Tại sao tôi viết tiếp về nhóm Trần
Kiều Ngọc
BS.Trần Văn Tích
Tôi lo lắng thấy rằng nhóm tuổi trẻ
tự xưng là Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền không phải chỉ gồm hai
nhân vật tự nhận là trẻ là Trần Kiều Ngọc và Nancy Nguyen mà đằng sau lưng họ
còn có một số người ủng hộ. Tôi thấy có bổn phận phải nói trực tiếp với hai
nhân vật cốt cán của Phong trào, đồng thời tôi cũng xin gửi một vài lời tâm huyết
đến những ai vào cỡ tuổi tôi đang ủng hộ hai cô. Nội dung chính của bài viết tập
trung vào ba điểm :
a) trách cứ thế hệ cha ông đã thua
trận để cho con cháu phải lưu vong là trách oan.
b) phải chăng 42 năm chống cộng đã
chẳng đi đến đâu.
c) tuổi trẻ trong nước thực sự cần
gì?
Không ai đem thành bại luận anh
hùng
Không làm gì có dân tộc nào trên thế
giới mà lịch sử chỉ gồm toàn thành công hay chiến thắng. Dân tộc chúng ta cũng vậy. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phan Thanh
Giản, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái v.v..đã không thành công
nhưng thành nhân. Hai Bà và Bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa chống lũ thái thú cai
trị Giao châu hay An nam Đô hộ phủ. Hai Bà, Bà Triệu đã tử trận nhưng hậu thế
không ai dám kết án Hai Bà, Bà Triệu là đã thua để lại hệ lụy ngàn năm nô lệ giặc
Tàu. Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử, Phan Đình Phùng sa vào tay giặc
Pháp, Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài, Phạm Hồng Thái tự trầm trên Châu giang
nhưng tất cả đều đã được đời sau muôn vàn ngưỡng mộ và không ai ngu ngốc đến độ
cho rằng sự thất bại của chư vị anh hùng dân tộc đã để lại hệ lụy khiến tổ quốc
trầm luân trong gông cùm xiềng xích do người da trắng tròng lên cổ đồng bào. Những
anh thư, anh hùng, liệt sĩ vừa kể chống đối các đối tượng rất cụ thể, bằng xương
bằng thịt và/hoặc những chế độ cai trị tàn ngược áp bức. Hai Bà Trưng chống Tô Định,
Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Merlin. Không ai vớ vẩn ấm ớ tuyên bố
không chống Tàu chống Tây mà chỉ chống cái ác!
Kết tội thế hệ cha ông đã thua trận
để lại hệ lụy lưu vong là lập luận bất chấp lý luận. Không phải vì hai anh em
Scholl thất bại và bị xử tử ngày 22.02.1943, không phải Claus Schenk Graf von
Stauffenberg thất bại và bị Toà án Binh xử bắn ngày 21.07.1944 mà dân tộc Đức
phải tiếp tục mang hệ lụy quốc xã-phát xít cho đến hết Thế chiến II.
Lăng mạ cha ông đã thua trận trong
cuộc chiến vừa rồi khiến di lụy lưu vong cho giới trẻ là ngang nhiên xúc phạm đến
triệu triệu hương linh quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà, là phỉ báng anh
linh chư vị tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và nhân viên dân sự từ bộ
trưởng đến thuộc cấp đã tuẫn tiết vào Ngày Quốc Hận.
Không biết hai cô thanh nữ có biết đến
chân lý “Không ai đem thành bại luận anh hùng“ hay không nhưng những người cao
tuổi đang ủng hộ hai cô thì chắc chắn phải biết.
42 năm chống cộng
Tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản đã
làm hết sức mình để chống cộng. Thành tích của tập thể rành rành ra đó, chỉ có
những kẻ mắc bệnh mù loà mới không chịu thấy; cho nên người viết xin miễn kể
ra. Chỉ xin thử so sánh với các cộng đồng lưu vong và/hoặc chống cộng khác xem
cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam có thua kém người ta hay không. Hiện nay khắp
nơi trên mặt đất dễ có đến cả trăm cộng đồng lưu vong nhưng mang đặc tính chống
cộng triệt để như cộng đồng lưu vong Việt Nam thì chỉ có cộng đồng lưu vong
Cuba. Thực vậy, trên thế giới chỉ còn Bắc Hàn, Trung cộng, Việt cộng và Cuba là
vẫn theo chế độ cộng sản. Tuy nhiên tập thể chống đối Trung cộng còn có mảnh đất
dung thân – nếu muốn – là Đài Loan, còn Bắc Hàn thì hầu như không có nổi một cộng
đồng chống cộng xứng với tên gọi. Do đó,
chỉ có thể thử so sánh hoạt động đề kháng của cộng đồng lưu vong tỵ nạn Việt
Nam với diasporaCuba.
