Monday, May 7, 2018




Đột biến nơi con người cộng sản
BS.Trần Văn Tích
alt
Chế độ cộng sản vĩnh viễn là chế độ cộng sản, bản chất của nó chẳng bao giở thay đổi dẫu nó mang nhiều tên khác nhau như tân dân chủ, dân chủ nhân dân, cộng hoà nhân dân, cộng hoà dân chủ, cộng hoà xô viết dân tộc, vô sn chuyên chính, xã hội chủ nghĩa v.v.. Nhưng từng cá nhân con người cộng sản thì lại có thể thay đổi, thậm chí có khi thay đổi một cách đột ngột và toàn vẹn, theo kiểu đột biến trong sinh học. Đột biến (mutation) là hậu quả sự thay đổi sinh hoá của gen do tác nhân tự nhiên hay nhân tạo. Đối với chủng loại, đột biến có thể tác động tốt đẹp, tồi tệ, thậm chí gây tuyệt chủng. Đột biến có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá của các sinh vật. Chính Stalin qua tác ph
Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng thừa nhận hiện tượng này : “Phép biện chứng xem quá trình phát triển (của một sinh vật, của một chế độ) không phải như là một quá trình đơn giản của sự trưởng thành mà là một sự phát triển chuyển từ những thay đổi về lượng, những thay đổi nhỏ nhặt và tiềm tàng thành những thay đổi rõ rệt và căn bản, tức là những thay đổi về chất; trong đó những thay đổi về chất không phải là những thay đổi dần dần mà là những thay đổi nhanh chóng đột ngột và tiến hành bằng những bước nhảy vọt từ một trạng thái này sang một trạng thái khác; những thay đổi đó không phải là ngẫu nhiên mà là tất yếu; nó là kết quả của sự tích lũy những thay đổi không rõ rệt và dần dần về lượng.“1

Đột biến Gorbatschow
Tháng 10 năm 1986, Mikhail Gorbatschow phát biểu trong một buổi hội nghị đảng cộng sản Liên xô như sau : “Tôi xin nói thẳng và chân thành rằng : cho đến bây giờ vẫn đang tồn tại một quy chế và hình thức, phương pháp giảng dạy khoa học xã hội tạo điều kiện ở mức độ không nhỏ cho cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa giáo điều và kinh viện.“2 Và Gorbatschow nói thêm : “Cần phải xây dựng lại chương trình giảng dạy từ đầu, các đồng chí thân mến, phải chuẩn bị các bài giảng mới, phải đổi mới sách giáo khoa.“3 Nhu cầu đổi mới tư duy, cởi mở trí tuệ trong một khuôn khổ canh tân rộng lớn và sâu sắc về chính trị và kinh tế – glasnostperestroika – do một nhân vật lãnh đạo Xô viết tối cao chủ xướng, đã đưa đến những quyết định quan trọng hoàn toàn mới mẻ như ký kết hiệp ước giải giới Washington 1987. Nhưng cũng chính những bước đi “cách mạng“ đó của Gorbatschow đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết, của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Như vậy chính kẻ được coi như chân truyền y bát của Lênin-Stalin đã xa rời những tư tưởng cách mạng bất hủ của Lênin-Stalin để tạo nên khủng hoảng, thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đột biến Schabowski
Günter Schabowski là Ủy viên Trung ương Đảng SED, đảng cộng sản Đông Đức, sau khi Erich Honecker mất chức. Chính Erich Honecker từng bảo với Mikhail Gorbatschow hôm 06.10.1989 là bức tường Berlin sẽ còn đứng vững một trăm năm nữa. Một tháng ba ngày sau đó, ngày lịch sử 09.11.1989, Ủy viên Trung ương Đảng Schabowski họp báo quốc tế và bỗng nhiên tuyên bố rằng biên giới giữa Đông và Tây Đức từ giờ phút đó được bỏ ngõ. Bốc đồng? Hăng tiết? Lên cơn? Nỗi hứng? Chỉ biết rằng đấy là lần đầu tiên đảng cộng sản Đông Đức can trường đưa ra một quyết định mà không bàn trước với đảng cộng sản Liên Xô, không thỉnh ý mẫu quốc. Và đó cũng là lần cuối đảng cộng sản Đông Đức thực thi quyền quyết định của mình. Hôm đó, hôm 09.11.1989, là một ngày thứ năm. Trời lạnh, mưa rào, hàn thử biểu chỉ 8 độ C°. Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đang công du Ba Lan. Erich Honecker đang được điều trị chống đau bằng thuốc phiện trong bệnh viện. Đội bóng tròn Stuttgart đang đấu với đội Bayern. Giữa không gian khí tượng và trong bối cảnh thời sự đó, lời tuyên bố của Schabowski nổ ra như một quả bom. Và kết quả thì toàn thể nhân loại đều biết rõ.

Đột biến Garaudy
Roger Garaudy sinh năm 1913, vào đảng cộng sản Pháp năm 1933, thc sĩ triết học năm 1936, năm 1940 bị bắt và an trí ở Algêri cùng với hàng trăm đảng viên cộng sản khác, được phóng thích năm 1943. Năm 1944 trở về Pháp, đắc cử đại biểu quốc hội vùng Tarn, ủy viên dự khuyết rồi ủy viên chính thức trung ương đảng từ 1950 đến 1970. Năm 1949 soạn bản luận văn L'Église, les communistes et les chrétiens (Nhà thờ, người cộng sản và người công giáo), đả kích kịch liệt nhà thờ Thiên chúa giáo. Phóng viên tạp chí Humanité (Nhân đạo) ở Mạc tư khoa. Năm 1954 trình luận án Tiến sĩ Triết học ở Sorbonne, kế được phong học vị Tiến sĩ khoa Triết của Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Garaudy là lý thuyết gia hàng đầu của đảng cộng sản Pháp, nhiệt tình ủng hộ học thuyết Lyssenko4. 1956 Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị rồi Ủy viên chính thức Bộ Chính trị năm 1961. Vào thời điểm này Garaudy đạt tột đỉnh danh vọng trong đảng cộng sản, chỉ đạo biên soạn cơ quan lý thuyết của đảng Cahiers du communisme (Tạp chí cộng sản), làm viện trưởng Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, tổ chức dịch thuật Lênin toàn tập sang Pháp văn. Nhưng Garaudy bỗng dưng chuyến biến tư tưởng, bắt đầu tự vấn lương tâm khi bàn về phương pháp luận văn học nên năm 1964 viết D'un réalisme sans rivage (Về một chủ nghĩa hiện thực không bến bờ) phê phán quan điểm văn nghệ của đảng, chỉ trích phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác và phê bình nghệ thuật. Garaudy cắt đứt liên hệ với cộng sản một cách rất đột ngột và tháng 5 năm 1968, giữa phiên họp Bộ Chính trị, Garaudy đả kích tàn tệ Georges Marchais vì bất đồng chính kiến về phong trào tranh đấu của sinh viên. Ngày 30.04.1970, Garaudy bị khai trừ khỏi đảng. Từ ngày đó, Garaudy sáng tác với niềm xác tín là đảng cộng sản thay vì khích lệ đã kềm hãm sáng tạo của giới nghệ sĩ văn sĩ. Các tác phẩm đổi đời và để đời có Toute là vérité (Tất cả sự thật) 1970, Reconquête de l'espoir (Khôi phục hy vọng) 1971, Parole d'homme (Ngôn ngữ thiện nhân) 1975.

