Người Việt ta có câu, “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay
co…”. Và, tôi, người có máu Quảng, từ khi còn bé dường như đã không
tránh được chuyện cãi co, mãi, cho đến năm 40 tuổi mới “nguội lửa” từ
từ.
Trong hai thập niên vừa qua, tôi đã cố gắng vun xới
trong tâm hồn mình, tự bảo mình không nên nóng giận, tránh đôi co với
người khác, khi mà đối tượng hành xử không đúng theo ý muốn của mình.
Là con người, chúng ta thường hay có những khái niệm hay
quan điểm thành hình trong đầu óc về những sự việc phải xảy ra như
chúng ta muốn, cho dù những điều muốn ấy hầu hết chỉ là viễn vọng. Khi
mà giấc mơ không thành tựu, sẽ tạo ra những bực dọc vô cớ. Những bực tức
ấy sẽ làm hại đến quan hệ với những người chung quanh, vợ chồng, con
cái chẳng hạn. Thí dụ, chúng ta muốn vợ hay chồng của mình, con cái của
mình phải hành xử theo chiều hướng của mình, hay bạn bè cũng phải tử tế
và chiều theo ý của mình, và ngay đến người lạ mặt cũng không được khó
chịu với mình, vân vân và vân vân.
Một khi phải va chạm với thực tế đi ngược chiều thuận
lợi, hầu như mọi người đều không tránh khỏi những bực tức, nóng giận,
hành xử không đúng, cãi cọ, đôi co, và kể cả khóc lóc tỉ tê.
Thế thì, chúng ta có thể làm được những gì khác hơn?
1. Thở…
Bạn không thể kiểm soát được những gì người khác hành
động và suy nghĩ. Bạn không thể khống chế được tất cả những gì xảy ra
chung quanh mình. Bạn chỉ có thể điều chỉnh được thái độ của chính mình
trước sự việc. Điều khiển được phản ứng của mình chính là sức mạnh có
được trong tay.
Nói có vẻ bi quan, nhưng sự thật, trong cuộc sống, đầy
rẫy những bất trắc. Mỗi ngày, chúng ta không thể không tránh khỏi những
những va chạm, những xung đột, những vất vả, những đua tranh vô hình với
xã hội, và cả những gánh nặng ngoại lực cũng như nội tâm của chính bản
thân mình. Ta, chẳng thể làm được gì để kiểm soát hay tránh né những
điều bất trắc và đối chọi xảy đến không như ý. Sự bấp bênh không thể dự
đoán trước được, là một phần chẳng thể gạt bỏ của cuộc sống.
Khi mà bạn có cảm tưởng như một nồi áp suất sắp bùng nổ,
hãy thử một vài phút để dừng lại, để thở. Hít thở sâu giúp ta lấy lại
bình tĩnh, giảm bớt những lo âu giận dữ, tạo cơ hội cho ta tìm ra một
giải pháp đáp ứng cho mọi vấn đề, cho mọi tình huống. Bình tĩnh để mà
sống, và sự sống bắt nguồn từ hơi thở của mình.
Một số điểm mà chính tôi đang cố gắng thực hành, xin chia sẻ ra đây:
2. Biết dừng lại.
Trong các game thể thao gọi là “timeout”, nghỉ 30 giây.
Khi một người nào đó nổi nóng với mình, không nên vội “nhảy vào trận” mà
hãy dừng lại, để, thở. Người tốt đến đâu khi bị stress cũng có những
thái độ xử sự không đúng. Mà dẫu, có “lâm trận” thì cũng còn kịp để
timeout càng sớm càng tốt. Khi ta ngừng lại, chỉ 30 giây thôi, cũng đủ
cho ta trấn tỉnh, suy nghĩ chính chắn, và cũng tạo cho đối phương một
khoảng cách để họ có thì giờ suy nghĩ như mình. Trong mọi trường hợp, 30
giây là đủ để tạo ra một khoảng cách an toàn giữa hai bên.
3. Biết tôn trọng sự khác biệt.
Tập thói quen tôn trọng ý kiến của kẻ khác, cho dù khác
với mình, không có nghĩa là người ta hoàn toàn trật. Có nhiều đường dẫn
đến La Mã, có nhiều đường binh, và, mọi người đều có quyền có ý kiến
khác biệt. Vì thế, nên biết chấp nhận những điều mà mình cho là không
thể chấp nhận được.
4. Biết vị tha.
Thử đặt mình vào chỗ đứng của người khác. Chúng ta không
hoàn toàn biết hết những khó khăn hay những stress mà người khác phải
trải qua. Vì thể nên gạt qua tất cả những phán đoán, tị hiềm, những đòi
hỏi về người khác.
5. Biết rộng lượng và tế nhị.
Tất cả chúng ta, ai ai cũng đã từng nóng giận và mất
bình tĩnh. Là con người, chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Vì
thế nên bỏ qua, tha thứ, đừng gim trong bụng những ghen ghét trong tâm.
Vì lẽ, nếu ta nuôi dưỡng những thù hận thì chỉ có chính mình sống và
chịu đựng với những hận thù đó.
Thí dụ, tôi hay nguyền rủa những người chạy xe ẩu, nhưng
nghĩ lại, trong lòng xe của mình, chỉ chính mình nghe những lời nguyền
rủa ấy, trong khi “cái thằng” chạy xe ẩu, nó “dọt” mất tiêu.
6. Không để tâm.
Không nên nghĩ là người khác cố tình chọc giận mình. Thí
dụ, một người nào đó nói một câu bâng quơ, hay “móc họng” mà mình không
thích, không nên tự ám chỉ là người ấy cố nói xấu mình. Cho dù người ta
có cố tình động chạm đến mình đi chăng nữa, thì cũng nên bỏ qua. Người
khác có thể “chơi xấu” với mình đó là chuyện của họ, nhưng thái độ phản
ứng của mình là của mình, và mình có thể kiềm chế được.
7. Nói ít và lắng nghe để hiểu nhiều hơn.
Đừng nên vội nhảy vào những chuyện tranh cãi lôi thôi
không hữu ích, mà hãy nên đứng ngoài vòng và lắng nghe. Thường thường,
yên lặng và bình tĩnh, trước khi nói, lời nói sẽ có “trọng lượng” nhiều
hơn, và dễ làm lắng dịu bớt những xung đột.
8. Biết đối phó với stress.
Ai cũng bị stress và dễ nóng giận. Nên biết sắp xếp công
việc để đừng bị stress. Và nếu có bị stress, nên lựa chọn những giải
pháp lành mạnh như đi bộ ngoài trời, nghe nhạc, uống trà thay vì uống
rượu, ăn đồ ngọt, hay hút thuốc lá.
Nói chung, trong những năm qua, tôi đã cố gắng học tập,
rèn luyện, vun xới cho mình một vài điều như, tự nhắc nhở, mình không
thể kiểm soát hết mọt người, mọi vật, vì mọi người và muôn vật luôn luôn
xoay chuyển. Mỗi người có một lối sống, một quan điểm khác nhau cũng
như những đám mây trôi muôn hướng, “cuốn theo chiều gió”. Tôi cũng tập
không để nhập tâm những phiền hà vì dẫu sao đi nữa, “nhân chi sơ tánh
bản thiện”. Người khác có lúc khó chịu vì cuộc sống của họ gặp những khó
khăn, và sẽ có ngày chính mình cũng rơi vào tình huống ấy.
Nên bỏ qua tất cả, “dĩ hòa vi quý”. Thở. Bình tĩnh mà sống.
BS Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment