Tuesday, August 14, 2018

ĐIỆP VIÊN CNK/X6 - Web. CSQG-VNCH
A.- TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN:
 Trại giam Hà Tây, một buổi sáng Chủ Nhật, năm 1979:
 Tuy là ngảy nghỉ, nhưng những người tù miền Nam vẫn có vẻ bận rộn. Kẻ thì xới đất phía sau buồng giam để trồng lén vài bụi rau, người thì chẻ củi nấu nước, nếu không cũng loanh quanh, chỉ chỏ từng cặp đang đánh cờ tướng bằng những con cờ tự tạo. Thật ra họ cố tình bận rộn để khỏi nghĩ đến cái đói hành hạ quanh năm suốt tháng, kể từ ngày họ “được” Nhà nước cho “học tập cải tạo”.
 - Anh nào là Lâm Minh Sơn, mặc đồ vào rồi theo tôi.
 Cán bộ VC phụ trách thăm nuôi của trại giam, vừa lớn tiếng hỏi, vừa bước vào buồng. Lúc đó, tôi đang ngồi ở sàn trên, nghe anh bạn cùng buồng kể chuyện Kim Dung, nên chưa kịp phản ứng gì, thì ở buồng dưới, anh em cả buồng đều lớn tiếng mừng rỡ: “Gà tre có thăm nuôi!” (Gà tre là biệt danh của tôi trong tù).
 Tôi mặc đồ tù vào, từ từ leo xuống đất với tâm trạng hoang mang hơn là mừng vui vì tôi đâu có thân nhân nào ngoài Bắc đâu, còn ở miền Nam thì làm gì ra đây kịp bởi lệnh thăm nuôi mới phổ biến chưa đầy một tuần.
 Tới khu thăm nuôi, cán bộ VC chỉ tôi ngồi một phòng riêng biệt và bảo tôi vào đó, sẽ có người muốn gặp. Tôi bước vào thì thấy một người đàn ông ngồi sau cái bàn vuông, phía trước có hai cái ghế đẩu. Nhìn bộ quân phục màu cứt ngựa của hắn, tôi biết ngay là mình không phải được thăm nuôi, nhưng tôi không thất vọng lắm vì tư tưởng đã có chuẩn bị trước. Chỉ có điều tôi không nghĩ ra lý do của chuyến thăm nuôi hụt này. Nếu hỏi cung (VC gọi là học tập) sao không hỏi ở Ban văn Hóa trong trại mà lại ra ngoài này?, và cán bộ VC đặc trách việc hỏi cung đều mặc thường phục chớ đâu có mặc quân phục.!
 Sau khi chào hỏi, tên VC tự giới thiệu là nhân viên ngành quân báo của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Lúc đầu tôi ngạc nhiên về chuyện giới thiệu này, vì theo nghề nghiệp hắn không thể tiết lộ lý lịch với đối tượng được hỏi cung. Nhưng vào chuyện, tôi mới hiểu vì sao hắn phải làm vậy, vì từ Quảng nam ra đây gặp tôi, mục đích là nhờ chuyện riêng, chớ không [phải khai thác tin tức gì cả.
 Thì ra, hắn đến gặp tôi để nhờ tôi viết tờ xác nhận về tư tưởng của Tình báo viên CNK/X6, tức Nguyễn thị L.. Hắn thú thật với tôi rằng, Nguyễn thị L.. là con gái Thủ trưởng của hắn và hắn được lệnh ra đây nhờ tôi xác nhận là L… hoạt động cho F/Đặc Biệt Quảng Nam vì bị uy hiếp và bị phỉnh dụ bởi tiền bạc, chớ không cố tình phản lại “Cách Mạng”.
 Dù tờ xác nhận không đúng với sự thật, nhưng nó có thể giúp cho Nguyễn thị L…, nên tôi ký ngay vì cô ta đã thành thật hợp tác với F/ĐB/ Quảng Nam trong suốt thời gian hoạt động mật.
