Friday, August 3, 2018

NHẬT BÁO QUẬT CƯỜNG VNCH TRƯỚC 4/1975


 ...................................................................Nhà văn SONG NHỊ.

Năm mươi năm sau, kể từ ngày tôi thực sự dính dáng vào nghiệp viết lách, nhìn lại, quả đúng như tiền bối Hà Thượng Nhân đã nói.
Như một nghiệp dĩ, năm 1965, tại giảng đường Đại học Vạn Hạnh, tôi được đề cử làm Trưởng Ban Báo chí Tổng Hội Sinh Viên. Mấy tháng sau tôi được giao Chủ biên đặc san Xuân Văn Khoa Vạn Hạnh với sự góp mặt của Sinh viên và các giáo sư của trường. Năm 1966, tôi được đề cử làm Chủ bút Bán nguyệt san Hướng Đi SV Vạn Hạnh.
Tiếp đến, năm 1968 làm chủ bút đặc san Máu Lửa. Năm 1969 vào quân trường tôi được mời vào Ban Báo Chí/ Biên tập viên Nguyệt san Bộ Binh.
Ra trường, biệt phái về cơ quan dân sự, tôi đang làm việc tại Sở TB Quốc Ngoại, hơn nửa năm sau được điều về Sở An Ninh Nội Chính để chuẩn bị công việc ấn hành một tờ nhật báo của chính quyền - nhật báo Quật Cường.
Định mệnh đẩy đưa từng bước như thế, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến, hay có dự tính.
Trước ngày khởi sự công tác cho tờ báo này, chúng tôi có một buổi họp mặt trong một bữa cơm trưa tại nhà khách cơ quan, do Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình khoản đãi. Thực khách gồm một số nhân sự trong cơ quan và các ký giả nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo” (*) gồm Anh Quân, Trịnh Viết Thành và Hoàng An.  
Trong bữa cơm, tướng Bình nói rõ mục đích “bữa cơm thân mật” và chỉ thị “nhờ cậy” chúng tôi đảm trách một tờ nhật báo. Tướng Bình cho biết, tờ báo được ấn hành dưới hình thức báo tư nhân, vốn do cổ đông đóng góp, có sự hỗ trợ tài chánh của Phủ Tổng Thống. Giám đốc Trị Sự là chủ nhân nhà thuốc tây Vườn Xoài,  ông Trần Tiễn Tán, cựu đại úy Hiến Binh thời đệ Nhất CH (nhà đường Trương Minh Giảng/ Lê Văn Sỹ), không là một giới chức dân chính hay quân đội khi đảm nhận quản lý tờ báo. Tôi có hỏi ông Nguyễn Mộng Lương, ông cho biết sở dĩ chọn ông Tràn Tiễn Tán vì ông ấy có nhà thuốc tây, không sợ bị biển thủ…. Về sau tôi được biết PTT tài trợ 4 triệu đồng cho tờ báo (tôi không nhớ là một lần hay hàng tháng…?)
Việc đặt tên cho tờ báo, có nhiều tên được đề nghị, Tướng Bình chọn Quật Cường, và chắc là vị tướng có đệ trình, thỉnh ý Tổng thống.
Tôi được cắt cử làm việc với ký giả Anh Quân tại một phòng, thuê trên tầng lầu thứ tư khách sạn Mỹ Lệ (đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng, Saigon). Trong hai tháng, hai người chúng tôi phải hoàn tất manchette tờ báo, trình bày hình thức và các tiết mục trên trang nhất. Chọn lọc và phân bố các tiết mục cho 23 trang trong (số ra mắt có 24 trang). Phần chính của manchette, quan trọng ở kiểu chữ và màu của tên tờ báo, phải mướn họa sĩ vẽ.
Bản vẽ và bản kẽm hoàn tất, trình thượng cấp, được chấp thuậän. Tòa soạn đã có một bộ phận thuê mướn và thiết trí phòng ốc làm việc cho ban biên tập, cũng trên đường Gia Long, gần ngã Sáu SG. Cách tòa soạn tờ Trắng Đen củ Việt Định Phương 4, 5 căn phố.  Tôi cùng vài ba viên chức cơ quan được cử ra làm việc tại tòa soạn cùng với các ký giả Anh Quân, Trịnh Viết Thành, Hoàng An và phóng viên Đường Thiên Lý (bên nhật báo Chính Luận). Anh NGuyễn Việt Chước (nay có tên khác là Nguyễn Việt Chương, cư ngụ tại Hawaii từ tháng tư-75).
Ban biên tap Quật Cường gồm có:
Chủ nhiệm: Nguyễn Việt Chước
Chủ bút (không ghi lên manchette): Lê Thiên Sơn, ngồi tại tòa soạn, những bài hay tin quan trọng phải có chấp thuận của thẩm quyền A10 Ng. Mộng Lương.
Tổng thư ký : Trịnh Viết Thành
Editor : Anh Quân.
Tôi phụ trách mục Chuyện Phiếm và mục Thơ Bạn Đọc với bút hiệu Song Nhị (thù lao 25 ngàn/tháng)
Thỉnh thỏang tôi lại được nhờ viết bài quan điểm, lập trường cho tờ báo khi có bầu cử hay có những vụ việc bất lợi cho QG (xin phép miễn dài dòng).
Tờ báo gia cho N. V. Chước và tôi phụ trách Trang Văn Hóa Xã Hội (thù lao 100 ngàn/tháng)
Báo phát hành mỗi ngày 10 ngàn số, phần lớn cho xe đò chở về các phân phối đại lý ở các tỉnh.
Quật Cường rất có ảnh hưởng trong dư luận, nhất là trong giới báo chí, vì họ biết là báo chính quyền. Có một lần tôi có việc đến tờ Đông Phương của Vân Sơn Pham Mỹ Trúc xin Đông Phương ngưng đăng một lại bài về vụ tranh ngấp nhà đất của người bà con tôi ở đường Trần Qúy Cáp, Vân Sơn nói với tôi khi tôi trao các chứng từ cho anh ấy: “anh là người của Quật Cường, tôi không cần xem gì cả. Anh cho hết số báo ngày mai, ngày mốt tôi ngưng”..
Tôi chỉ ở Quật Cường được vài ba tháng, sau đó tôi được điều về cơ quan nhận Chủ Sự phòng Báo Chí, thay thế Trung tá Châu Quan Sỹ. Ông Sỹ thuyên chuyển đi đâu tôi không rõ. Nghe nói ông có bà con với bà Thiệu. Trước khi rời phòng Báo Chí, ông được  truy tặng một Chương Mỹ Bội Tinh của Tổng Thống.
Cuối tháng 3-75, tôi và Nguyễn Việt Chước, anh bạn cùng khóa Sĩ Quan Thủ Đức biệt phái về Phủ, nhận Nghị định thăng cấp Chánh Sự Vụ, theo ngạch hành chánh, thay vì lên Đại úy, phải do Tổng Thống ký, phải chờ đợi và khó khăn. Trước đó Bộ Tổng Tham Mưu đã có thông tư quy định những sĩ quan biệt phái về hành chánh phải dừng lại ở cấp bậc Trung úy. Nghị định thăng cấp này (và riêng tôi cũng có một Chương Mỹ Bội Tinh) sẽ công bố vào ngày 5 -5 - 75, ngày thành lập Phủ Đặc Ủy, nhưng vào ngày đó tất cả chúng tôi thay vì nhận nghị định thăng thưởng thì phải đến trình diện Việt Cộng. 
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment