Thursday, March 2, 2017

Toàn văn diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ

Quốc Hội Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ:
Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, Ngài Phó Tổng Thống, các Dân Biểu, Nghị Sĩ, Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, và người dân Hoa Kỳ:
Tối nay, khi chúng ta đánh dấu sự kết thúc chương trình kỷ niệm Tháng Lịch Sử Người Da Đen, chúng ta được nhắc nhở về hành trình Quốc Gia đi đến dân quyền, và những công việc vẫn còn dang dở. Những đe dọa gần đây nhắm vào các Trung Tâm Cộng Đồng Do Thái và sự phá hoại các nghĩa trang của người Do Thái, cùng vụ bắn người tại Kansas City tuần rồi, nhắc nhở chúng ta rằng, trong khi Quốc Gia này có thể bị chia rẽ về mặt chính sách, chúng ta vẫn là một đất nước đoàn kết trong việc lên án sự thù ghét và độc ác ở bất cứ hình thức nào.
Từng thế hệ người Mỹ chuyển giao ngọn đuốc của sự thật, tự do và công lý – trong một hành trình liên tục, đến cho thế hệ hôm nay.
Ngọn đuốc ấy nay trong tay chúng ta. Chúng ta sẽ dùng ngọn đuốc này để thắp sáng thế giới. Tôi có mặt tại đây hôm nay để gởi đến thông điệp của thống nhất và sức mạnh, và thông điệp ấy đến từ nơi sâu thẳm trong trái tim tôi.
Một chương mới về Sự Vĩ Đại Hoa Kỳ đang bắt đầu từ giây phút này.
Một niềm hãnh diện quốc gia mới đang lan tỏa khắp nơi trên đất nước này.
Và sự trỗi dậy của niềm lạc quan đang đặt những giấc mơ bất khả thi nằm gọn trong tầm với của chúng ta.
Những gì chúng ta đang làm nhân chứng hôm nay chính là Sự Tái Tạo của Tinh Thần Hoa Kỳ.
Các đồng minh của chúng ta sẽ thấy, rằng Hoa Kỳ, một lần nữa, sẵn sàng trong vai trò lãnh đạo.
Mọi quốc gia trên thế giới này – bạn hay thù – sẽ nhìn nhận rằng Hoa Kỳ nghĩa là sức mạnh, Hoa Kỳ nghĩa là sự tự hào, và Hoa Kỳ chính là tự do.
Chín năm nữa, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 250 năm ngày lập quốc – 250 năm từ ngày chúng ta tuyên bố độc lập.
Thời điểm ấy sẽ là một trong những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử thế giới.
Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ trông như thế nào khi chúng ta bước vào năm thứ 250 ấy?
Chúng ta sẽ để lại một đất nước như thế nào cho con, cháu chúng ta?
Tôi sẽ không cho phép những sai lầm trong vài thập niên qua lại trở thành sự dẫn hướng con đường chúng ta đi trong tương lai.

Đã lâu quá rồi, chúng ta nhìn thấy sự co cụm của tầng lớp trung lưu trong khi chúng ta xuất khẩu công ăn việc làm và sự thịnh vượng ra nước ngoài.
Chúng ta bỏ tiền ra và xây dựng hết dự án toàn cầu này đến dự án toàn cầu nọ, trong khi đó lại làm ngơ về số phận của trẻ em chúng ta trong các thành phố nội đô, như Chicago, Baltimore, Detroit – và rất nhiều nơi chốn khác trên khắp đất nước chúng ta.
Chúng ta ra sức bảo vệ biên giới các quốc gia khác, trong khi bỏ ngỏ biên giới của chính mình, để ai muốn băng qua cũng được – kéo theo ma túy ào ạt đổ vào, hiện ở mức cao chưa từng có.
Và chúng ta đã chi tiêu hàng ngàn tỷ Mỹ kim ở hải ngoại, trong khi hạ tầng cơ sở ngay ở quốc nội xuống cấp trầm trọng.
Thế rồi, đến năm 2016, thế giới thay đổi dưới chân chúng ta. Sự nổi loạn bắt đầu dưới hình thức biểu tình thầm lặng, được các gia đình mọi chủng tộc, mọi tín ngưỡng, đề cập đến. Những gia đình này chỉ mong muốn sự công bằng cho con cái họ, cùng sự lắng nghe thật tình trước những quan ngại của họ.
Nhưng rồi những tiếng nói thầm lặng trở thành dàn đồng ca đầy thanh âm – khi hàng ngàn công dân bắt đầu cùng nhau lên tiếng, từ các thành phố lớn, nhỏ, trên khắp đất nước.
Cuối cùng, dàn đồng ca ấy trở thành cơn địa chấn – với số người lên đến hàng chục triệu, và họ đoàn kết với nhau ở một yêu cầu, rất đơn giản nhưng rất quan trọng: Hoa Kỳ phải đặt công dân của mình lên hàng ưu tiên số một … bởi vì, chỉ đến khi ấy chúng ta mới thật sự LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI.
Những ngành công nghiệp đang chết dần chết mòn sẽ lên tiếng, hồi sinh. Các cựu chiến binh anh hùng sẽ được cung cấp sự chăm sóc mà họ cần trong tuyệt vọng từ trước đến nay.