B. TÓM LƯỢT VỀ CNK/X6:
 1/- Bí danh CNK/X6:
 Để bảo mật, ngành Đặc Biệt dùng những bí danh trong tất cả các văn kiện liên hệ đến công tác xâm nhập. Mỗi đơn vị có một bí danh riêng:
 - Cơ quan C : Ngành Đặc Biệt Khu I (gọi là E/ĐB)
 - Cơ quan CN : Ngành Đặc Biệt tỉnh Quảng Nam (gọi là F/ĐB)
 - Cơ quan CN : : Ngành Đặc Biệt quận Điện Bàn (gọi là G/ĐB)
 X : Tình báo viên (đã có kế hoạch công tác)
 Y : Mật báo viên (chưa có kế hoạch công tác)
 Người trong ngành chỉ cần đọc CNK/X6 sẽ biết đó là Tình báo viên thứ 6 do ngành Đặc Biệt quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tuyển mộ và điều khiển.

 2/- Quá trình chấm định và móc nối:
 Cuối năm 1967, tôi giữ chức vụ Trung Tâm Trưởng, Trung Tâm Thẩm Vấn tỉnh Quảng Nam (PIC: Province Interogation Center) và một hôm Phối Trí Viên của Trung Tâm và một sĩ quan quân đội Mỹ chở đến một cô gái khảng 20 tuổi, có vẻ bị thương nặng vì phải có người dìu mới di được vào phòng tiếp nhận. Tôi nói với Phối Trí Viên Mỹ là tôi không muốn nhận nguồn tin này (tất cả các nghi phạm hoặc hồi chánh viên đưa đến Trung Tâm Thẩm Vấn để khai thác tin tức, đều gọi là nguồn tin), vì tình trạng sức khỏe quá yếu, nếu rũi ro bị chết, chúng tôi sẽ bị rắc rối về pháp lý đối với tòa án. Phối Trí Viên cho biết cô ta bị phỏng ở lưng và bảo đảm sẽ cho người chữa lành nhanh chóng cho cô ta, đồng thời yêu cầu tôi đích thân thẩm vấn vì nghĩ rằng cô này là nguồn tin quan trọng, bởi cô bị bắt trong một hầm bí mật VC mà quân đội Hoa Kỳ khui phá được.
 Khoảng 2 tuần sau, cô gái bình phục và tôi bắt đầu thẩm vấn để khai thác tin tức:
 Về lý lịch, cô tên Nguyễn thị L…, 19 tuổi, mẹ chết, cha tập kết ra Bắc từ 1954, cô ở với người dì trong vùng mất an ninh thuộc xã Thanh Trung, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cô chỉ là liên lạc viên của huyện đội Điện Bàn chớ không nắm giữ chức vụ gì quan trọng. Là liên lạc viên, phải đi lại nhiều nơi để thông báo các chỉ thị, nên hiểu rõ địa thế thuộc khu vực hoạt động. Vì vậy, cô biết được hầm bí mật và trốn xuống đó khi có quân đội Mỹ hành quân, nhưng không may, bị phát hiện và bị bắt. Cô không cung cấp tin tức chiến lược nào, nhưng vì cô là liên lạc viên nên cô phát hiện được khá nhiều về lý lịch của các cán bộ và cấp chỉ huy VC thuộc huyện Điện Bàn, giúp ngành Đặc Biệt có thêm tài liệu cho công tác thiết lập trận liệt về tổ chức của VC địa phương.
 Trong thời gian làm việc với Nguyễn Thị L..., tôi đã chăm lo, hỏi han về sức khỏe của cô một cách chân tình và nhỏ nhẹ chỉ bảo thế nào là đúng, thế nào là sai theo luật pháp, nên dần dần cô ta không còn sợ hãi như lúc ban đầu và ít nhiều có thiện cảm về một loại người mà cô được VC tuyên truyền là “ác ôn”.
 Cuối cùng, theo luật định, cô bị đưa ra Ủy Ban An Ninh tỉnh xét xử và chịu hình phạt 12 tháng an trí.
