Wednesday, March 15, 2017

Quyết Chiến Với Dân











Lang thang trên mạng mấy hôm nay lòng tự hỏi, không biết có phải đất nước đang chuyển mình cho một cuộc thay da đổi thịt nữa hay không bởi chưa bao giờ người dân “tự do” đến như thế.

Cứ tạm so sánh với ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì sẽ thấy rằng dân bây giờ tự do hơn nhiều mặc dù vẫn còn hàng ngàn vụ bất công thái quá đối với người dân.
Lúc đó người dân Sài Gòn tuy chào đón một đội quân mới vào tiếp quản với thái độ chừng mực vì nỗi lo lắng đối với đạo quân xa lạ vẫn lảng vảng chung quanh hàng xóm láng giềng của họ, nhưng dù sao những người bộ đội xem rất hiền lành, hơi ngố, và nhất là họ tránh tiếp xúc với người dân đã mang lại chút ít tin cậy vào thời gian đầu, rồi mọi sự dần qua.
Qua với người này nhưng không qua với người khác.

Người dân Sài Gòn biết được cái giá của chiến thắng là học tập cải tạo, là đánh tư sản là kinh tế mới.
Nhưng họ cam chịu bị vây khốn với hy vọng một ngày nào đó đất nước sẽ đổi thay vì dân tộc này đã kéo dài sự bất công quá lâu. Họ im lặng và cúi xuống làm việc vì sinh nhai.
Rồi những thay đổi cũng đến, nhưng chỉ thay chứ không đổi được bức tranh ảm đạm, bất công của đất nước.

Đất nước chuyển mình không xuất phát từ ý chí của nhà cầm quyền mà từ khuynh hướng hội nhập của thế giới vào Việt Nam. Những khu kinh tế mới biến mất thay vào đó là các Khu chế xuất, tập trung hãng xưởng nước ngoài thành lập nhà máy của họ tại Việt Nam. Người dân vui mừng vì cơ hội đổi đời hé ra một tương lai sáng sủa hơn. Những khu đất được đền bù khiến hàng ngàn gia đình lột xác, xe cộ máy móc nhà cửa nổi lên như một dòng cuồng lưu kéo theo hàng triệu con người bỏ ruộng, bỏ vườn hòa vào dòng chảy của các đại gia “hai lúa”. Dòng chảy ấy mau chóng cạn kiệt sau một thời gian ngắn, những nông dân may mắn sau khi tiêu tốn tiền đền bù giải tỏa vào những phung phí của cuộc đổi đời, bị đạp trở lại cột mốc zero của chặng đường làm giàu không cần lao động.

Cho tới thập niên 2010 thì mọi chuyện hình như bước vào giai đoạn mới. Bây giờ là thời của đại gia, thời của Bí thư các loại.
Và bây giờ dân cũng đã không còn im lặng.
Người dân bây giờ tự do khai quật những điều bị cho là cấm kỵ trước đây với hai cái tên điển hình sự cho thối nát của thể chế hôm nay: Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến.

Với tựa đề "Luật sư kinh doanh", Tạp chí Forbes phiên bản Việt số tháng 7/2014 đã có bài viết về Trịnh Văn Quyết, một luật sư ra làm nghề kinh doanh, nhân vật gây chú ý với một loạt thương vụ đầu tư, mua bán bất động sản.
Đại gia tỷ phú đô la lên trang nhất của báo Forbes Việt Nam ngày càng đông. Những cái tên Nguyễn Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết không còn xa lạ như cách đây một thập niên. Họ là những tay kinh doanh bất động sản thành công lớn và tài sản của hai “danh nhân” này tuy được nói là cả tỷ đô la nhưng thực tế bên trong còn hơn thế nữa.

Nếu Nguyễn Nhật Vượng lấy sức mạnh của Vingroup dể thanh toán những mảnh đất màu mỡ nằm trong nội ô các thành phố lớn thì Trịnh Văn Quyết lại chỉa mục tiêu vào các khu du lịch tiềm năng, Không phải tự nhiên mà bạc tỷ chạy vào túi nếu họ kinh doanh bất động sản “hiền lành” như cả triệu người khác. Họ có chiêu, tay phải họ cầm gươm đi “mua đất” tay trái họ cầm cái khiên che chắn mọi chống đối của người dân hay những phát hiện gian trá do truyền thông khui ra.
Họ biết ăn và biết chia. Họ thành công vì đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Dĩ nhiên làm ăn ở Việt Nam là phải biết “bôi trơn”. Từ một chị bán hàng rong cũng phải móc ra năm bảy ngàn cho bọn dân phòng, quản lý thị trường rồi bây giờ là trật từ đường phố. Những đồng tiền nhỏ nhoi và tội nghiệp ấy vẫn hàng ngày được “nhẹ nhàng” gửi cho các anh uống café để chúng em kiếm tiền cho con ăn học.

