Tác giả Tâm Chánh
là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ
Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết
Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate
Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
****
Nếu bây
giờ ông Trời ban cho tôi một ước nguyện thì điều tôi sẽ cầu xin không một giây
ngần ngại: xin cho Cha của tôi được sống lại dù chỉ là một ngày để Mẹ tôi có
được niềm vui trước khi bà từ giã cõi đời, để cho các con tôi được gặp Ông
Ngoại. Một mơ ước thật hão huyền và sẽ không bao giờ đạt được nhưng tôi vẫn
khấn nguyện, vẫn ước mơ...
Người
Cha thân yêu của tôi bị bọn Việt Cộng khát máu đoạt mệnh trong biến cố tết Mậu
Thân năm 1968 khi tuổi đời của Ông chưa đến ba mươi bảy. Mẹ tôi trở thành góa
bụa ở tuổi ba mươi hai, cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của một người phụ nữ, bơ
vơ với sáu đứa con thơ dại và đứa con út mới tượng hình ở trong lòng.
Nửa
thế kỷ qua, lòng tôi chưa bao giờ ngưng tiếc nhớ, ray rứt, và đau khổ.
Thuở
đó, gia đình của tôi cư ngụ tại đường Bạch Đằng, một con đường nằm ngay tại
trung tâm của tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế. Con đường này song song với đường
Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng với những tiệm bánh mứt, kẹo mè xửng giòn, dẻo đủ
loại. Hai con đường cách nhau bởi giòng sông Gia Hội, nơi có những chiếc đò đưa
khách sang sông trong suốt bốn mùa.
Trong
khu đất rộng của Ông Bà Cố tôi để lại gồm có ba căn nhà: căn Nhà Cẩn có lối
kiến trúc xưa tọa lạc ngay chính giữa của khu vườn, là nơi thờ phụng tổ tiên
với các điện thờ và các cột trụ thiếp vàng chạm trổ rẩt tinh vi, với bàn ghế
giường tủ và các tấm mành đều được cẩn xà cừ. Nhà Tây được xây cất theo lối
kiến trúc của Pháp, nằm về phía tay trái của Nhà Cẩn. Ở giữa hai căn nhà có bụi
chè tàu rất lớn được trồng từ mấy đời trước, cành lá xum xuê cao quá đầu người.
Đằng sau Nhà Cẩn, qua một khu vườn đầy hoa Tường Vi là căn Nhà Mới được kiến
trúc theo lối tân thời.
Chúng
tôi đã sống thời thơ ấu hết sức êm đềm trong căn nhà của Tổ Tiên. Ông Bà Nội
của chúng tôi lúc đó đã không còn ở Huế, nhưng chúng tôi được sự thương yêu đùm
bọc của Ông Bà Ngoại. Cha tôi đi hành quân thường xuyên, mỗi lần về ông đều đàn
hát cho Me tôi nghe và chở chúng tôi lên thăm Ông Bà Ngoại. Mấy Me con líu ríu,
quấn quýt bên Cha trong hạnh phúc ngập tràn.
Một
lần về sau chuyến hành quân, Cha đem về một con chó. Ông gặp nó bị thương, nằm
bên vệ đường. Ông đã tự tay săn sóc vết thương cho đến khi con chó bình phục.
Kể từ đó gia đình chúng tôi có thêm một thành viên mới, chú chó Berger cao lớn.
Con chó hết sức quyến luyến Cha tôi. Nó vô cùng mừng rỡ bất cứ khi nào ông về
đến nhà, nó luôn luôn quanh quẩn ở bên ông khiến Mẹ tôi đôi lúc cũng bực mình
khi bị nó làm chộn rộn.
Những
tưởng cuộc sống sẽ được mãi ấm yên như thế… Nhưng tất cả đã thay đổi vào đầu
năm 1968.
Đêm
Giao Thừa Tết Mậu Thân, chúng tôi tụ họp ở nhà Ông Bà Ngoại để cúng tết và dùng
bữa với gia đình của các Cậu Dì đến từ các thành phố khác. Khoảng gần mười giờ
đêm bỗng có những tiếng nổ. Ban đầu mọi người đều ngỡ là ai đó đốt pháo Tết
sớm, nhưng chỉ sau vài phút, Cha tôi biết ngay là tiếng nổ của súng. Gương mặt
và đôi mắt Ông đầy lo âu. Chỉ trong khoảnh khắc, Ông nhận được điện tín về lệnh
chuẩn bi cấm trại và tuyệt đối đề phòng cảnh giác. Cha tôi xin phép Ông Bà
Ngoại để đưa Mẹ con chúng tôi về vì phải đi trực. Mọi người đều năn nỉ
Cha tôi ở lại vì có lẽ họ đã linh cảm được điều không hay nhưng Cha tôi cương
quyết từ chối. Ông nói là cấp chỉ huy thì không thể vi phạm kỷ luật quân đội.
