Saturday, October 7, 2017

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN Hồi Ký Kale (Chương kế tiếp)


Gửi tất cả tình thương về mẹ!
KALE


Phần 1

Tôi Đã Ở Lại

Chương 1

Dấu Hiệu Đầu Tiên: Cuộc Di Tản Chiến Thuật.

Trước ngày 30 tháng tư năm 1975, những tin tức về sự mất mát ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến tôi rất lo lắng. Là nhân viên của cơ quan tình báo chính quyền Nam Việt Nam, điều gì sẽ xãy đến cho tôi một khi Cộng Sản tiến vào Sài Gòn? Tôi đã nghe thấy nhiều về những sự thãm sát ở Huế khi Cộng Sản tiến vào thành phố ở miền Trung này vào Tết Mậu Thân, 1968. VC dùng dây kẽm gai cột người ta lại với nhau rồi chôn sống; VC bắt người ta phải tự đào hố rồi bắn chết họ trong ấy....

Những cuộc di tản của hàng trăm ngàn người từ những thành phố miền Trung là một bằng chứng xác minh sự sợ hải của nhân dân đối với Cộng Sản. VC tạo sự kinh hoàng trong nhân dân ngay cả đối với những người dân thường. Dưới chiêu bài giải phóng, VC tạo nên cuộc chiến để nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam; chúng thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và bắt đầu cuộc chiến chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà chúng gọi bằng ngụy quyền miền Nam Việt Nam.

Khi quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam, VC đổi chiến tranh Việt Nam thành cuộc chiến chống lại cái mà chúng gọi là Đế Quốc Mỹ. Chúng đồng hoá Mỹ với Pháp; chúng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Pháp thành một.

Thật ra, Cộng Sản đã cướp công của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp để rồi chúng thôn tính miền Bắc Việt Nam biến thành một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản. Việt Nam bị chia thành hai quốc gia: Miền Bắc Cộng Sản và Miền Nam Dân Chủ. Hai nước sẽ phát triển riêng rẽ để chờ một cuộc thương thuyết để thống nhất đất nước. Thể chế chính trị của quốc gia sẽ định đoạt bởi người dân qua một cuộc tổng tuyển cử dưới sự kiểm soát của tổ chức quốc tế. Tôi không muốn kể lại đây lịch sử của đất nước tôi vì đã có nhiều sách vở đề cập đến vấn đề này, nhưng vì có vài chi tiết có liên quan đến việc tôi đã ở lại đất nước trong khi hàng trăm ngàn người dân đã ra đi trong những ngày của cái gọi là “giải phóng” của Cộng Sản.

Ba tôi đã gia nhập tổ chức Việt Minh, một tổ chức do Cộng Sản thành lập nhằm mục đích quy tụ dân chúng để chống Thực Dân Pháp. Ông đã bị giết trong cuộc chiến ấy vào năm 1952, trước khi hoà ước Genève được ký kết, do đó tôi là con của một gia đình có người anh hùng đã chết trong chiến tranh, một “liệt sĩ” theo như danh từ của Cộng Sản. Tôi không thể hình dung được cha tôi như thế nào vì ông đã chết khi tôi mới lên bảy, và ông đã bỏ nhà đi vào mật khu từ khi tôi mới lên hai. Tôi nghe nói ông là một cán bộ kinh tài của quân du kích. Trên đường đi công tác, ông cùng một người bạn bị phục kích và bị giết sau khi ông đã bắn chết hai lính lê dương và một lính Pháp. Tôi vẫn thường có một ít tự hào về cha tôi. Tôi còn có ba anh chị họ tập kết ra Bắc vào năm 1954, và tôi có nghe nói họ đã đi du học ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

Một người bác của tôi cũng là một người Cộng Sản; ông ta bị bắt nhốt ở trại tù Côn Lôn từ năm 1956 đến năm 1962. Sau khi thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động cho VC và chết năm 1970; ông ta cũng là một liệt sĩ! Với một gia đình như vậy, đôi lúc tôi nghĩ đơn giản rằng VC sẽ không trừng phạt tôi một khi chúng vào Sài Gòn.

Mặt khác, tôi nghe nói rằng Cộng Sản là những người vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc; họ chỉ có duy nhất Đảng Cộng Sản của họ mà thôi! Trong tình trạng mập mờ đó, tôi không thể tưởng tượng được họ sẽ đối xử với tôi thế nào khi sự việc xãy ra!

Sự thiếu hiểu biết về Chủ nghĩa Cộng Sản, về những người Cộng Sản khiến tôi cùng nhiều người dân miền Nam bị lẩn lộn giữa những người Cộng Sản với những nhà ái quốc. Khi còn trẻ, tôi vẫn thường tôn sùng những người Cộng Sản, đặc biệt là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tôi đã đồng hoá họ với những nhà ái quốc. Tôi cũng từng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Thực Dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Tôi đã từng làm nhiều bài thơ yêu nước đăng trên những tạp chí Sinh Viên. Thêm vào đó, sự lộn xộn của chính phủ Nam Việt Nam từ Tổng Thống Ngô đình Diệm đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khiến mọi người dân miền Nam trông chờ một chính phủ vững mạnh ngỏ hầu có thể xây dựng đất nước. Hầu hết nhân dân miền Nam thường trông về cơ cấu chính quyền miền Bắc như một mẫu mực mà họ mong muốn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Bắc Việt đã ở tại vị từ năm 1954 đến năm 1975 có lẽ là một minh chứng hùng hồn cho một cơ cấu chính quyền vững chắc!

Mặc dù có nhiều điều tồi tệ đã xãy ra trong khối Cộng Sản, từ Liên xô, Trung Quốc, và các nước Đông Âu, chúng tôi vẫn hy vọng Cộng Sản Việt Nam sẽ khác hơn. Những cuộc đấu tố ở miền Bắc trong giai đoạn cải cách ruộng đất sau 1955 với những cảnh con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, cũng chưa đủ thuyết phục để nhân dân oán ghét Cộng Sản. Những hình ảnh về cuộc thãm sát tại các vùng tạm chiếm của Cộng Sản bị nghi ngờ là chiến thuật tuyên truyền của Chính Phủ Nam Việt Nam. Dân chúng bị lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu về những người Cộng Sản. Họ không thể phân biệt giữa chủ nghĩa Yêu Nước với chủ nghĩa Cộng Sản.

Cuộc di tản chiến thuật khỏi Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng được loan báo như một việc thực thi Hiệp Định Paris. Tôi chẳng biết gì về nội dung của Hiệp Ước này, nhất là những điều mật ước mà tôi nghe nói về việc phân chia đất nước tại vĩ tuyến 12 ở Phan Rang, một tỉnh miền Trung, để nhường cho Mặt Trận Giải Phóng. Hầu hết những gì tôi nghe được thường là những tin đồn. Trong một quốc gia đang có biến động chính trị, tin đồn nhiều khi còn được tin tưởng hơn những gì mà chính phủ phổ biến.

Mặc dù là một nhân viên tình báo của chính quyền Nam Việt Nam, tôi không hề học tập về Chủ Nghĩa Cộng Sản. Trong nhiệm vụ hàng ngày, tôi chống lại những tổ chức của Sinh Viên thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Tôi chỉ biết rằng đó là những tổ chức con đẻ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, một tổ chức của VC. Tôi đã thành công trong việc tái chiếm Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học vào năm 1972 từ trong tay của nhóm Bừng Sống, một tổ chức của Cộng Sản. Mặc dù bị lên án tử hình trên đài phát thanh giải phóng vê việc ấy, tôi vẫn thờ ơ. Họ chỉ biết bí danh tôi chứ không biết tên thật của tôi, hơn thế nữa, tôi vẫn đang sống trong vùng của mình. Ngược lại, nếu Cộng Sản chiếm Sài Gòn, điều gì sẽ xảy ra cho tôi một khi họ biết tôi là ai? Sự lo lắng cộng với sự thiếu hiểu biết khiến tôi không còn biết phải làm gì.

