũng còn biết bơi xuồng để mà chạy trốn.
Cũng nên nói thêm rằng tui bơi xuồng chớ không phải chèo, vì chèo là mái chèo dài, mắc vào một trụ đứng, người điều khiển phải đứng. Còn bơi là ngồi sử dụng mái dầm ngắn, ngồi ở phía đuôi xuồng. Nếu sử dụng dầm ngồi trước mũi xuồng thì gọi là móc. Móc thì di chuyển nhanh hơn, thằng tui không làm được vậy, chỉ bơi xuồng ở một vị trí phía sau và sử dụng dầm bên phải, không đổi tay được. Ở vùng nuớc nông thì xuồng bơi hơi nặng, khi vào vùng nước có độ sâu kha khá thì xuồng đi nhẹ tênh, đỡ tốn sức hơn nhiều.
Sau cái vụ vận chuyển hàng từ kho về, chừng đâu chục ngày thì cũng hết nên nông trường tính chuyện đi đốn cây trong rừng nhằm chuẩn bị cho việc cất nhà đón lớp người đi kinh tế mới khác đến. Trước đây, dân ở quận Bình Thạnh (tên của 2 xã Bình Hoà – Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Gia Định trước đây gộp lại thành) xuống, được ở gần kinh lớn, cũng nhà kiểu mẹ bồng con cất sẵn, được cấp một chiếc thuyền ba lá nhỏ, còn đất thì ngang cỡ chừng 100 mét, còn vô sâu bao nhiêu thì tuỳ sức khai khẩn của nhà đó. Nhưng tôi thấy hầu hết dân xuống đây, tuy là từ quận Bình Thạnh xuống nhưng phần lớn là dân gốc ngoài trung, Quảng Ngãi và nhiều nhất, và dường như họ trụ lại được ở đây thì phải, còn thì có gia đình lại khăn gói về lại chốn cũ rồi.
Tràm đốn về, chở bằng xuồng được phân loại, tính tiền công bởi kích cỡ, công dụng. Tiền nhiều nhất là tràm đường kính lớn, dài dùng làm cột nhà, rồi tới loại làm kèo, còn thứ làm đòn tay tính giá rẻ nhất. Lúc này tôi đã bơi xuồng vững nên an tâm lên xuồng vác rựa vào sâu trong rừng làm tiều phu. Lối vào rừng có hai khúc ngoặt gần vuông góc 90 độ, thêm nước trong rừng luôn chảy ra, đoạn này dốc nên xuồng dễ bị lật chìm nếu không cẩn thận. Biết thế nhưng đôi lần từ ngoài vào, tôi cũng đã phải xuống nước lật xuồng lại, tát nước ra rồi mới đi tiếp. Ấy thế, tui chỉ bị chìm xuồng khi đi vào chớ còn khi ra dù chở nặng, nuớc đùa mạnh hơn nhưng không sao bởi cẩn thận hơn. Ngoài anh em chúng tôi ra còn có hai vợ chồng trung niên người địa phương cũng tham gia vào lực lượng phá rừng này cùng chúng tôi. Tui ngày hai chuyến vào rừng, đốn tràm, chở về, còn cặp vợ chồng này ngày tới ba chuyến bởi họ di chuyển bằng xuồng với tốc độ quá nhanh, dù nơi nước ngược. Đi trong rừng U Minh khỏi lo không biết đường ra, nhất là vào mùa nước vì nó luôn luôn chảy ra.
Chỗ chứa gỗ đốn về của nông trường nằm trên bờ kinh chính. Khi nông trường thấy người dân nào chở gỗ lớn đi qua là chặn lại, bắt, tịch thu. Ấy thế chúng tôi cũng phải trốn kiểm lâm, thiệt là chán. Ban đầu chưa quen, lựa được cây có đường kính to, nhìn từ dưới lên thấy dài, nhưng lúc hạ nó xong thấy hơi ngắn, thiếu tiêu chuẩn làm cột. Có lần, tìm được một cây thật dài, trên 6 mét, hạ xuống hí ha hí hửng chở về, tới chừng đo gốc thì thiếu chuẩn, liệt vào kèo, nhưng nhờ cây này dài nên tiền tính ra cũng như cột vậy. Hổng sao.
Hết mùa mưa. Anh em chúng tôi cùng khăn gói vào tuốt trong trại gần rừng hơn. Căn trại lớn hơn champ trung đội của Khăn tím mình một chút, có một chái bếp, mấy chục anh em vào ở vẫn còn dư một phần ba. Khi còn ở ngoài, dân địa phương nhiều lần đến bán chè vào buổi chiều và sản vật riêng của họ. Mấy hôm trước đó, có người đem vô một bầy vịt con. Thằng tui không để tâm mấy vì “nuôi con gì cũng chết” hết. Anh em, người ít thì lựa năm bảy con, người nhiều thì lấy hơn chục. Cuối cùng còn lại hai con không ai dòm tới. Bà chủ vịt thấy tôi mời mua vì hổng lẽ còn hai con lại chở về. Móc túi ra, tiền cũng đủ mua hai chú vịt con. Mấy anh mua nhiều vịt phải làm chuồng, kiếm thức ăn cho nó dữ lắm. Còn thằng tui, làm biếng đã quen và chỉ có hai con vịt nhỏ nên chẳng cần làm chuồng, chỉ lãnh rửa cái nồi cơm tập thể mỗi buổi là đủ cho bọn nó chén no rồi, thiệt tiện quá sức. Lúc vào trại lớn ở chung này thì lũ vịt cũng trọng trọng. Tới đây tui cũng không làm chuồng nhốt vịt. Khi tui ngủ thì hai con vịt lạch bạch theo vào nằm dưới sạp tre. Khi đủ lông đủ cánh, hai con sáng rủ nhau ra bờ kinh cất cánh bay vài vòng trông đã mắt. Hai con vịt cũng tự túc xuống kinh bơi lội bắt cá. Ở xứ này cá chốt nhiều vô số kể nên hai con vịt của tui lớn nhanh và mập ú. Đôi lúc siêng rảnh rang tui cũng ra kho lúa lớn, xách cái bao gom lúa đổ ngoài vách kho, lúc này đã lên mộng đem về cho vào thau nước đổi món cho chúng. Hai con vịt chúc đầu la ăn lấy ăn để một lúc rồi bỗng nhiên bỏ đi. Tưởng chúng chê, tới chừng cho tay vào chỉ thấy lềnh bềnh vỏ trấu, còn phần bổ dưỡng ngon lành chúng xơi hết nên mới bỏ đi.
Đất U Minh muỗi kêu như sáo thổi mà, trâu bò người ta cũng lấy mùng cũ giăng trong chuồng cho chúng. Nhưng ở trại này có cái sân rất to, ngay bờ kinh, tối đốt lửa văn nghệ văn gừng cũng vui. Con muỗi xứ này to lắm, cái áo trận dày cộm, ngồi bên đống lửa nó vẫn đốt đuợc làm người cứ nhảy nhổm lên. Tui có cây đàn mua lại của tay lái heo bên thương nghiệp xã góp vui cùng một tay đàn nữa của anh em khác trong nhóm. Trong nhóm người xuống đây có một anh, khi đó ngoài ba mươi, nhà ở Phú Nhuận. Bàn tay anh to với những ngón thô kệch nhưng lại tốt nghiệp khoa guita classic ở trường Quốc gia Âm nhạc. Anh bảo lúc mới vào học guita rất nhiều khó khăn vì ngón tay quá lớn so với khoảng trống giữa các phím cùng dây đàn, nhưng các thầy khuyến khích, lâu dần cũng được. Khả năng anh là có thể viết phần soạn độc tấu guita cho các ca khúc một thời, điển hình là với bản Giáo dường im bóng với cung mi thứ. Anh bảo viết đơn giản tí để cho anh em dễ đàn, phần mở đầu là các nốt harmonic, như tiếng chuông nhà thờ trước khi vào phần chính. Vì vậy, với sự tham gia nhiều người, những đêm đó giống như là văn nghệ lửa trại có đều ai nấy tham dự đều phải mặc quần áo dầy cui, không phải vì lạnh mà vì muỗi.
Chúng tôi chuyển vào đây với nhiều mục đích của nông trường. Trước tiên, khi Thanh niên xung phong rút ra biên giới thì những cánh đồng bạt ngàn của họ để lại bắt đầu đơm bông, ra hạt mà nông trường, kể cả chúng tôi không có người để gặt. Nông trường phải thuê những người chuyên gặt mướn từ các tỉnh xa đến làm công việc này, và chúng tôi phải thường xuyên đến nhận, chuyên chở lúa đã gặt về kho cũng như để coi chừng họ. Những dân gặt thuê không hẳn làm vì gặt lúa không thôi mà còn lẽ khác nữa. Đa số họ vào đây làm bằng những chiếc ghe xuồng rách nát, mà bên ngoài khi đó các xưởng gỗ, nhà máy cưa đều “được” quốc doanh hết ráo rồi, không thể kiếm đâu ra ván gỗ mà vá víu ghe xuồng. Thành ra khi vào đây gặt, đồng thời họ cũng vào luông rừng mà đốn gỗ tràm, xẻ thành ván đóng vá lại ghe xuồng cho mình. Đến khi xong mùa gặt thì ghe xuồng họ cũng lành lặn, vững chãi an toàn trên lộ trình sông nước sau đó. Thứ hai nữa sau mùa gặt là lúc nạn cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chúng tôi có nhiệm vụ đi chữa cấp tốc, giá 1,5 đồng/người/buổi.
Cháy rừng ở U Minh không phải lan ra từ phía trên mặt đất mà từ lớp lá lâu năm bên dưới, dày đến cả thước chớ không ít. Nếu có cháy, dù là ngọn lửa âm ỉ như tàn nhang, cũng âm ỉ lan dần bên dưới đến khi nào ngọn lửa có thể ngoi lên gặp oxy để cháy mạnh hơn. Khi mới bắt đầu khởi cháy, không thấy lửa mà chỉ thấy khói từ dưới đất nhả lên. Lúc đó, chúng tôi đem đồ nghề chữa cháy gồm thùng thiếc, và mấy cái cuốc, xẻng đến tức tốc xử lý, dập tắt ngay, tránh nguy cơ cháy lan. Trại của chúng tôi nằm trên một khoảnh đất rộng, trong rừng, đất cao nước không làm ngập được nên khi dựng nên người ta đã tính đến chuyện này. Chung quanh là các hào sâu, qua lớp than bùn, lá mục thêm vài tấc nữa, cho nuớc vào để ngăn lửa cháy lan đến trại. Thế nhưng đêm nằm mà nghe hoảng với ánh lửa đỏ trời mấy phía xa và tiếng sậy nổ lốp bốp trong lửa như pháo mới thật thấy lo.