Khi
gia đình tôi vừa về đến nhà thì con chó sủa vang và cứ cắn ống quần của Cha
tôi. Tuy vậy, Cha vẫn không chú ý đến những cử chỉ khác thường của nó vì ông
đang tìm cách liên lạc với cấp trên để nói chuyện. Con chó vẫn sủa ăng ẳng và
kéo ống quần của Cha. Đang ở trong tình huống căng thẳng, lo âu, Cha đã nạt lớn
và hất mạnh con chó sang một bên. Nó sợ hãi bỏ chạy ra ngoài sân, và hôm sau
những người giúp việc đã cố công tìm kiếm con chó nhưng không ai thấy nó.
Đêm
Mồng Một Tết, Việt Cộng (VC) tấn công. Vài ngày sau, chúng chiếm thành phố Huế.
Cha
bảo Me và tất cả chị em chúng tôi chạy qua trú dưới căn hầm của một gia đình
láng giềng cách nhà của chúng tôi năm căn. Cha ở lại nhà tiếp tục liên lạc điện
thoại, làm việc với cấp trên.
Sau
nhiều ngày chui rúc trong căn hầm, chúng tôi không nghe tin tức gì của Cha nên
Mẹ rất lo lắng. Rạng sáng ngày 10 tháng 2 năm 1968, Me tôi đã nhờ O Lan, cô
giúp việc trong gia đình, bò về nhà để thăm dò tin tức. Nhân lúc Me đang cho em
bé út chưa được một tuổi bú sữa, tôi lén đi theo O Lan.
Khi
O bò ra khỏi miệng hầm được một quãng ngắn thì O mới biết là có tôi đi theo. Dù
lo lắng Me tôi sẽ rầy la, nhưng O cũng mừng vì có tôi bên cạnh cho đỡ sợ.
Lúc
đó khoảng gần 5 giờ sáng, trời mùa đông xứ Huế vẫn còn tối đen và lạnh căm căm.
Vất vả lắm chúng tôi mới len qua được những hàng rào ở phía sau các khu vườn và
lẻn về đến nhà.
Chúng
tôi giật mình vì thấy người lạ đứng đầy sân. O Lan vội kéo tôi nằm sát xuống
đất sau bụi chè tàu ở giữa Nhà Cẩn và Nhà Tây.
Từ
đó, tôi trợn mắt cố nhìn xuyên qua bóng tối. Tôi rụng rời khi thấy Cha tôi và
các chú cận vệ đang bị trói ké tay trước hàng hiên của căn nhà Tây. Chúng đang
tra hỏi các chú Mãng, Chú Phấn, và chú Truật với những câu được lập đi lập lại
"Các anh muốn chúng tôi khoan hồng thì hãy khai ra những gì mà Thiếu Tá
Khán giấu diếm, bằng không đừng trách chúng tôi".
Khi
nghe vậy tôi và O Lan lâm râm cầu nguyện để các chú đừng khai mặc dù tôi không
thật sự hiểu bọn VC muốn các chú khai những gì…
Họ
bắt đầu đánh các chú. Tiếng đấm, đá bình bịch như xoáy vào đầu tôi. Rồi tôi
nghe giọng Cha tôi “Các anh muốn gì thì cứ hỏi tôi, binh lính của tôi không có
tội tình chi mà các anh hành hạ họ.” Tôi nghe chúng cười gằn rồi nói
"Thiếu Tá đừng lo, sẽ tới lượt chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của Thiếu Tá…"
Mấy
phút im lặng trôi qua, tôi không nghe được khi bọn chúng nói nhỏ những gì với
nhau. Lúc ấy, O Lan và tôi vừa lạnh vừa sợ, hai hàm răng của chúng tôi đánh lập
cập vào nhau. Chúng tôi càng co rúm người lại, tưởng như chúng sắp phát giác ra
sự hiện diện của chúng tôi.
Khi
trời tờ mờ sáng thì tôi và O Lan phải đổi tư thế để ngồi xổm lên để lá chè che
khuất. Từ chỗ núp, tôi đã thấy được rõ ràng cảnh tượng trước hiên nhà.
Bọn
VC mặc đủ sắc phục: đứa thì mặc nguyên bộ đồ nhà binh, đứa thì mặc quần tây, áo
sơ mi, nhưng trên cánh tay áo của chúng đều có đeo băng đỏ. Tên nào cũng cầm
một cây súng có họng dài và quanh lưng đeo băng đạn, có tên còn cầm lựu đạn
trên tay. Trong đám người mặt đầy sát khí này có một người đàn bà mặc bồ đồ
đen, tay cầm súng lục.
Chúng
vây lại quanh Cha, la hét tra khảo về những việc làm của Cha.
Cha
trả lời “Tôi có lý tưởng của tôi, các anh có lý tưởng của các anh, tôi không
khai báo, không chỉ điểm đồng đội của tôi.”
Chúng
gầm gừ, chửi rủa rồi quay báng súng đánh túi bụi vào đầu, vào mặt Cha.
Một
tên thét lớn "Vận mạng của cả gia đình mày đang nằm trong tay của chúng
tao. Nếu mày chịu khai báo thì chúng tao sẽ tha và không sai người đi lùng bắt
vợ con mày.”
Cha
thở hổn hển vì đau nhưng chỉ nói “Các anh cứ làm nếu thấy cần, tôi thà hy sinh
vợ con chứ không thể hèn mà đầu hàng các anh”.
Mụ
đàn bà la the thé “Đánh nữa! Đánh nữa đi!” Chúng vừa đánh vừa kéo một sợi xích
sắt lớn khóa chân Cha tôi và các chú cận vệ lại với nhau. Rồi những báng súng,
những cái đá, cái đạp lại liên tiếp giáng xuống đầu, xuống ngực, xuống lưng Cha.
Nước
mắt tôi rơi ràn rụa, ngực tôi nhói lên với từng tiếng hừ hự vang lên từ phía
Cha tôi…
**
Cha!
Đã năm mươi năm qua, con vẫn nhớ như in những giây phút ấy. Những giây phút
khủng khiếp mà lời lẽ không bao giờ đủ để diễn tả.
Những
cây súng giơ lên, quật xuống. Chúng vây quanh Cha, liên tiếp đánh.
Từ
sau bụi chè tàu, con đã đứng lên. Con gạt phăng tay O Lan đang hết sức níu lấy
con. Con nhào tới, xụp xuống lạy xin bọn chúng tha cho Cha và các chú.
Cha đã cố
ngẩng lên và nhìn thấy con. Cha sững sờ trong khoảnh khắc. Rồi Cha trầm giọng
bảo con phải can đảm, đừng van xin vô ích.
Con
bỗng nghe đau nhói trên đầu. Một bàn tay thô bạo đã xoắn tóc con, dúi đầu con
xuống đất, trước mặt Cha. Chúng gào lên rằng sẽ bắn con nát óc để xem Cha có
còn cương quyết từ chối khai báo nữa hay không.
Con
sợ hãi đến tột cùng, toàn thân con run bần bật. Con tưởng Cha sẽ đầu hàng nhưng
con đã nghe tiếng Cha bảo chúng rằng “Các anh cứ bắn con tôi đi, nếu các anh
muốn, nhưng tôi vẫn không thể làm theo lời yêu cầu của các anh”.
Con
khóc nghẹn từng cơn như sắp tắt thở, vừa van xin chúng, vừa năn nỉ Cha.
Và,
lúc đó, con đã bắt gặp ánh mắt Cha nhìn con. Ánh mắt đầy cương nghị, nhưng cũng
chan chứa thương xót, khổ tâm. Ánh mắt của Cha đã cho con thêm can đảm, thêm
nghị lực để chịu đựng. Con đã bớt hoảng loạn, đã có thể lắng nghe lời Cha trăn
trối. Cha dặn con phải thay Cha để lo cho Me, cho em. Khoảnh khắc đó chỉ dài
vài phút, nhưng mãnh lực của ánh mắt, lời nói trước khi Cha con mình vĩnh viễn
xa nhau đã theo con cho đến hôm nay.
Bỗng
nhiên có một tên VC khác chạy vào, bọn chúng tụ lại bàn nhau điều gì đó với vẻ
lo lắng. Cha nhìn thẳng vào mắt con lần nữa, mấp máy môi nói thật nhỏ “Con chạy
đi!” Rồi bất ngờ Cha la to “Anh em tấn công!” Bọn VC vội dàn hàng, quay mặt về
phía cổng chính. Ngay giây phút đó, con đã phóng qua bụi chè tàu, chạy thục
mạng ra khỏi vườn sau.
**
Sau
26 ngày, quân đội Quốc Gia đã tái chiếm Thành phố Huế. Con đã được cho theo
cùng với Ông Ngoại, Me, và chú Bốn tài xế để đi tìm Cha ngay lập tức.
Mọi
người khởi hành từ 4 giờ sáng ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thân. Trời còn tối
đen mà tiếng khóc đã rền rĩ khắp các nẻo đường. Từ cầu Đông Ba đi về phía cầu
Gia Hội, nhìn đâu cũng thấy xác người nằm la liệt.
Khi
con đến trường Gia Hội, thì những toán đi tìm đang đào những hầm chôn tập thể
lên. Có những nạn nhân chưa chết hẳn nhưng khi thân thể của họ được vực lên thì
đa số họ hộc máu và tắt thở trong vòng vài phút.
Mùi
tử khí đã khiến Ông Ngoại, Me, và con bị xây xẩm mặt mày nhiều lần. Đến khoảng
2 giờ chiều, sau khi đã tìm kiếm ở tất cả các mồ chôn tập thể ở sân trường Gia
Hội, Me đã đuối sức vì lúc đó Me đang mang thai mà không biết. Ông Ngoại đề
nghị trở về nhà và sẽ tiếp tục chuyện tìm kiếm vào ngày hôm sau. Ông cũng an ủi
Me con là biết đâu Cha đang bị chúng bắt làm tù binh. Chú Bốn cũng đồng ý, thế
là mọi người thất thểu quay về.
Mọi
người vừa qua khỏi cầu Gia Hội chưa đầy một thước bỗng nhiên con chó của Cha
bất thần xuất hiện. Mọi người chưa hết kinh ngạc thì con chó tru lên đầy ai
oán. Nó cắn lấy ống quần của Me, kéo bà đi theo nó. Ông Ngoại tái mặt, biết
ngay là điềm chẳng lành. Ông vội kéo con đi theo con chó.
Đến
cửa Thành Nội, ngay dưới chân bức tường đầy rêu phong là một nấm đất cao được
đắp sơ sài. Con chó dừng lại, ngửa cổ sủa liên tục. Dân ở những nhà gần đó kéo
ra, họ nói với Ông Ngoại là chính họ đã chôn cất Cha. Họ nói là thấy đám VC dẫn
đầu bởi Nguyễn Thị Đoan Trinh, và Hoàng Phủ Ngọc Phan, đã áp giải Cha tới
đó. Họ đã chứng kiến cảnh Cha bị đánh đập vô cùng dã man nhưng Cha vẫn
nhất định không hé một lời. Rạng sáng ngày 11 tháng 2, 1968, họ nghe tiếng súng
nổ, sau đó họ tìm thấy Cha nằm gục ở chân tường. Tuy biết Cha, nhưng họ sợ bị
trả thù nên đã phải đợi đến đêm hôm đó mới vội vã chôn Cha.
Khi
Chú Bốn đào huyệt lên, Me té xỉu khi vừa nhìn thấy Cha. Cha nằm đó trong cái
huyệt nông chưa đầy một thước. Sóng mũi Cha vẫn cao, đôi mắt Cha khép kín nhưng
khuôn mặt với nét cương nghị vẫn còn nguyên vẹn. Con đã run rẩy cúi xuống thật
gần để rờ mặt Cha. Con đã thấy những dòng máu khô đen từ những vết đánh ở hai
bên má và màng tang của Cha.
Cha
ơi! Con đã đứng nhìn Cậu dùng khăn tẩm rượu trắng để lau máu trên thân thể
cha. Chiếc áo len đen do chính tay Me đan bị lủng nhiều chỗ ở ngực nên con
biết là cha đã bị bắn nhiều phát vào tim. Qua chỗ rách Con còn thấy thẻ căn
cước của Cha lòi ra khỏi túi áo sơ mi trắng. Qua làn nước mắt ràn rụa, con thấy
các binh lính của Cha đóng áo quan cho Cha từ những tấm ván bởi vì cả thành phố
Huế chỉ còn một chiếc hòm nhỏ, không vừa với Cha.
Sau
đó, những chú lính đã cùng chú Bốn đưa Cha về lại nhà của mình.
Cha
nằm giữa phòng khách của Nhà Tây. Ở ngay nơi đó, chỉ một tháng trước chúng con
và Me còn quây quần cười nói bên Cha, nay chỉ có chúng con đội tang trắng xóa,
ngơ ngác khóc than trước di ảnh Cha. Con nức nở gọi Cha ơi nói chuyện với con
đi, đừng im lặng nhìn con như vậy nữa. Trong ánh nến lung linh, con đã thấy như
Cha đang đưa mắt nhìn nhìn theo từng đứa chúng con.
Ông
Ngoại bảo không nên di chuyển xa trong lúc tranh tối tranh sáng, VC nằm vùng
đang còn trà trộn khắp nơi. Các chú đã đào huyệt cho Cha ngay trong vườn, phía
bên trái của căn nhà Tây. Các vị sư chỉ dám đến để tụng kinh một tiếng đồng hồ
rồi hạ huyệt.
Giờ
phút cuối, chúng con đi vòng quanh áo quan trước khi các chú di chuyển Cha ra
huyệt, con thấy như ai đâm vào người con hằng trăm mũi dao nhọn. Con tự trách
mình đã bỏ chạy để Cha ở lại với bầy quỷ dữ, con tự giận mình không nghĩ ra kế
để cứu Cha cùng các chú cận vệ.
Rồi
chúng con lại phải ném những miếng đất xuống huyêt. Từng mảnh đất đen rơi lộp
bộp lên cỗ quan tài mà Cha nằm trong đó. Nỗi đớn đau trong lòng con không thể
có ngôn ngữ nào diễn đạt được, Cha ơi.
**
Cha
yêu thương, chuyện xảy ra đã năm mươi năm về trước nhưng hình ảnh của Cha cùng
ánh mắt Cha nhìn con trong những giây phút cuối cùng vẫn mãi mãi trong tâm trí
con.
Định
mệnh đã khiến con trốn Me đi về nhà để được gặp Cha, để được nghe Cha dặn dò
lần cuối. Định mệnh đã cho con thấy được ánh mắt cương nghị, đầy dũng khí của
Cha, dù Cha đã bị bọn người khát máu hành hạ. Ánh mắt chan chứa xót thương của
Cha đã nâng con dậy trong thời gian con bị khủng hoảng sau khi Cha ra đi, và
không biết bao nhiêu lần sau đó khi con ngã quỵ trong những tháng năm dài côi
cút.
Định
mệnh đã cho con cơ hội nhìn tận mặt để nhận diện những người đã giết Cha, mặc
dù mấy chục năm qua con chưa có can đảm tìm hiểu về những cái tên mà người mà
dân trong Thành Nội đã kể cho Me và con. Mãi đến đầu năm nay, 2018, Cô C.
đã gửi cho con xem cuộc phỏng vấn tên Hoàng Phủ Ngọc Phan về Tết Mậu Thân. Con
đã run rẩy suýt đánh rơi cái Ipad khi thấy mặt hắn. Năm mươi năm trước, vào
ngày 10 tháng 2 năm 1968, chính tên này đã dọa giết cả gia đình mình, chính hắn
và đồng bọn đã vung báng súng đập lên Cha và các chú.
Cha
yêu thương, đến giờ phút này con vẫn khâm phục tài trí của Cha. Cha biết chúng
không bao giờ tha cho Cha, dù Cha có khai báo. Vì thế, Cha thà chịu cho cha con
mình cùng chết, nhưng Cha đã quyết bảo vệ cho gia đình những đồng đội khác.
Từ
đó đến nay, con luôn nuối tiếc vì không còn nghe được tiếng Cha răn dạy. Đó là
nỗi mất mát to lớn của tụi con. Em út không hề nghe được giọng nói và không hề
thấy được gương mặt của Cha. Con cứ tưởng tượng đến nỗi khổ đau của Me,
và con đã khóc trong suốt mấy chục năm qua, nhất là mỗi khi chồng con vô tình
choàng vai ôm con để an ủi đã khiến hình ảnh Cha ôm Me ngày nào trở về rõ rệt
trong trí con. Con lại bật khóc như đứa trẻ lên năm.
Cha
ơi! Bây giờ con đã nên người, đã thành công, đã giữ trọn lời con hứa với Cha
năm nào, con đã làm tròn trọng trách Cha đã giao phó cho con. Tất cả các con,
các cháu của Cha đã thành nhân. Cha không có con trai nhưng đứa con gái mít ướt
này đã cho Cha một thằng cháu ngoại và đứa cháu ngoại này cũng cho Cha một đứa
cháu cố trai.
Vì ai
mà Cha không được một lần thăm chúng! Vì ai mà Cha lỗi hẹn với Me của con!
Viết
cho Cha mà nước mắt con vẫn trào và sẽ không bao giờ ngưng khi con nhớ đến
người Cha vắn số của con. Con hãnh diện được làm con của Cha, một người Cha đầy
lòng nhân hậu, đầy trí dũng cảm đã giữ đúng cương vị, tư cách, và uy tín của
một sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Nhớ Cha hoài.
Con gái mít ướt của Cha.
Tâm Chánh
Nguồn: vvnm.vietbao.com
Tâm Chánh
Nguồn: vvnm.vietbao.com
No comments:
Post a Comment