Thursday, October 12, 2017

Ông Sáu Lèo Và Saigon 68
 
TQLC Captovan
 
Với lối sống hòa đồng và thân thiện, phong cách chỉ huy rất sát với thuộc cấp nên Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, “bị” đặt cho một tục danh “Ông Sáu Lèo”, cái tục danh quá ư là bình dân, nhưng lại được thuộc cấp gọi với tất cả tấm lòng thương mến và kính phục. Tôi xin theo các thuộc cấp của Ông để được dùng danh xưng “Ông Sáu Lèo” trong bài viết này.
Khoảng trung tuần Tháng 6/2017, cựu Đại Úy Nguyễn Quang... chánh văn phòng Thiếu Tướng Tư Lệnh Binh Chủng TQLC/VN gọi điện thoại cho tôi báo cho biết cótoán  truyền hình người Mỹ muốn tìm hiểu thêm về việcThiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công VC Bảy Lốp vào dịp Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn, anh nói:
  -Trường đạị học Mỹ ở Texas (Briscoe Historical -University of Texas) tài trợ cho Mr Douglas Sloan cùng một toán chuyên viên truyền hình để quay cuốn phim Saigòn.68, họ đang tìm những TQLCVN đã tham dự trận đánh ở Chợ Lớn trong Tết Mậu Thân 1968, để hỏi về vụ Tướng Loan bắn tên VC Bảy Lốp, vậy anh có muốn “đóng phim” không?
  -Lại truyền thông Mỹ! Khi còn sống Ông Tướng đã bị truyền thông và phản chiến Mỹ phê bình và phản ứng gay gắt về bức hình này rồi, nay ông đã mất, họ cần gì nữa, hay lại muốn đóng thêm cái đinh vào quan tài của ông chăng?
  -Không phải đâu, họ muốn tìm hiểu thêm sự thật để trả lại công bằng cho Ông. Tôi nghĩ anh nên tham gia, ít nhất cũng cần một vài tiếng nói của chúng ta, những TQLCVN đã chứng kiến hoặc biết ít nhiều về vụ này. Tôi sẽ giới thiệu anh với cô Thúy Lan, một người trong toán quay phim và cũng là thông dịch viên, nếu anh muốn.
   Chuyện Ông Sáu Lèo bắn tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém (tự Bảy Lốp) bị phóng viên Adams chụp hình đã qua nửa thế kỷ rồi (1968-2017), truyền thông và phản chiến Mỹ đã làm Ông Sáu Lèo “lao đao” khi còn sống, lúc Ông Sáu qua đời, ông Adams gởi vòng hoa phúng điếu đến cho gia đình Thiếu Tướng Loan, với lời xin lỗi chân tình:
-“Tôi xin lỗi ông. Nước mắt đang dâng tràn trong mắt tôi.
Khi còn sống Ông Sáu giữ im lặng trước làn sóng phê bình chỉ trích, ngày nay Ông đang ở trên chốn bình yên, một lời xin lỗi hay trăm lời khen chê, “một nửa sự thật”, chẳng ý nghĩa gì đối với Ông, nhưng “một nửa sự thật” còn lại rất cần thiết để làm sáng tỏ thêm chính nghĩa, tính nhân bản trong công cuộc chống cộng của đồng đội ông, của thuộc cấp ông nói riêng và Quân Đội VNCH nói chung. Vì vậy tôi đồng ý với đề nghị của Quang để nói với toán quay phim Saigon.68 những gì chúng tôi nhìn tận mắt, nghe tận tai, tay sờ vào sự thật. Tôi nói với Quang:
  -Nếu thế thì được, bạn nói cô Thúy Lan liên lạc với tôi và cho biết qua sự việc...
   Vài ngày sau tôi nhận được email của cô Thúy Lan:
                           ***
ThuyLan Phan <phanthuylanXXX@gmail.com> 
 
       Sau vài lần trao đổi thêm tin tức, tôi và anh KCC đồng ý gặp Cô Thúy Lan, ông Douglas Sloan và toán chuyên viên quay phim tại văn phòng của người “nổi tiếng” Võ Đức Văn. Trong buổi tiếp xúc sơ khởi này ông Douglas và cô Thúy Lan xác định mục đích... và trao đổi với chúng tôi những công việc làm cho buổi quay phim chính thức. Ông Douglas cũng yêu cầu chúng tôi giới thiệu cho gặp thêm những Thủy Quân Lục Chiến có liên quan... nhất là  “người trong hình” (tức là Tr/Tá TĐT/TĐ2/TQLC có mặt trong tấm hình khi Tướng Loan bắn Bảy Lốp)
       Sau khi được biết mục đích của cuốn phim là tìm hiểu sự thật để trả lại công bằng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan thì chúng tôi nhận lời sẽ tham dự buổi phỏng vấn quay phim. Còn việc Thúy Lan và Douglas muốn gặp “người trong hình”, tức Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC thì hơi khó, bởi vì ông đang tu tại gia.
       Những TQLC có thể cung cấp thêm sự thật về bức hình và Tướng Loan gồm có:
 
