Chuyện
tôi sắp kể cho các bạn nghe, tôi biết được do một sự tình cờ trong hoàn
cảnh éo le. Dạo ấy tôi được cử đi thực tập ngắn hạn ở
trường Đại học Grenoble miền Nam nước Pháp. Vé do trường Grenoble gửi
sang, ngày đi và ngày về rất sít sao. Nhưng có dịp như thế mà không đi
chơi Paris được mấy ngày thì thật phí. Tôi có con bạn đang ở Paris, nên
email hẹn hò nó để nó dẫn đi chơi mấy ngày.
Nhưng khổ nỗi là việc đăng ký đổi ngày đi sớm hơn rất khó, cứ nằm hoài ở
danh sách dự bị.
Mãi
đến trước ngày bay một hôm phòng vé mới báo tôi có chỗ trên máy bay. Lẽ
ra tôi phải gọi điện báo gấp cho nó là đã đổi được vé thì
tôi lại tiếc mấy trăm ngàn đồng tiền gọi điện, nghĩ rằng mình đến sân
bay Paris lúc 6 giờ sáng Chủ Nhật mùa Đông, đến nhà nó lúc 7 giờ thì cô
nàng chưa ngủ dậy, lo gì.
Thế
mà, khổ cho tôi, thân gái dặm trường, đến nhà nó bấm chuông mãi không
ai trả lời. Về sau mới biết nó không nhận được điện thoại của
tôi, nghĩ rằng tôi không đổi được vé nên tối thứ bảy đã đến nhà bạn
chơi, chiều chủ nhật mới về. Trời rét, phải lang thang ngoài đường thì
có mà chết cóng. Tôi bèn nghĩ kế chui xuống ga tàu điện ngầm ngồi vô
thức xem tàu đến, tàu đi, cố đợi cho qua một ngày.
Ngồi
được khoảng hơn nửa tiếng thì thấy có một bà già châu Á tiến đến nói
với tôi bằng tiếng Pháp: “Này cô Tàu kia ơi, cô có biết chắc
rằng cô cần đi chuyến tàu số mấy không đấy? Tôi để ý thấy rất nhiều
đoàn tàu qua rồi mà cô không lên chuyến nào cả”. Tôi trả lời bà rằng,
thứ nhất tôi không phải là “cô Tàu”. Thứ hai là tôi chẳng chờ chuyến tàu
nào cả mà tôi chờ trời tối để đến nhà cô bạn.
Rồi tôi cố vận dụng hết khả năng tiếng Pháp để kể lại câu chuyện dẫn
tôi đến hoàn cảnh éo le hiện nay.
Nghe
hết chuyện, biết tôi đến từ Việt Nam thì mắt bà sáng lên, bà chuyển
sang tiếng Việt: “Trời Phật, thế là hôm nay tôi gặp may rồi,
tôi được nói chuyện bằng tiếng Việt rồi. Lâu nay gặp người châu Á, hỏi
ra thì toàn là người Tàu, vì vậy hôm nay tôi gọi cô là cô Tàu luôn,
không ngờ lại gặp được người Việt. Bà đề nghị tôi về nhà bà nghỉ ngơi,
đến chiều tối sẽ gọi điện cho cô bạn, khi nào
gọi được rồi thì bảo nó đến đón. Với hoàn cảnh tôi lúc ấy thì lời đề
nghị của bà là lời đề nghị vàng. Tôi thật may. Nhưng bà thì cứ nằng nặc
nói bà mới là người gặp may.
Bà
kể rằng bà ở một mình trong một căn hộ 2 phòng ngủ, rất cô đơn, không
có bạn bè, không họ hàng thân thích, rất mong có một người khách
Việt tới thăm mà bao năm nay không có. Bà là người Hà Nội giữa thế kỷ
20, cho nên mọi khái niệm ngày nay đều rất xa lạ với bà. Chẳng hạn bà
hỏi tôi làm gì, tôi trả lời là giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa,
“Thế thì cô là giáo sư rồi”. “Không bà ạ, cháu
chỉ là trợ giảng thôi, chục năm nữa cháu mới được là giảng viên chính,
rồi nếu có bằng Tiến sĩ mới có thể (có thể thôi bà nhé) được phong Phó
giáo sư.
Còn
giáo sư thì phải cao hơn nữa” “Ồ, ở thời tôi, dạy trường Thành Chung là
giáo sư rồi. Mà có mấy khi gặp được các ông giáo sư ấy. Gặp
được anh học sinh Thành Chung là may mắn lắm rồi”. Rồi bà nhắm mắt lại,
như thể đang nhớ lại cái thuở ngày xưa ấy. Rồi như muốn trải lòng, bà
kể về anh học sinh Thành Chung của bà.
Dạo
ấy tôi là cô gái 18 tuổi, bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân. Cái sạp hàng ấy
là mẹ tôi để lại. Bà bán ở đấy từ năm nào tôi không biết,
nhưng khi lớn lên thì tôi giúp mẹ bán hàng. Rồi khi bà già yếu thì tôi
bán là chính, cho đến khi bà qua đời. Phải nói là tôi cũng xinh. Không
phải là tôi tự khen đâu, mà là bạn bè tôi bảo thế. Cũng nhiều anh để ý,
ngỏ lời. Nhưng tôi cảm anh học sinh Thành
Chung ở phố Hàng Giấy, lại cũng tên là Thành Chung luôn. Anh Chung
trắng trẻo, thư sinh và con nhà gia giáo.
Tôi
đã một lần hẹn hò đi xem chớp bóng, và một lần đi chơi tận trên Chùa
Láng với anh. Bọn tôi mang bánh mì đi và buổi trưa ngồi trên
bậc tam cấp ăn bánh. Anh hẹn sẽ dẫn tôi về ra mắt bố mẹ sau khi anh
thưa chuyện và được ông bà đồng ý. Thế thôi cô à. Thời ấy với bọn tôi
thế là ước hẹn rồi, chứ nào có dám cầm tay nhau. Không như bây giờ chúng
nó ôm hôn nhau mọi nơi mọi lúc, rồi còn dọn về
sống chung, sống thử nữa chứ.
Thế
rồi, cái số tôi nó long đong. Sau hôm đi chơi Chùa Láng về thì không
thấy anh ra chợ gặp tôi nữa. Một tuần, hai tuần, rồi cả tháng
luôn. Có lần tôi thử đi qua cổng nhà anh hy vọng trông thấy bóng anh
trong nhà, nhưng tuyệt nhiên không. Sau đó ít lâu thì có hiệp định
Geneve. Một ông lính Tây đầu bếp thường ra mua hàng của tôi, mê tôi từ
lâu nhưng không dám ngỏ lời. Hôm ấy ông ấy bảo lính
Pháp sắp rút rồi, ông ấy sẽ được hồi hương, ông ấy cầu hôn tôi để đem
theo về Pháp. Tôi cũng lưỡng lự suy nghĩ mấy hôm, cũng không biết bộ đội
Việt Minh vào thì tình hình ra sao, lại lúc anh Chung biệt tăm biệt
tích, tôi đồng ý lấy ông lính Tây đầu bếp.
Ông
ấy đưa tôi về Paris, thuê căn hộ nhỏ cùng sống. Ông ấy vẫn đi làm nhà
bếp quân đội. Lương Hạ sĩ nhất cũng chẳng phong lưu gì nhưng
hai vợ chồng đủ sống giản dị. Tiết kiệm chút thì cũng có đồng để dành.
Không biết tại ông ấy hay tại tôi mà sống mãi với nhau chúng tôi vẫn
không có con. Ông ấy cũng ít bạn bè, ít giao lưu, nên tôi cũng chẳng
giao tiếp với ai. Thỉnh thoảng ông ấy có dẫn tôi
đi các cuộc tụ tập thì tôi cũng chỉ ngồi nhìn, nói thì không sành, nghe
thì lõm bõm câu được câu mất. Thành ra tôi chẳng có bạn bè gì cả. Sau
khi ông mất thì tôi càng cô đơn. Tôi không có nghề nghiệp, không có thu
nhập nên được hưởng tiền tuất suốt đời. Mối
liên hệ duy nhất còn lại của tôi là thư từ của con bạn cùng bán hàng ở
chợ ngày trước và tin tức về ông Chung.