Những tay có vợ con ở nhà thì bắt đầu tích tụ gạo mua của quốc doanh, để dành đem về sau này. Phải nói dù là gạo quốc doanh nhưng ở dưới này là loại ngon, giá tiền thì cũng vậy. Ở đây gạo rẻ hơn khoai lang, khoai mì vì nuớc ngập, không lên luống trồng mấy thứ đó được. Các anh này đi tuốt lúa còn sót lại trên đồng, về lấy nón sắt giã, rồi sàng sẩy để ăn. Đây là gạo lức giã tay thứ thiệt. Nhưng nhóm năm người chúng tôi thì nghĩ khác, hơi đâu mà tuốt lúa cho mệt, sẵn kho lúa vài trăm tấn mình giữ lấy vài mươi ký chả sao, mình làm chủ mà, xúc đại một ít đem xuống xuồng chở về để ở bờ kinh chờ… Mà nhóm tui còn “trung thực” đó, chỉ lấy lúa về xay ra gạo để ăn chớ có tên chở về cân xong, vác qua cửa bên kia, có ghe của dân chờ sẵn, bán luôn. Nhiều lúa, mà giã cũng mất nhiều thì giờ mà kết quả chẳng được bao nhiêu, một tay bơi xuồng ra ngoài xóm mượn chiếc cối xay bằng đất đem về làm cho khoẻ. Thằng tui lãnh phần vác lúa từ ghe lên đến bãi xay (cách nơi ở vài trăm mét, ở bìa rừng) và đem gạo thành phẩm chở về trại. Hai người khác lo xay, đôi khi cũng đổi công việc với nhau một chút cho biết. Còn một anh, một chị làm sạch trấu bằng cách xúc từng thúng nhỏ gạo vê trước gió. Có lần, tay Tư chống xuồng đi kiểm tra rộng, chàng ta đứng trên đê thấy “nhà máy xay” của chúng tôi làm việc giữa trưa nắng, đứng lại xem. Thắng tui vừa vác bao lúa dưới ghe lên thì chạm mặt hắn, không có đường tránh né chi được hết, tui chào hắn rồi vác bao đi tiếp. Mấy anh chị đứng phía xa nói phen này tui chết chắc. Nhưng chàng Tư chào lại, đứng nhìn thêm một lúc nữa rồi bỏ đi, không nói gì, kể sau đó cũng không đá động gì đến việc này. Có lẽ anh ta nghĩ chúng tôi xay giùm cho dân, vả lại nếu có lấy của nông trường để ăn thì cũng không đáng là bao và bởi “lao động là vinh quang” mà, còn hơn ở không. Ở nông trường này, hai tay chỉ huy trưởng và phó thường xuyên cãi nhau về cách làm ruộng. Tay nào cũng nói mình là dân nhà nông chính hiệu, biết cày cấy nhưng họ quên rằng họ chỉ là những tá điền hoặc chủ ruộng với vài ba công lẻ, còn đằng này nông trường có vài trăm mẫu ruộng, phải có kinh nghiệm của đại điền chủ “bóc lột” mới làm khá được.
Gạo giã bằng nón sắt hay xay tay đều là gạo lứt. Lúc đầu, cơm nấu ra khó nhai vì cứng hạt. Nhưng khi quen rồi thì sẽ thấy nó ngon vì vị ngọt tự nhiên của hạt cơm, không buồn nghĩ đến gạo xay máy nữa.
Ở đây như đã nói, lắm cá, nhiều sản vật của thiên nhiên nên thức ăn cho bữa cơm không phải lo. Chỉ có điều để cho món ăn hấp dẫn hơn thì phải cần đến mỡ heo. Gạo 2 – 30 xu một kg, thịt heo 2,5 – 3 đồng một kg, mà ở xứ này, heo có mỡ nhiều mới có giá. Có điều muốn mua thịt phải ra chợ, có mặt lúc sáng sớm mới có thứ ngon, mới còn thịt. Mà chợ thì cách chỗ ở trong rừng hơn chục cây số. Được cái là phương tiện có sẵn và nhiều ở đây, tại nông trường. Thế là cứ một vài ngày phe ta rủ nhau lên ghe, hai ba ghe nửa đêm cùng bơi ra chợ uống cà phê uống cà phê sáng. Đi từ 1 – 2 giờ sáng, ra tới chợ thì vừa đông vui. Hoạ sĩ Hiếu Đệ, người vẽ mấy tay VC leo cành đu đủ không gãy cũng ở chung. Ông lão này thích ra chợ nhưng không bao giờ động đến cái dầm, mặc anh em cứ chèo chống, còn mình ngồi co ro ở giữa. Riết rồi anh em để xuồng ở xa, giữa khuya rón rén xuống ghe xuồng, cố né ông Đệ. Ấy thế mà vừa tháo dây buộc, chuẩn bị đưa dầm bơi xuống nước thì ông ta chạy theo: “Chờ, chờ! Cho tôi đi với”. Đành vậy, không né được thì thôi, dẫu sao có thêm người càng vui. Những lúc trăng tròn, lúc ra gần tới chợ, nước mặn từ phía Miệt Biển tràn vào, những giọt nước bắn lên từ mái dầm như sao băng, đẹp lạ. Các tay bên hải quân nói đó là hoa biển, như nhạc sĩ Anh Thy đã đề cập đến trong ca khúc cùng tên. Nói gì thì nói, hoạ sĩ Hiếu Đệ được dân ở ngoài chợ rất khoái, nhất là gia đình của cớm khi đó ở tỉnh Kiên Giang. Số là ông cũng lớn tuổi, là hoạ sĩ nữa nên công việc sơn vẽ lại số hiệu của tàu ghe làm rất dễ dàng. Làm giùm không lấy tiền công nhưng lẽ dĩ nhiên tính dân quê miền Nam sẽ đãi đằng thứ khác. Nói gì thì nói, có ông Đệ cũng vui, và cũng nhờ ông nên khi trong rừng cạn nước, thì phải ra ngoài chợ mới xin được nước đìa về nấu ăn. Dân ở đây, ngoài các lu, mái, khạp hứng nước mưa để dự trữ dùng trong mấy tháng nắng, người ta còn đào những vuông trong ruộng nàh mình, tháng mưa chứa nước để dùng dần sau đó. Chúng tôi mội lần ra xin vài thùng thiếc nước này về xài chớ còn nuớc phèn ở trong súc miệng còn không nổi chớ nói chi ăn, uống.
