Tân tổng thống Mỹ đang tập trung củng cố quyền lực tại Nhà Trắng cùng nhóm 5 người thân cận nhất được cho là có tác động quan trọng đến mỗi quyết định của ông.
Kể từ khi chính thức lên nắm quyền hôm 20/1, Donald Trump đã tăng cường quyền lực cho một nhóm nhỏ cố vấn, trong đó có những người không hề có kinh nghiệm chính trị.
Ông đã bổ sung một cố vấn chính trị cấp cao vào Hội đồng An ninh Quốc
gia (NSC) và dường như loại các bộ trưởng khỏi quy trình ra quyết định
trong một số chính sách quan trọng, bao gồm chính sách về nhập cư và tị
nạn.
Nhóm cố vấn của ông Trump được cho phép can dự vào một loạt vấn đề,
bao gồm an ninh quốc gia, chính sách nhập cư, quan hệ Mỹ - Mexico cũng
như kế hoạch hủy bỏ đạo luật cải cách y tế mà cựu Tổng thống Barack
Obama thông qua (Obamacare).
Nhóm cố vấn này gồm có những trợ lý trung thành của ông Trump trong
chiến dịch tranh cử, con rể ông và những cố vấn giúp ông, một người cũng
chưa từng kinh qua chính trường, điều hành chính phủ theo quan điểm dân
túy.
Steve Bannon
Cố
vấn cấp cao Steven Bannon được trao quyền tham dự các cuộc họp định kỳ
về an ninh quốc gia, điều chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Reuters.
Mỗi quyết định lớn tại Nhà Trắng đều có bóng dáng Bannon, chuyên gia
truyền thông trở thành cố vấn chính trị hàng đầu trong chiến dịch tranh
cử của ông Trump. Bannon nhanh chóng lan truyền tư duy chống thể chế
trong chiến dịch của vị tỷ phú.
Quyền lực của Bannon chỉ thực sự bắt đầu khi ông Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng. Ông ta thường ở bên cạnh tân tổng thống trong Phòng Bầu dục. Ông góp ý cho bài phát biểu nhậm chức vốn khiến nhiều người bàng hoàng vì cụm từ "American carnage" (thảm trạng nước Mỹ). Ông tác động đến quyết định của vị tổng thống trong việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đóng băng chương trình về người tị nạn của Mỹ.
Văn bản hôm 28/1 về việc tái cấu trúc Hội đồng An ninh Quốc gia khiến quyền lực của Bannon vươn lên tầm cao mới. Giờ đây, ông có quyền tham dự các cuộc họp định kỳ của Hội đồng An ninh Quốc gia trong khi giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng tương lai chỉ được phép dự họp khi có yêu cầu trong những vấn đề có liên quan. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Bannon là cựu sĩ quan hải quân và từng làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs. Ông là chủ tịch trang tin cực hữu Breitbart News trước khi gia nhập chiến dịch tranh cử của ông Trump. Dưới sự điều hành của Bannon, Breitbart trở thành tiếng nói của phong trào cực hữu tại Mỹ và thường xuyên bị chỉ trích vì những bài viết thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc và giới tính.
Ảnh hưởng của Bannon tới ông Trump đặc biệt được nhìn thấy rõ trong tuần qua. Với phong cách đặc trưng, Bannon gọi giới truyền thông là "đảng đối lập" trong một cuộc phỏng vấn. Chỉ vài ngày sau, ông Trump sử dụng lại cụm từ này.
Stephen Miller
Với vai trò cố vấn cấp cao, Stephen Miller trở thành bậc thầy về chính sách trong chính quyền mới. Ảnh: AFP.
Những phát biểu và quyết định chính sách của ông Trump cũng mang dấu
ấn của Miller. Cố vấn chính sách cấp cao 31 tuổi gia nhập chiến dịch
tranh cử của ông Trump sau thời gian làm trợ lý cho thượng nghị sĩ Jeff
Sessions, ứng viên bộ trưởng tư pháp.
Miller từng đóng vai trò quan trọng dù "đứng sau cánh gà" khi Thượng viện nỗ lực theo đuổi việc xem xét lại chính sách nhập cư sau cuộc bầu cử năm 2012. Sau khi gia nhập đội ngũ của ông Trump, Miller đảm đương nhiều trọng trách khác nhau như soạn thảo phát biểu, phát triển chính sách và thường xuyên làm người hoạt náo tại các cuộc gặp cử tri.
Bước chân vào Nhà Trắng, Miller trở thành bậc thầy về chính sách trong chính quyền mới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nhập cư. Anh ta và Bannon là hai "nhạc trưởng" đứng sau sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo mà ông Trump ký.
Giữa cảnh hỗn loạn tại các sân bay cùng tranh cãi về tác động của
lệnh cấm đối với thường trú nhân tại Mỹ, Miller tiến hành cuộc họp về
việc thực thi lệnh cấm. Điều đó khiến anh ta trở thành tâm điểm của chỉ
trích từ công luận và truyền thông cho rằng cố vấn Nhà Trắng đã lạm dụng
quyền lực.