 Từ đó, tôi không để ý, cũng như theo dõi gì về tin tức của Nguyễn Thị L.. nữa, bởi vì trường hợp của cô cũng giống như những nguồn tin khác mà tôi tiếp xúc do nhiệm vụ thường ngày của mình mà thôi.
 Đầu năm 1969, với chức vụ Trưởng Phòng Đặc Biệt tỉnh (sau này đổi thành Trưởng F/Đặc Biệt), tôi đi thanh tra ngành Đặc Biệt quận Điện Bàn, tình cờ gặp lại cô ta đến trình diện định kỳ tại đây. Gặp tôi, cô mừng rỡ, hỏi han như gặp một người quen, chớ không có vẻ gì oán hận sau thời gian an trí về. Cô không còn ở với người Dì trong vùng địch nữa, mà được chỉ định sống với người bà con khác ở vùng an ninh. Không biết do may mắn hay nhạy bén nghề nghiệp, tôi chấm định ngay cô là một đầu mối tốt có thể xử dụng về sau.
 Tôi chỉ thị cho ngành Đặc Biệt địa phương tìm cách giúp đở mọi sinh hoạt của Thị L.., chọn một cán bộ điều khiển trẻ, điển trai liên lạc thường xuyên với cô ta để tạo cảm tình và khi thuận tiện, lập hồ sơ tuyển mộ cô làm mật báo viên với tiền lương hàng tháng rõ ràng, dù cô ta chưa làm gì cho ngành Đặc Biệt.
 Tôi nghĩ, trước kia sống trong vùng mất an ninh, cô đã được VC xử dụng, bây giờ, sau khi an trí về, cô trở thành công dân hợp pháp sống trong vùng quốc gia, thế nào bọn VC cũng tìm cách liên lạc để bắt hoạt động trở lại.
 Đúng như tôi dự đoán, sau khoảng 3 tháng công tác với ngành Đặc Biệt quận Diện Bàn, Nguyễn thị L.. báo cho biết là huyện đội VC gọi cô trở vào nhà cũ để nhận công tác. Khi trở ra, cô cho biết cố được chỉ định hoạt động cho ban quân báo của Tiểu Đoàn R/20, đơn vị chủ lực huyện. Thế là việc chấm định, móc nối đã có kết quả. Ngành Đặc Biệt Quảng Nam bắt đầu huấn luyện cô về những điều căn bản của một nhân viên hoạt động mật (quan sát, dùng ngụy thức, báo cáo v.v...)
 Sau thời gian cộng tác, Nguyễn Thị L.. đã được tin cậy bởi các tin tức cung cấp chính xác và kết quả của cuộc trắc nghiệm máy nói đối (Polygraph test), F/ĐB Quảng Nam thiết lập kế hoạch công tác mang tên Thuận Thành với tình báo viên CNK/X6.
 Trong quá trình hoạt động, tuy học lực kém, nhưng CNK/X6 lại có khiếu về hoạt động mật. Cô biết tạo lòng tin đối với cấp chỉ huy VC và biết cách khai thác tin tức trong lúc gần gũi với chúng. Cô đã cung cấp nhiều tin tức có giá trị và chân thành hợp tác với ngành ĐB cho đến ngày Quảng Nam mất.
 3/- Những đánh phá mục tiêu của F/ĐB Quảng Nam do tin tức của CNK/X6:
 a) Khám phá cơ sở nội tuyến trong Ty Chiêu Hồi Quảng Nam:
 Vì CNK/X6 sống hợp pháp trong vùng quốc gia nên cô được Ban Quân Báo VC xử dụng như một cơ sở tình hình, thu lượm những tin tức của ta để báo cáo cho chúng. Ngoài ra, chúng cũng giao cho cô thu mua những vật dụng mà chúng cần. Dĩ nhiên, F/ĐB Quảng Nam giúp CNK/X6 thỏa mãn tất cả nhu cầu của địch.
