Saturday, December 24, 2016

Một Bài viết của Bùi Bảo Trúc

Tôi biết Bùi Bảo Trúc từ năm 1967, xin nói rõ, chỉ biết thôi chứ không quen, khi anh ấy ở Tân tây lan về, thường đến trường Văn Khoa cùng với cô bạn gái, trông rất đẹp đôi. Cô nầy học Văn Khoa, hồi đó tôi biết tên nhưng bây giờ không nhớ nỗi. Cuộc đời biến thiêng trôi nổi, trước 1975 đã nổi tiếng, sang Cali Trúc càng nổi tiếng hơn với 'Thư Gửi Bạn Ta', tôi đọc với nỗi ngậm ngùi khi anh ấy dùng câu 'mì gói chan nước mắt' để tả cuộc sống cô độc của anh. Đọc cáo phó thấy tang quyến chỉ có 2 người con trai.
Cụ thân sinh của BBT là ông giáo Bùi Văn Bảo, khoảng năm 1959, cùng với ông Phạm Cao Củng có ra tờ tuần báo 'Tuổi Xanh' cho con nít đọc. Hồi đó tôi là thằng lõi tỳ tuần nào cũng để dành tiền mua báo, cũng tập tành viết truyện gởi đăng báo, có 1 hay 2 bài gì đó được đăng làm thằng bé rất phấn khởi, tưởng đâu mình sắp trở thành 'văn sĩ' !
Nguyện cầu hương linh người quá cố siêu sanh lạc quốc.
Nguyễn Phú Hữu

Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 3 năm 1998
Bạn ta,
Ông cụ tôi là một nhà giáo. Thời trước thì phải gọi ông là thầy đồ. Mà thầy đồ thì phải có sách, như một câu trong bài đồng dao chúng ta đều biết, chỉ tiếc là vừa mới "thầy đồ có sách" câu hát tiếp theo lại hạ xuống ngay thành "thợ ngạch có dao, thợ rào có búa..." để cho ông ăn trộm (thợ ngạch) đi ngay đằng sau thầy đồ, nghe không có vẻ gì là tôn trọng ông thầy đồ cả.
"Thầy đồ có sách..." nên ông cụ tôi có rất nhiều sách. Tủ sách ấy sau tháng 5 năm 1975 không biết đã đi về đâu.
Ðó là điều tôi cứ thắc mắc mãi trong suốt những năm ở đây. Thỉnh thoảng cần một hai quyển sách mà tôi biết là có trong số sách của ông cụ tôi, tôi vẫn hình dung ra được chúng nằm ở đâu trong những cái tủ sách ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học, Gia Ðịnh.
Tôi lớn lên cùng với chúng nên tôi biết chúng rất rõ. Những buổi trưa ở Hà Nội, trên căn gác của gia đình, tôi đã lén đi gặp Kinh Kha, thái tử Ðan, Vọi và Hiền, Loan với Dũng, An Tiêm và Phạm Thái, Trương Quỳnh Như... cùng những thứ mà ông vẫn nói là chưa thích hợp với đầu óc non nớt (?) và trong sáng (?) của tuổi lên 8, lên 9 của tôi lúc ấy. Ông không bao giờ biết rằng cái đầu đó không bao giờ non nớt và trong sáng cả nên nó chỉ tìm đọc cái thứ sách ông cấm ngặt ở trong nhà mà thôi.
Những tủ sách từ căn nhà ở đường Sinh Từ Hà Nội theo chúng tôi vào Sài Gòn, rồi càng ngày càng lớn thêm mãi. Nguyên một bộ báo Ngày Nay từ thuở ông học trường Bưởi, còn ký cái tên của ông ghép chung với tên một người thiếu nữ về sau trở thành mẹ chúng tôi. Cũng còn cả bộ sách bách khoa Britanica bề thế xếp trong tủ kính, các bộ Văn, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Sinh Lực, Mùa Lúa Mới đầy đủ đóng bìa, chữ mạ vàng ở lưng...
Sau khi ra ở riêng, tôi vẫn hay trở lại lục những tủ sách đó để... bổ sung cho tủ sách của tôi lúc ấy cũng đã khá lớn. Thí dụ những quyển sách khó kiếm của Tự Lực Văn Ðoàn, những cuốn tự điển hình như... không còn ai cần nữa. Tuy thế, tủ sách của ông cụ tôi vẫn còn rất nhiều sách đáng giá mà tôi chưa dọn về nhà được.
Ðược cái là khi dọn sách như vậy, lương tâm người dọn sách lúc nào cũng trong sáng. Ðể lại cho con một rương đầy vàng cũng không bằng dạy cho nó một cuốn sách. Một danh nhân Trung Hoa đã nói như thế. Chỉ mới dạy cho con một cuốn sách đã là điều rất đáng quí rồi. Ðể cho nó lấy bớt sách của mình đi mang về nhà nó thì còn gì hay hơn và cao đẹp hơn.
Tháng 4 năm 1975, từ bên ngoài Việt Nam, tôi liên lạc về Sài Gòn nhờ thủ tiêu hết sách vở để tránh liên lụy cho người nhà. Ông ngoại, bà ngoại các cháu phải thuê người đến chở đi hơn mười chuyến xe ba gác mới hết. Những quyển sách thời đi học, những chiếc lá thuộc bài của người bạn kẹp vào gáy sách, những ghi chép về những sự quen biết, vài ngày sinh nhật, dăm cái địa chỉ bằng mật mã mà bố các ông Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, trùm công an ghê gớm nhất Việt Nam Cộng sản, cũng không đọc nổi. Tất cả đi về đâu tôi không tưởng tượng ra nổi. Ai lại gói xôi, gói thuốc Bắc, bọc con cá bằng những tờ giấy xé từ những cuốn sách tiếng Anh của tôi. Vì thế, hy vọng chúng có thêm được một đời sống khác, phục vụ cho xã hội Việt Nam kể như không có.
Nhưng tủ sách của ông cụ tôi. Sách báo Việt ngữ in bằng những thứ giấy thấm nước, hiền lành hơn, quen thuộc hơn, không tạo những chú ý không cần thiết cho những người mua những gói xôi, con cá... chắc chắn có cơ hội phục vụ các gánh hàng rong ở Sài Gòn nhiều hơn.
Tôi vẫn tin như thế. Cho đến tối hôm thứ Bảy tuần trước, ở một tiệm ăn, một người đàn ông trẻ lại bàn của tôi, tự giới thiệu và cho biết anh vừa đi Việt Nam một chuyến, mua được rất nhiều sách. Anh cho biết đã mua được một số sách mới và một số sách cũ xuất bản trước năm 1975. Anh cho biết ở Sài Gòn có người giữ được toàn bộ báo Bách Khoa từ số đầu cho đến số cuối. Anh đi tìm người muốn mua để giới thiệu. Nhưng đó không phải là chi tiết lý thú nhất trong câu chuyện của anh. Anh cho biết đã mua được ở vỉa hè chợ sách cũ hai tập báo Bách Khoa, mỗi tập mười cuốn đóng bìa da. Cái tên mạ chữ vàng trên gáy khiến anh nhớ đến tôi. Anh nghĩ hai tập báo Bách Khoa có thể liên hệ với tôi. Anh hỏi tôi có liên hệ với hai tập báo đó không. Tôi xác nhận là có. Chúng được lấy ra từ những tủ sách của ông cụ tôi.
Và như thế, những cuốn sách trong tủ sách của ông cụ tôi ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học đã đi một chuyến đi vượt ra khỏi tất cả mọi khả năng tưởng tượng của tôi.
Từ Gia Ðịnh, nó đi đến đâu trước, rồi những chuyến chuyển dời sau đó như thế nào, nó qua bao nhiêu tay người trong hơn hai thập niên vừa qua, làm sao nó đến tay người bán sách cũ, những bạn bè của nó ở đâu, bao nhiêu cuốn đi ra Bắc, bao nhiêu cuốn dùng để gói xôi, bao nhiêu cuốn bỏ mình trong ngọn lửa "phần thư"?
Tôi sẽ đi gặp lại người thanh niên này, xin anh cho mua lại hai tập báo ấy. Tôi sẽ đem sang Canada cho ông cụ tôi khi sang thăm cụ vào tháng tới. Tôi biết khi cầm lại hai tập báo, mở ra đọc lại những trang báo cũ, cụ bỗng sẽ thấy chiếc cửa sổ trong căn nhà em tôi trở thành chiếc cửa sổ quay sang hướng nam của căn nhà cũ, nơi một cây cau trổ bông thơm ngát ngang với tầm chiếc cửa sổ... buổi chiều tiếng chuông chùa của ngôi cổ tự phía sau chầm chậm rót đầy thinh không như trong những buổi chiều ở Gia Ðịnh hơn hai mươi năm trước. Bàn tay của ông sẽ lại đặt được đúng vào góc trang giấy ông đã từng đặt lên khi còn trẻ và khỏe mạnh của một thời bình yên hạnh phúc.
Tôi nghĩ đó sẽ là món quà quí cho một người già đang đau nặng ở Toronto...


Bùi Bảo Trúc

No comments:

Post a Comment