Monday, August 21, 2017

CHIẾC LÁ VÀNG
Đỗ Dung

Chiều ba mươi tết, bầu trời thấp, mây xám vần vũ chỉ đợi trút cơn mưa. Bước vào Nursing Home, tôi nhìn ông cụ đang ngồi im lặng như một pho tượng trước màn ảnh TV nhỏ mà lòng thấy nghẹn ngào. Như mọi năm giờ này ông cụ đã sửa soạn nhà cửa xong xuôi để đón tổ tiên và sẵn sàng những phong bao đỏ để đợi con cháu. Đối với Bố tôi, ngày tết là ngày thiêng liêng, đêm giao thừa là lúc giao mùa, tống cựu nghinh tân. Nhà cửa phải sạch sẽ, tươm tất; cành mai, cành đào, chậu quất, chậu cúc ... đầy nhà; trên bàn thờ đèn nhang thơm ngát, mâm ngũ quả tốt tươi, đỉnh đồng, chân nến sáng choang ... Thế mà hôm nay ông cụ cô đơn ngồi đây, trước màn ảnh TV, nhìn vào cõi xa vắng.

Tôi lặng lẽ đến gần, ôm ông cụ mà nuốt nước mắt.
- Bố, Bố có khoẻ không? Bố biết con là ai không?
Ông cụ ngước mắt nhìn rồi mấp máy môi:
- Dung!
Mái tóc trắng như tuyết, khuôn mặt già nua mặc dù làn da vẫn hồng hào, trắng mịn. Tôi ngồi xuống bên, cầm tay Bố, nhắc chuyện ngày xưa.
- Bố có nhớ ... ? Bố có nhớ ...???
............ ......... ......... ......... ......... ......... ......... ......... ......... .......

Các bạn của Bố tôi thường gọi đùa Bố tôi là Ông Tam Tá vì Bố tôi là Trung Tá, tên Tá và có một Tá con. Không những có một tá con mà còn đặc biệt là có chín nàng con gái. Người ta thường nói có con gái trong nhà như chứa bom nổ chậm, ấy thế mà Bố Mẹ tôi có tới chín quả bom.

Bố Mẹ tôi lập gia đình năm cả hai đều mới 18. Để rồi năm sau đó anh em chúng tôi lần lượt ra đời, cứ đứa trên hơn đứa dưới hai tuổi. Người ta dễ nhận ra nhà chị em đông qua tên đặt, chẳng hạn như chị em Vân Loan, Vân Nga, Vân Bằng, chị em Phương Lan, Phương Nga, Phương Trà ... hoặc qua dáng người như chị em Lệ Hằng, Mộng Thúy, chị em Lệ Hà, Lan Trân ... Chị em chúng tôi chẳng đứa nào giống đứa nào, đứa cao, đứa thấp, đứa trắng, đứa đen ... vì đứa giống Bố, đứa giống Mẹ, có đứa lại giống bà nội, bà ngoại. Thậm chí có hai đứa cùng giống Bố mà trông cũng chả giống nhau vì mỗi đứa chọn những nét riêng của Bố. Tên thì cũng chẳng vào bộ nào. Đầu lòng là ông anh cả Dũng, dây đầu ba nàng Đỗ Dung, Minh Thuận, Vân Hạnh. Sau chú Tuấn là ngũ long công chúa, Phương Nam, Quỳnh Mai, Anh Thư,Tuyết Minh, Thiên Hương. Tiếp đến là chú Minh Duy, chấm dứt bằng cô út Đoan Thuỳ. Bà nội tôi nói mẹ chúng mày thật khôn, có một tràng pháo lẹt tẹt, lâu lâu lại điểm một quả pháo đùng!
Ông cụ là nhà binh nên nhà cũng theo trật tự kiểu nhà binh. Nhà có bốn tầng thì tầng nhì dành riêng một phòng dài, rộng, một dãy giường và một dãy bàn học kê liền nhau.  Chúng tôi gọi đó là "Trại nữ binh". Riêng tôi, con gái lớn nhất được một phòng riêng trên sân thượng, trông ra mảnh vườn con.