 Một buổi chiều ngày N.., CNK/X6 từ vùng địch ra tìm gặp ngay cán bộ điều khiển (người chỉ huy trực tiếp nhân viên hoạt động mật) cho biết cô được lệnh phải đi Hội An để mua thuốc tây vì Điện Bàn không có mà VC thì cần gấp. Họ nói nếu trể không về kịp thì có thể đến nhà của cơ sở H.. ở đường… để tá túc. Nhờ báo cáo này, F/ĐB Quảng Nam bắt đầu theo dõi và mở hồ sơ của người chủ nhà. Chủ nhà tên Hồ Thị Hạnh là Thư ký của Ty Chiêu Hồi Quảng Nam. Cùng lúc Phối trí viên Hoa Kỳ lại chuyển cho F/ĐB Quảng Nam một số tài liệu của Ban An ninh Khu Ủy Quảng Đà mà Biệt Kích Mỹ đã thu lượm được. Trong số tài liệu này, có một tờ biểu dương thành tích của một cơ sở nằm vùng và một trang đánh máy của Ty Chiêu Hồi Quảng Nam phân công tác cho các Ban, Phòng trực thuộc. Ngoài ra, ở lề trái của tờ đánh máy này có chữ viết tay: “kế hoạch thi hành tuần tới”
 Phối hợp tin tức của CNK/X6 và tài liệu tịch thu, F/ĐB có thể bắt ngay nghi can, nhưng để bảo mật cho CNK/X6, ngành Đặc Biệt Quảng Nam chỉ thị cho CNK/X6 theo dõi 24/24 và chờ đến khi Hồ Thị Hạnh vào vùng mất an ninh thuộc quận Duy Xuyên liên lạc với VC trở ra mới tóm bắt.
 b) Đốt phá xăng của VC:
 Năm 1971, trong một buổi tiếp xúc cá nhân, CNK/X6 đã báo cáo cho cán bộ điều khiển biết là tại vùng nhà của đượng sự, VC đã vận động dân chúng mua xăng nộp cho đơn vị chủ lực huyện R/20. Chúng cho xăng vào thùng phuy (200 lít), hàn kín lại, rồi chôn nằm dọc theo những luống thuốc lá Cẩm Lệ. Chúng nói là sắp tới, tại các mặt trận sẽ có thiết vận xa của quân đội chính quy Bắc Việt, nên địa phương phải trữ nhiên liệu để cung cấp, khi “Cách mạng” cần.
 Lúc bấy giờ, VC chưa xử dụng thiết vận xa trên chiến trường nên khi F/ĐB Quảng Nam phổ biến tin này cho Tiểu Khu thì bị Tiểu Khu Trưởng cho là tin phóng đại và phê bình ngay trong cuộc họp an ninh hàng tuần của Tiểu Khu Quảng Nam.
 Phần thấy số lượng xăng khá nhiều, phần tự ái nghề nghiệp, F/ĐB Quảng Nam cùng Phối Trí Viên Hoa Kỳ quyết định tìm khui số xăng này. Kế hoạch thực hiện như sau:
 - Trước một ngày thực hiện kế hoạch, F/ĐB Quảng Nam tổ chức một cuộc hành quân Phượng Hoàng giả tại khu vực chấm định, bắt một số nghi dân sống ở nơi đó đem về tỉnh. Mục đích của cuộc hành quân giả này là đánh lừa VC về nguồn tin giúp F/ĐB Quảng Nam biết chỗ chôn xăng.
 - Lực lượng thực hiện kế hoạch gồm 2 Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến bao quanh khu vực để giữ an ninh cho Trung Đội Đặc Nhiệm của F/Đặc Biệt Quảng Nam đào tìm xăng.
 - Số xăng tìm thấy sẽ được chuyển về tỉnh bằng trực thăng shinouk. Phối trí viên Mỹ chịu trách nhiệm việc vận chuyển này.
 - Thời gian thực hiện phải hoàn tất trước 2 giờ chiều cùng ngày.
 Kế hoạch là vậy, nhưng khi thực hiện, lực lượng hành quân không thể đi thẳng đến mục tiêu như trong bản đồ hành quân được, mà phải đi vòng để tránh “hàng rào điện tử Mc Namara” do an ninh địa phương cảnh báo, nên khi đến đúng địa điểm thì đã quá trễ (sau 2 giờ chiếu). Vì vậy việc xử dụng shinouk để chỡ xăng bị hủy bỏ và F/ĐB Quảng Nam quyết định cho đốt phá tất cả các phuy xăng được tìm thấy. Hai ngày sau, dân chúng đi ngoài quốc lộ I vẫn còn nhìn thấy khói bốc lên từ chỗ xăng VC bị đốt.
 c) Tập kích căn cứ Tiểu Đoàn R/20 của Huyện ủy VC:
 Không lâu sau, CNK/X6 chính thức là đội viên của Ban quân báo thuộc Tiểu Đoàn R/20 với quân hàm Trung Sĩ. Càng ngày cô càng được tổ chức tin cậy và được cảm tình của tên Thiếu úy VC, Trưởng Ban quân báo. Tên này thường yêu cầu cô mua giùm những đồ cá nhân như quần áo,, đồng hồ, thuốc men v.v...và F/ĐB Quảng Nam đã giúp CNK/X6 thỏa mãn đầy đủ những yêu cầu này.
 Khoảng cuối năm 1972, tên Trưởng Ban Quân Báo VC nhờ CNK/X6 tìm mua cho hắn một radio xách tay. Lần này, việc cung cấp hàng do Phối Trí Viên Hoa Kỳ lo liêu, với mục đích gắn máy phát tín hiệu (Beacon device) vào radio trước khi trao cho CNK/X6 mang vào đưa cho tên Thiếu úy VC.
 Khi CNK/X6 trở về báo cáo là tên VC đã nhận radio, thì hàng ngày, Phối Trí Viên Mỹ gọi L.19 bay trên không phận tỉnh Quảng Nam để dò tín hiệu phát ra từ chiếc radio và theo dõi sự di chuyển của tên Thiếu úy VC. Khi tín hiệu không di chuyển nữa mà đứng mãi một chỗ, tức là người mang radio đã về tới chỗ ở. Tọa độ của điểm đứng, tức là tọa đô của căn cứ địch được chuyển ngay cho Tiểu Khu để mở cuộc tập kích bất ngờ.
 Kết quả, nhờ tập khích chính xác vào căn cứ địch, nên ngoài việc gây tổn thất nhân mạng cho VC, quân đội ta còn thu được nhiều vũ khí và thiết bị quân sự.
 d) Tóm bắt hầu hết các cơ sở của Ban Trí Vận thuộc Thành Ủy Đà Nẳng:
 Đầu năm 1975. VC giao cho CNK/X6 mang mật thư đến một cơ sở hợp pháp sống ở ngoại ô thành phố Đà Nẳng, chỉ thị cơ sở này chuẩn bị cho một cuộc họp mặt tại nhà vào ngày N. Cơ sở này là người đồng hương và quen biết với CNK/X6 từ lúc cô còn ở nhà cũ nên F/Đặc Biệt Quảng Nam vạch kế hoạch cho cô mang quà Tết đến nơi họp mặt trước ngày N. một ngày để tìm chỗ đặt máy ghi âm. Dụng cụ kỷ thuật và huấn luyện cách ghi âm do chuyên viên Hoa kỳ đảm trách.
 Kết quả, CNK/X6 đã hoàn thành công tác và trao cho F/ĐB Quảng Nam băng ghi âm cuộc họp.
 Khởi đầu, F/ĐB Quảng Nam không cho tóm bắt tại chỗ những người tới họp mà cho thu băng với mục đích sẽ chấm định đầu mối để móc nối, vì số người này dễ bị khống chế với băng ghi âm và vì họ sống hợp pháp nên rất thuận tiện cho kế hoạch giao liên, nếu họ hợp tác.