Quân đội chúng ta sẽ được trang bị tài nguyên xứng đáng cho các chiến binh dũng cảm.
Cơ sở hạ tầng nát bét sẽ được thay thế bằng các đại lộ mới, những chiếc cầu mới, các đường hầm mới, các sân bay và đường xe lửa mới, soi rọi đất nước xinh đẹp của chúng ta.
Căn bệnh ma túy trầm kha của chúng ta sẽ chậm lại, và chấm dứt, tối hậu.
Các các thành phố nội đô bị lơ là bao lâu nay sẽ chứng kiến sự hồi sinh của hy vọng, của sự an toàn, và của cơ hội.
Trên tất cả, chúng ta sẽ giữ lời hứa của chúng ta với người dân Hoa Kỳ.
Tôi nhậm chức chỉ mới hơn một tháng, và tôi muốn dùng thời khắc này để cập nhật với quốc gia về sự tiến triển mà tôi đã đạt được để giữ lời hứa của mình.
Từ ngày đắc cử đến nay, Ford, Fiat-Chrysler, General Motors, Sprint, Softbank, Lockheed, Intel, Walmart, và nhiều công ty khác, đã tuyên bố sẽ đầu tư hàng tỷ Mỹ kim ngay trong nước Mỹ và sẽ tạo thêm hàng chục ngàn công ăn việc làm mới cho nước Mỹ.
Thị trường chứng khoán gia tăng giá trị gần ba ngàn tỷ Mỹ kim kể từ ngày bầu cử 8 Tháng 11, một kỷ lục. Chúng ta đã tiết kiệm được hàng trăm triệu Mỹ kim bằng cách hạ giá phản lực cơ F-35 mới, và sẽ tiết kiệm thêm hàng tỷ Mỹ kim từ các hợp đồng trong toàn bộ hệ thống công quyền. Chúng ta đã ra lệnh không thuê mướn thêm bất cứ ai không trong lãnh vực quân sự và không thực sự cần thiết cho Liên Bang.
Chúng ta đã bắt đầu quét dọn vũng lầy tham nhũng của chính phủ bằng cách ra lệnh cấm các quan chức ngành Hành Pháp không được vận động hành lang trong 5 năm; và cấm vĩnh viễn không được làm người vận động hành lang cho chính phủ nước ngoài.

Chúng ta cũng có một nỗ lực lịch sử, giảm bớt rất nhiều rào cản luật lệ khiến không thể tạo ra công ăn việc làm, đồng thời lập ra các nhóm đặc nhiệm nới lỏng luật lệ ngay trong mọi cơ quan chính phủ; ra luật mới rằng hễ cứ tạo ra thêm một nguyên tắc mới thì phải bỏ đi hai nguyên tắc cũ; và chấm dứt một nguyên tắc vốn mang tính đe dọa tương lai và đời sống của các công nhân khai thác mỏ than của chúng ta.
Chúng ta cũng đã mở đường cho sự xây dựng đường ống Keystone và Dakota – vậy là tạo ra thêm hàng chục ngàn việc làm – và tôi sẽ chỉ thị là các đường ống dẫn dầu mới trong nước Mỹ sẽ phải dùng thép của Mỹ.
Chúng ta cũng đã rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định hủy hoại việc làm – TPP.
Với sự hỗ trợ của thủ tướng Justin Trudeau, chúng ta đã thiết lập một Ủy Hội tại Canada với các nước láng giềng, bảo đảm trợ giúp các nữ doanh gia được truy cập vào hệ thống, thị trường và vốn mà họ cần để bắt đầu một doanh nghiệp mới và thực hiện giấc mơ tài chánh của mình.
Để bảo vệ công dân mình, tôi đã chỉ thị Bộ Tư Pháp thành lập Đội Đặc Nhiệm Giảm Thiểu Tội Ác Bạo Lực.
Chưa hết, tôi cũng đã ra lệnh Bộ Nội An, Bộ Tư Pháp, cùng Bộ Ngoại Giao và Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia, phối hợp trong một chiến lược lớn, phá vỡ các nhóm tội phạm trên đất nước chúng ta.
Chúng ta sẽ chấm dứt ma túy chảy vào đất nước mình, đầu độc tuổi trẻ mình – và chúng ta sẽ mở rộng chương trình cai nghiện cho những người đã đi vào con đường nghiện ngập.
Cùng lúc, Chính Phủ tôi sẽ trả lời những yêu cầu của người dân Mỹ đối với việc thi hành di trú và an ninh biên giới. Với việc thực thi luật di trú, chúng ta sẽ tăng lương, giúp người thất nghiệp, tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim, biến các cộng đồng của chúng ta trở nên an toàn hơn cho mọi người. Chúng ta muốn mọi người Mỹ thành công – nhưng điều ấy là bất khả thi trong một môi trường điên đảo không luật pháp. Chúng ta phải tái tạo sự thống nhất và nguyên tắc luật pháp tại biên giới của chúng ta.
Vì lý do đó, chúng ta sẽ sớm bắt đầu xây dựng một bức tường dài dọc biên giới với quốc gia láng giềng ở phía Nam. Chúng ta sẽ bắt đầu sớm, và một khi hoàn tất, đây sẽ là vũ khí vô cùng hữu hiệu chống lại ma túy và tội ác.