Nhà con đàn, lo cái ăn, cái mặc cũng đủ mệt. Mẹ tôi thường đi chợ Cầu Ông Lãnh mua rau trái để vừa rẻ, vừa tươi. Mía mua cả bó, ốc mua cả thùng, nghêu mua cả bao, trái cây thì mua nguyên cần sé! Riêng cô con gái lớn học Dược đến mùa thi lúc nào cũng có một chục cam sành dưới gầm giường. Bố Mẹ tôi quan niệm nhà con đông như một chiếc xe lửa có nhiều toa, nếu toa đầu mà ngay ngắn thì cả một đoàn xe dài sẽ hùng dũng tiến lên. Ông anh cả đi Pháp ngay sau khi xong tú tài, ỏ nhà còn tôi lớn nhất, lại là con gái nên lãnh nhiệm vụ cái đầu tàu.
Bố Mẹ tôi cùng tuổi Dần còn chúng tôi là một bầy gia súc. Tôi sinh năm Hợi, theo lẽ thường thì khắc với tuổi Dần, nhưng ngược lại tôi là con được cưng. Bố tôi thường hay đùa rằng tôi là Lợn rừng. Lợn rừng nên mới nhờn với Hổ.

Mẹ dạy con theo kiểu của Mẹ. Tôi nhớ ngày đầu tiên khi thấy những vệt hồng trên chiếc quần trắng, tôi cuống quýt chạy đi tìm Mẹ. Sau khi chỉ dẫn cách thức chuẩn bị cho con gái thì ngay buổi tối hôm đó Mẹ đã chui vào giường con thủ thỉ: " Con lớn rồi, con biết không? Từ nay không được ngồi gần con trai, không được để đàn ông nắm tay, đi đường có đứa con trai nào theo không được trả lời, lúc nào cũng phải nhìn thẳng ... v.v ... v.v " Ôi thôi Mẹ dạy đủ thứ làm con bé mười ba tuổi hoảng hồn, lên xe buýt hay xe lam cũng ké né, không dám ngồi cạnh người khác phái.
Bố dạy theo kiểu của Bố. Con gái phải như con dao pha, làm cái gì cũng được, hoàn cảnh nào cũng sống được ... Điều quan trọng nhất của Bố là các con phải tốt nghiệp đại học, phải tự lập về tài chánh dù sau khi lập gia đình.

Đến tuổi dậy thì cả Bố lẫn Mẹ đều chăm chút cho cô gái lớn, mặc dù ba chị em sàn sàn bằng nhau và đều cùng học Trưng Vương. Các em mặc áo dài “tetoron” thì được nhưng chị phải áo lụa toàn tơ. Các em phải ở trong " Trại nữ binh" còn chị được ở riêng một phòng. Bố còn đích thân dắt con lên Vụ Bản để sắm cho con nguyên bộ giường, tủ, bàn phấn màu hồng nhạt. Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi như thế nhưng tôi bị kỷ luật nghiêm khắc và bị cấm đoán nhiều thứ. Cấm không được mặc áo đầm, cấm không được đi nhẩy, cấm không được có bạn trai khi chưa xong trung học ... Khi đậu xong tú tài tôi muốn lên Đà Lạt học vì tôi yêu thành phố sương mù, yêu những đồi cỏ xanh mướt, những vườn hoa tươi thắm, những rặng thông già với tiếng reo vi vu. Tôi muốn thả hồn với mây, với gió, sống hoà ngợp với thiên nhiên. Bố phản đối ngay, nhất định không cho phép, mặc dù tôi bằng lòng ở nhà bác, chị của Mẹ. Tôi làm reo, ghi tên hầu hết các phân khoa nhưng lang bang không theo học trường nào mà nộp đơn xin đi làm sở Mỹ. Ngày có giấy gọi tôi đi khám sức khoẻ để đi làm, Bố tôi xé toẹt, mắng cho một trận nên thân rồi nắm cổ gửi vào lớp của bác T. T. Tuệ để luyện thi vào trường Dược. Ngày tôi thi đỗ Bố sắm cho tôi từng cái ống nghiệm, từng cái “becher”.

Hai Bố con tôi rất thân nhau vì con hay thủ thỉ với Bố, Bố cũng hay tâm sự với con. Bố đến đón con ở trường thì vào tận giảng đường tìm, khi thấy mặt con bố giơ chùm chìa khoá lên lắc lắc ra hiệu rồi xuống xe ngồi đợi.
Hồi trẻ Bố tôi đẹp trai, nhanh nhẹn, nói năng rất có duyên vì thế nên có nhiều cô ngưỡng mộ. Những buổi chiều hè Bố đưa tôi lên làng đại học Thủ Đức để dạy lái xe, tôi khượi khượi thế là Bố kể hết chuyện của Bố. Tương kế, tựu kế vì biết người biết ta trăm trận trăm thắng (!) . Tôi cứ khươi chuyện và làm như về phe với Bố, Bố đưa tôi đến gặp người ta. Rồi ba chị em bàn nhau đi dẹp giặc giúp Mẹ. Bố nói với chúng tôi:" Bố như kẻ lữ hành đi trên đường thiên lý, thấy bóng mát thì ngừng chân, nhưng Mẹ và các con vẫn là nơi nghỉ ngơi chính thức cuối cùng ". "Bố ngụy biện, Bố không được ngừng nghỉ ở đâu hết, phải đi thẳng về nhà ". Chúng tôi đã trả lời thế. Công nhận là Bố tôi rất thương vợ và các con, không hề xao lãng bổn phận với gia đình.