 Nhưng sau khi nghe cuốn băng, biết các cơ sở này nằm trong Ban Trí Vận, chuẩn bị kế hoạch hành động khi lực lượng quân sự VC tấn chiếm Đà Nẵng, F/ĐB Quảng Nam quyết định tóm bắt vì tình hình chiến sự lúc bấy giờ đang thất lợi cho VNCH.
 Cuộc truy bắt được thực hiện bởi G/Công Tác và G/Thẩm Vấn thuộc F/ĐB Quảng Nam. Kết quả bắt được 8 cơ sở hợp pháp thuộc đủ thành phần: giáo sư trung học, nhà văn, thương gia, y tá v.v… Tiếc rằng công tác khai thác chưa xong thì Quảng Nam đã bị mất vào tay Cộng sản.
 4/- Vài công tác bảo mật Tình Báo Viên có sự hợp tác của CNK/X6:
 Năm 1972, F/ĐB Quảng Nam có kế hoạch cài một Mật Báo Viên bí danh CNA/Y22 vào Ban An nInh huyện Hòa Vang của Việt cộng. CNA/Y22 là một thiếu niên, sống ở vùng xôi đậu, do đó có quen biết qua lại với một vài cơ sở thuộc Ban An Ninh huyện Hòa Vang.
 Theo kế hoạch, CAN/Y22 tỏ vẻ bất mãn với cuộc sống hiện tại, không muốn đi quân dịch và muốn thoát ly theo VC. Vì anh ta có đầy đủ giấy tờ hợp pháp sống trong vùng quốc gia nên VC cũng muốn thu nạp đương sự hoạt động cho chúng. Chúng huấn luyện đương sự cách xử dụng vũ khí và chất nổ rồi giao cho công tác để thử thách trước khi nhận CNA/Y22 vào tổ chức.
 Vì muốn CNA/Y22 được ăn sâu trèo cao nên F/ĐB Quảng Nam đã cố gắng hoàn tất hai công tác mà VC chỉ định cho đương sự phải thực hiện:
 * Công tác 1: Chúng giao cho CNA/Y22 một khối chất nổ C.4 cùng ngồi nổ chậm và chỉ thị đương sự phải gài nổ văn phòng Hội Đồng Xã Hòa Khánh, quận Hòa Vang. F/ĐB Quảng Nam đã tạo ra vụ nổ để giúp Mật báo viên hoàn thành nhiệm vụ.
 Chất nổ được chuyên viên kỷ thuật Hoa kỳ phân tách và lấy bớt để khi nổ tạo một tầm sát hại vừa phải theo ý muốn của mình. Phần của F/ĐB thì nghiên cứu giờ giấc và nơi đặt trong văn phòng Hội Đồng Xã sao cho không gây tổn hại nhân mạng và chọn người có thể vào phòng để gài chất nổ. Thiếu tá Thái Văn Hòa (lúc đó còn Đại Úy- Trưởng G/Công Tác) đã đích thân làm việc này, nhưng dân chúng, kể cả các cơ quan an ninh trong tỉnh, cứ ngỡ là VC đánh phá!
 Sau vụ nổ, về phía VC, không biết an ninh huyện Hòa Vang và Điện Bàn liên hệ công tác như thế nào mà CNK/X6 lại nhận được chỉ thị ra Hòa Vang dò hỏi kết quả vụ đánh chất nổ để báo cáo lại. Dĩ nhiên, F/ĐB Quảng Nam chỉ cách cho CNK/X6 báo cáo hầu giúp cho CNA/Y22 được sự tin cậy của chúng về sau.
 * Công tác 2: VC giao cho CNA/Y22 khẩu súngK.59 (loại súng cá nhân nhưng nhẹ hơn K.54) với chỉ thị phải ám sát anh X.., nhân viên đặc nhiệm của G/ĐB Hòa Vang. Chúng đã điều nghiên kỹ thói quen của X.. đi về theo lộ trình nhất định bằng xe Honda 2 bánh và có chỗ phải xuống xe dẫn bộ vì đường hư. CNA/Y22 được lệnh nổ súng khi anh X.. xuống dẫn xe ở đoạn đường này. Để giúp cho CNA/Y22 thực hiện công tác, F/ĐB Quảng Nam đã tổ chức việc ám sát giả, như sau:
 - Tháo lấy đầu đạn của K/59 ra và đổ sáp vào, trong như đạn còn nguyên.
