Wednesday, October 4, 2017

Nhà vua Tây Ban Nha tìm cách ngăn "cơn bão" ly khai

ảnh 1Nhà vua Tây Ban Nha chỉ trích mạnh mẽ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalonia ngày 3-10-2017 
Trong bài diễn văn, Nhà vua Felipe VI nhấn mạnh “cách hành xử vô trách nhiệm” của các lãnh đạo Catalonia đã làm tổn hại sự hòa hợp xã hội của vùng tự trị, “đặt bản sắc xã hội của Catalonia và toàn bộ Tây Ban Nha vào vòng nguy hiểm”. Nhà vua Felipe VI cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự Hiến pháp cũng như nền dân chủ và pháp quyền, nhấn mạnh cam kết của mình trên cương vị Nhà vua đối với “sự thống nhất và trường tồn của Tây Ban Nha”. 
“Cơn bão Catalonia” đổ bộ Tây Ban Nha ngày 1-10, khi 2,26 triệu cử tri vùng đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, bất chấp sự phản đối dữ dội của chính quyền Trung ương. Kết thúc cuộc bỏ phiếu, ngày 2-10, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố trên truyền hình: “90% cử tri Catalonia đã nói “đồng ý” và người dân xứ này đã giành quyền độc lập để thành lập một nước Cộng hòa”. Thực chất, đây là nấc thang mới trong lịch sử đầy biến động của mối quan hệ phức tạp này.
Cơn bão thực ra đã manh nha từ thế kỷ 15. Đến thế kỷ 19, trên đà mất hàng loạt thuộc địa, người Tây Ban Nha lần lượt từ bỏ chủ quyền ở các mảnh đất xa xôi như Cuba, Puerto Rico, Guam. Thất vọng và phẫn nộ, giới thượng lưu Catalonia sử dụng tinh thần dân tộc làm đòn bẩy tạo đối trọng với giới ưu tú còn lại của Tây Ban Nha. Đến những năm 2000, có một sự giao thoa các hiện tượng chính trị, kinh tế.
Ông Jose Luis Zapatero lên lãnh đạo Chính phủ Tây Ban Nha hồi năm 2004, cam kết xem xét lại các quy chế tự trị của một số vùng. Theo đó, tháng 3-2006, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua quy chế mới tăng quyền tự trị cho Catalonia, xác định vùng này như một “quốc gia” bên trong Nhà nước Tây Ban Nha.
Đến tháng 7-2006, Đảng Nhân dân đối lập do ông Mariano Rajoy lãnh đạo phản đối quy chế mới và kiện lên Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha. Tháng 6-2010, Tòa Bảo hiến hủy một phần quy chế tự trị của Catalonia. Diễn biến căng thẳng tiếp nối tới năm 2012 khi Thủ tướng Mariano Rajoy từ chối thương lượng với Chủ tịch vùng Catalonia Artur Mas về quyền tự quyết của vùng.
Tháng 11-2014, Catalonia lần đầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, nhưng bị coi là chống lại Hiến pháp với 80% người bỏ phiếu (khoảng 8 triệu dân Catalonia) ủng hộ độc lập. Năm 2015, Nghị viện Catalonia với đa số thuộc về các đảng chủ trương đòi độc lập thông qua nghị quyết tuyên bố khởi động tiến trình thành lập “Nhà nước Catalonia độc lập theo hình thái Cộng hòa”, chậm nhất là vào năm 2017. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã bác bỏ nghị quyết đó. Năm 2016, ông Carles Puigdemont, một nhân vật chủ trương độc lập từ lâu nay, trở thành Chủ tịch vùng và quyết tâm biến ước mơ của Catalonia thành hiện thực với cuộc trưng cầu dân ý hôm 1-10.
Cuộc đọ sức thêm căng thẳng từng ngày. Chính phủ Trung ương huy động mọi nỗ lực để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu. Họ huy động hàng nghìn cảnh sát, sử dụng cả các biện pháp mạnh như bắt bớ, cấm đoán. Nhưng chính quyền vùng Catalonia vẫn tỏ rõ quyết tâm.
Thách thức thực sự đối với Madrid và Barcelona chỉ bắt đầu từ ngày 2-10 trước một loạt sự lựa chọn. Chính quyền vùng Catalonia có thể đơn phương tuyên bố độc lập, nhưng điều này có khả năng buộc Madrid đình chỉ quyền tự trị của Catalonia và giải tán chính quyền vùng. Lãnh đạo Catalonia cũng có thể từ chức và kêu gọi bầu cử sớm, hy vọng giành được sự ủy thác lớn hơn từ người dân để đòi độc lập. Điều này sẽ chỉ khiến xung đột tiếp diễn và dẫn đến một giai đoạn bất ổn chính trị và pháp lý khác.
Đối với Madrid, các lựa chọn của họ đều rất khó khăn. Chính phủ Trung ương khó có khả năng cho phép cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp bởi Catalonia không thể trở thành tiền lệ cho các vùng khác với làn sóng ly khai lớn mạnh, như xứ Basque. Lựa chọn thứ hai sẽ là sửa đổi Hiến pháp Tây Ban Nha và áp dụng hệ thống liên bang mà ở đó các vùng sẽ có quyền tự trị lớn hơn, đặc biệt trong việc trao quyền tự chủ tài chính hoàn toàn cho Catalonia. Động thái này sẽ khiến Nhà nước Trung ương mất đi khoản tiền quan trọng vì Catalonia hiện đóng góp tới 20% GDP cho Tây Ban Nha.
Nhà vua Felipe VI muốn nối tiếp cha mình, đức Vua Juan Carlos I duy trì được sự thống nhất toàn vẹn của Tây Ban Nha khi dẹp bỏ thành công cuộc đảo chính quân sự năm 1981. Chính quyền Trung ương Tây Ban Nha cũng đang thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu của một số đảng chính trị đối lập khi lợi dụng chiêu bài đòi độc lập của Catalonia để gây bất ổn đất nước. Vì thế, cuộc khủng hoảng Catalonia khiến “bàn cờ chính trị” Tây Ban Nha càng trở nên phức tạp và khó lường.

No comments:

Post a Comment