Mặc dù là người có quyền ra lệnh nhấn nút phóng vũ khí hạt nhân nhưng vẫn có những cơ chế ngăn cản tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt.
Quy trình một cuộc tấn công hạt nhân
Thông thường, đòn tấn công hạt nhân chia làm 2 loại là chủ động tấn công hạt nhân và phản đòn hạt nhân.
Loại thứ nhất là Mỹ chủ động tấn công hạt nhân vào các mục tiêu của đối phương. Kịch bản này diễn ra trong một thời gian dài, được cân nhắc kỹ lưỡng, vạch kế hoạch tấn công chi tiết, qua nhiều khâu chuẩn bị chu đáo rồi mới hạ quyết tâm tấn công.
Trong kịch bản Mỹ vạch kế hoạch tấn công vào một quốc gia X nào đó thì có rất nhiều người liên quan đến quyết định tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ. Khi đó, Phó Tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia và nhiều thành viên nội các có thể sẽ góp mặt trong quá trình dẫn đến quyết định.
Loại thứ 2 là Mỹ bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân và ra quyết định phản đòn hạt nhân. Với phương án này, cuộc tấn công hạt nhân là kế hoạch bị động (mặc dù có thể đã diễn tập trước), thời gian chuẩn bị ngắn, quyết định được đưa ra trong thời khắc sinh tử của cả mình và đối phương.
Trong tình huống diễn ra một mối đe dọa chiến lược tức thời đối với Hoa Kỳ, thời gian ra quyết định cực ngắn thì chắc chắn Tổng thống sẽ là người duy nhất thực hiện quyết định tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, quyết định này vẫn phải dựa trên cơ sở là sự cảnh báo của Bộ quốc phòng về đòn hủy diệt của đối phương.
Về quy trình tấn công hạt nhân, một khi đã quyết định phát động một cuộc tấn công hoặc phản đòn hạt nhân, trước tiên Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng quyền của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để lựa chọn mục tiêu cần hủy diệt của đối phương và phương án tấn công hạt nhân.
Ngay khi xong thủ tục đó, quyền chỉ huy vụ phóng sẽ được trao cho Bộ trưởng Quốc phòng. Lệnh tấn công sẽ được chuyển tới Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và tới Phòng Chiến tranh của Lầu Năm góc.
Sau khi qua các thủ tục ở Lầu Năm Góc, các mã xác nhận được niêm phong được gửi tới tổng hành dinh Sở chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Offutt, bang Nebraska.
Sau đó, lệnh tấn công lại được đưa đến đội thực hành, dùng mật mã đã được mã hóa. Mật mã này phải trùng khớp với mật mã đội thực hành đang giữ trong két sắt. Khi đó, cuộc tấn công mới chính thức bắt đầu, nhưng tên lửa vẫn chưa được phóng đi. Kíp điều khiển hai người sẽ tiến hành hàng chục bước nhằm kích hoạt hệ thống tên lửa, nạp dữ liệu mục tiêu, bảo đảm khả năng vận hành của tên lửa. Để tên lửa chính thức kích hoạt rời bệ phóng, mỗi người phải vặn hai chìa khóa của mình cùng lúc và giữ trong khoảng 5 giây. Các chìa khóa được đặt cách xa nhau, tránh việc một người có thể tự ra lệnh phóng.
Điều gì có thể ngăn Tổng thống Donald Trump sử dụng “Vali hạt nhân”?
Tuy thủ tục ra lệnh phóng từ xuất phát từ Tổng thống đến Lầu Năm Góc và xuống tới các đơn vị cơ sở có vẻ dài dòng, nhưng trên thực tế, chúng diễn ra rất nhanh bởi các hệ thống cơ bản đều được tự động hóa. Tuy nhiên, trong toàn bộ quy trình này, hoàn toàn có thể can thiệp để hủy lệnh phóng.
Chuyên gia về cấm phổ biến hạt nhân Mark Fitzpatrick, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Washington cho biết, quyền lực Tổng thống là tối cao nên không có quy trình kiểm tra hay hạn chế quyền lực của tổng thống khi ra quyết định tấn công hạt nhân.