 - Cho nhân viên Đặc Nhiệm X.. vẫn đi theo lộ trình hàng ngày và dấu trong người một bịch nylon đựng máu heo.
 - Chuẩn bị một xe Tuần cảnh Cảnh Sát đậu ở một nơi kín đáo gần chỗ sẽ xảy ra vụ ám sát.
 Sau khi chuẩn bị kỹ càng, F/ĐB Quảng Nam cho CNA/Y22 đích thân nổ súng vào nhân viên X.. tại chỗ anh ta xuống xe dẫn bộ. Sau khi nổ súng, nhân viên X.. phải giả mình bị trúng đạn và nằm xuống đè lên túi máu heo mang trong mình. Không đầy 2 phút sau, xe Cảnh Sát tuần tra đã chuẩn bị trước, phóng nhanh tới, khiêng nhân viên X.. lên xe và chạy đi. CNA/Y22 sẽ lén về địa điểm an toàn do G/ĐB Hòa Vang sắp xếp.
 Nơi xảy ra vụ ám sát tuy là nơi hẻo lánh, xung quanh chỉ là đồng ruộng nhưng cũng có vài nông dân chứng kiến. Họ sẽ thấy có người bị bắn ngã và được Cảnh sát chở đi. Nếu tò mò, họ có thể tới tại chỗ thì sẽ thấy có vũng máu.
 Sau khi hướng dẫn cho CNK/X6 báo cáo với VC là CNA/Y22 đã ám sát thành công, F/ĐB Quảng Nam bắt buộc phải chuyển nhân viên Đặc Nhiệm X.. ra khỏi lãnh thổ Quận Hòa Vang.
C. HẬU CHUYỆN:
 Chuyện CNK/X6 tuy khô khan và lòng vòng nhưng là chuyện về người thật, việc thật. Chỉ là công tác an ninh tình báo của một tỉnh xa xôi vùng địa đầu giới tuyến, nhưng nó cũng nói lên được phần nào về thực chất của ngành an ninh tình báo VNCH. Đó là một thực tế có hoạt động và hoạt động hữu hiệu.
 Kế hoạch Thuận Thành trong chuyện là kế hoạch công tác mà mục tiêu chỉ là cấp Huyện của VC, nhưng việc điều khiển thực hiện cũng đòi hỏi nhiều về nhân vật lực và đôi khi cũng lắm nhiêu khê như công tác bảo mật cho CNA/Y22. Vì vậy, danh từ “VC nằm vùng” hoặc “CIA” mà người Việt hải ngoại thường hay xử dụng khi có cuộc tranh cãi vì bất đồng ý kiến về một vấn đề nào đó, vô tình cho thấy sự thiếu kiến thức tình báo của mình và tệ hại hơn, vô tình đánh giá quá cao về hoạt động tình báo của địch.
 Đã hơn 40 năm rồi, cô gái tên L.. nếu không chết, bây giờ cũng là một bà cụ tuổi quá 60. Định mệnh đã ghép cô ta và F/ĐB Quảng Nam cùng chung một chiến tuyến, để rồi khi mất nước, định mệnh lại an bài cho cha cô ta là người lập hồ sơ xét xử con gái mình! Đúng là cái nghiệp của những người làm tình báo. Vay không biết ít hay nhiều, nhưng khi trả thì lúc nào cũng nặng. Cái nghiệp này cũng để trả lời cho câu hỏi của bạn bè: “MÀY LÀM GÌ MÀ Ở TÙ LÂU DỮ VẬY”?!
  Lâm Minh Sơn (K1)
 (Dallas 10/2010)

No comments:

Post a Comment