Chương 2

Những Điều Đó Xảy Ra Chính Trong Gia Đình Tôi

Ngày 19 tháng tư năm 1975, sau khi đưa vợ tôi vào văn phòng để làm việc, tôi ghé qua nhà mẹ tôi như thường lệ. Tôi gặp Tài, em tôi vừa từ Đà Nẳng về đến nhà. Tài là trung sĩ Thông Dịch viên trong Hải quân Nam Việt Nam. Đà Nẳng là một thành phố lớn ở miền Trung và cũng là một hải cảng quan trọng. Tài chỉ còn một bộ đồ dính thân vì đã phải trải qua bao nhiêu phương tiện mới về được đến nhà. Em tôi đã kể lại cho nghe bao nhiêu chuyện kinh khủng mà nó đã chứng kiến trên đường đi từ Đà Nẳng về Sài Gòn. Khi ở trên một chiếc tàu, một người đàn bà nhờ nó bế dùm đứa con để bà ta đi tìm một đứa khác đã bị thất lạc; sau đó bà ta biến mất vào đám đông. Nó không biết phải làm sao, và làm thế nào để bế đứa trẻ về nhà trên một lộ trình quá xa như thế, do đó nó đưa đứa trẻ cho một người lạ rồi chạy đi mất. Dân chúng chen chúc nhau leo lên tàu; nhiều người bị rơi xuống biển chết chìm.

– “Tại sao em không đi luôn ra ngoại quốc?” Tôi hỏi Tài.

– “Vì họ ra lệnh về Sài Gòn để chống lại VC.”

– “Em có thấy VC vào Đà Nẵng không?”

– “Không, tôi chẳng thấy ai ngoài dân chúng di tản khỏi Đà Nẳng. Họ ra lệnh chúng tôi rời Đà Nẳng cho VC, nhưng tôi chẳng thấy VC nào trong thành phố khi tôi rời nơi ấy. Tôi cũng không hiểu sao chúng ta lại thất bại mà không có cuộc đụng độ nào.”

– “Em có nghe nói gì về những mật ước của Hoà Ước Paris không?”

– “Họ nói nhiều về những điều này, nhưng thật ra tôi không được ai phổ biến một cách chính thức hết khi họ ra lệnh rời Đà Nẵng.”

– “Làm sao em về được đến nhà?” Tôi tò mò hỏi.

– “Đầu tiên, tôi đi theo tàu tôi về đến Cam Ranh. Từ đó đến Vũng Tàu, tôi lên được một chiếc tàu của Hải Quân Mỹ vì tôi là Thông dịch viên.”

– “Sao tàu em không về Sài Gòn?”

– “Tôi không biết; nó đi luôn ra đảo Phú Quốc.”

– “Em thấy gì trên đường về Sài Gòn?”

– “Dân chúng sợ hải; họ nói đến VC và những cuộc tàn sát dù họ chẳng thấy một tên VC nào trong thành phố. Họ chen chúc nhau trên đường ra hải cảng. Họ chất mọi thứ lên xe đạp, xe gắn máy, hay gánh lên vai. Trẻ con khóc lóc vì lạc mất cha mẹ; vài người nằm chết trên vỉa hè. Hàng ngàn người dân rời bỏ nhà cửa khi nghe VC về đến hoặc nghe các đơn vị quân đội ta rút lui. Anh làm trong Phủ Trung Ương Tình Báo, anh có biết gì về chương trình của Chính Phủ hay của Mỹ đối với tương lai của đất nước ta hay không?” Tài bất thần hỏi tôi.

– “Không!” Tôi lúng túng trả lời.

Tôi bảo Tài lấy quần áo tôi thay ra vì nó quá dơ sau hơn mười ngày đường. Khoảng 10 giờ, Lân, anh họ tôi từ cơ quan đến. Anh ấy là thượng sĩ Hải Quân. Vào Quân Đội từ năm 1962, anh ta làm về truyền tin trong Hải Quân Việt Nam ở tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Anh ấy đến hỏi tôi có định sửa soạn đi với anh ta ra ngoại quốc khi cần thiết không. Tôi trả lời anh ấy:

“Tôi nghĩ chắc Cơ Quan của tôi đã chuẩn bị chương trình riêng cho nhân viên rồi. Trong trường hợp khẩn cấp, tôi sẽ gặp anh ngay.”

Thật ra tôi không biết phải làm sao trong lúc ấy. Nghe tin về trình trạng căng thẳng của đất nước, tôi rất phân vân. Chúng ta có thể chiến đấu chống lại VC nếu họ tiến vào Sài Gòn; tại sao lại phải rời bỏ đất nước mà không chiến đấu chứ? Quân Lực chúng ta vẫn hùng mạnh. Vũ khí chúng ta vẫn còn đầy đủ ngay cả nếu Mỹ có ngưng viện trợ đi nữa. Tôi không thể hiểu nỗi tại sao chúng ta lại thua khi chúng ta đang giành được chiến thắng trên mặt trận và ngay cả ở hậu phương. Những sự rút lui của các đơn vị quân lực chúng ta khỏi các tỉnh miền Trung mà không có một trận đánh nào xãy ra đã làm dân chúng đâm ra hoang mang sợ hãi. Dân chúng di tản khỏi các thành phố mặc dù chưa thấy một VC nào tiến vào. Toàn bộ sự kiện ấy đã tạo nên một sự rối ren chưa từng thấy cho đất nước.

