Lá Rụng Về Cội - Nguyễn Thị Cỏ May
Nhà báo Bùi Tín và Tướng CSVB Nam Long trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập.
Ngày 11 tháng 8/2018, Việt nam có 2 nhà ly khai lớn ra đi: Ông Bùi Tín
và Ông Tô Hải. Chỉ trước sau 15 giờ. Cả hai đều hưởng thọ 91 tuổi. Sanh
và chết cùng năm.
Ông Tô Hải mất ở Sài gòn (Phú Nhuận), tang lễ ở
Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu thế hôm 13 tháng 8. Ngoài gia đình, có hơn trăm
người tham dự tang lễ vì lòng tiếc thương và kính trọng người nghệ sĩ đã
can đảm vứt bỏ cái cộng sản để trở thành người Việt nam lương thiện.
Ông mất cũng không phải ở quê quán, sanh ở Hà nội, nguyên quán Thái
Bình. Trong những ngày cuối đời, ông được bà vợ chăm sóc.
Ông Bùi
Tín, nhà báo, cựu đại tá quân đội Bắc việt, sống lưu vong rồi tỵ nạn
cộng sản tại Paris từ sau năm 1990. Xa hẳn gia đình cho tới ngày mất.
Suốt thời gian nằm bịnh viện ở thành phố Sevran và sau cùng chuyển qua
bịnh viện ở thành phố Montreuil (đều ở ngoại ô Đông-Bắc Paris) để chữa
trị thận, ông được nhiều bạn bè, đủ lứa tuổi, đủ địa phương, thay phiên
nhau tới thăm viếng ông mỗi ngày. Thấy bịnh tình của ông quá xấu, chị CD
liên lạc với 2 người con của ông ở Hà nội và Vancouver, Canada, báo
tin. Nhơn dịp này, ông có nói chuyện được với con. Ông mất ở đây.
Người
ta thương nhạc sĩ Tô Hải vì ông là "Một Thằng hèn", khác với «Thằng thẻ
đỏ, tim đen». Cũng như bạn bè thương quí ông Bùi Tín, từ một đảng viên
cộng sản hơn 40 năm tuổi đảng, được đào tạo ở trường đảng cao cấp, nắm
giữ Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản, cựu đại tá, mà chỉ trong thời
gian ngắn, trong vòng mươi năm, ông đã chuyển biến tư tưởng, trở lại một
người Việt nam bình thường, thương nước, thương bạn kháng chiến, yêu tự
do, dân chủ, trọng nhơn quyền. Từ tránh chào cờ Quốc gia, chỉ ít lâu
sau, ông chào rất tự nhiên. Từ chỉ phê phán những đảng viên hư hỏng, ông
phủ nhận cả vai trò độc tôn toàn trị của đảng cộng sản. Từ né tránh
đụng chạm Hồ Chí Minh, ông thẳng thắng lên án Hồ Chí Minh vì đem cộng
sản về Việt nam mà ngày nay đất nước mất vào tay Tàu,… Ông cởi bỏ hẳn
cái bả cộng sản khỏi con người của ông để phục hồi trọn vẹn con người
Việt nam theo truyền thống văn hóa nhơn bản Việt.
Một hiện tượng
phi thường! Thật vậy vì chuyển biến tư tưởng vô cùng phức tạp. Nó đòi
hỏi thời gian dài. Mà thời gian thay đổi tư tưởng ở Cụ Bùi Tín quá ngắn.
Nay Bùi Tín không còn nũa. Nhớ Bùi Tín chỉ nhắc lại những kỷ niệm.
Chuyến đi tưởng gặp khó khăn
Nhắc
lại chút lịch sử Việt nam liên hệ tới Tướng Leclerc. Giữa tháng 10/1945
và tháng 1/1946, lực lượng của Tướng Leclerc từng bước ổn định tình
hình cựu Đông dương sau khi Nhựt đầu hàng. Miền Bắc và riêng Hà nội vẫn
còn dưới sự kiểm soát của Việt minh. Ngày 6/3/1946, Hồ Chí Minh ký thỏa
hiệp với ông Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp, để Việt nam được Pháp nhìn
nhận là một nước tự do, tức không còn bị đô hộ như trước đây, nhưng nằm
trong hệ thống Đế quốc Pháp. Nhờ thỏa hiệp này, tình hình Bắc việt được
khai thông. Ngày 18/6/1946, quân viễn chinh của Leclerc tiến vào Hà
nội. Ngày 26/3/1946, Leclerc gặp Hồ Chí Minh rất tốt đẹp. Ông ủng hộ một
giải pháp chánh trị cho vấn đề Việt nam. Qua tháng 5/1946, lực lượng
Leclerc kiểm soát toàn vùng Đông dương. Hội nghị Fontainebleau thất bại,
Hồ chí Minh tuyên bố kháng chiến để có cớ chạy lên Việt Bắc lánh nạn.