Cái
thư thứ nhất nó viết cho tôi: Mày ơi, sáu tháng sau khi mày đi ông anh
của mày mới ló mặt ra chợ mày ạ. Ông ấy có vẻ buồn, đứng đằng
xa nhìn mãi. Rồi mấy lần đều không thấy mày, ông ấy mới đến hỏi tao là
mày đi đâu. Lúc đầu tao còn trêu, còn nói anh bỏ nó, nó thất tình, thắt
cổ tự tử rồi. Thấy ông ấy hốt hoảng tao không dám đùa nữa, tao mới bảo
mày lấy ông Tây, đưa nhau về Pháp rồi. Ông
ấy mới kể là khi ông ấy thưa chuyện với bố mẹ thì ông bà kịch liệt phản
đối, nói rằng không môn đăng hộ đối cả về gia đình lẫn bản thân. Gia
đình người ta giàu có danh giá, còn nhà mình thì chỉ có sạp bán hàng
khô, bố mẹ đều đã mất. Bản thân thì anh ta đỗ
Thành Chung, mà mày thì chỉ biết đọc biết viết. Lúc đầu anh ý cũng
cương quyết đòi lấy mày cho bằng được, nhưng rồi bà mẹ đòi từ, thậm chí
đòi tự tử. Anh ý cũng còn là người phụ thuộc, chưa đi làm nên đành chấp
nhận theo bố mẹ. Cưới vợ rồi mày ạ. Cưới một
người anh ý không yêu, nhưng cũng có bầu rồi.
Trong
thư thứ hai, cô bạn bảo ở nhà bây giờ đang có chiến dịch cải tạo tư sản
và công thương nghiệp tư nhân. Các nhà tư sản thì công
tư hợp doanh, còn bán hàng như bọn tao thì vào hợp tác xã. Cũng may tay
chủ nhiệm của ngành hàng khô chúng mình là tay biết điều. Ông ta bảo
ông chỉ làm danh sách, làm thống kê báo cáo rồi thu tiền đi nộp thuế,
còn buôn bán ra sao, thế nào là do các bà các
cô tự lo, lời ăn lỗ chịu. Thế là hàng tháng bọn tao chỉ việc nộp thuế
và nộp một ít lệ phí cho hợp tác xã, còn thì mọi việc vẫn như xưa. Nhưng
còn bố anh Chung có cái xưởng dệt kim thì phải vào công tư hợp doanh
mày ạ. Cấp trên đưa một người về làm giám đốc,
còn ông ấy thì làm phó. Lợi tức chia theo phần trăm, nghe nói cũng
chẳng được mấy.
Thư
thứ ba nó kể mới bi đát chứ. Ông già nhà anh Chung làm phó giám đốc
chẳng có quyền hành gì, thu nhập cũng kém, ông ấy từ chức và
giao cho nhà nước quản lý rồi. Mấy cái nhà cho thuê thì nhà nước bắt
thu tiền nhà theo khung giá nhà nước, rẻ bèo. Nhưng hư hỏng thì lại bắt
chủ nhà sửa chữa. Cuối cùng lại cũng giao cho nhà nước nốt. Chuyện còn
buồn hơn là ông bà già vì buồn bực, bị trầm
cảm, ốm đau và đã mất cách nhau không lâu. Ông Chung bây giờ một vợ ba
con vất vả lắm, nhà vẫn ở Hàng Giấy nhưng không phải được ở cả nhà như
trước mà chỉ được ở một phòng thôi. Ông ấy chỉ có một chiếc xe đạp cà
tèng, ngày hai buổi đi lấy hàng bỏ mối nuôi
con mày ạ. Trông gầy gò, đen đủi, tội nghiệp lắm.
Tôi
nghĩ mà thấy thương cảm quá, bèn rút tiền tiết kiệm mua một chiếc xe
đạp Peugeot gửi về tiếp tế cho ông ấy. Nghe con bạn kể thì khi
nhận được xe cả nhà bất ngờ và sướng lắm. Thời ấy, thời tem phiếu,
phiếu nhân dân, gạo 12 kg, thịt 1 lạng thì một chiếc xe đạp Peugeot bán
đi sống được hàng năm. Mấy năm sau thì tôi lại ki cóp gửi cho một chiếc
xe máy Peugeot 103. Ông Chung gọi người đến bán
luôn trong thùng. Bán xe máy đập hộp mới được giá, các cô ngày nay có
biết hay không? Cứ thế, tôi giúp cho cả nhà ông ấy qua cơn lận đận một
thời, cho đến khi con cái trưởng thành, kinh tế khá giả.
Tôi hỏi bà:
- Rồi sau này bà có gặp lại ông Chung không? Bà về thăm Hà Nội hoặc bà mời ông Chung sang thăm Paris?