Chuyên gia Cristina Varriale cho biết, về mặt lý thuyết, tân Tổng thống Donald Trump có đầy đủ quyền sử dụng năng lực hạt nhân và là người ra lệnh phóng, nhưng trên thực tế, một cuộc tấn công hạt nhân sẽ tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, từ trên xuống dưới.
Việc triển khai một cuộc tấn công hạt nhân sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố con người, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Giữa khoảng thời gian ông ra lệnh và thời điểm vụ phóng được tiến hành, có những người khác liên quan và nhiều yếu tố khác khiến lệnh phóng có thể bị hủy.
Đầu tiên, theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ có thể tuyên bố Tổng thống “mất năng lực điều hành” để tước quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Phó Tổng thống Mỹ phải nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nội các.
Thứ hai, Tổng thống Mỹ sẽ ra quyết định tấn công hạt nhân và trao quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy vụ phóng vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng có thể bất tuân lệnh, khiến vụ phóng bị trì hoãn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi có sự can thiệp của Phó Tổng thống và Quốc hội.
Hoặc nếu tự quyết định, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải ngay lập tức giải trình lý do (ví dụ như vừa phát hiện cảnh báo sai về mối nguy hiểm đối với nước Mỹ), nếu không, điều này đồng nghĩa với một cuộc đảo chính và Tổng thống sẽ sa thải ông ta, thay thế bằng một Thứ trưởng Quốc phòng để tiếp tục vụ phóng.
Quan chức cấp dưới của Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể chống lệnh - không phóng tên lửa hạt nhân
Ngoài ra, lệnh phóng của có thể bị trì hoãn ở một trong các khâu thực hiện sau đó, do yếu tố con người hoặc do trục trặc về kỹ thuật.
Như vậy là dù cú phản đòn hạt nhân được coi là có thời gian quyết định ngắn nhất và Tổng thống là người có quyết định tối thượng, nhưng giới lãnh đạo các nước cũng đều phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt nhất, trách nhiệm nhất về việc ra quyết định cuối cùng.
Kết luận:
Theo BBC, tính đến tháng 9/2016, nước Mỹ sở hữu 1.367 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi Nga sở hữu 1.796 đầu đạn, Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn và Anh là 20. Mỗi đầu đạn hạt nhân phân hướng, dẫn đường độc lập trong số này có sức hủy diệt khủng khiếp, hoàn toàn có thể xóa sổ một nước nhỏ.
Do có quá nhiều nước hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân nên nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, trên thực tế là điều này gần như không thể xảy ra, do các cường quốc đều ý thức được những hậu quả thảm khốc của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Do các cường quốc hiện đều có khả năng tấn công hạt nhân, cảnh báo sớm và đánh chặn tên lửa (phòng thủ tên lửa) cùng với cú “phản đòn hạt nhân” nên bất cứ ai sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên cũng có thể phải nhận đòn đáp trả ghê gớm, lâm vào tình trạng “lưỡng bại câu thương”.
Bởi vậy, dù hiện có ít nhất 8 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng không có nước nào có chủ ý khởi động một cuộc chiến tranh hủy diệt. Trong trường hợp một cá nhân lãnh tụ có hành động vượt quá thẩm quyền, đe dọa đến an ninh quốc gia thì cũng sẽ có những chế tài nhất định để kiềm chế khả năng đó.
Như vậy, thực tế là một cuộc tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có thể bị ngăn chặn, cho dù chỉ mình ông là người được ra mệnh lệnh. Ngay cả trong các đòn đáp trả hạt nhân, mặc dù thời gian là rất nhanh, nhưng mọi quyết định của ông Donald Trump, hay các đời Tổng thống Mỹ khác, cũng phải dựa trên những đánh giá ngặt nghèo về mức độ nguy hiểm của các cơ cấu quốc phòng.
No comments:
Post a Comment