Trong khi chúng ta đang nói đây, chúng ta cũng đang xóa sổ các tay du đãng, các tay buôn bán ma túy và tội phạm, vốn là giới đã đe dọa các cộng đồng chúng ta và săn mồi trên các công dân chúng ta.
Bất cứ vị nào trong Quốc Hội không tin rằng chúng ta nên thi hành luật pháp của chúng ta, tôi xin hỏi câu hỏi này: Quý vị sẽ nói gì với gia đình Mỹ mất công ăn việc làm, mất thu nhập, hoặc mất một người thân, chỉ vì nước Mỹ từ chối thi hành luật pháp và bảo vệ biên giới?
Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ, bảo bọc, và bảo vệ công dân Hoa Kỳ. Chúng ta cũng sẽ tiến hành các biện pháp mạnh để bảo vệ Quốc Gia trước Chủ Nghĩa Khủng Bố của Hồi Giáo Quá Khích.
Theo tài liệu của Bộ Tư Pháp, phần lớn các cá nhân bị kết tội liên quan đến khủng bố từ vụ 9/11 đến nay đến từ bên ngoài nước Mỹ. Chúng ta đã thấy đất nước bị tấn công – từ Boston đến San Bernadino đến Ngũ Giác Đài, và vâng, ngay cả World Trade Center.
Chúng ta đã nhìn thấy những vụ tấn công tại Pháp, tại Bỉ, tại Đức, và tại khắp nơi trên thế giới.

Không phải sự thương cảm, mà là sự tắc trách, đã để xảy ra sự xâm nhập không thể kiểm soát, từ những nơi mà sự rà soát kỹ lưỡng không thể thực hiện được. Những ai được vinh dự để đi vào nước Mỹ cần hỗ trợ đất nước này và yêu mến con người cùng giá trị của đất nước này.
Chúng ta không thể cho phép chủ nghĩa khủng bố làm thành một bàn đạp bên trong nước Mỹ - chúng ta không thể cho phép quốc gia của mình trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ cực đoan.
Đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đã và đang làm việc để cải thiện thủ tục rà soát, và chúng tôi sẽ sớm có những bước đi mới để giữ an toàn cho quốc gia chúng ta - và chặn đứng những kẻ có thể làm hại chúng ta.
Như đã hứa, tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc Phòng xây dựng kế hoạch đánh gục và tiêu diệt ISIS - một mạng lưới những kẻ man rợ vô pháp đã tàn sát người Hồi giáo và Kitô giáo, cũng như những đàn ông, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình, bao gồm cả bạn bè và đồng minh của chúng ta trong thế giới Hồi giáo, để xóa sổ kẻ thù thấp hèn này khỏi hành tinh chúng ta.

Tôi cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các tổ chức, cá nhân trợ giúp cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, và tái khẳng định quan hệ đồng minh không thể phá vỡ của chúng ta với nhà nước Israel.
Cuối cùng, tôi đã giữ lời hứa bổ nhiệm một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ - từ danh sách của tôi gồm 20 thẩm phán - là người sẽ bảo vệ Hiến Pháp của chúng ta. Tôi lấy làm vinh hạnh là bà Maureen Scalia có mặt cùng chúng ta trong phòng họp này tối nay. Phu quân quá cố tuyệt vời của bà, ông Antonin Scalia, mãi mãi sẽ là một biểu tượng của nền tư pháp Mỹ. Để có người ngồi vào vị trí của ông, chúng tôi đã chọn Thẩm phán Neil Gorsuch, một người có những kỹ năng tuyệt vời, và tôn kính pháp luật sâu sắc. Ông đã được Toà Phúc Thẩm nhất trí thông qua, và tôi đề nghị Thượng Viện nhanh chóng phê chuẩn ông.
Đêm nay, vào lúc tôi phác thảo các bước tiếp theo mà chúng ta phải tiến hành với tư cách quốc gia, chúng ta phải thành thật thừa nhận về hoàn cảnh mà chúng tôi thừa kế.
Chín mươi bốn triệu người Mỹ rời khỏi lực lượng lao động.
Hơn 43 triệu người dân đang sống trong nghèo đói, và hơn 43 triệu người Mỹ đang sống nhờ tem phiếu cứu trợ thực phẩm.
Hơn 1/5 số người trong độ tuổi làm việc tốt nhất lại không làm việc.
Chúng ta có tình trạng phục hồi tài chính tồi tệ nhất trong 65 năm qua.
Trong 8 năm qua, chính quyền trước đã tích lũy số nợ mới lớn hơn gần như tất cả các đời tổng thống khác cộng lại.
Chúng ta đã mất hơn 1/4 số công việc ngành sản xuất từ khi NAFTA được phê chuẩn, và chúng ta đã mất 60.000 nhà máy kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của chúng ta với thế giới năm ngoái là gần 800 tỷ đôla.
Và ở nước ngoài, chúng tôi thừa kế một loạt các chính sách đối ngoại bi thảm.
Giải quyết các vấn đề này, và rất nhiều điều cấp bách khác, sẽ đòi hỏi chúng ta vượt qua những khác biệt đảng phái. Nó sẽ đòi hỏi chúng ta khai thác tinh thần Mỹ đã vượt qua mọi thách thức trong suốt lịch sử lâu dài và có bề dày của chúng ta.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của chúng ta trong và ngoài nước, chúng ta phải khởi động lại động cơ của nền kinh tế Mỹ - làm sao cho các công ty kinh doanh dễ dàng hơn tại Hoa Kỳ, và làm cho các công ty khó ra đi hơn.
Ngay bây giờ, các công ty Mỹ phải chịu những mức thuế suất cao nhất so với bất cứ đâu trên thế giới.
Đội ngũ kinh tế của tôi thảo ra chương trình cải cách thuế lịch sử theo đó sẽ giảm thuế suất đối với các công ty của chúng ta để họ có thể cạnh tranh và phát triển ở bất cứ đâu và với bất cứ ai. Đồng thời, chúng tôi sẽ dành ưu đãi thuế rất lớn cho tầng lớp trung lưu.
Chúng ta phải tạo ra sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động Mỹ.
Hiện nay, khi chúng ta vận chuyển sản phẩm ra khỏi nước Mỹ, nhiều quốc gia khác buộc chúng ta phải trả thuế rất cao - nhưng khi các công ty nước ngoài đưa sản phẩm của họ vào Mỹ, chúng ta hầu như không đánh thuế gì đối với họ.
Tôi vừa gặp các lãnh đạo và nhân viên của một công ty Mỹ tuyệt vời, Harley-Davidson. Quả thực, họ đã hãnh diện trưng bày 5 chiếc môtô tuyệt vời của họ, chế tạo tại Mỹ, trên bãi cỏ phía trước Tòa Bạch Ốc.
Tại cuộc họp, tôi hỏi họ về công việc kinh doanh. Họ nói rằng công việc cũng tốt. Tôi hỏi thêm là việc kinh doanh ở các nước khác, chủ yếu là các giao dịch quốc tế, thì như thế nào. Họ nói với tôi - mà không hề phàn nàn vì họ đã bị ngược đãi quá lâu thành ra họ đã quen với điều đó - họ nói là rất khó khăn khi kinh doanh với các nước khác vì người ta đánh thuế hàng hóa của chúng ta với thuế suất rất cao. Họ cho biết có trường hợp một quốc gia khác đánh thuế xe máy của họ với thuế suất 100%.
Họ thậm chí không đòi hỏi thay đổi. Nhưng tôi thì có.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào thương mại tự do, nhưng đó cũng phải là THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG.
Tổng thống đầu tiên đảng Cộng hòa, Abraham Lincoln, cảnh báo rằng "từ bỏ chính sách bảo hộ của Chính phủ Mỹ [sẽ] gây ra khó khăn và có hại cho người dân chúng ta."
Ông Lincoln đã đúng - và giờ là lúc chúng ta chú ý đến lời của ông. Tôi sẽ không để cho nước Mỹ và các công ty và người lao động tuyệt vời của Mỹ bị lợi dụng nữa.
Tôi sẽ mang trở về hàng triệu việc làm. Bảo vệ công nhân của chúng ta cũng đồng nghĩa với cải cách hệ thống của chúng ta về nhập cư hợp pháp. Hệ thống hiện nay đã lỗi thời, kìm hãm tiền lương của những người lao động nghèo nhất của chúng ta, và tạo áp lực rất lớn đối với người đóng thuế.
Các quốc gia trên thế giới, như Canada, Úc và nhiều nước khác - có hệ thống nhập cư dựa trên tính điểm thành tích. Có một nguyên tắc cơ bản là những người tìm cách đi vào một đất nước thì phải có khả năng tài chính để tự nuôi được bản thân. Thế nhưng, tại Mỹ, chúng ta không cưỡng hành nguyên tắc này, gây căng thẳng cho các nguồn lực công cộng mà các công dân nghèo khó nhất của chúng ta dựa vào. Theo Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia, hệ thống di trú hiện tại của chúng ta ngốn nhiều tỷ đô la một năm từ tiền của người đóng thuế Mỹ.
Thay đổi khỏi hệ thống hiện nay cho nhập cư những người có tay nghề thấp, và thay vào đó áp dụng một hệ thống dựa trên tính điểm thành tích, sẽ có rất nhiều lợi ích: nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, tăng lương cho người lao động, và giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn - bao gồm cả các gia đình nhập cư - để họ gia nhập tầng lớp trung lưu.
Tôi tin rằng cải cách nhập cư thực sự và tích cực là khả thi, miễn là chúng ta tập trung vào các mục tiêu sau đây: Để cải thiện việc làm và tiền lương cho người Mỹ, để tăng cường an ninh quốc gia, và để khôi phục lại sự tôn trọng luật pháp. Nếu chúng ta vì phúc lợi chung của công dân Hoa Kỳ thì tôi tin rằng đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ đều có thể cùng nhau thực hiện để đạt được kết quả tốt mà trong nhiều thập kỷ qua chúng ta lẩn tránh.
Dwight D. Eisenhower, một tổng thống Cộng Hòa, đã khởi xướng chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia thực sự vĩ đại - xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang. Đã đến lúc cho một chương trình mới, kiến thiết lại quốc gia.
Mỹ đã chi khoảng 6.000 tỷ USD ở Trung Đông, trong khi ở trong nước thì cơ sở hạ tầng đang đổ nát. Với 6.000 tỷ đô la Mỹ, chúng ta có thể đã xây dựng lại đất nước – gấp hai lần. Và thậm chí, gấp ba lần nếu chúng ta dùng người có khả năng tốt để thương lượng.
Để khởi động chương trình tái kiến thiết quốc gia, tôi sẽ yêu cầu Quốc Hội chấp thuận đạo luật tạo cấp một khoảng đầu tư 1.000 tỷ đôla vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ - tài trợ thông qua các quỹ quản lý vốn cả công và tư - giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Nỗ lực này sẽ được thực hiện dựa trên hai nguyên tắc cốt lõi: Mua hàng Mỹ, và Thuê người Mỹ.
Tối hôm nay, tôi cũng kêu gọi Quốc Hội bãi bỏ và thay thế Obamacare thông qua việc cải cách mở rộng sự lựa chọn, dễ tiếp cận, chi phí thấp hơn, và đồng thời, cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn.
Việc bắt buộc mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế do chính phủ phê duyệt sẽ không bao giờ là giải pháp đúng cho nước Mỹ. Một cách để mang bảo hiểm y tế đến cho tất cả mọi người là giảm chi phí bảo hiểm y tế, và đó là những gì chúng tôi sẽ làm.
Phí bảo hiểm Obamacare đã gia tăng gấp đôi và tính bằng hàng trăm đôla trên toàn quốc. Ví dụ, bang Arizona tăng phí 116 % trong năm ngoái. Thống đốc bang Kentucky Matt Bevin nói Obamacare đang thất bại trong tiểu bang của ông - nó không bền vững và đang sụp đổ.
Một phần ba các quận chỉ có một công ty bảo hiểm có giao dịch - khiến nhiều người Mỹ không có sự lựa chọn nào khác.
Hãy nhớ lại lúc bạn nghe được hứa rằng bạn có thể giữ được bác sĩ, và giữ được chương trình bảo hiểm của bạn?
Bây giờ chúng ta biết rằng tất cả những lời hứa đó đã bị phá vỡ.
Obamacare đang sụp đổ - và chúng ta phải hành động dứt khoát để bảo vệ tất cả người Mỹ. Hành động không phải là một sự lựa chọn - đó là một điều cần thiết.
Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả đảng viên Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội hãy cùng làm việc với chúng tôi để cứu người Mỹ không bị rơi vào thảm họa Obamacare đang nổ tung.
Dưới đây là những nguyên tắc giúp định hướng cho Quốc Hội khi chúng ta tiến hành tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho tất cả người Mỹ:
Thứ nhất, chúng ta phải bảo đảm rằng người Mỹ đã mắc bệnh từ trước phải được bảo hiểm, và chúng ta có một sự chuyển đổi ổn định cho người Mỹ hiện đang tham gia trong các chương trình giao dịch chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, chúng ta nên giúp người Mỹ mua bảo hiểm riêng của họ, thông qua việc sử dụng các khoản tín dụng thuế và tài khoản tiết kiệm y tế mở rộng - nhưng nó phải là chương trình bảo hiểm mà người dân muốn, chứ không phải là chương trình mà chính phủ buộc người dân phải mua.
Thứ ba, chúng ta nên cung cấp cho các thống đốc bang các nguồn lực và sự linh hoạt mà họ cần với chương trình Medicaid để bảo đảm không ai bị bỏ sót.
Thứ tư, chúng ta nên thực hiện cải cách pháp lý để bảo vệ cả bệnh nhân và các bác sĩ không bị tăng chi phí khám chữa bệnh không cần thiết - và hợp tác cùng nhau để giảm giá thuốc cao một cách nhân tạo, và giảm ngay lập tức.
Cuối cùng, đã đến lúc cho người Mỹ được tự do mua bảo hiểm y tế trên các tiểu bang - tạo ra một thị trường quốc gia thực sự cạnh tranh giúp giảm chi phí và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn.
Tất cả mọi thứ bị hỏng ở nước ta đều có thể được chỉnh sửa. Mọi vấn đề có thể được giải quyết. Và mỗi gia đình bi tổn thương đều có thể được chữa lành, và hy vọng.
Các công dân của chúng ta xứng đáng được hưởng điều này, và nhiều hơn nữa - vậy tại sao không tham gia cùng các lực lượng của chúng tôi thực hiện điều này? Về vấn đề này và còn rất nhiều thứ khác nữa, đảng viên Dân Chủ và đảng viên Cộng Hòa nên hợp tác với nhau và đoàn kết vì lợi ích của đất nước chúng ta, và vì lợi ích của người dân Mỹ.
Chính quyền của tôi muốn làm việc với các thành viên lưỡng viện để làm cho chương trình chăm sóc trẻ dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, để giúp các phụ huynh được trả lương khi chăm sóc con cái, đầu tư vào sức khỏe của phụ nữ, và tăng cường không khí sạch và nước sạch, và để xây dựng lại nền quốc phòng và cơ sở hạ tầng.
Tình yêu đích thực dành cho nhân dân đòi hỏi chúng ta phải tìm thấy điểm chung, để thúc đẩy lợi ích chung, và hợp tác vì mỗi trẻ em Mỹ, những người xứng đáng có một tương lai tươi sáng hơn.
Người thiếu nữ trẻ có mặt với chúng ta tối nay ai sẽ cho chúng ta thấy một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.
Hôm nay là ngày bệnh hiếm, và tham gia với chúng tôi là bệnh nhân bị bệnh hiếm, Megan Crowley. Megan được chẩn đoán bị bệnh Pompe, một bệnh hiếm gặp và nguy hiểm, khi ấy em mới 15 tháng tuổi. Nhiều người nghĩ rằng em không thể sống quá 5 năm tuổi.
Khi biết được tin này, anh John, cha của Megan, đã chiến đấu với tất cả mọi thứ để cứu lấy cuộc sống quý giá của con gái mình. Ông thành lập một công ty để tìm phương cách chữa bệnh, và giúp phát minh ra loại thuốc sau đó cứu sống Megan. Hôm nay Megan đã tròn 20 tuổi - và là sinh viên năm thứ hai tại trường Notre Dame.
Câu chuyện của Megan là về sức mạnh tình cảm vô biên của một người cha với con gái.
Nhưng quá trình phê duyệt chậm chạp và mang nặng tính hành chính của chúng ta tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã ngâm nhiều phát minh như thế, giống như loại thuốc đã cứu sống Megan, không đến được tay bệnh nhân.
Nếu chúng ta cắt giảm những hạn chế, không chỉ ở FDA nhưng cả trong Chính phủ, rồi thì chúng ta sẽ được ban phước lành với nhiều phép lạ như Megan.
Trong thực tế, con em chúng ta sẽ lớn lên trong một quốc gia của những phép lạ.
Nhưng để đạt được điều này trong tương lai, chúng ta phải làm phong phú thêm tâm hồn của mọi trẻ em Mỹ.
Giáo dục là vấn đề quyền dân sự trong thời đại chúng ta.
Tôi kêu gọi các nghị sĩ của cả hai đảng thông qua dự luật giáo dục sẽ cấp ngân sách cho các trường học có chương trình hỗ trợ cho học sinh với hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hàng triệu trẻ em người Mỹ gốc Phi và gốc Châu Mỹ La tinh. Các gia đình được quyền tự do chọn lựa trường học cho con em của mình -- trường công, trường tư, trường nội trú, trường điểm, trường đạo hay ngay cả giáo dục tại nhà.
Tham dự với chúng ta hôm nay tại hội trường này có một phụ nữ đáng chú ý – đó là cô Denisha Merriweather. Ở tuổi thơ ấu Denisha có hoàn cảnh rất khó khăn khi đi học và phải ở lại lớp 3 đến hai lần. Nhưng rồi Denisha đã xin vào học tại một trường tư được trợ cấp bằng học bỗng của chương trình tín dụng thuế. Hôn nay, Denisha là người đầu tiên trong gia đình của cô tốt nghiệp – không những trung học mà cả đại học. Trong năm nay Denisha sẽ lấy bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội.
Chúng tôi muốn tất cả trẻ em sẽ vượt qua được cái vòng luẩn quẩn của nghèo khổ như trường hợp của cô Denisha.
Nhưng để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn nghèo đói đó, chúng ta phải đập tan cái vòng bạo động trước.
Tỉ lệ giết người trong năm 2015 tăng lên đến mức cao nhất trong một năm so trong gần nửa thế kỷ qua.
Tại Chicago, chỉ riêng trong năm qua có hơn 4.000 bị bắn chết, và tỉ lệ giết người tính đến thời điểm này trong năm nay thậm chí còn cao hơn.
Điều này không thể chấp nhận được trong xã hội của chúng ta.
Mỗi đứa trẻ ở Mỹ phải được lớn lên trong một môi trường cộng đồng an toàn, được học hành tại những trường học tốt, và có điều kiện tìm được việc làm lương cao.
Nhưng để xây dựng được tương lai đó cho nước Mỹ, chúng ta phải hợp sức – không phải chống lại – mà hợp sức với các nhân viên thực thi công lực của chúng ta.
Chúng ta phải bắt những nhịp cầu kết nối sự hợp tác và lòng tin – chứ không phải ra sức gây bất hòa và chia rẽ.
Cảnh sát là những người thân trong cộng đồng của chúng ta. Họ là bạn hữu là láng giềng, họ là những người cha, những người mẹ, và là con cái trong cộng đồng – mỗi ngày họ đi làm nhiệm vụ, để lại người thân của họ ở nhà trong nỗi lo lắng không biết họ có an toàn về lại nhà hay không.
Chúng ta phải ủng hộ các nhân viên thực thi công lực tuyệt vời đó.
Chúng ta phải chia sẻ với các nạn nhân của tội phạm.
Tôi đã ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa lập văn phòng chăm lo cho các nạn nhân. Văn phòng đó tên là VOICE – viết tắt của cụm từ Nạn nhân của tội phạm do di dân dây ra. Chúng tôi lên tiếng cho những người bị truyền thông báo chí lãng quên, và bị giới đặc quyền bóp nghẹt tiếng nói.
Tham dự với chúng ta hôm nay tại hội trường này có bốn người Mỹ thật quả cảm bị chính phủ của họ lãng quên.
Đó là bà Jamiel Shaw, Susan Olover, Jenna Olover và Jessica Davis.
Đức con trai 17 tuổi của Jamiel đã bị một tên côn đồ là di dân bất hợp pháp theo băng đảng tội phạm giết chết một cách dã man, và tên côn đồ đó vừa ra khỏi tù. Jamiel Shaw Jr. là một thanh niên tuyệt vời, có năng lực, đang chuẩn bị bước vào đại học và cũng sẽ là một trung phong tổ chức tấn công (quaterback) xuất sắc của đội bóng bầu dục của trường. Nhưng cậu ấy chẳng bao giờ có được cơ hội ấy nữa. Cha của cậu thanh niên ấy, đang ngồi trong hội trường với chúng ta hôm nay, đã trở thành một người bạn thân của tôi.
Và bà Susan Oliver và Jessica Davis – chồng của họ là cảnh sát Danny Oliver và thám tử Michael Davis – đã bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ ở California. Họ là những trụ cột của cộng đồng của họ. Những người can đảm đó đã bị một kẻ nhập cư bất hợp pháp bắn chết. Tên côn đồ đó đã có tiền án hình sự và trước đó đã hai lần có lệnh truật xuất.
Ngồi cạnh bà Susan là cô con gái Jenna. Này Jenna: Con phải hiểu rằng cha của con là một anh hùng, và tối nay con được cả nước Mỹ yêu quý con, ủng hộ con và cầu nguyện cho con.
Với Jamiel, Jenna, Susan và Jessica: tôi muốn quý vị hiểu rằng – chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng tranh đấu cho công lý. Người thân yêu của quý vị sẽ không bao giờ bị lãng quên, chúng tôi luôn ghi nhớ và vinh danh họ.
Cuối cùng, để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, chúng ta phải cung cấp cho các quân nhân nam nữ trong quân đội Hoa Kỳ những gì mà họ cần để ngăn chặn chiến tranh – và khi cần – họ phải đánh và thắng.
Tôi sẽ gởi cho Quốc hội dự thảo ngân sách để kiện toàn quân đội, không để cho quốc phòng bị cô lập nữa, và kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng lên một mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Dự chi ngân sách của tôi cũng sẽ tăng ngân quỹ cho các cựu chiến binh của chúng ta.
Các cựu chiến binh của chúng ta đã thực thi nghĩa vụ cho đất nước, và bây giờ chúng ta phải làm nghĩa vụ của chúng ta với họ.
Những thách thức và chúng ta đối diện rất lớn. Nhưng người dân Mỹ chúng ta lớn hơn nhiều.
Và không ai vĩ đại và can đảm hơn các quân nhân chiến đấu cho nước Mỹ.
Chúng ta thật may có sự tham dự của bà Carryn Owens, quả phụ của một Biệt kích Hải quân Mỹ, Thượng sĩ William “Ryan” Owens. Ryan đã hy sinh cũng như khi anh còn sống là một chiến sĩ, một anh hùng -- anh đã chiến đấu chống khủng bố và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
Tôi vừa trao đổi với Tướng Mattis và được ông xác nhận rằng – tôi xin trích: “Ryan tham gia một cuộc đột kích giành được thẳng lợi lớn, thu thập được một lượng lớn thông tin tình báo giúp mang lại nhiều chiến thắng nữa trong cuộc chiến chống kẻ thù của chúng ta trong tương lai.” Di sản của Ryan là bất tử. Như kinh thánh dạy chúng ta rằng không có tình yêu thương nào lớn hơn sự hy sinh của một con người cho bạn hữu của mình. Ryan đã hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu, cho tổ quốc và cho sự tự do của chúng ta – chúng ta mãi mãi tri ân anh.
Với những đồng minh đang thắc mắc Mỹ sẽ là một người bạn thế nào, hãy nhìn ngay các anh hùng trong sắc phục của Mỹ.
Chính sách ngoại giao của chúng ta sẽ tham gia trực tiếp, mạnh mẽ và có ý nghĩa với thế giới. Sự lãnh đạo của nước Mỹ dựa vào lợi ích an ninh quan trọng của chúng ta và chúng ta chia sẻ lợi ích đó với các đồng minh của chúng ta trên toàn cầu.
Chúng ta mạnh mẽ hậu thuẫn NATO, liên minh gắn kết qua những giềng mối của hai cuộc Thế Chiến hạ bệ chủ nghĩa phát xít và một cuộc Chiến Tranh Lạnh đánh bại Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Nhưng các đối tác của chúng ta phải đáp ứng các bổn phận tài chính.
Và giờ đây, từ các cuộc thảo luận rất cương quyết và thẳng thắn của chúng ta, họ đang bắt đầu thực hiện điều đó.
Chúng ta kỳ vọng các đối tác, dù trong NATO, Trung Đông, hay ở Thái Bình Dương, đảm nhiệm vai trò trực tiếp và có ý nghĩa trong các hoạt động cả chiến lược lẫn quân sự, và gánh vác trách nhiệm chi phí của mình.
Chúng ta sẽ tôn trọng các định chế lịch sử, nhưng chúng ta cũng sẽ tôn trọng quyền chủ quyền của các nước.
Các nước tự do là cổ máy tốt nhất để thể hiện nguyện vọng của người dân - và Hoa Kỳ tôn trọng quyền của tất cả các nước tự vạch đường đi của mình. Nhiệm vụ của tôi không phải là đại diện thế giới. Nhiệm vụ của tôi là đại diện Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta hiểu rằng sẽ tốt hơn cho nước Mỹ rất nhiều một khi xung đột giảm đi, thay vì tăng lên.