- Ừ, có. Nhưng …
Bà nhắm mắt lại, nói như cầu nguyện:
- Nhưng…, giá mà không có cuộc gặp ấy, giá mà không mời ông ấy sang, thì có lẽ tôi không mất ông mãi mãi …
- Trời ơi! – Tôi kêu lên – Ông ấy gặp tai nạn ư?
- Không, không phải. Ừ, nhưng mà thôi, kể ra cũng coi như gặp tai nạn vậy,
Tôi
sốt ruột, nhưng bà cứ trầm ngâm. Bà bảo cứ từ từ rồi bà kể cho mà nghe.
Dạo ấy, - bà bắt đầu – Sau khi thông thương liên lạc được
dễ dàng, tôi mới biết vợ ông ấy cũng đã mất được nhiều năm. Phần tôi
thì trước đây tôi cũng không báo cho ông ấy biết việc ông Tây nhà bếp
của tôi đã mất lâu rồi. Nhưng bây giờ tôi đã báo và nghĩ mình nên mời
ông ấy sang thăm mấy tháng. Cô cũng biết đấy, tuổi
này rồi thì chỉ còn cái nghĩa thôi. Đã không có duyên với nhau thời
tuổi trẻ thì đến tuổi này làm gì còn tình yêu, tình dục nữa. Nhưng tôi
cứ muốn gặp lại một lần.
Khi
tôi ngỏ ý mời thì ông ấy im lặng, không trả lời. Mãi sau mới nhận được
thư của anh con cả của ông ấy. Thư nói rằng, thưa bác, bố
cháu nhận được thư của bác ngỏ ý mời bố cháu sang thăm. Nhưng bố cháu
ái ngại lắm bác ạ, và có phần mặc cảm. Bố cháu bảo rằng mình đã phụ bạc
người ta mà người ta lại tốt với gia đình mình thế vậy, đã giúp đỡ nhà
mình suốt bao nhiêu năm khó khăn. Nay lại thịnh
tình đài thọ mình sang Pháp chơi, nếu mình nhận lời thì hóa ra quá lạm
dụng lòng tốt của người ta. Vì vậy, thưa bác, bố cháu và ba anh em cháu
rất cám ơn bác nhưng xin phép bác cho bố cháu được ở lại nhà.
Tôi
phải viết thư cho anh trai cả nhà ông ấy, nói rằng chúng tôi không đến
được với nhau là do cái duyên chứ chẳng phải lỗi tại ai, rằng
bố anh ngày xưa đỗ Thành chung, là người học cao biết rộng, thuộc thơ
tiếng Pháp làu làu, hát bài hát Pháp, đọc tiểu thuyết tiếng Pháp rồi kể
lại cho tôi nghe. Một người như thế mà suốt đời không được đặt chân đến
thành Paris hoa lệ, không được vào nhà thờ
Đức Bà, không được ngồi thuyền ngắm cảnh trên dòng sông Seine thì thật
tiếc.
Thư
đi thư lại mãi, rồi được các con ông ấy động viên, ông ấy mới chịu đi.
Tôi gửi giấy mời để ông ấy xin visa rồi lại gửi vé máy bay
sang. Ngày nay có các chuyến bay thẳng Hà Nội-Paris nên ông ấy di
chuyển cũng không khó khăn gì. Tôi đã dặn chi tiết ông ấy mặc áo màu gì,
đội mũ gì, tay cầm cái gì để tôi dễ nhận ra. Đồng thời tôi cũng làm cái
biển đề “Mr. Thành Chung” để ông ấy biết. Tôi
đã chuẩn bị là khi gặp ông ấy ở sân bay tôi sẽ khẽ khàng ôm ông ấy một
cái như các bà Pháp bên này vẫn làm khi gặp bạn bè lâu ngày. Thế nhưng,
cô biết không, khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đều như khựng lại một
phút. Vẫn biết đã hơn 50 năm trôi qua, ai cũng
già đi, nhưng tôi không thể tưởng tượng được người đàn ông phong độ
ngày xưa bây giờ lại là một ông già lụ khụ đến thế. Tôi vẫn ôm ông một
cái lấy lệ, và ngửi thấy mùi thuốc lào thoảng trên áo ông. Có lẽ về phía
ông ấy, ông cũng thất vọng vì nơi tôi không
còn gì là nét của cô bé bán hàng khô xinh đẹp năm xưa.