Đối với trọc phú đỏ, họ có cách khác để chi tiền vừa bài bản, thông minh lại được tiếng là giúp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đó là vẽ dự án, những khu đô thị mới cần phải nổi lên để đẹp mặt thành phố. Phải tạo những khu resort làm mát mặt địa phương đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân. Những bài bản ấy báo chí không lạ, người dân không lạ và dĩ nhiên, lãnh đạo các tỉnh cũng hoàn toàn không lạ.

Vài ngày nay người ta công khai mang những tấm ảnh khó tin phát tán trên mạng xã hội trong đó không ít tấm đã miêu tả dược chân dung của các đại gia làm giàu như thế nào và các quan đầu tỉnh kiếm tiền ra sao, do ai cung cấp.
Liên hệ mật thiết môi răng ấy cho thấy toàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Tả tơi phía sau những khu đô thị hoành tráng vẫn chưa có người ở.

Tấm ảnh chụp ông Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đại gia Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC tươi cười trong một sự kiện khiến cho cả nước cay đắng. Cay đắng vì ông bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đang bị dư luận lôi ra ánh sáng vì cung cấp hàng trăm tỷ cho bồ nhí Trần Vũ Quỳnh Anh.

Còn ông Trịnh Văn Quyết, chủ nhân ông với các “siêu” quần thể khu nghỉ dưỡng và sân golf ở 6 tỉnh, thành chiếm quỹ đất lên tới 4.124 ha, 3.600 phòng khách sạn và hàng nghìn căn biệt thự. Trịnh Văn Quyết trở thành “ông trùm” địa ốc giàu nhất nước.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn thuộc phạm vi do ông Bí thư Trịnh Văn Chiến quản lý trị giá 5.500 tỷ dọc bờ biển Sầm Sơn đã xua đuổi hàng ngàn hộ dân đang sinh họat tại vùng biển này không thể không có sự tiếp tay của ông mà FLC thành công được.
Hai con người ấy kề cận tươi cười chụp hình bên nhau tuy không có giá trị là bằng chứng để truy tố nhưng nó có giá trị của sự liên tưởng, một giá trị tuyệt đối làm cho người dân tỉnh ngộ.

Ông Quyết lấy đâu ra tiền cho gái nếu không kề vai kẹp cổ Trịnh Văn Chiến?
Ông Chiến lấy đâu ra đất để xây resort nếu không cặp cổ ông Quyết dúi những phong bì dười gầm bàn trong những lần gặp gỡ công khai giữa thanh thiên bạch nhật?
Cái tinh thần “quyết chiến” ấy thể hiện trên ánh mắt uất hận của người dân Thanh Hóa. Nó nằm trên các trang mạng xã hội và người dân đã dần biết được câu hỏi “tại sao họ giàu như thế?”

Những đại gia lớn nhất nước Việt luôn là người tin cẩn của hệ thống chính trị Việt Nam. Bất cứ một dự án lớn nào cũng được “nghiên cứu” rất kỹ giữa hai “đối tác”. Từ việc vẽ ra mục đích cho có vẻ hợp với nhu cầu phát triển, cho tới cách tiến hành dự án ấy đều được rà soát kỹ lưỡng cho phù hợp với pháp luật và thủ tục ăn chia với nhau.

Càng giàu thì người ta càng ác. Chính bản thân họ dù sao cũng là con người họ không thế ác như thế nếu phía sau không có những cái đầu điều hành đất nước “ác” hơn.
Đó là định luật phát triển của mafia và dĩ nhiên mafia đỏ vẫn nguy hiểm hơn mafia tư bản nhiều bởi chúng có điều 4 trong hiến pháp.

Ngày hôm qua, có thêm một tấm ảnh khác: người dân Đông Yên lặn lội dưới bầu trời tím tái vì mưa gió để biểu tình chống Formosa vào sáng ngày 11 tháng 3.
Trong cuộc biểu tình ấy người ta mang lên trang mạng xã hội những video clip cho thấy một việc rất mới vừa xảy ra: người dân hô vang dội “đả đảo cộng sản”.

Cái thời người dân lẳng lặng lên xe đi kinh tế mới đã qua, bây giờ họ đã không còn biết sợ. Hình ảnh quan lại cấu kết với các tập đoàn “quyết chiến” với dân đã kích thích sự nổi dậy.
Bắt đầu cuộc nổi dậy nào cũng có khẩu hiệu rất quen thuộc: “đả đảo”.

Chế độ cũ sụp đổ vì những tiếng “đả đảo” giữa lòng Sài Gòn. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng sẽ không thể thoát khỏi sụp đổ từ những tiếng hô đả đảo của người dân bị áp bức giữa miền Trung tang thương ấy.


No comments:

Post a Comment