Phía
bên Việt minh có Tướng Giáp, người chống lại quân đội Pháp lúc đó. Năm
1990, gia đình Tướng Leclerc tổ chức lễ khai mạc Fondation Leclerc
(Paris). Họ mời cựu đối thủ của tướng Leclerc tham dự. Giáp không đi
được, vừa bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không cho phép, vừa sợ qua Pháp sẽ bị
cựu chiến binh Pháp tra hỏi ông về cựu tù binh Pháp. Bùi Tín là nhà báo
nói được tiếng Pháp, cũng là quân nhơn dưới trướng của Tướng Giáp, được
đề nghị thay mặt ông Giáp, cầm thư của ông Giáp qua tham dự.
Theo
Bùi Tín kể, việc ông đi đã được chấp thuận nhưng chẳng còn mấy ngày nữa
phải đi mà ông chưa nhận được giấy tờ gì hết. Sốt ruột, ông nói chuyện
với Gs Vật lý Nguyễn Hoàng Phương. Ông này rủ ông Bùi Tín đi coi bói.
Hai người ăn mặc xệch xoạc, cởi xe đạp đi ra khỏi Hà nội mươi km, tới
nhà một cô gái nhỏ mười mấy tuổi nhờ coi dùm chừng nào ông đi Pháp được.
Vừa dựng xe, bước vào nhà, cô gái nói ngay thắc mắc của ông Bùi Tín,
xác nhận việc đi đã có rồi, chỉ nay mai là đi. Và đi xa, đi phương Tây,
đi không trở lại. Cô gái nói cả tên, chức quyền của ông Tín đã làm cho
ông hoang mang vô cùng.
Trong lòng, ông Tín muốn đi ra nước ngoài
để có điều kiện vận động đưa cậu con trai và vợ chưa cưới của nó vượt
biển, vừa tới Hồng kông, đi định cư vì chúng nó tới đúng vào lúc trại
tiếp cư Hồng không đóng cửa, Ông đã thực hiện được điều quan trọng này
nhờ người bạn, ký giả Mỹ, tới Hồng kông lãnh vợ chồng cậu con trai, xin
cho đi định cư ở Canada.
Nhơn đây tưởng cũng nên nhắc lại vài
dòng về Gs Hoàng Phương. Ông vốn dạy Vật lý ở Đại học Hà nội. Sau này,
ông say mê vấn đề Tâm linh. Ông nghiên cúu và viết nhiều về thuyết
Trường sinh học làm một khoa học mới. Lúc dẫn ông Tín đi coi bói là lúc
ông mê ngoại cảm. Và ông làm Hội trưởng Hội Ngoại cảm ở Hà nội khi
những hoạt động ngại cảm được công khai. Ông muốn khai thác ngoại cảm để
tìm những tài nguyên còn chưa biết của Việt nam. (Dường như về sau này,
ông ở với bà Lệ, mẹ của Ls Lê thị Công Nhân).
Những ngày đầu tới Paris
Sau
lễ ở Fondation Leclerc, Cụ Tín tới Hội chợ "Nhơn đạo" của đảng cộng sản
Pháp tổ chức hàng năm tại thành phố La Courneuve. Ông Thị trưởng cũng
là cộng sản. Trước khi mất, Cụ Tín cũng ở tại đây, trong một căn nhà khá
khang trang gồm một phòng ngủ rộng, phòng khách và phòng ăn chung, nhà
bếp, nhà tắm và vệ sinh riêng. Cửa vào khóa tự động 2 lớp, có
interphone. Tiền nhà kể như không có vì an sinh xã hội phụ cấp. Với trợ
cấp già hằng tháng 750€, trả chi phí nhà, điện thoại, điện nước, ông còn
lại đủ ăn. Bịnh hoạn, thuốc men, nhà thương hoàn toàn miễn phí, cả xe
cứu cấp.
Trong thời gian chờ ngày về Hà nội, ông tình cờ gặp một
bà Việt Nam (bà B.), chồng người Pháp, đảng viên đảng cộng sản Pháp, nhà
ở ngoại ô phía Tây-Nam Paris. Đây là gia đình sanh sống ở Pháp lâu năm,
có công ăn việc làm, nhà cửa đàng hoàng. Dĩ nhiên bà là "Việt kiều yêu
nước" nên gặp Bùi Tín, mừng rỡ, rước về nhà giúp ông nơi ăn ở trong thời
gian còn ở Paris.
