Friday, October 13, 2017

Độc lập của người Kurd: Iraq với nước cờ tiến thoái lưỡng nan

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 12-10 tuyên bố quân đội nước này sẽ không tiến hành cuộc chiến chống lại người dân của mình, bao gồm cả người Kurd, đồng thời cam kết bảo vệ sự thống nhất của quốc gia Trung Đông. 
ảnh 1Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi (bên trái) sẽ không đối đầu quân sự với cộng đồng người Kurd do ông Massud Barzani lãnh đạo
Đã gần một tháng trôi qua kể từ thời điểm được coi là “cuộc địa chấn” ở Iraq, khi chính quyền tự trị người Kurd tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Trung ương và cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Baghdad đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm mọi chuyến bay quốc tế đến các sân bay của người Kurd kể từ ngày 30-9 và hối thúc các quốc gia có biên giới với vùng lãnh thổ này như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới cũng như ngừng giao thương với vùng tự trị này. 
Trong cuộc họp với chính quyền tỉnh Anbar và một số thủ lĩnh bộ lạc, Thủ tướng Abadi cho rằng “nhiệm vụ của Chính phủ là bảo toàn sự thống nhất đất nước, thực thi Hiến pháp và bảo vệ công dân cũng như sự thịnh vượng của quốc gia”. Có nhiều lý do để chính quyền Iraq lựa chọn giải pháp ngoại giao trừng phạt, thay vì xung đột quân sự.
Thứ nhất, về tiềm lực quân sự, Iraq đã suy yếu sau nhiều năm chìm trong nội chiến đẫm máu. Các lực lượng Iraq và người Kurd đã thành công trong nỗ lực đẩy lùi IS tháo chạy khỏi thành trì Mosul ở miền Bắc Iraq hồi tháng 7 sau chiến dịch ròng rã 9 tháng liền, song các phần tử cực đoan vẫn kiểm soát những ổ phục kích tại Iraq và khá thành thục khi lợi dụng những khoảng trống chính trị. Nếu xung đột với người Kurd nổ ra, Iraq sẽ mất đi một đồng minh khá mạnh.
Thứ hai, xung đột với cộng đồng người Kurd chính là xung đột với Mỹ, quốc gia bảo trợ hàng đầu của Iraq. Khi quân đội quốc gia Iraq được Mỹ huấn luyện (với chi phí tới 25 tỷ USD) vứt vũ khí và bỏ chạy vào năm 2014, các tay súng dòng Shiite lại tỏ ra quá yếu để lấp chỗ trống, Tổng thống Mỹ lúc này là Barack Obama đã đưa thêm quân Mỹ vào Iraq để cứu quốc gia vùng Vịnh đang bị IS đe dọa. Lực lượng người Kurd ở Iraq lúc này được coi là đông đảo nhất. Mỹ hỗ trợ vũ khí và tài chính cho người Kurd, nuôi lực lượng này lớn mạnh để giúp chính quyền Iraq chống IS và tiếp đó là ở Syria. Đó là một sự thực dụng về chiến lược đem lại hiệu quả.
Thứ ba, sâu xa hơn, người Kurd ở Iraq giúp Mỹ duy trì thế đối trọng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Trung Đông. Khoảng 30 triệu người Kurd hiện chủ yếu sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq - giữa biên giới của các quốc gia này sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9 vừa qua diễn ra tại khu tự trị người Kurd ở Iraq, nhưng nó đã làm dấy lên hồi chuông báo động không chỉ ở Baghdad mà còn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vốn cũng lo sợ về hành động ly khai trong cộng đồng người Kurd ở hai nước này. Vì thế, Mỹ sẽ không để cho Iraq hay Iran cũng như Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa chống người Kurd mặc dù Washington phản đối việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này.
Thứ tư, nhân tố chính khiến khái niệm độc lập của người Kurd không thể chấp nhận với Chính quyền Trung ương Iraq là “dầu mỏ”. Miền Đông Bắc Iraq - nơi hầu hết người Kurd tại Iraq sinh sống - có trữ lượng dầu mỏ lớn. Thứ năm, việc xung đột quân sự với người Kurd có khả năng sẽ làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vốn lên nắm quyền hồi năm 2014 với những cam kết thống nhất đất nước, trước thềm các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra năm 2018.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể giúp củng cố sức mạnh cho những người theo đường lối cứng rắn như cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, người được cho là đang tìm cách quay trở lại vũ đài chính trị, cũng như những nhóm và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.

No comments:

Post a Comment