Monday, December 5, 2016

Hillary Clinton cần học bài học thất cử một cách xứng đáng


Cảm nghĩ của một đảng viên Dân Chủ về Hillary và việc kiểm phiếu lại. (NH Tâm chuyển ngữ và đề tựa)
Vừa rồi, Hillary Clinton loan báo bà đã tham gia vào nỗ lực kiểm phiếu lại tại ít nhất 3 tiểu bang miền Trung Tây, nêu thắc mắc về sự chính xác của phiếu bầu được phản ảnh trên số phiếu cử tri đoàn. Điều này xảy ra sau bài diễn văn chấp nhận thất cử mà bà đã nói với các ủng hộ viên của mình: “Chúng ta phải chấp nhận kết quả này… Donald Trump sẽ là tổng thống của chúng ta. Chúng ta hãy cho ông ta một tấm lòng rộng mở và một cơ hội để lãnh đạo.”

Chỉ vài giờ sau bài diễn văn của Hillary, Tổng Thống Obama đã tiếp lời ứng cử viên của ông kêu gọi điều tương tự đối với đất nước – và cả đối với đảng Dân Chủ của tôi. Thật là một khoảng khắc đáng tự hào của nhiều người dân Hoa Kỳ. Chúng ta có thể ăn mừng một cuộc chuyển quyền êm thắm, kể cả cho dù chúng ta không ưa cái kết quả.

Bây giờ thì rõ ràng bài diễn văn của Hillary Clinton là giả dối. Theo ban vận động của bà thì họ đã cho các luật sư, các nhà khoa học về dữ liệu và các phân tích gia cùng rọi kính hiển vi vào các kết quả bầu cử từ ngay sau ngày bầu cử, hay ngay sau ngày bà Hillary đọc bài diễn văn chấp nhận thất cử một cách trí tuệ. Mục đícnh của họ là: tìm bằng chứng về khả năng kết quả bầu cử bị ngoại nhân tấn công mạng, bất chấp tổng thống – và các cựu đồng nghiệp của tôi trong ngành tình báo – đều xác nhận rõ ràng rằng không có dấu hiệu nào về sự lũng đoạn của ngoại bang  tại các thùng phiếu.

Vậy thì tại sao Hillary lại làm điều này? Một vài người cho rằng đầy là một mưu đồ trả thù để làm cho Trump bị coi như không chính danh trong con mắt của dân chúng Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghi rằng đây là cú vớt vát cuối cùng của một chính trị gia cay đắng, không thể chấp nhận thua cuộc một cách cao thượng.
Là một đảng viên Dân Chủ, tôi thật thất vọng và xấu hổ. Không giống như Hillary, tôi nhận ra rằng lịch sử Hoa Kỳ được xây dựng bởi không chỉ những người chiến thắng hào hùng mà còn bởi những người thua trận cao cả.
Clinton không phải là đảng viên Dân Chủ đầu tiên tại New York thất cử tổng thống sau khi thắng phiếu phổ thông. Người đầu tiên là ứng cử viên tổng thống Samuel Tilden trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 1876. Thời đó, các ủng hộ viên của Tilden hoàn toàn bị thuyết phục rằng đối thủ của ông là Tổng Thống đắc cử Rutherford B. Hayes sẽ làm cho đất nước bị tiêu tan. Một cử tri đã tuyên bố: “Thôi rồi vĩnh biệt chính quyền tự do, vĩnh biệt tự do bầu cử, tự do ngôn luận, và tự do báo chí, cũng như mọi quyền tự do dân sự.” Giới báo chí truyền thông cũng phản ứng ngột ngạt không kém. Trùm báo chí và đảng viên Dân Chủ Joseph Pulitzer – người được đặt tên cho giải thưởng báo chí nổi tiếng Pulitzer ngày nay – đã kêu gọi trang bị vũ khí cho 100 ngàn ủng hộ viên của Tilden để đi tấn công Washington DC.

May mắn thay, những cái đầu lạnh đã thắng thế. Tilden không muốn là người khai mào một cuộc cách mạng. Ồng đã đọc một bài diễn văn chấp nhận thất cử một cách đáng kính trọng và rồi về hưu tại New York.