 
       -Tr/Tá NVĐ...Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC, (người trong hình bên phải, đội nón sắt). Hiện nay ông ở San Jose’, nhưng sau khi hiền thê qua đời, ông đã tu tại gia, không tiếp xúc với ai cả.
       -Th/Úy KCC...Đại Đội 4/TĐ2, người bắt được Bảy Lốp từ trong chùa Ấn Quang chạy ra.
       -Tôi, ĐĐT/ĐĐ1/TĐ2, được biệt phái đi theo Tướng Loan.
       -Th/Úy HVQ...ĐĐ1/TĐ2. Nhưng Q. đang bị bệnh, nói năng khó khăn không tham dự được.
       (Xin mở ngoặc ở đây: Khi biết HVQ.... bị bệnh, ông Douglas, cô Thúy Lan củng đi với cựu Đại Tá Trần Minh Công đã đến thăm Q... tại nhà.... Một nghĩa cử đẹp của phái đoàn khiến tôi thấy cần nói thay cho Q..., vì Q...... là trung đội trưởng của tôi).
 Trong ngày quay phim tại chùa BQ, tôi được bỉết có thêm Ông B.. một phi công đã từng bay ra Bắc... với Tướng Loan, và  Anh Sáu Trần Minh Công (cựu Đại Tá Cảnh Sát, một cộng sự viên đắc lực và luôn đi sát với Tướng Loan).
Mặc dầu buổi quay phim chỉ có 3 “diễn viên” nhưng chuyên viên thì gần 10 người, máy quay quá nhiều, họ làm việc hết sức cẩn thận, điều chính từng chi tiết về âm thanh, ánh sáng, cho đến cả thế ngồi và động tác của “diễn viên”. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được người đẹp (Cô Thúy Lan) đánh phấn tô son gương mặt sao coi cho được trước ống kính khiến tôi ngượng chín người.
Buổi quay phim kéo dài trong nhiều giờ, từng người riêng biệt nên tôi không rõ Ông B, Anh Sáu Công nói những gì và bằng ngôn ngữ nào, nhưng với tôi, vốn liếng tiếng Mỹ đong không đầy bàn tay, chỉ đủ giao tiếp hằng ngày, còn trình bày vấn đề quan trọng này thì tôi xin nói bằng tiếng Việt và cô Thúy Lan dịch lại cho Mr Douglas nghe.
Đã từ lâu tôi muốn kể chuyện “Mậu Thân và Ông Sáu Lèo” cho độc giả nghe, kể từ đầu tới đuôi, nhưng chưa có cơ hội, nay nhân dịp truyền thông Mỹ, Ông Douglas muốn biết thì bao nhiêu chất chứa bấy lâu nay như tự động tuôn ra, không cần suy nghĩ không cần đắn đo. Tôi nói như đang nhìn thấy khói lửa mịt mù Mậu Thân 68 ở khu vực chùa Ấn Quang Chợ Lớn, như nhìn thấy Ông Sáu Lèo và Bảy Lốp, tai như đang nghe đạn nổ đì dùng. Nhiều lúc cao hứng, tôi vừa nói vừa vung tay như ra lệnh cho binh sĩ  tấn công vào mục tiêu khiến Ông Douglas Sloan ngơ ngác vì cô Thúy Lan phiên dịch không kịp, nên Ông Douglas thường ra dấu cho tôi “Stop talking” để ông đặt câu hỏi.
       Vì quay phim nên mọi động tác phải phù hợp với chuyên môn và thời gian nên họ stop tôi là đúng, nhưng đối với tôi thì đây lại là một trở ngại lớn khiến tôi không nói được, chưa nói hết những điều cần phải nói, thôi thì tôi đành phải viết ra giấy kể đầu đuôi để tường trình cùng độc giả và may ra góp thêm được chi tiết nào có thể trả lại sự công bằng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.
                                  ***
       Trước tiên là xin nhắc qua về Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TĐ2/TQLC) tham dự trận chiến Mậu Thân tại Saigòn:
       Vào giờ phút thiêng nhất của đân tộc Viêt Nam, đêm giao thừa Tết Nguyên Đán Mậu Thân 1968, VC vi phạm lệnh hưu chiến, đem quân đánh chiếm nhiều thành phố miền Nam VN, trong đó có Sài Gòn! Sáng Mồng Một Tết, TĐ2/TQLC được trực thăng Chinook bốc từ Cai Lậy rồi đổ quân xuống ngay sân cờ của Bộ Tổng Tham Mưu. Sau một ngày, một đêm giải tỏa xong các toán đặc công VC đã xâm nhập vào BTTM thì TĐ2/TQLC được tăng cường cho Tổng Nha Cảnh Sát, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan để thanh toán VC đang chiếm khu vực chùa Ấn Quang.