Đưa
ông về nhà. Cái khó chịu nhất là ông đi Paris mà vẫn mang theo chiếc
điếu cày. Tôi bảo ông muốn hút thì ra ngoài ban công mà hút.
Ông nghe lời, nhưng mỗi lần ông hút thuốc thì lại ho sù sụ và mùi thuốc
lào vẫn phảng phất trong phòng suốt ngày đêm. Ngồi trên ghế sôfa như
tôi và cô đang ngồi đây, thỉnh thoảng ông lai co chân đặt cả hai bàn
chân của ông lên ghế. Tôi nhắc ông thì ông đặt
chân xuống nhưng thỉnh thoảng lại quên. Nhìn cảnh ông đặt cả hai bàn
chân lên sôfa theo thói quen nhưng chợt nhớ, giật mình đặt chân xuống,
tôi vừa tức, vừa buồn cười, lại vừa cả thương hại nữa. Dẫn ông ấy đi
chơi, đi thăm Paris, ông ấy toàn hỏi những câu
ngớ ngẩn. Cô xem, người thanh niên phong độ, thông minh uyên bác ngày
xưa bây giờ già đi thì không nói làm gì, nhưng tôi cứ cảm giác như là
một ai đó giả danh, đội lốt người yêu xưa của tôi, chứ không phải ông
ấy. Có lẽ phía ông ấy cũng thế, ông không tìm
thấy nơi tôi cô bé bán hàng khô xinh đẹp ngây thơ, lúc nào cũng mở tròn
đôi mắt to và môi hé mở đón chờ như nuốt lấy từng lời ông ấy. Có lẽ ông
ấy cũng thấy tôi là một mụ già khó tính giả danh.
Thế
rồi đáng lẽ ở lại ba tháng theo hạn visa thì khi được một tháng ông ấy
rụt rè bảo tôi: “Bà ạ, cám ơn bà đã cho tôi đi xem Paris trong
tháng rồi. Xem thế cũng đã đủ. Tôi ở đây không quen, và cũng không muốn
làm phiền bà lâu quá. Tôi xin phép bà cho tôi về. Rất, rất cám ơn bà”.
Tôi cũng nói một câu lấy lệ: “Ông cứ ở chơi thêm, có phiền gì đâu…”
nhưng trong bụng thì cũng đồng ý cho ông ấy về
để giải thoát cho mình.
Ôi,
thì cũng như cô hỏi: “Một tai nạn?” thì cũng coi như một tai nạn vậy.
Sau khi về đến Hà Nội, ông ấy có gọi điện sang báo tin là đã
về đến nơi an toàn và lại cám ơn. Rồi từ đó chúng tôi không liên lạc
với nhau nữa. Ôi, giá mà không có cuộc gặp ấy. Giá mà đừng mời ông ấy
sang. Thì có phải trong tôi vẫn còn hình ảnh chàng trai tuấn tú thông
minh ngày xưa. Tôi dù cô đơn ở đây, nhưng trong
tim tôi, trong trí óc tôi vẫn còn một hình bóng thương yêu để tôi nương
tựa trong những ngày cuối đời. Đằng này tôi đã mất tất cả. Bây giờ
trong tôi trống rỗng. Tôi cô đơn lại càng cô đơn. Bây giờ thì cô đã
hiểu vì sao gặp cô hôm nay tôi như bắt được vàng,
tôi nói là tôi gặp may mà.
Tối
hôm ấy, sau khi gọi điện được cho con bạn tôi, nó lao đến ngay. Ba
người chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện khá lâu. Ba ngày sau
đó, theo đề nghị của tôi, không phải một mình con bạn đưa tôi đi chơi
mà cả bà già nữa. Bà già bảo từ nay bà có thêm hai người bạn Việt, và ba
ngày đó là ba ngày hạnh phúc nhất trong những năm cuối của đời của bà.
Từ
Grenoble, nơi tôi thực tập, thỉnh thoảng tôi lại gọi điện nói chuyện
với bà. Kể cả sau khi về Hà Nội cũng vậy. Mấy năm sau thì bà
mất. Ông Chung nghe nói cũng mất rồi. Cầu chúc hai ông bà gặp lại nhau
dưới suối vàng với đúng hình ảnh anh chị ngày xưa.
TM
Hà Nội, 1/2017
No comments:
Post a Comment