Có lẽ trong tâm trí của Tilden lúc đó có một người Mỹ thua trận vĩ đại khác: tướng Robert E. Lee, tư lệnh quân đội miền Nam thời nội chiến. Ngay trước khi Tướng Lee đầu hàng tại Appomattox lúc cuộc nội chiến sắp kết thúc, vị chỉ huy pháo binh của ông là tướng Porter Alexander đã đề nghị quân đội miền Nam hãy phân tán ra thành các nhóm phiến quân du kích, tiếp tục chiến đấu cho đến khi quân miền Bắc kiệt quệ thì cuối cùng sẽ phải công nhận miền Nam. Tướng Lee từ chối lời đề nghị, ông hùng hồn giải thích tại sao miền Nam phải chấp nhận thất bại.

“Các anh và tôi, là những người Thiên Chúa Giáo, chúng ta không có quyền chỉ xem xét việc này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta thế nào. Mà chúng ta phải xem xét ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ đất nước nói chung. Đât nước đã bị bại hoại bởi bốn năm chiến tranh. Nếu tôi chấp nhận đề nghị của các anh, người của chúng ta sẽ buộc phải cướp bóc và ăn cắp để sống. Họ sẽ trở thành các nhóm thổ phỉ không hơn không kém. Chúng ta sẽ tạo nên một tình trạng khiến đất nước phải mất nhiều năm mới có cơ hồi phục”.

Tướng Lee đã đầu hàng ngay ngày hôm sau.
Trong chính trị cũng như trong chiến tranh, bài học rõ ràng là: những người Mỹ ái quốc không phải lúc nào cũng là người chiến thắng. Thật ra, khi thua, cái cách chúng ta thua sẽ là ví dụ điển hình để hiểu thế nào là chiến thắng. Tilden – người thắng phiếu phổ thông - có thể dẫn đầu một đạo quân tiến về DC làm loạn. Tướng Lee có thể mở cánh cửa địa ngục với cuộc chiến tranh du kích và tạo cho miền Nam một thắng lợi. Nhưng cả hai người đã nhận ra một điều có hậu quả còn lớn hơn rất nhiều: nền Cộng Hòa của đất nước Hoa Kỳ đáng giá hơn cái tôi vị kỷ và tham vọng cá nhân.
Bằng hành động ủng hộ việc kiểm phiếu lại, Clinton chứng tỏ là đã không thể chấp nhận thất cử một cách cao thượng, bà đã không có cùng một cái nhìn đối với quốc gia dân tộc như ông Tilden và tướng Lee. Vì thế, các công dân Hoa Kỳ và đặc biệt là các bạn Dân Chủ của tôi cần phải đứng lên chống lại cái tôi ngạo mạn của Hillary Clinton. Chúng ta cần khẳng định rõ ràng rằng chúng ta không tìm cách lảng tránh trách nhiệm trước thất bại. Chúng ta không theo đuổi các bóng ma tin tặc ngoại quốc. Chúng ta không đổ thừa cho “âm mưu của FBI”, cho ban vận động tồi, cho các bài đăng trên Facebook, cho các ủng hộ viên thô lỗ của Trump…

Không, chúng ta phải công nhận chúng ta thua vì quốc gia muốn thay đổi, và ứng cử viên của chúng ta có quá nhiều khuyết điểm cũng như không đủ tin cậy để gánh vác sứ mệnh này.
Vì vậy chúng ta sẽ làm việc với Tổng Thống đắc cử Trump để làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại. Nếu các giải pháp của ông có ý nghĩa, chúng ta sẽ ủng hộ. Nếu ông đi lạc đường, chúng ta sẽ bắt ông phải chịu trách nhiệm. Tóm lại, chúng ta sẽ là một bên đối lập tin cậy, chúng ta sẽ đề nghị những giải pháp tốt đẹp hơn. Đó là cách đất nước Hoa Kỳ làm việc, ngay cả đó không phải là đất nước Hoa Kỳ mà Hillary Clinton muốn cho chúng ta.
Tác giả bài viết: Bryan Dean Wright là một cựu nhân viên CIA và thành viên đảng Dân Chủ. Ông hiện là ký giả tự do chuyên viết về các vấn đề chính trị, an ninh quốc gia và kinh tế.
NHT chuyển ngữ và đề tựa.

No comments:

Post a Comment