Cũng ở nơi chợ xã này đã xảy ra một chuyện giữa nông trường và công an. Một hôm tay phó nông trường cùng vài nam nhân viên ra chợ nhâm nhi rượu. Gần đó đám công an xã cũng ngồi thù tạc chén chú chén anh, có phần say nhiều rồi. Thấy nhân viên nông trường ngồi nhậu, một vài tên lảo đảo buớc đến, hất hàm hách dịch: “Tụi mày nhậu sao xin phép công an? Bọn tao nhốt hết cho biết”. Không thể nào cãi cọ lại người say, đám nông trường rút êm, vừa đi vừa nói: “Không biết ai thắng ai à”. Từ bên chợ muốn về văn phòng nông trường cũng như trụ sở công an xã phải đi qua chiếc cầu bê tông bắc qua con kinh vào rừng. Văn phòng nông trường ở sát cầu, còn muốn đi bộ về công an xã thì phải đi qua nông trường. Lúc đó, cứ cơ quan nào gọi là quốc doanh, kể cả dân sự đều có súng, để đề phòng “kẻ xấu”, mà nông trường 1 này có cả cây đại liên M60. Về trước, mấy chàng thanh niên công nhân viên nhà nước của nông trường lấy ngay khẩu M60 chắn ngang dốc cầu, họng súng hướng về phía chợ chờ đám công an nhậu về để “làm việc”. Lẽ dĩ nhiên trận đụng độ này giải quyết nhùng nhằng vất vả lắm mới xong, súng có nổ nhưng ai nấy đều bình yên vô sự. Từ đó đám công an lóc chóc không dám lên mặt với nhân viên nông trường nữa.
Ngoài việc uống cà phê sáng ở chợ, mua thịt, mua mỡ còn phải lấy thêm nước mắm. Nước mắm xứ này không phải là nước mắm cá biển mà là cá đồng, thứ có rất nhiều ở vùng nước U Minh. Họ ủ cá làm mắm trong những chiếc lu bánh ú có nắp đậy thật to. Mắm chín, họ chắc lấy nước làm nước mắm. Trước khi bán hay dùng trong nhà, người ta phải thắng nước đường bằng thứ đường mía chảy rẻ tiền để chao dịu lại mới dùng được. Dẫu không ngon bằng nước mắm làm bằng cá biển nhưng còn hơn là xài nước muối để nấu ăn.
Ở trong này dù xa chợ nhưng thoải mái hơn nhiều. Thi thoảng nông trường cũng yêu cầu làm vài việc vặt ở phía ruộng sát rừng nhưng cũng không nhiều. Những khi như vậy, trước khi bắt tay vào việc, có người giăng lưới bén, chừng muơi phút trở ra vì nông trường bảo ngưng, trở ra thì cũng có cả chục con cá mắc lưới. Rảnh rỗi, một vài anh em rủ đi tát đìa. Tát chừng nửa buổi đem về quá trờ cá là cá, có điều cá nhỏ không hà. Thế là mấy người tát đìa về hì hục làm cá phơi khô, tới tận chập tối mới xong. Thằng tui không chơi tát đìa mà làm thứ khác.
Dưới kinh cá lội ngờ ngờ hàng hà sa số, đủ loại nhưng nhiều nhất là các chốt. Chỉ cần thả vải mùng xuống vớt lên một cái là cũng có đủ cho bữa ăn hai ba người rồi. Ăn cá chốt miết cũng chán, mà làm lại cực, cứ bị ngạnh làm chảy máu tay hoài nên phải tìm cách bắt cá khác. Cá trê ở đây cũng nhiều, nhưng là loại yếu nhất, hay bị cá chốt tấn công nên mình đầy thương tích. Sức sống của cá trê dữ dội, bị thương là vậy nhưng nó vẫn sống, vẫn bơi và vẫn đẻ. Cá lóc dũng mãnh nhất trong vùng nuớc này. Nó to, dài, khoẻ. Người ta chỉ cần khơi dòng nước chảy mạnh một phía rồi đắp bờ chặn đầu ra, phía bên kia đặt cái lu, khạp, hay thùng bọng chi đó, đủ rộng, đủ sâu để không làm sổng cá là được. Đôi khi ta thấy cá lóc vào bẫy như thế nào. Anh chàng lóc đang bơi ào ào theo dòng nước kiếm ăn bỗng bị bờ đất chặn ngang. Nó bèn lui lại quẫy mạnh lấy trớn như lực sĩ nhảy cao phóng qua khỏi bờ… Than ôi, phía bên kia không phải là nước mà là cái thùng khô đang chờ, anh chàng lóc nhà ta rơi vào. Thúng khô, khá sâu, không nước nên tha hồ vùng vẫy, muốn đào thoát cũng không được. Mỗi bẫy này có buổi cũng năm bảy con lóc to bé khác nhau, hơn kí lô cá chớ đâu có ít. Nhưng mà chỗ đường nuớc nào cũng có người xí phần hết rồi (kể cả dân địa phương) thì tui phải tính cách khác.
Như đã nói, tui câu cá, cá không mắc câu mà cứ ngồi trên bờ thả mùng xuống bắt cá chốt cho hiệu quả. Một bữa, có một lão nông đi ngang qua thấy vậy bèn nói: “Xứ này mà mấy ông làm vầy, cực mà hổng có ăn”. Ở đây ai cũng biết phe ta là các sĩ quan mới ở trại về, nên mọi người có phần nể trọng trong tiếp xúc. Thế rồi ông nói tiếp: “Các ông có nhiều người, có ghe lớn nhỏ đầy đủ thì làm thế này cho nhanh”. Rồi ông chỉ cách bắt cá bằng tay. Một người phải xuống nước, móc vào thành bờ cái ngách, đào khoét như thế nào cũng được, thông với nhau từ hai cửa, nghĩa là hai bàn tay mình đưa vào từ hai phía có thể bắt nhau được. Hang ngách không quá to để con cá có thể len qua cánh tay mình thoát ra ngoài được là xong, làm chừng chục ngách như vậy cũng đủ. Một người dùng xuồng, chèo chống chi cũng được, qua chậm chậm đến khi nào quá vị trí cách ngách đào thì hết phận sự. Một người nữa xách cái thùng thiếc đi phía bờ đất chờ bắt cá tù binh. Lúc này thằng Sấm đã lặn về Sài Gòn ở luôn (nó đi buổi sáng vợ nó xuống thăm buổi chiều, trớt hướt, báo hại tui phải bơi xuồng đưa nàng ra chợ để về lại Bà Chiểu). Thế là tui cùng hai tên khoá 3-72 mở chiến dịch bắt cá theo cách này. Tui lãnh phần xuống nước, thằng Tuấn bơi xuồng còn tay kia xách thùng đợi trên bờ.
Mới một hai ngách đầu, có cá nhưng chưa bắt được con nào vì đụng vào là tự giựt mình, lơi tay thế là bọn cá đào thoát. Khi tới ngách thứ ba, thứ tư thì đã quen thì công việc có phần thuận lợi. Cá trê tuy có ngạnh, nhưng dễ bắt, cá lóc to hơn, mạnh hơn, vùng vẫy dữ dội nên những con đầu chưa quen, xổng hết. Về sau, tự nghĩ và tìm cách đưa được hai ngón tay móc vào mang cá, chộp lấy ném lên bờ cho bạn hiền. Con cá sống vì nước mà nằm trên đất khô thì quả là hết đường tung hoành. Những ngày đó, mỗi bữa ăn chúng tôi có chừng hai ký cá, nuớng rơm, chiên đủ kiểu, mà toàn là lóc với trê không hà, ngon đáo để. Cơm thì gạo lứt xay tay thiệt là hết biết dân quê xứ này sống khoẻ thế nào!
Có lần, tui với Tuấn được nông trường phân công ra giữ đống lúa to đùng ở giữa ruộng. Chàng Tuấn đã có vợ, và đang chờ đứa thứ hai, nên tiện tặn lắm. Trước còn đi tuốt lúa giã từng lon ăn, nhưng giữ đống lúa ngon lành này không lấy thì cũng phí. Thế là từng chiều hắn tha lúa với bao cát về chỗ chung với anh em. Tui với hắn cũng buồn khi ra ngủ đêm ngoài ruộng nên cũng cùng về để văn nghệ, khuya trở ra. Đường đi bộ cũng không xa, nhưng sợ rắn, thành thử mỗi đứa một thanh tràm con cứ mỗi buớc đập vào đám cỏ phía trước để cho rắn, nếu có, trốn chạy. Mà rắn dữ thì có con trị. Chỗ nào rắn dữ nhiều thì khu đó có ngay bìm bịp. Con rắn đang bò mà thấy bóng sát thủ bìm bịp thì co rúm lại, bò không nổi, chờ chết. Ấy mà mấy con bìm bịp ra ràng, chưa đủ lông đủ cánh bắt nuớng ăn thì hết ý à nghe.
Có hôm thấy anh em mang cả thau ốc bưu ra luộc, tôi hỏi kiếm hay mua ở đâu thì mấy ảnh mới nói ở dọc theo bờ kinh, rất dễ bắt. Một mình thằng tui mang theo cái thau to, trầm mình xuống nước đi dọc bờ, lượm lặt một hồi cũng được bộn. Trong một lần đi mò ốc như vậy thì ba tui xuống thăm, bữa tiệc ốc sẵn sàng đãi tía. Và trước khi chèo xuồng đưa ba về tui làm con vịt đãi tiếp. Đưa người ra chợ để đón tàu đò về Rạch Giá phải đi sớm để ra cho kịp giờ tàu chạy. Nếu đi đò lớn quốc doanh thì mất khoảng 8 tiếng còn với vỏ lãi thì ra tới chợ Rạch Sỏi chỉ 5 – 6 giờ đồng hồ.
Mùa khô này trong khi đi chữa cháy cũng có thể bắt được chim. Chim rừng thịt rất ngon, nhất là những con ra ràng thì béo ú, đúng là đặc sản. Nếu may mắn gặp tổ ong, không phải tổ của người ta xí phần, đánh dấu sở hữu trước thì được mật. Chỗ này, nói cho cùng thì cũng chẳng cần phải đi tìm ong, xua ong vì chẳng rành việc, không khéo còn bị cả đàn cả tổ rựơt chạy chí chết à nghen. Nhiều lần dân đi ong, ghé chỗ chúng tôi tách mật. Một phần tổ ong (còn chừa lại một ít cho đàn tái tổ lại) có cả sáp, cả ấu trùng ong lẫn lộn được chắt, lọc lấy mật. Mật ong coi vậy chớ vắt một hồi thì tay mình nóng rang. Nội liếm tay mật thì cũng đủ khoái rồi, cần chi mua. Ở U Minh mua 1 lít mật ong, họ không tính bằng dung tích mà đem cân. Tui nhớ đâu 1 lít mật ong U Minh thứ thiệt khoảng 1,5 – 1,6kg, nếu mật pha nước đường thì nhẹ hơn. Cái này dân và tay thu mua heo cho công ty thương nghiệp, người bán cho tôi cây guitar chỉ dẫn.
Có nhóm thợ săn heo rừng được nông trường giới thiệu vào ở nhờ với anh em mình. Họ ở một góc với bầy chó săn đủ loại khá dữ. Có anh bảo rằng đó là giống chó Phú Quốc. Những thợ săn này không xài súng, chỉ dùng bẫy và giáo mác với sự trợ giúp của mấy con chó mà thôi. Mỗi ngày vào rừng họ cũng kiếm được một, hai con heo rừng. Họ xẻ thịt bán cho chúng tôi tại chỗ, giá bằng thịt heo nhà ngoài chợ. Thịt heo rừng ngon, nhưng chỉ làm được các món để nhậu, còn món ăn cơm thì chẳng ngon lành gì. Heo rừng mà làm để ăn cơm thì lãng phí lắm phải không các huynh? Có lần, khi đám thợ săn đi một lúc lâu thì một con chó mình ênh nó chạy về, vào nằm một góc trại, chỗ chủ nó nhốt. Đến chiều, khi nhóm thợ săn về, từ xa đã hỏi vọng: “Có con chó của tui ở đó hông?”. Anh em chúng mình mừng quá: “Nó về nằm đây nè, không có mấy anh tụi tui ngán quá!”. Con chó này sau đó bị chủ phạt về tội “bỏ chạy khi chưa lâm trận”.
Một con vật khác ngoài các thứ đặc sản ở rừng U Minh có nhiều, đó là trăn. Trăn có thể dùng làm thức ăn nhưng cũng còn làm một loại thuốc nữa. Mỡ trăn, có thể thắng thành cao, hay để sống cũng được – không hư trong thời gian khá lâu, dùng để bôi vào vết phỏng, mau liền da, rất hiệu nghiệm. Mình là dân ở thành thị nên thấy trăn thì cũng ngán, nhưng với dân vùng này, lớn bé gì cũng bắt nó được hết, kể cả tay không. Có lần tôi xách thau đi đi bộ bắt ốc trên bờ thấy một cô gái chừng mười sáu, mười bảy một mình bơi xuồng vào bìa rừng. Bỗng nhiên cô nàng tấp vào cột vội xuồng rồi tất tả bước lên bờ vào bụi rậm. Chừng non phút sau bưng ra một khoanh tròn to đem xuống mũi xuồng đặt xuống, lấy dây cột vào. Đến gần mới biết nàng ta vừa tay không bắt trăn đưa xuống. Nhìn chú trắn cuộn mình ở khoang mũi, ngoan ngoãn như chú chó con nằm trước nhà chủ vậy.
Và rồi bên phía Phú Nhuận cho người xuống đưa anh em bên đó trở về thành. Quân số tại hàng đã thưa bớt vì có những người bỏ về trước đó, đã vắng nay càng vắng hơn. Rồi nông trường cũng bớt việc nên gần hết anh chị em bên Bình Thạnh cũng đi phép. Ra tới chợ việc đầu tiên là tui bán cây đàn đã mua, giá mua và giá bán không sai lệch, tức là mấy tháng xài đàn chùa, miễn phí.
Mấy mươi người chúng tôi đi vỏ lãi, tính chưa tới chiều thì ra đến Rạch Sỏi được rồi, nhưng không ai lường trước được những gì sẽ tới ở thời kỳ “ngăn sông cấm chợ” này. Hành lý mọi người mang về nhà nhiều nhất vẫn là gạo “đi đường”. Ra tới thị trấn An Biên thì bị đoàn kiểm tra chặn ghe lại, hạch hỏi đủ thứ nhất là số gạo chúng tôi mang theo. Dù đã đưa giấy phép và nhấn mạnh “mỗi người được mang theo 10kg để ăn”, họ vẫn cương quyết không cho đi vì nếu mang gạo thì phải có giấy của tỉnh cấp. Mà giời ui, muốn đi ra tỉnh thì phải qua huyện, huyện đòi giấy của tỉnh thì mình chịu! Chúng tôi cử người vào phòng thương nghiệp phân bua, cự cãi. Rốt cuộc cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi cũng được đi cùng với gạo. Chiếc vỏ lãi chờ lâu không được nên đã đi rồi. Lại mỏi mòn chờ chuyến ghe khác. Một chập lâu chờ đợi rồi đoàn chúng tôi cũng đón được chiếc ghe khách khác để về Rạch Sỏi.