Có chỗ ở đầy đủ tiện nghi, con trai được đi
định cư, Cụ Bùi Tín thanh thảng tâm thần nên nghĩ phải làm gì thay đổi
Việt nam như các nước Đông Âu sau khi Liên-xô sụp đổ. Ông viết "Kiến
nghị của một công dân", gởi cho BBC công bố.
Sau khi Kiến nghị
được BBC công bố, Cụ Tìn rất hài lòng, bèn đem bản Kiến nghị đưa cho bà
B., chủ nhà đọc để chia sẻ quan điểm của ông. Không ngờ bà này đọc xong,
nổi giận đùng đùng, mắng ông là người phản đảng, phản đường lối bác Hồ.
Bà đuổi ngay ông ra khỏi nhà.
Thế là Cụ Bùi Tín ôm gói ra đi.
Sau
này, nói chuyện mới biết lúc đó ông tin tưởng ở ông Gíáp là người có đủ
điều kiện đứng lên, phất cờ dân chủ. Chắc chắn sẽ có đông đảo quân
nhơn, cả cựu quân nhơn theo ông. Một cuộc cách mạng dân chủ thật sự và
ôn hòa. Nhưng về sau, qua nhiều lần ông viết thư riêng, kín đáo gởi về
cho bà Bích Hà, vợ ông Giáp, để đưa lại ông Giáp. Nhưng ông Giáp không
dám có một lời nói cho dân chủ. Ông quá sợ. Sợ bị mất cái đang có và cả
cái sẽ được. Thế là ông Tín không nghĩ tới ông Tướng Giáp nữa. Ông trở
về với chính ông. Ông tận lực. Lòng người muốn, nhưng ông Trời chưa
chịu. Thế là Cụ đành ở lại xứ Tây cho tới ngày mất.
Duyên gặp gỡ
Lúc
ông Bùi Tín tới Paris, thay mặt Tướng Giáp, dự lễ Fondation Leclerc, cụ
Nguyễn Mạnh Hà có cho biết tin và có ý bảo nên gặp ông Tín để biết về
ông Giáp vì Cụ Hà có suy nghĩ ông Gíáp có thể có vai trò như tướng
Jaruzelsky của Ba-lan.
Tới khi Cụ Hà mất. Tại tang lễ ở nhà thờ
Ivry, mới có dịp gặp ông Tín. Tang lễ xong, có thì giờ nói chuyện với
ông về vai trò ông Gíap và Việt nam thay đổi dân chủ theo mô hình đông
Âu. Ông rất đồng ý. Từ đây, thường gặp nhau. Và gặp thêm nhiều người.
Tất cả trở thành bạn với nhau.
Rời khỏi nhà bà B., ông gặp một
người cộng sản cũ đang xin tỵ nạn ở Paris và đang chờ đón gia đình qua
đoàn tụ nên đã xin được căn nhà khá rộng, đồng ý cho ông ở tạm.
Một
hôm cuối năm, hai người làm tiệc mừng năm mới, khui Champagne, chúc
nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Khi ngà ngà hơi men, tay chủ nhà
không biết vì bị «ông ứng bà hành» hay sao, bổng hét lên, đuổi ông Tín
đi ngay. Nếu không, anh ta ném hết đồ đạt, giấy tờ của ông ra ngoài,
trong lúc trời đang đổ tuyết và mưa lất phất. Ông Tín chỉ sợ giấy tờ,
tài liệu báo chí của ông bị ướt. Ông giận quá làm máu lên cao. Ông bèn
điện thoại ông bạn (ông H.) ở Le Blancmesnil báo tin. Ông này cho mình
biết, nhờ báo cảnh sát can thiệp. Phần ông, ông kêu Pompiers (lính cúu
hỏa). Cụ Tín được đưa ngay tới nhà thương ở Vaujours nằm điều trị tim
mạch mất gần 20 ngày.
Ra nhà thương nhận hóa đơn hơn 80 000 quan
(francs). Làm sao Cụ Tín thanh toán được. Nhờ có cảnh sát để ý an ninh
cho ông trong thời gian ông nằm ở nhà thương, ông trình bày với cảnh sát
trường hợp của ông. Sau đó, ông Pasqua, Tổng trưởng Nội vụ cắt một ngân
khoản của ngân sách hợp tác khoa học kỹ thuật giửa Pháp và Việt nam, từ
thời VNCH mà sau này Hà nội tiếp tục thừa hưởng, để chi trả cho nhà
thương. Bị mất số tiền lớn, Tòa Đại sứ Hà nội ở Paris không tiếc lời
nguyền rủa ông Tín.