Khoảng một triệu rưỡi người Cuba chống
độc tài cộng sản đang sinh sống ở nước ngoài, chủ yếu – có thể đến một nửa – là
ở Hoa Kỳ và tập trung là ở Miami, tiểu bang Florida. Từ thành phố cách xa đảo
quốc nguyên quán lối chín mươi dặm, người Cuba lưu vong thường xuyên và kiên
trì chống độc tài Fidel Castro. Thoạt tiên họ ủng hộ chính sách cấm vận đối với
Cuba của các chính quyền Hoa Kỳ nhưng đến tháng chạp năm 2014, khi Tổng thống
Barack Obama tuyên bố tái lập bang giao với Cuba thì tập thể người tỵ nạn Cuba
chỉ biết công khai bày tỏ thái độ hoài nghi rất mực. Họ cũng nêu ra những luận điệu
quen thuộc : tái lập bang giao không bảo đảm cho người dân Cuba tại quốc nội
thêm được chút tự do dân chủ nào, trái lại biện pháp giao hảo với cộng sản chỉ
gây tai hại lên tiến trình đấu tranh cho dân chủ tự do nơi đảo quốc. Liên tục từ
khi Fidel chiếm quyền năm 1956, và nhất là từ 1965 đến 1972, khi làn sóng thuyền
nhân Cuba dâng cao đưa đến hình thành cộng đồng lưu vong Cuba, nhiều hình thức đấu
tranh chống cộng đã được áp dụng. Có thể xem cao điểm kháng cự cộng sản Cuba là
chiến dịch vũ trang tấn công đảo quốc qua vụ Vịnh Con heo năm 1961, chiến dịch
này thất bại. Chuyển qua các hình thái đấu tranh khác, người Cuba lưu vong vận động
hành lang chính trị, phản đối thiết lập cơ sở ngoại giao (ví dụ chống thiết lập
Lãnh sự quán Cuba ở Miami), ngang nhiên đương đầu với bộ máy cầm quyền cộng sản
qua vụ cháu bé Elián González dưới sự lãnh đạo của tổ chức CANF, Cubanese
American National Front, hân hoan đón nghe lời tuyên bố dõng dạc của nữ ca sĩ
Gloria Estefan khi cô được mời về nước hát mừng Đức Giáo hoàng Paul II :“Tôi chỉ
về lại Cuba hát cho đồng bào tôi nghe khi chế độ cộng sản không còn trên đất nước
tôi.“
Người Nga đã di tản theo nhiều đợt
kể từ năm 1917, sau cái gọi là Cách mạng Tháng mười. Đợt di tản thứ nhất bao gồm
những người không chấp nhận chế độ bôn-sê-vích. Đợt di tản thứ hai xảy ra năm
1948, sau Đệ nhị Thế chiến và qui tụ các tù nhân xô viết, các nạn nhân bị đày
biệt xứ không chịu trở về nguyên quán. Đợt di tản thứ ba vào thập niên 70 có đối
tượng là những di dân xô-viết, các trí thức Do Thái, các nhân vật “đối kháng“.
Nhưng dẫu ly hương theo làn sóng trước sau và trong tư cách khác nhau, cộng đồng
tỵ nạn lưu vong Nga luôn luôn đứng dưới lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ. Và năm 1990
lá cờ đó đã trở về. Nó đã trở về sau khi chế độ cộng sản bị xoá sổ và Liên bang
Xô viết tan rã. Trong quốc hội nước Nga ngày nay, tỷ số giữa các dân biểu đảng
viên cộng sản so với các dân biểu phe quốc gia và phe tự do thay đổi nhưng tất
cả đều ngồi họp chung dưới lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ của chế độ Sa hoàng xưa.
Trên đỉnh điện Kremlin, cũng ngọn quốc kỳ tam sắc thời Nga hoàng đang lộng gió
tung bay.
Cộng đồng lưu vong chống cộng Cuba
xem như hình thành từ năm 1956 còn cộng đồng tỵ nạn chống cộng Việt Nam thì ra đời
kể từ năm 1975. Thời gian cộng đồng chống cộng Nga ly hương kéo dài 73 năm. Cho
đến năm nay, thời gian cộng đồng chống cộng Cuba ly hương đã được 61 năm và thời
gian cộng đồng chống cộng Việt Nam ly hương chỉ mới có 42 năm.
Người tỵ nạn chống cộng Nga xem như
đã được trở về bản quán. Người tỵ nạn chống cộng Cuba và người tỵ nạn chống cộng
Việt Nam thì chưa; cả hai đang bền bỉ thường xuyên tiếp tục chống cộng không hề
ngưng nghỉ. Như hai cộng đồng Nga trước đây và Cuba hiện nay, chiến lược
chống cộng của tập thể lưu vong người Việt là chiến lược “bếp ủ trấu“, là chiến
lược gìn giữ lòng chống cộng và duy trì lửa đấu tranh dưới nhiều hình thức đa dạng
và đa diện.
Giới trẻ trong nước hiện cần gì?
Rành rành ra đó. Thanh thiếu niên
nam nữ hiện sống tại quốc nội không cần ai nắm tay dạy dỗ họ là hãy chống cái
ác chứ đừng có chống cộng! Chủ xướng phải vạch đường chỉ lối cho người trẻ
trong nước – chống ác, đừng chống cộng – là một thái độ ngạo mạn tự tôn rất lố bịch
đáng chê.
Giới trẻ trong nước thừa biết rằng
họ cần một Nguyễn Thái Học, họ cần một Phạm Hồng Thái. Giới trẻ trong nước thừa
biết rằng họ cần một Graf von Stauffenberg, họ cần các anh em Scholl. Giới trẻ
trong nước thừa biết rằng họ cần một sinh viên Y khoa Jan Opletal chống độc tài
tại thủ đô nước Tiệp khắc. Giới trẻ trong nước thừa biết rằng họ cần một sinh
viên vô danh đứng thẳng người ưởn ngực chống chiếc xe tăng đang lù lù nghiến
xích lăn bánh tiến tới tại Công trường Thiên an môn vào mùa xuân 1989. Trong giới
tu sĩ thì giới trẻ trong nước thừa biết rằng họ cần một Linh mục Jerzy
Popieluszko, đã từ chối học bổng nghiên cứu ở La mã – có tính cách mua chuộc –
của Tổng Giám mục Jósef Glemp tặng ngày 16.10.1984 để ở lại và chịu tử vong dưới
tay mật vụ Ba Lan.
Thanh thiếu niên quốc nội cần những
tấm gương sáng đó, họ không cần xảo ngôn loạn ngữ, ngụy biện lếu láo.
17.10.2017
No comments:
Post a Comment