Đột biến Dubcek
Tháng giêng năm 1968, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản Tiệp khắc Alexander Dubcek lãnh đạo phong trào tự do hoá chế độ cộng sản Tiệp mệnh danh là “mùa xuân Praha“. Dubcek là một người cộng sản có khuynh hướng cải cách nên đã tiến hành hàng loạt cải tổ mà quan trọng nhất là hủy bỏ kiểm duyệt truyền thông và ngôn luận. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã có nhiều bài bình luận khách quan; đã tổ chức những cuộc hội thảo tranh luận hoặc loan tải các tin tức thuận lợi cho phong trào đòi hỏi dân chủ. Tháng 4 năm 1968, Trung ương đảng cộng sản Tiệp Khắc công bố chủ trương nới lỏng chính trị theo khuôn mẫu một thứ chủ nghĩa xã hội mang chân dung nhân đạo, socialisme à visage humain. Công cuộc canh tân này ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Âu và làm lung lay vai trò lãnh đạo của Liên Xô. Đêm 20.08.1968, hơn nửa triệu hồng quân Liên Xô và quân đội của bốn nước Đông Âu trong khối Varsovie đã ào ạt tràn vào Tiệp Khắc, lật đổ chế độ của Alexander Dubcek và dập tắt hy vọng dân chủ tự do của người dân Tiệp. Tháng giêng năm 1969, người thanh niên Jan Palach châm lửa tự thiêu nơi quảng trường Venceslas. Tháng tư năm 1975 Vaclav Havel gửi bạch thư cho Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp tố cáo các tội ác của chế độ độc tài toàn trị. Những chuyển hoá chính trị-văn hoá-xã hội kế tiếp đưa Dubcek trở lại chính trường trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Liên bang từ tháng chạp 1989 đến tháng sáu 1992.

Đột biến Kim Chính Ân?
Trong ba nước cộng sản bị các thế lực ngoại bang áp đặt hoàn cảnh chia cắt thì Việt Nam hợp lại dưới chế độ cộng sản sau một cuộc chiến khốc liệt, Đức quốc thống nhất trong hoà bình dân chủ tự do và hai phe kình chống nhau tại Cao Ly thì hiện đang ngỏ ý muốn tìm cách trở lại làm một nước. Và phe đi trước lại là phe cộng sản. Với bản chất thâm độc, gian xảo cố hữu, chế độ của Kim Chính Ân đã có một số chuyển hoá đột ngột bất ngờ. Họ Kim thú nhận cùng người đồng nhiệm phương Nam là hệ thống đường sá tại Miền Bắc hiện lâm vào tình trạng tồi tệ. Bắc Hàn cũng đi tiên phong điều chỉnh lại đồng hồ lên thêm ba mươi phút để có cùng múi giờ với Nam Hàn. Hiện tượng đột biến Kim Chính Ân phủ nhận bản thể chế độ cộng sản, cho dẫu chế độ đó ghi vào Hiến pháp 2009 của nó là nó không còn liên quan gì đến học thuyết Mác-Lênin nữa. Chuyện khó tin chỉ mới bắt đầu.
07.05.2018

1Bản tiếng Pháp, Moscou, 1954, trang 8.
2M.Y. Goóc-Ba-Chốp.- Học tập, tư duy và hành động theo cái mới. Bài phát biểu ở Hội nghị các trưởng bộ môn khoa học xã hội toàn Liên-xô ngày 2 tháng 10 năm 1986 tại Moskva. Đào Duy Tân dịch. Tạp chí Văn học. Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà nội., 2-1987, tr. 1-8.
3M.Y. Goóc-Ba-Chốp.- tlđd, tr. 5.
4Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976), nhà sinh học và nhà nông học xô-viết, phủ nhận thô bạo học thuyết Mendel với vai trò các gen trong di truyền vì cho là học thuyết tư sản phản động. Lyssenko nghiên cứu ảnh hưởng sinh lý của môi trường ở nhiệt độ thấp trên hạt giống và cây cối. Học thuyết Lyssenko được quảng bá rầm rộ trong phe xã hội chủ nghĩa từ 1940 đến 1955, khiến trình độ khoa sinh học cộng sản tuột xuống một cách thê thảm. Tuy nhiên giới nông học Đông Đức đã không theo Lyssenko nên chế độ Ulricht-Honecker vẫn duy trì được thứ hạng số một về sản xuất hạt giống ở Châu Âu.

No comments:

Post a Comment