Ông Pasqua nói cho Bùi Tín biết việc này, ông
chỉ làm được một lần mà thôi. Nay hết bịnh, ông Tín phải về Hà nội hoặc
xin tỵ nạn cộng sản để ở lại.
Thế là ông Tín xin tỵ nạn chánh
trị. Hồ sơ của ông được giải quyết rất mau. Được giấy tỵ nạn, ông vứt
thông hành CHXHCN và ông thoải mái đi Mỹ, đi Canada, đi các nước Âu
châu. Với tư cách tỵ nạn cộng sản, ông hưởng đầy đủ quyền lợi về mặt an
sinh xã hội của Pháp.
Tang lễ Cụ Bùi Tín
Suốt thời gian
sanh sống ở La Courneuve, cụ Tín tuy xa gia đình nhưng bù lại, cụ có
nhiều bạn bè, đủ lứa tuổi, thương quí Cụ. Thường lui tới thăm viếng Cụ.
Cách
nay mười năm, trong nhóm bạn ở một thành phố ngoại ô Paris, có 4 Cụ tới
tuổi 80. Anh em họp nhau tổ chức lễ chúc Thọ cho các Cụ. Cụ Bùi Tín nói
lời cảm ơn làm cho hơn mươi người có mặt hôm ấy đều chảy nước mắt. Cụ
cũng không cầm được nước mắt. Cụ nói ở tuổi này mà sống một mình xa quê
hương, xa gia đình, đau buồn vô cùng. Nhưng nghĩ lại, Cụ cảm thấy vẫn
còn hạnh phúc bởi Cụ có nhiều bạn ở khắp nơi. Ai cũng thật lòng thương
Cụ. Dĩ nhiên trong số bạn này, không có người cộng sản, cả Việt kiều yêu
nước.
Cuối năm rồi, một nhóm bạn ở Pontoise nghe Cỏ May tôi nhắc
lại ý muốn tổ chức chúc Thọ cho 3 Cụ còn lại: Cụ Tín, Cụ Hiệp và Cụ
Trí. Chưa kịp làm thì nay Cụ Tín đã từ giã mọi người thân.
Tang
lễ của Cụ Bùi Tín cũng sẽ do bạn bè lo liệu giúp gia đình vì đều ở xa.
Sẽ có người con gái và con trai của Cụ tới để tang cho bố.
Ngày
tang lễ dự liệu là 27/8, hỏa táng, theo nghi lễ Phật giáo. Cụ đã soạn
sẵn Cáo phó cho Cụ, cả hợp đồng với nhà mai táng. Trong Cáo phó, Cụ ghi
Pháp danh là Thành Tín. Cũng là bút danh của Cụ. Năm 1995, Cụ qua Sydney
tham dự Hội thảo về sự nghiệp Hồ Chí Minh do Tập Họp đồng Tâm tổ chức.
Tại nhà trọ, Cụ đưa cho coi thư của cô cháu ngoại hơn mươi tuổi viết
thăm Cụ gọi Cụ là "Ông Thất Tín" để nhái giọng báo chí ở Hà nội chửi rủa
Cụ.
Nay Cụ Bùi Tín từ giã gia đình mà từ 28 năm qua Cụ sống xa.
Từ gĩa "gia đình thứ hai" của Cụ là bạn bè khắp nơi. Nhưng chắc chắn Cụ
sẽ về lại quê hương, gặp lại người thân mà Cụ đã mất do tuổi già, bịnh
tật, do chiến tranh.
Cụ như chiếc lá, vàng đúng độ, rồi rơi rụng.
Chiếc lá đã sống đủ đời sống của chiếc lá. Cụ Bùi Tín cũng đã sống trọn
vẹn đời một người. Cụ ra đi chớ không phải chết!
Trong Cáo phó,
Cụ ghi Pháp danh để xác định nơi Cụ có nguyện vọng tới. Sống, Cụ sống
đúng là người Việt nam vì cụ yêu nước nên đã vứt bỏ thẻ đảng, vứt bỏ 9
huy chương, huân chương của cộng sản. Khi chết, Cụ vẫn giữ nếp sống tốt
đẹp truyền thống của người Việt nam, trong dòng văn hóa dân tộc.
Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment