Thursday, March 22, 2018

Đi Tìm Dĩ Vãng


 
Đọc “Bây Giờ Là Mùa Thu, Tôi Đi Tìm Dĩ Vãng”, nhà văn Văn Quang viết, trong lần chia tay giữa ông và ông bà Anh Ngọc, có đoạn “Trước khi chia tay, đứng trên vỉa hè, ông ôm vai tôi nói lớn ‘ Bây giờ ở đây chỉ còn mình mầy’... .  Cái tình thân 60 năm đọng lại ở đó, sâu lắng ở đó ...”.  Lời  nói chia tay của ông Anh Ngọc với ông Văn Quang nghe như là lời than, như một tiếng thở dài.
“Ở đây” là đất nước Việt Nam của chúng tôi; ở đó ông Anh Ngọc, ông Văn Quang và bạn bè, những người thân của hai ông đã sống.  Ở đó tôi đã lớn lên, bạn bè tôi, anh em đồng đội tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã cắp sách tới trường, đã cầm súng chiến đấu bảo vệ.  Và bây giờ mọi người phải ra đi, buộc lòng phải lìa xa phần đất được gọi là quê hương.  Chỉ ông Văn Quang chọn lựa ở lại, để ông Anh Ngọc phải thốt lên: “Chỉ còn mình mầy”, nghe rỏ là một vẻ sót xa, một nổi ngậm ngùi, như một tiếng kêu than.  Một sự mất mát lớn lao, bàng bạc mà thiêng liêng trong tâm hồn người đi cũng như người ở lại.  Có sự mất mát nào lớn hơn, buồn hơn mất nước, mất quê hương xứ sở mình?
Tôi  đang ở đây, xa cách nơi hai người chia tay nhau bởi một đại dương mênh mông.  Ở tuổi về chiều của đời mình tôi tin rằng, rồi một ngày, sẽ có một ngày nằm lại trên đất nước xa quê mình nửa vòng trái đất.  Có một khoảng thời gian nào đó, để tâm hồn mình lắng đọng lại, theo gót ông Văn Quang đi tìm dĩ vãng.  Trở về với tuổi thơ.  Bắt đầu từ cái tuổi ăn quà trước cổng trường, chơi đùa, nghịch ngợm.  Hay những lần bắt dế, đá banh, thả diều trên cánh đồng khô gốc rạ, lộng gió trước nhà.
Cuộc sống của tuổi thơ tôi êm đềm trôi, cho tới một ngày chứng kiến hơn triệu đồng bào rời bỏ quê hương từ Miền Bắc di cư vào Nam sinh sống.  Chúng tôi có thêm những người bạn mới, cùng nhau đến trường, chia sẻ nhau cái không gian bát ngát của Miền Nam thanh bình, êm ả.  Những lời chuyện kể từ một miền xa xôi trên đất nước Việt Nam của chúng tôi, từ mùa thu lá rụng tới mùa đông gió bấc lạnh lùng tạo cho tôi sự thích thú về địa dư, thổ nhưỡng.  Rồi tôi được nghe kể về chính sách khắc nghiệt của của chế độ cộng sản và đó chính là lý do họ phải rời bỏ quê hương xứ sở; tôi nghe với một chút thờ ơ, một thoáng nghi ngờ.  Bởi vì tôi tin vào tình người, tình hàng xóm, tình đồng bào, tình dân tộc.  Tôi tin vào luân lý đạo đức mà tiền nhân đã truyền dạy ... .  Và những điều tôi nghe kể vượt xa ngoài sự hình dung tưởng tượng của tuổi thơ tôi.
Lớn lên trong nền giáo dục nhân bản, tôi được học những bài học “Công Dân Giáo Dục”.  Tôi học lịch sử nước tôi có Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.  Có Lê Lợi mười năm ròng rả đánh đuổi quân Minh với Bình Ngô Đại Cáo “việc nhân nghĩa cốt ở an dân ...”.
Tôi vẫn tới trường, trong suốt những năm dài ở trường học, dù đất nước tôi đang bị phân chia hai miền Nam Bắc với hai chế độ Tự do và Cộng Sản.  Dù chiến tranh đang hiện hữu trên quê hương tôi, nhưng tôi vẫn được truyền đạt về đạo đức, về giáo dục công dân để làm người tốt trong xã hội.  Hận thù không hề được nhắc tới bên trong ngưỡng cửa của học đường.  Giáo Dục Nhân Bản chỉ đề cao đạo đức và trách nhiệm công dân, chúng tôi lớn lên trong nền giáo dục đó.
Tuổi học trò của chúng tôi được tô điễm bằng những lời thơ êm ái ngọt ngào, những câu hò đậm tình dân tộc, hay những bài hát ca tụng vẻ đẹp của quê hương đất nước.  Chúng tôi lớn lên không gợn chút hận thù mà lớn lên với ngọt ngào của lời ru, êm đềm của câu hát.  Chúng tôi lớn lên trong tình thương yêu đùm bọc, sẻ chia, tương thân tương trợ.  Chúng tôi lớn lên bằng tình người, tình đồng bào, tình dân tộc.
Sách báo, phim truyện vẫn chưa bổ sung cho trí óc đơn sơ tôi chút nào về hiểu biết chính trị; cho đến một ngày ở quê tôi, phong trào “đồng khởi” bắt đầu.  Khua thùng đánh trống, truyền đơn, biểu ngữ ... .
Phong trào đồng khởi được phát động bằng: cắt cổ, mổ bụng, “bịt mắt cho mò tôm”, hay đập đầu bằng búa ... với những bản án viết nghuệch ngoạt, với những tội lổi vu vơ, ngụy tạo.  Trong trí óc đơn sơ của tôi nảy sinh ra những câu hỏi “Ai”, ai đã làm những điều nầy?  Họ đã nhân danh cái gì để họ giết người?  Điều gì đã biến họ từ là người nông dân chân chất thật thà hôm qua để trở thành người tàn ác hôm nay?  Ai xui khiến, ai ra lệnh cho họ?  Giết người nhằm mục đích gì?
Thực tế cho tôi thấy cuộc sống yên lành của người dân, trong đó có tôi, gia đình tôi, họ hàng tôi bị xáo trộn đến tận cùng, bất ổn thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân từ thôn quê tới thành thị.
Giựt mìn, ám sát, pháo kích, đào đường, phá cầu nhằm gây xáo trộn kinh tế, tạo bất ổn trong xã hội.  Đời sống người dân càng ngày càng khó khăn trong phong trào “giải phóng” mà những người phát động đang giấu mặt tận đâu đâu.
Chiến tranh ngày càng lan rộng, chết chóc, thương tật, sự nguy hiễm càng đè nặng lên người dân bởi sự “giải phóng” của những người cộng sản.  Những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn những người dân chân chất hiền hoà với ruộng đồng sông rạch Miền Nam ngày càng nhiều, càng chồng chất.  Sự sợ hãi bao trùm lên Miền Nam từ thôn quê tới thị thành, từ người lớn đến trẻ thơ.  Cộng sản đã dùng  khủng bố để tạo nên sự sợ hãi, và dùng sự sợ hãi như là phương cách để tiến hành chiến tranh, họ đặt tên cho hành động khủng bố là “bạo lực cách mạng”, và kêu gọi bạo lực bằng thái độ “triệt để”.
Chiến tranh thực sự có mặt trên quê hương tôi, chúng tôi đi vào đời sống quân ngũ như là trách nhiệm của một công dân phải bảo vệ phần đất mà mình sinh sống, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ thể chế tự do mà chúng tôi đang thụ hưởng.  Cho tới lúc đã thực sự là người lính, trong đầu chúng tôi vẫn không thoáng chút hận thù.  Tôi tin rằng các đồng đội tôi đi vào chiến trận chỉ với hoài bảo bảo vệ phần đất còn lại của quê hương đất nước, bảo vệ thể chế Tự Do và trước hết bảo vệ sự sống còn của mình và gia đình mình.
Trận mạc không làm vơi đi niềm tin của chúng tôi, và không xây dựng nên hận thù trong lòng người lính Việt Nam Cộng Hòa.  Chiến tranh có máu xương, chết chóc, có đau thương, khổ lụy nhưng không có hận thù trong lòng người lính chiến đấu để bảo vệ.  Bảo vệ người dân và bảo vệ quê hương đất nước.  Rời cuộc sống ấm êm để đi vào cuộc đời quân ngũ hiễm nguy, gian khổ xuất phát từ cái  tình.  Tình người, tình dân tộc, tình yêu quê hương xóm làng.
Hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa đốt điếu thuốc gắn lên môi người tù binh cộng sản đang bị trói đã nói lên tính nhân bản và tình cảm của những người có cùng tiếng nói, cùng màu da và lớn lên trên cùng dải đất Việt Nam.  Trước cảnh đổ nát, hoang tàn giữa thành phố Sài Gòn trong ngày Tết Mậu Thân, người lính Biệt Động Quân mở cái bánh tét đút cho tù binh cộng sản ăn, từ tốn nhẫn nại chờ từ miếng nuốt với vẻ mặt ôn nhu trầm tĩnh hiền hòa.  Hành động nầy không do lịnh từ cấp trên mà xuất phát từ cái tình trong lòng người quân nhân Biệt Động Quân nầy.  Và tuyệt nhiên, không là hình ảnh nguỵ tạo để tuyên truyền, lừa mị.  Tình người, tình đồng bào vẫn hiện hữu, được thể hiện qua cách đối xữ với những người trước đó mấy phút đã bắn xối xả về phía mình đã nói lên nền tảng căn bản đạo đức của những người đã lớn lên trong xã hội tự do.
Cho dù nền tự do tại Miền Nam chỉ được xây dựng trong vòng hai mươi năm.  Hai mươi năm xây dựng nên thể chế dân chủ, hai mươi năm xây dựng nên đạo đức trong lòng người.  Hai mươi năm xây dựng nên tinh thần trách nhiệm, hai mươi năm tạo nên tình người, yêu thương và đùm bọc.  Trong hai mươi năm ngắn ngủi xây dựng thể chế Tự Do và phát triển kinh tế song song với cuộc đấu tranh với kẻ thù gian xảo, tàn ác đang thi hành sứ mạng với cộng sản quốc tế.  Hai mươi năm xây dựng và phát triễn từ tinh thần đến vật chất tại Miền Nam, đã đưa nước Việt Nam Cộng Hòa ngang hàng với các nước lân bang như Thái Lan,Đại Hàn, Mã Lai, Đài Loan, Singapore ... .  Sài Gòn, một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, là mơ ước của Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu trong thập niên sáu mươi đã chứng thật cho sự thành công của chế độ Tư Do và Dân Chủ của Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm xây dựng và bảo vệ.
Cuộc chiến tranh kết thúc có bên thắng, bên thua.  Chúng tôi là người thua trong trận chiến hai mươi năm mà đất nước và người dân trên quê hương tôi đã phải gánh chịu.  Trong muôn ngàn nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của Miền Nam, trong đó có một nguyên nhân là cái tình, chúng tôi đã chiến đấu trong tình người, tình dân tộc, tình đồng bào và chúng tôi đã không chiến đấu bằng bạo lực, bằng hận thù.
Thua trận, là tù binh cho những người cộng sản Việt Nam, bị đối xữ thù hận, tàn ác để trả thù.  Chúng tôi vượt qua được những gian truân nghiệt ngã, thù hận đó bằng cái tình, tình người, tình đồng đội, đồng cảnh, tình đồng bào.
Thắng, thua, hậu quả của cuộc chiến tranh tùy thuộc vào phương cách tiến hành và mục đích của cuộc chiến tranh đó.
Cuộc chiến tranh mà người cộng sản đã phát động tại Việt Nam là chiến tranh nhằm mục đích cướp đoạt và phục vụ cho chủ thuyết cộng sản và thi hành mệnh lệnh của các lãnh tụ cộng sản Quốc Tế, “đánh Miền Nam là đánh cho Liên Sô, cho Trung Quốc”.
Để che dấu cho mục đích phục vụ cho học thuyết phi dân tộc, phi tổ quốc; người cộng sản luôn luôn tìm cách lừa bịp, dối trá, dùng nhân dân làm bình phong cho mọi hành vi độc ác gian xảo của họ.  Để che dấu cho mục đích cướp đoạt, công sản dùng chiêu bài “giải phóng”, giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc.  Họ kêu gọi “hận thù giai cấp” để tiến hành chiến tranh.  Để đạt được tham vọng, họ lại ngụy biện, lập luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.  Cho dù phương tiện của họ là xương máu hay sinh mạng của hàng triệu “nhân dân” mà họ nhân danh.
Sau khi chiếm đoạt được Miền Nam, là người thắng trận họ đã chẳng xoa dịu, hàn gắn vết thương chiến tranh.  Người cộng sản đã không nhìn về tương lai để xây dựng quốc gia dân tộc mà họ quay nhìn về quá khứ để đào sâu thù hận.   Các biện pháp cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, công tư hợp doanh, quốc doanh, quốc hữu hóa,.... chỉ là những hành động cướp đoạt tài sản của người dân Miền Nam bằng những thủ đoạn gian manh, quỉ quyệt của bọn người tham tàn và bạo ngược.
Để củng cố địa vị và bảo vệ quyền lợi họ dùng bạo lực và khủng bố tạo nên sợ hãi, gây xáo trộn trong xã hội, tạo nên nền kinh tế bất ổn, khiến đời sống người dân càng ngày càng khó khăn.  Chính sách bưng bít, lừa đảo, dối trá, bạo lực đàn áp nhằm mục đích tạo nên thói quen sống chụp giựt, tham lợi trước mắt, mánh mung, chia rẻ, ích kỷ, dối trá, vô cảm, độc ác, bất lương, khoa trương, hào nhoáng, ganh tỵ, rình rập, dò xét ... .
Cùng lúc cộng sản thiết lập nên nền giáo dục xa rời cội nguồn dân tộc, mất gốc, lai căng, vọng ngoại, yếu đuối, chạy theo những điều xấu, đua đòi, mất khả năng hướng thiện.  Nền giáo dục nhồi sọ, thiếu nhân bản làm suy tàn nhuệ khí dân tộc, hủy hoại tinh thần yêu nước, phá nát tinh thần đoàn kết, làm suy đồi đạo đức, làm băng hoại tình người, tình dân tộc.
Người dân không được bảo vệ bởi nhà cầm quyền và luật pháp.  Cộng sản Việt Nam đã và đang cai trị đất nước có hơn chín mươi triệu dân bằng nghị định, nghị quyết; ứng xử luật pháp một cách tuỳ tiện, lấp liếm, bao che dung dưỡng thói hư tật xấu, đàn áp bốc lột.  Cộng sản bất chấp luật pháp, công lý, lẽ phải;  cai trị dân bằng công an, bằng côn đồ; cướp giật bằng mọi hình thức đã đưa người dân lâm cảnh đói nghèo, đưa quốc gia tụt hậu.
Cuộc sống đói nghèo, không có niềm tin vào tương lai, có cảm tưởng sống trong môi trường thù nghịch, không được bảo vệ bởi pháp luật, công lý; bị ức chế, dồn nén.  Người dân luôn sống trong hoang mang, trong sợ hãi.
Để thích ứng với điều kiện cay nghiệt của xã hội hỗn loạn và để sống còn người dân phải vùng vẫy, phải tranh đấu.  Bản năng được vận dụng để tồn tại.  Chính môi trường sống đã tiêu diệt cảm xúc, tình cảm, đã bào mòn lý trí, đạo đức.
Lịch sử, Địa dư và Chính trị cho ta câu trả lời rất rỏ tại sao có những quốc gia ai cũng muốn tìm đến và có những đất nước ai cũng muốn ra đi.  Và điều đau lòng là đất nước Việt Nam của chúng tôi ai cũng muốn rời bỏ vì hậu quả của cuộc chiến tranh mà người thắng trận là người cộng sản.
                                                                                                                                               
 

No comments:

Post a Comment