Tôi nhìn ra đường phố trước nhà. Tiệm sửa xe đạp và xe gắn máy vẫn mở cửa như thường lệ. Tiệm tạp hoá vẫn ồn ào. Tiệm may và hớt tóc vẫn có khách. Vài người bán hàng rong đang rao hàng. Bộ hành vẫn ung dung. Xe hơi, xe gắn máy, và xe đạp vẫn qua lại. Mọi cái dường như vẫn sinh hoạt bình thường; không thấy một dấu hiệu nào của chiến tranh. Dân chúng Sài Gòn đã quá quen thuộc với chiến tranh kể từ năm 1945; họ nghe tiếng súng một cách lơ đểnh ngoại trừ trường hợp nó nổ ngay bên cạnh họ.

Năm 1954, một triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam; họ đã kể lại bao nhiêu điều ghê gớm về Cộng Sản, nhưng dân miền Nam vẫn nghi ngờ. Dân miền Nam đoán rằng những người dân miền Bắc vì quá nghèo đói đã vào Nam để kiếm sống. Chủ nghĩa Cộng Sản hay Chủ Nghĩa Xã Hội trong đầu óc của người miền Nam chỉ đồng nghĩa với sự đói nghèo. Sự tuyên truyền của Chánh Phủ Nam Việt Nam không đủ để chiêu dụ nhân dân miền Nam chán ghét chế độ Cộng Sản, thường thì dân chúng nghĩ đến quyền lợi của họ hơn là lý tưởng chống Cộng. Bên cạnh đó, họ vẫn cho rằng nếu VC tiến được vào Sài Gòn, họ có thể có đủ thời gian để rời khỏi đất nước: Cuộc di cư của hàng triệu dân miền Bắc sau hiệp định Genève là một minh chứng cho ý nghĩ đó.

Tôi vẫn nghĩ đã có sẵn một kế hoạch di tản riêng của cơ quan tôi khi sự việc diễn ra, nhưng tôi lại nghĩ mọi việc không đến nỗi quá tồi tệ đến như vậy! Tôi chẳng hề muốn đi đến Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác. Tôi sẽ ở lại đất nước nếu Cộng Sản để tôi làm một người dân bình thường, nếu không có sự trả thù. Mặc khác, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tạm thời là một quốc gia trung lập khi chiến tranh chấm dứt. Một cuộc thương thuyết sẽ diễn ra sau đó để bàn về việc thống nhất đất nước. Trong thời gian ấy, tôi có thể chọn lựa giữa việc ở lại hay ra đi.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc Nội Chiến hay cuộc chiến giữa Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Tư Bản, cuộc chiến tranh Giải Phóng hay cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ. Đó chỉ là những danh từ! Dân tộc Việt Nam ước muốn chấm dứt cuộc chiến ấy càng sớm càng tốt dù họ chưa biết điều gì xảy ra sau đó.

Trên hai mươi năm chịu đựng chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã quá chán ngán; chính tôi cũng thế! Sinh ra năm 1945, năm của Đệ Nhị Thế Chiến; Nhật Bản xâm chiếm đất nước tôi từ tay Thực Dân Pháp. Tôi đã sống qua ba cuộc chiến chống Nhật, Pháp, và cái gọi là chiến tranh Giải Phóng. Tôi chỉ mong mỏi hoà bình đến với đất nước tôi. Hy vọng của tôi cũng đơn giản như những lời yêu cầu của dân chúng Mỹ khi họ tụ tập đòi hỏi binh sĩ của họ rời khỏi Việt Nam ngay tức khắc. Sống bên kia bờ Thái Bình Dương, họ chẳng biết gì về sự đau khổ của nhân dân Việt Nam khi phải gánh chịu cuộc chiến giữa Cộng Sản và Tư Bản. Hàng ngàn lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam làm rúng động người Mỹ và cả Thế Giới. Thế thì hàng triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến ấy thì thế nào đây? Ý nghĩ ấy khiến tôi tức tối! Những giọt nước mắt đột nhiên trào ra.

No comments:

Post a Comment