Đến Rạch Sỏi thì một vài người tức tốc ôm giấy nghỉ phép của chúng tôi lên xe ôm tìm nơi cấp phép. Gần tối anh chàng này về trên tay cầm một xấp giấy cho mang gạo đi đường. Anh ta nói lớn: “Trời ơi muốn về sài Gòn thì phải ra bến xe chớ, sao cứ ngồi đây?” Thế là lục tục đón xe lôi về bến xe Rạch Giá. Lúc này trời đã tối, mấy chiếc xe lôi đầy người và hành lý, chở chúng tôi phóng ào ào trên con đường không mấy tốt, băng qua chiếc cầu đang sửa, mà họ còn đua với nhau trong tiếng cuời khoái trá. Đến bến xe, khi đó còn ở cổng Tam quan trước khi vào thị xã Rạch Giá. Đoàn chúng tôi sắp hàng dài trước cửa phòng vé ưu tiên, chờ đến sáng. Vé xe đó về nhà là 3 đồng. Có tay lơ xe lịch lãm, hỏi thăm biết anh em chúng tôi có giấy nghỉ phép của nông trường, có giấy phép mang gạo… nên “tình nguyện” tiêu lòn lấy vé hộ, cũng với 3 đồng 1 vé. Vé mua được đi chuyến xe của anh ta, dĩ nhiên rồi. Anh ta xăng xái chất hành lý chúng tôi lên xe, nhất là mấy bao gạo. Cùng lúc đó anh cũng cho gạo của dân buôn “ăn theo”, và xin được giữ giấy để “trình cho chốt, trạm nhanh”. Thiệt là lòng tốt đôi bên cùng có lợi tiện thiệt.
Lúc ra tới Rạch Sỏi, chúng tôi thấy ghe thuyền lớn đậu đông lắm, người ta quần áo bảnh bao, chỉn chu đi đi lại lại nhộn nhịp vang rân tiếng Tàu. Lo chuyện về nhà nên cũng không để ý xem họ làm gì mà ở đây đông quá. Chỉ thấy có người từ ngoài vào nhà lồng chợ, lúc này trống bạn hàng hỏi xe ôm đến chợ Rạch Sỏi. Ngã giá xong, xe ôm chở đi một vòng xa rồi ngừng lại chỗ cũ, chỉ bảng “Chợ Rạch Sỏi” chình ình mà khách không để ý. Sau mới biết đây là những người Tàu Chợ Lớn vượt biên “bán chính thức”.
Về tới nhà thì mừng, nhưng rồi quanh quẩn tới lui cũng chán lại không tiền nên thằng tui lại vác gói trở xuống. Ít ra nơi đó cũng khỏi lo cái ăn. Bận xuống, nghe nói lúc này người ta vượt biên nhiều nên có trạm xét ở vàm biển này. Khi trước đi bằng vỏ lãi nhanh thật đấy nhưng lúc qua cửa biển Tắc Cậu chung quanh trùng khơi sóng vỗ, gió nhiều nên đâm hoảng, tui đi chiếc tàu quốc doanh to đùng, chạy bằng máy xe hơi cho yên tâm thằng không biết lội, sợ nước. Trên tàu đò này rộng rãi, có chỗ treo võng cho khách nếu cần vì tới hơn 6 giờ đồng hồ trên sông nước mới tới nơi. Trạm xét lượt vô miệt Thứ với miệt Biển hơi khó, không phải sợ đem gạo thóc, gà qué vào mà vì sợ người ta vượt biên trái phép, cũng như họ có vẻ lo ngại bọn Miên Đỏ tràn sang. Tui còn trẻ, dễ gây chú ý của trạm kiểm soát nhưng đưa cái giấy phép ghi đơn vị ở An Biên – Kiên Giang ra thì khoẻ re, họ không thắc mắc chi cả, bề gì tui cũng là dân địa phương mà.
Tàu khách cứ tà tà đi, thường xuyên ghé đón, trả khách trên đường. Lúc qua khỏi thị trần An Biên một đoạn ngắn, tàu ghé vào trả khách bên bờ trái của tàu. Xong vừa lui ra xoay mũi tiến tới thì nghe tiếng gọi bên bờ, một công an với sắc phục vàng đứng gọi đò cho cô gái, chắc là bồ của nó. Chỗ nó kêu sát bên tàu vừa ghé chỉ non chục thước, ấy thế mà nó không báo đợi, cũng chẳng thèm ngoắc, đời tàu quay ra giữa dòng vọt qua nó mới kêu. Tài công lầm bầm, làm tàng cho mày đợi chuyến tới, tăng ga đi tiếp. Tên công an trên bờ móc súng ngắn ra bắn về phía tàu nhiều phát, hành khách nhốn nháo dồn một phía, tàu nghiêng hẳn một bên. Tài công la lớn “Đồ chó chết”, còn phụ tàu, tuổi chừng hai mươi, hét vọng vào bờ “Mày có súng ông cũng có súng, chơi thì chơi”. Tay này bèn lại phía cuối tàu, gần máy lấy cây XM16 ra hướng về chỗ con công an láo xược tính trả đũa nhưng bà con hành khách trên tàu ngăn, thôi bỏ qua đi. Nhân viên tàu nghe lới nhưng rất hậm hực. Tàu về đến Thứ Mười Một lúc hơn hai giờ trưa.
Về lại nông trường mới hay mọi người về phố nhưng chẳng mấy người trở xuống. Có anh xuống thấy vắng, buồn quá trở về Sài Gòn ở tiếp. Chỉ còn tui với ông già Vỹ, lúc đó hơn 50, người Thừa Thiên ở lại. Ông này cũng chẳng có gì vướng bận ở thành phố quang vinh nên ở xứ Minh sướng hơn. Cũng một phần là ông đang cặp với một bà sồn sồn, gọi là Năm Nhúc Nhích. Trước đó, bà Năm này cùng đứa con gái 15 tuổi xuống gặt lúa mướn cho nông trường, như đã kể. Rồi thấy ở đây khỏi lo cái ăn, nhà của người đi kinh tế mới được phát đã bỏ về thành lại, để trống nên vào ở luôn. Sở dĩ có tên Năm Nhúc Nhích là bà từng tuyên bố là đêm nằm với đàn ông mà không nhúc nhích là uổng đời nên được mọi người gọi bằng cái tên đầy vui vẻ, hoan lạc đó.
Và cũng vì nông trường còn quá ít người nên chúng tôi lãnh phần vận chuyển đồ đạc từ kho bìa rừng ra ngoài sông lớn, dĩ nhiên là bằng ghe. Tiền công được trả theo chuyến hoặc trọng tải, nhưng cũng có dư chút ít sau khi ăn uống, chè cháo, cà phê ở chợ mỗi lần ra. Ngày hai lượt ra vào. Chiếc ghe bầu khá rộng mà chỉ mình tôi ngồi phía sau bơi, còn ông Vỹ thì lâu lâu thọc dầm xuống nước quạt quạt vài cái ở mũi lấy lệ rồi ngồi mơ màng sông nước. Mỗi lần chiều về, ngang nhà bà Núc Nhích, tui ghé lại để ông lên bờ, sáng hôm sau tôi một mình chất hàng xong ghé đón cùng đi. Ghe lớn qua chỗ nước cạn thì chèo chống nặng (chỉ có một đoạn ngắn từ đám nhà mẹ bồng con ra) chớ còn qua đó rồi thì tà tà mà đi. Cứ tà tà mà đi, chẳng ai hối thúc cả. Ra ngoài nhập hàng vào kho, ghi sổ, lâu lâu ghé tính tiền để xài.
Được chừng hai ba tháng chi nữa, tui cũng chán, muốn về nhưng cha Tư chỉ huy trưởng nói chừng nào tui đem hết kho giường, sạp của Thanh niên xung phong để lại ra ngoài bán rồi mới được về. Tui cười, cố vấn ngay “Xứ này thiếu gỗ. Hơi đâu tốn tiền vận chuyển cho tui, mà còn lâu lắc nữa, trong khi dân ở đây họ cần, nếu mua thì cũng dễ cho mình thôi. Anh cứ treo bảng bán giường, vạt và bàn ghế phía trong này cùng giá cả thì tui bảo đảm mấy ngày sau sạch bách kho ngay”. Cha Tư nghe tui bàn cũng thấy hợp lý, mà khỏi tốn tiền trả công tui đem hàng hoá ra ngoài bán, lâu lắc bèn treo bảng làm thử. Ngay hôm sau, vừa mới ra kho thì thấy ôi quá trời là ghe xuồng của dân địa phương kéo đến cửa kho. Bên trong kế toán, tài vụ làm việc không ngơi tay. Còn dân ai cũng hí hửng, mừng vì có giưởng chỏng gỗ, có bàn ghế cây giá hữu nghị quốc doanh, khỏi cần giấy giới thiệu nên họ cũng khoái. Thế là mọi người các bên ai nấy đều vui. Chỉ trong vòng một, hai ngày là sứ mạng bán hàng nhanh chóng hoàn thành vượt mong đợi, kho trống trơn.
Cũng trong mùa nắng năm đó, khu vực nông trường 1 cũng khô cạn. Dân chung quanh cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước. Nông trường 1 cũng có một giếng đóng, nước đưa lên không đạt như giếng bên nông trường 6 nhưng cũng tạm sử dụng được trong sinh hoạt tắm giặt và có còn hơn không. Tôi được nông trường cùng một nhân viên ra giữ giếng, bơm nuớc cho dân quanh vùng. Bơm chạy bằng máy dầu Nhật và một chiếc máy cày tay Kubota. Khi xuồng của dân đến xin nuớc, vào những giờ nhất định, độ chừng 1 tiếng đồng hồ 1 lần, thì hai thằng tui là quay máy nổ, bơm nuớc lên cho người ta, không thu tiền gì hết. Ở chỗ này, giữa trưa nắng, bơm nước lên, sẵn đó tắm luôn, nhưng một chút xíu sau là khô ngay. Những lúc ngoài giờ bơm thì giải trí bằng chiếc máy cày tay. Máy cày này có 6 số tới và 3 số lui, ga tay, embraya tay và hai tay thắng ở trên ghi-đông lớn. Muốn đổi hướng chạy, rẽ sang hướng nào thì thắng phía bên đó, y như lái xe tăng. Để tránh bị thương vì lưỡi cày do mình là nông dân tài tử nên bọn tui tháo giàn cày ra cho khoẻ. Một hai tuần lễ như vậy, kéo dài cho đến khi đến những giọt mưa đầu tiên xuất hiện.
Hết việc, tui về lại Sài Gòn. Vì công an khu vực dòm ngó nên tui lại trình diện Ban Khai hoang sản xuất Quận, lúc này đã dời về đường Nguyễn Văn Đậu chớ không còn ở bên Xa lộ nữa chờ đi nông trường Tam Tân, Củ Chi. Và tui gặp lại Châu mắt kiếng của 21 Kiên trì cũng như thầy Nở (Bảy Nở) lái chiếc Reo 2 không phanh to đùng đửa chúng tôi từ Bình Thạnh, ra bếb Bạch Đằng Quận 1 rồi đến Củ Chi. Xe không thắng và rất hợp với tình hình dù được chế tạo tại Mỹ nhưng muốn nổ máy phải là liên xô nó mới chịu. Nhưng đó là chuyện sau. Hẹn mấy huynh khi khác.
Văn té lòi cu
( Thank you anh Vinh Phạm đã chuyễn đến)

No comments:

Post a Comment