Chúng ta phải học hỏi từ sai lầm trong quá khứ - chúng ta đã nhìn thấy chiến tranh và sự tàn phá giày xéo trên khắp thế giới.
Giải pháp lâu dài duy nhất cho các thảm họa nhân đạo này là tạo ra các điều kiện để những người bị thất tán có thể trở về nhà an toàn và bắt đầu tiến trình tái thiết.
Nước Mỹ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới và đón nhận các đối tác mới, nơi các lợi ích chung sẽ song hành. Chúng ta muốn yên bình và ổn định, chứ không phải là chiến tranh và xung đột.
Chúng ta muốn hòa bình, ở bất cứ nơi nào mà hòa bình có thể được tìm thấy. Nước Mỹ hôm nay đã là bạn của các cựu thù trước đây. Một số đồng minh thân cận nhất của chúng ta, nhiều thập niên trước, từng ở phe bên kia trong các cuộc Thế Chiến. Lịch sử đó mang lại cho chúng ta niềm tin về khả năng của một thế giới tốt đẹp hơn.
Hy vọng rằng khi nước Mỹ tròn 250 năm tuổi, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới an bình hơn, công bằng và tự do hơn.
Trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của đất nước chúng ta, năm 1876, mọi người trên cả nước đổ về Philadelphia để kỷ niệm 1 thế kỷ nước Mỹ đã trải qua. Dịp đó, các nhà xây dựng, các nhà phát minh và các nghệ sĩ đã phô diễn những sáng tạo của mình.
Alexander Graham Bell trình làng phát minh điện thoại.
Remington giới thiệu chiếc máy đánh chữ đầu tiên.
Nỗ lực phát minh ra bóng đèn điện đã sớm được thực hiện.
Thomas Edison ra mắt chiếc máy điện tín tự động và cây bút điện tử.
Hãy tưởng tượng những điều kỳ diệu mà đất nước chúng ta sẽ biết đến vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250.

Hãy nghĩ về những thành tựu tuyệt vời mà chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta để cho ước mơ của người dân được bay bổng.
Chữa trị được các chứng bệnh hoành hành nhân loại không phải là hy vọng quá đáng.
Ghi dấu chân người Mỹ trên những thế giới xa xôi không phải là mơ ước quá tầm.
Hàng triệu người rời khỏi các chương trình trợ cấp để làm việc không phải là một kỳ vọng quá lớn.
Các bà mẹ an toàn không phải sợ hãi trên các ngõ phố, các trẻ em được yên bình trên giảng đường, và các công ăn việc làm để người Mỹ thịnh vượng và phát triển không phải là những đòi hỏi quá tay.
Đạt được tất cả những điều đó là chúng ta đã làm cho nước Mỹ lại vĩ đại hơn bao giờ hết. Cho tất cả người dân Mỹ.
Đó là tầm nhìn của chúng ta. Đó là sứ mạng của chúng ta.
Nhưng chúng ta chỉ có thể đến đích cùng nhau.
Chúng ta là một dân tộc, một vận mệnh.
Chúng ta cùng chung dòng máu.
Chúng ta chào cùng một quốc kỳ.
Và tất cả chúng ta đều do cùng một Thượng Đế tạo ra.
Khi chúng ta đạt thành viễn kiến đó; khi chúng ta kỷ niệm 250 năm tự do vinh quang, chúng ta sẽ nhìn lại đêm nay lúc một chương mới của nước Mỹ vĩ đại được bắt đầu.
Lúc này không còn chỗ cho những suy nghĩ hạn hẹp. Thời đại của những đấu đá vớ vẫn đã lùi về phía sau.
Chúng ta chỉ cần lòng can đảm để chia sẻ những ước mơ chan chứa trong tim.
Sự quả cảm để thể hiện những hy vọng cháy bỏng trong lòng.
Sự tự tin để biến những ước mơ và hy vọng đó thành hành động.
Kể từ nay, nước Mỹ sẽ được tiếp sức mạnh bởi những khát khao, chứ không phải bị đè nặng bởi những lo sợ - được khơi dậy bởi tương lai, chứ không phải bị ràng buộc bởi những thất bại trong quá khứ - và được mở lối bởi tầm nhìn của chúng ta, chứ không phải bị che khuất bởi những nghi kỵ.
Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy nắm bắt sự Tái Sinh của Tinh Thần Nước Mỹ. Tôi yêu cầu tất cả thành viên trong Quốc Hội cùng tôi mơ ước những điều lớn lao, mạnh mẽ, và táo bạo cho đất nước của chúng ta. Tôi kêu gọi mọi người đang theo dõi bài diễn thuyết đêm nay nắm bắt thời khắc này và -
Tin vào bản thân mình.
Tin vào tương lai mình.
Và một lần nữa, tin vào nước Mỹ.
Cảm ơn quý vị, cầu xin Thượng Đế ban phúc lành cho quý vị, và cầu xin Thượng Đế ban phúc lành cho nước Mỹ.
Tòa Bạch Ốc

Ngày 28/2/2017

No comments:

Post a Comment