       Khi chúng tôi đến nơi thì thấy súng nổ giữa Cảnh Sát Dã Chiến và VC, khói lửa ngút trời, đồng bào đang tìm cách thoát ra khỏi vùng lửa đạn. Trong tình trạng hoảng loạn, họ mang theo bất cứ thứ gì có thể cầm tay như manh chiếu, cái chổi, cái nồi mà quên tài sàn quý giá. Tài sản quý giá nhất của đồng bào là con người đã bị VC cướp mất, đó đây, những xác người nằm bên vũng máu!
       Đại Đội 1 của tôi và Đại Đội 4 của Đại Úy Vũ Đoàn Dzoan được lệnh bao quanh khu vực các con đường Bà Hạt, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn, Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương v.v.. để xiết chặt vòng vây quanh chùa Ấn Quang, nơi VC cố thủ.
       Vì khu vực có dân nên chúng tôi không được phép dùng pháo binh hay không quân mà chỉ có vũ khí cá nhân để tiến vào nơi địch đang cố thủ trong những căn nhà kiên cố nên đành “châp nhận thương đau”, vài đồng đội đã nằm xuống! Sau nhiều giờ kiên trì kêu gọi địch đầu hàng và dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói (không sát thương, nhưng cay mắt, khó thở) khiến toán VC trong chùa Ấn Quang buộc phải nhảy qua tường bỏ trốn.
 Trung Đội 41/ĐĐ4 của Th/Úy KCC đã bắt được vài tên, trong đó có một tên mang súng lục K54 (loại súng của cấp chỉ huy), trong người hắn còn dấu bản đồ có vẽ những vị trí quan trọng trong thành phố Saigon cần phải đánh. Biết đây là tên chỉ huy nguy hiểm, tên gây chết chóc khu vực chùa Ấn Quang và sẽ còn những nơi khác nữa nên Th/Úy KCC vội giải giao hắn lên Ban 2 Tiểu Đoàn và Tr/Tá TĐT/TĐ2 giao tên này cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, đang chỉ huy cuộc hành quân tại đây, để kịp thờiđiều tra ngăn chặn âm mưu đánh chiếm của chúng ở những nơi khác. Tên chỉ huy này chính là đặc công, là khủng bố Nguyễn Văn Lém, tự Bẩy Lốp. Hắn đã bị Tướng Loan bắn.
Khi nhìn tấm hình Tướng Loan và Bảy Lốp, trước đây nhiều người cũng có câu hỏi tương tự như Ông Douglas hỏi tôi trong những lần tiếp xúc này:
-Vì sao Ông Loan lại bắn Bảy Lốp khi hắn đã bị bắt, ông có thấy không?
Tôi hiểu ý Ông Douglas muốn tìm một sự thật rõ rng trong vụ này để trả lại “công bằng” cho Tướng Loan nên tôi cũng phải nói thật, không vì bênh vực cho ai mà nói sai tình hình tại chỗ lúc đó:
Việc dí súng dọa bắn một tù binh để khai thác tin tức là chuyện bình thường nơi chiến trường, nên khi nghe tiếng súng nổ ai nấy đều ngạc nhiên giật mình. Tr/Tá TĐT/TĐ2 NVĐ là người giải giao Bảy Lốp cho ông Tướng, nhưng không biết tại sao Bảy Lốp lại bị bắn, vì sự việc xẩy ra nhanh quá.
Tôi đứng trong đám đông xung quanh Bảy Lốp, đang nói chuyện với anh Trương Tấn Bảo, nhiếp ảnh gia phòng Giảo Nghiệm của Tổng Nha Cảnh Sát, (Anh Bảo luôn đi theo Ông Tướng để chụp hình thời sự), thì bất ngờ nghe tiếng nổ, cả hai quay lại thấy... nhưng không biết vì sao Ông Sáu Lèo lại bắn, sự việc xảy ra quá nhanh, nhanh như một tai nạn. Chẳng bao giờ có cái vụ: “Ông Loan mời báo chí đến chứng kiến phiên tòa xử tội...” như một số cây viết tưởng tượng ra cho có vẻ lâm ly bi đát, tàn ác dã man kiểu “tòa án nhân dân”. Sự thật chỉ là một tiếng nổ bất ngờ và một người ngã xuống như hằng chục anh em TQLC của tôi ngã xuống, như hằng trăm người dân ngã xuống giữa hai làn đạn giao tranh trong đó có nhiếp ảnh gia Trương Tấn Bảo**

No comments:

Post a Comment