Jared Kushner
Jared
Kushner, con rể ông Trump, đóng vai trò chủ chốt trong việc thương
lượng với các quan chức chính phủ nước ngoài. Ảnh: Getty.
Được đánh giá là “lựa chọn đầu tiên trong nhóm những người ngang tài
ngang sức” cạnh tranh quyền lực tại Văn phòng Cánh Tây (West Wing) Nhà
Trắng, ông Kushner thường đưa ra ý kiến cuối cùng khi bố vợ, Tổng thống
Donald Trump, ra quyết định. Bên cạnh đó, với tư cách thành viên gia
đình, Kushner có thể gặp ông Trump tại tư dinh bên trong Nhà Trắng.
Kushner nổi lên là một trong những cố vấn quyền lực nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Dù vậy, Kushner chỉ hiện diện một cách thầm lặng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của bố vợ. Anh ta thường đi bên cạnh ông Trump trong các sự kiện, cũng như đi cùng chuyến bay trong những tuần cuối cùng của chiến dịch.
Tại Nhà Trắng, Kushner đóng vai trò chủ chốt trong việc thương lượng với các quan chức chính phủ nước ngoài. Đặc biệt, tân tổng thống Mỹ tin tưởng giao phó cho Kushner xử lý mâu thuẫn với Mexico trong việc xây dựng bức tường biên giới, đồng thời chỉ định Kushner phụ trách các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Khi được hỏi về khả năng Kushner tham gia vào việc hoạch định chính
sách đối ngoại, một quan chức Nhà Trắng nói rằng con rể ông Trump “đặc
biệt phù hợp cho các cuộc đàm phán nhạy cảm và xây dựng quan hệ”.
Kushner cũng đấu tranh để người bạn Gary Cohn, chủ tịch Goldman
Sachs, được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, một
chức vụ cao về kinh tế của Nhà Trắng.
Reince Priebus
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus có quan hệ tốt với Quốc hội. Ảnh: Reuters.
Chánh văn phòng Nhà Trắng là cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng
hòa (RNC), một nhà vận động bầu cử ở bang Wisconsin, đồng thời là người
có quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Nếu Bannon là linh hồn trong các chính sách của Tổng thống Trump, Priebus tỏ ra tập trung hơn vào việc tổ chức và triển khai chính sách. Khi ông Trump ký các sắc lệnh hành pháp trong Phòng Bầu dục, ông Priebus thường là người đưa cho tổng thống các giấy tờ, văn bản.
Là vị chủ tịch phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa, ông Priebus vẫn duy trì ảnh hưởng tới các thành viên RNC. Chánh văn phòng Nhà Trắng được cho sẽ giúp ông Trump kết nối với các thành viên của Quốc hội, giới tinh hoa trong đảng, các nhà gây quỹ và những nhà hoạt động trên khắp đất nước.
Bên cạnh đó, ông Priebus còn thường xuyên liên lạc với ông Paul Ryan,
một trong những đồng minh chính trị lâu năm nhất của mình, và sẽ đóng
vai trò phái viên chủ chốt của ông Trump tại Hạ viện và nhóm nghị sĩ
Cộng hòa ở Thượng viện.
Kellyanne Conway
Cố vấn cấp cao Kellyane Conway thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để truyền bá thông điệp của ông Trump. Ảnh: Getty
Chuyên gia thăm dò ý kiến kỳ cựu của đảng Cộng hòa từng là giám đốc
chiến dịch tranh cử cuối cùng của ông Trump, sát cánh cùng ông Bannon
trong mùa hè năm ngoái, đúng vào giai đoạn then chốt của chiến dịch.
Với chức danh là cố vấn cho tổng thống, Conway thường được xem là “bộ mặt” của chính quyền mới khi liên tục xuất hiện trên các chương trình truyền hình để truyền bá thông điệp của ông Trump.
Sau khi thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định lễ nhậm chức
của Tổng thống Trump thu hút “lượng người tham dự lớn nhất từ trước đến
nay”, Conway đã lên tiếng bảo vệ ông Spicer trong chương trình "Meet the
press" (Gặp gỡ báo chí) trên kênh NBC. Nữ cố vấn khẳng định vị thư ký
báo chí đã đưa ra “những sự thật khác” về lễ nhậm chức.
Conway, người từng giữ vai trò cố vấn cho Phó tổng thống Mike Pence khi ông còn là thống đốc bang Indiana, đang sử dụng một phòng thuộc Cánh Tây Nhà Trắng.
Đây vốn là nơi làm việc của bà Valerie Jarrett, cố vấn của cựu Tổng
thống Barack Obama, đồng thời là người phụ trách quan hệ giữa ông Obama
với giới doanh nghiệp và chính trị Mỹ. Conway được kỳ vọng sẽ giúp định
hình các chính sách về phụ nữ và cựu chiến binh.
No comments:
Post a Comment