Mặc dù hãnh diện vì có ông Bố hào hoa nhưng tôi sợ. Tôi sợ những người nổi bật trong đám đông, những kẻ dễ quyến rũ người khác phái. Tôi đổi quan niệm về thần tượng. Thần tượng của tôi sẽ là người trung bình về mọi phương diện và điều quan trọng nhất là tấm lòng chung thủy. Thủy chung thì dù có gặp sức quyến rũ đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể ngã lòng.

Hai cô em tôi đã chọn được ý trung nhân còn tôi cứ mãi lãng đãng. Mỗi lần đi phù dâu bạn hay các bà chị họ về lại có người nhờ mối mai, các bạn bè cũng cứ muốn - Mày làm chị của tao -... Mẹ sốt ruột thúc giục - Con còn muốn gì ? Như thế mà chưa chịu? Con còn muốn gì đây? - ... Để rồi sau sinh nhật 24 tôi quyết bỏ những mơ màng, lãng đãng, lông bông và tôi đã gặp chàng, người tôi se tơ, kết tóc.

Tối hôm trước ngày đám cưới, Mẹ dặn đủ điều. Mẹ dạy con chữ Nhẫn, mẹ muốn con nhớ chữ Nhịn vì đối với mẹ đàn bà Nhẫn Nhịn bao giờ cũng thắng ở trận cuối cùng. Bố khóc, Bố là người đa sầu, đa cảm và mau nước mắt hơn Mẹ. Bố thương con, Bố nhớ con và Bố buông câu nói sau cùng: " Tử tế thì ở mà không tử tế thì về với Bố!" Đám cưới là ngày vui mà bố con sụt sùi, chị em bịn rịn. Mẹ cũng thương con nhưng chắc Mẹ thở phào vì đầu đi đuôi lọt, con chị nó đi cho con dì nó lớn, Mẹ còn phải lo tiếp cho tám nàng con gái nữa.

Tôi lập gia đình xong. Biết là cái đầu tàu đã ngay ngắn, Bố Mẹ tôi dễ dãi hơn với các con còn lại. Vân Hạnh muốn đi Đà Lạt học Bố cho phép liền. Tiếp đến Thuận đi lấy chồng. Nghĩ lại tôi thấy cũng thật bất công cho các em tôi vì khi tôi thi trung học và tú tài, chỉ đậu bình thứ mà bố mẹ rất là hãnh diện, dắt cả nhà đi ăn cơm tây để khao, còn các em tôi đậu ưu, đậu bình thì Bố nói con của Bố đương nhiên phải học giỏi! Mỗi lần tôi đi thi Bố sửa soạn cho từ cái quần, cái áo, tự tay Bố là ủi phẳng phiu, bảo Vân Hạnh đưa chị đi và trước khi đi Bố ra cổng đứng đợi sẵn để chắc chắn con không ra ngõ gặp gái.
Ngày tôi sanh con bé đầu lòng, cả nhà đứng đợi trước phòng sanh. Sau khi con bé chào đời bà ngoại bồng cháu đi trước, các dì, các cậu theo sau như một đám rước. Sáng sớm hôm sau Bố vào thăm đem một chai rượu sâm banh để Bố cùng con gái uống mừng cháu ngoại đầu tiên. Kỷ niệm với Bố tôi còn nhiều. Bố tiếp tục lo lắng, săn sóc cho những đứa con của Bố. Sau khi ba đứa lớn yên bề thì Phương Nam lại là đầu tàu của dây sau. Bố lại o bế, chiều chuộng con búp bê Nhật Bổn của Bố. Lịch sử tái diễn.

Biến cố 75 cả gia đình tôi đều bị kẹt lại ngoại trừ ba người con đi du học từ trước và Thuận di tản theo nhà chồng. Cha và chồng tôi đều phải vào trại cải tạo. Mọi việc trong nhà oằn trên vai Mẹ. Mẹ tôi thật xốc vác, đảm đang. Mẹ công bình hơn Bố, Mẹ thương yêu tất cả các con của Mẹ, đối với Mẹ đứa nào cũng là con vàng, con ngọc, là kim cương, hột xoàn của Mẹ. Mẹ chắt chiu, dành dụm để cứ gom đủ tiền lại kiếm chỗ gửi một đứa con ra đi. Cứ như thế Mẹ tung các con của Mẹ ra đại dương để đi tìm tương lai, còn Mẹ và bé út ỏ lại để thăm nuôi và chờ Bố. Nhà toàn con gái thế mà đi trót lọt và đoàn tụ lại hết không bị sứt mẻ gì. Hàng đêm Mẹ thắp nhang cầu nguyện và cảm tạ Phật Trời, Tổ Tiên đã phù hộ cho gia đình, cho con cháu của Mẹ.
Bố tôi trải mười năm trong ngục tù, từ trại Long Giao trong Nam đến Hà Sơn Bình ngoài Bắc, điêu đứng, đắng cay, đói ăn, rét mặc. Bị đau đớn từ tinh thần đến thể xác. Bố được thả về với hình hài yếu đuối, tâm trạng rã rời. Cuối cùng các con cũng bảo lãnh được cha mẹ và em út. Đại gia đình, bố mẹ với mười hai người con đoàn tụ lại hết. Nhân số gia tăng đều đều. Bây giờ bố mẹ tôi đã có hai mươi bốn đứa cháu và bốn đứa chắt. Hàng năm vào dịp Thanks Giving chúng tôi đều tụ họp ở Lake Tahoe, dâu rể, con cháu hơn năm chục người. Bố mẹ chúng tôi sống chan hoà Hạnh Phúc mặc dù đôi khi cũng có những chuyện lợn cợn của cuộc đời.

Được vài năm thì Bố tôi bị "stroke", đôi chân yếu dần, yếu dần. Bây giờ Bố tôi không tự đứng được nữa, nói khó khăn, ăn bằng ống tiếp thẳng vào bụng. Hàng ngày Mẹ tôi phải vào thăm, Bố Mẹ tôi bằng tuổi nhau nên bố già thì Mẹ cũng còm cõi. Mẹ không bịnh nhưng rất yếu, yếu vì tuổi già, yếu vì đã sanh đẻ mười hai lần, yếu vì suốt đời phải nhọc nhằn, lo lắng. Mẹ tôi có tất cả các đặc tính của người đàn bà Việt Nam xưa, chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con, nhịn ăn nhường mặc, chẳng nghĩ đến thân mình. Đi chợ thì mua con cá rõ to, chọn con gà thật béo, chục xoài phải nhất chợ cho chồng, cho con. Mỗi khi có hàng quà đi ngang, tụi tôi khều khều Mẹ là Mẹ lại móc túi cho tiền. Những lúc chúng tôi nằm dài sát nhau coi TV thì Mẹ nhìn ngắm say sưa rồi nói " Không chịu khó đẻ thì làm sao có những đứa trẻ này!". Người Mẹ thật thơm, mùi thơm dịu mát mà đứa con nào cũng thích rúc Mẹ mặc dù đã lớn tướng.
Mẹ vào thăm Bố, Mẹ đem những phim ảnh ngày xưa, thời các con còn bé tí, hình đám cưới của từng đứa con, hình ra đời của từng đứa cháu, hình những kỷ niệm của gia đình, ngày lễ bạc, lễ vàng của Bố Mẹ. Có chứng kiến tận mắt mới thấy thế nào là tình nghĩa Phu Thê, thế nào là vợ cái, con cột. Thời trẻ Bố có đi hoang Mẹ vẫn nhẫn nhịn, đợi chờ. Bây giờ hai vợ chồng già chăm chút cho nhau. Hai người như hai chiếc lá vàng đang run rẩy trước gió. Như hai ngọn đèn leo lét, dầu cạn từ từ. Vẫn biết rồi cũng phải chia ly, vẫn biết không ai sống hoài nhưng nhìn hai hình bóng thân yêu không khỏi ngậm ngùi. Măc dù con đàn cháu đống, gia đình lúc nào cũng đông vui, nói cười rộn rã, đi đâu cũng có một lũ con cháu vây quanh ...... nhưng cuộc hành trình cuối cùng thì Đơn Độc.
 
Đỗ Dung

No comments:

Post a Comment